Thư Giáng Sinh Trong Ngục Tù Cộng Sản

Thứ Tư, 10 Tháng Giêng 201810:43 SA(Xem: 6179)
Thư Giáng Sinh Trong Ngục Tù Cộng Sản

(Viết cho con gái và các bạn cựu tù “cải tạo”)

Lời đầu cho Bạn:

gs5Đối với chế độ Cộng sản Việt nam, quyền tự do tín ngưỡng bị hạn chế nhất trong các quyền tự do của con người. Riêng Công giáo VN được chúng lưu tâm đặc biệt qua các sự kiện nổi bật như Quỳnh Lưu, Ba Làng, Bùi Chu, Phát Diệm… tiếp đến cuộc di cư vĩ đại của gần triệu người Công giáo từ Bắc vào Nam năm 1954. Rồi sau ngày 30.4.1975 khi bọn Cộng sản xâm chiếm miền Nam, trên hai triệu người lại bỏ nước ra đi với hai bàn tay trắng, không sợ gian lao nguy hiểm để tìm tự do, mà trong đó quyền tự do tín ngưỡng là ưu tiên. Sau đó liên tiếp những vụ đàn áp tín đồ, cưỡng chiếm nơi thờ phượng, đất đai… như Thái hà – Toà Khâm sứ – Tam Toà, dòng Phaolô Vĩnh Long, trường học xứ Loan Lý, giật sập Thánh Giá Đồng Chiêm và gần đây nhất vụ trấn áp dã man Cồn Dầu khiến nhiều ngừời bị thương tật, gây ra cái chết thảm khốc cho anh Nguyễn thành Nam, đến nỗi một số giáo dân quá khiếm sợ phải trốn qua Thái Lan xin tị nạn, đã gây xúc động, phản đối tại Quốc Hội Hoa kỳ và các tổ chức nhân quyền trên thế giới. Thế mà bọn cầm quyền CSVN vẫn làm ngơ và tiếp tục dùng mọi thủ đoạn gian manh đàn áp: tuyên truyền, hứa hẹn, dọa nạt, hơi cay, dùi cui, roi điện, chó săn, du đãng… Nhưng bạo lực không thể trấn át được ánh sáng Tin yêu và tiếng kinh Hoà bình vẫn vang vọng khắp nơi trong và ngoài nước.

Sau khi chiếm miền Nam, Cộng sản ra lệnh tập trung cải tạo, nhưng thực chất chỉ là giam tù không tuyên án – tất cả các sĩ quan QLVNCH – mà thành phần chúng theo dõi kỹ hơn là các vị Tuyên uý và sĩ quan Công giáo. Trong thời gian chúng tôi bị giam giữ ngoài Bắc, bọn cán bộ hay gọi các Linh mục và sĩ quan Công giáo lên tra hỏi, hạch sách về lý lịch, cấm không được truyền đạo, trao đổi sách báo Công giáo. Tuy nhiên dưới sự hướng dẫn của các Linh mục chúng tôi vẫn trao cho nhau đọc Thánh kinh, Kinh nguyện chép tay. Những buổi tối cầu nguyện vào ngày Chúa nhật và Lễ Trọng anh em vẫn tổ chức. Qua những dòng nhật ký ghi lại trong tù vào đêm trước Giáng sinh năm 76 nơi trại tù Sơn la giáp biên giới Bắc việt và Trung quốc – dưới hình thức ‘Những lá thư viết cho Con gái đầu lòng không bao giờ gửi đi’. Nhưng giờ đây sau 20 năm đặt chân lên đất Hoa kỳ tự do, tôi xin trao lại cho Con gái và các Bạn như một kỷ niệm khó quên nhân dịp lễ Giáng sinh.

“… Sơn La, tối 24 tháng 12 năm 1976

Ba viết cho con những dòng này giữa thung lũng Sơn la chung quanh núi rừng bao phủ.Trại giam là một khu nhà đổ nát bỏ hoang vì bom đạn chiến tranh. Khoảng 4 giờ chiều là mây mù giăng phủ bốn bề. Tiếng cồng gọi tù là một mảnh bom vang dội nghe âm u buồn thảm. Những người tù quần áo rách nát có đóng số tù trước ngực và sau lưng, thân hình gầy ôm, tiều tụy, vác trên vai những bó tre nứa nặng trĩu, cắm cúi mau bước về trại tập trung.

Sau bữa ăn chiều với vài củ khoai chấm muối là mặt trời đã khuất sau núi. Màn đêm xuống mau mang theo giá lạnh cùng với tiếng côn trùng và muông thú vang vọng gần xa. Các bạn tù đã gom được ít củi và lá khô đốt lên ngồi quanh sưởi ấm. Ba đã viết những dòng chữ xiêu vẹo này dưới ánh lửa chập chờn. Viết mà không bao giờ gửi đi – vì không được phép gửi hay nếu có gửi tới nơi con vẫn chưa biết đọc khi con mới tròn 16 tháng tuổi. Nhưng ba cứ viết để khi buồn đem ra đọc và biết đâu một mai khôn lớn con sẽ đọc. Mỗi đêm ba chỉ viết chừng nửa trang xen kẽ vào những bài học giáo điều mà bọn CS bắt ba học.

Đêm nay ba muốn viết nhiều hơn vì là đêm trọng đại: đêm Noel cả thế giới đang tưng bừng chào đón. Nơi đây làm gì có Thánh lễ, có ăn Reveillon, có Thánh ca… phải không con?. Thế mà có tất cả đấy con ạ! Chắc con lấy làm lạ tưởng rằng bọn CS đã biết tôn trọng tự do tín ngưỡng trong cả nhà tù hay là trò khoe khoang cho cuộc sống ưu việt nơi miền Bắc sau 30 năm tiến lên Xã hội chủ nghĩa?. Không phải thế đâu con, vì ba đã đi qua bao giáo đường đổ nát dùng làm hợp tác xã chăn nuôi. Ba đã từng thấy những tên cán bộ gốc Công giáo nay đã bỏ đạo, cấm các Linh mục tuyên uý không được làm lễ và giải tội cho tù nhân. Chúng còn nói hàm hồ với các Linh mục là Đảng và Nhà nước chưa tha tội cho các anh nên các anh không có quyền tha tội cho ai cả. Nhưng đêm nay trong cảnh ngục tù giữa núi rừng hoang lạnh Chúa sắp đặt tất cả, Chúa thấu suốt những khát vọng nội tâm và không bỏ rơi những kẻ theo Ngài. Chỉ với 2 chiếc bánh và 5 con cá, Chúa đã nuôi năm ngàn người ăn uống no nê thì vỏn vẹn chưa đầy 20 người tù Chúa sẻ lo cho tất cả.

Chiều hôm trước Cha Tuyên úy nhắc nhở anh em dọn mình chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Về nội tâm một số đã xưng tội trong rừng khi đi lao động, số còn lại xưng trong tù trước giờ Thánh lễ. Về hình thức bên ngoài, anh em gom nhặt được trên đường đi lao động: vài con cá, tôm tép, lươn ếch… để nấu một nồi cháo khoai thập cẩm vì không có gạo – gạo ở đây là thực phẩm cao cấp chỉ giành cho cán bộ – còn những người tù như ba quanh năm chỉ có 6 tháng khoai lang và 6 tháng khoai mì do chính mình đổ mồ hôi khai phá bạt ngàn trồng trọt nhưng ăn không đủ no với tiêu chuẩn hàng ngày 500 gam. Ôi! Lúc này ba thèm một nồi cháo như người con phung phá trong Phúc âm thèm một nồi cám heo… Có anh hái được ít lá chè trên một ngọn đồi bỏ hoang nấu những lon nước chè đặc thơm ngát hương vị núi rừng.

Trước giờ lễ cha Tuyên uý nói về ý nghĩa lễ Giáng sinh, sau đó anh em hát bài Thánh ca quốc tế ’Đêm thánh vô cùng’. Thánh lễ trang nghiêm thầm lặng nhưng đầy xúc động. Mình Thánh Chúa đựng trong một hộp nhựa đặt trên chiếc mền phủ khăn trắng. Linh mục trao cho mọi người hôn kính và chia sẻ rước Chúa vào tâm hồn. (Mình Thánh là phần bánh bột, vị Tuyên uý được anh em nhà bếp cung cấp trước). Kết thúc buổi lễ là ca khúc ’Đêm đông’ quen thuộc, càng cảm động khi một số anh em ngoài Công giáo cùng tham dự tiệc mừng. Có anh tình nguyện ngồi xa làm vọng gác tiền đồn để kịp báo động khi cán bộ xuất hiện. Vừa ăn cháo khoai vừa chuyền nhau ngụm nước chè nóng và nhắc nhớ những Kỷ niệm về lễ Giáng sinh. Mọi việc hoàn tất tốt đẹp trước khi tiếng cồng vang lên báo hiệu tắt đèn lúc 8 giờ tối.

Trở về chỗ ngủ, cứ hai người chung nhau 1 chiếc chiếu và mùng cá nhân vì chỗ nằm mỗi người chỉ bằng 3 viên gạch. Nhà không có mái che, sương đêm xuống lạnh buốt phải chăng poncho hay tấm vải nhựa phía trên cho đỡ giá lạnh. Như các bạn giờ này ba chưa ngủ được, nhìn lên bầu trời đêm những vì sao lấp lánh qua đám lá cây rừng ba tìm vì sao sáng nhất của Chúa Hài Đồng và vì sao mờ nhạt của đời mình – vì nếu khoa chiêm tinh ứng với số mệnh của mỗi người thì ắt hẳn trong muôn ức triệu tinh cầu sẽ mang tính mệnh của mỗi con người.

Ba hồi tưởng lại những kỷ niệm Noel đã qua tại vùng cao nguyên Kontum, những tháng ngày thử lửa đầu đời lính. Sau đêm tử chiến ba khiêng xác đồng đội cuộn tròn trong poncho lên trực thăng chuyển về hậu tuyến đúng vào đêm Giáng sinh khi khúc nhạc Silent Night do máy bay phóng thanh vang vang trên thành phố. Pleiku mùa Giáng sinh xứ lạnh sương mù, thành phố im lìm ngủ say trỗi dậy theo tiếng Sứ thần tìm đến hang đá Be-lem đón mừng Chúa Giáng trần. Đà lạt thành phố du lịch miền Nam cao điểm nhất vẫn là mùa Noel, mọi nơi du khách đổ về đón nhận những ngày lạnh nhất, tưng bừng nhất và cảm động nhất. Những nơi như nhà thờ Con gà, Saint Domaine de Marie, Couvent de Oiseaux, Viện Đại học, Trường Võ bị, Chiến tranh chính trị, Chỉ huy tham mưu… đều mở cửa đón du khách với những lễ hội tưng bừng. Ba và mẹ con những ngày ấy, cứ mong ước con sớm chào đời để cùng hưởng những phút giây êm đềm. Ba nghĩ đến mẹ con và con chắc giờ này đang sửa soạn đi dự Thánh lễ Nửa đêm, nhưng lại thiếu ba buồn quá con nhỉ? Ba hẹn con một mùa Giáng sinh nào để dẫn con tới Thánh đường, quì bên hang đá cầu xin Chúa cho mọi người trong gia đình mình mãi sống bên nhau. Đêm nay con nhớ cầu nguyện cho ba, cho các bạn của ba, cho Đất nước mình hết hận thù nhau, cho Dân tộc mình hạnh phúc. Đúng như lời vị Tuyên úy: ’Chỉ sống trong hoàn cảnh này ta mới hiểu sâu xa tình thương yêu của Chúa sinh xuống khó hèn vì nhân loại trong hang đá Be lem’.

Tiếng ca nho nhỏ khúc hát Giáng sinh của người bạn tù còn thao thức làm ba bừng tỉnh quay về thực tại cuộc sống tù đầy cực khổ nơi đây. Tiếng côn trùng vẫn hòa ca,tiếng thú rừng vẫn vang vọng xa xa. Một dòng suối len trong khe đá chảy róc rách gây cho ba cảm giác cô đơn và buốt lạnh. Ba kéo chiếc mền rách nằm sát bên bạn tù chuyền cho nhau hơi ấm như chiên bò thở hơi ấm cho Chúa khi xưa… Cứ miên man trong suy tư và ba thiếp đi trong vùng trời Noel đầy mộng mị…”

(Trích những dòng Nhật ký trong tù CS )

Lời cuối cho Con:

Thấm thoát đã 34 năm kể từ Giáng sinh trong ngục tù Cộng sản năm nào, giờ vẫn còn là những kỷ niệm đau buồn khó quên. Nhưng có một điều an ủi cho con và gia đình ta đã đến được vùng trời tự do, thoát khỏi kiếp sống đọa đầy với những đêm Noel buồn thảm. Ngày ba còn thơ dại, khi nhìn vào những tấm thiệp Giáng sinh hay đọc truyện Noel nước ngoài, ba thường mơ tưởng đến những giáo đường cao vút vươn lên trong bầu trời đầy sao, tuyết phủ trắng xóa trên những cây thông như mũi tên khổng lồ. Ông già Noel râu tóc bạc phơ lái xe chở đầy quà tặng cho các trẻ em do những chú hươu sừng cong lao đi vun vút trong đêm từ miền Bắc cực. Khi ba đặt chân lên miền đất hứa này, ba không còn những rạo rực của tuổi trẻ trứớc cuộc sống tràn đầy sức sống, không còn những năm tháng dài chờ đợi đầy hoa mộng. Nhưng con giờ đã trưởng thành, hấp thụ được vốn kiến thức đủ bảo đảm cho cuộc sống tương lai tốt đẹp.

Nước Mỹ tuy không phải là thiên đàng hạ giới, nhưng vẫn là vùng trời tự do,đất hứa của tuổi trẻ, mảnh đất luôn sẵn sàng đón nhận và bao dung cho những con người chốn chạy khỏi một chế độ tàn ác vô nhân đạo.

Mùa Giáng sinh là mùa An bình Hạnh phúc mà con người luôn khao khát chờ trông. Ba xin mượn lời Thiên sứ năm xưa chúc nguyện cho Con và gia đình mình cùng mọi người trong đêm Đại Thánh này:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người chính tâm!

Đinh Văn Tiến Hùng

http://nguoivietboston.com/?p=39283

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn