Biệt Cách Dù và trận phục kích đoàn xe của CSBV trên đường mòn HCM trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

Thứ Tư, 09 Tháng Chín 20204:00 CH(Xem: 5428)
Biệt Cách Dù và trận phục kích đoàn xe của CSBV trên đường mòn HCM trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

Người Biệt Cách

https://live.staticflickr.com/7817/44638457670_cc551d7699_z.jpg

(Bài trích đăng từ Đặc San GĐ81/BCND số 3 ngày 1 tháng 7/2001)       

Sau khi đã vét hết nhân lực ở miền Bắc, và nuốt lời hứa hưu chiến, CSBV đã mở trận Tổng Công Kích nhằm tấn chiếm toàn bộ 48 tỉnh và thành phố tại miền Nam trong biến cố Tết mậu Thân năm 1968, nhưng chúng đã bị QLVNCH phản công và giáng cho những đòn chí tử khiến hầu hết các đơn vị chính qui và du kích của chúng bị thiệt hại nặng nề, hơn 80% quân số đã bị loại ra khỏi vòng chiến. Vì thế, sau trận chiến này, chiến trường tại miền Nam Việt Nam thật là lắng dịu.

        Tuy nhiên, với một tham vọng điên cuồng, và dưới sự thúc đẩy của quan thầy Nga Sô và Trung Quốc, một lần nữa, CSVN lại cho vơ vét đến những nhân lực non dại cuối cùng tại miền Bắc, những thanh thiếu niên 14, 15 tuổi, vác súng AK vượt Trường Sơn để “Sinh Bắc tử Nam”. Vì đã học được bài học “nướng quân” trong chiến thuật biển người, nên CS đã khôn ngoan hơn trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa là đem áp dụng chiến thuật “chốt kiềng”, lấy ít đánh nhiều. Nhưng dù với chiến thuật nào đi nữa, các chiến sĩ quả cảm của QLVNCH một lần nữa lại cho chúng nếm mùi thất bại.

        Thế giới đã theo dõi và nói nhiều đến những chiến tích lẫy lừng của chiến sĩ QLVNCH trên các quân khu, sự tinh nhuệ, anh hùng của các binh đoàn Nhẩy Dù, TQLC, BĐQ đã khiến các binh đội CSBV phải khiếp sợ. Biệt Cách Dù cũng là một trong những đơn vị đã góp phần trong việc bẻ gẫy chiến dịch Đông Xuân của CSBV. Một chiến dịch nhằm đo lường sự quyết tâm của QLVNCH sau khi Hoa Kỳ và Đồng Minh tiến hành việc triệt thoái khỏi chiến trường Việt Nam.

        Chiến trường Tây Nguyên vào tháng 3 năm 1972, Quân Đoàn II biết được ý đồ của CSBV muốn chiếm thị xã Kontum, hoặc một thị trấn tại Cao Nguyên để làm áp lực đàm phán tại Paris. BTTM liền tăng phái LĐ 81BCND cho Sư Đoàn 22 để thực hiện những cuộc hành quân Thám sát hầu kiểm chứng một cách chính xác đường đi nước bước của địch quân. Các toán Thám Sát đã được thả sâu trong vùng hoạt động của địch để thực hiện các nhiệm vụ: nghe lén điện thoại, phục kích bắt tù binh, hoặc tập kích các đoàn xe tiếp liệu của địch nếu tình hình cho phép…

Report this ad

        Dọc theo tuyến đường mòn HCM tại ngã ba Tam Biên dẫn đến gần căn cứ 5, căn cứ 6 của Sư Đoàn 22 tại Tân Cảnh, các toán Thám Sát của BCND đã phát hiện được là hàng đêm, sau khi không còn các máy bay quan sát trên vùng, hàng đoàn xe Molotova, xe thồ, và bộ binh CSBV với vũ khí nặng, lũ lượt di chuyển từ ngã ba Tam Biên hướng về vùng Kontum.

        Dựa vào nhiệm vụ mà Quân Đoàn II và Sư Đoàn 22 yêu cầu, Bộ Chỉ Huy LĐ 81 tại phi trường Kontum quyết định sẽ thực hiện một cuộc phục kích bất thần khiến địch không kịp cảnh giác ứng phó để tiêu diệt đoàn xe và bắt sống tù binh, để khai thác tin tức chiến lược. Hai trung đội BCD đã được thả vào vùng để phối hợp với toán thám sát hiện đang nằm quan sát đường chuyển quân của địch.

        Trong buổi họp tham mưu, tất cả các Biệt Đội Trưởng BCND đều tình nguyện để được thi hành công tác hiểm nghèo này. Cuối cùng, Biệt Đội 4 do thiếu tá H. chỉ huy đã được trao cho vinh hạnh này, mặc dù BĐ mới vừa quần thảo với địch tại căn cứ Chalie và được triệt xuất chưa đầy 48 giờ trước đó. ( hai tuần lễ sau, trung tá Nguyễn đình Bảo thuộc Sư Đoàn Nhẩy Dù đã trấn thủ Chalie một cách anh dũng).

        Vùng hành quân nằm dọc theo biên giới, ngoài tầm yểm trợ hỏa lực của pháo binh, thời tiết vào những tháng này tại vùng cao nguyên rất xấu, nên việc đổ quân rất là khó khăn. Bộ chỉ huy BCD đã quyết định sẽ cho đổ quân làm hai đợt. Đợt đầu, sẽ trực thăng vận một trung đội đổ xuống trại LLĐB Polekleng, trại LLĐB này nằm ở khoảng giữa Kontum và điểm phục kích. Đợt hai, sẽ thả BCH/BĐ 4 và trung đội còn lại thẳng vào vùng phục kích để bắt tay với toán thám sát do thiếu úy Long hiện đang nằm quan sát trên đường mòn để bố trí đội hình trong khi chờ trực thăng trở lại Polekleng đưa trung đội đầu tiên vào tiếp ứng. Chiến thuật chuyển quân này nhằm đưa được tối đa quân số hoạch định vào chiến trường một cách mau chóng.

        Đây là vùng an toàn của địch, dây điện thoại được giăng chằng chịt trên những cột dọc theo đường mòn, và những điểm dừng quân với lán trại và bếp núc dã chiến nằm rải rác, chắc nơi này được dùng làm nơi dưỡng quân trên đường xâm nhập miền Nam của địch.

        Khi việc đổ quân vừa hoàn tất, thì trời cũng sụp tối, BĐT dẫn quân tiến lên đường mòn để sửa soạn bố trí thì đụng độ ngay với khoảng một trung đội tiền sát của địch, các chiến sĩ BCD đã dàn hàng ngang tràn qua đường mòn đánh phủ đầu địch quân làm chúng không kịp trở tay và phải tháo chạy. Trận chiến mở màn được giải quyết một cách thần tốc với chỉ một chiến sĩ bị thương, BCD dành lại được thế chủ động và bắt tay ngay vào nhiệm vụ chính là thiết trí nhiệm vụ phục kích đoàn xe tiếp vận của địch, mặc dù đã mất đi yếu tố bất ngờ do việc đổ quân ồn ào và đã chạm địch tại tuyến xuất phát..

        Sau khi quan sát và quyết định được vị trí phục kích, các tiêu lệnh được chuyền đạt tới từng chiến sĩ BCD về kế hoạch sẽ được thi hành trong những điều kiện khác nhau: khi nào thì khai hỏa, nếu gặp cơ giới , hoặc bộ binh của địch thì phải xử trí ra sao v.v…Thiếu úy Bay, trung đội trưởng TĐ vũ khí nặng dẫn hai toán lên đường mòn để chôn hai mìn M 15 (mìn chống chiến xa) ngay trên hai vết bánh xe lằn sâu trên đường. Tất cả mọi người rút vào vị trí định sẵn, ghìm chặt tay súng và hồi hộp chờ đợi.

Report this ad

        Lúc này mới là 7 giờ chiều, nhưng núi rừng đã tối đen như mực, một sự im lặng nặng nề bao phủ không gian, sự căng thẳng bao trùm vạn vật, mọi người đều cố lắng nghe những động tĩnh chung quanh để kịp thời phản ứng. Rừng đêm vẫn lặng câm một cách đe dọa, ngoại trừ những tiếng ọ ọe của địch trong ống liên hợp mà các hiệu thính viên BCD đã mắc vào đường điện thoại của địch để nghe lén việc chúng thông báo cho nhau sự xuất hiện của các chiến sĩ Biệt Cách đã “xâm nhập vào vùng an toàn của chúng ta”.

     7giờ 30, rừng đêm vẫn im tiếng, chợt đâu đó, tiếng ngáy của một người nào đó vang lên. Lượng định lại tình hình, và việc đụng độ với địch quân lúc ban chiều, Biệt đội trưởng liền ra lệnh cho anh em chia nhau canh gác và thay nhau ngủ để dưỡng sức. vì ít nhất phải quá nửa đêm thì địch mới lại dám mạo hiểm di chuyển.

        Trời đêm vẫn chậm chạp buông xuống, sương đêm sũng ướt chiến y. Mọi người đều kiên nhẫn đợi chờ.

        11giờ 45, văng vẳng theo chiều gió, tiếng gầm rú của cơ giới làm mọi người bừng tỉnh. Các chiến sĩ Biệt Cách Dù chỉnh đốn lại đội hình để sửa soạn cho một trận thư hùng. Chợt tiếng gầm rú của động cơ giảm dần, đoàn xe của địch dừng lại khi chỉ còn cách điểm phục kích gần một km. Qua đường giây nghe lén, bọn CS đang báo cho nhau là phải cẩn thận vì chúng đang tiến vào địa điểm mà chúng đã bị “lính Cộng Hòa” đánh cho thất điên bát đảo chiều hôm qua. Thời gian nặng nề trôi qua vì bọn chúng phải chờ đợi lệnh cấp trên.

        12giờ 45, chúng được lệnh cho hai xe tiếp tục tiến lên để dò đường… Tiếng cơ giới lại gầm rú phá tan rừng đêm, vì là một triền dốc, nên chiếc xe của địch phải tống ga để vượt lên, tiếng gầm rú của động cơ mỗi lúc một gần, chiếc xe từ từ leo dốc, leo dốc…các chiến sĩ BCD ghìm chặt tay súng, nín thở hồi hộp…

        ẦM ! ! ! màn đêm được đốt cháy bằng một ánh chớp chói lòa, bụi đá tung bay trên cành lá rào rào, sự công phá của trái mìn M 15 đã làm chiếc chiến xa của địch văng lên và lật nghiêng qua một bên, rừng đêm vắng lặng được đốt sáng bằng từng chùm hỏa châu cầm tay được quân ta phóng lên, tiếng nổ long trời hòa lẫn tiếng hò xung phong trong tiếng súng dòn tan dấy động cả một góc trời vùng biên giới.

        Như sau một ánh chớp trong đêm, màn đêm lại được trả lại núi rừng tĩnh mịch. Các chiến sĩ BCD âm thầm thu dọn chiến trường. Hai chiếc molotova của địch nằm im lìm trên đường mòn, chiếc đầu trúng mìn lật qua bên phải 90 độ, đầu gục xuống bên vệ đường cùng với xác của binh lính trên xe, chiếc thứ hai an toàn nằm dưới dốc, nhưng các cán binh của nó thì đã bỏ chạy thúc mạng về hướng Tây! chiến lợi phẩm gồm vũ khí, áo giáp, nón sắt, lương thực chất đầy hai xe. Các chiến sĩ BCND mau lẹ chụp hình và thu dọn chiến trường, hút xăng từ chiếc xe còn lại và đốt cả hai xe để địch không còn xử dụng được.

        Như những bóng ma trong đêm tối, trong một khoảng khắc kỷ lục, các tinh binh BCD đã sẵn sàng tại điểm hẹn để được triệt xuất về vùng an toàn, bỏ lại núi rừng bốc lửa phía sau với bọn CS đang hoảng hốt tìm cách đối phó.

Report this ad

        Một tuần sau, Biệt Đội 2 (Sơn Dương) đã được Bộ Chỉ Huy LĐ 81 tung vào vùng khe núi Cá Mập (Big Mama) để kiểm chứng kết quả của hai phi vụ B-52 nhằm đánh phá kho tiếp liệu khổng lồ của CSBV trong vùng, và tại đây, dấu tích của hai chiếc xe bị hạ trong cuộc phục kích thần sầu vẫn còn nằm chắn ngang đường như một khúc xương ngăn chặn chiến dịch Đông Xuân với ý đồ thôn tính Cao nguyên năm 1972 của Cộng Sản.

        Nếu không lầm thì đây là một trong hai lần độc nhất mà QLVNCH đã thực hiện những cuộc đột kích các đoàn xe xâm nhập của CSBV tại ngay sào huyệt của chúng. Cuộc phục kích lần đầu vào năm 1968 do Tiểu Đoàn 81/bcnd thực hiện tại vùng thung lũng Ashau.

        Ngay sau khi Biệt Đội 4/LĐ 81BCND hoàn tất kế hoạch. Tại căn cứ hành quân, Trung tướng Tư lệnh Quân Đoàn II, cố vấn John Paul Vann cũng như phái đoàn báo chí, truyền thanh tại Sàigòn cũng đã đến khen thưởng, ủy lạo và làm phóng sự về chiến tích lẫy lừng này.
Người Biệt Cách
Cali năm 2000
Nguồn: http://bcdlldb.com/vkn/chientruongtambien.htmhttps://hung-viet.org/p13a23877/chien-truong-tam-bien-1972

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn