SỰ TRÙNG HỢP NGẪU NHIÊN KỲ LẠ - Anh Phương Trần Văn Ngà

Thứ Sáu, 10 Tháng Tư 202011:20 SA(Xem: 7483)
SỰ TRÙNG HỢP NGẪU NHIÊN KỲ LẠ - Anh Phương Trần Văn Ngà

SỰ TRÙNG HỢP NGẪU NHIÊN KỲ LẠ 

TỪ TÁC PHẨM TIỂU THUYẾT TRIẾT LÝ (PHILISOPHICAL NOVEL) LA PESTE  
NHÀ VĂN PHÁP ĐOẠT GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG 1957 ALBERT CAMUS

ĐẾN ĐẠI DỊCH CORONAVIRUS VŨ HÁN NĂM 2019

                                                                                                                         Anh Phương Trần Văn Ngà

Tôi xin được phép trải dài tâm tình qua bài viết này.

Thảm họa đại dịch Coronavirus 19 Vũ Hán với khởi điểm phát xuất sự lây lan từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung cộng từ tháng 12.2019, đến nay 9.4.2020, và còn tiếp tục chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Cái bịnh dịch Vũ Hán hiểm ác này gây nên đại thảm họa trên mọi lãnh vực, làm xáo trộn xã hội vô cùng to lớn trên khắp hoàn vũ, có trên 209 quốc gia và lãnh thổ đã vướng vòng khổ lụy thảm hoa coronavirus 19 Vũ Hán.

Tại Hoa Kỳ, đại dịch coronavirus 19 do một cư dân ở Washington State mang về từ thành phố Vũ Hán, được phát hiện ngày 21.1.2020. Tính đến nay, 9.4.2020, trải qua gần tròn 3 tháng. La-Peste-The-Plague- Albert Camus.jpg

Từ một người Mỹ mắc bịnh dịch Vũ Hán đầu tiên đến nay lên đến con số chóng mặt tại Hoa Kỳ - số người bị nhiễm virus Vũ Hán: 468,556 người và số thương vong: 16,691. Trong khi đó trên toàn thế giới, số người bị lây lan nhiễm bịnh 1,603,719 người và chết 95,722 người. Mỗi phút, mỗi ngày, con số nhiễm virus Vũ Hán và thương vong trên toàn thế giới gia tăng khủng khiếp. Hoa Kỳ có số nhiễm bịnh cao nhứt thế giới (468,556). Số người chết về virus Vũ Hán, nước Ý chiếm hàng đầu với số người chết (18,279 người). Đây là những con số biết nói về đại thảm họa virus Vũ Hán, gieo bao đau thương tang tóc cho nhân loại, tạo sự hoảng loạn, bất an cho mọi người.

Nhân đọc được những thống kê của các cơ quan quốc tế và CDC của Hoa Kỳ về đại họa coronavirus19, tôi miên man suy nghĩ và nhớ lại, từ năm 1958, tôi có đọc tại một thư viện ở Thủ Đô Sài Gòn, tác phẩm La Peste của văn hào Pháp Albert Camus. 

Với tác phẩm đồ sộ về triết lý nhân sinh quan La Peste - Dịch Hạch, dịch ra Anh văn - The Plague, vô cùng thấm thía. Tác giả La Peste và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác: L'Étranger - Kẻ Xa Lạ (truyện dài) -  Le Mythe de Sisyphe (kịch)... Albert Camus đã nhận được giải thưởng văn chương danh giá Nobel năm 1957 lúc ông mới có 44 tuổi. 

Tại Thủ Đô Sài Gòn, hình như cuối năm 1958 (hay năm 1959), đã có bản dịch tiếng Việt về tác phẩm lớn nổi tiếng đoạt giải Nobel La Peste, tôi cũng đã có mua và đọc lại một lần nữa. Đọc bản chữ Pháp, tôi cũng hiểu và để cho chắc ăn, mình đọc lại bản tiếng mẹ đẻ để coi sự suy nghĩ đặc trưng triết lý của tác giả qua tác phẩm La Peste mình có hiểu sai, thiếu không? 

Tôi là con mọt sách, bằng cấp văn hóa đủ để được làm giáo sư trung học đệ nhất cấp và động viên vào Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức năm 1962. Nhưng, suốt cuộc đời tôi, lúc nào cũng tìm sách và báo chí đọc, nghiền ngẫm, đào sâu suy nghĩ biến sách báo thành món ăn tinh thần và bồi đắp thêm cho tri thức.

Qua Mỹ năm 1993, tôi tình cờ đến thư viện gần nhà có thấy tập truyện La Peste được dịch ra chữ Anh với tên sách là The Plague, tôi chỉ lật qua, lật lại, muốn đọc thêm lần nữa, nhưng tiếng Mỹ của mình thuộc loại còn cân đo, đong đếm, nói tiếng Mỹ mỏi tay hơn mỏi miệng, dùng động từ "tu quơ" hơi nhiều, không dám đọc, chờ học hết các lớp ESL, may ra đọc còn hiểu vì mình đã nắm vững nội dung cuốn sách này ở VN. Camus - The Plague.png

Đến Mỹ định cư, vấn đề lớn là cơm áo gạo tiền đối với một người tỵ nạn cộng sản, sau 9 tháng hưởng trợ cấp welfare, không còn học ESL, tay có làm hàm mới nhai và nhứt là trả tiền mướn nhà sao đến nhanh quá.  Gánh nặng cho người chân ướt chân ráo mới đến Mỹ và còn bị một số người Việt Nam đến Mỹ trước, thường kênh kiệu "ta đây" nhìn kẻ mới đến Mỹ như là giai cấp thấp hơn họ, tạo cho tôi có mặc cảm thua thiệt. Tôi lại càng phải vùng lên, dù làm lụng tay chân ba bốn dốp, thức khuya dậy sớm, làm việc không mỏi miệng nói tiếng Mỹ, mà chỉ mỏi tay, vất vả mệt thân, lại ăn khỏe ngủ ngon, mập ra. Suốt bốn mùa, cày nhiều dốp tới bến nên cũng có cái ăn cái mặc đầy đủ và còn dành nhiều thì giờ phục vụ cộng đồng, làm báo, viết sách báo cho đở ghiền, nhớ lại cái nghề cũ của "chàng" năm xưa. Camus - The Plague_.png

Đến hai ba giờ sáng đã thức dậy rồi, ngủ chừng 4 tiếng một đêm là nhiều mà vẫn khỏe mới kỳ lạ, có lẽ nhờ dạo nhiều quanh qua các diễn đàn, tha hồ mà lướt trên net như hồi trẻ còn khỏe ngon bát phố Lê Lợi rửa mắt thêm yêu đời. Nay đọc đủ thứ tin, nhiều tin đọc lại tức vì fake news, phe ta có người cuồng si lãnh tụ quá trớn, có lời mạt sát thậm tệ rất hạ cấp những ai không đồng quan điểm nhắm mắt ủng hộ người mà cái tôi mình thích, không cho phép người khác chống, thật chán mớ đời. Ở Việt Nam chúng ta sợ độc tài độc đảng muốn chết, nay ở Mỹ lại muốn độc đảng, cá nhân trị nữa sao?

Như thói quen, thức dậy, không cần rửa mặt, tôi vội mở computer dạo trên YouTube, Google hay xem phim chiến tranh để nhớ lại chiến trường cũ. Cứ vũ như cẩn, ngày nào cũng vậy, cũng là ngày Chúa nhựt nên tha hồ mà quần trên Net, mần việc lớn không được thì mần việc nhỏ, giải trí. tìm hiểu thêm những gì mà mình cần biết để viết bài gởi thân hữu đọc chơi, giết thì giờ, như bài viết này "mua vui cũng được một vài trống canh (Kiều)" trong đại thảm họa dịch vật coronavirus 19 Vũ Hán đang bị cấm trại ở nhà.

Tập truyện  La Peste, tiếng Việt là bịnh dịch hạch do chuột mang virút lây lan sang con người. Đây là một truyện diễn tả trận dịch hạch kinh hồn năm 1940 tại thành phố lớn Oran của nước Algérie - Bắc Phi, là một nước thuộc địa của mẫu quốc Pháp, y chang như nước Việt Nam bị Pháp cai trị gần cả trăm năm. (H: Albert Camus)Albert_Camus -1950.jpg

Tác giả cùng thời với triết gia nổi tiếng trên thế giới trước Albert Camus là Jean- Paul Sartre, lớn hơn Albert Camus 8 tuổi (Albert Camus sanh 7.11.1913 tại Algérie thuộc Pháp và mất 4.1.1960 - 46 tuổi, chết một cách vô lý như các câu chuyện trong tác phẩm của ông - bị tai nạn xe * - Jean-Paul Sarte sanh tại Paris - Pháp 21.6.1905 và mất cũng tại Paris 15.4.1980 - 74 tuổi cũng là triết gia sáng tác không biết mệt mõi). Về văn chương triết học, khi nói đến Albert Camus là phải nói đến Jean- Paul Sartre - cổ xúy chủ thuyết Hiện Sinh - Existentialism kể cả chủ nghĩa vô thần Mác xít. Cũng như ở Việt Nam, về văn học nói về Nguyễn Công Trứ thì nói luôn Cao Bá Quát và thơ cảm xúc về cảnh vật thường so sánh nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Khuyến...Jean-Paul Sartre -1967 (21.6.05 -15.4.1980).jpg

 Chủ nghĩa Hiện sinh không thể sống chung hòa bình trong một con người vừa vô thần vừa hiện sinh với sự phảng phất nhân sinh quan trong vũ trụ. Triết thuyết hiện sinh do triết gia Jean-Paul Sartre quảng bá trước khi La Peste xuất bản năm 1954, cũng là một triết thuyết hiện sinh nhiều nhân bản hơn. Triết gia Jean-Paul Sartre là một triết gia lớn của nước Pháp và của thế giới trong bối cảnh sau Đệ Nhị Thế Chiến (1939 - 1945) với trên 30 tác phẩm sặc mùi triết lý hiện sinh, mác xít, vô thần. Vì vậy Tòa Thánh Công Giáo La Mã - Vatican cấm không cho con chiên đọc những tác phẩm "độc hại" của Jean-Paul Sartre. Những tác phẩm nổi tiếng, như: L'Imagination, 1936 - La Nausée, 1938 (trước 1975 Nausée - Nausea - Buồn Nôn, có dịch ra chữ Việt cũng thuộc loại sách best seller thời bấy giờ như La Peste của Albert Camus) - L'Être et le Néant, 1943 - Existentialism is a Humanism, 1946 cũng là sách triết lý quan trọng của Jean- Paul Sartre. Jean_Paul_Sartre_The New York Times.jpg

Một điều trớ trêu, sự nghiệp văn chương của Jean-Paul Sartre nổi tiếng trước Albert Camus, nhưng, ông được trao giải thường Nobel năm 1964, sau Albert Camus 7 năm. Có lẽ Jean-Paul Sartre tự ái nên không nhận giải này. Còn Albert Camus nhận giải thưởng văn chương Nobel từ sau khi xuất bản La Peste (1954), năm 1957. Cả hai triết gia Jean-Paul Sartre và Albert Camus làm vẻ vang một giai đoạn lịch sự khi nước Pháp xây dựng lại sau đổ nát điêu linh của sự cưỡng chiếm, thua trận trước nước Đức Quốc Xã - Đệ II Thế Chiến. Dù là thủ lãnh của chủ thuyết hiện sinh, nhưng Jean-Paul Sartre không có vợ con chỉ có partners đàn ông với nhau. 

(H: Jean-Paul Sartre). Còn Albert Camus có ít nhứt 2 vợ chánh thức và có 4 người con cùng những mối tình lãng mạn đầy chất hiện sinh gọi là "extramarital affairs". Về tác phẩm văn chương, ông để lại cho đời: La Peste - The Plague - Dịch Hạch - truyên dài nổi tiếng nhứt và nhiều tác phẩm ăn khách khác như: The Stranger - L'Étranger - Người Xa Lạ (tập truyện dài) - The Myth of Sisyphus (tiểu luận -) - The Rebel - Caligula (kịch)... 

Khi đại thảm họa COVID 19 Vũ Hán giáng xuống toàn cầu, người ta đổ xô lên mạng mua tác phẩm The Plague của Albert Camus với tất cả nhiều ấn bản khác nhau bằng tiếng Anh , không còn một quyển. Nay, La Peste hay The Plague có bán nhiều trên Net, giá sách bìa mỏng vài đồng đến trên $10 USD và bìa cứng (hard cover) giá trên $20 USD. Ấn bản tiếng Pháp, tiếng Ý cũng bán như tôm tươi vì người đọc cảm thấy truyện La Peste xảy ra năm 1940 tại Algérie gần như sự kiện giống y chang đại dịch coronavirus xảy ra năm 2019 tại Vũ Hán. Mọi sự kiện vụ COVID 19 cũng xảy ra tuần tự với sự hờ hửng ban đầu của mọi người mọi cấp chánh quyền cho đến ngày đột biến bùng phát dữ dội thì chánh phủ các nước trong đó có Hoa Kỳ là quan trọng nhứt đã làm cho dân tình hoảng loạn vì không có chuẩn bị đối phó, hơn 2 tháng, có đến gần nửa triệu người đã nhiễm bịnh đại dịch COVID19 và 16,500 người chết chỉ tính đến ngày 9.4.2020.


Từ ngày có lệnh tạm gọi là lệnh cấm trại chăm phần chăm để cho giới cao niên không còn đi đó đây, la cà các chuyện ta bà, ăn quà quán tiệm hay đi gym...nhằm tránh hay đề phòng sự lây lan truyền nhiễm bịnh dịch Vũ Hán quái ác này, thích xáp lá cà vào các người mắc bịnh mãn tính, các cụ hết xí quách. Tôi có nhiều thì giờ lên Net tìm đọc sách xưa như La Peste của Albert Camus...

Nội dung cuốn La Peste - The Plague của Albert Camus tường thuật trung thực một chuyện thật lồng vào những suy nghĩ về triết thuyết hiện sinh, thần học, nhân bản tính, những mắc mứu xáo động của xã hội. Bịnh dịch hạch - La Peste xảy ra năm 1940 tại thành phố lớn Oran của nước Algérie, tháng 4 năm 1940. (Oran là thành phố lớn sầm uất thứ hai sau Thủ Đô Algiers- diện tích 2,121 km vuông và dân số trên 1,560,329, cách Thủ đô Algiers trên 432 km ở hướng Tây Bắc). 

Sau đó bịnh dịch lan tràn khắp trong ngoài thành phố, trong nước và lây lan sang nhiều nước ở Á Châu, trong đó có Việt Nam. Với lý do lây lan dễ hiểu, các tàu buôn thường có chuột chui rúc sống dưới khoan tàu, và mang chuột từ nước này sang nước khác có mầm mống virút dịch hạch. Đặc biệt, các nước ở Á Châu ẩm ướt thường có nhiều chuột sinh cư và bịnh dịch hạch nảy sinh ra từ chuột cũng như coronavirus 19. Người ta nói rằng nguyên nhân đầu tiên xảy ra COVID 19 tại Vũ Hán tháng 12 năm 2019 là từ thú hoang tại các chợ buôn bán thú vật hoang dã và dơi mang mầm mống virus này ủ bịnh và truyền qua người?... Đó là tin đồn, suy đoán vì đến nay chưa rõ đại dịch Coronavirus 19 là do thiên tai (+ thú hoang) hay nhân tai tạo ra vụ đại dịch này?.

Bối cảnh câu chuyện bịnh dịch hạch xảy ra vào tháng tư, đầu thập niên1940 tại thành phố Oran của nước Algérie (thuộc địa Pháp). Năm đó, bổng nhiên, người ta thấy có những con chuột chết rải rác đó đây tại nhiều nơi trong thành phố, ban đầu chỉ một, hai con tại mỗi nơi. Sau, mỗi ngày chuột chết càng nhiều, nhưng chánh quyền địa phương kể cả chánh phủ và dân chúng không mấy  ai để ý lưu tâm và Bác Sĩ Bernard Rieux, nhân vật chính của câu chuyện cũng không để ý đến. Giống hệt, trường hợp đại dịch Vũ Hán đã có một công dân Mỹ từ Vũ Hán trở về Washington State, bị phát hiện có dương tính virus Vũ Hán từ ngày 21.1.2020. Trong lúc đó, ở Vũ Hán, đại dịch đã bùng phát dữ dội, người dân và chánh quyền hoảng loạn. Tin tức này được cơ quan tình báo Mỹ và nhiều người như cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, ông Navarro, thân thiết với Tông Tông gởi tường trình lên Tổng Thống Trump 2 lần, mà TT không buồn đọc, chẳng đếm xỉa tới tin này. TT khinh thường, cúm Vũ Hán không có nhầm nhò gì với Mỹ, chỉ là một vụ cúm thường - cúm và tai nạn xe hơi ở Mỹ hàng năm giết chết cả trăm ngàn người Mỹ mà có sao đâu?. Ngay đứa con trai cả của TT Trump - Donald Trump Jr. còn tuyên bố đây là âm mưu của đảng Dân Chủ muốn hại bố của Trump Jr, đảng Dân Chủ chỉ đồn thổi thảm họa coronavirus, đó là một trò chơi tiểu nhân. Tông Tông Trump tự cao, cái tôi quá lớn và luôn nghĩ tưởng đến bóng ma đảng đối lập Dân Chủ luôn rình rập phá bỉnh mình muốn bứng ông ra khỏi ghế TT, như vụ điều tra truất phế TT vừa qua, nếu không có đảng Cộng Hòa phe ta ở Thượng Viện "cứu giá" kể như đi đoong. 

Còn vụ dịch hạch ở Oran xảy ra, chắng có ai báo tin cho biết, chỉ có chuột chết nhiều và tình cờ, người gác cổng của bác sĩ Rieux, nơi ông làm việc, đột ngột đau và chết với một cơn sốt lạ thường. Sau khi xét nghiệm chẩn đoán lại, BS Rieux biết rằng thành phố đang có bệnh dịch hạch. Ấy thế mà phải mất một thời gian khá lâu, như Mỹ mất hơn 2 tháng, khi có nhiều bằng chứng không thể phủ nhận về cơn dịch thì nhà cầm quyền mới bắt đầu ra lệnh đặt toàn thành phố dưới sự cách ly để kiểm dịch, giống hệt ở Mỹ này. Dù có lệnh cách ly an toàn - social distancing và đeo khẩu trang mà ban đầu có mấy người nghe theo lịnh, kể cả tụ tập ăn nhậu, ca nhạc, tắm biển... xem thường bịnh Coronavirus Vũ Hán, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, nay đã mới chịu thi hành biện pháp an toàn để bảo toàn sanh mạng mình và cho tha nhân.

Từ khi bịnh dịch hạch lây lan mạnh từ chuột sang người và từ người qua người, mọi con đường ra vào thành phố Oran bị đóng chặt, nội bất xuất ngoại bất nhập. Mọi người được lệnh phải ở trong nhà, giống như ở Mỹ hiện nay, chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt. Mọi dịch vụ công cộng ngưng trệ, xã hội như ngừng thở. Nếu có gặp nhau đâu đó, người ta quay lưng lại với nhau, tránh mọi tiếp xúc, đụng chạm, nay dùng điện thoại, email liên lạc nhau. Dân thành phố Oran sống những ngày không ý nghĩa, mục đích, chán nản, tuyệt vọng dâng cao; một số người đâm ra hoảng loạn, sinh ra làm càn, làm ẩu, tình trạng này ở Mỹ chưa xảy ra nhiều, những vụ cướp của giết người, giựt dọc....

“Vào thời kỳ này, thời gian như dừng hẳn lại. Chỉ trong vòng bốn ngày, cơn sốt (dịch hạch ở Oran) tạo ra bốn bước nhảy kinh hoàng: mười sáu người chết, hai mươi bốn, hai mươi tám và ba mươi hai. Đến ngày thứ tư, người ta thông báo việc mở bệnh viện phụ trong một  trường mẫu giáo. Đồng bào vốn vẫn ngụy trang nỗi lo âu của mình dưới những lời bông đùa, giờ đây, tỏ ra chán nản hơn và lặng lẽ hơn.” (trích Người Việt online).Trường hợp này ở Mỹ diễn bằng những con số biết nói từ 1 người mắc bịnh Virut Vũ Hán 21.1 đến nay - 9.4.2020 mới hơn 2 tháng mấy ngày mà số người lây lan nhiễm bịnh COVID 19 lên đến con số kếch sù 462,500 người và có 16,500 người chết. Bịnh COVID 19 chưa ngừng lại, chưa biết bao giờ mới chấm dứt để cứu nguy kinh tế, xã hội... của nước Mỹ đang tuột dốc mạnh, thất nghiệp tăng phi mã. 

Dân thành phố của Oran cũng như dân chúng trên toàn quốc Hoa Kỳ hiện nay, cảm thấy đột nhiên bị nhốt vào trong tù hay bị cấm trại 100% với nỗi đau khổ vì xa cách bạn bè, người thân. Kẻ ở lại thoát ra ngoài không được mà những người đi xa cũng chẳng thể nào về. Không ai có thể cứu giúp nhau. 

Giữa cái không khí chết chóc và tuyệt vọng đó, trong lúc chính quyền thành phố Oran không đảm đương nổi vì quá sức (ở Mỹ thì thiếu y cụ bảo toàn sinh mạng giới chuyên tiếp cận với bịnh nhân và chưa có thuốc đặc trị), Bác Sĩ Bernard Rieux, dù có vợ ốm đau được gửi đi dưỡng bệnh ở một thành phố khá. Bác sĩ Rieux, bất chấp mọi hiểm nguy lây bệnh, ông đứng ra tổ chức cuộc chiến đấu chống cơn dịch bệnh: lập ra những nhóm thiện nguyện, tự làm bệnh viện dã chiến, tự điều chế thuốc, làm vệ sinh thành phố, chuyên chở và chữa trị người bệnh, lo mai táng người chết, vân vân và vân vân...trong lúc chánh quyền địa phương gần như bó tay buông xuôi.

Sự tận tụy của BS Rieux đã thuyết phục được nhiều người thiện nguyện khác cùng tham gia cứu giúp người bị bịnh. Họ xuất thân từ nhiều hoàn cảnh, nghề nghiệp, cá tính và xu hướng rất khác nhau. Chẳng hạn ký giả trẻ Raymond Lambert, đến từ Paris, bị kẹt vì lệnh phong tỏa, tìm mọi cách trốn ra khỏi thành phố, nhưng đến khi thấy rõ tình cảnh éo le này, anh ta thay đổi thái độ, tình nguyện ở lại. Chẳng hạn Cha Paneloux. Vào lúc cao điểm của cơn dịch, khi có đến 500 người chết một tuần, vị linh mục Dòng Tên này, qua một bài thuyết giảng hùng hồn, giải thích rằng cơn dịch là một cách Thượng Đế trừng phạt những kẻ có tội và khuyên họ chấp nhận sự trừng phạt đó. Nhưng về sau, chứng kiến những cái chết thương tâm của một đứa bé vô tội và nhiều người khác, Cha Paneloux thay đổi hoàn toàn thái độ, tình nguyện vào nhóm thiện nguyện, cuối cùng, Ngài nhiễm bệnh và chết. Khi những dấu hiệu đầu tiên của cơn dịch xuất hiện, ai cũng cho rằng đó là trách nhiệm của một ai đó, của chánh quyền, chẳng dính dáng gì đến mình. Thậm chí ngay cả khi chứng kiến một phần tư cư dân lăn ra chết, những người còn sống vẫn tin rằng tai họa sẽ không xảy ra cho bản thân họ. Ai cũng muốn giữ cho mình sự bình an, tự do cá nhân, không muốn thay đổi thói quen và những gì mình đang hưởng, nên chẳng hề quan tâm đến người khác, cứ thản nhiên đi chơi, ăn nhậu, tắm biển hay còn đi nhà thờ...như bình thường. 

Triết gia Albert Camus muốn biểu tỏ sự liên đới trách nhiệm cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng, Camus nhấn mạnh đến sự hờ hững và phủ nhận của cư dân Oran đối với tai họa như là một ẩn dụ siêu hình giống như sự phủ nhận, chối bỏ trách nhiệm biết lo xa của một vị nguyên thủ quốc gia. TT Trump không được phép thờ ơ trọng trách an dân từ ngay lúc ban đầu bịnh dịch xảy ra, không phải đợi nước tới trôn mới chịu nhảy, chịu xắn tay vào việc, chậm mất hơn 2 tháng chuẩn bị làm cho thảm họa tại Mỹ càng lên cao. Nếu có chuẩn bị trước, sẵn sàng chống đở COVID 19, dân Mỹ cũng gặp tai họa dịch Vũ Hán, nhưng sự thiệt hại sẽ ít hơn và người dân ít hoảng loạn hơn như hiện nay, Hoa Kỳ lãnh đủ tại họa về sự tắc trách hay không phòng xa, tiên liệu đúng của nhà lãnh đạo quốc gia. 

Tai họa, theo Albert Camus là một cái gì rất chung chung, nhưng không mấy ai chấp nhận chúng, cho chúng là không thực tế, giống như TT Trump nói đàng sau dịch cúm Vũ Hán được tung ra ở Mỹ, ông nghĩ là có "âm mưu chánh trị" của đảng đối lập muốn cưa ghế TT của ông. TT còn nói bệnh dịch đó dù có thiệt hai, một cơn ác mộng nó cũng sẽ chóng qua đi, cho đến khi cơn ác mộng đó rơi ngay trên đầu mình, gây đau thương cho cả một dân tộc. 

Chính vì thế, phải lâu lắm về sau, trải qua nhiều tháng sống như bị lưu đày, nhiều cư dân ở thành phố Oran mới hiểu ra rằng tai ương không phải là của riêng ai mà liên quan đến tất cả mọi người. Nỗi đau cơn dịch là nỗi đau chung cần được chia sẻ với nhau, nên mọi người đành quên đi nỗi đau, thù hận cá nhân (đảng phải, ứng cử chức TT cũng phải để qua một bên) và cùng tham gia vào công cuộc chiến đấu chống dịch chung của mọi người.

Nhưng, sâu xa hơn hết, đó là triết thuyết ẩn dụ về con người như một thân phận nhỏ bé trước thiên nhiên trời đất, trước Chúa trước Phật. Con người, trong cái nhìn của Camus, là một cái gì mong manh, rất dễ tổn thương mất mát, có thể bị tiêu diệt bất cứ lúc nào, bởi một thiên tai đột ngột, chiến tranh xảy ra, hay bởi hành vi lầm lỗi của chính con người, hay thậm chí bởi một thứ vô cùng nhỏ nhoi: con vi khuẩn - virút dịch hạch, con virút  cúm Vũ Hán cũng làm cho cả thế giới thất điên bát đảo, hoảng loạn...

Cuối cùng, sau hơn một năm, cơn dịch chấm dứt ở thành phố Oran. Cuộc sống trở lại bình thường. Dân thành phố hân hoan reo mừng. Nhưng Camus cảnh báo rằng như thế không có nghĩa là con người đã hết bị đe dọa mà mọi người, chánh phủ phải luôn đề cao cảnh giác trong mọi lúc, mọi nơi trên đất nước mình.

Kết thúc truyện, Albert Camus viết: “…vi trùng dịch hạch không bao giờ chết cũng không bao giờ biến mất (như COVID 19), nó có thể nằm ngủ yên hàng chục năm trong đồ đạc và quần áo, nó kiên nhẫn chờ đợi trong các phòng ốc, dưới tầng hầm, trong rương, trong những chiếc khăn tay và trong đống giấy má và có lẽ đến một ngày nào đó, vừa để gây tai họa cũng như để dạy bài học cho con người, cơn dịch hạch sẽ lại đánh thức đàn chuột của nó dậy và rồi gửi chúng ra nằm chết trong một thành phố đang tràn trề hạnh phúc nào đó" (trích trong NV online)

Một lời tiên tri của triết gia, nhà văn hóa nhân bản Albert Camus đáng giá, đáng suy gẫm cho cuộc đời bé nhỏ của mỗi một con người. Mới hơn 70 năm kể từ ngày tác phẩm La Peste ra đời năm 1954, nay toàn nhân loại đang nhận chịu một cơn dịch mới kinh hoàng còn hơn trận dịch hạch ở thành phố Oran: đại dịch Coronavirus Vũ Hán. Cũng như trong “Dịch Hạch,” giữa bầu không khí lo sợ, hoảng loạn của xã hội và sự chán nản của chúng ta, thì ở tiền tuyến (frontline), biết bao bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện, công lực,cảnh sát, lính chửa lửa, binh sĩ… không khác gì những nhân vật trong truyện La Peste của Albert Camus: Bác Sĩ Rieux, ký giả Lambert, Cha Paneloux… trong “Dịch Hạch” – ngày đêm không quản gian lao và nguy hiểm đến sinh mạng, mình vì mọi người, vì sự sống an bình của nhân loại đã và đang lao vào cuộc chiến chống dịch bệnh COVID 19. Và cũng như trong “Dịch Hạch,” cơn đại dịch COVID-19 chắc chắn sẽ phải chấm dứt, trả lại tiếng cười, hạnh phúc và sự bằng an dưới thế cho người thiện tâm - Amen!!!

 

Sacramento mùa đại dịch coronavirus Vũ Hán - 9.4.2020

Anh Phương Trần Văn Ngà (HNPD)

(có trích  dẫn vài đoạn trong bài của Trần Doãn Nho trên NV online - trên google - wikipedia...)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn