Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn: MẶT TRẬN ĐẦU TIÊN CHIẾN TRƯỜNG DAKROTAH

Thứ Sáu, 16 Tháng Mười 20204:00 CH(Xem: 4658)
Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn: MẶT TRẬN ĐẦU TIÊN CHIẾN TRƯỜNG DAKROTAH

Bác Sĩ Nguyễn Duy Cung

https://dongsongcu.files.wordpress.com/2020/10/4cb55-nhatbook-doi-y-si-trong-cuoc-chien-tuong-tan-nguyen-duy-cung-2014.jpg

Cộng Sản càng ngày càng nuôi mộng thôn tính miền Nam nên lén lút xâm nhập Cao Nguyên, dự định đánh úp Sư đoàn tại tỉnh Kon Tum nhân ngày Quốc Khánh 22 tháng 10 năm 1960.  Cũng may là toán tiền thám tinh nhuệ của ta báo cáo kịp thời, ta đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó.  Địch quân biết âm mưu bại lộ liền chuyển mũi dùi tấn công chớp nhoáng cùng lúc vào các tiền đồn biên giới Mang Khiêng, Mang Buk, Toumerong, Dakha, Dakrotah.

Tôi được lịnh thay mặt anh ĐĐC, Y sĩ trưởng đại đội Quân Y đang bận công tác ở Quân Đoàn 2 Pleiku, tham dự phiên họp khẩn cấp trên Bộ tư lịnh Sư Đoàn 22BB để triển khai kế hoạch tác chiến.

Trở về đại đội, tôi cho tập họp đơn vị dưới sân cờ, Quân Y được lịnh cấp tốc ra mặt trận.  Từ ngày rời khỏi giảng đường, đây là lần đầu tiên tôi thật sự tham gia vào trận chiến.  Tất cả quân nhân đều hăng hái tình nguyện hành quân khiến tôi phải cùng ông Thượng sĩ thường vụ đại đội tuyển chọn, chỉ lấy một số người có kinh nghiệm chiến trường với 3 xe tản thương thuốc men đầy đủ.

Qua sông Dakbla, chúng tôi chạy hơn 100 cây số đường rừng ngang Dakto, Daksut, Dakpek tới bờ sông Dak Poko thì gặp cầu hư nên phải ngừng lại.  Bên kia sông cách vài trăm thước là ngọn đồi Dakrotah đang bị địch chiếm đóng, dọc theo triền đồi địch quân bố trí nhiều tay xạ thủ chuyên môn bắn sẻ.

Một số thương binh băng đường rừng về được đang nằm rải rác ngoài mặt lộ. Tôi cẩn thận xem xét tình trạng của từng người, các vết thương được y tá rửa sạch bằng thuốc sát trùng, băng bó lại, chích thuốc ngừa phong đòn gánh, thuốc giảm đau, trụ sinh… nhiều binh sĩ bị mất máu phải cho chuyền dung dịch.  Anh y tá trưởng làm nhanh thủ tục hành chánh để chuyển bịnh, tôi ký tên trên tấm bảng màu vàng ghi nhận thương tích và đeo trước ngực bịnh nhân.  Sau đó chuyển thương binh lên xe Hồng Thập Tự chở về hậu cứ, một y tá được chỉ định theo xe .

Công việc xong xuôi thì đã xế chiều, mặt trời khuất dần sau ngọn đồi, tôi bắt đầu thấy hơi lúng túng khi tìm chỗ trú ẩn an toàn cho toán Quân Y còn lại, nhìn quanh thấy bên phải là một bãi cát trắng xa xa với những lùm cây thấp, bên trái đường 14 có ngọn đồi là Bộ chỉ huy của một tiểu đoàn BB đang trấn đóng, sau lưng là đơn vị tăng cường của Sư Đoàn 23BB từ Qui Nhơn lên, đang đào hầm phòng thủ… Gần bên lề đường có hai khúc cây cổ thụ được xe be kéo về bỏ đó, thân cây to lớn, cành lá còn xum xuê, hai đầu gát lên nhau giống như một pháo đài thiên nhiên, tôi bàn với anh em chọn đó làm nơi trú ẩn qua đêm.  Khi mọi người đã vào vị trí an toàn, mới thấy bụng đói cồn cào vì từ sáng đến giờ chưa ai có hột cơm vô bụng.  Vậy là tôi phân công tác cho anh em, người thì đào lỗ đặt cái nồi “đại táo” xuống, kẻ đi kiếm củi khô nhúm lửa, người xuống suối múc nước vo gạo, kẻ quanh quẩn kiếm thêm thức ăn tươi, phần tôi dùng cái xuổng xúc cát rửa sạch làm cái vá quậy gạo cho đều, lần đầu tiên trong đời tôi làm “Hỏa đầu quân” nên nấu cơm thành ba tầng: khét dưới đáy, nhão ở giữa, và sống nhăn trên mặt, tuy vậy mùi cơm khê tỏa ra thơm lừng cũng hấp dẫn mấy anh em. 

Có một anh mới đó đã lân la qua các đơn vị bạn và xuống tận nhà dân dưới xóm trổ tài khám bịnh ghẻ, chỉ cách dùng thuốc trụ sinh, thuốc ho . .. được thân chủ thấy cảm tình, tặng cho miếng thịt luộc và nửa con gà quay (chắc bữa đó nhà có đám giỗ!) Bữa cơm dã chiến coi vậy mà ngon hết biết, mọi người có vẻ thú vị với cuộc sống mới lạ, biết tìm cách thích ứng trong hoàn cảnh khó khăn.  Ai nói Quân Y chỉ biết ống chích với cục bông gòn? Hể là lính thì phải giỏi đủ thứ, biết tùy thời và linh động. Ăn uống xong mới nghĩ đến vấn đề an ninh đêm nay, trong rừng trời tối rất nhanh, các đơn vị bạn đóng quân chung quanh nhưng chưa ai biết ai, rủi ro địch nổ súng tấn công, anh em không biết lại bắn lầm nhau. .  Nghĩ tới điều nầy tôi giật mình, bàn với anh trung sĩ nhất phụ tá phải đi gặp từng đơn vị đề nghị một buổi họp bỏ túi chớp nhoáng trước khi mặt trời lặn hẳn. 

Tiểu đoàn bộ binh có nhiều kinh nghiệm chiến đấu được toàn quyền chỉ huy, soạn thảo kế hoạch phòng thủ, trao đổi mật khẩu mật hiệu.  Mọi người đồng ý tuân theo, chúng tôi về lại vị trí “pháo đài thiên nhiên” chia nhau canh gác.  Đêm đó, lần đầu tiên ra chiến trận, giữa núi rừng trùng điệp âm u, trong vị trí phòng thủ của mình, tôi chập chờn giấc ngủ nửa thức nửa tỉnh, lòng lo sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng cũng yên tâm vì biết sau lưng và hai bên sườn toán Quân Y của mình, những cánh quân bạn đang canh chừng thủ thế.

Trời vừa hừng sáng đã nghe tiếng chim ríu rít trong tán lá trên đầu, tiếng gà rừng eo óc xa xa, trên ngọn cây bên kia đồi một đàn khỉ đang nô đùa rượt nhảy, chuyền thoăn thoắt từ cành nọ sang cành kia kêu la chí chóe.  Anh y tá trưởng chỉ vào bụi lau thưa, ngồi khuất trong đó là anh hạ sĩ nhất Mã Xay vẫn lom lom cây súng Carbine trên tay chỉa về phía trước trong tư thế sẵn sàng.  Cũng may là tối qua không có điều gì bất trắc.  Anh em có một đêm yên tỉnh, an lành giữa chiến trường.  Sáng hôm đó Trung Tá Nguyễn Bảo Trị, tư lịnh Sư Đoàn ra thăm mặt trận đã khen ngợi sáng kiến tổ chức phòng thủ của Quân Y.  Chúng tôi tháp tùng theo ông lội bộ lên đồi.  Địch quân hôm qua bị ta phản công, đánh bật ra khỏi công sự phòng thủ của họ, chiếm lại đồn Dakrotah đã mất trước đó không lâu. 

Quang cảnh chiến trường còn ngổn ngang xác chết và vũ khí địch rải rác.  Chung quanh chúng tôi mùi thuốc súng khét nồng dày đặc trong không khí, dưới đồi một chiếc xe công chánh bị cháy đen thui còn trơ trọi khung sắt trông thiệt thảm hại. Quốc lộ 14 từ Dakrotah đến Daknhe, Thường Đức được khai thông trở lại.  Các đơn vị bộ binh tham dự cuộc hành quân từ từ rút về hậu cứ, toán Quân Y đi sau cùng để chăm sóc cho những thương binh còn sót lại mới được anh em võng ra để nằm dọc theo lộ.  Trên đường về thấy chiếc xe vận tải nằm nghẽn trên đèo đã được kéo đi, làm tôi nhớ đến cái chết thảm thương của Thiếu tá T.  cách đây vài hôm.  Ông lái xe Jeep trên đường ra mặt trận Dakrotah, tới chỗ nầy thì gặp một chiếc xe vận tải bị hư nằm lưng chừng dốc, sát bên vách núi, khoảng trống đường còn lại quá nhỏ cho một chiếc xe vượt đèo, ông lái cẩn thận chầm chậm để qua, nhưng gặp trời mưa đường trơn, hai bánh trước vừa qua lọt chỗ hẹp thì đất phía sau thình lình lỡ ra, chùi xuống làm xe ông mất thăng bằng lật luôn nhiều vòng xuống hố, trên xe có cả thảy bốn người, ba người bị thương, riêng ông chết vì chấn thương nặng sau gáy.  Trước đó vài giờ, chúng tôi còn gặp nhau trong quán nước dưới đồi, đoàn Quân Y chúng tôi nhường đường cho xe ông đi trước và chuyện không may đã xảy ra…

Tai nạn thương tâm nầy cứ ám ảnh tôi mỗi khi nghĩ đến kiếp sống phù du của con người bé nhỏ, dễ tan biến theo luật sắc sắc không không, bào ảnh.  Chúng ta, nói cho cùng chỉ là cây sậy nhỏ bé yếu đuối trong vũ trụ bao la, không ai biết trước được những gì sẽ xảy đến cho mình, kể cả lúc thân xác mình tan nát, biến đi vào hư không.  Nếu hôm đó xe của tôi đi trước thì sao? Sống chết rõ ràng do Thượng Đế an bày cho số phận của mỗi con người.  Tôi nghĩ là mình may mắn trong lần nầy nên tâm niệm với lòng như một phương châm “Vì bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng cứu nhân của người Thầy thuốc, mỗi ngày nên cố gắng làm những điều tốt nhất giúp cho đời và bình thản chấp nhận những gì không may xảy đến cho mình mà không thở than hay luyến tiếc. ”

Giữa cảnh núi non trùng điệp miền biên ải, xa xa ngọn núi Quần Sơn Ngọc Lĩnh vươn cao ngạo nghễ, linh thiêng huyền bí, nhìn xuống thung lũng mịt mù, đâu đâu cũng thấy một màu khói lam lãng vãng khiến lòng tôi chùng xuống buồn rầu tự hỏi “Bao giờ chấm dứt chiến tranh? Bao giờ người dân hiền lành không còn chịu đựng cảnh bom đạn điêu tàn đang xảy ra từng ngày trên quê hương mình? Bao giờ những người lính được giã từ vũ khí để trở về sống bình yên bên mái ấm gia đình mà lâu nay họ thiếu thốn?”

Report this ad

Nguồn: http://vnchtoday.blogspot.com/2020/10/oi-y-si-trong-cuoc-chien-tuong-tan.html

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn