CŨNG MỘT VÌ SAO

Thứ Năm, 29 Tháng Mười 20204:00 CH(Xem: 4021)
CŨNG MỘT VÌ SAO


Gman


https://i0.wp.com/www.generalhieu.com/truc.jpg

Cố Chuẩn Tướng Lê Trung Trực.

LTS. Chuẩn Tướng Lê Trung Trực qua đời ngày 30 tháng 6 năm 2002 tại Orange County, California, thọ 76 tuổi. Thật tình, rất ít người biết về ông ta, nên tôi xin bạo gan viết một ít về ông hầu các bạn có thể có chút khái niệm về con người và sự nghịêp của ông. Chắc chắn còn rất nhiều thiếu sót nên mong các bạn đọc bổ túc cho. Tarin65.

Khi từ Pháp về ngày 24-2-1957, tôi trình diện Bộ Tư Lệnh Không Quân trong căn cứ Tân Sơn Nhứt vào ngày 26-2-1957, sĩ quan Việt Nam đầu tiên mà tôi được gặp là Thiếu Tá Lê Trung Trực, Tham Mưu Trưởng tại BTLKQ. Ông có tầm vóc không cao, tối đa 1,60m, đó là thước tấc tối thiểu cho một người lái. Vì trên máy bay, ai cũng biết, tay ngắn quá thì không với tới các nút vặn trước mặt hay mắt không nhìn được bên ngoài. Nếu để ghế ngồi cao lên thì chân lại không chạm bàn đạp để thắng hay lái cho chính xác được. Có người mô tả ông bằng câu “người ngồi không thấy chân”. Đó là sự thật. Nhưng cũng nên nhớ trên thế gian này, những người có biệt tài đều rất thấp khổ, như Georges Washington chẳng hạn, hay Hitler, và trong nước ta thì vị tổng thống đầu tiên cũng có chiều cao rất khiêm tốn. Riêng ông Trực, tôi không biết tài lái máy bay của ông ra sao cả, vì tôi về nước trễ nên chỉ thấy ông giữ các chức vụ cao chứ không hề thấy ông bay bất cứ một loại máy bay nào. Ông Lê Trung Trực là Tham Mưu Trưởng đầu tiên tại BTLKQ dưới quyền Đại Tá Trần Văn Hổ (Paul) từ 1955 đến 1957. Sau khi trình diện tại BTLKQ, tôi di chuyển về đơn vị đầu tiên của tôi tại Biên Hòa, Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát do Thiếu Tá Huỳnh Hữu Hiền chỉ huy, đồng thời Thiếu Tá Hiền cũng là chỉ huy trưởng Căn Cứ 2 Trợ Lực Không Quân, Biên Hòa. Vào khoảng cuối năm 1957 hay đầu năm 1958, Thiếu Tá Hiền thuyển chuyển về BTLKQ làm Tham Mưu Trưởng dưới quyền Phụ Tá Không Quân Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh, và Thiếu Tá Lê Trung Trực lên Biên Hòa thay thế Thiếu Tá Hiền chỉ huy Căn Cứ 2 Trợ Lực Không Quân, trong khi Đại Úy Hà Xuân Vịnh chỉ huy Phi Đoàn 1 Khu Trục và Trinh Sát.



Ở Biên Hòa, lúc ấy còn rất ít sĩ quan, nhà cửa dư thừa. Gia đình tôi được cấp một nhà biệt lập nhỏ nằm ngay đối diện với các nhà lớn dành cho cấp chỉ huy. Tuy vậy, rất ít khi tôi được tiếp xúc với Thiếu Tá Trực dù ông là đàn anh đồng môn. Ông xuất thân từ Trường Võ Bị Không Quân Pháp, khóa 1950. Là người đầu tiên theo học trường này trong số 60 người đã xuyên qua đây từ 1950 đến 1957. Liền kế sau ông là khóa 1952 gồm các đàn anh như Nguyễn Quang Côn, Lê Văn Khương(ngành cơ khí) và Lê Đình Cao, Nguyễn Xuân Vinh, Hà Xuân Vịnh(ngành phi hành). Trong thời điểm đó, Trường Võ Bị Không Quân Pháp tại Salon-de-Provence, có chương trình học hai năm tại trường, và các khóa sinh phi hành của Pháp đều được gửi qua Canada để thụ huấn bay bổng. Ông Trực đã được chuyển qua Marrakech để học lái theo khóa 51H mà chỉ có ông là người Việt. Trước ông có khóa 51B có anh Huỳnh Xuân Phong, và các anh La Vĩnh Sinh, Lý Tri Tình, Ôn Văn Hiển thuộc khóa 51B phụ, toàn là khóa sinh Hạ Sĩ Quan. Sau khóa của ông có khóa kế tiếp là khóa 52F1 gồm có:

-Sĩ quan khóa sinh:
*Huỳnh Hữu Hiền
*Phạm Ngọc Sang
*Huỳnh Minh Bon
*Huỳnh Bá Tính
*Đinh Văn Chung
*Phan Phụng Tiên
*Võ Công Thống

-Và Khóa sinh HSQ:
*Võ Bá Phược
*Nguyễn Hữu Chẩn
*Đỗ Cao Đẳng
*Nguyễn Ngọc Thăng
*Nguyễn Gia Thành

Sắp xếp như vừa nêu để các bạn nhận rõ vị trí thăm niên trong ngành Không Quân của ông Lê Trung Trực.
Trong cương vị chỉ huy trưởng căn cứ, ông Trực thường ngồi xe quân xa kiểu “staff car” của Pháp để lại trong khi thi hành nhiệm vụ, trong hay ngoài căn cứ, nhưng mỗi lần về Saigon thăm gia đình thì ông dùng xe riêng, một chiếc xe hơi Mỹ rất sang trọng thời đó. Hội hè sĩ quan trong căn cứ thì ít, nhưng ông thường tổ chức mời các chính trị gia trong khu vực Biên Hòa như các nghị sĩ, dân biểu và các chức sắc địa phương tỉnh Biên Hòa. Ăn nói nhỏ nhẹ, và cả vào các buổi chào cờ, ông cũng chỉ tổ chức riêng cho đơn vị của căn cứ mà thôi, chứ không tổ chức chung cho tất cả các đơn vị đồn trú như Công Xưởng Không Quân và Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát. Đối với đơn vị đồn trú, ông chỉ tỏ ra có tình anh em chứ không có ý gì lấn át quyền hành như nhiều nơi khác lấy quyền chỉ huy lãnh thổ để chi phối các đơn vị đồn trú trong lãnh thổ của mình. Ông chỉ lo nhiệm vụ yểm trợ của ông đúng theo qui định. Ở thời điểm đó, sĩ quan cấp nhỏ như chúng tôi, tuy thích ông nhưng thấy ông là một chính trị gia hơn là một sĩ quan cao cấp, lấy thịt đè người. Từ điểm đó, ta thấy sau này, ông đã vươn lên nhờ khả năng chính trị của ông chứ không vì thành tích quân sự.

Sau khi rời Biên Hòa vào khoảng 1961, không biết ông đã được bổ nhiệm đến đơn vị nào, hoặc ở Bộ Tổng Tham Mư hay Bộ Quốc Phòng. Mãi cho đến khi theo học khóa 4 Trường Cao Đẳng Quốc Phòng tại số 2 Đường Thống Nhất vào năm 1971, chúng tôi mới gặp lại ông. Trung Tướng Vĩnh Lộc chỉ huy trưởng Trường Cao Đẳng Quốc Phòng. Đại Tá Lê Trung Trực là chỉ huy phó của trường này. Trước khi theo học khóa này, khi đang làm việc tại BTLKQ với chức vụ Phụ Tá cho Tham Mưu Phó Huấn Luyện Trung Tá Nguyễn Khắc Ngọc, Đại Tá Trực điện thoại cho tôi và khuyên tôi hãy ghi danh theo học, vì đây là trường tốt nhất chuẩn bị cho sĩ quan cao cấp có đủ trình độ tham gia vào những công trình lớn của quốc gia, nghiên cứu sách lược quốc phòng. Tôi liền nghe theo và rất sung sướng được đàn anh chỉ lối, nhưng khi đó tôi còn mang cấp bậc Trung Tá, chưa đủ điều kiện cấp bậc vì phải Đại Tá mới được theo học. Ông Trực bèn hứa cho tôi miễn điều kiện cấp bậc nên tôi vội làm đơn theo học khóa 4 Cao Đẳng Quốc Phòng. May mắn thay, đơn chưa kịp gửi đi lại nhận thăng cấp Đại Tá, và cũng vì cấp bậc vừa thăng nên tôi càng phải rời nhiệm sở cũ để đi học.

Flickriver: Photoset 'Bộ tư lệnh Không Quân VNCH' by manhhai


Theo khóa học này, tôi mới có cơ hội hiểu thêm về con người của ông Lê Trung Trực. Nhớ ngày trình diện ông lần đầu tiên tại BTLKQ, tôi mang cấp Thiếu Úy, ông mang Thiếu Tá lại chức cao quyền trọng. Nay tuy chúng tôi đều là Đại Tá, nhưng thật tình đàn em còn cần rất nhiều sự hướng dẫn của đàn anh, cách tôi đến ba khóa ở Trường Võ Bị Không Quân Pháp. Trường Cao Đẳng Quốc Phòng là nơi mà ông Trực có thể phát huy sở trường của mình. Vốn thích hợp với văn hơn võ, ông tiếp xúc với chính trị gia, các đại sứ các nước tại Saigon, các giáo sư của các trường đại học khác để mở một diễn đàn tự do trong bốn vách tường của trường, bàn luận về mọi vấn đề chính trị, xã hội, quân sự, kinh tế mà ở các nơi khác không thể nói ra một cách thành thật được. Đây không phải là nơi dụ dỗ người ta phát biểu để tìm cách loại trừ phần tử chống đối chính quyền, mà là nơi mổ xẻ tận gốc mọi vấn đề mà chính quyền vì áp lực này nọ từ trong ra ngoài nên đã không giám đối diện. Dù ăn nói rất khúc chiết, nhưng ông Trực không phải là nhà hùng biện mà chỉ là một người nghiên cứu mọi vấn đề có chiều sâu. Điều ông thường căn dặn tôi, “cái gì không có lợi thì đừng làm”. Đó là một điều khó cho tôi, vì tôi thường nghĩ “cái gì nghĩ đúng thì cứ làm”. Sự đóng góp của ông Trực đối với Trường Cao Đẳng Quốc Phòng chắc không nhỏ. Khi rời Trường CĐQP rồi, tôi mang theo một hành trang khác hơn quá nhiều hành trang mà tôi đã nhận được từ Trường Command & Staff College ở Maxwell AFB, Montgomery, Alabama. Trước kia, tôi rất hãnh diện hiểu nhiều về “quản lý quân sự”(military management). Sau này, suy nghĩ về chính sách mới thấy là bao la.

Trở về BTLKQ làm việc vào giữa năm 1972, tôi lại thấy chìm đấm trong những vấn đề quân sự phức tạp mà người Mỹ sấp sửa để lại cho chúng ta. Sau khi Hiệp Định Paris được ký kết, Trường Cao Đẳng Quốc Phòng cũng đổi chủ. Đại Tá Lê Trung Trực thuyên chuyển về Phủ Tổng Thống, làm Trung Tâm Phó Trung Tâm Điều Hợp Thi Hành Hiệp Định Paris, và từ đó ông thăng Chuẩn Tướng.

Tháng 6 năm 1975, tôi lấy làm ngạc nhiên gặp lại ông khi đi trình diện học tập cải tạo. Rồi bẳng một thời gian cải tạo khá lâu, tôi gặp lại ông ở trại Nam Hà, Hà Nam Ninh. Chịu đựng 12 năm tù, ông chỉ định cư tại Mỹ vào những năm đầu thập niên 90, người đã tàn tạ nhiều. Sự nghiệp của ông, dù xuất thân một trường võ bị lớn của Pháp, ông không thành công trong nghiệp bay hay chỉ huy quân sự dù đã được rất nhiều cơ hội trong thời gian đầu. Cấp bậc cuối cùng của ông do Tổng Thống VNCH ban thẳng tại Phủ Tổng Thống. Từ năm 1972, ông theo đạo Tin Lành, chẳng những theo đạo mà còn học thêm về thần học để trở thành mục sư Tin Lành. Trong những tháng sau cùng trước khi lìa đời, ông phải phấn đấu với bệnh ung thư máu, mỗi tuần phải vào bệnh viện thay máu. Vài tuần trước khi ông mất, chúng tôi có đến thăm ông tại bệnh viện. Tuy nói năng khó khăn, nhưng trí ông vẫn còn minh mẩn, nhận ra tôi, một đàn em đã nhiều lần nghe theo lời chỉ dẫn của ông trong bước đường binh nghiệp. Nay thì ông đã ra đi vĩnh viễn như một sao băng…

Gman

Report this ad

Nguồn: https://hoiquanphidung.com/forum/c%C3%A1c-chuy%C3%AAn-m%E1%BB%A5c/v%C4%83n-ngh%E1%BB%87/truy%E1%BB%87n-vnaf/4075-b%E1%BA%A1n-gi%C3%A0-kh%C3%B4ng-qu%C3%A2n-t%C6%B0%E1%BB%9Fng-ni%E1%BB%87m?9158-B%E1%BA%A1n-Gi%C3%A0-Kh%C3%B4ng-Qu%C3%A2n-T%C6%B0%E1%BB%9Fng-Ni%E1%BB%87m=&viewfull=1#post24488

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn