Trận Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù Tham Chiến Ở Cụm Đồi Charlie

Thứ Tư, 23 Tháng Chín 20204:00 CH(Xem: 6601)
Trận Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù Tham Chiến Ở Cụm Đồi Charlie

Vương Hồng Anh

huy-hieu-dai-doi-110-td11nd
Huy hieu ai doi 111, TD11ND .jpg
Huy hieu dai doi 112 td11nd  .jpg
Huy hieu dai doi 113 td11nd .jpg
https://bienxua.files.wordpress.com/2016/10/huy-hieu-114-td11nd.jpg?w=105&h=89&zoom=2

* Từ đồi hỏa lực Delta đến tuyến phòng thủ Charlie:
Trong hai số trước, chúng tôi đã trình bày diễn tiến của cuộc hành quân lữ đoàn 2 Nhảy Dù tại vùng đồi chiến lược Bắc Kontum từ hạ tuần tháng 3/1972 đến thượng tuần tháng 4/1972. Theo phối trí, 5 tiểu đoàn thống thuộc lữ đoàn 2 Nhảy Dù được phân nhiệm án ngữ chận địch dọc theo cụm tuyến phòng thủ theo hình cánh quạt, bắt đầu từ căn cứ Alfa (Anh Dũng) ở hướng Bắc đến căn cứ Yankee (Yên Thế), lần xuống hướng Nam có căn cứ Charlie, Delta, Hotel, Metro, cuối cùng là căn cứ Bravo ở phía Đông của Võ Định, trách nhiệm bảo vệ phi trường Phượng Hoàng và tuyến phòng thủ ngoại vi cho căn cứ Tân Cảnh (bản doanh bộ Tư lệnh Hành quân Sư đoàn 22 Bộ binh).
Trong những ngày đầu của tháng 4/1972, trong lúc căn cứ Delta bị áp lực quá nặng của CQ thì căn cứ Charlie hoàn toàn yên lặng. Đại tá Trần Quốc Lịch, lữ đoàn trưởng lữ đoàn 2 Nhảy Dù biết rằng địch quân không có khả năng mở hai mặt trận một lúc, đối phương thừa rõ đang gặp phải đối thủ có tinh thần và khả năng chiến đấu vượt trội hơn các binh đoàn chủ lực CSBV. Tuy nhiên CQ vẫn không để Charlie yên, đối phương đã sử dụng pháo binh 130 ly để bắn vào mỗi khi có trực thăng đáp xuống. Từ những dấu hiệu đó, đại tá Lịch đã ước tính là CQ sẽ tấn công căn cứ Charlie. Trong lần thị sát căn cứ này vào ngày 1/4/1972, vị lữ đoàn trưởng lữ đoàn 2 Nhảy Dù dặn trung tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng, phải làm hai hầm trung tâm hành quân (TOC). Trong khi đó, về phần yểm trợ hỏa lực, thiếu tá Bùi Đức Lạc, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 Pháo binh Nhảy Dù, cũng đã nhắc các tiền sát viên Pháo binh những điểm lưu ý cần phải điều chỉnh ngay: tác xạ cận phòng, tác xạ tiên liệu, vạch sẵn những tác xạ tiêu hủy ngay trên điểm đóng quân. Căn cứ vào những tác xạ cận phòng đã được điều chỉnh thận trọng, vị tiểu đoàn trưởng Pháo binh Nhảy Dù đã quan tâm và lo ngại hướng Tây Bắc của căn cứ vì hướng này Pháo binh phải bắn góc cao khi thực hiện những tác xạ này. Trước khi ra về thiếu tá Lạc nói đùa với trung tá Bảo:
– Căn cứ này giống A Lưới quá (A Lưới là tên điểm đóng quân của lữ đoàn 1 Nhảy Dù tại Bản Đông Nam Lào, trong cuộc hành quân Hạ Lào Lam Sơn 719 vào tháng 2 và 3/1971).
– Ừ nhỉ, tiếng bắn của 130 ly cũng xa như vậy, nhưng ở đây mới thấy chỉ có hai khẩu thôi.
-Hai khẩu cũng đủ nát người. Phải cẩn thận, nếu tiền sát viên pháo binh của địch nó bám mình để điều chỉnh là mệt đó.
– Có biết địch sử dụng loại súng gì bắn vào căn cứ của tiểu đoàn 2 mà vừa nghe tiếng nổ là đạn tới ngay “
– Đó là đạn 75 ly nòng dài. Nó cũng là loại pháo binh xe kéo như 130 ly vậy, nhưng nó có sơ tốc cao nên đạn đi nhanh như vậy, Nhưng sức công phá của nó yếu. Có nhớ hôm mình vừa tới A Lưới địch cũng dùng hai khẩu bên kia sông chơi mình.
– Nhớ, rồi sau đó bị pháo binh mình dập tắt ngay…

Report this ad

* Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, những ngày trước khi trận chiến bùng nổ:
Ngày 7 tháng 4/1972, toàn bộ tiểu đoàn 7 vào thay tiểu đoàn 2 Nhảy Dù. Hôm đó cũng là lần cuối đại tá Lịch và thiếu tá Bảo đi thị sát căn cứ Charlie. Đại tá Lịch dặn dò trung tá Bảo kế hoạch phòng ngự và không quên nhắc vị tiểu đoàn trưởng một số điểm như sau: Cộng quân đã sử dụng pháo 130 ly, pháo 122 ly, cũng như các loại hỏa tiễn khi tấn công vào căn cứ Dela. Nếu địch dùng đầu nổ chậm thì không một hầm dã chiến nào của quân trú phòng có thể chịu đựng được, do đó các cấp chỉ huy nên có hầm trú ẩn riêng cho từng người. Hầm TOC không nên làm lớn. Trong ngày này, các vị trí đóng quân của lữ đoàn 2 Nhảy Dù kể cả Charlie cũng đã bắt đầu bị pháo địch, nhưng vẫn còn ở mức độ nhẹ vì mỗi nơi chỉ bị khoảng 100 đạn đủ loại mỗi ngày mà phần lớn là hỏa tiễn, còn loại pháo 130 ly chỉ ở mức 5 đến 10 quả.
Theo ghi nhận của vị tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 Pháo binh Nhảy Dù, nếu nhìn một cách tổng quát thì có thể nghĩ rằng Cộng quân pháo với mục đích quấy rối không trúng vị trí đóng quân, nhưng nếu phân tích các yếu tố tác xạ thì không phải như thế vì CQ đang trong giai đoạn điều chỉnh mục tiêu tác xạ. Do đó, vị tiểu đoàn trưởng Pháo binh vẫn không dám báo cáo thật với bộ Tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh hoặc bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 về các điểm chạm của pháo CQ vì sợ có nội tuyến, trong quá khứ đã có nhiều trường hợp như thế. Bộ Tư lệnh Quân đoàn thì luôn luôn muốn lữ đoàn Nhảy Dù phải trưng bằng cớ bằng đầu nổ của loại pháo mà lữ đoàn 2 Nhảy Dù đã báo cáo là địch đang sử dụng.

cac-chien-si-nhay-du-vuot-qua-canh-rung-trong-mot-cuoc-hanh-quan-ha-lao-1971

* Cộng quân dàn trận địa pháo phòng không quanh căn cứ Charlie:
Ngày 8 tháng 4/1972, sĩ quan liên lạc Pháo binh cạnh tiểu đoàn 11 Nhảy Dù báo cáo là đã ghi nhận trên 10 vị trí phòng không của địch, trước đó, một ngày, quanh khu vực Charlie không ghi nhận hoặc phát hiện một khẩu nào, chứng tỏ CQ vừa mới bố trí các cụm súng này. Pháo binh Nhảy Dù đã điều chỉnh để triệt hạ nhưng không có hiệu lực nhiều vì không nhận diện được đúng vị trí của các khẩu đội này. Các vị trí mà sĩ quan Pháo binh đã ước định được là nhờ dựa vào những lúc Cộng quân khai hỏa từ phía sau phi cơ, nghĩa là lúc máy bay quay đầu, nhất là những khi máy bay chỉ huy CNC bay chậm nên không dám xuống thấp, vì phòng không của địch được trang bị tối tân, do đó rất khó xác định đúng vị trí, và khi oanh tạc cơ vào vùng thì các cụm phòng không khai hỏa ngay lập tức. Dù lạc quan đến đâu cũng nhận thấy nếu bị tấn công cường tập bằng pháo và bộ binh thì đơn vị trú phòng ở Charlie khó lòng giữ vững được căn cứ vì căn cứ này không phải điểm quân sự lợi thế như ở Delta.

* Trận đánh thăm dò ở hướng Đông Nam:
Cũng trong ngày 8/4/1972, đã có cuộc chạm súng khi vào buổi sáng, thiếu tá Lê Văn Mễ, tiểu đoàn phó, dẫn một cánh quân cố gắng chiếm những cao địa ở hướng Đông Nam căn cứ nhưng không có hiệu quả. Tối hôm đó, trong lúc ngồi trò chuyện về tình hình với đại tá Lịch, thiếu tá Lạc nghĩ tới trung tá Bảo và đã vuột miệng nói:
– Tôi sợ Bảo không qua nổi trận này. Giặc thì mỗi ngày được tăng cường thêm, còn ta thì mỗi ngày yểm trợ kém đi.
Đại tá Lịch nghiêm mặt nhìn thiếu tá Lạc và nói:
– Này ăn mắm muối gì không đó. Đừng nói bậy.
Dại tá Lịch và thiếu tá Lạc nhớ lại trong buổi họp đầu tiên với Quân đoàn 2, có đủ mặt các cấp liên hệ, trung tướng Ngô Du, tư lệnh Quân đoàn 2, đã nói:
– Hiện nay, theo tin tức tình báo thì sư đoàn 320 CSBV có mặt tại Vùng 2, nhưng chưa kiểm chứng được. Anh em Nhảy Dù cố gắng chạm địch làm sao có bằng cớ xác định đơn vị địch, chẳng hạn như thu được tài liệu, bắt sống được tù binh, nếu anh em làm được việc này thì công anh em rất lớn. Cố vấn quân đoàn sẽ dùng B52 để tiêu diệt đơn vị này và anh em sẽ có thưởng.
Thế nhưng từ ngày mà đại đội Trinh sát của lữ đoàn 2 Nhảy Dù bắt sống được tù binh (17/3/1972) cho đến ngày 8/4/1972, vẫn chưa có 1 box B 52 nào được thả xuống vùng hành quân. Khi thấy rõ là sự yểm trợ B 52 cho tiểu đoàn 11 Nhảy Dù xem như không có vì Cố vấn Quân đoàn không thực hiện, đại tá Lịch đã trình xin với trung tướng Ngô Du cho tiểu đoàn này được tự do hoạt động trong vùng trách nhiệm, đề nghị này không được tướng Du chấp thuận. Trong tình hình đó, tiểu đoàn 1 Pháo binh Nhảy Dù đã linh động lập kế hoạch hỏa yểm bằng các khẩu pháo 105 ly để tạm thay thế cho nguồn hỏa lực của Không quân chiến lược B52. (Như đã trình bày, trong suốt tháng 4/1972, Cố vấn Quân đoàn 2 là ông John Paul Vann đã không thực hiện các yêu cầu yểm trợ B 52 cho lữ đoàn 1 Nhảy Dù và Sư đoàn 22 Bộ binh, đó cũng chính là nguyên chính khiến cho căn cứ Charlie bị Cộng quân tràn ngập vào giữa tháng 4/1972 và căn Tân Cảnh bị “bức tử” vào ngày 24 tháng 4/1972).
Theo lời thiếu tá Lạc, trong một lần tháp tùng đại tá Lịch bay quan sát, ông thấy dàn hỏa tiễn 120 ly khai hỏa vào căn cứ Bravo, vị trí pháo đội C của tiểu đoàn 1 Pháo binh Nhảy Dù. Thiếu tá Lạc nhận rõ được vị trí và đã điều chỉnh pháo đội C1 và pháo đội B 1 phản pháo trúng đích, có tiếng nổ phụ rất nhiều. Qua đó, vị tiểu đoàn trưởng Pháo binh nhận định rằng tại vị trí này Cộng quân chỉ đặt dàn phòng và một số đạn dược mà thôi, các khẩu đội hỏa tiễn chính đã lẫn tránh xa. Cộng quân khai hỏa theo phương thức điều chỉnh thời gian theo ý muốn (không có xạ thủ khi tác xạ), quanh đó không có bộ chỉ huy cũng như không có điểm trú quân nào của pháo binh CQ. Thay vì có những hỏa tập tiên liệu thay thế B 52 vào vị trí này, Pháo binh Nhảy Dù đã thay kế hoạch này bằng những đợt tác xạ quấy rối ngày cũng như đêm, kể từ đó vị trí đặt hỏa tiễn này Cộng quân không còn khai hỏa được nữa.

Tổng lược về trận chiến tại Charlie
Như đã trình bày, trong số trước, vào thượng tuần tháng 4/1972, tại Cao Nguyên đã xảy ra trận đánh giữa Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù và các binh đoàn CQ thuộc sư đoàn 320 Cộng quân (CQ) tại các cụm đồi thuộc hệ thống phòng ngự của căn cứ hỏa lực Charlie, ở phía Tây Bắc Kontum.. Phần tổng hợp kỳ này được biên soạn dựa theo tài liệu của cựu Trung tá Bùi Đức Lạc, cựu Thiếu tá Trương Dưỡng (Biệt đội trưởng Tác chiến Điện tử Sư đoàn Nhảy Dù).

Trở lại với cuộc diện trận chiến, như đã trình bày, căn cứ Charlie là một cụm tuyến gồm 3 đỉnh đồi: 960, 1020, 1050 nối liền nhau bằng sườn dốc thoai thoải như yên ngựa. Hướng Tây Bắc của Charlie là ngã ba biên giới 3 nước Đông Dương, phía đông là sông Pôkô và Quốc lộ 14. Ngày 11 và 12 tháng 4/1972, Cộng quân đã liên tục pháo hàng ngàn quả đạn: 130 ly, 122 ly và hỏa tiễn đủ loại vào các cứ điểm thuộc hệ thống phòng ngự của căn cứ này. Gần 9 giờ sáng ngày 12/4/1972, Cộng quân tiếp tục pháo loại đạn nổ chậm. Hầm chỉ huy của Trung tá Nguyễn Đình Bảo-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù bị trúng nguyên một trái đạn, hầm bị sập toàn bộ, và xác vị tiểu tiểu đoàn trưởng anh hùng này bị mảnh đạn cắt đứt nhiều chỗ. Khoảng 10 giờ sáng, Cộng quân từ chân đồi tràn lên đỉnh 960 của căn cứ Charlie. Đại đội 111 do Trung úy Thinh chỉ huy đã bắn hạ hàng trăm địch quân. Khi chuẩn bị đánh cận chiến bằng lưỡi lê đánh cận chiến thì đại đội 111 được lệnh của Thiếu tá Mễ-tiểu đoàn phó, xử lý thường vụ tiểu đoàn trưởng, rút về đỉnh 1020 của bộ chỉ huy tiểu đoàn.

Để tiếp ứng cho đại đội 111, Thiếu tá Mễ đã điều động đại đội 112 của đại úy Hùng “Móm” xuống đón đại đội này, đồng thời tổ chức phòng ngự từ xa để chận địch tràn lên tấn công vào khu vực trung tâm căn cứ. (Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù có hai đại đội trưởng cùng tên Hùng, cùng khóa 22 Võ Bị Đà Lạt. Để phân biệt, anh em trong tiểu đoàn đã đặt thêm tên cho 2 sĩ quan này: Hùng móm và Hùng mập.) Sau khi đại đội 111 rút khỏi, Pháo binh Nhảy Dù và Không quân đã hỏa tập vào đỉnh đồi 960. Bị thiệt hại nặng, Cộng quân buộc phải rút lui.

* Đại đội 111 mở đường máu: đại đội trưởng, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng tử trận…

Ngày 13 tháng 4/1972, Đại úy Hùng “móm” dẫn đại đội 112 tổ chức phản công chiếm lại đồi 960 để bảo vệ nguồn nước và bãi đáp dành cho trực thăng ở khu yên ngựa của cụm đồi. Binh sĩ đại đội này từ trên đỉnh cao của căn cứ tuột xuống thì bị Cộng quân sử dụng sơn pháo trực xạ vào đội hình của các trung đội. Để tránh tổn thất, bộ chỉ huy tiểu đoàn cho lệnh đại đội rút trở lại đỉnh đồi 1020. Lúc bấy giờ, đại đội 111 của Trung úy Thinh ở gần đó được lệnh tung quân đi tìm nguồn nước và làm bãi đáp trực thăng để di tản thương binh và quân nhân tử trận. Trung úy Thinh cho tiến quân về hướng Tây Bắc nhưng gặp sự kháng cự mạnh của địch, vị đại đội trưởng rất trẻ này đã cho chuyển quân qua hướng Đông Nam. Lúc bấy giờ cả đại đội 111 chỉ còn hơn 50 chiến binh. Tất cả tuột đồi 1020 để xuống hướng Đông Nam. Di chuyển được 200 thước thì đại đội bị Cộng quân bố trí sẵn để phục kích. Địch quân khai hỏa từ bốn phía để cố triệt hạ đại đội Nhảy Dù.

Cac chien si nhay du su dung hoa tien TOW chong chien xa tai Quang Tri nam 1972.jpg

Dù bị phục kích bất ngờ nhưng Trung úy Thinh đã nhanh nhẹn điều động quân sĩ xung phong để phá vòng vây. Cộng quân đã dàn sẵn đội hình để phục kích đại đội 111. Trong lúc đang điều động quân sĩ, Trung úy Thinh đã bị một tràng đạn AK bắn vào người. Anh ngã xuống cạnh người hiệu thính viên truyền tin.

Xuất thân khóa 25 trường Bộ binh Thủ Đức vào đầu năm 1968, Trung úy Thinh được đồng đội mô tả là một sĩ quan rất đẹp trai và đánh giặc rất gan lì. Anh đã lập nhiều chiến tích từ trận Damber ở Căm Bốt cho đến trận Hạ Lào (Lam Sơn 719). Trong những ngày bị Cộng quân bao vây quanh căn cứ Charlie, trung úy Thinh đã “tả xung hữu đột” để bảo vệ điểm tiếp tế và bãi đáp trực thăng. Cuối cùng anh đã vĩnh viễn ở lại Charlie với Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Bảo (khóa 14 Đà Lạt) và nhiều đồng đội khác.

Đại đội trưởng tử trận, cấp sĩ quan chỉ huy trong đại đội chỉ còn lại Chuẩn úy Ba, một trung đội trưởng. Anh đã nhào lên điều động quân sĩ bắn trả để vượt thoát vùng tử địa, nhưng chỉ một lát sau, người trung đội trưởng anh hùng này cũng bị trúng đạn tử trận như trung úy Thinh. Cả toán quân bây giờ chỉ còn 1 sĩ quan tăng phái: đó là thiếu úy Khánh, sĩ quan tiền sát viên tiểu đoàn 1 Pháo binh Nhảy Dù. Vị sĩ quan này ủy nhiệm Trung sĩ Lung dẫn tổ khinh binh xung phong mở đường máu để có thể đưa anh em còn lại vượt thoát về bộ chỉ huy tiểu đoàn.

* Triệu Tử Long của tiểu đoàn 11 Nhảy Dù:

Trung sĩ Lung là một hạ sĩ quan giàu kinh nghiệm trận mạc, bị thương nhiều lần. Từ một binh nhì khinh binh, anh đã bốn lần được đặc cách thăng cấp tại mặt trận lên đến trung sĩ nhờ chiến công. Trong trận đánh ngày 13 tháng 4/1972, khi chứng kiến cấp chỉ huy lần lượt ngã xuống trong tức tưởi, như một Triệu Tử Long trong truyện Tam Quốc, anh cầm đại liên xung trận như tên lửa.

Anh bóp cò, quay đại liên theo hình cánh quạt, tác xạ liên tục về các ổ súng của đối phương để mở đường cho đồng đội rút đi. Anh ở lại cuối cùng để cản địch tràn ra. Đối phương nhiều lần cố xông lên để hạ hoặc bắt sống anh nhưng đã bị anh quạt ngã. Khi cả đại đội đã phá được vòng vây, trung sĩ Lung đã bị 1 quả B 40 bắn vào người. Cả người anh tung lên như một quả bóng rồi ngã xuống như một hiệp sĩ, một thiên thần gãy cánh…

Trung úy Thinh, Chuẩn úy Ba, trung sĩ Thinh và nhiều chiến binh khác đã “ở lại” với núi rừng Tây Nguyên để cho anh em còn lại thoát hiểm. Vừa ra khỏi vòng vây địch, số còn lại gần phân nửa đã được đại đội trên núi xuống tiếp ứng. Cùng lúc đó, một số khu trục cơ của Không quân xuất trận oanh kích địch, nên các “đứa con” của đại đội 111 đã về được đỉnh 1020 (bộ chỉ huy tiểu đoàn).


* Trận đánh cuối cùng ở phòng tuyến Charlie:

Ngày 14 tháng 4/1972, Cộng quân tiếp tục trận mưa pháo ghê hồn. Vừa dứt pháo, Cộng quân tràn lên tấn công vào Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù. Cộng quân liên tục gọi tên thiếu tá Mễ-xử lý thường vụ tiểu đoàn trưởng, và Thiếu tá Hải-trưởng ban 3 tạm quyền tiểu đoàn phó, ra đầu hàng. (CQ biết tên các sĩ quan này có lẽ do khai thác tù binh). Thiếu tá Lê Văn Mễ tức giận ôm khẩu M16 ra giao thông hào quạt tới tấp, một quả lựu đạn loại bộc phá của Cộng quân ném vào, anh bị sức ép của hơi làm ngã người ra. Thiếu tá Mễ tưởng mình bị thương nặng nhưng sau đó y sĩ trưởng tiểu đoàn là bác sĩ Tô Phạm Liệu khám người anh, cho biết do tinh thần bị căng thẳng mấy ngày nay nên yếu sức ngây ngất mà thôi.

Đang nằm để bác sĩ khám, Thiếu tá Mễ được đại đội trưởng 114 Nguyễn Cảnh Cho báo là Cộng quân đã phá được một phần tuyến phòng thủ của đại đội này.

Đại đội trưởng Cho nói trong máy:

– Trình Mê Linh, tụi nó lấy của tôi một khúc ruột (Mê Linh: danh hiệu truyền tin của thiếu tá Mễ).
– Cố gắng lấy lại tôi sẽ cho C.V.T phủ đầu nó.

* Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù vĩnh biệt Charlie:

Vào lúc này Thiếu tá Mễ biết rõ là đơn vị đã hết đạn và cạn lương thực, từ ngày 7/4/1972 đến nay, tiểu đoàn không nhận được tiếp tế đạn dược, lương thực. Trong 7 ngày qua, tất cả tiểu đoàn đã tiếp tục cầm cự với tất cả dũng khí trong hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã. Lúc bấy giờ, xác địch ngổn ngang khắp căn cứ, thi thể nhiều người lính Nhảy Dù vẫn còn trên chiến địa chưa kịp tải thương. Trước hoàn cảnh bi tráng đó, cuối cùng thiếu tá Mễ bàn với thiếu tá Hải là cần phải rút quân để cứu lấy những người còn sống. Để thực hiện kế hoạch này, thiếu tá Mễ đã xin bộ chỉ huy lữ đoàn 2 Nhảy Dù nửa giờ sau cho bắn đạn nổ chụp ngay trên đồi 1020, rồi sau đó, anh ra lệnh cho các đại đội “nhổ trại” theo hướng Đông Bắc, phương giác 800 để tìm đường rút về Tân Cảnh (bộ chỉ huy hành quân Sư đoàn 22 Bộ binh) thay vì về Võ Định (căn cứ của bộ chỉ huy lữ đoàn 2 Nhảy Dù) vì vị trí này quá xa căn cứ Charlie.

5 giờ chiều ngày 14 tháng 5/1972, cả 5 đại đội và bộ chỉ huy tiểu đoàn đồng loạt rời cao điểm 1020. Cộng quân tràn lên chiếm Charlie thì bị hỏa pháo Nhảy Dù đồng loạt dội vào căn cứ này. Cùng lúc đó, 6 chiếc B 52 xuất hiện dội hàng ngàn tấn bom. Ba tiểu đoàn CSBV vừa tiến lên căn cứ chưa kịp báo cáo về bộ chỉ huy thì đã bị tan nát dưới trận mưa bom B-52.

Tác giả bài viết: VƯƠNG HỒNG ANH

Ý kiến bạn đọc
Thứ Sáu, 25 Tháng Chín 202011:41 SA
Khách
Kinh Can Nghien Minh Chao Co Dai Ta Nguyen Dinh Bao va Cac Anh Hung Mu Do cua Tieu Doan 11 Nhay Du Song Kiem Tran Ai da vinh vien nam lai Doi Charlie 1972
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn