Toán A-160 Lực Lượng Đặc Biệt: Trận Vàm Cỏ Đông 1968

Thứ Năm, 15 Tháng Mười 20204:00 CH(Xem: 5606)
Toán A-160 Lực Lượng Đặc Biệt: Trận Vàm Cỏ Đông 1968
  • Vương Hồng Anh
https://benxua.files.wordpress.com/2020/07/trai-luc-luong-dac-biet-tra-cu..jpg?w=540&h=408&zoom=2

Căn cứ LLĐB/CIDG Trà Cú (Ảnh của brownwater-navy.com).

* Toán A-316 Lực lượng Đặc biệt và Biệt kích quân trại Trà Cú:
Từ 1967 đến giữa năm 1970, trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa có 38 trại biên phòng do các đại đội Biệt Kích quân thuộc Lực lượng Dặc biệt (LLĐB) đảm trách. Riêng tại Vùng 3 chiến thuật có 11 trại: đó là các trại Trà Cú, Bến Sỏi, Thiện Ngôn, Lộc Ninh, Đức Huệ, Katum, Tây Ninh, Hớn Quản, Tống Lê Chân, Trảng Sụp, Bù Đốp, trong đó trại Trà Cú được thiết lập ngay yết hầu ra vào các mật khu của CQ. Theo hệ thống tổ chức áp dụng cho các trại biên phòng, trại do toán LLĐB có ám số là A-160/C3 (sau đổi thành A-316) chỉ huy và có 1 toán A LLĐB Hoa Kỳ đảm nhiệm vai trò cố vấn. Tính đến giữa năm 1970, quân số tại hàng của trại hơn 330 chiến binh, gồm 3 đại đội Biệt kích quân (Dân sự chiến đấu cải danh), 2 trung đội thám sát, một phân đội Pháo binh gồm 1 khẩu đội đại bác 105 ly và 1 khẩu đội 155 ly. Đến ngày 31 tháng 8-1970, theo kế hoạch cải tuyển các đơn vị biên phòng, lực lượng Biệt kích quân trại Trà Cú được chuyển thành tiểu đoàn 64 Biệt động quân biên phòng với quân số tiên khởi là 334 quân nhân.
Trước khi cải tuyển sang binh chủng Biệt động quân, chiến binh Dân sự Chiến đấu là những người lính không số quân, do LLĐB Hoa Kỳ tuyển mộ, trang bị vũ khí, quân trang, trả lương. Các chức vụ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng thường được giao cho các Biệt kích quân có năng lực đảm nhận.
Trở lại với hoạt động của trại Trà Cú, cũng giống như các trại biên phòng khác, lực lượng trại luôn luôn có nửa quân số hoạt động ngoài trại để truy lùng, ngăn chận và phục kích các cuộc chuyển quân của địch trong vùng trách nhiệm. Trong thời gian từ 1967 đến 1969, các trung đội thám sát, đại đội Biệt kích quân hoạt động bên ngoài trại đã thường xuyên chạm địch, nhất là trong những lần phục kích đêm dọc theo sông Vàm Cỏ Đông. Riêng trong mùa hè 1968, nhiều trận kịch chiến đã xảy ra ở vòng đai của trại Trà Cú. Sau đây là một số hoạt động của LLĐB và Biệt kích quân trại Trà Cú trong nỗ lực ngăn chận dịch, được biên soạn dựa theo một số bài viết của cựu thiếu tá LLĐB Phạm Châu Tài phổ biến trong tạp chí KBC và hồi ký của cựu LLLĐ Nguyễn Văn Dinh thuộc toán A-160 trại Trà Cú, đăng trong đặc san Gia Đình 81 Biệt Cách Dù.

https://benxua.files.wordpress.com/2020/07/xuong-bay-cua-lldb-tai-tra-cu-1.jpg?w=540&h=338&zoom=2

Xuồng bay Hurricane Aircat của LLĐB-CIDG Trà Cú (Ảnh của brownwater-navy.com).

* Chuyên viên LLĐB Nguyễn Văn Dinh và Trại Trà Cú:
Tháng 10/1967, sau khi mãn khóa 13 LLĐB ở Đồng Ba Thìn, anh Nguyễn Văn Dinh về trình diện đại đội Tổng hành dinh bộ Tư lệnh LLĐB ở Nha Trang. Sau đó anh nhận sự vụ lệnh về C3/LLĐB (bộ chỉ huy LLĐB Vùng 3 chiến thuật), đóng cạnh bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ở Biên Hòa. Bốn ngày sau, anh Dinh được C3 cấp sự vụ lệnh tiếp tục xuống B-17 (chỉ huy các toán A LLĐB) ở quận Đức Hòa và trình diện thiếu tá Thạch Tiên, chỉ huy trưởng B 17. Anh Dinh ở đây hai ngày để chờ trực thăng xuống Trà Cú, toán A 160/C3/LLĐB.
Ngày N, anh Dinh đến Trà Cù. Từ trên trực thăng nhìn xuống, anh chỉ thấy nước và ruộng, thỉnh thoảng có những ô vuông chung quanh hàng rào là những cụm tre của những căn nhà bỏ hoang. Dọc theo con sông Vàm Cỏ Đông, dẫn dài từ Hậu Nghĩa qua Lương Hòa, Hiệp Hòa, Trà Cú, Gò Dầu, Bến Sỏi và qua Căm Bốt. Trại nằm trên ngã ba sông Vàm Cỏ Đông, cách quận Đức Hòa 17 km đường chim bay, cách mật khu Ba Thu 1 khoảng 9 cây số, mật khu Ba Thu 2 khoảng 13 km. Cả hai mật khu CQ này đều nằm sát biên giới Việt-Căm Bốt. Tại trại có sân bay nhỏ với chiều dài khoảng 200 mét để trực thăng vận chuyển quân và tiếp tế lương thực. Về phương tiện hoạt động, trại có 20 chiếc bobo bay và 10 chiếc bobo thường để chuyển quân. (Về Pháo binh, Anh Dinh kể là trại có 2 pháo đội 105 ly và 105 ly, do 1 trung sĩ chỉ huy, tuy nhiên khi dối chiếu với các bài viết của một số cựu sĩ quan cao cấp của LLĐB.VNCH thì tại mỗi trại Biên phòng thường chỉ có 2 khẩu 105 ly hoặc 1 khẩu 105 và 1 khẩu 155 ly, có thể tác giả anh Dinh đã ghi lầm “khẩu đội” (phụ trách 1 khẩu, khẩu đội trưởng là 1 hạ sĩ quan) thành “pháo đội” (phụ trách từ 4 đến 6 khẩu tùy theo tổ chức Pháo binh cho từng binh chủng bộ chiến và tình hình chiến trường, về cấp chỉ huy, pháo đội trưởng là sĩ quan có cấp bậc ấn định theo bảng cấp số là đại úy). Riêng các tiểu đoàn Pháo binh của các Sư đoàn Bộ binh, thông thường mỗi tiểu đoàn có 3 pháo đội, mỗi pháo đội có 6 khẩu đội).

Khi đến Trại Trà Cú, anh Dinh được biết trại mới bị đánh mấy tháng trước, đại úy Lê Kỳ Lân bị thương hư mất một mắt, đại úy Phạm Châu Thới xử lý thường vụ, sau đó đại úy Lâm Râu thay thế. Thường vụ trại là thượng sĩ Tống Văn Lèm, anh Dinh là chuyên viên phụ trách “phá hoại”, trung sĩ Hòa phụ trách Pháo binh, hạ sĩ quan Quân số là trung sĩ Hiểu, ngoài ra ban chỉ huy trại có 1 hạ sĩ quan Quân y và 1 hạ sĩ quan Truyền tin. Trong thời gian phục vụ tại trại, anh Dinh đã ghi lại trong hồi ký như sau:
Thỉnh thoảng địch pháo kịch vào trại và bắn sẻ từ bên kia bờ sông. Từ trại đến các nơi khác không thể đi bằng đường bộ, phương tiện duy nhất là trực thăng, vì chung quanh là vùng hoạt động của VC từ Căm Bốt qua. Địch thường dùng bombi Bêta và những trái đạn bắn chưa nổ để gài dọc theo những con đê, những bụi cây hay những chỗ khô. Tại những nơi rậm rạp địch cắm cờ, cắm bảng ghi “bất khả xâm phạm, vùng cấm địa”. Trong khi tiến hành các cuộc hành quân lục soát, thỉnh thoảng Biệt kích quân đạp phải mìn hay bom bi, trong nhiều cuộc hành quân, tôi đã tháo gỡ hàng trăm quả bombi và Bêta. Thường ngày, khi thực hiện các cuộc hành quân lục soát, đơn vị thường đụng độ với các toán du kích và giao liên VC.
Địch di chuyển thực phẩm, thuốc men vào mật khu Ba Thu 1 và Ba Thu 2. Từ mật khu Ba Thu, một con kinh nhỏ chạy dài ra sông Vàm Cỏ Đông, con kinh này được anh em trại Trà Cú đặt tên là Kinh Đẫm Máu. Trong các cuộc hành quân phục kích, Biệt kích quân đã bắn hạ hàng trăm VC, địch dùng ghe tam bản để vận chuyển thuốc men, thực phẩm và cán bộ giao liên ra vào hoạt động nội thành. Các cuộc vận chuyển thường diễn ra ban đêm, mỗi khi có phi cơ thám thính L 19 hay trực thăng bay qua, địch nhận chìm ghe xuống sông, chờ êm êm lại lật ghe tát nước để tiếp tục di chuyển. Đó là chuyện bình thường, xảy ra hàng ngày.
Tháng 2/1968 (Mậu Thân), hai trại Trà Cú và Đức Huệ phối hợp tổ chức cuộc hành quân tảo thanh, kết quả đã bắn hạ 3 VC, tịch thu 3 AK 47, riêng tôi bắt sống 1 VC và tịch thu 1 AK 47. Tháng 5/1968, sau đợt 2 cuộc tổng công kích, 1 trung đoàn CQ bị tiểu đoàn 81 BCND đánh bật khỏi hãng giấy Vinatexco Bà Quẹo, địch rút về nằm bên sông Vàm Cỏ Đông chờ đến đêm tối qua sông để vào mật khu Ba Thu 1 và 2. Sau bữa cơm trưa (ngày N), trung sĩ Lê Văn Hiếu còn đang giỡn với hai đứa con gái của anh, đứa lớn hơn 2 tuổi, đứa nhỏ mới 9 tháng (các trại biên phòng đều có khu gia binh cho gia đình quân sĩ). Tôi biết hôm nay tới lần anh đi hành quân. 2 giờ 45 phút anh ghé phòng truyền tin để kiểm soát pin và thử máy truyền tin. Đúng 3 giờ chiều, anh ra lệnh cho trung đội Thám sát 1 ra cầu xuống bobo đổ quân qua sông, sau đó đến đại đội. Trong chốc lát, đoàn quân đã biến dạng, cuộc hành quân luôn luôn kéo dài 4 ngày, đôi khi cũng thay đổi theo tình hình. Chiều xuống, các toán tiền đồn đã bắt đầu thay nhau làm công tác báo động. Tiếng súng nổ vang rền, cộng thêm tiếng súng phóng lựu M 79 lẫn lộn cách trại khoảng 2 cây số về hướng nhà máy đường Hiệp Hòa dọc theo bờ sông Vàm Cỏ Đông. Lúc đầu tôi tưởng các toán tiền đồn đụng, nhưng những kinh nghiệm của người lính già, ông Thượng sĩ thường vụ từ tốn trả lời: Hành quân nó đụng địch rồi. Trong hầm chỉ huy, có tiếng báo cáo: bộ chỉ huy lọt vào vòng phục kích. Tiếng của Biệt kích quân mang máy báo cáo là người khác, người mang máy đã chết. Trung sĩ 1 Lê Văn Hiểu chỉ huy trung đội, trung sĩ 1 cố vấn Mỹ về liên lạc truyền tin, đại đội trưởng Biệt kích quân, tất cả đã tử trận, cán bộ phụ tá Nguyễn Văn Tuyên,trung úy toán phó toán cố vấn bị thương.
Đại đội trở về, chị Hiểu dắt một đứa con gái lớn hơn 2 tuổi, tay bồng đứa nhỏ mới 9 tháng, nước mắt ràn rụa, hỏi: Anh Hiểu có sao không” Tôi thấy rõ từng người một rơm rớm nước mắt, bỏ đi ra phía sau phòng ăn, càng lúc tiếng gào thét và tiếng khóc càng rõ nghe thật đau khổ nghẹn ngào. Tôi được lệnh cùng trung sĩ 1 Dương dẫn đại đội Biệt kích quân và trung đội Thám sát 2 lên tiếp viện và lấy xác. Đồng hồ lúc này là 5 giờ 45 chiều. Được vận chuyển qua sông bằng Bo Bo, có hai chiếc trực thăng cán gáo mà chúng tôi thường gọi là nòng nọc hướng dẫn và yểm trợ, đại đội hướng về mục tiêu. Những tràng đạn M 79 từ hai trực thăng nhả xuống những bụi cây rậm rạp, lùm tre. Hai chiếc Cobra Gunship đang tác xạ vào mục tiêu.
Địch không biết quân số của ta bao nhiêu. Hai khẩu đội 155 ly và 105 ly của trại nổ dồn không ngừng nghỉ. 7 giờ 25 đến mục tiêu, đơn vị bị thương 2 Biệt kích quân nữa. Tôi nhận lệnh cho di chuyển tất cả ra bờ sông, trực thăng xuống bốc xác và các người bị thương đi. Địch kháng cự yếu ớt, chúng tôi sử dụng M 79 tối đa, chiếm từng bờ đê. 8 giờ 10 tối, đại đội được lệnh thu dọn chiến trường mau lẹ. Tổng cộng đơn vị tịch thu được 14 khẩu AK 47, 2 trung liên, 2 B 40, 1 B 41, một cây thượng liên phòng không và nhiều ruột tượng cơm khô, gạo rang. Xác VC nằm ngổn ngang qua bờ đê, trong bụi và dưới nước. Khi chúng tôi trở về trại, chị Lê Văn Hiểu cùng hai đứa con đã được trực thăng đưa về bộ Chỉ huy B 17 ở Đức Hòa, chỉ còn lại căn hầm trống và cái võng trước sân cửa hầm.

Nguồn: https://vietbao.com/a42738/toan-a-160-luc-luong-dac-biet-tran-vam-co-dong-1968

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn