Đại Đội 3, Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù: – Những Phút Máu Lửa Ở Đồi 250

Thứ Năm, 14 Tháng Mười Một 20195:45 CH(Xem: 9145)
Đại Đội 3, Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù: – Những Phút Máu Lửa Ở Đồi 250
Vương Hồng Anh
Huy hieu LLDBhttps://dongsongcu.files.wordpress.com/2016/08/huy-hieu-lien-doan-81-bcnd.jpg?w=241&h=200&zoom=2

* Lược ghi về cuộc Hành quân Delta 51 của tiểu đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù tại biên giới Việt-Lào tháng 4-5/1970:

Trong hai số trước, VB đã tường trình về giai đoạn 1 và 2 cuộc hành quân Delta 51 của Lực lượng Đặc biệt VNCH ở Tây Bắc Quảng Trị, gần biên giới Lào Việt và phía Đông tỉnh Savanakhet thuộc lãnh thổ Lào. Nỗ lực chính của cuộc hành quân là các đại đội thuộc tiểu đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù (BCND) và các toán thám sát của Trung tâm Huấn luyện Hành quân Delta. Cuộc hành quân đã khởi động vào ngày 6 tháng 4/1970, bản doanh bộ chỉ huy cuộc Hành quân đặt cạnh tiền cứ Mai Lộc, cách tỉnh lỵ Quảng Trị khoảng 20 km đường chim bay về phía Tây. Từ 12 đến 30 tháng 4/1970, các đại đội của tiểu đoàn 81 BCND đã lần lượt xâm nhập vào cứ địa của CSBV tại các khu vực: Nam Lao Bảo, Khe Sanh, Ba Lòng, Khu Phi Quân Sự.

Đầu tháng 5/1970, toán Delta khám phá được con đường chiến lược ngoằn ngoèo dọc theo các dãy núi ở biên giới Việt-Lào, về hướng Tây đâm thẳng sang khu vực thuộc tỉnh Savanaket Lào, về hướng Đông xuyên thẳng đến Lao Bảo. Để thám sát và khai thác con đường chiến lược này, bộ chỉ huy Hành quân đã tung đại đội 3 BCND nhảy vào phía Đông tỉnh Savanakhet. Cùng nhảy theo đại đội có toán cố vấn gồm 3 quân nhân thuộc Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ: thượng sĩ Voix trưởng toán, trung sĩ Scott và hạ sĩ Alain-hiệu thính viên viên. Theo kế hoạch, đúng 6 giờ 30 phút sáng ngày 4 tháng 5, đoàn trực thăng 15 chiếc của phi đoàn 218 Trực thăng Hoa Kỳ-đơn vị Không yểm của cuộc hành quân, đã không vận toàn đại đội 3 BCND do đại úy đại đội trưởng Phạm Châu Tài chỉ huy, đổ quân xuống mục tiêu 1 là đồi 270. Chỉ trong 15 phút kể từ khi trung đội đầu tiên nhảy xuống đỉnh đồi, đại đội 3 BCND đã chiếm lĩnh đồi 270, đánh bật CQ ra khỏi vị trí này.

Một toán luc luong dac biet hoat dong trong rung .jpg

* Những phút bi tráng trên đồi 250:

Sau khi chiếm được mục tiêu 1, vào 10 giờ 30 ngày 4/5/1970, đại đội 3 BCND chia làm 3 mũi tiến chiếm mục tiêu 2 là đồi 250. Khi trung đội 2 do trung đội trưởng Đặng Đình Hoàng chỉ huy tiến lên đỉnh đồi thì khám phá ra một ổ phòng không 12 ly 8. Những hầm hố ngụy trang vẫn còn nguyên vẹn. Theo ước định của đại đội trưởng Tài có lẽ địch sợ bị phi cơ oanh kích nên đã vội vã rút đi để lại khẩu súng phòng không và 50 thùng đạn mang nhãn hiệu sản xuất tại Trung Cộng.

11 giờ đại đội hoàn toàm làm chủ ngọn đồi. Đại đội trưởng Tài ra lệnh cho các trung đội tổ chức bố phòng và dùng cơm trưa. Mỗi chiến binh BCND nấu một lon nước sôi bằng chất thuốc nổ rồi đổ bao gạo sấy và khui một hộp thịt ba lát, ăn vội vàng để còn kịp chuyển quân sang mục tiêu 3 trước khi trời tối.

11 giờ 5 phút, đại đội trưởng Tài đang ngồi dưới gốc cây lưng chừng đồi, xem lại bản đồ thì anh nghe tiếng ngáy ngủ của thượng sĩ Voix. Trung sĩ Scott đề nghị đại đội trưởng Tài hướng dẫn anh lên đỉnh đồi để quan sát và chụp hình vị trí phòng không của địch. Đại đội trưởng Tài đồng ý và gọi thượng sĩ Voix thức dậy cùng đi, anh liên lạc với trung đội 2 cho biết anh và 2 cố vấn Mỹ đang tiến lên đỉnh đồi. Đến đỉnh đồi, anh gặp trung đội trưởng Hoàng đang đứng bên cạnh ổ súng phòng không, Hoàng nói với đại đội trưởng: Không đánh mà được, kỳ này mình may nhiều hơn rủi, phải không Hổ Xám ( danh hiệu của đại úy Tài). Hổ Xám trả lời: Mình còn 3 mục tiêu phải thanh toán, anh em mình có lẽ sẽ mệt lắm.

10 phút sau, trong khi đại đội trưởng Tài, trung đội trưởng Hoàng và hai cố vấn đang đứng quanh ổ súng phòng không của địch thì trên bầu trời bỗng nhiên xuất hiện một chiếc trực thăng “con cóc” mà Không quân Hoa Kỳ gọi là LOH (Light Observation Helipcopter). Các chiến binh BCND thấy phi cơ Mỹ thì vui mừng, giơ tay lên trời vẫy. Đại đội trưởng Tài cũng nghĩ đó là 1 trực thăng đang có nhiệm vụ yễm trợ quân bạn. Chiếc LOH chao đi một vòng và bắn hai quả đạn khói trắng gần vị trí các quân nhân nói trên. Đại đội trưởng Tài ngạc nhiên vô cùng và tự hỏi tại sao LOH bắn trái khói của BCND. Nhìn về hướng Đông, đại đội trưởng Tài thấy hai chiếc Cobra xuất hiện. Linh tính cho vị đại đội trưởng biết là sẽ có những điều không may xảy đến, anh nhảy xuống ụ súng phòng không đào sâu dưới đất 1 thước thì nghe bốn tiếng ầm ầm nổ vang trên đồi. Trung sĩ Scott cũng nhảy theo anh xuống ụ súng ngay theo đó. Tiếp theo là những tràng đại liên nổ ròn rã và tới tấp từ Cobra bắn xuống. Đại đội trưởng Tài biết là phi cơ Mỹ đã bắn lầm nên rút vội trái khói vàng thảy lên miệng hố, anh cũng thúc trung sĩ Scott rút một trái khói vàng nữa thảy lên. Khi trái khói vàng tỏa ra trên đỉnh đồi thì hai chiếc Cobra mới ngưng tác xạ. Hạ sĩ Alain dưới đồi vội vã tìm tần số liên lạc với hai phi cơ này.

Sự kiện xảy ra không đầy ba phút, và theo ghi nhận của đại đội trưởng Tài đó là ba phút của máu và nước mắt của chiến trường. Anh đã kể lại sự kiện bi tráng này trong hồi ký của mình như sau: Dứt tiếng súng, tôi và trung sĩ Scott nhảy lên miệng hố thì chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng diễn ra trước mắt: trung đội trưởng Đặng Đình Hoàng nằm ngữa không nhắm mắt, bị đại liên bắn trúng từ hông phải và rải dọc lên vai trái, thượng sĩ Voix nằm sấp, chết bất động, chân trái và chân phải bị đạn từ bắp vế, đứt lìa khỏi cơ thể, hạ sĩ Nguyên mang máy truyền tin cho tôi ngồi bất động, vẫn còn sống, nhưng cánh tay phải đã cụt mất và không biết văng rớt nơi nào. Khi tôi nhảy lên miệng hố thì hai chiếc Cobra và chiếc LOH vẫn còn bay lòng vòng trên bầu trời. Những người lính đại đội 3 BCND đang bố phòng quanh, một số ít bị thương vì đạn đại liên, phần lớn đều bị trúng những cây đinh ghim vào mặt, vào chân, vào tay, vào cổ. Thì ra chiếc Cobra loạt đầu đã phóng 4 hỏa tiễn Flechette, mỗi trái đạn khi ra khỏi nòng tủa ra 2,500 cây đinh nhọn. Đây là một loại đạn chống chiến thuật biển người của VC, không may lại phóng vào đại đội 3 BCND của chúng tôi.

Hai chiếc Cobra sau khi đã bắt được liên lạc với hạ sĩ Alain, biết mình đã bắn lầm quân bạn, vội vã bay đi mất. Những máy truyền tin PRC 25 bị chấn động mạnh nên gặp trở ngại những phút ban đầu. Còn chiếc LOH đã chỉ điểm bắn lầm quân bạn bay hai, ba vòng trên đỉnh đồi, bỗng nhiên trục trặc máy móc và buộc phải hạ cánh xuống đỉnh đồi. Lính đại đội 3 BCND biết rằng Mỹ bắn lầm và chợt thấy chiếc LOH hạ cánh xuống đồi, họ tức giận và cầm súng hung hăng tiến đến định bắn chết phi công Mỹ. Trong lúc đó, hai chiếc Cobra bay trở lại vòng vòng trên bầu trời. Viên phi công trực thăng LOH vội vã giựt ống liên hợp truyền tin trên tay hạ sĩ Alain và báo với 2 chiếc Cobra rằng BCND uy hiếp anh ta.

Đứng bên cạnh viên trung úy phi công Mỹ, tôi chụp lấy ống liên hợp của anh ta và nói: Anh đừng báo cáo bậy, tôi là chỉ huy trưởng ở đây, tôi sẽ bắt anh chứ không bắn chết anh. Lính đại đội 3 BCND tiến lại và chĩa súng vào mình viên trung úy phi công này, chỉ cần một tiếng nói của tôi là họ đồng loạt nổ súng. Thấy vậy tôi bảo họ: Không nên làm bậy, vì thằng Mỹ này chết thì hai chiếc Cobra trên đầu sẽ tác xạ bọn mình. Tôi bảo họ trở về vị trí, sợ VC thừa cơ hội tấn công. Sau đó, một mặt tôi báo cáo về căn cứ hành quân sự kiện phi cơ Mỹ bắn lầm, một mặt lo chỉnh đốn lại hàng ngũ và kiểm điểm quân số tổn thất. Tôi nghĩ rằng căn cứ hành quân sẽ xúc động mạnh về sự kiện này. Thi thể Đặng Đình Hoàng, thi thể thượng sĩ Voix và thi thể của ba anh em khác được cuốn gọn trong những tấm poncho. Tổng kết tổn thất trong vụ bắn lầm gồm có 5 người chết và 33 người bị thương. Tôi liên lạc với căn cứ hành quân để xin tản thương. 2 giờ chiều: một chiếc Chinook Hoa Kỳ bay đến và tìm cách móc chiếc LOH đang nằm trên đỉnh đồi. Công việc hoàn tất lúc 2 giờ 30 phút. Tôi giữ viên trung úy phi công lái chiếc LOH lại. Trung sĩ Scott da đen giải thích với tôi rằng phi cơ của Sư đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ đang tuần tiễu biên giới Lào Việt, nhìn về hướng Đông, chiếc trực thăng LOH nhận thấy lố nhố những người đang di chuyển trên đồi cạnh khẩu phòng không, phi công này tưởng đó là quân Bắc Việt nên hướng dẫn hai chiếc Cobra tác xạ, nên xảy ra việc bắn lầm đáng tiếc này.

* Những giờ cuối cùng trên đồi 250:

2 giờ 50 phút chiều, 6 chiếc trực thăng tản thương đến, tử thi của trung đội trưởng Hoàng, 3 anh em BCND, thượng sĩ Voix và các thương binh lần luợt đưa lên trực thăng. Đại đội trưởng Tài giao viên phi công Mỹ cho Căn cứ Hành quân, đồng thời nhận được công điện của Liên Hương (danh hiệu của thiếu tá Phan Văn Huấn, chỉ huy trưởng Trung tâm Hành quân Delta gửi cho đại đội trưởng Phạm Châu Tài: Hổ Xám tiếp tục nhiệm vụ. Đại đội trưởng Tài kiểm điểm quân số còn lại và xin thay đổi gấp hai máy truyền tin PRC 25 đã bị hư không liên lạc được để tránh những khó khăn lúc lâm trận, nhất là cả đại đội đang ở trên đất Lào, ngay trên đường chuyển quân của CSBV. Đến 3 giờ 30 chiều, đại đội đang bố trí quân còn lại trên đồi 250 thì từ phía Đông Nam xuất hiện một chiếc trực thăng. Đại đội trưởng Tài nghĩ rằng trực thăng này sẽ mang hai máy truyền tin mới cho đại đội. Một lát sau, trên tần số của máy PRC 25, đại đội trưởng Tài nghe tiếng của Thiên Nga (danh hiệu của tiểu đoàn trưởng 81 BCND) gọi và hỏi Hổ Xám: Tình hình thế nào, có ổn không, có “lang thang” được không” (“lang thang” ở đây có nghĩa là tiếp tục chiến đấu). Hổ Xám trả lời: Trình Thiên Nga, vẫn đủ sức lang thang.

Bên đầu máy, giọng của Thiên Nga trở nên nghiêm trọng: Đây là lệnh Liên Hương cho Hổ Xám: Zouloup chuồn chuồn sẽ đến. (Liên Hương là danh hiệu của thiếu tá Phan Văn Huấn-chỉ huy trưởng Trung tâm Hành quân Delta). Lệnh của Liên Hương cho phép đại đội 3 BCND được rút khỏi trận địa để trở về căn cứ hành quân. 16 chiếc trực thăng sẽ đến đưa toàn đại đội trở về. Sau khi nhận lệnh của Liên Hương: Hổ Xám trả lời: Trình Thiên Nga, tôi nhận đủ-Thôi nhé, ráng lên. 4 giờ 30 chiều, đoàn trực thăng từ hướng Đông bay đến. Chỉ huy trưởng Hành quân Delta là thiếu tá Phan Văn Huấn ngồi trên trực thăng CNC gọi đại đội trưởng Tài sẵn sàng để Zoulou (di chuyển). Đại đội trưởng Tài ra lệnh cho các trung đội sẵn sàng theo thứ tự ưu tiên để lên phi cơ, anh là người cuối cùng của đại đội lên chiếc trực thăng thứ 16 trở về căn cứ hành quân ở Mai Lộc.

(Biên soạn dựa theo tài liệu của cựu thiếu tá Phạm Châu Tài-nguyên chiến đoàn trưởng chiến đoàn 3 BCND, một số bài viết trong tạp chí KBC
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn