Trà cú Từ Trại LLĐB đến Căn cứ Hải quân Tiểu đoàn 64 BĐQ ( TVQ chuyển )

Thứ Hai, 27 Tháng Bảy 20204:02 CH(Xem: 4852)
Trà cú Từ Trại LLĐB đến Căn cứ Hải quân Tiểu đoàn 64 BĐQ ( TVQ chuyển )

Trần Lý

KHONG ANH TRAI LLDB CAN CU ATSB HAI QUAN TRA CU

Không ảnh căn cứ ASTB Hải Quân và LLĐB/CiDG Trà Cú từ sách Specail Forces at War.

  • Vị trí địa lý

Trà cú nằm trong Quận Đức Huệ (một trong 4 Quận của Tỉnh Hậu Nghĩa, 3 quận còn lại là Đức Hòa, Trảng Bàng và Củ Chi)

  • Trại LLĐB Trà Cú : tại bờ Bắc sông Vàm cỏ Đông, cách Tân Sơn Nhứt 33 km về phía Tây,
  • Căn cứ HQ (cạnh Trại LLĐB) : dọc sông cách Trại Đức Hòa 13 km về phía Tây -Tây/Bắc.

Sông Vàm cỏ Đông bắt nguồn từ vùng đồng bằng thuộc Cambodia chảy vào VN tại  xã Biên Giới và xã Thành Long (Tỉnh Tây Ninh), rỗi chảy qua Bến Cầu , Hòa Thành, Trảng Bàng, sau đó qua Đức Hòa, Đức Huệ (Hậu Nghĩa) rồi Long An để hợp với sông Vàm cỏ Tây .. tạo thành Sông Vàm cỏ.. đổ vào sông Soài Rạp và  ra biển Đông , dài tổng cộng 280 km trong đó 190 km trong lãnh thổ VN.

  • Trại Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ :

Lực Lượng Đặc biệt Hoa Kỳ (5th SF), năm 1967, quyết định thiết lập một loạt 5 Trại có nhiệm vụ kiểm soát các hệ thống giao thông đường thủy trong vùng phía Tây SaiGon từ Cambodia sang, đó là các Trại Đức Hòa, Hiệp Hòa (Trại mới), Trà Cú, Lương Hòa và Đức Huệ..Hệ thống Trại này được đặt dưới quyền chỉ huy của Toán B-35 tại Đức Hòa

(Trại Đức Hòa bắt đầu hoạt động vào tháng 12-1966 ; trong khi đó Trại Hiệp Hòa (mới)  được xây dựng gần Nhà máy đường (nằm trên bờ phía Đông của sông Vàm cỏ Đông, cách Đức Hòa 11 miles về hướng Tây Bắc và cách Saigon 28 miles về Tây- Tây/Bắc) thay thế cho Trung tâm Huấn luyện CIDG Hiệp Hòa (cũ) bị VC phá hủy do nội công ngoại kích ngày 23- 11- 1963)

(Trại Lương Hòa thiết lập tại giao điểm Vàm cỏ Đông và Kinh Xáng ngày 26 tháng 5-1967. Quân của Trại rất ít đụng độ với VC, nhưng bị tổn thất nhiều do mìn bẫy, và đến 22 tháng 10, khi CIDG chuyển sang Trà Cú, Trại Lương Hòa được chuyển cho TĐ 51 BĐQ VN.)

Trại đầu tiên được thiết lập trong năm 1967 là Trại Trà Cú (quận Đức Huệ). Việc xây cất Trại bắt đầu ngày 10 tháng Giêng 1967 , trong khuôn khổ cuộc hành quân Checkmate. Đại úy Eldon Perdew  Trưởng toán A-352 được trực thăng vận đến địa điểm dựng Trại, có TĐ 38 BĐQ VNCH đi theo hộ tống và bảo vệ cho cuộc xây cất. Trại được xây dựng ngay nơi giao tiếp của Sông Vàm cỏ Đông và Kinh Gãy nhằm ngăn chặn các di chuyển của CQ và  CQ luôn luôn tấn công quấy nhiễu suốt thời gian dựng Trại. Khi xây xong các CIDG của Trại Lương Hòa được trực thăng vận đến Trà Cú. Lực lượng trú đóng này theo cấp số chung của CIDG gồm 3 đại đội chiến đấu và 2 Trung đội : 1 an ninh và 1 trinh sát, 1 trung đội súng nặng với 2 khẩu 105 ly. Trại  do 12 SF Mỹ chỉ huy (toán A-352) cùng sự phụ tá của 9 quân nhân LLĐB VN thuộc Toán A-160/C3 LLĐB VN ; Trại có 20 chiếc xuồng Đồng nai gắn máy và 10 thuyền máy nhỏ làm phương tiện chuyển vận khi hành quân..

(Có bài viết ghi là Trại có đại bác 155, tuy nhiên cấp số chính thức của CIDG chỉ có đại bác 105 và súng cối.. Trại Trà Cú có thể được tăng cường một pháo đội 155 của Pháo binh SĐ25BB HK- Second Field Force Artillery)

Trại có hình dạng .. một cái gáo : phần chính Trại hình tam giác và có một cạnh kéo dài theo ven sông.., có một bãi đáp trực thăng.

TRAI LUC LUONG DAC BIET TRA CU.

Căn cứ ASTB Hải Quân và LLĐB/CIDG Trà Cú (Ảnh của brownwater-navy.com).

  • Các trận đụng độ giữa CIDG và Cộng quân :
  • Ngày 10 tháng 3-1968 : một ĐĐ CIDG từ Trại hành quân tại khu vực cách Đức Hòa 14km về phía Tây đụng độ với một lực lượng CQ đã chờ sẵn, khai hỏa khi CIDG tiến đến gần 200m. Phi cơ quan sát được gọi đến và quân tiếp viện cũng được gửi đến..Lực lượng xung kích này bị 1 TĐ CQ chặn đánh khi đang di chuyển và phải rút lui sau 1 giờ chạm súng..Phi pháo bảo vệ cho cuộc lui quân về lại Trại và oanh kích CQ. Phía CIDG có 13 tử trận, 1 mất tích; CQ bỏ lại 4 xác..Ước tính của phi cơ quan sát sau đó cho biết thêm 52 CQ bị hạ..
  • Ngày 5 tháng 4-1968 ; CIDG từ hai Trại Trà Cú và Đức Huệ  phối hợp Hành quân trực thăng vận Land Rover III vào mật khu Ba Thu của CQ trong Tỉnh Hậu Nghĩa tại Bắc-Đông/Bắc Trà cú. CQ cấp Tiểu Đoàn đã cố thủ với hệ thống hầm hố kiên cố chịu đựng nổi bom 500 lb, đạn 105 không suy suyển.. Trận đánh diễn ra dữ dội suốt ngày.. Các Skyraiders và F-105 oanh kích liên tục. CQ chỉ rút lui khi trời tối ! Cuộc hành quân không thành công với tổn thất Việt-Mỹ : 1 phi công và 1 CIDG tử trận; 2 nhân viên phi hành trực thăng, 2 SF, 1 LLĐB Việt, 6 CIDG bị thương, 4 CIDG mất tích. Phía CQ 16 bị hạ cùng 6 vũ khí bị tịch thu.. Số CQ bị hạ do phi pháo được ước tính là 40 cán binh.
  • Ngày 21 tháng 4- 1968, CQ dùng chiến thuật ‘nội công ngoại kích’ ( từng dùng năm 1963 và thành công trong trận tấn chiếm Trại Huấn luyện CIDG Hiệp Hòa) tấn công Trại. CQ bắt đầu pháo kích vào Trại lúc 3 giờ sáng bằng súng cối, súng không giật và đủ loại súng máy từ hai hướng Bắc và  Tây của Trại, qua vùng đất trống trải phía Bắc Sông Vàm cỏ Đông và sau đó cả từ phía Đông qua Kinh Gãy. 30 phút sau, CQ tấn công bằng bộ binh, toán đặc công nhờ nội tuyến đã xâm nhập vào tuyến phòng thủ bên trong. Toán SF do Tr úy Pharoah đã dẫn đầu Trung đội an ninh Trại phản kích.. Các CIDG chống trả và giữ vị trí. Vị Chỉ huy LLĐB VN tuy bị thương vẫn cố thủ ..Nội tuyến đã quay súng đại liên 0.30 ( phòng thủ Trại) bắn vào khu vực chỉ huy Trại, nhưng bị bắn hạ. Đến 4 giờ 30 sáng, Cộng quân bị đẩy lui và sau đó cuộc điều tra nội bộ cho thấy CQ đã tổ chức một lực lượng nội tuyến khá đông gồm cả những cấp chỉ huy nhỏ (trung đội phó, tiểu đội trưởng CIDG) có nhiệm vụ mở cửa và phá rào cho CQ tiến vào Căn cứ ! các dây mìn claymore phòng thủ bị cắt..Trại giữ được do các CIDG trung thành cố thủ và do sự yểm trợ rất nhanh của AC-47 kịp ngăn chặn CQ không thể vượt nổi khu vực trống trải để tiến đến khu vực phòng thủ Trại như kế hoạch.

Lực lượng phòng thủ Trại khi xảy ra Trận đánh có 318 CIDG Việt và 84 CIDG Miên. Tổn thất : 6 CIDG và 1 dân sự chết; 1 CIDG mất tích (?) ; Bị thương gồm 5 quân nhân LLĐB VN (trong đó có Trưởng Trại), 13 CIDG.. Bên CQ để lại 68 xác và 1 bị thương..4 bị bắt sống.. 34 vũ khí bị tịch thu, nhiều đạn và quân dụng bỏ lại khi rút chạy..)

Nhân sự CIDG bị giải tán, điều tra và sau đó được tổ chức lại toàn bộ..

Ngày 3 tháng 6-1968 : một trận đụng độ nhỏ giữa CIDG Trà Cú với một đơn vị súng nặng CQ khoảng 1 trung đội, đem đến kết quả bất ngờ.. Sau khi bao vây CQ, lực lượng CIDG tiếp viện và phi pháo tấn công chiếm trận địa..CQ bỏ chạy để lại 6 xác cùng 3 khẩu đại liên 12.7, 1 RPG 2 AK-47 và nhiều đạn, tài liệu..1 SF, 1 LLĐB Việt, 3 CIDG tử trận; 6 CIDG bị thương..chỉ mang 1 đại liên về Trại, 2 khẩu kia phải phá hủy tại chỗ vì quá nặng (phúc trình hành quân của 5th SF)

(trong bài :Trận chiến của LLĐB Trà cú của Tác giả Vương Hồng Anh viết theo lời kể của Chuyên viên LLĐB Nguyễn văn Dinh, trên Viet Star 17 tháng 8-2013 có ghi một trận đánh, có lẽ là trận đụng độ này (?) . Quân nhân LLĐB VN tử trận là Tr sĩ Lê văn Hiếu. Ông Dinh ghi số vũ khí tịch thu được là 14 AK-47, 2 Trung liên, 2 B-40, 1 B41 , một thượng liên phòng không..)

XUONG BAY CUA LLDB TAI TRA CU

Xuồng bay Hurricane Aircat của LLĐB-CIDG Trà Cú (Ảnh của brownwater-navy.com).

Tháng 10-1968 : Trại Trà Cú là một trong những Trại CIDG được dùng làm địa điểm thử nghiệm Airboat , một đơn vị 6 chiếc được đặt tại đây  (Xem bài Mộc Hóa của Trần Lý). Để chống trả, Tiểu đoàn Cà Mau của Trung Đoàn U Minh đã được gửi sang Miên để học cách chống Xuồng bay.. khi trở lại VN, Tiểu đoàn này đã tổ chức một trận phục kích một chiếc Xuồng bay tử Trà cú vào ngày 29 tháng 7 năm 1969 tại cuối Kinh Lagrange : Một quân nhân HQ tử thương và hai nhân viên CIDG tháp tùng bị thương..Các đơn vị tiếp cứu từ Trà Cú đã kịp phản ứng và cứu thoát các người bị thương, thu hồi chiếc xuồng bay.

Ngày 16 tháng 10-1968, một Xuồng bay của Trà Cù đã trúng mìn CQ của TĐ Cà Mau gài trên Kinh Lagrange , gây tử thương cho SF chỉ huy toán Xung kích Mike Force hoạt động trên Xuồng. Vụ nổ gây tổn thất nặng cho chiếc xuồng, cùng tử nạn có một thông dịch viên, và 2 CIDG bị thương..

Ngày 29 tháng 7-1969 : Trong một cuộc hành quân thường lệ, 2 ĐĐ CIDG rời Trại, chia thành 2 toán, mỗi toán đều có 6 SF cùng đi. Toán thứ 1, tuần tra khu vực phía Tây khoảng 5km (kênh Bo Bo) đã đụng một lực lượng CQ  khá lớn..cả ba cố vấn bị thương , toán này phải rút lui.. Toán 2 đến tiếp cứu, nhưng bị CQ chờ sẵn khai hỏa trước khi CIDG tiến vào vị trí. Đ/úy Chỉ huy Toán Amendola và Tr sĩ Whisenant tử trận ngay loạt đạn đầu của CQ.. Tr sĩ Murphy bị thương vào chân, cố lui về sau, nằm trong một hố bom để gọi không trợ. Trại gọi sự trợ giúp từ SĐ 25 BBHK. ĐĐ Delta 2/ 27( Wolfhounds) được gửi đến tiếp cứu. Trong cuộc tiếp cứu này Delta mất thêm 6 binh sĩ, mà vẫn không đến được khu vực giao tranh. Nhờ phi pháo nên sau đó Delta đem được xác các quân nhân SF về Trại (Tr sĩ Murphy cũng tử trận.. Trận đánh chấm dứt, sự thiệt hại của CQ không rõ. Với 3 tử trận, 3 bị thương (6/12) Ban cố vấn SF Trại đã phải thay đổi toàn bộ.

Trong năm 1970, các cuộc đụng độ tại Trà Cú hầu như chỉ còn pháo kích lẻ tẻ và các di chuyển đường sông của CQ do HQHK trách nhiệm  ngăn chặn..

Trại được chuyển cho VNCH vào ngày 1 tháng 6 năm 1970.. 344 CIDG chuyển đổi thành TĐ 64 BĐQ và được đưa đi thụ huấn tại Dục Mỹ..

  • TĐ 64 BĐQ BP

Khi tái tổ chức toàn bộ BĐQ vào tháng 9 năm 1973 : TĐ 64 BĐQ  thuộc Liên Đoàn 33 BĐQ (cùng các TĐ 83 của trại Đức Huệ  và  TĐ 92 BĐQ Biên Phòng của trại Tống Lê Chân, TĐ này cố thủ tại Tống Lê Chân, và chỉ rút khỏi trại ngày 12 tháng 4, 1974..)

Liên đoàn 33 BĐQ là Liên đoàn cơ hữu của Quân đoàn 3 và do Tr Tá Lê tất Biên phụ trách thành lập và chỉ huy. Theo bảng cấp số của Bộ TTM (2-1974) thì 3 TĐ của LĐ 33 có quân số như sau : TĐ 1 (508), TĐ 2 (710) ? và TĐ 3 (470)

Theo Tác giả Đoàn Vũ (xem dưới) thì Căn cứ của TĐ 64 BĐQ BP do Mỹ để lại có đủ khu gia binh, câu lạc bộ (trong khi CCHQ trống trơn), Hoạt động của BĐQ là thường xuyên có một ĐĐ Trinh sát ở Tam Biên để theo dõi các hoạt động của CQ và một ĐĐ phòng thủ lò máy đường Hiệp Hòa.

Ngày 28 tháng 8 năm 1972, khai thác tài liệu do HQ thu được trong một cuộc phục kích.Chi khu Đức Huệ đã cùng TĐ 64 BĐQ (do Đ úy Nguyễn Chiêu Minh làm TĐT) phối hợp với các PBR của GĐ 53 TT đã ngăn chặn được mưu toan tấn công vào Hiệp Hòa..CQ bị đánh bại bỏ lại nhiều vũ khí và hàng trăm xác.. Sau trận đánh Đ úy Minh được  vinh thăng Th Tá.

Ngày 27 tháng 3 năm 1974  : CQ tấn công Căn cứ Đức Huệ  do TĐ 83 BĐQ trấn giữ. LĐ 33 BĐQ được lệnh tiếp cứu cùng TĐ 64 BĐQ . Ngày 31 tháng 3 ,  ĐĐ 3/64 được trực thăng đưa vào Căn cứ tiếp viện cho lực lượng trú phòng. Phần còn lại của TĐ, vượt Vàm cỏ Đông , nơi Nhà máy đường, phối hợp với TĐ 36 BĐQ , chia làm hai cánh tiến quân về CC Đức Huệ cách đó chừng 10km về hướng Tây. Hai cánh quân BĐQ bị CQ thuộc SĐ 5 CSBV chặn đánh sau khi tiến được khoảng 2km. CQ sắp sẵn trận địa pháo.. BĐQ sau nhiều tổn thất  đành lui quân về phía bên này Vàm cỏ Đông..

Mãi đến 30 tháng 4-1974..Căn cứ Đức Huệ mới được Lực lượng Xung Kích Quân đoàn 3  do Tướng Trần Quang Khôi chỉ huy  giải tỏa.. Cuộc hành quân bắt đầu ngày 28 tháng 4 : TĐ 64 BĐQ tùng thiết Thiết đoàn 15 Kỵ binh trong Chiến đoàn 315 và tiến công vượt biên giới Miên..(Trận đánh Đức Huệ của Trần Quang Khôi – quanlucvnchblog.wordpress)

Cuộc hành quân này được Đ tá LeGro của DAO ghi trong VietNam from Cease Fire to Capitulation trang 93-94 như Hành Quân Svay Rieng :

..’ 27 tháng 3 CQ gồm 2 TĐ của Tr Đ 6/SĐ 5BV, tăng cường TĐ K-7 Đặc công Long An , có pháo binh yểm trợ từ bên Miên.. tấn công Căn cứ Đức Huệ,,”

Cuộc hành quân giải tỏa : “Nỗ lực chính là Chiến đoàn 315 ; gồm Thiết đoàn 15, cùng TĐ 64 BĐQ, 1 chi đoàn M41, có pháo binh 105 và 155 cơ động yểm trợ, vượt biên giới tiến dọc QL1, tấn công về hướng Tây, và sau đó bọc quanh sóc Chiphu..tấn công sau lưng các cơ sở hậu cần của SĐ5 CSBV.

Ngày 29 tháng 4 Chiến đoàn vào sâu trong đất Miên 7 km và sau đó càn quét CQ trong khu vực.. Bị tấn công bất ngờ, không dự trù quân VNCH bọc qua biên giới..CQ tháo chạy… Các Chiến đoàn 318 và 310 cũng hoàn thành công tác.. CĐ 315 rút về ngày 2 tháng 5″..

TĐ 64 BĐQ tại Long Khánh 4-75 :

Tháng 4-75, đánh không được Xuân Lộc, CSBV tập trung quân đánh vào Khu vực Ngã Ba Dầu Giây do Tr Đ 52/ SĐ18 BB VNCH trấn giữ. Quân đoàn 4 CQ dự trù vòng qua Xuân Lộc tiến xuống QL20 để tiến về SaiGon..

Lực lượng Xung kích Quân đoàn 3 VNCH phải cố đánh mở đường qua Hưng Lộc để tiếp cứu Tr Đ 52. Chiến đoàn 325 chia 2 cánh : Cánh A tiến theo Quốc lộ Cánh B gồm TĐ 64 BĐQ cùng Chi đoàn 1/15 băng rừng,  đánh qua các chốt CQ để mong tiếp tay với Tr Đ 52 tại Ấp Nguyễn Thái Học..Cánh quân tiến được đến đồi 122 gần Hưng Lộc nhưng chiến xa không vượt nổi suối và chướng ngại thiên nhiên..phải dừng chờ Công binh, mất yếu tố bất ngờ! CQ đã kịp huy động quân để bao vây Cánh quân này.. TĐ 64 BĐQ dàn trận chống trả quyết bảo vệ chiến xa..Trận chiến kéo dài từ 14 đến 16 tháng Tư.. CQ nhiều lần quyết diệt BĐQ nhưng bị chống trả, dù không được phi pháo yểm trợ .. và sau cùng họ rút quân.. vòng lối khác..và Tr Đ 52/18 VN cũng phải lui quân không giữ nổi Dầu Giây..

CAC CHIEN SI BĐQ NGHI MET BEN BO SONG SAU MOT CUOC HANH QUAN NAM 1967

Một đơn vị Biệt Động Quân bên bờ sông sau một cuộc hành quân (Ảnh của Cố Vấn BĐQ Hoa Kỳ).

Ngày tan hàng :

29 tháng 4 : TĐ 64BĐQ vẫn trong thành phần của Chiến Đoàn 315 phòng thủ khu vực Trại Ngô văn Sở của Bộ TL QĐ III (Biên Hòa); giữ vững phòng tuyến khi CQ tấn công lúc 12 giờ đêm từ phía Hố Nai.

8 giờ sáng 30 tháng 4, Lực lượng Xung Kích rút về tiếp cứu SaiGon. Khi đến Bình Triệu , 10 giờ sáng thì có lệnh .. buông súng của DV Minh.. TĐ 64 BĐQ tan hành tại đây…(TĐ Trưởng sau cùng : Th tá Nguyễn văn Bảo ?)

  • Trà cú và Đài Radar kiểm soát xâm nhập dưới đất

Hoa Kỳ đã thiết lập một Đài radar mật tại Trà Cú để kiểm soát các hoạt động xâm nhập của CQ từ đất Miên. Tháng 10-1969, một Hệ thống Radar TPS-25 (Ground Surveillance Radar) còn gọi là Moving Target Location Radar, được xây dựng, tháp cao 84ft sơn màu cam, do 5 nhân viên, thuộc toán chuyên viên radar Pháo binh/SĐ 25 BB HK điều hành, theo dõi các sự di chuyển của CQ ban đêm bên kia biên giới và có thể ghi địa điểm để báo cho pháo binh. TPS-25 (Tipsy 25) có tầm hoạt động 18km, có hệ thống Doppler để xác định vị trí bằng tiếng động dò được Hệ thống radar hoạt động nhờ một máy phát điện 3kW, và hoạt động từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng. Khi tìm được mục tiêu, đài chuyển tin về Trung tâm Hành quân Củ Chi và tùy Bộ Chỉ huy  quyết định dùng pháo binh hay không quân và loại bom đạn thích hợp. Toán Trà Cù có khả năng ghi nhận các cuộc tập trung của CQ và di chuyển từ 10 đến 100 quân, giữa biên giới Miên-Việt và cả bên trong phần đất ven biên thuộc VN đến 2-3 km

  • Căn cứ Hải quân Mỹ

Trong khuôn khổ của cuộc Hành quân SEALORDS  của HQ HK để ngăn chặn các cuộc xâm nhập người và vũ khí của CSBV vào miền Nam, có Chiến dịch Giant Slingshot. Đây là một Chiến dịch riêng nhằm chống sự xâm nhập của CQ qua hệ thống sông rạch của 2 Sông Vàm cỏ Đông và Vàm cỏ Tây, từ bên Miên vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Chiến dịch do Task Group 194.9 chịu trách nhiệm và dự trù sử dụng các đơn vị HQHK (RAD=River Assault Division) tách từ TF-117 (Mobile River Force). Mỗi nhánh sông sẽ do một RAD tuần phòng và Căn cứ yểm trợ chính đặt tại Tân An. Các chiến đỉnh tạm dùng các Trại LLĐB Trà Cú (nhánh Vàm cỏ Đông) và Tuyên Nhơn (nhánh Vàm cỏ Đông) làm các bến đậu và nghỉ tạm..

https://dongsongxua.files.wordpress.com/2020/06/phong-do-cac-don-vi-hai-quan-viet-my-hoat-dong-tai-tuyen-nhon-moc-hoa-hiep-hoa-tan-an-va-ben-luc.jpg?w=306&zoom=2

Phóng đồ các đơn vị hải quân Việt-Mỹ hoạt động tại Tuyên Nhơn, Mộc Hóa, Hiệp Hòa, Trà Cú, Bến Lức và Tân An của phái bộ cố vấn hải quân Hoa Kỳ (RAID-70 và RAID 71 là giang đoàn 70 và 71 thủy bộ HQVNCH).

Cuộc đụng độ đầu tiên xảy ra ngày 6 tháng 12 năm 1968, khi một trực thăng của BB Mỹ bay tuần tra trên Vàm cỏ Đông bị súng nhỏ bắn lên lúc 7 giờ tối. PBR của RẠD 534 được gửi đến và bị tấn công bằng đại liên từ bờ..PBR bắn trả, không rõ kết quả. Ngày hôm sau 7 tháng 12.. thêm hai vụ tấn công của CQ vào các PBR đi tuần.. báo hiệu cho phản ứng của CQ chống lại hoạt động của quân Việt-Mỹ.

Để hoạt động của các chiến đỉnh được hữu hiệu hơn, một ASTB (Advanced Tactical Support Base= Căn cứ Yểm trợ Chiến thuật Tiền phương) đã được thiết lập tại Trà Cú, do Công binh HK, toán Seabee khởi công vào tháng 12- 1968 và tiếp tục hoàn tất  trong năm 1969. Địa điểm được chọn là bên cạnh Trại LLĐB, Công binh xây dựng các vị trí phòng thủ, hầm trữ đạn, một Trung tâm Hành quân, bãi đáp trực thăng, nhà kiểu chòi tạm trú cho nhân viên, câu lạc bộ..Ngoài ra còn có một kho nhiên liệu nổi (pontoon) chứa được 50 ngàn gallon nhiên liệu cho các Giang tốc đỉnh PBR và trực thăng..

Lực lượng HQ HK trú đóng tại CC Trà Cú : TU-194.9.1 gồm :

  • RIVDIV 534 có 10 PBR (giai đoạn sơ khởi chỉ có 5 PBR)
  • RIVDIV 535 có 10 PBR

(Yểm trợ do HAL 3 DET 4 với 2 Trực thăng..)

Ngày 14 tháng 12 năm 1968 : 2 PBR của RAV 534 đã bị phục kích lúc 12 giờ trưa tại khúc sông Vàm cỏ Đông, cách Trà Cú 8km. PBR bị tấn công bằng rocket và súng máy, bốc cháy, 6 nhân viên bị thương và sau đó 1 hy sinh..Đây là tổn thất đầu tiên của HQHK trong Hành quân Giant  Slingshot..

Các cuộc hành quân trong tháng 12-1968 tịch thu được 17.7 tấn võ khí và trang bị của CQ di chuyển qua khu vực Vàm cỏ Đông..

Ngày 7 tháng Giêng 1969, một toán Người Nhái (SEAL) được đưa đến Trà Cú để thực hiện một cuộc đột kích ‘mật’ vào một ấp tại Hiệp Hòa.., nơi bị mật báo là một cơ sở hậu cần quan trọng của CQ. Ngày 15/1 , Người Nhái đột kích và bị súng bắn ra từ căn chòi bị bao vây.. Cuộc chạm súng kéo dài 30 phút, căn chòi bốc cháy.. SEAL không vào trong khu vực, phi cơ quan sát bao vùng.. Sáng 16, Trưởng ấp thông báo có.. 16 “dân” bị thiệt mạng do HQ đốt nhà và đòi bồi thường (HQ không có chiến đỉnh phun lửa hoạt động trong khu vực này ) HQHK không ‘thấy các xác’ bị cho là chết cháy .. Sự vụ này được Phe CS đưa ra ‘tố cáo’ tại Hòa đàm vả trên báo chí thiên tả..

Ngày 18 tháng Giêng, SĐ 1 Không Kỵ HK nhận trách nhiệm hành quân trên bộ, phối hợp với TU-194.9.1 của HQ..hoạt động trong khu Vàm cỏ Đông..

(trong tháng Giêng 1969, số võ khí và thiết bị tịch thu được lên đến 43.3 tấn, đa số tại các kho chôn giấu ven sông..

CAN CU ATSB HAI QUAN TRA CU.

Các giang tốc đĩnh PBR tại căn cứ ASTB Hải Quân Trà Cú (Ảnh của brownwater-navy.com).

Tháng Hai 1969, ASTB Trà Cú hoàn thiện.. Hành quân Giant Slingshot phát triển mạnh hơn và Nhánh Vàm cỏ Đông gọi là ENIFF  tập trung vào khu vực “Cánh Thiên Thần’, vùng đất giữa biên giới Miên-Việt tử Trà Cú đến Gò dầu Hạ..rất thường đụng độ với CQ đến độ khúc sông có tên là “Hành lang máu = Blood Alley’.

Nhiều chiến thuật hành quân phối hợp giữa Chiến đĩnh HK cùng Bộ binh để tìm và diệt CQ nhưng CQ tránh các cuộc đụng độ và rút chạy, phân tán mỏng vào các rạch nhỏ không như quân Mỹ mong muốn..

Ngày 21 tháng 2-1969 , Hai Giang đoàn VN  mới được HQ HK chuyển giao : Các Giang đoàn Thủy bộ tân lập = RAID (River Assault and Interdiction Division) 70 và 71 đến tham gia vào Giant Slingshot, huấn luyện và thực tập hành quân chung với HQHK. Đến 13 tháng 6 , hai Giang đoàn này hoàn tất thực tập và được tách riêng theo hệ thống chỉ huy của HQVN

Chiến thuật hành quân mới là Giang tốc đỉnh = PBR  phục kích bất thưởng trên các khúc sông không chọn trước và  BB được chia thành toán, vào sâu hai bên bờ sông để chờ sẵn. CQ cũng đối phó bẳng gia tăng gài mìn, bắn sẽ..

28 tháng 2 , một lực lượng gồm 2 PBR và nhiều chiến đỉnh tổ chức hành quân lùng địch dọc ven sông tại những điểm nghi ngờ là trạm giao liên của CQ: PBR được dùng làm lực lượng ngăn chặn phía hạ lưu và chờ tại một vùng dễ quan sát các hoạt động của CQ..PBR phát giác 9 ‘bụi cây’ di động.. bắn hạ ngay 6 CQ đang ngụy trang, thả trôi.. PBR bị súng từ bờ bắn trả..và phản ứng lại bằng tấn công CQ trực diện.. Tr úy Stevencavage, chỉ huy các PBR tuy bị thương vẫn tiếp tục chiến đấu đến khi toàn bộ toán VC bị diệt và súng từ bờ im tiếng..(ông được thưởng Silver Star trong trận này)

Tháng Ba-1969, do tin tình báo cho biết ý định tấn công Căn cứ ATSB của CQ, các hệ thống phòng thủ được củng cố, chu vi  Trại được phát quang bằng thuốc khai quang, các bụi rậm bị đốt, dừa nước ủi san bằng và chiến đỉnh ‘vòi rồng’ (douche boat) bắn sập các hầm hố , hang ngách ven sông.. Nhiều kho hậu cần nhỏ của CQ bị khám phá dọc kinh Bo Bo, tịch thu nhiều vũ khí và gạo-thuốc cùng tiếp liệu phẩm .

(From the Rivers to the Sea của CDR R. Schreadley  trang 184-186)

Rất nhiều cuộc chạm súng lẻ tẻ trong tháng Tư :  Chỉ huy trưởng  Tr fá Peterson bị tử thương trong một cuộc phục kích của CQ trên chiếc Trợ Chiến đỉnh ASPB (Assault Support Patrol Boat) khi hành quân tại khúc sông Nam Trà Cú, chiến đĩnh trúng B-40.

Trong năm 1970, CQ chuyển các hoạt động xâm nhập và tiếp liệu của họ sang phía Vàm cỏ Tây..Căn cứ HQ Trà Cú tương đối yên tĩnh..

Hành quân Slingshot được chuyển cho HQVN vào tháng 5 -1970 và đổi tên thành Hành quân Trần Hưng Đạo II

CAN CU HAI QUAN TRA CU.

Căn cứ ASTB Hải Quân Trà Cú (Ảnh của brownwater-navy.com).

  • Căn cứ Hải quân VNCH

HQVNCH tiếp nhận ATSB Trà Cú vào tháng 4 năm 1971 và là nơi trú đóng của Giang Đoàn 53 Tuần Thám (ATSB chỉ là một Căn cứ Tiền phương dành cho Binh sĩ nên không có các phương tiện sinh hoạt cho dân sự)

Trước đó Giang đoàn Thủy bộ = RAID 71 của HQVN , gồm 5 ATC, 6 ASPB, 1 CCB và 1 Monitor cũng ghé ATSB khi hoạt động chung với TU-194.9.1

Tác giả Vũ Đoàn (Đoàn Quang Vũ) trong bài  Vàm cỏ Đông & Căn cứ HQ Trà Cú  ghi :

..”Căn cứ HQ Trà cú không có bóng đàn bà, không có khu gia binh, không có câu lạc bộ.. chỉ có lính và lính thôi..”

Trà cú nằm ở đầu Kinh Xáng thuộc Vàm cỏ Đông.. Kinh này được ông Diệm cho đào để xả phèn, trồng mía..Sau ngày đảo chánh , kênh bị bỏ hoang không còn đi lại được.

Trà cú là liên ranh giữa Long An và Hậu Nghĩa nên không ai dòm ngó tới : gần 100km cách Long An, 40 km cách Hậu Nghĩa, là khu đồng không mông quạnh, không người ở, suốt từ Tam Biên đến Long An..”

Lực lượng GĐ gồm 20 PBR trú đóng tại Hiệp Hòa  (8 PBR),  4 PBR  lo phòng thủ Căn cứ và 8 chiếc còn lại chia phiên lưu động tại Bắc và Nam Căn cứ .. với nhiệm vụ tuần tiễu, ngăn địch qua sông phá rối Hậu nghĩa..

GIANG DOC HINH PBR HQVNCH TUAN TIEU TREN SONG.

Giang Tốc Đĩnh PBR của một Giang Đoàn Tuần Thám HQVNCH tuần tiểu trên sông (Ảnh của Cố Vấn Hải Quân Hoa Kỳ).

Tác giả Điệp Mỹ Linh trong ‘Hải quân Việt Nam ra khơi’ Chương 6 : Những Trận chiến trên Vàm cỏ Đông, ghi lại :

..”Khoảng tháng Ba năm 1975, đồn Trà cú là nơi đóng quân của Giang đoàn 54 Tuần thám (do HQ Th tá Ngô văn Sơn chỉ huy), Giang đoàn 40 Ngăn chặn (HQ Th tá Phạm Mạnh Đề) , và một Tiểu đội Pháo binh tăng phái cùng 2 khẩu đại bác 105  để yểm trợ Chi khu và đồn bót dọc sông Vàm cỏ Đông”

Quận Hiệp Hòa  trước đó đã dời dân từ các vùng xôi đậu về lập một làng nhỏ nọi khúc sông ‘cua’ cạnh Đồn Trà cú và HQ nhận thêm nhiệm vụ bảo vệ làng và giúp dân qua lại hai bên sông..

Từ 20 tháng 4, hoạt động của các Giang đoàn bị giới hạn, ra khỏi nơi đóng quân 500m là chạm địch. Khúc sông từ Trà Cú đi Hiếu Thiện còn bị CQ giăng dây cáp, bên dưới có lưới sắt, chiến đỉnh không thể đi lại..!

Từ 24 tháng 4, Trà cú hoàn toàn bị cô lập. Tối 29 tháng 4, HQ quyết định phá hủy Căn cứ và rút về Bến lức..sau cùng cả hai Giang đoàn đã tan hàng ngày 30-4-75 tại Bến Lức..

Ghi chú : Xin đọc thêm các chi tiết về các cuộc hành quân của HQVNCH trong các bài Mộc Hóa và Tuyên Nhơn (cũng của Trần Lý) Hoạt động của HQ Việt- Mỹ trong Hành quân Giant Slingshot liên hệ đến cả ba Căn cứ Mộc Hòa-Tuyên Nhơn và Trà Cú.

Về các Chiến đỉnh xin đọc bài Bà rài- Cẩm Sơn..

Trần Lý 7/2020

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn