Lê Ngọc Châu: Trước Sau Vẫn Là Câu Trả Lời: “Tôi Là Người Của Nước Việt Nam Cộng Hòa, Đến Từ Miền Nam Việt Nam!”

Thứ Tư, 10 Tháng Giêng 20186:00 CH(Xem: 6482)
Lê Ngọc Châu: Trước Sau Vẫn Là Câu Trả Lời: “Tôi Là Người Của Nước Việt Nam Cộng Hòa, Đến Từ Miền Nam Việt Nam!”

Dẫn nhập: Thưa Quý độc giả, vì là bài viết có tính cách tự thuật nên khó tránh khỏi việc đề cập đến cái tôi đáng ghét, ngoài ý muốn của người viết. Mong quý vị hoan hỷ cho. Cám ơn trước.
Mạn phép giới thiệu ngắn. Tôi là cựu sinh viên thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Như đa số sinh viên (SV) thời đó sau 30.04.1975, SV của VNCH gặp nhiều vất vả, đặc biệt ở Đức vì học khó và hầu hết đều cố gắng tìm cách mưu sinh để có thể tiếp tục học ra trường. Biết rằng ở Mỹ, Úc, Canada … có rất nhiều khoa bảng, đồng hương có học vị cao không có thể sánh bằng nhưng người viết dù tự lập sau khi khá tiếng Đức và một phần nhờ may mắn nên cũng vượt qua được vài khó khăn, xong bậc cao học ngành kỹ thuật ở Đức. Sau 1975 xin tỵ nạn dù chưa một phút, một giây bị cộng sản bắt bớ, giam cầm hay tra tấn và rồi làm “thợ khách” tại Đức, kiếm cơm sống qua ngày. Cho đến nay đau buồn chấp nhận kiếp sống “lưu vong” với tư cách của người tỵ nạn chính trị vì cộng sản (theo nghĩa chính xác). Biết rằng mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nên xin được miễn bàn hay tranh cãi tiếp để tránh hiểu lầm. Cá nhân tôi chỉ mạn phép lưu ý rằng chúng ta nói chung đừng quên người xưa đã dạy: “Danh có chính thì ngôn mới thuận!” hầu từ đó cố gắng suy nghĩ kỹ trước khi nói hay chụp mũ bất cứ ai, nhất là những vị nào từng là “nạn nhân của chế độ, từng bị tước đoạt quyền công dân vì phục vụ chế độ VNCH, từng lên án nặng nề chế độ mới ở VN sau 1975 và đã quay lưng với quê hương nhưng bây giờ “trở về xứ do cộng sản cai trị mà có lần liều chết trốn chạy”!.
Lời thật mất lòng, xin thông cảm nếu vô tình phật ý ai đó. Đa tạ. (LNC_Ger).

* * *

image001Giáng Sinh đến với mọi người hằng năm. Đối với riêng tôi vào cuối tháng 12 mỗi năm, trong Mùa Giáng Sinh thì vài kỷ niệm nhỏ, xưa lại chợt về …

Vâng, tôi đến thành phố Munich vào cuối hạ tuần tháng 12, khi trời xứ Đức đang là mùa Đông và thời tiết rất lạnh, dưới 10GrdC âm (dưới -10GrdC). Áo quần, giày không đủ tiêu chuẩn với xứ Đức lạnh lẽo lần đầu mình đặt chân đến làm tôi run cóng cả người vì thế khó quên được. Thắm thoát tôi đã sống xứ người lâu hơn gấp đôi thời gian mình sinh ra và lớn lên ở VN, quê hương yêu dấu một thời nhưng vì hoàn cảnh đành chấp nhận kiếp sống tha hương kể từ sau tháng Tư năm 1975, với nỗi nhớ thương quê Mẹ vô cùng luôn tìm ẩn trong tâm hồn nhỏ bé của mình.

Kỷ niệm, vui có buồn có trong suốt thời gian sống nhờ ở đậu nơi xứ người thì nhiều lắm, tuy nhiên hôm nay nhân ngày nghỉ Lễ Giáng Sinh ở Đức (được nghỉ 25 + 26.12), tôi mạo muội ghi ra điều mà cá nhân tôi luôn phải đối diện với người bản xứ hay bất cứ người ngoại quốc nào (không phải đồng hương), đã quen, mới quen hay tình cờ gặp gỡ trò chuyện xã giao.

Nhớ lại, lần đầu tiên đến phi trường Munich, như đã nói vào Đông thì cảnh sát hải quan Đức khi xét giấy tờ xuất trình câu hỏi đầu bằng tiếng Anh: “anh từ đâu đến?”. Lúc đó tôi chưa biết chữ tiếng Đức nào cả nên bập bẹ trả lời bằng tiếng Anh, vốn là sinh ngữ hai của thời Trung học: “Tôi đến từ Việt Nam, Miền Nam VN, nước Việt Nam Cộng Hòa”. Hầu như những ai từng đi đây đó dưới bất cứ hình thức nào đều trải qua các thủ tục tương tự nên xin lướt qua.

Xong thủ tục nhập cảnh thì sau đó lo giải quyết vấn đề cư trú. Ra sở ngoại kiều ghi danh, đăng bạ thì câu hỏi ở trên lại được đặt ra. Câu trả lời vẫn không thay đổi: “Tôi đến từ Việt Nam, Miền Nam VN, nước Việt Nam Cộng Hòa”. Lần này cần nói rõ hơn nên tôi thêm từ Miền Trung VN của nước Việt Nam Cộng Hòa. Mỗi lần làm giấy tờ ở Đức gặp nhiều khó khăn vì mình là người ngoại quốc và trở ngại không ít khi chưa biết Đức ngữ ; còn nhân viên sở ngoại kiều cũng “giỏi tiếng Anh – (hầu như ít ai biết tiếng Pháp) – cỡ mình” nên đôi khi phải dùng ngôn ngữ quốc tế với mấy ngón tay. Cũng là kỷ niệm vì dù vậy cuối cùng rồi cũng hiểu, đả thông được vấn đề.

Hết chuyện cư trú thì đến chuyện học sinh ngữ, theo tôi là điều rất quan trọng khi ai đó đến sống xứ người, bất cứ ở đâu. Nhập học khoá Đức ngữ gặp nhiều học viên đến từ nhiều quốc gia vì thế cũng đủ màu da: trắng, đen, da vàng, nam nữ, già trẻ đề huề và ghi nhận một điều nói đủ các ngôn ngữ; Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Việt… Nghĩ lại cũng vui, gặp nhau vì mới học tiếng Đức nên tìm cách trao đổi bằng tiếng Anh, Pháp và ngôn ngữ quốc tế “múa tay 5 ngón”, vậy mà mọi người cười vui vẻ, hiểu nhau hết ráo. Câu hỏi đầu tiên chúng tôi (kể cả từ phía tôi) đặt ra là: “ông/ bà/ anh/ chị/ cô từ đâu đến?”. Dĩ nhiên mình cũng bị hỏi như thế và câu trả lời của tôi cũng không thay đổi : “Tôi đến từ Việt Nam, Miền Nam VN, nước Việt Nam Cộng Hòa”. Sau vài tháng học và cố gắng chỉ nói bằng Đức ngữ thôi vì thế vốn liếng Anh + Pháp ngữ của thời Trung học, thú thật căn bản cũng chẳng bao nhiêu từ từ bay mất luôn, giờ nghĩ lại khi biết ngôn ngữ khá quan trọng thì tự trách mình sao xưa không tìm cách tự học cho khỏi quên?

Thời chúng tôi vì phải đóng học phí nên không có hân hạnh được học tiếng Đức lâu, kéo dài cả năm mà còn miễn phí như người tỵ nạn đến sau vì vậy cố gắng “nuốt vội tiếng Đức” và sau vài tháng là rời trường Đức ngữ, ra đời, tiếp xúc cùng dân bản xứ với khả năng học được. Rồi đời người cũng qua, từ học đường cho đến khi xin đi làm câu hỏi có thể nói bất di bất dịch mà tôi luôn bị hỏi là “anh từ đâu đến?” và câu trả lời của tôi vẫn không thay đổi. Tôi đến từ Miền Nam VN, nước Việt Nam Cộng Hòa thì nói ra sự thật như vậy thôi, một điều rất đơn giản, xác tín.

Cho phép nhảy vọt một bước dài. Sau tháng Tư 1975 vì không chấp nhận cộng sản riêng tôi đã quyết định xin tỵ nạn chính trị ở Đức sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ. Với quyết định xin tỵ nạn tôi biết mình sẽ phải xa gia đình, anh chị em, thân nhân và bạn bè đang còn ở VN, nơi tôi đi học và lớn lên nhưng đã phải cắn răng, đau lòng chấp nhận cho mình kiếp sống lưu vong. Cũng may, sau này em út tôi đã “đi chui, vượt biển”, được cứu vớt và bình an đến vài quốc gia tự do.

Chưa hết, khi nộp đơn xin tỵ nạn chính trị, ai ở Đức giữa thập niên 70 đều phải trải qua những thủ tạp khá phức tạp, điều quan trọng cần nêu ra rõ lý do tại sao xin tỵ nạn khi “VN thống nhất rồi?”. Chuyện từng bị hỏi từ đâu đến, lý do …v..v… thì bắt buộc người đệ đơn phải kê khai, giải thích. Vẫn viết ra câu trả lời: “Tôi đến từ Việt Nam, Miền Nam VN, nước Việt Nam Cộng Hòa”, rồi nêu ra rõ lý do rằng cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam VN, VNCH mất và tôi mất nước. Viện dẫn bằng bút mực, với chữ ký rành rành vì không thể sống với cộng sản nên xin tỵ nạn ở Đức. Một điểm khác tôi (chúng tôi) cũng được vị nhân viên lưu ý: “Với thông hành tỵ nạn Đức anh không được về VN đó nghe!”. Tôi trả lời, lần này bằng tiếng Đức dù không giỏi gì: “Tôi chấp nhận và tự biết điều này”. Vừa cười và nói xã giao thêm với ông ta: “Chắc ông cũng rõ, đồng quan điểm rằng nếu tôi đã ký tên xác nhận khai sự thật là xin tỵ nạn vì cộng sản rồi lại về VN với thông hành tỵ nạn thì còn gì thể thống nữa và chính tôi đã thiếu thành thật!”. Ông ta nhìn tôi và cả hai đều im lặng nhưng người nhân viên Đức hiểu ý tôi muốn nói gì, bởi lúc đó nước Đức còn bị phân đôi, một bên là DDR (cộng sản) và bên này là Tây Đức (Cộng Hòa).

Rốt cuộc tôi cầm thông hành tỵ nạn do Đức cấp trong tay. Nhìn con dấu đóng rõ ràng “Được đi khắp nơi, trừ Việt Nam” làm lòng tôi se lại. Còn nỗi buồn nào hơn khi chính mình không được phép đi đến nơi mình sinh ra và lớn lên, một khi chấp nhận kiếp sống tỵ nạn?. Cái gì cũng có cái giá và sự hy sinh của nó mà theo thiển ý đó là quyết định cá nhân với ít nhiều đắn đo suy nghĩ vì nói cho cùng chẳng ai dí súng vào đầu, vào lưng bắt quý vị hay tôi phải xin tị nạn cả!.

Quyết định quay lưng với VN liều chết vượt biển tìm Tự Do đối với những ai trên tuổi vị thành niên đã có kinh nghiệm sống với cộng sản sau tháng Tư năm 1975 chắc chắn phải đến từ những so sánh và suy nghĩ cân nhắc. Tôi (hay chúng tôi) cũng thế, đâu ai bắt tôi (chúng tôi) ở lại Đức, muốn thì chấp nhận chế độ mới và chuyện về VN ở dễ dàng quá nhưng một khi đã quyết định xin tỵ nạn phải biết sẽ đón nhận điều gì xảy ra trong tương lai cho mình, không thể nói rằng nhớ nhà, nhớ thân nhân, người yêu … sau đó để rồi …, vì thế cho đến nay riêng tôi vẫn giữ đúng tư cách tỵ nạn chính trị của mình sau khi được Đức chấp nhận cho định cư “trốn cộng sản”. Xin nói thêm điều nhờ Đức lúc đó còn bị phân chia đất nước, một bên là DDR (cộng sản Đông Đức) và bên tôi sống là Tây Đức (BRD, Cộng Hòa) nên chính quyền Đức đâu lạ gì chính sách cai trị vô nhân đạo của nhóm lãnh đạo, của bộ chính trị đảng cộng sản DDR vì vậy họ dễ thông cảm chuyện người Việt đến từ Miền Nam VN nói riêng muốn xin tỵ nạn hay sự kiện hàng triệu thuyền nhân Việt ào ạt bỏ nước vượt biển đi tìm Tự Do được Cap Anamur cứu mạng, ngay cả thảm cảnh bị cướp Thái, tình trạng sống trong các trại tỵ nạn chuyển tiếp ở Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Hồng Kông … được chiếu đi chiếu lại nhiều lần trên đài truyền hình Đức, một thời đã làm rung động cả thế giới Tự Do!.

Với cái thông hành tỵ nạn tôi/chúng tôi dễ dàng đi lại và xin việc làm ít khó khăn hơn vì có thể nói nơi ăn chốn ở khá vững chắc rồi. Khi xin việc ở hãng Đức thì trải qua nhiều câu hỏi được người lãnh đạo thừa hành tuyển dụng nhân viên đặt ra, sau khi xem giấy tờ thấy có ghi quốc tịch VN thì câu hỏi “anh từ đâu đến?” cũng là một trong các câu hỏi đầu tiên. Vẫn bổn cũ soạn lại, vẫn câu trả lời như trên, là người của VNCH ngoài chuyện giải thích lý do tại sao lại muốn ở Đức và muốn làm việc cho hãng X, Y… Chao ôi, lắm truân chuyên!.

Cho mở ngoặc ở đây tí xíu. Dù “bạn” sống ở đâu cũng có sự “phân biệt về nguồn gốc, xuất xứ”. Ở xứ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ thì cũng chia thành Nam-Bắc. Người thì nói đến từ California, kẻ từ Michigan hay từ Texas. Úc thì Nam Úc hay Tây Úc. Tại Đức xứ tôi đang định cư có Bắc-Trung-Nam Đức, chưa nói đến chuyện họ còn nói rõ là “người Bayer (vùng Bavaria), Ostfriesen hay, Muenchner, Berliner … nếu họ sinh ra ở thành phố Munich, Berlin”. Việt Nam cũng thế, không ngoại lệ: kẻ miền Bắc, người thì miền Trung hay từ Miền Nam VN. Chính vì thế tôi thường trả lời rất rõ ràng “Tôi là ai, từ đâu đến (?)” mỗi khi bị/được hỏi đến.

Bây giờ xin nói lại điều trước khi kết thúc bài viết: Cho đến nay, cho đến khi đang ngồi gõ bài tạp ghi này, cá nhân tôi (dù bây giờ cũng mang quốc tịch Đức, có thể nói là vì lý do nghề nghiệp, rất trễ so với người Việt đến Đức sau tôi nhiều lắm!) trước sau vẫn KHÔNG thay đổi câu trả lời khi được hỏi đến nguồn gốc của mình hay từ đâu đến, đã về lại quê hương chưa vì VN giờ đã thống nhất rồi (?) là: “Tôi đến từ Việt Nam, Miền Nam VN, nước Việt Nam Cộng Hòa” và vì đã xin tỵ nạn Đức, đã từng viện dẫn, ký tên rằng không thể sống dưới chế độ cộng sản vì vậy tôi nói riêng không thể nào tự dối lòng, dối mình được nên chấp nhận kiếp sống tha hương vì thế chưa về VN “du lịch” và vẫn mãi duy trì tư cách tỵ nạn vì cộng sản của mình!.

Người bản xứ, đồng nghiệp, bạn bè thân hữu Đức – có người nói cho biết là đã ghé thăm khen VN cảnh đẹp – cũng biết tôi có đủ điều kiện để “du lịch VN” nên khi nghe câu trả lời bất di bất dịch của tôi họ đã mở to cặp mắt, nhìn tôi với cái nhìn khá ngạc nhiên để rồi không nói gì thêm, nói lãng qua chuyện khác.

Như một con chim lạc bầy trong hơn 90 triệu con “chim Việt” và nhận thấy nước Đức là “đất lành” nên tôi đã “đậu”, chọn nước Đức làm quê hương “tạm dung thứ hai”, do hoàn cảnh phải ăn nhờ ở đậu xứ người, thay vì phục vụ quê hương mà khi còn trẻ mong muốn thì lâu nay kiếm cơm chính bằng trí tuệ mình học được của họ và cố gắng hội nhập thi hành đúng bổn phận của một công dân mới là đi làm đóng thuế luôn cả sau khi về hưu …, tuy khác màu da, giọng nói.

Thưa quý độc giả, tuy khả năng về ngôn ngữ học và tiếng Việt của tôi rất hạn hẹp nhưng chưa quên “tiền nhân” đã dạy: “Chính danh, định vị” hay “Danh có chính thì Ngôn mới thuận!”. Vâng, tôi đến đây từ Miền Nam Việt Nam, vì mất nước phải xin tỵ nạn tại Đức; bây giờ dù có quốc tịch Đức (nên cũng có thể đi đó đây) nhưng tôi đã/đang sống tha hương từ hơn 42 năm trong niềm hy vọng sẽ có dịp trở về lại quê hương khi VN không còn bị thống trị bởi cộng sản nữa (hay không bị Hán hóa?) và thật sự có Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, nếu còn sống.

Tóm lại, sự thật nó như thế này: “Tôi đến từ Miền Nam Việt Nam, là cựu du học sinh của nước Việt Nam Cộng Hòa. Từ nhỏ được Cha Mẹ nuôi dưỡng với sự che chở của chính phủ và Quân-Cán-Chính VNCH trước những đợt tấn công Miền Nam của cộng sản Bắc Việt để được an tâm học hành. Với giấy phép của Bộ Giáo Dục VNCH có trụ sở ở Sài Gòn, Thủ đô của VNCH đi du học Đức trước 1975. Ở xứ người, từng đi làm vất vả lượm bạc cắc để ăn học, may mắn tốt nghiệp kỹ sư ở Đức (Master’s Degree) và sau 1975 đã được Đức cho tỵ nạn cộng sản”. Từ đó sống “lưu vong” và tiếp tục kéo cày lượm “bạc cắc” trên ba thập niên, ăn nhờ ở đậu xứ người cho đến khi cảm thấy mệt mỏi xin nghỉ hưu non”.
Rõ ràng tôi là người của nước “Việt Nam Cộng Hòa” và đã không nói gì khác hơn!.

Lê Ngọc Châu – (Nam Đức, Giáng Sinh 2017, nhân ngày nghỉ thứ hai, 26. December 2017)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn