Làng Xóm Buồn Thiu – Trần Hoài Thư

Thứ Sáu, 13 Tháng Mười Hai 20197:48 CH(Xem: 8800)
Làng Xóm Buồn Thiu – Trần Hoài Thư

Trần Hoài Thư

1.

Đợi khi tổ tiền sát chạy đến gần cây cầu gỗ, ẩn dưới bờ mương, tôi mới bắt đầu cho tổ của trung sĩ Y Bok tiến chiếm gò mả để yểm trợ cho tổ đi sau. Bên kia cầu, cả một vùng tan hoang. Có vài ngôi nhà bị đổ nát, còn lại đống gạch vụn thê thảm. Tiếng ông đại đội trưởng trong máy PRC 25, dặn dò coi chừng có mảng cầu cài nhiều lắm. Tiếng máy sôi rè rè mất còn, hối hả. Bây giờ, trung đội một của thiếu úy Hoàng cũng bắt đầu tiến lên trên đám ruộng phía trái. Một chiếc L19 đang bay đảo vòng trong bầu trời xanh lơ. Một trái khói bốc lên cách chỗ tôi khoảng chừng 100 thước. Viên sĩ quan đề lô đang điều chỉnh quả đạn hiệu chỉnh. Sau đó là tiếng rít của đạn hú trên đầu như tiếng tru tréo gọi hồn của ma trơi quỉ sứ. Rồi tiếp đến là những đốm lửa tóe lên cùng với những tràng nổ long trời khiến cả thân thể tôi phải bật dậy.

LangXomBuonThiu_hanhquanChúng tôi đang chờ đợi giờ G. Chúng tôi đang đợi chờ cái giây phút giáp mặt với sự thật, mới hiểu thế nào là giá trị của một mô đất, một bờ mương, mới tận dụng tai, mắt, mới có thể biến mình là quỉ, beo hùm, mới đâm lưỡi lê máu phun thành tia vòi mà không đau đớn, mới hét gào Sát vỡ tung cả lồng ngực để lên tinh thần, để quên sợ để cho đẹp dạ những kẻ chuyên môn ngồi trong tháp ngà, sau màn hoa mà nói về chí trai hào kiệt… Có tiếng chim hót trên chóp tre. Trời ơi, vui gì mà hót líu lo hở chim. Ta đang căng thẳng thần kinh. Ta đang tính toán làm sao để vượt qua cái khoảng trống lạnh cẳng trước khi vào xóm. Ta đang cầu nguyện mọi sự bình an để ta còn về phố mà hoang đàng cà phê thuốc lá. Ta đang cố nán lại phút nào hay phút nấy để pháo binh dập nát mục tiêu, để ta còn an tâm thong dong như đi dạo cảnh…

Thằng truyền tin nói bên tôi. Đại bàng nói trung đội mình chuẩn bị đợi gà cồ dứt thì bắt đầu vào. Thằng Một yểm trợ mình. Tôi nghe mà không trả lời. Đốt thêm một điếu thuốc nữa. Hơi thuốc may ra xoa dịu trí căng thẳng. Tiếng rít cắt của đạn rờn rợn và những đốm lửa tiếp tục loé lên lẫn những cuộn khói đen. Đạn dập kiểu này thì con kiến cũng không lọt huống gì người. Cám ơn viên cố vấn Mỹ. Từ ngày có ông, đại đội xin gì được nấy, pháo binh, không trợ ê hề dư dật, chẳng bù trước kia, đàn con bơ vơ bất vất…

Tôi bặm môi, ra hiệu người lính truyền tin đến gần, và lấy ống liên hợp báo cáo về Bộ chỉ huy đại đội: Phú Sơn, đây Phú Sơn Ba nghe không trả lời. Tôi báo cáo cho anh trình với thẩm quyền là các con tôi sắp vượt qua cầu… Nghe rõ trả lời. Tiếng rè rè từ ống liên hợp cất lên: Tôi nghe Phú Sơn Ba năm trên năm. Nắng đã bắt đầu lên và cánh đồng trải dài im lặng không có dấu hiệu gì chứng tỏ địch đang ở đó.

2.

Pháo binh đã thôi bắn. Tôi đứng dậy hét lớn, tổ tiền sát viên qua cầu, chiếm mô đất trước mặt! Người đầu tiên là Hạ sĩ nhất Ký. Hắn nhổm dậy, chồm tới, một tay giữ mũ rừng, một tay cầm M16 chạy băng qua cầu. Tiếp đến là đám lính tiền sát. Rồi đến phiên tôi và người lính truyền tin. Ông trung đội phó theo tổ cuối. Không ngờ mọi sự lại yên ổn như vậy. Không có một tiếng súng nổ. Toạ độ đầu tiên đã được chiếm. Chúng tôi phải nằm để bảo vệ cho những đứa con khác và bộ chỉ huy tiếp tục qua cầu. Sau đó là mục tiêu kế, xóm nhà trước mặt. Lúc này mới là lúc quyết định. Bởi muốn đến chúng tôi phải qua cánh đồng trống. Nó là xạ trường tốt cho những cây súng trong xóm. Với vị thế như thế này chỉ có cách duy nhất là chạy, nhắm mắt mà chạy, dàn hàng ngang mà chạy, may nhờ rủi chịu. Những lúc như thế này, người trung đội trưởng phải chạy ở sau, sẵn sàng bắn vào những tên lính run sợ ở phía trước. Những lúc như thế này, không được bò, mà ưởn ngực mà thét mà gào mà hù mà dọa.

Trời ạ, một tay trói gà không chặt, nguyên là một ông thầy dạy công dân bây giờ đang kể toàn chuyện giết nhau. Những chuyện quá buồn bã trong một đất nước cũng quá nhiễu nhương buồn bã. Không. Tôi chỉ kể về kinh nghiệm chiến trường quí giá không có trong binh thư. Chúng giúp chúng tôi tồn tại, sống sót, để tiếp tục làm thanh niên trong thời loạn. Thử tìm tất cả sách vở, có ai viết về kinh nghiệm này không. Từ việc nghe tiếng đạn nổ để xác định hướng địch. Từ việc khi xung phong đừng bao giờ bò. Chẳng thà bị cụt chân còn hơn đạn trúng vào tim. Từ việc lúc nào nên chạy lúc nào không chạy trong khi bị địch vây khổn. Từ việc nghi binh hay kể cả việc qua mặt cấp trên thay vì nằm mưa nằm gió lại tìm chỗ tốt qua đêm. Tôi đã học từ họ những điều rất tầm thường nhất nhưng rất hữu ích nhất. Để bảo vệ tôi. Để bảo vệ lính tôi. Có lẽ mai này nếu còn sống sót tôi sẽ viết sách để đời: Làm thế nào để ra trận mà còn sống sót, để thanh niên nước tôi được nhờ thay vì để mấy ông trí thức học giả linh mục ở thành phố cứ nói hoài đến thuốc độc khai quang hay cho cây rừng còn xanh lá…

Thuốc độc khai quang. Nhằm nhò gì ba cái loại thuốc làm rụng lá rụng cỏ. Ít ra nó cũng làm bìa rừng, bìa núi những con đèo, những con đường âm u tử địa kia được sáng sủa hơn, được an toàn hơn, để chúng tôi còn được sống sót, để quí vị được bình an khi qua đèo qua ải. Chỉ có chúng tôi và đám lính Đồng Minh mới là những kẻ bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất. Chúng tôi không la thì ai la. Nó đâu có đụng lông chân mấy ông bộ đội miền Bắc rúc sâu trong rừng già mà lại la hoảng. Nó đâu có rải xuống xóm làng đâu mà lại theo đuôi mấy tay trí thức mang kính gọng vàng. Bằng chứng là dân ta vẫn đẻ nhiều, vẫn tiếp tục sinh sản lành lặn để đóng góp bổ sung vào guồng máy chiến tranh cho đủ nhu cầu quân số. Có phải vậy không?

3.

Đại bàng ra lệnh chúng tôi chiếm mục tiêu phía trái. Đó là một khu nhà đổ nát dưới những thân dừa rũ lá mặc niệm. Tôi truyền lại lệnh cho ông trung đội phó Y Suk. Người lính Thượng gốc Ê Đê bò đến các tổ trưởng truyền lại lệnh của tôi. Tôi nhìn quanh, những người lính đang chuẩn bị với súng và lưỡi lê. Tôi hét Thám kích! Lính gào lên Sát! Sát! và chạy về phía trước. Bây giờ tôi chẳng khác một dũng tướng cũng nên. Tôi bắn ào ào xuống đất lên trời để lính phía trước không dám chùn bước. Phải làm vậy để họ chỉ biết chạy, nhắm mắt nhắm mũi mà chạy, để chứng tỏ đạn ở phía sau có thể nhắm vào họ nếu họ không hoà nhập vào đám đông. Phải làm cho cả tập thể trở thành một khối đồng nhất. Lúc này ai cũng phải như ai. Nếu không hoà nhập sẽ bị đào thải không thương xót.

Chúng tôi vừa chạy vừa bắn vừa hét. Yên tĩnh. Một nỗi yên tĩnh lạ kỳ đầy những bất trắc. Mục tiêu đã được chiếm quá dễ dàng. Có lẽ địch sợ quá nên rút đi. Hay cũng có lẽ tin tình báo là tin vịt. Hay là địch đang ẩn mình đợi chờ ở đâu đó. Đám lính ngồi dưới những bờ đất hay nép vào những vách nhà tan hoang, súng chĩa vào phía trong. Những cuộn khói từ trận pháo vừa qua vẫn còn bốc lên nghi ngút. Bên cạnh tôi, một hố pháo vừa đào. Tôi liên tưởng đến một hầm hố công sự an toàn nhất. Trên cao mặt trời chói lọi. Tôi lấy bidong nước và tu và xối trên đầu. Cảm giác bất an cứ đè nặng khiến đầu óc tôi căng thẳng. Rõ ràng cuộc chiến tranh này chúng tôi là kẻ bị thua thiệt nhất. Người ta nói nhiều đến chiến thuật lùng và diệt địch. Nhưng địch ở đâu để chúng tôi lùng và tiêu diệt? Địch là ma là quỉ. Địch cũng có thẻ kiểm tra cũng cùng màu da giọng nói như chúng tôi. Làm sao để lùng khi núi rừng thì bao la, đất trời thì lồng lộng, khi đối phương như ma quỉ tàng hình, ở thế thượng phong. Chỉ có bọn lính trinh sát thám kích chúng tôi mới là những kẻ khổ nhất. Họ dùng chúng tôi để nhử mồi, để dụ địch ra khỏi hang ổ, để lãnh phần thiệt đầu tiên.

Xin lỗi, tôi đang nói với tôi, bởi vì chẳng có ai để mà tâm sự, trút nỗi lòng. Quan lớn có khi nào nghe quan nhỏ đâu. Tiến sĩ có bao giờ chịu nghe kẻ bần dân ít học đâu. Nhà văn lớn có bao giờ nghĩ mình một ngày phải chịu thua nhà văn nhỏ đâu. Tôi đang hỏi cùng trời đất quê hương làng xóm tôi về giải phóng. Địch ở nơi nào hở. Tại sao tình hình lại quá chừng yên ổn như thế này, khi cả trăm quả đạn pháo binh đã đổ xuống như mưa, khi trước đây, rõ ràng chúng tôi thấy những bóng bà ba đen chạy vụt qua, để chúng tôi phải nả súng, để đại bàng phải chửi tùm lum vì nổ súng bừa bãi. Khi mà trong lệnh hành quân cho biết: “Tin tình báo xác nhận vào khoảng một đại đội có vũ khí cộng đồng xuất hiện vào đêm… tại ấp V. Chúng sẽ dưỡng quân tại đấy đồng thời sửa soạn cho một cuộc tấn công mới vào vùng của ta”.

4.

Có tiếng xầm xì của một người lính Thượng, khi hắn hưởi được mùi vị khác lạ. Hắn bảo tôi thiếu úy có cứt còn mới. Tôi cố gắng tận dụng khứu giác, nhưng chịu thua. Tôi nói với Y Muôn: Tao không nghe gì cả. Hắn quả quyết: Tui có kinh nghiệm mà thiếu úy. Cứt còn mới. Rồi hắn như con chó săn, cầm súng đi tìm bãi phân. Hắn đã tìm những bãi cứt mới ở gần đấy. Rõ ràng địch vừa mới đóng quân. Có nghĩa là tin tình báo đúng. Phải cám ơn thằng lính Thượng của tôi. Nó thay chó săn để đánh hơi địch. Nó dạy tôi biết hơn về cái giá trị của mùi phân mùi cứt trong lúc thiên hạ thì cứ tưởng đến trăng treo đầu súng, màu áo hoa rừng, chiến sĩ của lòng em hay da ngựa bọc thây. Tôi chụp ông liên hợp báo cáo về bộ chỉ huy: “Phú Sơn đây Phú Sơn Ba nghe không trả lời. Các đứa con tôi mới khám phá được hầm cứt còn mới…”

Ở đầu ống, tiếng la giọng Quảng Trị của thằng truyền tin cho đại bàng: “Thiếu uý bộ giởn với đại bàng hay sao. Tui mà trình, ông chửi tui chết”. Tôi đâm quạu, chửi thề. “Mày cho tao gặp thẩm quyền”. Ông đại bàng lên máy, hỏi thẳng bằng bạch văn: “Cái gì đó Phú Sơn Ba ?” Tôi nói: “Lính tôi vừa khám phá một hầm cứt”. Ông cười ở bên kia. “Nó ăn thì phải ỉa, đâu có lạ gì”. “Không, cứt còn mới. Chứng tỏ chúng vừa mới ở đây”. Lời giải thích của tôi có vẽ hợp lý nên ông dặn dò: “Ừ, Phú Sơn Ba dặn các đứa con phải cẩn thận, tao cho thằng Một lên yểm trợ mày. Nghe rõ trả lời”. Tôi nói: “Nghe năm trên năm”. Sau đó tôi ra thủ hiệu cho các đứa con tôi đều nằm xuống. Một tiếng động thật nhanh và khô kèm theo một âm thanh đổ. Tôi quay nòng súng. Tim thót mạnh. Một con heo nái với những chiếc vú dài lê trên mặt đất xuất hiện từ một bụi lau. Hạ sĩ Y Wang vừa chỉ tay vừa xầm xì. Tôi biết trong đầu nó đang nghĩ gì. Chỉ tội nghiệp cho con vật lỡ sinh tại vùng địch nên cũng mang theo cái căn nghiệp của kẻ thù.

… Binh Hà vừa tìm ra một thùng đạn K.50 dấu trong hàng rào dâm bụt. Tôi bắt đầu cho các tổ lục soát và bố trí ra hướng bờ sông. Đàng xa là bãi cát trắng, những khóm lau đen nổi lên trên mặt nước yên tĩnh. Xa hơn nữa là dãy núi Bà Đen, hình dáng như con quái vật nặng nề đen thẩm. Tôi mở bi đông lấy một tí nước vỗ vào trán và quệt lên hai con mắt mõi mệt. Cái kính đã bị bụi bám đầy nhem nhuốc. Nước mát lạnh. Tôi cởi hàng cúc áo, để hứng những làn gió mát từ hướng sông thổi lại. Những người lính trung đội vẫn tiếp tục lục soát. Họ hăm hở.

Trung đội Hai đã vào và lục soát những khóm nhà dọc theo con đường làng. Trung đội Một chặn đường ở cầu nằm ở bờ mương. Đại bàng lại dặn dò trong máy coi chừng lựu đạn gài. Các đứa con của trung đội Hai đã tìm ra một trái cài ở cửa hông. Tôi nói nghe năm trên năm và bảo trung đội phó dặn lính phải cẩn thận coi chừng khi vào nhà lục soát. Những cuộn khói bốc lên từ một căn nhà tranh ven đường. Các con của Hai đã đốt vì không dám gỡ lựu đạn.

Có tiếng nổ long lỡ tiếp theo. Cả một loạt tiếng nổ khác sau đó. Điều này chứng tỏ địch đã cài lựu đạn và cất dấu đạn dược trong nhà. Trong buổi trưa oi nồng, tiếng reo của lửa dòn dả. Vì là mái tranh nên lửa dễ dàng bắt cháy. Lửa theo gió bốc cao ngọn. Hơi nóng táp vào da thịt tôi. Tôi lại lấy bi đông uống thêm một hớp nước. Người truyền tin ngồi bên cạnh tiếp tục nghe và báo cáo. Gia đình tôi vô sự. Hả. Anh bắt được một đứa hả. Nó có mặt trong trận đánh năm Mậu Thân tại Qui Nhơn hả. Đằng sau nhà có tiếng hét của một người lính. Lên không. Đầu hàng đi. Tao ném lựu đạn xuống bây giờ. Tôi đứng dậy tiến về tiếng hét. Thằng Trung đang lăm le cầm trái M26 ở trên miệng hầm. Tôi la lên: Trung! Mày làm gì thế? Trung nói: Thiếu úy em nghe tiếng động dưới hầm. Tôi nạt tại sao mày biết nó là VC. Lỡ dưới hầm toàn là thường dân thì sao? Nó phân trần: Ở đây mà thiếu úy bảo là thường dân sao? Tự nhiên tôi nóng mặt. Tao ra lệnh không được quăng. Mày nghe không? Mày tưởng bắt VC dễ dàng như vậy sao? Mày tưởng chúng nó ngu ngồi dưới hầm đợi mày tới quăng lựu đạn sao?

Vâng, tôi đã quá quen thuộc với những cảnh như thế này trong suốt ba năm trời lội nát làng xóm Bình Định. Tôi đã chứng kiến những cái chết thê thảm của thường dân ở dưới hầm, vì pháo binh hay vì lựu đạn. Chắc chắn không phải lỗi của chúng tôi. Mà là lỗi của họ. Họ là kẻ thù của chúng tôi, dù họ là đàn bà con nít, hay bô lão. Như hôm nay, những tiếng nổ long trời kia đã chứng tỏ được tâm địa của họ. Nhưng lương tâm đã không cho phép tôi xử sự như vậy. Tim họ hiểm độc nhưng họ vẫn là đàn bà ông già bà cả con nít. Và tôi nghĩ là những người bạn tôi, sau khi rời trường Thủ Đức cũng có cùng một ý nghĩ như vậy. Trách là trách chúng tôi đã không mang niềm tin về họ để họ ngang ngược bám đất bám làng, đêm đêm đi đắp mô, gài mìn giết hại chúng tôi.

Như vậy thì phải làm gì đối với đám dân bất trị? Trong trường hợp này chỉ có lựu đạn cay là cách hữu hiệu nhất. Nhưng đơn vị tôi không được trang bị loại lựu đạn chống biểu tình. Kế đến là xông khói bằng rơm hay xử dụng trái khói màu. Và cuối cùng nếu họ không chịu nghe, ngoan cố thì ráng chịu. Không còn cách gì khác.

5.

Tôi nằm trên miệng hầm, áp tai vào đất. Có tiếng rục rịch ở dưới. Tôi la: Tôi đếm từ một đến mười, đồng bào không lên chết chịu. Một hai ba bốn. Đồng bào lên không, tôi ném lựu đạn xuống bây giờ… Tôi dọa dẫm. Tôi hét lớn. Tôi muốn họ sống. Tôi đã từng thấy những đám người chui lên hầm, người đàn bà bồng đứa con sơ sinh. Tôi đã từng thấy đứa bé gái mới 7, 8 tuổi, đôi mắt tột cùng sợ hãi bên người là bọc đồ… Tôi đã thấy rất nhiều trong suốt thời gian vật lộn cùng sinh tử, gọi là đi bảo vệ quê hương. Càng lao vào cõi dữ, càng nhận ra không ai khổ hơn người dân. Họ ở giữa hai lằn đạn. Họ không muốn ở phe này phe kia. Họ sợ người ta nhân danh. Họ chỉ biết bám đất bám làng, bởi vì nếu không bám thì lấy gì mà sống. Họ chấp nhận sống trong địa ngục, rúc trong hầm mỗi khi có canon pháo binh rót xuống, sau đó lại trồi lên tiếp tục bám đất bám vườn.

Bởi vậy, tôi đã chần chừ khi đếm, khổ sở khi đếm. Đến tiếng thứ bảy, thì một mụ đàn bà trạc chừng 40 tuổi hiện ra tối mờ của cửa hầm. Mụ có bầu. Mụ vừa trồi lên vừa chấp tay lạy: Lạy các ông, chúng con vô tội. Binh Hai hét: Còn bao nhiêu người ở dưới đó? Mụ rên rỉ: Dạ còn chừng bảy, tám người. Gia đình của con cả, thưa ông. Tiếp đến một lũ người trồi đầu lên. Đầu tiên là hai ông già, hai người đàn bà và mấy đứa con nít. Họ mang theo những chiếc va ly thiếc, những thúng đồ hay những túi vải bố. Tôi bảo lính dồn đám người về một góc. Nắng chói lòa trên nền nhà đổ vụn và những mảnh chai phản chiếu một màu nhức nhối. Mụ đàn bà vẫn tiếp tục kêu van: Lạy các ông, xin các ông tha con. Con là thường dân vô tội. Binh nhất Hai lên đạn rắc rắc. Mụ lại la lên thống thiết: Các quan ơi, con vô tội. Binh Hai đá cái va ly thiếc bay đi một khoảng rồi nói: Sao mụ có bầu. Chồng mụ ở đâu rồi. Mụ ta vội trả lời: Chồng con, ảnh làm làm lính Quân Cụ ở Qui Nhơn. Tôi cười. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần hành quân qua các ngôi làng mất an ninh, không thấy đàn ông ở đâu chỉ thấy toàn đàn bà có chửa. Và khi hỏi chồng bà ở đâu, chúng tôi chỉ nghe trả lời ảnh đi lính Quân Cụ, Quân Nhu hay nằm bệnh viện. Lần này mụ đàn bà cũng nói như vậy. Tôi bảo lính lấy dao găm cạy chiếc va ly thiếc. Nắp va ly được mở tung. Có một bộ kaki vàng. Binh Hai hét: Chồng mụ đi lính Quân Cụ hay đi giải phóng? Hắn sắp bạt tai, thì tôi vội ngăn lại. Mụ đàn bà nhìn tôi van lơn.

Trời ơi, trận chiến gì mà chó má như thế này, hở. Địch ở đâu. Tôi phải làm gì để mang cho họ niềm tin là chúng tôi đến để cứu họ, giúp họ, giải phóng xóm làng của họ. Tôi phải làm gì để họ nói thật khai thật về những hầm chứa vũ khí, những quả lựu đạn gài, những kẻ địch đang ẩn núp trong vùng? Tâm lý chiến đâu rồi, chiến tranh chính trị đâu rồi. Tôi không học một khoá nào về nghệ thuật lấy lòng dân, làm sao tôi có thể cạy miệng, hay biết rõ tác giả cái bầu của mụ ta. Tôi muốn bỏ cuộc, buông xuôi, mặc lính tôi muốn làm gì thì làm. Tôi muốn tìm đến một chỗ khuất, ngồi và khóc. Mẹ tôi đó, ngồi trên sân nắng, hai tay chấp lại vái lạy khóc lóc trước bọn lính Tây. Và bây giờ, người đàn bà này. Vẫn những cảnh tượng cũ diễn đi diễn lại mấy mươi năm không dứt. Tôi ra lệnh: Thôi hãy để yên cho mụ. Dồn họ vào một chỗ, đợi lệnh đại bàng.

Chiếc L.19 vẫn tiếp tục rà rà trên đầu. Tôi đi về phía nhà sau. Toán lính đang lục soát trong nhà bếp. Một hũ ruốc. Một đứa reo lên. Một người lính Thượng đút tay vào hũ rồi bỏ vào miệng, hít hà: Ngon. Ngon. Những thùng lúa bị đổ, thóc tràn ngập xuống nền. Trên bếp, những lư nhang nằm ngổn ngang. Tôi dặn tổ trưởng coi chừng lựu đạn gài. Trung sĩ Ba đáp dạ, rồi hỏi, thiếu uý chừng nào rút. Tôi trả lời chắc chiều rồi trở ra hàng hiên. Binh Hai vẫn tiếp tục hét. Mặt hắn đỏ gay. Hắn đã bất lực trước lũ người ngoan cố. Một cô bé trạc mười ba mười bốn tuổi đang ngồi mặt cúi xuống. Binh Hai thì thào với tôi: Xem chừng con nhỏ đó mình có thể dọa được thiếu úy. Tôi ngước nhìn. Dáng dấp gầy yếu, màu da đen ngâm, đôi mắt phản chiếu nỗi buồn đến đau xót. Binh Hai cầm lưỡi lê, đưa lưỡi vào cổ con bé, gằn giọng: Mày chỉ mấy người đàn ông vừa chạy ở đâu? Không nói tao giết. Con nhỏ oà lên khóc. Dạ con không biết. Binh Hai vội đá vào thùng thiếc bên cạnh. Tiếng động rầm rầm. Chỉ tội cho chiếc thùng. Và cũng tội cho thằng lính của tôi. Trời ơi, chân nó chắc đau. Con bé làm sao hiểu được tấm lòng của nó. Tôi nháy mắt, như nói mày đóng kịch khéo đấy. Một đàn kiến đang bò lên bờ thành. Một hàng li ti, chấm chấm đen. Bọn mày bò biết bao giờ mới thấy mỏi. Gió từ sông mang theo mùi thúi từ nhà bên cạnh.

LangXomBuonThiu_dungquanĐại bàng cho lệnh nghỉ ngơi ăn trưa. Tôi truyền lệnh cho trung đội phó, dặn thêm phải cho người canh gác cẩn thận đám dân bất trị. Hạ sĩ Tròn hỏi tôi ông thầy cần nằm võng không, em tìm chỗ mát căng cho ông thầy. Tôi nói cám ơn mày khỏi cần. Nó nói tiếp ở đây có bí bầu rau dền nhiều lắm. Ông thầy muốn loại nào em hái nấu canh luộc rau cho ông thầy dùng. Tôi nói cái gì cũng được. Bên cạnh tôi, người mang máy truyền tin đang ngủ gật, thỉnh thoảng bật dậy, trả lời nhát gừng. Một tốp lính Thượng đang ngồi quay quần dưới bóng hàng dừa. Tôi chú ý đến hũ ruốc. Quà chiến thắng để đời đấy, phải không bọn mày. Ở một góc, hạ sĩ Hường đang ăn cơm một mình. Hắn ăn chay trường. Thức ăn của hắn là cục đường đen. Ráng ăn chay để được phước nghe mày. Phía kia, một tổ đang nấu cơm. Chiếc cà men đen ám mấy đời khê chín. Tôi nhìn họ, những người lính của tôi, lòng tự dưng dấy lên một niềm cảm động. Những người lính Việt Nam khốn khó chịu đựng. Cần gì mà xưng tụng. Cần gì mà vinh danh. Cần gì chiến sĩ của lòng em. Những mỹ từ đầu môi chót lưỡi phù phiếm bất nhẫn trên những tấm thân gầy yếu mà mang cả ba lô súng đạn 40, 50 ký lô, trên đôi chân như hai ống sậy mà run cầm cập đến són cả đái khi họ gặp phải một tay đơn vị trưởng bất nhân, quen thói đập lính, đánh lính bằng hèo, ba ton, bạt tai đá đít, trên lon cơm mà nước mưa thay canh, mà hai que cũi thay đủa… Những người lính thất học, con cái nheo nhóc, khi xe dừng bên chợ, bên phố, thì rũ nhau ngồi nhìn một đám người ngồi ăn nhậu hả hê, cửa lầu khoá chặt, xe díp bóng loáng có tài xế đưa đón vợ con. Những người lính Việt Nam đầy tình nghĩa thầy trò. Họ sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ để cứu đơn vị trưởng khi gặp nạn…

6.

Đến bốn giờ chiều, chúng tôi được lệnh mang số dân làng về vùng có an ninh. Chúng tôi phải khổ tâm lắm mới bảo họ lên đường. Những thúng gạo, nồi niêu, chén bát kèm theo những tiếng khóc nức nở. Lính thúc súng vào từng người hăm doạ họ mới chịu bước. Viên cố vấn Mỹ đếm từng đầu người rồi ghi trên sổ tay. Đồng ruộng trải dài, thỉnh thoảng vài hố bom cày loang loáng nước. Đoàn người chậm chạp đi qua những thửa ruộng đất bùn. Hai bà già chống gậy mò mẩm. Đi được một đoạn bỗng nhiên lăn ra nằm trên đất, khóc rống: Bọn mày đi thì cứ đi. Tao ở lại. Tao chết cũng còn thấy nhà tao, cha mẹ tao, ông bà tao. Tao không sợ chết đâu. Tao già rồi. Người đàn bà mặc áo màu nâu đến ôm chân bà lão khóc lóc: Má không đi, con cũng không đi. Chúng tôi phải dừng lại. Làm sao có thể khuyên hai bà già cứng đầu này được. Chiếc L19 vẫn bay rà rà trên đầu. Đại Bàng thúc dục trong máy C25: Hãy đưa họ về mau. Trời sắp tối rồi. Viên trung đội phó càu nhàu: Kệ họ thiếu úy. Mình về muộn bọn nó phục kích thì chết. Tôi báo cáo trong ống liên hợp: Xin đại bàng chờ, tôi nói mãi họ cũng không chịu đi. Nhất là mấy bà lão. Tôi bỏ máy đến bên bà lão cố năn nỉ: Xin ngoại gắng đi, có gì bọn cháu giúp cho. Nhưng bà già vẫn nằm lăn trên đất, tiếp tục gào: Tao không đi. Tao không sợ chết. Tôi nuốt nước miếng. Cổ họng khô đắng. Trung đội hai đã bỏ cách chúng tôi xa, khuất sau đám tre của ngôi làng T.H. Trời đã về chiều. Nắng vàng hiu hắt trên những hố bom loang loáng nước. Đại Bàng lại ra lệnh mọi giá hãy đưa về vùng an ninh. Tôi trả lời: Tôi chịu thua, đại bàng.

Cuối cùng, đoàn người được chúng tôi cưỡng ép thúc súng đưa về làng ven lộ yên ổn. Có ba bốn người ở lại không chịu đi. Đám người đứng ngồi chờ đợi. Chờ đợi điều gì, chúng tôi không cần biết. Đại bàng bảo nhiệm vụ của mình đến đây thì hết. Sơn Tây cho mấy đứa con ra lộ chờ cua đến rước. Tôi đứng trên thềm của một ngôi nhà gạch nói lớn: Bây giờ đồng bào có thể yên tâm ở lại. Đây là vùng an ninh. Có lính Cộng Hòa bảo vệ đồng bào. Đồng bào được quyền tự do đi lại. Chúng tôi cám ơn đồng bào.

Một ông già chợt giơ tay:

“Bẩm quan, quan đưa chúng tôi về đây không nhà không cửa rồi quan bỏ chúng tôi lại đây chịu chết đói sao. Chúng tôi ra đi không mang theo một đồng bạc làm sao chúng tôi có cơm có gạo mà ăn.”

Tôi nói:

“Đồng bào an tâm. Chánh phủ sẽ lo lắng để đồng bào an cư lạc nghiệp. Chánh phủ sẽ cấp nhà cho đồng bào ở, gạo cho đồng bào ăn”.

Tôi nghe tiếng xầm xì nổi lên. Trong máy Đại Bàng dục sửa soạn zulu, cứ để tiểu khu lo. Tôi thấy những con mắt ngơ ngác nhìn quanh. Một đôi vợ chồng già đang tìm một góc thềm của căn nhà hoang, trải tàu dừa khô làm chiếu. Một đứa bé đang đứng ủ rủ. Chắc em đói. Trời ơi, tại sao hết bất hạnh này tiếp đến bất hạnh cứ bủa chụp xuống xứ sở này. Ngày nhỏ, tôi cũng chẳng khác gì hoàn cảnh đứa bé ấy, đêm đêm cũng nằm dưới hầm, nép dưới phản, tránh đạn, tránh pháo, tránh những gì mà thế hệ cha anh tôi đã bất lực truyền lại. Rồi bây giờ đến phiên đứa bé này. Mấy mươi năm chưa đủ động lòng những trái tim uống máu ăn thề sao. Mấy mươi năm chưa đủ hả hê cùng trò chơi chiến tranh sao?

Tôi gọi máy về đại bàng. Tôi xin đại bàng cho tôi một ân huệ. Cho tôi tập họp hết đơn vị, nói với lính hãy trút hết gạo, hay lương khô còn dư thừa để tặng cho những người dân làng.

Viên cố vấn thấy vậy, tới bắt tay tôi, Oh your soldiers are so kind.

Ông ta lại hỏi tôi: “Tại sao họ lại có mặt tại một nơi như địa ngục như vậy. Bộ họ không sợ chết sao?”

Tôi trả lời:

“Thưa ông, nếu họ không ở đó thì họ đi đâu bây giờ?”

“Thì họ về vùng chính phủ. Chính phủ ông sẽ lo cho họ. Mỹ đã viện trợ rất nhiều cho kế hoạch này mà”

Tôi im lặng. Nói ra thì cũng thêm nhục dân tộc. Có những điều phải dấu tận lòng. Bằng chứng giờ này tiểu khu vẫn chưa cử người đến giúp đỡ đám dân bất hạnh.

7.

Trái với lệnh hành quân là các con cua sẽ đến đón chúng tôi về hậu cứ vào buổi chiều, nhưng đến giờ phút chót chúng tôi được lệnh đóng quân đêm tại làng T.H. Đại bàng chọn trụ sở ấp làm bộ chỉ huy. Đến bảy gay go (giờ) các toán kích của trung đội bắt đầu đến mục tiêu. Tôi dặn trung sĩ Hoàng nếu đụng cứ bắn ba phát súng báo hiệu trước khi rút về. Tổ kích gồm những cậu lính tân binh. Tôi hơi e ngại nhưng nghĩ rằng đã là lính thì phải biết mùi. Riêng tôi thì dắt trung đội lởn vởn trong khu vực định đến đêm sẽ rút, để tổ của trung sĩ Hoàng nằm lại. Đây là lối nghi binh. Trên đường di chuyển chúng tôi gặp một ông già mặc bộ bà ba đen đạp xe đạp.

Tôi bảo lính chặn lại để hỏi vài điều cần thiết. Nhưng ông già làm như không nghe vẫn cắm cúi đạp. Thằng Hà vội lên đạn rắp rắp, quát: Ông đi tôi bắn tôi bắn. Lão ngừng xe. Tôi bảo binh Lợi hỏi giấy tờ, lục soát thật kỷ. Dáng dấp lão thật khả nghi. Binh Lợi hỏi giấy tờ lão đưa đầy đủ, nhưng khi đòi đưa cả bóp, lão nằng nặc không chịu đưa. Tôi nói tiền bạc ông có bao nhiêu ông cứ cất giữ, chúng tôi sẽ không đụng vào, còn bóp thì đưa tôi. Tôi chỉa nòng súng dọa dẫm. Lão líu ríu đưa. Nhưng mặt mày tái mét. Cuối cùng tôi tìm được một tờ giấy có đề V.N.D.C.C.H. Tôi cười, vỗ vai lão thân mật:

“Chúng cháu từ núi mới xuống để đêm nay tiêu diệt bọn ngụy ác ôn giải phóng đồng bào. Bác thấy khăn quàng cổ đỏ này không. Màu biểu thị quân giải phóng đó”

Lão ngần ngừ, rồi nói:

“Tôi không biết, không biết”

Tôi tiếp tục thuyết phục:

Bác hãy chỉ những anh chị em đồng chí ra gặp chúng cháu, để cùng nhau làm việc.”

“Không. Không”

“Bọn cháu là quân giải phóng. Tại sao bác lại không tin. Bộ bác theo ngụy, tay sai của bọn đế quốc Mỹ xâm lược? Cháu hỏi lại bác tin hay không tin?”

“Tin” (Có tiếng cười khúc khích đâu đó nổi lên)

“Tốt. Bây giờ bác hãy đem xe đạp gởi ở nhà bên cạnh, rồi đi với chúng cháu”

Một chốc, lão đi ra. Chúng tôi cười. Binh Hà thầm thì: Lại gặp một tên nằm vùng. Nhưng vừa thấy chúng tôi là lão rên rĩ. Hình như lão đã biết mình bị gạt gẫm:

“Tôi vô tội. Tôi là phó ấp. Anh em lường gạt chúng tôi”

“Không. Chúng cháu là quân đội giải phóng anh hùng. Cháu hỏi bác lần chót. Bác ở với giải phóng hay bác theo Ngụy?”

“Tôi theo Ngụy!”

Cả đám lính cười rộn rã. Tôi nói với người lính ô đô:

“Thôi để lão đi kẻo tối”.

Toán lính trở về dưới ánh trăng mập mờ. Tiếng dạ trùng vọng về buồn bã. Những khóm tre xỏa tóc như những bóng ma quái. Tôi cảm thấy lạnh. Trong máy C25, các đứa con của trung đội Hai báo cáo bắt được một người đàn ông vừa trốn từ chân núi trở về và sắp sửa bắn một người đàn bà trong đêm lại mò lên núi.

Các đứa con báo cáo vị trí đã bị tiết lộ bây giờ xin được di chuyển về một địa điểm khác. Đàng sau tôi giọng người truyền tin vẫn tiếp tục thì thào: Các đứa con tôi đang zulu, đừng nổ súng ẩu nghe bồ …

Trần Hoài Thư

(Thư Quán Bản Thảo, tập 2 tháng 11/2001)

[l] Viên Linh, Khởi Hành số 106 tháng 8.2005, phần giới thiệu tác giả Phạm văn Nhàn qua truyện ngắn Vùng đồi.

Nguồn: http://www.hocxa.com/Truyen/LangXomBuonThiu_TranHoaiThu.php

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn