Chuyện người phi công

Thứ Bảy, 30 Tháng Mười Hai 20176:31 SA(Xem: 7293)
Chuyện người phi công
Lạc Long Huỳnh quốc Phú

(Kể lại sau 33 năm không còn bay bổng)

https://i0.wp.com/vnafmamn.com/aircraft/UH1_VNAF28.jpg

Lời nói đầu: Tôi không phải là một người lính bại trận. Những cấp chỉ huy và lãnh đạo của tôi đã làm cho tôi thành một kẻ chiến bại. Tôi rất yêu, tuy nhiên không cảm thấy thích thú khi kể về đời lính của mình, ngay cả kể với vợ con. Kể thế nào đây khi chồng của em mang tiếng là bỏ chạy. Ba của các con “on the losing side”.
Tôi không cam tâm. 7 năm lính, 33 năm tỵ nạn, cứ tưởng rằng những hình ảnh đời lính đã chìm trong quyên lãng, nhưng không, nó vẫn nằm đó, ray rứt. Sau cùng, với số vốn văn chương còm cõi vì đã hao mòn sau hơn 30 năm cày 2 jobs và overtime trên mảnh đất quê hương thứ 2 này, tôi quyết định sẽ cởi ra hết những gì chất chứa trong lòng: Tôi không phải là một kẻ chiến bại.Tháng 4 năm 1974, tôi được lệnh thuyên chuyển từ Cần Thơ ra Pleiku. Tôi là người sinh ra và lớn lên ở miền tây, tuy nhiên ra đi là một điều mừng rỡ, một phần vì thích phiêu lưu vùng đất lạ, một phần là tránh được những ông chỉ huy gìa nua, quan liêu và thích nịnh bợ của đơn vị ở Cần Thơ. Một điều không vui là mình phải bỏ lại những bóng hồng của đất Tây Đô, bỏ lại Liên là người tôi yêu nhất. Liên ơi, anh hẹn sẽ trở về…Pleiku nằm trên cao nguyên của dãy Trường Sơn. Xứ của lính. Đi đâu cũng thấy lính. Những người lính từ những miền đất khác nhau đều có mặt ở đây cũng như tôi. Tôi cảm thấy mình hội nhập vào vùng đất mới một cách dễ dàng. Ra đến đây là đến tận cùng rồi, đâu còn phải sợ đổi ra chỗ nào xa xôi hơn nữa, ai cũng nghĩ vậy. “Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”. Bài hát này tôi đã nghe đến cả triệu lần, từ nhà, đến quán cà phê, đến đài phát thanh.v.v… Nghe đến phát ngấy, mà vẫn phải nghe. Tuy nhiên “Đi dăm bước, trở về chốn cũ” điều đó rất đúng và không thể có từ ngữ nào diễn tả hay hơn được vì thành phố Pleiku tương đối nhỏ. Dĩ nhiên, chuyện đầu tiên của những người lính xa nhà là mình phải đi xem thử em gái Pleiku có má đỏ môi hồng, đúng như những lời ca tụng trong bài hát hay không…
Đơn vị mới của tôi là Phi Đoàn Trực Thăng Chiến Thuật 229 đóng tại phi trường Cù Hanh. Danh hiệu của phi đoàn là Lạc Long. Một vài thằng trong đơn vị dí dỏm diễn nghĩa rằng Lạc Long là con rồng đi lạc. Vài thằng khác lại cho rằng Lạc Long là con rồng ăn đậu phọng thì mới đúng. Tôi thấy cả hai lối diễn nghĩa đều hay nên cũng dí dỏm cho rằng, vì con rồng ăn đậu phọng, phê quá, nên đi lạc!Phi vụ đầu tiên của tôi tại vùng đất cao nguyên này là đi quan sát vòng đai phòng thủ của Quân Đoàn 2, trong đó bao gồm khu vực phòng thủ của phi trường Cù Hanh và tiểu khu Pleiku. Đó là một thông lệ để những hoa tiêu vừa mới thuyên chuyển tới từ những vùng chiến thuật khác làm quen với khu vực. Vùng trời Pleiku thật đẹp, địa hình cao nguyên khác hẳn với vùng đồng bằng. Nơi đây có núi, có rừng, có những đám mây vất vưởng trên những sườn đồi. Nói đúng ra đó là một bức tranh phong thủy, so với vùng đồng bằng thì chỉ thấy một mặt đất bằng phẳng với những sông ngòi chằng chịt và những ruộng lúa dài vô tận.
Tôi nhớ hoài, Minh người trưởng phi cơ trong phi vụ đó, cũng là người bạn cùng khóa của tôi ở quân trường Thủ Đức, đã hướng dẫn tôi đi xem… Thượng tắm. Đó là những thác nước lộ thiên, nơi mà những người Thượng ở chung quanh Pleiku dùng làm nguồn nước cung cấp cho cả buôn và dùng để tắm. Hắn ta bay thật thấp để cho tôi có thể nhìn thật rõ. Thú thật thì tôi cũng chỉ thấy loáng thoáng một vài người đang tắm, họ thấy phi cơ bay thấp quá thì cứ đứng yên và quay mặt vào vách đá. Tuy nhiên để làm hài lòng Minh, tôi cũng tỏ vẻ thích thú nói là… “Thấy rồi, thấy rồi!”. Hắn ta khoái chí như là đã làm tròn bổn phận của một hướng dẫn viên yêu nghề.

Trận chiến vùng cao nguyên năm 1974 tương đối yên tĩnh. Những trận đụng độ lớn không có xảy ra. Địch ở nơi địch, ta ở nơi ta. Tuy nhiên sau này tôi mới biết đó là thời gian chuẩn bị cho một sự việc trọng đại sắp xảy ra. Những phi vụ đổ những toán Lôi Hổ vào vùng địch để lấy tin tức vẫn diễn ra đều đặn. Những phi vụ này thường làm cho thần kinh rất căng thẳng, tuy nhiên hầu hết là an toàn chạy trở ra. Một trong những phi vụ mà tôi nhớ mãi suốt đời là khi chúng tôi nhận lệnh đổ một toán sáu người lính Lôi Hổ. Địa điểm: vào khoảng mười cây số ở phía đông Tân Cảnh, ngay trung tâm hậu cần của Việt Cộng. Nhiệm vụ của họ là đặt mìn trên con đường tiếp vận của địch từ Tân Cảnh về Ba Tơ và hai mươi phút sau đó, chúng tôi sẽ đón họ lên ở cùng một địa điểm nơi mà họ đã được đổ xuống. Sau khi vị Thiếu Tá chỉ huy biệt đội Lôi Hổ thuyết trình xong, tôi và người phi công đi cùng nhìn nhau, ánh mắt rất căng thẳng. Mặc dù chúng tôi chẳng nói với nhau một lời, tuy nhiên chúng tôi biết rằng đây là một trò chơi đùa với tử thần. Thông thường, để có yếu tố bất ngờ, trực thăng sẽ đón những toán Lôi Hổ này trở về một vài ngày sau đó và ở tại một địa điểm khác. Tuy nhiên trong phi vụ này, hai mươi phút sau, chúng tôi phải trở lại đón họ lên, mà lại ở cùng một địa điểm đã đổ họ xuống. Vì thế, chúng tôi không còn lợi dụng được vào yếu tố bất ngờ nữa, Việt Cộng sẽ chuẩn bị súng ống chờ đợi. Quả nhiên, hai mươi phút sau chúng tôi trở lại, sáu người lính Lôi Hổ vừa chạy về phía phi cơ vừa bắn ngược về phía sau. Việt Cộng bắn ra tới tấp từ những lùm cây, từ những ngôi nhà cất ngụy trang dưới những tàng cây lớn và đồng thời từ một toán truy nã sát phía sau những người lính Lôi Hổ này. Tiếng đạn AK47 nổ chát chúa từ ba hướng nhắm vào chúng tôi. Trên cao, những chiếc trực thăng võ trang yểm trợ cho bãi đáp cũng bị đại liên phòng không của địch bắn theo ráo riết. Sau khi sáu người lính Lôi Hổ lên được phi cơ, chúng tôi cất cánh một cách vội vã về hướng không có Việt Cộng. Sức chịu đựng của động cơ đã được sử dụng tới mức tối đa, hầu giúp mọi người thoát ra ngoài vùng nguy hiểm càng nhanh càng tốt. Trên đường trở ra, hai khẩu đại liên M60 của phi cơ và sáu người lính Lôi Hổ vẫn tiếp tục bắn xối xả vào những lùm cây hai bên, cho đến khi phi cơ hoàn toàn xa tầm súng của Việt Cộng. May mắn là không có ai bị thương hoặc chết, tuy nhiên về đến bãi đáp B-15 ở Kontum, chúng tôi đếm được từ đầu đến đuôi phi cơ tất cả là sáu vết thủng của đạn. Đã nói mà, đạn tránh mình, chứ mình làm sao tránh được đạn.
Sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, tin thành phố Ban Mê Thuột bị mất trong đêm đã làm mọi người bàng hoàng. Hầu hết quân và dân đều không tưởng tượng rằng nó có thể mất vào tay Việt Cộng một cách dễ dàng và nhanh chóng như vậy. Cuộc chiến vùng cao nguyên bắt đầu bùng nổ từ đây. Tất cả những nỗ lực quân sự của Quân Đoàn 2 đều chú tâm về đó. Một cuộc di chuyển quân vĩ đại và cấp tốc được diễn ra. Hàng trăm chiếc trực thăng, trong đó có cả những đơn vị tăng phái từ những Sư Đoàn Không Quân 1, 3 và 4, đến để di chuyển Trung Đoàn 44 và 45 của Sư Đoàn 23 từ căn cứ Hàm Rồng về giải cứu Ban Mê Thuột. Hàm Rồng là một căn cứ ở phía nam Pleiku khoảng hai mươi cây số. Mặc dù đó là một căn cứ của bộ binh, tuy nhiên rất nhiều nhân viên phi hành trong Không Quân biết đến, bởi vì nơi đóng quân của Sư Đoàn 23 bộ binh này là một ngọn núi nhỏ, mà từ trên cao nhìn xuống, nó giống hệt như một bộ phận kín đáo và đẹp đẽ nhất của người đàn bà, đó là một tuyệt kỹ của thiên nhiên. Đối với những phi cơ cánh quạt, ngọn núi này rất quan trọng, vì đó là điểm xác định vị trí của mình trước khi đáp xuống phi trường Cù Hanh. Cho nên nhiều chàng dí dỏm chỉ ngọn núi đó nói rằng: nếu không thấy …cái đó (của người đàn bà,) thì không thể nào đáp được…Mặt trận Ban Mê Thuột rất gay cấn, số quân nhân hai Trung Đoàn 44 và 45 quyết tâm trở về lấy lại Ban Mê Thuột, bởi vì đó là nơi bản doanh của Sư Đoàn 23 của hai Trung Đoàn này trấn đóng. Mọi người nghĩ rằng nếu Việt Cộng chiếm, thì chỉ mất công đánh lấy lại như những lần khác. Tuy nhiên, hai ngày sau, phi trường Cù Hanh tại Pleiku bắt đầu bị địch pháo kích bằng hỏa tiễn 122 ly. Tình hình thật ra cũng chẳng có gì quá khẩn cấp, đánh giặc mà, ai cũng nghĩ rồi sẽ qua đi. Tuy nhiên lệnh Quân Đoàn 2 di tản chiến thuật, Sư Đoàn 6 Không Quân di tản về Nha Trang, tiếp theo đó những tin tức lan truyền tới tấp, lòng quân và dân bắt đầu hỗn loạn. Liên tỉnh lộ 7 nối liền Pleiku, Phú Bổn, Tuy Hòa dọc theo con sông Ba, sẽ là con đường rút quân của Quân Đoàn 2. Liên tỉnh lộ này đã bị bỏ hoang từ nhiều năm. Quân Đoàn 2 sử dụng con đường này với hy vọng là nhờ vào yếu tố bất ngờ, có thể Việt Cộng không truy kích kịp. Tuy nhiên đoạn đường này dài đến ba trăm cây số và đã bị hư hại nhiều theo năm tháng, nhất là những cây cầu bắt ngang sông Ba. Trước đó vài tháng, trong một phi vụ chở Thiếu Tướng Phú tư lệnh Quân Đoàn 2 từ Pleiku về Nha Trang, ông đã ra lệnh cho chúng tôi bay thật thấp dọc theo con đường này để ông quan sát và ông cũng đã quan sát con đường này rất nhiều lần trong những chuyến bay tương tự như vậy trước đó.Đơn vị của chúng tôi di tản về Nha Trang. Tại đây tôi gặp lại Tùng, người bạn gái vừa mới quen tại Pleiku. Tùng là người Huế, làm y tá cho bệnh viện Pleiku. Nàng có một giọng nói êm ả của một người con gái đất thần kinh. Tội nghiệp thân gái dặm trường, bơ vơ giữa một rừng người di tản.Tôi đã giúp đưa nàng về Sài Gòn. Sau đó chúng tôi có gặp lại nhau một tuần trước ngày mất nước. Nàng ngỏ lời xin đi theo khi đơn vị của tôi di tản xuống Cần Thơ. Tuy nhiên, vì không duyên số, nên chuyện đó không thành… Bi chừ em ra sao? Má vẫn còn đào? Cho anh gửi về em một chút tình vấn vương kỷ niệm…
Đơn vị của chúng tôi đóng ở Nha Trang vài ngày, thì được lệnh di chuyển xuống Phan Rang vì căn cứ Nha Trang quá chật hẹp. Hàng ngày phi đoàn của chúng tôi vẫn trở lên tiếp viện cho mặt trận Ban Mê Thuột và Tuy Hòa.Tại mặt trận Ban Mê Thuột, sau khi trực thăng di chuyển hai Trung Đoàn 44 và 45 của Sư Đoàn 23 xuống Phước An để giải cứu Ban Mê Thuột, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà tất cả những đơn vị chiến đấu đều đi thụt lùi về phía Khánh Dương. Sau này tôi mới biết là ông Thiệu đã ra lệnh rút lui mặc dù quân sĩ sẵn sàng chiến đấu. Trong một phi vụ bốc một toán dân và quân di tản ở trong rừng về, tôi đã chửi thề khi thấy một ông Đại Úy Biệt Động Quân ở trong đó. “Đ.M mấy cha đánh giặc gì mà cứ bỏ chạy?” Không ngờ vị Đại Úy này phản ứng một cách giận dữ: “Đ.M tụi này đang chiếm lại Ban Mê Thuột thì có lệnh rút lui”. Lúc đó tôi mới giật mình và linh cảm có một việc gì trọng đại sắp xảy ra. Cảnh hỗn loạn chết chóc làm hoang mang tất cả mọi người.Trong một phi vụ khác, sau khi tôi bốc một số người chạy lạc trong rừng về phi trường Khánh Dương, một người đàn bà trong số những người đó không chịu xuống phi cơ. Người xạ thủ của tôi báo cáo là tại vì mình không bốc được con gái của bà ta nên bà ta không chịu xuống. Ông trời ơi! trong tình trạng hỗn loạn như vậy thì làm sao tôi có thể biết được người nào là con bà ấy đây. Thoạt đầu tôi giận dữ, la hét trên intercom, tuy nhiên tôi đã giữ được bình tĩnh vì tôi cảm thấy rằng đó là một sự mất mát lớn lao của một người mẹ. Tôi nói với người xạ thủ là bảo bà ấy xuống đi, mình sẽ đi đón con của bà ta. Tôi bay trở lại vị trí đã bốc người đàn bà trước đó, đón tất cả số người còn lại trở về phi trường Khánh Dương. Tôi nghĩ rằng trong đám người ấy chắc là có cô con gái của người đàn bà đó, cũng như tôi hy vọng là tôi đã làm tròn lời hứa với một người đàn bà, đúng hơn là một người mẹ vĩ đại. Ngoài ra cũng tại phi trường Khánh Dương, tôi đã nghe chuyện một người mẹ khác, tâm trí thất thần vì đã thất lạc sáu đứa con trong cuộc di tản, trong khi trên tay vẫn còn cầm một chai sữa.Trở lại liên tỉnh lộ 7 từ Phú Bổn về Tuy Hòa, tình trạng hỗn loạn còn tệ hại hơn nhiều. Đoạn đường này đã bị hư hại nhiều nơi, đã làm cuộc di chuyển bị đình trệ. Cuộc hành trình của đoàn người di tản bắt đầu từ Pleiku và chỉ có một đơn vị thiết vận xa về đến Tuy Hòa chín ngày sau đó, phần còn lại của đoàn người vẫn còn kẹt lại. Việt Cộng đã quấy phá dọc đường, nhất là chúng đóng chốt ở trong đồn Đại Hàn cách Tuy Hòa hai mươi cây số, nơi mà trước kia những đơn vị Đại Hàn đã đồn trú. Biệt Động Quân với sự yểm trợ của Không Quân cố gắng đánh bật chúng ra, tuy nhiên sự di chuyển của đoàn người đều bị chậm hẳn lại. Ngày sau cùng, chúng tôi được lệnh của thượng cấp dùng trực thăng đón số người di tản.
Với mục đích là đem quân và dân về Tuy Hòa càng nhiều càng tốt, mỗi trưởng phi cơ được toàn quyền hành động và tùy cơ ứng biến theo ý của mình.Trên con đường di tản này, tôi đã chứng kiến những cảnh chết chóc khốn khổ tận cùng của người dân và người lính. Cướp bóc, đói khát, kiệt sức, kể cả một câu chuyện, một người cha đã bịt miệng đứa con nhỏ của mình cho đến chết chỉ vì sợ đứa bé khóc sẽ bị Việt Cộng khám phá ra chỗ ẩn núp của mình. Cũng trên con đường này, tôi đã khám phá ra rằng tôi là một người có trái tim, tôi đã đi cứu người, tôi cứu người vì tôi xúc động trước cảnh khổ đau của những người khác. Phải nói rằng với bảy năm trong quân ngũ, vào sinh ra tử và với một chiến thương bội tinh, những điều đó chẳng làm cho tôi hãnh diện, bởi vì đó là những việc tôi bị bắt buộc phải làm theo lệnh của thượng cấp. Đôi lúc tôi còn cố tình làm ra vẻ gan lỳ để chứng tỏ với đồng đội là mình không phải là kẻ hèn nhát, mặc dù cũng có những lúc run sợ. Tuy nhiên trong lần cứu những người di tản này, tôi đã tình nguyện làm, tôi cứu người không phải vì đó là một cái lệnh bắt buộc, cũng không phải để chứng tỏ mình là một anh hùng hảo hán, tôi cứu người vì tôi xót xa trước sự đau khổ tận cùng của đồng bào.Tôi đã cứu người và bất chấp tất cả sự nguy hiểm của chính bản thân mình khi tôi xuống bốc một toán người lạc ở giữa rừng, nơi mà địa thế với những cây cao bao quanh. Tôi đã đem họ ra khỏi khu rừng ấy về đến Tuy Hòa. Tôi đã sử dụng quá độ sức chuyên chở của chiếc phi cơ, điều mà sách vở về kỹ thuật của Mỹ khuyên không nên làm như vậy. Tôi tưởng rằng tôi đã bị rớt xuống giữa rừng cùng với khoảng năm mươi người hành khách già trẻ bé lớn. Tuy nhiên cũng nhờ một sự nhiệm mầu, một ngọn gió đã nâng con tàu của tôi qua khỏi đầu ngọn cây. Bởi vì một vài em nhỏ bị đè bẹp ở dưới đám đông khi mọi người chen chúc nhau lên phi cơ, tôi vội vàng đáp ngay xuống một giòng suối gần đó để sắp xếp lại hành khách. Tôi đã đem những người này về đáp tại dinh ông tỉnh trưởng Phú Yên. Tôi tắt máy, bước xuống phi cơ và đứng nhìn số hành khách rời máy bay hầu như vô tận. Lúc ấy quả thật tôi đã cố tình đáp xuống dinh ông tỉnh trưởng Phú Yên thay vì xuống phi trường Tuy Hòa, với mục đích là để cho ông tỉnh trưởng Phú Yên thấy rõ tình trạng bi thảm của người dân và người lính, đồng thời cũng để nghỉ một lát hầu lấy lại bình tĩnh vì thấy mình vừa thoát chết.
Cũng trong ngày đó, chúng tôi tiếp tục đón những người di tản về Tuy Hòa. Tôi và những đồng đội của tôi trong đơn vị thừa hiểu rằng Việt Cộng đã trà trộn rất nhiều trong đoàn người này, tuy nhiên chúng tôi đã bất chấp những sự nguy hiểm trước mắt, vẫn xuống đón những người di tản về. Một người đàn ông mặc quần áo dân sự, tôi nghĩ đó là một người lính, khi vừa leo lên được phi cơ, anh ta đã vỗ vai và báo cho tôi biết rằng Việt Cộng đang ở dưới đất. Tôi biết nhưng tôi đã không bỏ chạy bởi vì tôi nghĩ rằng, nếu Việt Cộng bắn trong khi chúng tôi đang cứu người thì bọn họ quả thật là thất nhân tâm, tuy nhiên trong lúc cất cánh đã có một vài tiếng súng bắn vói theo. Thật tình mà nói cái anh Việt Cộng bắn vói theo đó cũng còn có lương tâm, bởi vì nếu như hắn cố tình bắn trong khi chiếc phi cơ còn đang ở cách mặt đất không đầy một thước, thì chúng tôi và tất cả những hành khách trên phi cơ đều không thể nào thoát được sự nguy hiểm.Cũng trong chuyến này, trên đường trở về Tuy Hòa, để được nghỉ tay, tôi giao cần lái lại cho Thành, người hoa tiêu phụ. Tôi có bảo anh ta là xuống đón thêm một ít người nữa ở một vị trí khác cho thật đầy một chuyến. Không ngờ lần này một tên Việt Cộng lẫn lộn trong đám đông, đã bắn thật vào phi cơ làm một bà lão bị thương ở cánh tay và người cơ phi tên Đại của tôi bị thương ở bàn tay. Tôi chụp lấy cần lái từ tay Thành, rút một cuộn băng cứu thương từ trong túi áo mưu sinh đang mặc trên người đưa cho anh ta để cầm máu cho Đại và vội vàng bay thẳng về Tuy Hòa. Trong trường hợp bình thường, tôi đã ở lại bắn chết tên Việt Cộng vô lương tâm này bởi vì tôi đã nhận diện được hắn và lúc đó hắn ta đang ở trên một bãi cát giữa giòng sông. Với hai khẩu đại liên M60 trang bị trên phi cơ thì chắc chắn rằng hắn ta không thể nào thoát chết được. Tuy nhiên tôi rất là tức giận đã không làm được việc đó vì chiếc phi cơ đã chở quá nặng, không còn sức để xoay trở được, hơn nữa bà lão và người cơ phi bị thương cần được đem về Tuy Hòa để cứu cấp.Trên đường trở về Tuy Hòa, trên tần số vô tuyến, tôi nhận được tin một chiếc trực thăng võ trang của chúng tôi cũng bị trúng đạn. Chiếc trực thăng này đang yểm trợ Biệt Động Quân, nơi mà đơn vị đang cố gắng đánh bật cái chốt của Việt Cộng ở trong đồn Đại Hàn ra. Họ cũng đang vội vã trở về Tuy Hòa vì người xạ thủ của chiếc đó bị trúng đạn rất nặng ở ngực.Tại bệnh viện Tuy Hòa, lúc đó tôi là một người điên, đồng đội của tôi đã đổ máu, tuy nhiên tôi đã cảm động trước sự tận tình cứu chữa của một vị Trung Úy bác sĩ Quân Y tại đây, nhờ vậy tình trạng thương tích của Đại và người xạ thủ của chiếc trực thăng võ trang tạm thời ổn định, sau đó chúng tôi đã mang cả hai về hậu cứ. Nghe nói vị bác sĩ này cũng có thân nhân trong đoàn người di tản từ Pleiku về. Thành thật cám ơn bác sĩ, lúc hoạn nạn mới biết tình huynh đệ chi binh. Bầu trời Tuy Hòa nắng ấm, tuy nhiên, đối với tôi lúc đó là một địa ngục trần gian trong đó bao gồm những sự chết chóc, máu đổ thịt rơi.
Ai đã gây nên cảnh tượng tang thương như thế này?Chúng tôi đã mang một số lớn những người di tản này về đến Tuy Hòa, tuy nhiên số người thất lạc ở trong rừng cũng như những người không theo kịp đoàn người còn rất đông. Tôi tiếc rằng, sự đóng góp vào việc cứu đoàn người này của chúng tôi vẫn chưa thật sự hoàn tất mặc dù mình đã tận lực. Ngoài ra tình hình chiến sự thay đổi quá nhanh, chúng tôi không thể làm gì hơn được nữa. Lúc ấy tôi chỉ cầu mong rằng, có một đấng thiêng liêng nào đó với một phép lạ nhiệm mầu, để biến hóa cho mọi người trở lại một cuộc sống bình thường như là không có chuyện gì xảy ra..

https://hoiquanphidung.com/showthread.php?1540-Chuy%E1%BB%87n-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-Phi-C%C3%B4ng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn