Giày Saut trong tử địa

Chủ Nhật, 02 Tháng Tám 20204:00 CH(Xem: 7234)
Giày Saut trong tử địa

Giày Saut trong tử địa

 

BietDongQuan

 

Thứ Ba 01-04-1974 . 06H30
Sáng sớm Đại Đội Trưởng Trần Văn Vương kéo tôi về nhà ông ở Hòa Mỹ để ăn sáng với gia đình. Chỉ đơn giản có món xôi và cà phê nhưng buổi điểm tâm thật ấm lòng. Bà Vương và cô con gái luôn miệng nhắc chúng tôi: Đại úy Vương, người tài xế, và tôi ” ăn cho no bụng để lấy sức đi đường! “.
Trong vòm sáng của thoáng bình minh vờn qua cửa, ánh mắt của người vợ Lính đã nói lên tất cả. Vì vậy, phút giã từ chỉ cô đọng trong lời chúc bình an của người ở lại và câu dặn dò của chinh nhân với vợ con : ” Mẹ lo cho mấy đứa dùm Bố. Con nhớ nhắc các em chăm lo bài vở. Ráng học nghe! “
Biết lúc đi. Không biết ngày về. Người Lính nén tiếng thở dài, đón lấy một gói giấy từ tay vợ rồi quay lưng leo nhanh lên xe. Bên khung cửa là đôi mắt đượm nét âu lo, và một bàn tay khẽ vẫy.
8H00 – Tiểu Đoàn lại chuẩn bị lên đường sau một tháng dưỡng quân và bổ sung quân số. Lính lại trở về với ngăn nắp, trật tự và kỷ luật cố hữu. Mọi sự chuẩn bị đều được thực hiện gọn gàng và mau chóng về mọi mặt. Thời gian còn lại là chờ đoàn xe Tiếp Vận đến đón. Vẫn là cảnh quyến luyến của vợ con lính từ trại gia binh kéo lên đứng đầy trước cổng của hậu cứ. Vẫn là những tiếng cười hồn nhiên của tuổi trẻ độc thân quanh những câu chuyện kể xen kẽ với vài ánh mắt đăm chiêu sau làn khói thuốc. Lệnh hành quân đã được loan báo chính thức dù ai nấy đều đoán biết là Tiểu Đoàn sẽ vào Quảng Ngãi vì 21 và 39 đã có mặt trong đó từ lâu. Vùng nào thì chưa biết nhưng “…Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm …” là chuyện thường tình của Lính trận. Đi đâu cũng được vì…” Lính mà Em! …”
10H00- Trời bỗng chuyển mây mưa. Mặt trời trốn biệt tăm sau màu xám ẩm thấp. Hơi lạnh từ Hải Vân và Trường Sơn đổ xuống, gặp gió từ biển tràn lên tạo thành những cơn xoáy thốc mịt mù. Lính tuần tự lên xe. Kiểm điểm quân số lần cuối. Khởi hành.
Vợ con lính co ro đứng nhìn theo đoàn xe hơn 20 chiếc từ từ lăn bánh. Cư dân Phú Lộc cũng gởi theo người thân, chiến hữu, và bạn bè những ánh mắt thân tình pha lẫn âu lo khi GMC chậm rãi vượt qua phố chợ và khu gia binh của Liên Đoàn. Đó đây là một vài nụ cười, vài bàn tay giơ cao, khẽ vẫy từ dưới đường, còn trên xe là tiếng cười đùa, chọc ghẹo của lính trẻ. Lính là vậy: hồn nhiên và…bất sá!
Đoàn xe trực chỉ xuôi nam, vừa chạy qua Miếu Bông thì trời đổ mưa làm nhòa đi cảnh vật hai bên đường. Mưa suốt chuyến hành trình. Không lớn, không nhỏ, nhưng cũng đủ để mọi người trùm kín poncho để tránh gió và chống lạnh. Không còn ai thích thú chuyện trò như khi còn trong Đà Nẵng. Đường vắng, nhưng trơn trợt vì sình đất từ hai bên lề túa ra lấm lem nên đoàn công voa chạy chậm hơn bình thường. Phố thị ven quốc lộ lần lượt lùi lại phía sau. Xe qua Tam Kỳ. Thị xã kiêm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Tín khiêm nhường sinh hoạt dưới mưa. Phố vắng càng thêm vắng vì phố chính chỉ là hai dãy nhà nhìn nhau ven quốc lộ. Chưa bao lâu thì đã đến Chu Lai. Tại đây, đường xá thênh thang như muốn tạo vẻ cân xứng với tầm vóc của căn cứ và phi trường quân sự lẫn dân chính vốn chỉ đứng sau Đà Nẵng.
13H00. Quảng Ngải là đây! Thành phố của núi Ấn, sông Trà, của những danh nhân và dũng tướng như Trần Quang Diệu, Trương Định, Huỳnh Thúc Kháng hôm nay trầm ngâm và lạnh lùng nhìn theo người Lính xuôi nam….
Xe chầm chậm lướt qua phố chính của thị xã. Hàng quán bên đường, nhứt là những quán cà phê, trông cũng bề thế không thua gì ở phố Đà Nẵng. Mưa vẫn còn dầy hạt nên ngọn Thiên Bút chỉ là một khối mờ bên quốc lộ. Ra khỏi phố, đoàn quân xa thong thả lăn bánh, thẳng vào địa phận quận Mộ Đức rồi dừng lại khi vừa qua khỏi núi Điệp.
Mộ Đức của chim mía, mạch nha, cá chuồn, cây thuốc lá và đường tán thơm lừng không xa lạ gì với Liên Đoàn 12 Biệt Động Quân chúng tôi: đơn vi. Tổng Trừ Bị của Quân Đoàn 1. Từ 1965 tới nay, Lính Mũ Nâu cứ đến rồi đi. Đánh đấm không biết bao nhiêu lần tại vùng này, đến độ ai đó đã có câu ” Muốn lên lon thì đi Thạch Trụ…” để nói đến mức độ nóng bỏng của một địa danh nổi tiếng trong quận. Lính xuống xe đổ
quân hai bên đường. Hành trình 160km tính từ hậu cứ Phú Lộc, thuộc vùng ngoại ô phía nam Đà Nẵng, đến ngay Mộ Đức không dài, nhưng đủ để mọi người ngất ngư, và đã bắt đầu thấy đói và lạnh run vì gió mưa dai dẳng.
15H30. Mới vừa nhai vội, nuốt nhanh một ít gạo xấy, thịt hộp, là có lệnh di chuyển. Mưa vẫn rơi, gió vẫn rít từng cơn. Cả Tiểu Đoàn rời quốc lộ, di chuyển theo đội hình hành quân dọc con đường đất dẫn về hướng đông. Trên bản đồ là một lằn đen đứt quãng chạy mút xuống một khu vực dân cư nằm sát biển. Ngoài địa hình là một con đường làng nhòe nhoẹt bùn đất. Bùn dính vào giày dẻo ngoe. Lính ghì tay súng, oằn lưng vì ba lô quá tải, trông chẳng khác gì những bóng lạc đà đang bước chậm. Nhà cửa thưa dần, người chẳng thấy đâu. Ruộng vườn cũng hòa vào khung cảnh bàng bạc của màn nước và của mây mưa xám ngắt. Bốn cây số lầy lội đủ để làm mỏi những cặp giò chai đá nhứt nên mọi người thở phào khoan khoái khi vào đến vùng hành quân vì trời cũng vừa tạnh mưa, và cũng vì thấp thoáng dọc theo hai dãy nhà của xã Đức Lương là những chiếc nón lá và bóng dáng đủ làm Lính…tròn xoe mắt.
Phần còn lại trong ngày chỉ là nhận vị trí, rồi chuẩn bị hầm hố qua đêm thì cũng vừa xong ngày đầu ra quân của Tiểu Đòan 37 BĐQ sau đúng một tháng ” thất nghiệp “.
Chúa nhựt 06-04-1974 . 11H00
Đức Lương, cũng như phần đông các nơi khác, vốn là xã xôi đậu, từ lâu đã là cái gai khó nhổ của Chi Khu Mộ Đức. Lính đến, du kích rút vào các thôn làng bỏ hoang từ lâu. Lính đi, đám chuột nhắt lại bò ra tác quái. Cứ vậy mà người dân nào còn trung thành với miếng đất cha ông để lại đã phải chịu đựng và nín thở lặn hụp giữa hai làn nước. Cho đến lúc sau này, khi quân đội Mỹ rút quân thì tình hình tại Đức Lương càng thêm nghiêm trọng. Vì vậy Tiểu Khu Quảng Ngãi phải nhờ Biệt Động Quân tăng phái để giúp giải tỏa áp lực địch tại ngay hướng chính đông của Mộ Đức. Công tác của Tiểu Đoàn 37BĐQ là bình định, an dân. Bình định thì không khó, nhưng dân có an hay không lại là chuyện khác. Mấy ngày rồi mà dân chúng chưa chịu tích cực phá bỏ những hầm nổi và các hàng cây, hay lùm, bụi rậm rạp quanh nhà và ngoài bìa làng. Dân không làm thì Lính xăn tay áo nhào vô. Rốt cuộc, công việc chính của Tiểu Đoàn là tảo thanh và …phát quang để du kích không có chỗ ẩn núp và len lỏi về thôn xóm. Lính phá hầm, hạ cây thì dân đứng nhìn. Họ bất cộng tác cũng phải vì lý? do bảo vệ an ninh cho xã ấp không đủ sức thuyết phục họ. Biết dân ngấm ngầm bất mãn, nhưng nhiệm vụ được giao thì Lính phải thi hành triệt để. Do đó đã có
lời ta thán đó đây và hằng đêm đã có điệp khúc “…đồng bào hãy nhứt tề vùng lên dẹp tan bè lũ bạo quyền… ” từ loa phát thanh lưu động của đám du kích địa phương.
Thứ bảy 12-04-1974 13H00
Đơn vị tiến dần từ hướng nam lên phía bắc. Mới đó mà đã gần hai tuần! Thời gian đủ dài để sang bằng những hầm nổi, rào dậu, lau lách, cây cỏ trong và chung quanh xã. Tầm nhìn quang đảng hơn, xa hơn. Dân cũng bớt ta thán, nghi kỵ vì vô hình chung Lính đã giúp họ sửa sang lại bộ mặt của thôn làng. Nhờ vậy đã có những ánh mắt và nụ cười thân thiện hơn và những câu chuyện cởi mở hơn so với lúc mới vào vùng. Đã có câu mời chào của các vị bô lão, những thẹn thùng e ấp của những mái tóc dài mới mấy ngày trước còn mang nét nghi ngại gần như bất cộng tác về mọi mặt. Và từ đó Lính biết thêm nhiều điều thú vị về Đức Lương, đặc biệt là kỹ thuật trồng cây thuốc lá và cách chăm bón đất thật giản dị nhưng khó khăn, khổ sở và…khó ngửi vì phải cần đến …phân người! Muốn có thứ này thì ngày xưa người ta phải đi hằng chục cây số, càn quét các cánh đồng- cũng là nhà xí lộ thiên trong vùng- để lượm lặt rồi gánh về bón đất trồng. Nghe kể mà bất chợt nhìn lại Capstan, Ruby ” Quân Tiếp Vụ “, Bastos, Mélia và cả những loại
thuốc ” sang ” như President mà cảm thấy muốn …ớn lạnh!
Nhưng Lính không dậm chân tại chỗ. Hôm nay Trung Đội lại có lệnh di chuyển lên vùng cực bắc của Đức Lương, là vùng hoạt động công khai của du kích với căn cứ địa là những thôn xóm bỏ hoang từ khi quân đội Mỹ mới đến. Gần một chục năm nhà không vườn trống nên làng Văn Bân chỉ còn là những ” mụn cám ” trên bản đồ, còn làng Hoài An cạnh đồi Van Bang đã là một ốc đảo với không đầy một chục nóc gia. Đại Đội 3 được lệnh đóng quân tại đây. Và Trung Đội 1 trở thành tiền đồn trên cao độ 60 mét của Van Bang.
- Sao tên ngọn đồi nghe lạ quá vậy bác Hai?!
- Tui cũng không biết.
Người lão niên sống bằng nghề trồng cây thuốc lá và bắt dong ven biển lắc đầu. Người dân địa phương không biết. Vậy thì chuyên viên in bản đồ của Nha Địa Dư đã quên bỏ dấu cho hai chữ Van Bang không chừng!? Nhưng dù sao thì cái tên khó đọc này lại dễ nhớ đời vì giữa trưa hôm nay Lính phải gò lưng đội nắng để leo dốc. Sau đó, những nhát cuốc bổ xuống đá ong dội vào tay đau điếng làm chúng tôi lắc đầu, ngao ngán. Nhưng phồng tay, nhức lưng thì cũng phải lo cho xong hầm hố và tuyến phòng thủ. Vừa xong mọi thứ là đã chói chang ráng chiều. Màu vàng của nắng, màu nâu của đá ong, màu cam của dải đồi nhấp nhô chạy mút tầm mắt về phía tây để hòa vào màn xanh mờ mờ của núi Điệp tạo thành một bức tranh lạ mắt nhưng hài hòa của thiên nhiên. Lính thay nhau ” hạ san ” để tắm giặt và cũng để tạt qua làng nhìn ” nẫu ” cho đỡ ghiền. Trong khung cảnh hoàng hôn, đâu là vị trí súng của pháo binh Mỹ mấy năm trước đây? Đâu là ranh giới của đất lành và mìn bẫy mà Đại úy Vương đã hết lòng căn dặn phải hết sức cẩn thận? Đâu là vùng đất chết mà du kích đã thông báo cho dân biết và chính đám chuột nhắt cũng đã từ lâu không dám đặt bước tới?
Thứ năm 16-04-1974.18H00
Đồi trọc. Khô khốc. Ngồi chờ trực thăng tải thương mà buồn ơi muốn khóc! Vùng tử địa với mìn nội hóa đóng vai tử thần giăng bẫy. Khoảng đất rộng đủ cho cả Đại Đội trấn đóng chỉ giao phó cho 20 mạng khai quang bằng giày saut và lưỡi lê vì máy rà mìn Poland của Công Binh hoàn tòan vô hiệu lực. Đành phải dùng mắt mà tìm, dùng lưỡi lê để kiếm và giày saut để rà từng tấc đất. Cả mấy ngày trời mà vẫn chưa xong một nửa ngọn đồi. Công việc càng chậm càng tốt, kỹ lưỡng chừng nào chắc ăn chừng nấy. Đơn giản nhưng hồi hộp như trong phim nghẹt thở.

 

 

Min

 

Trung đội dàn hàng ngang, mỗi người cách nhau chừng một sải tay. Lưởi lê cột chặt vào một nhánh tre, cắm phập xuống đất, khoảng cách càng khít khao càng tốt. Xăm tới đâu bước tới đó.
Nhưng rồi đến ngày thứ tư cũng đã không tránh khỏi thương vong! Một thằng em cuốn poncho, thêm một đứa bay mất bàn chân khi nhào tới đỡ bạn. Tổng cộng 28 trái mìn nội hóa sau bốn ngày ” chiến đấu với Ma “. Tiếng rên của thằng em càng làm nhói thêm lồng ngực vì không thể chia sớt được nỗi đau thể xác của một con người. Nguyễn Hoàng Minh chạy đua với thời gian và bất chấp tử thần nhưng thua cuộc phải bỏ lại một phần thân thể. Thương bạn và nóng lòng vì bạn nên mới ra nông nỗi. Thật đáng tiếc! Còn Lê Văn An vì bổn phận và trách nhiệm của người lính mà phải bỏ lại mạng sống mình trên đồi máu. Thật đáng buồn!
- ĐM! Tụi nó gài mìn độc quá!
Trung Sĩ nhứt Thái vỗ về thằng em khinh binh rồi trở lại bên tôi bật tiếng chưởi thề. Ông Trung Đội Phó dạn dày trận mạc là người đầu tiên gõ đúng vào trái mìn nội hóa làm bằng lon trái cây, bên trong là thuốc nổ, đinh, vít, và mọi thứ sắt vụn trên đời. Không biết bộ óc khủng bố nào đã nghĩ ra được cách vô hiệu hóa máy rà mìn thật tinh vi bằng cách bao hai lớp nylon lên mảnh ván đặt nằm gọn trên lon mìn, ngòi kích hỏa là một cây đinh đóng xuyên qua ván và cắm thẳng vào lon có ngòi nổ là một vỏ đạn M16. Mọi thứ còn khá tốt nhờ nylon cản nước không làm mục gỗ hay ướt thuốc. Dẫm chân trệt qua một
bên thì có thể không gây chạm nổ, nhưng đạp ngay trên chiếc đinh thì …chỉ có phép lạ mới làm cho tịt ngòi. Bằng không thì …bay gót, hoặc mất bàn chân nếu là lon nhỏ, hay mất mạng nếu gặp lon cỡ hộp sữa SMA hay lớn hơn!
Khi trực thăng đến tải thương thì mặt trời cũng vừa tắt nắng. Mừng cho đứa em từ nay xa rời cuộc chơi nhưng cũng buồn rười rượi cho một hoa niên đã sớm lìa đời. Nhìn theo cánh quạt khuất dần về phía Quảng Ngãi mà ước thầm được theo về hậu phương an lành. Nhưng Lính không có thì giờ để tần ngần hay tưởng tiếc. Cắm cọc làm dấu những vị trí đã dò xong các loại mìn. Báo cáo trong ngày. Cơm chiều. Chỉnh đốn lại tuyến phòng thủ qua đêm. Cắt đặt canh gát. Công việc vừa xong là đã thấy sao trời lấp lánh. Một ngày lại trôi qua trong đời Lính. Mai này sẽ ra sao?!
Chúa Nhựt 20-04-1974 . 10H00
Khỏang đất dọc theo sườn phía đông của Van Bang vừa được khai quang hòan toàn. Hành lang bề ngang chừng hơn 2 mét và chiều dài trên dưới 100 được chúng tôi bảo đảm không còn mìn bẫy. Mõm đá ven sườn hướng đông là vị trí khá tốt để quan sát khu vực đưới chân đồi, ruộng đồng ngoài bìa làng, và cả núi Cây ở phía bắc. Và chỉ chờ có thế! Tiểu Đoàn tung hai Đại Đội để thăm dò căn cứ địa của đám du kích trong khu vực của ấp Văn Bân. Đại úy Trần Văn Quy, Tiểu Đoàn Phó trực tiếp chỉhuy. Đại Đội 2 nổ lực chính, Đại Đội 3 tiếp ứng.
Cối 81 và 60 ly của Tiểu Đoàn và hai Đại Đội vừa dứt mấy tràng đạn là Đại Đội 2 của Trung úy Hiền xung phong vào làng theo trục Đông Tây. Tại hướng Bắc, Trung Đội 1 và 2 do Thiếu úy Lợi, Đại Đội Phó Đại Đội 3 chỉ huy đã dàn sẵn để chờ địch. Phía Tây là đồng trống, dành cho cối của Tiểu Đoàn và bốn khẩu 105 ly của pháo binh Chi Khu Mộ Đức càn quét khi cần.
Tiếng súng nổ dòn dã. Bóng người mất hút vào những hàng cây, bờ dậu. Vài bóng người chạy xuyên qua những khoảng sân thưa hay đất trống. Xa quá không rõ là Mũ Nâu hay du kích. Đại úy Quy vừa theo dõi, vừa buông, chụp ống liên hợp điều binh liên tục. Lính xung phong, tiếng thét nghe vang dội. Âm thanh xen kẽ vào tiếng súng ngắn, dài, tạo thành âm điệu quen thuộc của mặt trận đang sôi động. Thốt nhiên, xen lẫn với tiếng nổ dòn của súng nhỏ là mấy tiếng đùng đùng vang lên gần như cùng một lúc.
- Chết mẹ! Tụi nó dính mìn rồi!
Ông quay sang tôi than một tiếng rồi đứng lên quát tiếp vào PRC25, ra lệnh cho Thiếu úy Lợi đánh ép vào làng để giải tỏa áp lực cho Đại Đội 2, và yêu cầu Trung úy Hiền báo cáo tình hình. Sau một hồi trao đổi là ông ra lệnh cho hai Đại Đội ngưng truy kích và nằm im tại chỗ. Việc tải thương bắt đầu.
Cần phải chạy đua với thời gian nên con đường ngắn nhứt, là leo đồi để lên Van Bang chờ trực thăng đến bốc. Mấy họng cối của Tiểu Đoàn và Đại Đội lại khạc đạn vào Văn Bân, làm hàng rào cản để hai Đại Đội tuần tự lui binh về phía bắc làng Hoài An, và từ đó phá bụi, lùm, để mở đường leo dốc.
Trên đồi, Trung Sĩ Thái chọn vài khinh binh tình nguyện của Trung Đội rồi dẫn họ và lao công đào binh do Tiểu Đoàn phái lên cùng xâm, dò, phát quang dần xuống để bắt tay với toán tải thương.
Từng giây phút trôi qua là một nỗi lo nghẹt thở vì khoảng cách trên dưới 100 mét dẫn xuống chân đồi chẳng khác gì một ” lối vào tử địa “. Và chuyện gì tới phải tới! Một tiếng nổ vọng lên từ hướng đang mở lối làm mọi người thót tim, khô cổ. Tôi cố lần theo dấu chân, bước xuống mõm đá, nhoài người nhìn xuống phía dưới nhưng không nhìn thấy gì sau mớ bụi cây dày đặc. Một lúc sau thì Trung Sĩ Thái trồi lên, sau
lưng ông là hai khinh binh của Trung Đội 1, trên lưng của người đi trước là Lê Văn Chánh, theo sát phía sau là một thằng em đang xòe tay nâng giữ bàn chân bê bết máu và lòi cả xương gót của Chánh đang lủng lẳng theo nhịp bước của đồng đội. Tiếp theo là toán lao công đào binh cùng với ” bánh tét ” và thương binh nặng, nhẹ, nối nhau lần lượt lên đồi. Hai nằm, bốn ngồi, cộng thêm Chánh là bảy tay súng bị loại khỏi vòng chiến. Trong khiđó thì tổn thất của địch không rõ. Gía đắt thật!
Trung Sĩ Thái dừng lại bên tôi, nhìn về phía thằng em đang được y tá băng bó, ông cố nén sự buồn bực bằng tiếng thở dài:
- Lại thêm một đứa gặp ” Ma “. Không tải thương kịp, chắc là nó…
- ĐM! Đã gọi trực thăng rồi. Ông Quy ngắt lời. Sẽ có ngay. Rồiquay qua tôi, ông nói tiếp. Chú mày lo vụ tải thương cho chu đáo nghe. Tao về đi phép vợ đẻ đây! ĐM! Đánh đấm gì mà chỉ gặp toàn là mìn không hà!
Câu nói của Đại úy Quy cũng là lời than của chúng tôi suốt mấy ngày nay. Nhưng nhận lệnh thì phải thi hành. Quân Đội có những lệnh lạc trời ơi đất hỡi như vậy là chuyện thường. Thi hành trước! Than thở sau. Lính mà Em!
Lần này số thương binh gặp may vì chỉ chừng nửa tiếng sau là có chuồn chuồn tới gắp xác. Cánh chim sắt vừa khuất dạng thì đã có kế hoạch mới của Đại Đội: gấp rút dọn bãi mìn trên Van Bang để lập đồn dã chiến. Chúng tôi lắc đầu: lại khổ nữa rồi! Lính quen lưu động, bây giờ phải nằm tại chỗ gánh thêm một trách nhiệm mà không ai muốn nhận lãnh. Đã vậy, Trung đội bây giờ chỉ còn 17 mạng. Thì thôi cũng đành.

 

 

Thứ Tư 23-04-1974. 17H00landmines and booby traps

 

Chỉ còn một khoảng đất nhỏ là coi như xong công tác dò mìn. Chiều nay Trung Đội dời vị trí phòng thủ đến khu vực vừa dọn xong. Một lô mìn nội hóa đủ cỡ, đủ loại, nằm chất đống bên ngoài tuyến chờ ngày mai dứt điểm toàn bộ ngọn đồi thì sẽ phá hủy một lượt. Đùa với tử thần nên phải trả giá bằng mạng người. ” Đòn bánh tét ” gói thây đứa em còn nằm đó. Trần Bình xui tận mạng: lạc bước ra ngoài khu vực đã làm dấu để giải quyết nhu cầu cho ” đệ tứ khóai ” nên đạp phải mìn banh xác. Đã chờ hơn hai tiếng đồng hồ mà vẫn chưa có trực thăng. Bóng nắng đã nghiêng dài nhưng vẫn còn đổ lửa. Ngưng dò mìn để đào hố, căng lều cho kịp buổi tối. Bàn tay phóng dao cả ngày lại phải cầm xẻng phập đất, nạy đá nên bây giờ đã phồng, dộp, đau rát. Căng xong poncho, cột xong võng cho ba thầy trò cùng khoanh chung một chỗ là mỏi nhừ hai tay. Đang cởi giày, tháo vớ cho mát chân thì vài đứa em tà tà đi ngang quạ Một đứa trong bọn kéo lê thanh tre dưới đất, lưỡi lê lòng
thòng như muốn sút hẳn ra nên tôi quát gọi tới ngay bên võng.
- ĐM! Lè phè vừa phải thôi nghe! Phải thật chặc như vầy nè!
Vừa chưởi thề, tôi vừa quấn dây cột lưỡi lê lại rồi phóng vài nhát ngay dưới chân. Một tiếng ‘ phụp ‘ khô khan vang lên làm tôi điếng người. Nhìn đầu lưỡi lê cắm ngay giữa đôi giày, tôi thấy lạnh xương sống. Gần một tiếng đồng hồ loay hoay tại chỗ này không lẽ Hồ Viết Sành, Nguyễn Ngọc Thanh và tôi không có lần đạp phải trái mìn này? Nhưng vì sao nó không nổ?
Đạp xéo một bên? Hay thuốc nổ tịt ngòi? Phép lạ chăng? Phản ứng đầu tiên là cả đám dạt ra thật nhanh làm cả Trung Đội giựt mình quay lại nhìn. Còn tôi lạnh cẳng ngồi chết trân một hồi lâu mới hoàn hồn. Chưa kịp nói gì thì Tín ‘ lùn ‘ đến bên võng gỡ lưỡi lê của mình rồi thận trọng gạt từng lớp đất mỏng. Miếng ván có bọc nylon hiện ra, đã mục nhưng chưa nát.
Chẳng bao lâu sau là cả trái mìn nội hóa được moi lên: một lon dầu ăn, loại thực phẩm viện trợ!
Cả đêm tôi trằn trọc nghĩ ngợi về trái mìn ngay dưới chân mình. Nếu nó phát nổ thì cả ba, hay trong ba thầy trò: tôi, thằng em ô đô, và hiệu thính viên của Trung Đội, chắc chắn phải có người trùm poncho và cho dù bị thương thì cũng sẽ mất máu, hay kiệt sức mà chết vì không có phương tiện tải thương trong đêm nay. Chiếc poncho gói xác Trần Bình vẫn còn nằm tại chỗ. Thỉnh thoảng có người đến đốt thuốc thế nhang rồi cắm trong chén cơm trắng đặt phía trên đầu của đứa em vắn số. Nghi thức tiễn biệt của đồng đội chỉ có thế. Đơn giản mà chí tình.
Đọc cho thằng em vài câu kinh mới sực nhớ xâu chuỗi còn nằm trong ngực áo. Lại nghĩ tới một phép lạ nào đó đã cứu cả ba thầy trò chúng tôi không chừng. Và cả đêm thức trắng chỉ để rùng mình nghĩ ngợi và tưởng tượng rồi rù rì với hai thằng em quanh những câu chuyện đa số bắt đầu bằng: Nếu như trái mìn nổ!?…
Thứ Ba 29-04-1974. 14H00
Rồi cũng dọn xong vùng tử địa trên đồi Van Bang sau hai tuần đổi bằng máu, mồ hôi, và cả nước mắt của Lính. Mỗi lần nghe một tiếng nổ, dù là tiếng phá mìn, thì cổ họng như muốn thắt lại. Tiếng nổ dội vào ngực, xoáy trong đầu, tạo cảm giác rùng rợn khi âm thanh dội vào vách đá rồi vang rộng khắp đồi.
Chết ngay thì không nói gì, đằng này mìn nội hóa thường giết người dần mòn do mất máu và đau đớn vì cụt giò, mất bàn chân, hay nát bọng đái. Ngày lên đồi cả Trung Đội chúng tôi có 20 người. Bây giờ vẫn là 20, nhưng đã có 5 tân binh vừa mới bổ sung hồi sáng. Số lính mới về được chia đều cho ba Trung Đội vì tổn thất nhân sự gần như ngang nhau sau cuộc rà mìn bằng chân của chúng tôi hay những lần hành quân thăm dò của hai Trung Đội còn lại. Đại Đội 3 te tua nhưng vẫn sẽ là nổ lực chính trong cuộc hành quân vào ngày mai. Mấy hôm nay địch tha hồ bắn tỉa khi chúng tôi dựng tre, cắm cột để nối hàng rào, và hằng đêm, đám du kích hiên ngang đem loa phóng thanh tiến sát chân đồi ” sủa ” liên tục. Đã đến lúc phải hành động!
16H00.
Đại úy Vương họp các Trung Đội Trưởng để chính thức thông báo lệnh của Tiểu Đoàn về việc truy lùng du kích và khai quang toàn bộ khu vực tây bắc dưới chân đồi. Kế hoạch hành quân lần này hơi khác lần trước. Chỉ có Đại Đội 3 trực tiếp tham chiến vì có tin cho biết là du kích đã rút lực lượng nòng cốt khỏi Văn Bân, chỉ để lại một toán nhỏ để tuyên truyền và quấy rối. Đại Đội 4 sẽ đóng vai trò tiếp ứng và giữ an ninh ngoại vi khi thành phần xung kích của Đại Đội 3 đã vào bên trong làng. Sau khi cho biết tình hình và kế hoạch, ” Bố Gìa ” đặt thẳng vấn đề :
- Cả ba Trung Đội đều thiệt hại nặng như nhau nên tôi dành cho quí vị sự lựa chọn. Ai sẽ đi đầu vào ngày mai? Nếu không ai tình nguyện thì tôi sẽ cho bốc thăm. Như vậy là công bằng nhất. “
Cả ba Trung Đội Trưởng im lặng. Không ai nhìn ai. Căng thẳng. Vương Vũ tỏ dấu hiệu kiên nhẫn chờ đợi bằng cách mồi thuốc hút, nhưng ông chỉ vừa rít hơi khói đầu tiên là đã có câu trả lời.
- Tôi nhận!
Hai tiếng chắc nịch của tôi làm không khí thay đổi ngay lập tức. Ông Vương gật đầu nhìn tôi tỏ vẻ hài lòng. Lê Văn Hữu và Nguyễn Thanh Vân cùng đến vỗ vai tôi, kèm theo những nụ cười thông cảm và câu nói của Vân:
- Tối nay hai ông qua chỗ tui nhậu. Kéo mấy ông phó qua luôn nghe.
Về đến tuyến đóng quân thì mọi người đã biết tin tức cuộc họp. Lính vốn luôn sẵn sàng để chấp nhận mọi hoàn cảnh nên nét lo âu thoáng hiện trên ánh mắt rồi cũng tan biến theo những cợt đùa cố hữu. Vui được lúc nào hay lúc đó nên Lính vẫn hồn nhiên sinh hoạt như trên đời này không có gì để bận tâm ngoại trừ kiểm tra súng đạn để chuẩn bị cho cuộc hẹn với tử thần vào sáng ngày mai. Xong xuôi mọi thứ thì cũng vừa kịp giờ hẹn với Vân và Hữu. Nắng vẫn còn đẹp dù đã xậm màu. Một ngày trong đời lại trôi qua…”Một ngày như mọi ngày ” của Lính!
Thứ Tư 30-04-1974. 9H00
Từng đợt cối thi nhau rót vào mục tiêu. Cuộc hành quân tảo thanh bắt đầu. Lê Văn Hữu cho Trung Đội 2 bám vào bìa làng phía đông rồi dừng tại đó. Còn tôi dẫn Trung Đội 1 vòng qua hướng bắc rồi xông thẳng vào. Từ trên đồi, Đại úy Vương thận trọng điều quân. Ông cho lệnh chúng tôi lục soát từng khu vườn, từng nền nhà hoang rồi tiến dần qua hướng nam, nghĩa là đi ngược lại phía Van Bang, còn Trung Đội 2 của Lê Văn Hữu từ cạnh sườn phía đông chuyển dần qua hướng tây bắc, cắt ngang sau lưng chúng tôi dựa theo địa thế của khu làng. Hướng biển được nhường lại cho Đại Đội 4 dàn quân sẵn sàng tiếp ứng.
Khỏang cách lúc đầu tính bằng những hàng dậu hay khoảng sân nhờ Đại úy Vương trên đồi còn nhìn thấy chúng tôi di chuyển, nhưng không bao lâu thì đã bị cây cối che khuất nên thỉnh thoảng phải dừng lại để xác định vị trí và khỏang cách với Trung Đội 2 của Hữu. Không có sự kháng cự nào của địch. Mới tối hôm qua còn ra rả tiếng loa tuyên truyền nghe đến ngứa lỗ tai.
Bây giờ thì im lặng hoàn toàn. Chúng nó đã rút đi, hay đang rình rập giăng bẫy phục kích đâu đó không chừng!?
10H00
Văn Bân hoàn toàn bị bỏ hoang đã từ lâu. Nhà cửa chỉ còn lại nền đất và vườn tược, cây cối không có dấu hiệu được chăm sóc. Nhưng dấu chân trên đất cát vẫn còn khá rõ mặc dù một số lớn có dấu hiệu bị xóa đi một cách vội vã. Như vậy, nơi này đúng là căn cứ địa, là vùng bất khả xâm phạm của du kích bấy lâu nay. Lục soát thêm vài khu vườn thì toán khinh binh đi đầu dừng lại. Trung Sĩ Thái trở lại bên tôi và cho biết phía trước có dấu vết của một con đường mòn hình như đã từ lâu không có người qua lại. Tôi mở bản đồ, xác định con đường làng một thời nối Đức Lương với các xã chung quanh, báo cáo với Vương Vũ, rồi dừng tại chỗ chờ Trung Sĩ Cho dẫn Tiểu Đội khinh binh vượt hàng dậu thưa để tiến dần qua khu vườn lân cận. Đến khi người cuối cùng là Nguyễn Văn Tâm vừa bước theo đồng đội thì một tiếng nổ vang lên, hất tung Tâm ” sún ” khỏi mặt đất trong một màn bụi đất dày đặc. Và đó là hình ảnh sau cùng tôi nhìn thấy trước khi bị sức nén đẩy té xuống đất.
Khi tôi lồm cồm ngồi dậy thì Trung Sĩ Thái đang nhìn tôi với nét mặt lo lắng, còn Thanh ” máy ” thì đang lom khom, vừa ngó dáo dát chung quanh vừa báo cáo về Đại Đội. Trong khi đó thì Hồ Viết Sành còn nằm dưới đất chong súng về phía trước.
- Chuẩn úy có sao không?
Trung Sĩ Thái run giọng hỏi tôi. Trong cơn choáng váng, tôi nhìn thấy ông đã không còn cầm súng mà ngược lại, bàn tay phải đang nắm chặt cánh tay trái. Người ông đầy máu. Còn trên tay tôi cũng dính một miếng thịt của ai đó không rõ. Vài vết máu đây đó trên người, nhưng tôi không có cảm giác đau đớn, chỉ thấy hơi tức ngực. Đến lúc này Trung Sĩ Thái mới bàng hoàng rồi trân trối nhìn lại cánh tay đẫm máu của mình.
- ĐM! Sao lạnh quá vậy!
Vừa dứt lời nói sảng là ông ngã xuống, ngất xỉu. Tay vẫn còn nắm vết thương.Tôi choàng qua, gỡ bàn tay phải của ông ra thì mới hay cánh tay trái chỉ còn nối vào người bằng một miếng thịt nhỏ bé ở gần vai, ngay dưới nách. Tôi nghiến răng giựt cánh tay ra rồi đắp vội mảnh băng cá nhân vào vết thương. Hồ Viết Sành nhào qua đỡ người Trung Đội Phó cho Hạ Sĩ Bé chích thuốc cầm máu. Giao ông Thái lại cho người y tá, tôi lật đật ra lệnh cho Trung Sĩ Đặng Tri dàn toán đại liên bên cánh phải, chong súng về hướng bìa làng, đề phòng địch phản kích. Sau đó kéo Thanh “máy ” và Hồ Viết Sành chạy lên phía trước. Toán khinh
có mười người thì đã bỏ cuộc hết năm, nằm bất động, hay oằn oại rên siết. Trung Sĩ Bi và một khinh binh đang lăng xăng lo cho đồng đội kém may mắn, còn mấy người khác thì ngồi ghìm súng về phía trước. Tôi thảy thằng em ô đô vào trám tuyến với khinh binh, ra lệnh mọi người gấp rút đào hố cá nhân, trong khi đó Thanh “máy ” cũng báo cáo tình hình với Vương Vũ và xin tải thương cấp tốc.
Trở lại phía sau, xem xét tuyến dàn quân của toán đại liên, chôn tạm cánh tay của ông Thái trong một hố đào rất cạn, hối hạ sĩ Bé lên chích thuốc cầm máu và băng bó cho toán khinh binh. Tất cả những gì tôi làm từ lúc lồm cồm ngồi dậy sau khi bị đẩy bật xuống đất cho tới lúc này hoàn toàn là do bản năng. Đầu óc tôi nhẹ tênh, nhưng tôi biết mình đang run và cách duy nhứt để trấn áp nỗi lo sợ là chạy một vòng kiểm tra, gằn giọng rít qua kẽ răng để trấn an thương binh vào năn nỉ họ đừng rên la kẽo địch có thể nắm bắt tình hình và tấn công bất ngờ, lúc chưa có thế phòng thủ vững vàng. Có thể nói cả Trung Đội vùa hoang mang vừa thất thần vì chưa chạm địch mà đã rụng hết 6 mạng.
Nhìn chung quanh mới thấy tình cảnh chúng tôi thật thê thảm. Chỉ nội lo cho thương binh cũng đã là một gánh nặng. Mọi người đều phơi nắng. Không ai dám tìm bóng mát vì bóng mát có thể là tử địa. Đúng ra, nơi nào trong khu làng này cũng có thể là tử địa. Đâu ai ngờ bỏ lối mòn, phát đường qua hàng dậu mà đi cũng vướng bẫy. Cái số xui tận mạng đã khiến cho thằng em nhỏ con, thấp người vướng chân vào sợi giây bẫy của đầu đạn 155 ly. Hơn một kí thuốc nổ!
- Chuẩn úy ơi! Đừng bỏ em.
Trong cơn mê sảng, Tâm ” sún ” mở mắt gọi tôi. Tay bi da số một của Liên Đoàn bây giờ chỉ còn nửa người phía trên. Hai chân đã biến mất và vùng hạ bộ chỉ còn là một mớ máu thịt bầy nhầy. Tôi nâng thằng em lên,vừa an ủi, vừa đau lòng lại vừa…sợ một cách bâng quơ. Không chịu nỗi cảnh thằng em bê bết máu, tôi cởi áo lót phần hạ bộ của Tâm, ôm gọn thằng em vào lòng mà có cảm giác như đang ẵm bồng em bé. Nắng khô khốc, nắng giữa trưa của một ngày sắp vào hè nung lửa thật tàn nhẫn. Giữa mồ hôi và nước mắt, tôi không biết thứ nào chảy dần xuống má của vài thằng em đang cắm từng nhát xẻng xuống lớp đất cát khô mịn chung quanh mình.
- Lạnh quá chuẩn úy ơi! Chắc em chết quá!.. ĐM! Thằng Bi đâu rồi… Nước! Cho miếng nước!…
Những tiếng rên la trong cơn mê sảng của Tâm ” sún ” và mấy đứa em vừa được kéo về chỗ Trung Sĩ Thái làm tôi thêm đắng cổ.
Bỏ Tâm ” sún ” xuống thì không đành lòng nên tôi ngồi đó ra lệnh cho Thanh ” máy ” hối thúc vụ tải thương, rồi chỉ định Trung Sĩ Đặng Tri, Tiểu Đội Trưởng trưởng đại liên làm phó cho tôi để cùng Trung Sĩ Nguyễn Văn Bi đôn đốc việc đào hố cá nhân và tổ chức phòng thủ. Lê Văn Hữu gởi một toán của Trung Đội 2 mang các thanh tre từ phía sau lên, dự trù sẽ khiêng số thương vong ra phía sau rồi vòng lên đồi theo lối tải thương lần trước, nhưng có lệnh của Vương Vũ nằm tại chỗ chờ Trung Đội 3 của Nguyễn Thanh Vân dò mìn để mở đường theo lối mòn đã từng dẫn thẳng lên đồi lúc xưa. Như vậy chỉ trên 100 mét
là thương binh sẽ đến nơi đáp của trực thăng thay vì nửa cây số dằn xóc có thể làm vong mạng khi phải khiêng cáng đi vòng bìa làng. Còn đang lo chỉ nơi dựng poncho che nắng cho thương binh thì
có tiếng của Hạ Sĩ Bé.
- Chuẩn úy!… Nó ” đi ” rồi.
Tôi nhìn lại mới hay Tâm ” sún ” đã tắt thở lúc nào không biết. Nhìn ánh mắt thằng em còn mở trừng như muốn cưỡng lại định mệnh nghiệt ngã mà tôi muốn khóc. Chỉ vì thiếu hụt quânsố nên vẫn còn giữ nó ở Trung Đội thay vì gởi nó về Tiểu Đoàn cho ấm thân. Lính là vậy đó! Đánh giặc trước, chuyện khác tính sau. Tiểu Đoàn 37 Biệt Động Quân vừa mất đi một cao thủ bi da với đường cơ lả lướt và không lần nào dưới 30 điểm mỗi khi chạm banh, ngoại trừ lúc cố ?tình câu độ! Đưa tay vuốt mắt cho thằng em SàiGòn mà cứ nhớ hoài những lần khoái trá nhìn thằng em lần lượt hạ các hảo thủ của Đà Nẵng, dân cũng như quân, trong những lần đọ sức tại các bàn bi da trên đường Độc Lập suốt một tháng quạ
Tôi thở dài giao xác thằng em cho Hạ Sĩ Bé rồi lần qua hai căn lều vừa dựng xong giữa sân nắng. Một đòn ” bánh tét ” đã gói sẵn. Ba khinh binh khác nằm rên dưới đất. Nặng nhứt là Minh, mới bổ sung hôm qua, bị toát lưng, gãy xương sống, đang nằm sấp rên la từng hồi. Còn lại là tân binh tên Tài bị thương nơi chân và má trái, đang ngồi cúi đầu bập từng hơi thuốc. Nắng đổ lửa trên đầu, hừng hực trên poncho, cháy bỏng trên mặt đất. Đã gần hai tiếng đồng hồ mà Nguyễn Thanh Vân vẫn chưa khai thông được 100 thước tử địa.
Không trách được hắn! Con đường hoang phế đã gần 10 năm. Mìn bẫy, hay có thể cả hầm chông đầy dẫy mà Lính thì chỉ có giày saut và lưỡi lê mà thôi! Phải tiết kiệm nhân mạng tối đa!
14H00.
Rồi cũng bắt tay với nhau sau hơn hai tiếng phá đường, mở lối! Nguyễn Thanh Vân và Trung Đội Phó Y Biếc dẫn toán lao công đào binh và một tiểu đội xuống tải thương và đem nước cho chúng tôi. Chỉ vài câu trao đổi là anh bạn gốc Long Xuyên vội vàng theo Thượng Sĩ Y Biếc trở lên đồi.
Tôi thầm lo cho Minh. Cột xương sống lòi tủy. Bốn mảnh băng cá nhân không đủ đắp ngang lưng. Gần ba tiếng chịu đau đớn. Bao lâu nữa thì mới có trực thăng? Máy bay không hề chờ người. Chỉ có người sống,
cũng như kẻ chết phải sẵn sàng để chờ chuồn chuồn đến bốc. Nhìn lại Trung Đội mới thấy chạnh lòng. Lính âm thầm chịu đựng và chấp nhận mọi hoàn cảnh. Chúng tôi chỉ còn lại 14 tay súng và đang hoang mang khi nhìn chung quanh toàn là bóng dáng của mìn bẩy và…thần chết!
Tiếng trực thăng kéo tôi ra khỏi trạng thái gần như lạc hồn. Cánh thiên thần đã đến đúng lúc. Nhưng ba tiếng đồng hồ chịu đựng đau đớn và mất máu, liệu ông Thái, Minh, Tài và cả một đứa em tân binh bị gãy chân còn đủ sức để lâm trận với tử thần trên bàn mổ hay không?! Tôi choàng tỉnh khỏi cơn chấn động tinh thần ngay sau khi Thanh ” máy ” cho biết Vương Vũ vừa nhắc tới việc lo cho con cái ấm chỗ để qua đêm, còn Hồ Viết Sành thì mang tới cho tôi một ca sắt trong đó là cơm nóng và mít non luộc cùng với một lát thịt hộp. Thấy tôi nhìn trân trân mấy miếng mít, thằng em cười ruồi chỉ tay bâng quơ qua hướng
sân kế bên nói ngay:
- Chuẩn úy đừng lo! Không có mìn đâu. Tụi em coi kỹ lắm rồi mới ” vớt ” nó xuống. Còn có canh dưa hường nữa. Em sẽ mang lại ngay.
Không thấy đói, nhưng cũng phải ráng ăn cho có sức và cũng để không phụ lòng của thằng em ô đô. Vừa nhai, tôi vừa miên man nghĩ về trái đạn đã loại khỏi vòng chiến một phần ba quân số của Trung Đội. Lại thêm một sự may mắn vừa đến với tôi và với hai thằng em đứng kề bên. Bốn người đứng cạnh nhau trên khoảng sân trống trải. Chúng tôi vô sự. Chỉ có ông Thái bay một cánh tay. Đúng là đạn tránh người. Có lẽ là nhờ cả ba thầy trò chưa tới số, hay còn có nguyên do nào khác chăng?!
19H00
Trung đội đóng chốt ngay giữa những miếng đất đã dẫm nát từ ban sáng, sau một màn xăm xoi tất cả những nơi chưa có dấu chân hay có dấu hiệu khả nghi. Báo cáo đầu giờ cho Đại Đội.
Một vòng kiểm tra tuyến đóng quân, đặc biệt là chốt phòng thủ hướng về phía khu làng chưa kịp tảo thanh. Nhìn địa thế mà tôi thầm ngao ngán mặt dù phía sau có Trung Đội 2, hướng trên đồi có Trung Đội 3, bên sườn phía đông có một Trung Đội của Đại Đội 4. Mỗi gốc cây là một dấu hỏi, mỗi hàng dậu hay rào thưa là một gương mặt của tử thần. Không biết ngày mai lệnh lạc sẽ ra sao, chứ nếu như kiểu này thì chắc chắn ngay cả Vương Vũ chắc cũng phải buột miệng chưởi thề không chừng.
Lót ổ xong là mọi người mệt nhoài nên không có những cợt đùa cố hữu. Lính trầm ngâm hơn thường ngày. Chắc chắn ai cũng đang nhớ lại thảm cảnh của những ngày qua và nhứt là những đồng đội kém may mắn. Hôm nay là họ, ngày mai sẽ đến lượt ai?! Có đúng ” … Đi lính có nghĩa là chờ tới phiên mình bị thương hay tới số… ” như lời ai đó đã nói hay không? Mà thôi!
Suy nghĩ vẫn vơ hoài chỉ đày đọa thêm bản thân. Kệ mẹ nó! Tới đâu thì tới. Lính mà em!
Thứ Năm 01-05-1974. 07H00
Đêm yên lành trôi, dù rất chậm. Cũng may là không bị đám chuột nhắt khuấy phá, dù chỉ bằng tiếng loa phát thanh như cả tháng qua. Đêm thao thức để thấy lòng bùi ngùi khi thả tâm trí ngược về những ngày Lễ Lao Động của thời còn hít thở bụi phấn trong lớp học và những chuyến rong chơi với bạn bè ngoài Vũng Tàu. Thế giới hồn nhiên của ngày xưa đã không còn, thay vào đó là trò chơi súng đạn để tự vệ và sinh tồn.
Cứ thế mà vẩn vơ cho đến sáng tỏ. Mọi người đã thức dậy. Vài ngụm cà phê và điếu thuốc Mélia làm đầu óc cảm thấy dễ chịu hơn. Lại một ngày mới đang bắt đầu. Ước gì ngày nào cũng như sáng hôm nay: trời trong, nắng hồng để còn thấy chút hạnh phúc dù rất mong manh vẫn còn hiện diện trong lòng.

 

 

9H00Image Hosted by ImageShack.us

 

- Chuẩn úy! Vương Vũ muốn gặp trên máy.
Thanh ” máy ” vừa nói vừa đưa tôi ống liên hợp. Bên kia đầu máy, tiếng của Đại úy Vương như muốn nghẹn lại khi thông báo là có lệnh gom dân trao cho chúng tôi để tiếp tục việc phát quang.
Lệnh này do Liên Đoàn ban ra nên dù không tán thành, Vương Vũ vẫn phải tuân hành. Trung Đội 1 nằm tại chỗ chờ nhận người.
Cùng lúc đó thì Trung Đội 3 cũng sẽ từ trên đồi mở rộng con đường mòn tải thương hôm qua và khai quang sườn dốc phía tây để sau đó bắt tay với chúng tôi ở cuối làng.
Còn Trung Đội 2 thì qua những làng lân cận để gom người và ” mượn ” luôn dao, rựa của dân xài thay vì chỉ có lưỡi lê và xẻng cá nhân vốn bị hạn chế trong việc phát quang.
Trong khi chờ đợi nhận người, chúng tôi thận trọng dò dẫm từng thước đất và chú tâm tuyệt đối vào từng bụi cây hay rào dậu quanh tuyến đóng quân. Để chắc ăn, tôi cho Hạ Sĩ Trần Văn Qúy dùng M79 tác xạ vào những nơi nghi ngờ có mìn bẩy. Anh chàng nổi tiếng thiện xạ và vua gài lựu đạn này ngứa ngáy đã lâu, nay được dịp trổ tài nên tha hồ nhả đạn tưng bừng. Và quả nhiên, một số mìn trúng đạn nổ tung như muốn thót tim, làm Thanh ” máy ” cứ phải luôn miệng báo cáo về Đại Đội để ” Bố Gìa ” yên tâm.
11H30
Đang ngồi nghỉ mệt thì Lê Văn Hữu dẫn tám người đến giao cho chúng tôi. Nhìn họ mà tôi than khổ trong lòng vì ngoại trừ một thiếu niên mặc bộ đồng phục của một trường Trung Học nổi tiếng của Quảng Ngãi, còn lại toàn là đàn bà, con gái. Dụng cụ ” mượn ” về chỉ có một cái rựa, hai cái cuốc và một con dao phay.
- Có còn hơn không. Xài đỡ đi Huynh Trưởng. Nhân lực và vật lực chỉ có bấy nhiêu thôi. Chắc là Lễ Lao Động nên họ cũng xả hơi chăng!?
Hữu nói đùa rồi dẫn lính trở lại tuyến của mình. Còn tôi đứng đó, phân vân không biết phải làm sao. Cuối cùng, tôi báo cáo với Đại úy Vương rồi quyết định cho một người có vẻ lớn tuổi ra về và dặn bà ta báo với gia đình những người còn ở lại là chúng tôi bảo đảm bảy người này sẽ được đối đãi tử tế. Vài người lên tiếng phản đối, liền miệng đòi tôi phải thả hết. Tôi chỉ im lặng nghe họ nói. Nhìn những ánh mắt âu lo nhưng bất mãn của họ mà tôi cảm thấy buồn bực.
Không có bằng cớ đích xác họ là du kích hay giao liên vì theo lời Hữu thì họ bị gom lúc đang ở ngoài ruộng, còn hai cô gái trẻ và em học sinh thì nói là nhân ngày lễ, nên về thăm gia đình. Sau cùng tôi cũng phải đi đến quyết định là giao họ cho Trung Sĩ Đặng Tri và Nguyễn Văn Bi để tùy nghi xử dụng. Dù sao thì họ cũng đã ở đây rồi.
Nhưng hai chàng Trung Sĩ chưa kịp dẫn toán người đi thì có tiếng mìn nổ lớn trên sườn đồi. Đám dân ngồi thụp xuống đất, mắt láo liên, vẻ mặt hớt hãi. Mọi người đều hướng mắt về phía có tiếng nổ. Tôi đưa mắt nhìn Thanh “máy”. Thằng em hiệu thính viên đang nghe báo cáo điều gì đó. Một lúc sau, nó đến bên tôi nói gọn lỏn.
- Thượng Sĩ Y Biếc! 109 rồi!
Tôi khẽ gật đầu, hối Đặng Tri và Nguyễn Văn Bi dẫn người về vị trí đã phân công, rồi ngồi thừ người nghĩ ngợi về người Hạ Sĩ Quan gốc Thượng vừa hy sinh.
Vậy là ” tứ hùng ” của Đại Đội 3 giờ chỉ còn lại một mình Lê Văn Trữ đang làm Thường Vụ Đại Đội. Những chiến sĩ xuất sắc từ thời Lam Sơn 719 rồi Sa Huỳnh đã lần lượt giã từ vũ khí. Trong hai ngày, hai Trung Đội Phó giã từ cuộc chơi một cách oan uổng. Trên kia chắc là Vương Vũ đau lòng lắm, và Nguyễn Thanh Vân cũng buồn không kém vì mất một người thầy dạn dày kinh nghiệm.
ĐM! Tôi bất giác văng tục trong lòng. Tình trạng này sẽ còn kéo dài bao lâu nữa !? Thật là chán chường gì đâu!
Nhưng đúng là họa vô đơn chí! Vừa nuốt vội chút cơm và chưa hết bồi hồi vì cái chết của Thượng Sĩ Y biếc thì một tiếng nổ khác từ tổ khinh binh của Đặng Tri vọng lại làm tôi thót tim vì có tiếng lao xao nhốn nháo vọng lại: một dấu hiệu chẳng lành. Chạy đến nơi thì đã thấy Bùi Hữu Tùng, đứa em gốc Vũng Tàu nằm bất động, còn Đặng Tri thì mặt mày hầm hầm xỉa xói vào mấy người đàn bà đang ngồi gầm đầu xuống
đất, rồi đến bên tôi báo cáo.
- Mấy con mẹ này chắc chắn biết có mìn mà không chịu chỉ. Cứ xớ rớt khều khều nên thằng Bình tức tối chụp rựa phang. Chỉ mấy nhát là nó dính chấu. ĐM! Đám này là dân của tụi nó đó chuẩn úy!
Tôi cũng muốn nổi khùng nhưng chỉ biết than thầm trong lòng và không biết phải hành động ra sao. Giận dữ cũng phải nén, đau lòng cũng phải dấu nhẹm. Hết nhìn bờ dậu tới nhìn xác thằng em. Chúng đặt mìn dưới đất thì còn có thể rà tìm, gài lựu đạn trên bờ rào thì vô phương.
Nhưng lời của Trung Sĩ Đặng Tri cũng không phải là vô căn cứ. Chúng nó phải làm dấu cho dân biết để tránh. Nếu không tại sao chỉ một mình thằng Tùng toát ngực !? Nhưng làm sao tìm ra!? Cũng đừng hòng đám dân này chỉ điểm. Những người đàn bà vẫn ngồi nhìn xuống đất mặc cho Đặng Tri hằm hè bước tới bước lui lầm bầm những câu chưởi rũa. Tôi cho lệnh tạm dừng việc phát quang để mọi người lắng cơn xúc động rồi kéo Đặng Tri qua phía Trung Sĩ Bi để bàn thảo riêng kế hoạch đối xử với đám dân, đồng thời cũng để kềm Đặng Trị khỏi nỏi khùng bất tử.
17H00
Đến giờ này mới có trực thăng. Không biết trên kia Đại úy Vương nghĩ gì vê người Thượng Sĩ ít nói mà chân chất đã từng vào sinh ra tử với ông bao năm qua bây giờ đã vào thiên cổ, riêng phần tôi cũng quặn lòng vì bảy người mới nhận về hồi Tết giờ chỉ còn lại Trần Minh Sơn, một tấm lòng rất…SàiGòn !
Nhìn đám dân đang ngồi lết bết, chờ được thả cho về mà thấy ngao ngán cho tình cảnh của của chúng tôi. Giữ họ để phát quang thay Lính thì thật là tàn nhẫn nếu như họ là người dân vô tội. Dù sao họ cũng không phải là người cầm súng trực tiếp đối đầu. Tha cả bọn họ thì tôi không có đủ thẩm quyền. ĐM! Tôi lại chưởi thề trong lòng. Bố Vương nói đúng. Thà đụng chánh quy chứ còn rà mìn hay truy lùng du kích thì chỉ ” từ chết tới bị thương ” thật là nhức óc!
Nhức óc cũng phải cắn răng mà chịu, vì lệnh của “Bố” phán xuống cho tôi là phải giữ dân lại qua đêm. Ngày mai tính tiếp.
Lại một phen gom gạo, nhường poncho, đào thêm hố. Lại một màn hăm he lính mẻ răng vì ngại họ quấy nhiễu một cách xàm xỡ những người đàn bà, nhứt là hai cô gái trông khá mặn mòi vốn là nam châm thu hút ánh mắt hao háo và những bông lơn, cợt đùa, chọc ghẹo của lính từ sáng đến giờ. Câu nói ” Quân và Dân như Cá với Nước ” nghe thật khôi hài làm sao! Dân nào thì không biết chứ những người đang chuẩn bị qua đêm ngay trong tuyến chúng tôi thì khác. Nếu được thì có lẽ họ sẽ “xơi tái ‘‘ chúng tôi là cái chắc. Và điều này là lẽ tất nhiên. Có một điều khó hiểu: bắt dân vào bãi mìn để khai quang thì sao gọi là “bình
định, an dân ” cho được!? Chẳng lẽ cấp trên của chúng tôi không biết hay sao?! Thật đúng là nhức đầu!
Thứ bảy 03-05-1974. 8H00
Hai ngày sinh hoạt chung với nhau mà trong lòng như nước với lửa. Hai ngày mệt óc vì những lời mắng vốn và thưa gởi của mấy người đàn bà và cả hai cô gái về chuyện lính tráng đã có nhiều hành động và lời nói không đẹp với họ. Hai ngày trần thân vì vừa trấn an dân, vừa vuốt ve tinh thần của Lính làm tôi mệt nhoài tâm trí. Việc phát quang chỉ làm cho có lệ nên không ai bị gì. Tình hình an ninh cũng lắng dịu. Có lẽ là nhờ chúng tôi đang có con tin trong tay. Yên tĩnh hoàn toàn. Và niềm vui chợt đến khi vừa nhâm nhi xong chút cà phê sáng là Thanh ” máy ” báo tin Vương Vũ cho lệnh thả người và ngưng công việc phát quang để chuẩn bị bàn giao vị trí cho một đơn vị bạn.

 

 

Thời gian sẽ cho biết sau.Biet Dong Quan

 

Lính khoan khoái ra mặt khi nghe tin đổi quân. Một tháng chơi trò hú tim trong vùng tử địa đã quá đủ nếu không muốn nói là quá dài. Lệnh đổi quân đến thật đúng lúc! Chúng tôi cần thay đổi không khí vì đã quá căng thẳng trong suốt thời gian một tháng vừa qua. Nhìn quanh tuyến đóng quân để thấy thương đám em út và thương cả chính mình khi mạng sống chỉ biết phó mặc cho may rủi. Sống, chết là chuyện thường tình. Nhưng chết vì mìn thì thật là lãng xẹt!
Không biết thượng cấp có hiểu cho tâm trạng của chúng tôi hay không?! Mà thôi! Đằng nào cũng đã chấm dứt trò chơi đẫm máu này. Đức Lương sẽ trở thành kỷ niệm.
Một kỷ niệm hi hữu với hình ảnh của những chiếc giày Saut thận trọng thả ” từng bước chân âm thầm ” trong tử địa.
Huy Văn
( Trích Nhật Ký Hành Quân )
Chân thành cảm ơn:
Đại úy Trần Văn Quy, Tiểu Đoàn Phó TĐ37BĐQ
Đại úy Trần Văn Vương, Đại Đội Trưởng Đ3. TĐ37BĐQ
đã giúp phối kiểm một số chi tiết tong bài viết
Ý kiến bạn đọc
Thứ Hai, 03 Tháng Tám 20201:20 SA
Khách
BUỒN CHẾT ĐƯỢC !! NÁT CẢ TIM GAN !!! CHẢY NƯỚC MẮT !!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn