Tướng Vùng Vịnh Schwarzkope Kể Lại Trận Đức Cơ Tháng 8 năm 1965

Thứ Sáu, 28 Tháng Tám 20204:00 CH(Xem: 5122)
Tướng Vùng Vịnh Schwarzkope Kể Lại Trận Đức Cơ Tháng 8 năm 1965

Vương Hồng Anh

https://media1.s-nbcnews.com/j/MSNBC/Components/Slideshows/_production/ss-121227-schwarzkopf/ss-121227-schwarzkopf-02.fit-760w.jpg

* Đức Cơ, tháng 8/1965 và trận chiến lớn nhất ở Cao nguyên:
Từ hạ tuần tháng 6/1965, Cộng quân gia tăng áp lực tại một số tiền cứ ở phía Tây và Tây Nam tỉnh Pleiku, trong đó có căn cứ biên phòng Đức Cơ. Đến đầu tháng 8/1965, Cộng quân khởi động cuộc tấn công cường tập vào tiền cứ này. Đây là 1 trận đánh lớn nhất tại Cao nguyên trong tháng 8/1965. Ngay sau khi nhận được báo cáo, bộ tư lệnh Biệt khu 24 (chỉ huy lực lượng VNCH tại Kontum- Pleiku) lúc bấy giờ đã khẩn báo cho bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 để xin lực lượng tiếp cứu. Vào thời gian này Quân đoàn 2 được Bộ Tổng tham mưu tăng phái 1 chiến đoàn Nhảy Dù gồm 2 tiểu đoàn do thiếu tá Ngô Xuân Nghị chỉ huy, do đó, chiến đoàn này đã được điều động nhảy vào Đức Cơ để tiếp cứu đơn vị trú phòng. Ngày 5 tháng 8/1965, chiến đoàn Nhảy Dù đã được trực thăng vận xuống khu vực kế căn cứ Đức Cơ, giao tranh đã diễn ra quyết liệt giữa chiến đoàn Nhảy Dù và các đơn vị Cộng quân.
Một trong sĩ quan Hoa Kỳ tham dự trận tiếp cứu căn cứ Đức Cơ vào tháng 8/1965 là đại úy Norman Schwarzkope- năm 1991 ông là đại tướng tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ và Đồng Minh tại mặt trận Vùng Vịnh năm 1991 với biệt danh là tướng Sa mạc, đã kể lại về diễn tiến trận chiến này trong một hồi ký được phổ biến trong KBC. Do bài hồi ký rất dài nên chúng tôi đã sắp xếp lại thành 2 phần, có đối chiếu với các bản tin chiến sự hàng ngày do Khối Thông tin-Giao tế Dân sự/ Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL/VNCH phổ biến cho báo chí. Sau đây là phần đầu của hồi ký chiến trường của vị đại tướng lừng danh này.

* Đại úy Schwarzkope và chiến đoàn Nhảy Dù tại Cao nguyên:
Tháng 7-1965, chiến đoàn của chúng tôi (đại úy Schwarzkope) được giao phó nhiệm vụ khai thông và bảo vệ Quốc lộ 19 nối liền từ vùng duyên hải lên Pleiku. Trước khi sang Việt Nam tôi thường nghe rất nhiều người bàn tàn là quân nhân Việt Nam kém sức chịu đựng, nhưng khi đi hành quân với họ tôi thấy đó là một sai lầm. Chính tôi mới đi một đoạn ngắn mà mồ hôi nhễ nhại, trong khi đó người lính Nhảy dù đeo trên lưng cả 100 pound đạn dược lương thực mà vẫn cười đùa rất vui vẻ. Nhiệm vụ của tôi là liên lạc, hướng dẫn yểm trợ phi pháo, tản thương và tiếp tế vì tất cả các phương tiện trên đều do Không quân Hoa Kỳ yểm trợ.

Sau khi khai thông Quốc lộ 19 vào cuối tháng 7, bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 ra lệnh cho chiến đoàn chúng tôi hành quân đẩy lùi Cộng quân quanh căn cứ biên phòng Đức Cơ, vì quân trú phòng đã bị vây hãm từ mấy tháng qua và có thể thất thủ. Theo lệnh hành quân của bộ Tư lệnh Biệt khu 24 và cố vấn soạn thảo thì chiến đoàn Nhảy Dù gồm 2 tiểu đoàn sẽ được trực thăng vận vào bãi đáp phía Đông Bắc Đức Cơ để tấn công từ hướng Tây tới biên giới rồi sẽ chuyển về hướng Nam bọc Đức Cơ. Bãi đáp sẽ được phi cơ oanh kích liên tục trong 20 phút trước giờ đổ quân, cuộc hành quân sẽ được phi pháo và pháo binh yểm trợ theo yêu cầu, lực lượng trừ bị là 1 tiểu đoàn Biệt động quân.

Chúng tôi có 48 giờ để chuẩn bị đơn vị. Sáng hôm đó, trong khi thiếu tá Nghị, chiến đoàn trưởng lo ban lệnh hành quân cho đơn vị, tôi đến Trung tâm Hành quân Quân đoàn 2 để phối kiểm lại việc yểm trợ hỏa lực thì được sĩ quan phụ trách trả lời là không hay biết gì về cuộc hành quân nào ở Đức Cơ cả. Tôi đọc lệnh hành quân cho ông ta nghe, ông nhấn mạnh là ông cũng không nhận được đơn xin không yểm của Biệt khu 24 là nơi ban lệnh hành quân, hơn nữa nếu cuộc hành quân khai diễn vào ngày hôm sau thì cũng không kịp vì cần 48 giờ để trù liệu kế hoạch. Hỏi về pháo binh thì tôi được biết chỉ có 1 khẩu súng cối ở Đức Cơ với 20 quả đạn, thêm vào đó tiểu đoàn Biệt động quân trừ bị cũng không sẵn sàng từ 3 đến 4 ngày sau. Chúng tôi dùng trực thăng đi thám sát vùng hành quân để ghi nhận bãi đáp mới biết là không có một bãi đáp nào như đã ghi trong mệnh lệnh hành quân và chúng tôi tìm thấy một bãi trống cách Đức Cơ 15 dặm. Tôi bắt đầu bực bội vì vị tư lệnh Biệt khu 24 và Cố vấn chỉ phổ biến lệnh mà không hề theo dõi, kiểm soát vấn đề có được thi hành hay không. Lúc đó là 7 giờ tối và chiến đoàn sẽ bắt đầu hành quân vào sáng hôm sau.

Tôi gặp thiếu tá Ngô Xuân Nghị, chiến đoàn trưởng và cho ông biết những ghi nhận của tôi, mắt ông mỗi lúc mỗi to hơn. Ông hỏi ý kiến của tôi, tôi đề nghị xin hoãn lại cuộc hành quân 48 giờ để kịp bổ khuyết các thiếu sót. Ông ta đồng ý trình về bộ Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù đồng thời trình với tướng Vĩnh Lộc, tư lệnh Quân đoàn 2.

https://editorial01.shutterstock.com/wm-preview-1500/7384983a/cc93ef96/vietnam-war-south-vietnamese-troops-duc-co-vietnam-shutterstock-editorial-7384983a.jpg

(Chú thích của VB: Chuẩn tướng Vĩnh Lộc nhận chức tư lệnh Quân đoàn 2 ngày 20/6/1965, ông là 1 trong những vị tướng được thăng cấp rất nhanh, chỉ trong vòng 3 năm, đã 4 lần được thăng cấp: thăng đại tá 2/11/1963, 8 tháng sau thăng chuẩn tướng, khi đang giữ chức tư lệnh Sư đoàn 9 Bộ binh; tại Cao nguyên, với chức vụ tư lệnh Quân đoàn 2, trong vòng 16 tháng, được thăng 2 cấp: thiếu tướng (cuối tháng 10/65), trung tướng cuối tháng 10/1966).

Trong khi hai người đối thoại qua điện thoại, tôi có thể nghe được tiếng la hét của tướng Vĩnh Lộc vì đề nghị hoãn của thiếu tá Nghị. Khi rời điện thoại ông nhìn tôi lắc đầu và cho hay là chúng tôi phải đến nhà của tướng Lộc để dự buổi họp vào lúc 10 giờ đêm. Chúng tôi được hướng vào một căn phòng trang hoàng gần giống như một tòa án quân sự. Tướng Lộc, các tướng tá của ông cùng với Cố vấn Quân đoàn ngồi một bên, phía đối diện có hai ghế, một cho thiếu tá Nghị và một cho tôi.
Tướng Lộc mở đầu cuộc họp một cách khá gay gắt. Ông hỏi thiếu tá Nghị nguyên nhân nào khiến chúng tôi không chịu đi hành quân vào ngày mai. Thiếu tá Nghị trả lời là chỉ đình hoãn hành quân theo đề nghị Cố vấn Hoa Kỳ, nên ông Lộc quay sang đại tá Hoa Kỳ, cố vấn trưởng của ông và ông này hướng về phía tôi hỏi:
– Tại sao đại úy lại bảo họ không hành quân vào ngày mai”
– Thưa đại tá vì chúng tôi không có phi pháo yểm trợ. Chúng tôi đã phải chuyển đến một bãi đáp hoàn toàn mới nên chúng tôi cũng chưa có kế hoạch tấn công mới và cũng không có cả trừ bị luôn. Tôi trả lời như thế.
Ông ta nói:
– Đừng quan trọng hóa vấn đề, chỉ có 2 tiểu đoàn VC. Nguyên nhân chính mà anh nói là anh hoàn toàn không có không yểm là không đúng. Nếu các anh gặp khó khăn thì tôi sẽ chuyển phi cơ từ các chỗ khác tới yểm trợ các anh, và đó là nguyên tắc điều hành công tác của chúng tôi.
– Thế còn việc phi cơ oanh kích bãi đáp trước khi trực thăng đổ bộ. Tôi cố gắng giữ giọng của tôi thật bình thản.
Ông ta trả lời gay gắt:
– Anh không cần thứ đó, vì chẳng có ai ngoài đó hết cả.
Tôi trả lời: Thưa đại tá tôi vẫn nghĩ là không có sự yểm trợ đầy đủ của Không quân.
– Được rồi bây giờ đại úy cho tôi biết như thế nào là yểm trợ đầy đủ” Ông hỏi tôi nhưng đôi mắt cau lại và nhìn về phía trước, nên tôi cũng bắt đầu nổi nóng.
– Thưa đại tá, khi cái thân xác của tôi ngoài mặt trận thì tôi muốn hàng trăm phi cơ B 52 bay lượn trên đầu thì mới gọi là đầy đủ. Tuy nhiên bây giờ tôi có thể chấp nhận một số lượng nhỏ bé hơn, nhưng không thể chấp nhận con số không.
Tôi mới sang Việt Nam khoảng tháng rưỡi và chưa ở ngoài mặt trận, nhưng tôi biết tướng Vĩnh Lộc cũng như đại tá Cố vấn trưởng của ông ta ép buộc chúng tôi phải thi hành mệnh lệnh của các vị này là không đúng nguyên tắc. Mặt khác tôi đến đây để làm cố vấn thì tôi có trách nhiệm phải nói rõ sự thật, nhưng ông cố vấn Quân đoàn vẫn tiếp tục làm tới và một điều ông ta buộc tôi tội là việc làm của tôi vừa qua đã gây phiền hà cho nước Hoa Kỳ, nhưng tôi hiểu rằng chính ông ta đã làm phiền hà và cũng chính cá nhân cùng với những cộng sự viên của ông chưa hề ở đơn vị trực tiếp chiến đấu nên không hiểu biết về những khó khăn của các đơn vị mà chỉ làm việc tại các bộ Tham mưu ở địa phương với công tác thúc đẩy thực hiện các cuộc hành quân. Cuối cùng ông ta nói:
– Một điều chắc chắn là tôi thấy đại úy không phù hợp với nhiệm vụ cố vấn này của ông nên tôi quyết định thay thế ông.
– Thưa đại tá, tôi rất tiếc đại tá không phải là cấp chỉ huy trực tiếp của tôi nên ông không có quyền và chỉ có một người duy nhất có thể cất chức tôi là Cố vấn trưởng Nhảy Dù của tôi mà thôi.
Ông ta nổi nóng, la lớn và ra lệnh:
– Điện thoại cho tôi nói chuyện trực tiếp với cố vấn trưởng Nhảy Dù của anh ta.
Lúc đó đã 11 giờ 30 đêm nhưng cuối cùng họ đã liên lạc được với đại tá Naughton ở Sài Gòn. Ông lắng nghe và ghi nhận những điều cả đôi bên trình bày rồi trả lời đại tá Cố vấn trưởng Quân đoàn 2 như sau:
– Bộ Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy Dù Việt Nam hoàn toàn ủng hộ thiếu tá Nghị và cá nhân tôi cũng đứng phía sau đại úy Schwarzkope. Tất cả chúng tôi đều đòi hỏi phải đình hoãn cuộc đình quân lại 48 giờ.

Sáng hôm sau đại tá Naughton tới Pleiku để tự tìm hiểu nội vụ và ông xác nhận tôi đã làm đúng. Đại tá Naughton có một lối xử sự rất đẹp của một cấp chỉ huy là ông đề nghị thăng cấp thiếu tá tại mặt trận cho tôi và được thượng cấp chấp thuận ngay nên ông gắn cấp bậc mới cho tôi tại chỗ. Cuối cùng chúng tôi có 72 giờ chuẩn bị cuộc hành quân chứ không phải chỉ có 48 giờ như đã yêu cầu mà còn gặp nhiều phiền hà nữa. Bãi đáp là phi đạo trực thăng bên căn cứ Đức Cơ và chúng tôi có đầy đủ Không yểm dự liệu. Thế nhưng khi trực thăng đáp xuống vẫn bị pháo kích mà bộ Tham mưu ở Pleiku vẫn khẳng định là chỉ có 2 tiểu đoàn Cộng quân và họ đã gây bực bội cho tôi rất nhiều.

Kỳ sau: Phần 2 của hồi ký: Chiến đoàn Nhảy Dù nhập trận Đức Cơ.

Nguồn:https://vietbao.com/a49189/tuong-vung-vinh-schwarzkope-ke-lai-tran-duc-co-thang-8-65

Ý kiến bạn đọc
Chủ Nhật, 30 Tháng Tám 20202:05 SA
Super Administrator
Gửi Dieu Hoang
Yêu cầu bạn ăn nói cho đàng hoàng hơn. Chúng tôi là người làm công cho bạn chăng?
Thứ Bảy, 29 Tháng Tám 202010:47 CH
Khách
Yeu Cau dang het tap hoi ky Thi doc thay moi hay ,con dang kieu nay Thi dep me no di .
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn