Đặc Khu Rừng Sát… Và Những Ngày Tháng Sau Cùng - MX Cổ Tấn Tinh Châu.

Thứ Năm, 22 Tháng Tám 20194:53 CH(Xem: 8861)
Đặc Khu Rừng Sát… Và Những Ngày Tháng Sau Cùng - MX Cổ Tấn Tinh Châu.

MX Cổ Tấn Tinh Châu.

“ Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia-Định, Đồng-Nai thì về.”

Câu hò của người miền Nam mô tả hai nhánh sông bắt đầu tách ra ngay mũi sông Nhà Bè là sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu (còn gọi là Lòng Tảo).

Riêng sông Lòng Tàu là thuỷ lộ huyết mạch dẫn vào cảng Sàigòn. Tất cả chiến hạm của hải quân, thương thuyền quốc tế, ghe thuyền chở hàng từ phao zero ngoài cửa biển Cần Giờ, đều dùng sông Lòng Tàu để vào các cảng của thủ đô Việt Nam Cộng Hoà.

Sông Lòng Tàu chảy xuống hạ lưu khoảng 7 cây số phân ra thành hai nhánh là sông Lòng Tàu và sông Đồng Tranh. Hai sông này chảy thêm chừng 10 cây số thì đổ ra biển qua cửa Cần Giờ.

Sông Soài Rạp chảy ngang xóm Tân Nhơn thì thoát nước qua ngã sông Vàm Sát (Rạch Vàm) rồi chia thành hai nhánh là sông Đinh Ba và sông Cát Lái. Cuối cùng chảy ra biển qua cửa Soài rạp.

diahinh-rungsat



Như vậy cửa sông Đồng Nai là một tứ giác với các góc là Nhà Bè, Phú Mỹ QL-15, Vũng Tàu và Vàm Láng trên cửa Soài Rạp. Đây là một vùng đầm lầy đầy cây tràm, cây đước, thường ngập nước với nhiều sông, rạch mà được gọi là Rừng Sát.

Mặc dù sông Soài Rạp có bề ngang rộng hơn sông Lòng Tàu nhưng lòng sông cạn nên không thuận tiện cho tàu bè lưu thông, tốc độ lấp cạn lại rất nhanh dù được xáng đào vét nhiều lần. Thuỷ lộ Lòng Tàu không có sương mù quanh năm nên là huyết mạch nối liền giữa biển và cảng Sàigòn. Tàu có tầm nước 12 bộ hay nhỏ hơn có thể ra vào bất cứ lúc nào. Các tàu trọng tải lớn với tầm nước khoảng 28 bộ chỉ có thể vào sông Lòng Tàu khi thuỷ triều lên. Tàu bè thường mất khoảng năm giờ để đi từ biển vào Sàigòn.

Để ngăn chặn sự xâm nhập của CS vào vùng cận Thủ Đô Sàigòn, Biệt Khu Rừng Sát được thành lập từ những năm đầu của thập niên 60. Đến năm 1963, Biệt Khu Rừng Sát được đổi thành Đặc Khu Rừng Sát, chịu trách nhiệm hai quận Quảng Xuyên và Cần Giờ, thuộc tỉnh Gia Định trên phương diện hành chánh nhưng trực thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân trên phương diện an ninh, hành quân. Đặc Khu Rừng Sát có BCH gồm CHT cấp Đại Tá với hai phụ tá: phụ tá sông cấp Trung Tá Hải Quân và phụ tá bộ cấp Trung Tá Bộ Binh cùng một sĩ quan liên lạc Không Quân cấp Thiếu Tá.
Lực lượng bộ gồm hai tiểu đoàn và bốn đại đội ĐPQ biệt lập được phân phối trấn giữ các địa danh tiêu biểu như Thiềng Liềng, Ngả Ba Dàng Xây, Tắc Ông Nghĩa, Đập Đá Hàn, Ngã Ba Đồng Tranh… với nhiệm vụ chánh là bảo vệ sông Lòng Tàu. Lực lương thuỷ gồm: Hai giang đoàn xung phong, liên đoàn tuần thám và giang đoàn trục lôi.

Trên sông, các giang đoàn của Hải Quân cùng với các toán Người Nhái tuần thám ngày đêm để bảo vệ an ninh thuỷ lộ. Đặc biệt Người Nhái VN thường xuyên phối hợp với Người Nhái Mỹ trong các công tác phục kích, đã làm Người Nhái Mỹ cảm phục vì khả năng, kinh nghiệm và can trường nên đạt được nhiều thành quả tốt. Trên không, hai trực thăng võ trang được tăng phái cho DKRS và pháo đội 105 để yểm trợ hành quân. Ngoài ra, còn có Tiểu Đoàn 359 trách nhiệm lưu động khắp lãnh thổ của đặc khu.

Huy hiệu của ĐKRS là con cá sấu ngoi trên mặt sông, miệng hả to và ngọn hải đăng chiếu sáng.
Những anh em quân nhân ở ĐKRS thường gọi nhau là cá sấu, nên mới có bốn câu thơ sau đây:

Cá Sấu bây giờ anh ở đâu?
Hãy kể nhau nghe kỷ niệm đầu
Bởi “Tháng Tư Đen” tàn mộng ước
Xin giữ tình nhau để quên sầu.

phuhieu-rungsat


Trong ngày hội ngộ ĐKRS cựu Th/tá Trương Văn Cảnh đã sửa lại bốn câu thơ cho hợp với hiện tại.

Cá Sấu bây giờ anh ở đây
Hãy kể nhau nghe kỷ niệm đầy
Bởi “Tháng Tư Đen” ta hiểu được
Ai người tâm huyết với non sông


Nhắc đến ĐKRS không thể quên được những CHT đặc khu trong thời kỳ đầu như Phó Đề Đốc Diệp Quang Thuỷ, Hải Quân Đại Tá Nguyễn Quốc Thanh…và CHT cuối cùng trước khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay bọn Cộng Sản là Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu, xuất thân từ Binh Chủng Thuỷ Quân Lục Chiến.

ĐKRS và căn cứ Hải Quân nguyên trước đây là căn cứ yểm trợ tiếp vận của Hải Quân Mỹ. Đây là một căn cứ lớn nhứt trong vùng Sàigòn được bàn giao lại cho QLVNCH vào tháng 4/1972.

Năm 1966, bộ tư lệnh miền của CS cho thành lập ĐKRS với nguỵ danh là T10, về sau đổi lại là đoàn 10 để khỏi trùng tên với một tổ chức mới của Trung Ương Cục Miền Nam. Đại tá VC Lương Văn Nho CHT kiêm Chính Uỷ (cựu trung đoàn trưởng pháo binh) và Thượng Tá Nguyễn Văn Mây CHP (cựu TLP/Sư Đoàn 5) + ban tham mưu. Lực lượng có 2 tiểu đoàn bộ binh, 3 trung đội súng nặng gồm: súng cối, đại bác không giật, đại liên 30, 12.7 ly, thuỷ lôi, hoả tiễn 107 và 122, 3 trung đội du kích và 1 trung đội Đặc Công Thuỷ (tài liệu của USMC Mobile Riverine Force SZRS 1967).
Từ năm 1967 đến 1970 lực lương Mỹ ở ĐKRS gồm một tiểu đoàn TQLC (1st Battalion, 5th Marines ), hai toán USN SEAL và Hải Quân thường hành quân cùng với QLVNCH trong lãnh thổ DKRS. TQLC Mỹ phối hợp với 1 tiểu đoàn Việt Nam trong cuộc hành quân đổ bộ (Jackstay) đã giết 63 VC và bắt được một số tù binh, tịch thu được 66 súng cá nhân, 8 súng cộng đồng và hoả tiễn 122 ly, phá huỷ trung tâm huấn luyện, bệnh xá, kho tiếp liệu…TQLC Mỷ thường xuyên hành quân và yểm trợ các đơn vị VN trong ĐKRS.
 

cancu-cs     dichuyedem   
Căn cứ CS                                                                                           Di chuyển đêm

Hoạt động của hai toán USN SEAL thường trao đổi tin tức về tình hình chung với ĐKRS, hướng dẫn trung đội Thám Sát Tỉnh (PRU) thu góp tin tình báo, phá hoại, phục kích, bắt cóc địch cũng như phối hợp với đơn vị ĐPQ lưu động xâm nhập căn cứ địa của địch phá huỷ công binh xưởng, kho tiếp liệu, truyền tin... Lực lương này mỗi toán công tác chỉ có từ 6 đến 8 người, nhưng được yểm trợ rất đầy đủ (trên sông 4 PBR + 1 tàu SEAL, trên đất một pháo đội 155, trên không 4 trực thăng võ trang, 2 trực thăng cấp cứu, 1 trực thăng tải thương và 1 phi tuần khu trục 6 chiếc ở Tân Sơn Nhất). Trong thời gian ngắn lực lượng SEAL đã làm cho đoàn 10 của CS khiếp vía, họ gọi SEAL là lính mặt xanh vì cách nguỵ trang trên mặt. Bọn CS đã treo giải thưởng rất lớn cho ai giết hoặc bắt sống được Seal. Nhưng chưa có Seal nào bị bắt cũng như tử thương, chỉ có 2 SEAL bị thương (Tài liệu của USN SEAL).
 

navy-seals
USN SEAL SZRS


Tài liệu CS viết: “Lời khai của Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cũng mang lại nhiều thông tin quan trọng. Sau khi bị bắt ngày 16-4 tại Phan Rang, viên Trung Tướng này được đưa ngay ra miền Bắc. Nguyễn Vĩnh Nghi đã tiết lộ nhiều điều, cho thấy lực lượng phòng thủ của địch đã bị căng ra rất mỏng, lực lượng dự bị còn rất ít. Trong nội đô, địch chỉ dựa vào cảnh sát và phòng vệ dân sự. Hướng hiểm yếu nhất, theo y, là tiến công từ Gò Dầu Hạ - Trảng Bàng. Trên hướng Đông, địch có thể phá các cầu để chận bước tiến của quân ta. Địch bố trí các kho đạn chính ở Nhà Bè ĐKRS và Cát Lái. Long Bình chỉ là kho tiếp liệu. Do địch dựa chủ yếu vào lực lượng không quân, nên các sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hoà và Cần Thơ giữ vai trò quan trọng, đặc biệt sân bay Biên Hoà, nơi đậu các máy bay cường kích F5 và A 37…”.

Từ BCH Miền, nơi trực tiếp điều khiển tác chiến, Thượng Tướng Trà kể lại:
“Sau đó chúng tôi thống nhất kế hoạch và huyết tâm: Sư Đoàn 6 của Quân Khu 7 quen thạo địa phương được tăng cường pháo và xe tăng, bí mật hành quân, bất ngờ giải phóng một đoạn trên đường 15, chọc qua tỉnh lộ 19 chạy quanh lòng chảo Nhơn Trạch, đặt cho được trận địa pháo 130 ly tại đây. Từ trận địa pháo này, trước khi có lệnh thống nhất tiến công vào Sàigòn thì bắn khống chế sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó chi viện đắc lực cho cánh quân phía Đông vùng ĐKRS”.

Cũng theo tài liệu của VC, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, hai Trung Đoàn 46 và 101 thuộc Sư Đoàn 325, Quân Đoàn 2 được lệnh tiến đánh chi khu Nhơn Trạch với hai nhiệm vụ:
-Mở đường đưa pháo tầm xa để bắn vào phi trường Tân Sơn nhất, khoá chặt đường vận chuyển hàng không ra khỏi Sàigòn trước giờ tổng công kích.
-Ngăn chận đường thuỷ từ sông Lòng Tàu đi ra biển.

Lữ Đoàn 164 Pháo Binh Quân Đoàn 2 giao nhiệm vụ cho Tiểu Đoàn 3 pháo 130 ly đi theo sau đội hình tiến công của Sư Đoàn 325 vào Nhơn Trạch, đặc trách nhiệm vụ trút đạn vào Tân Sơn Nhất.

CSBV đánh Thành Tuy Hạ bắt đầu lúc sáng sớm và chấm dứt lúc 18 giờ ngày 29/4 sau nhiều đợt xung phong có chiến xa yểm trợ. Trong khi đó quân CS chỉ pháo kích vào ĐKRS làm một binh sĩ bị thiệt mạng. Mặc dù bọn CS có những chuẩn bị trước, nhưng gặp sự kháng cự mãnh liệt của QLVNCH khiến CS không chiếm được chi khu Nhơn Trạch đúng theo kế hoạch nên pháo binh 130 ly của CS phải đặt tại khu vực hai ấp Long Tân và Phú Thạnh và chỉ có thể bắt đầu pháo kích vào Tân Sơn Nhất vào chiều ngày 29/4. Những cuộc pháo kích ngày 28/4 là pháo binh của hai đoàn đặc công 115 và 117 từ hướng Bình Dương. Cuộc pháo kích này kéo dài đến sáng ngày 29/4. Hai binh sĩ TQLC Mỹ bị thiệt mạng vì pháo kích tại Cơ Quan Tuỳ Viên Quốc Phòng.

Sáng 29 tháng 4/1975, CHT/ĐKRS trình diện Tư Lệnh Hải Quân, nhận lệnh chuẩn bị di chuyển về Quân Khu 4 khi cần. Trong đêm 29/4/75 Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân, chỉ thị CHT ĐKRS di chuyển theo hạm đội và là đơn vị đi sau cùng, khi tàu dầu của hải quân đi ngang qua đặc khu.

Trong thời gian này, QLVNCH chưa có cấp Chỉ Huy đại đơn vị nào công khai ra lệnh cho đơn vị của mình rời khỏi lãnh thổ trách nhiệm, kể cả TTMT. Vì vậy tôi mới hỏi Phó Đô Đốc:

_ “Thưa Đô Đốc,Tổng Thống ra lệnh Đô Đốc đem Hải Quân ra khỏi Sàigòn hay sao mà Đô Đốc ra lệnh cho tất cả hạm đội di chuyển?”

_ “Tổng Thống* không có ra lệnh tôi đem Hải Quân đi, nhưng Tổng Thống gửi con và rể của TT cho tôi để làm gì thì anh cũng hiểu”. (*TT Dương Văn Minh)

Giờ phút này, chiều 29/4/1975, đồng bào các nơi tựu về ĐKRS rất đông, vì ở sông Sàigòn hạm đội Hải Quân VNCH đã đi hết rồi. Tôi nói Hải Quân Trung Tá Nguyễn văn Nghĩa, Chi Khu Trưởng Quảng Xuyên:

_ “Anh hãy đưa anh em và đồng bào di chuyển trước, tôi sẽ đi sau.”

Chúng tôi di chuyển theo sông Lòng Tàu ra biển bằng tàu PGM và Hải Thuyền, vì hầu hết tàu bè di tản từ miền Trung về đều được đưa xuống ĐKRS.
 

tau-zippo
Tàu ZIPPO của Lực Lượng Đặc Nhiệm 99

Riêng tôi nhận được lệnh của Tư Lệnh Hải Quân phải liên lạc với Hải Quân Đại Tá Lê Hữu Dõng Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Nhiệm 99, là một lực lượng mạnh nhứt của Hải Quân sông, có khoảng 64 chiến đỉnh, để chuyển lệnh bỏ vùng hoạt động, ra khơi với hạm đội. Trong lúc này đơn vị của Đại Tá Dõng đang hành quân giải toả áp lực địch trên kinh Thủ-Thừa Tỉnh Long-An và đã gây thiệt hại nặng cho Đoàn 232 VC, (tương đương với một quân đoàn), do Tướng Lê Đức Anh chỉ huy. Khi tôi di chuyển ra tới cửa biển Cần-Giờ thi trời bắt đầu sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975. Chiều 30-04 thì tất cả hạm đội Hải Quân VNCH đều dừng lại quanh đảo Côn Sơn để liên lạc với Quân Đoàn 4 nhưng không tiếp xúc được với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn.

Ngày 02-05-1975 hạm đội Hải Quân Việt Nam khởi hành cùng hạm đội Mỹ đi Phi Luật Tân.
Khi Hạm Đội VNCH vào hải phận Phi Luật Tân, Chánh Phủ Phi không cho vào, vì đoàn tàu còn treo cờ  Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó HQVNCH và Mỹ hội ý nhau và có quyết định chung là: bỏ tất cả đạn pháo xuống biển, làm lễ hạ quốc kỳ VNCH rất long trọng và cảm động, kéo quốc kỳ Mỹ lên, hầu hết người trên tàu đều khóchay rớm nước mắt. Thế là đoàn tàu vào Subic, căn cứ của Mỹ.

Tài liệu của CS ghi nhận sau khi chiếm được Cát Lái, Sư Đoàn 325 để lại hai Trung Đoàn 46 Bộ Binh và 84 Pháo Binh để ngăn chận sông Lòng Tàu với mục đích là chiếm trọn vẹn hạm đội của hải quân VNCH nhưng không nói gì về kết quả ngăn chận. Đoàn 10 Rừng Sát cũng cho rằng họ đã “khống chế” sông Lòng Tàu, đoạn từ Phước Khánh đến ngã ba Đồng Tranh từ ngày 27/4. Tuy nhiên việc cả hạm đội của Hải Quân VNCH ra biển an toàn bằng chính thuỷ lộ này đã trả lời cho sự khoác lác của bọn Cộng Sản Việt Nam.

Năm 1999 ngày 01 tháng 09 Cộng Sản khánh thành đài tưởng niệm liệt sĩ tại Nhơn Trạch trong đó có ghi nguyên văn:

“Đoàn 10 hơn tám trăm người ngã xuống tại đây, hơn năm trăm liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt”...
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn