Gặp ngày hắc đạo ( Tưởng nhớ cố Đ/úy Ngô Vĩnh Viễn PĐ 225 Ác Điểu ) - Nguyên Quân.

Chủ Nhật, 11 Tháng Tám 20198:44 SA(Xem: 7319)
Gặp ngày hắc đạo ( Tưởng nhớ cố Đ/úy Ngô Vĩnh Viễn PĐ 225 Ác Điểu ) - Nguyên Quân.
37s
Gặp  ngày  hắc  đạo

                                                                               ( Tưởng  nhớ  cố  Đ/úy  Ngô   Vĩnh  Viễn  PĐ  225  Ác  Điểu  )

          Vào đầu năm 2016, cụ hội trưởng Hội Ái Hữu Không Quân miền trung Cali nhiều lần viết email  kêu gọi các đơn vị KQ, nhất là các phi đoàn tác chiến hãy gởi danh sách tử sĩ của đơn vị mình, phi đoàn mình về Hội Ái Hữu KQ trung Cali với mục đích cao đẹp là gom góp tất cả tên tuổi của các tử sĩ KQ đặt vào cái Kiosque riêng của Không Quân. Đây là một ‎ý kiến quá hay và một ‎việc làm thật ‎ý nghĩa hàm chứa sự kính mến cũng như tiếc thương của đồng đội đối với các chiến hữu đã hy sinh. Tôi để tâm theo dõi, đã thấy có một vài phi đoàn hưởng ứng, thế là tôi phổ biến tin đây vào giới anh em chúng tôi, gồm hơn 70 anh đã liên lạc được từ trong nước đến hải ngoại sau cái ngày 30 tháng tư 1975. Anh em chúng tôi cùng nhau ôn lại để nhớ tên họ, cấp bậc, ngày tháng mà các anh ấy đã hy sinh và tại chiến trường nào hầu đúc kết được một danh sách tử sĩ của PĐ 225 Ác Điểu thật đầy đủ và chính xác.
          Cũng giống như các phi đoàn bạn, với thời gian ròng rã 4 năm rưởi miệt mài chiến đấu chúng tôi có tất cả là 22 tử sĩ và một số anh bị thương tích nặng phải giải ngũ. Hầu hết các anh hy sinh là do trúng đạn phòng không, thượng liên hay hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 v.v... Duy có một trường hợp hết sức thương tâm, một cái chết không đáng phải xảy ra như thế, đã tạo sự tiếc thương vô vàn và uất ức quá lớn trong anh em chúng tôi khi ấy, tôi chọn chuyện đó để kể lại vào cái dịp tháng Tư Quốc Hận nầy
.

        Trước khi vào chuyện, tôi có đôi lời: đây là một đoản văn viết về chiến trường xưa như là k‎ý sự ngắn, bạn đọc có thể nhàm chán bởi cái 'Tôi' lập đi, lập lại nhiều quá chăng. Thì xin bạn hiểu cho : là hồi k‎ý chiến trường nếu cần một sự trung thực thì chính tác giả phải trực tiếp tham gia vào trận chiến đó, chứ không thể nghe ai đó kể lại rồi thêm thắc viết xuống y như là viết tiểu thuyết ? Xưa nay những Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam hay gần đây Trần Hoài Thư, Phạm Tín An Ninh, Vương Mộng Long, Út Bạch Lan v.v…họ cũng chỉ viết lại những trận đánh mà chính họ tham gia vì vậy ta đọc thấy hay, tôi bắt chước họ làm điều đó nhưng không phải là để đón nhận chuyện khen chê, hay dở gì đâu mà chỉ muốn ghi lại những kỷ niệm của một thời chinh chiến tuổi trẻ, đồng thời muốn vinh danh những người bạn tôi nằm xuống cho chính nghĩa Quốc Gia mà thôi. Câu chuyện xin bắt đầu :

          Để viết cho đúng ngày giờ xảy ra tai nạn tôi phải tìm anh cơ phi cùng bị nạn trên con tàu đó, hiện đang sống ở VN thì chắc chắn đó là ngày 02 tháng Tư năm 1973. Cái ngày nầy Phi đội II chúng tôi lên ca chánh : hành quân lần hai trong chu kỳ làm việc 5 ngày của chúng tôi. Chỗ nầy chắc tôi phải cắt nghĩa một chút vì nếu các anh là đồng nghiệp và bay ở Sư đoàn IV/KQ thì hiểu rõ cái lịch trình làm việc của chúng ta nhưng nếu bạn đọc khác thì hơi khó hiểu đấy. Chuyện là vầy: Mỗi Phi đoàn có 4 phi đội, mỗi ngày 3 phi đội cùng hợp sức làm việc để một phi đội được nghỉ dưỡng sức 3 ngày ở ngoài đơn vị nghĩa là tại gia đình, hầu hết là ở Sài Gòn. Ba phi đội đó được phân định như sau: sau khi nghỉ phép, thì ngày đầu làm việc của bạn là ngày ưu tiên một hành quân, qua ngày thứ hai bạn sẽ được tăng cường bổ xung cho một phi đội khác đang là hành quân chánh, ngày thứ ba bạn vẫn tăng cường nhưng thuộc loại hai: thường là đảm trách những phi vụ nhẹ hoặc có khi không phải bay, coi như có một ngày nghỉ dưỡng sức tại đơn vị của bạn. Đoạn qua ngày thứ tư, bạn lại lên ca ưu tiên một hành quân chánh (đợt nhì), ngày thứ năm bạn lại được tăng cường hành quân (đợt nhì) và ngày thứ sáu là ngày đi phép nghỉ dưỡng sức ba ngày của bạn. Đi và về, nếu bạn ở Sàigòn thì có phi cơ đưa rước cho bạn.
          Sáng nầy, tôi thức dậy khoảng 5 giờ rưỡi, sau khi vệ sinh cá nhân, mặc áo bay vào, xỏ chân vô đôi botte de saut, đeo dây súng P38 rồi vác áo giáp trên vai, xách nón bay đi tới quán cà phê của P/Đoàn gọi một ly cà phê và một thứ gì đó để ăn sáng qua loa, sau đó tới thẳng đến phòng hành quân. Nơi đây đã có một vài anh em đến trước tôi, chúng tôi chào hỏi nhau. Nhìn vào bảng phi vụ lệnh thì tôi thấy P/Đoàn chúng tôi hôm nay làm việc cho Tiểu khu Kiến Hòa (Bến Tre), chúng tôi cũng đã sẵn sàng cho một package lớn (một hợp đoàn hành quân) do T/u Ẩn, P/Đội phó cắt bay từ chiều tối đêm qua, gồm: 1 C&C, 5 Slicks chuyển quân và 3 Gunships yểm trợ. Được phối trí như sau : Th/tá Đặng (P/Đoàn  phó) bay C &C (Control and Communication). Dù không nói ra, chúng tôi thấy khoái khi thấy mấy quan bay tàu C&C mà có cấp bậc cao, chẳng hạn như ông nầy, vì sao thế ? Bởi các quan Bộ binh ngồi ‘back seaters’ (ngồi ghế vải phía sau chỉ huy cuộc hành quân) thường là Đ/Tá Trung đoàn trưởng (Đại bàng), Tr/Tá Trung đoàn phó hay Đ/Tá Tiểu khu trưởng (Tỉnh trưởng) , Tr/Tá Tiểu khu phó v.v.. mà nếu phe ta cấp bậc quá nhỏ như một vài mai vàng thì tất nhiên dễ bị hiếp đáp. Chính tôi đã chứng kiến bốn năm lần cái cảnh nầy. Thôi trở lại chuyện hành quân hôm nay : T/u Ẩn sẽ bay lead 5 chiếc đổ quân, chiếc số 2 : trưởng phi cơ T/u Ngô Vĩnh Viễn, số 3 : T/u Quân.L, số 4 : T/u Thành.H và số 5 (Trail) : T/u Hồng.N. Còn bên Gunship (Võ trang), bay chiếc số một : tác giả bài viết, T/u San bay chiếc số 2 , T/u Phát bay chiếc số : 3. Vào thời điểm nầy hầu hết anh em hoa tiêu 225 đều mang cấp bậc Trung úy (T/u) bởi lẽ các anh ra trường vào khoảng cuối năm 1970, số giờ bay hiện tại của các anh đã trên hai nghìn giờ rồi. Cách nói chung chung thì phi công trực thăng của Sư đoàn IV/ KQ bay rất nhiều, mỗi năm các vị ấy bay khoảng một nghìn giờ. Sở dĩ T/u Ẩn cắt tất cả hoa tiêu thuộc P/Đội II bay ghế trưởng phi cơ hôm nay vì phi đội nầy lên ca chánh, tất nhiên phải có trách nhiệm nhiều hơn. Khoảng 6:30 sáng chúng tôi cuốc bộ ra tàu bay của mình, mỗi tàu có 4 người, ai cũng có phận sự riêng trên con tàu nhưng xem xét con tàu (check) trước khi bay là việc chung. Kẻ leo lên nóc check hệ thống cánh quạt lớn, người đu lên ‘tail skid’ để check cánh quạt đuôi, rồi anh cơ phi (Cơ khí viên phi hành) kiểm soát lại dầu máy, dầu hộp số có ở đúng cái vạch an toàn không, anh xạ thủ coi lại súng ống hai bên thân tàu bằng cách lên đạn sống, tất cả phải sẵn sàng để lúc 6:45 (giờ mặt trời mọc) tất cả 9 chiếc đều quay máy. Tàu C&C cất cánh trước,  kế đến 5 chiếc Slicks di chuyển ra phi đạo dưới sự chấp thuận của đài kiểm soát không lưu, rồi cất cánh, ngay sau đó 5 chiếc ráp thành hợp đoàn chữ V lớn (V5 formation). Sau cùng là 3 chiếc võ trang cất cánh và ráp thành hợp đoàn nấc thang trái (Left Echelon) tức là đội hình tác chiến. Độ chừng 45 phút bay, tàu C&C đáp ở cầu tàu trước tòa Hành chánh tỉnh Kiến Hòa để rước các quan ngồi back seaters, còn tám chiếc của chúng tôi đáp xuống phi trường Bến Tre. Nơi đây có sẵn chừng một đại đội Địa phương quân, một xe GMC và một xe Dodge 4, cả 2 xe chở đầy ấp đồ tiếp tế. Chúng tôi tắt máy và chờ tàu C&C đến để biết mình sẽ làm gì hôm nay. Phi trường Bến Tre là một trong những phi trường khá đẹp của Quân khu 4, chúng tôi tụ 5, tụ 7 tán gẫu cho vui nhất là trao đổi những hiểu biết về vùng nầy. Đây là vùng có rất nhiều du kích quân cộng sản, quê hương của hai gấu cái ‘thị Bình, thị Định’ mà lỵ , dừa rất nhiều, dọc theo hai mé các kinh rạch được bao phủ dày đặc bởi giống dừa nước lá xanh um, còn trên đất khô là bạt ngàn rừng dừa cây ăn trái và dường như thiếu sự chăm sóc nên phần lớn các cây bị lão, thân quá cao khoảng chừng 10 đến 15 thước, cho trái rất ít nhưng họ không đốn bỏ có lẽ vì thiếu cánh tay đàn ông chăng. Bởi vào thời buổi nầy đàn ông nếu không đi lính Quốc Gia thì cũng vào bưng đi lính giặc cộng, đâu có được ở nhà để mà o bế vườn tược. Nói thật chúng tôi hơi ‘nhợn’ khi bay cái vùng nầy, nhất là Gunships thường bay thấp, bay rà sát ngọn cây nếu chẳng may tàu bị bắn cháy, cần đáp khẩn cấp rất khó tìm được khoảnh đất trống cho vừa ‎ý. Khoảng chừng 8:30 tàu C&C chở các quan ngồi back seaters đến. Chờ cho chiếc nầy tắt máy hẵn thì 8 trưởng phi cơ hợp đoàn kéo đến đây để nghe các quan Bộ binh cũng như Th/tá Đặng ‘briefing’ (thuyết minh) công việc phải làm hôm nay. Chuyện dễ thôi, cần hai Lifts (chuyến) chở Đại đội nầy vào hoán chuyển với Đại đội đang đống ở quận Bình Đại, rồi sau đó cần 2 teams (toán) mỗi team gồm hai Slicks chở đồ tiếp tế cho 2 cái đồn Nghĩa quân, một đồn ở gần Giồng Trôm và đồn kia ở gần Ba Tri. Như vậy thì chiếc Gunship số 3 có thể nằm nhà tiếp tục binh xập xám rồi đấy, chỉ cần Gunship 1&2 hộ tống hợp đoàn là được rồi. Đâu chừng khoảng 10:45 thì mọi công tác đã xong, chúng tôi về đáp lại sân bay để ‘Stand By’ (chờ lệnh mới) trong khi đó tàu C&C đáp ở tòa Hành chánh. Đến đây tôi cũng xin lỗi độc giả vì tôi vẫn giữ nguyên English cho những từ ngữ chuyên môn cũng như nghề nghiệp. Xin cho tôi được giải bày để bạn đọc hiểu rõ vì sao, rồi thông cảm rồi tha thứ. Những English nầy do anh em phi công trực thăng đã học được từ ở trường bay, khi về đơn vị chiến đấu thì được nghe các huynh trưởng mình cũng nói y chang như vậy trong các cuộc hành quân, riết rồi đâm ra quen miệng. Thêm cái khổ nữa, nếu anh em trong giới KQ thấy tôi dịch nó ra tiếng Việt, thì họ bảo : đọc thấy không “phê”, có vẻ giả tạo, không thể hiện đúng ngôn ngữ thường dùng của dân bay 'chuồn chuồn'. Về phía bạn đọc thấy tôi giữ nguyên tên gọi bằng English thì cho là chướng mắt, dị hợm đúng vậy không? Thôi thì tôi cứ giữ nguyên từ ngữ chuyên môn bằng English cho phe ta, rồi mở ngoặc đơn ‘(’ để giải thích những từ nầy, xong rồi đống ngoặc đơn lại ‘)’, như vậy là trọn nghĩa trọn tình cả đôi đàng, các bạn hỉ ? Hay còn cách nữa, qu‎ý‎ vị cứ coi đây như là một cách ngụy ngữ hay mã hóa ngôn ngữ theo cách dân KQ, cốt là để Việt cộng không hiểu chúng ta nói cái gì trong lúc hành quân. Ngay ở đơn vị Bộ binh họ cũng xài ‘ngụy ngữ ’ nhưng giản dị hơn, thường họ đổi chuỗi từ nầy thành một chuỗi từ khác nhưng giữ nguyên những chữ cái ở đầu của mỗi từ. Thí dụ như ‘Chiến Tranh Chánh Trị’ (những chữ cái ở đầu từ là : C, T, C, T)  thì họ đổi là ‘Con tôm con tép’, như ‘Lao công đào binh’ biến thành là ‘Lau chùi đại bác’, còn ‘Cán bộ xây dựng nông thôn’ thành là ‘Canh bầu xì dầu nước tương’, ‘Pháo binh’ thì thành ‘Phở Bắc’, ‘Việt cộng’ là ‘Vịt con’ v.v...


          Vào lúc 11:15, tàu C&C đáp xuống gần tàu của chúng tôi, sau khi giảm ‘ga’ nhỏ lại rồi giao ‘controls’ cho hoa tiêu phó, Th/tá Đặng bước xuống bảo chúng tôi quay máy, bay qua phi trường Đồng Tâm Mỹ Tho đợi lệnh mới. Sau đó, ông Đặng lên lại phi cơ, tăng ‘tour’ cất cánh đi trước, có lẽ ông đáp ở hồ nước ngọt Mỹ Tho để rước mấy quan ngồi ‘back seaters’ của Tiểu khu Định Tường. Hợp đoàn 8 chiếc quay máy, tôi gọi 2 chiếc Gunships qua tần số VHF nội bộ : “ Diều Hâu 2 và Diều Hâu 3, đây 1 gọi ” . Hai bạn San và Phát đáp bằng thính hiệu : “nghe rõ” (bấm micro switch trên ‘Cyclic’ hai lần), tôi tiếp : “ Diều Hâu 2 và 3 qua Đồng Tâm trước, còn 1 sẽ lên cao liên lạc với Paddy (đài kiểm báo của SĐIV/KQ) để nhờ họ thông báo cho Phòng Hành Quân Chiến Cuộc (giống như Trung tâm Hành quân của Bộ binh) biết là hợp đoàn Hồng Mã (danh hiệu hành quân của PĐ 225 Ác Điểu) sẽ ăn cơm trưa tại phi trường Đồng Tâm Mỹ Tho ”. Sở dĩ tôi phải làm việc nầy là nhờ phòng Hành quân chiến cuộc thông báo về phi đoàn tôi, để ông trưởng phi cơ bay tàu cơm biết chúng tôi hiện đang ở đâu mà đem cho đúng chỗ, nếu không gọi về, ổng cứ tưởng chúng tôi còn ở phi trường Bến Tre như ghi trên bảng phi vụ lệnh thì trưa nay anh em chúng tôi phải treo bao tử.
          Phi trường Đồng Tâm chỉ cách phi trường Bến Tre chừng bảy, tám miles đường chim bay, bay sẽ mất mười phút nếu tính từ khi quay máy cất cánh đến đáp xuống tắt máy. Chúng tôi không phải đổ thêm xăng, rồi 5 chiếc Slicks và 3 chiếc võ trang chia nhau đậu hai bên phi đạo. Lúc nầy là ban trưa, nắng nóng lên rồi, anh em cảm thấy lười người ra, chỉ muốn ngồi yên trên ghế của mình đợi tàu cơm hơn là bước xuống đi lang thang như mọi khi. Tôi lấy bao thuốc lá ra, đánh lửa hút rồi thử quan sát cái toán quân phía trước mặt mà bọn tôi sắp phải thả họ xuống cái LZ ( Bãi đáp - Landing zone ) nào đó. Tôi đoán đây là một Đại đội Địa phương quân có thể là đại đội Thám sát Tỉnh, đại đội nầy cũng có nét giống đại đội thám sát ở Cao Lãnh mà chúng tôi đã từng hành quân với họ, thoạt trông thì thấy rất là ô hợp, lính tráng gì mà ăn mặc xốc xếch, áo bỏ ngoài quần, có vài ông cắc cớ trên thì mặc áo treillis dưới thì mặc quần Mỹ A đen của vợ, đầu họ đội đủ loại mũ: nón sắt, nón nhựa, mũ rằn ri tai bèo kiểu biệt kích Mỹ và cả nón rộng vành kiểu quân đội Tân Tây Lan. Họ mang đủ loại giày : botte de saut có, giày bố có và có cả dép râu việt cộng. Do vậy tôi vẫn nghĩ rằng cái đám nầy chắc là đánh giặc khá lắm đây, giống như đại đội ở Cao Lãnh chăng ? bởi tôi thấy cũng có vài ông mang AK47 thay vì M16, chắc đó chiến lợi phẩm mà mấy ông đó lấy được của vc. Không thấy ông nào mang ba lô trên lưng mà chỉ có súng và đạn, đặc biệt họ trang bị khá nhiều lựu đạn, lớp thì đeo lủng lẳng ở hai túi trên, lớp thì đeo ở dây thắt lưng to bản. Tôi đoán chắc cái kiểu nầy là thả mấy ổng vào, cho mấy ổng lục soát mục tiêu chừng vài giờ thôi, rồi phải bốc mấy ổng về.  Mấy ổng thấy tàu chúng tôi vừa tắt máy xong, liền di chuyển đến để ngồi đụt nắng ở hai bên hông và sau đuôi tàu. Lại có năm bảy ông bày biện ra nhậu nhẹt, họ ngồi bẹp thành vòng tròn dưới đất cát, rượu đựng trong bi đông thay vì đựng nước uống, họ rót ra cái nắp rồi chuyền tay nhau uống cạn, nói cười ồn ào vui vẻ lắm. Trong đám đó có một vài ông chơi nghịch tung hứng trên tay mấy quả lựu đạn nhỏ cở trái chanh (M 67 ?) như các bé gái chơi banh đũa. Nếu bạn không phải là lính tráng, thấy cảnh nầy chắc sợ té đái, chớ chúng tôi biết rõ vận hành trái lựu đạn, cũng giống như trái khói màu của chúng tôi thôi, không khi nào nó nổ bậy, trừ khi mình muốn nó nổ.
           Khoảng 12:30, tàu cơm đến rồi đậu phía sau 3 chiếc võ trang. Chúng tôi đến đó lãnh cơm, mang về tàu mình ăn. Khoảng 12:45 tàu C&C chở quan back seaters đáp xuống và đậu nối đuôi tàu cơm. Ông Đặng thấy chúng tôi đang ăn cơm lở dở thì bảo : “Cứ ăn tự nhiên đi, không có gì phải gắp gáp”. Gần13:00, tám trưởng phi cơ cùng đến tàu ông Đặng để nghe briefing, tóm lược như sau : Chúng ta sẽ bốc một đại đội tại đây rồi thả xuống khoảng giữa quận Sầm Giang (Vỉnh Kim) và xã Ba Dừa (vc gọi là chiến khu Ba Dừa) nằm cách bờ sông Tiền Giang chừng 500m ở bờ bắc (tả ngạn) vì có tin chừng một trung đội vc thường xuyên hoạt động nơi nầy. Anh em chúng tôi đều biết đây là một vùng vô cùng nóng bỏng, nên rất chăm chú theo dõi phần briefing. Nhìn vào bản đồ bộ binh có tỷ lệ xích lớn 1/25,000 tuy không phải ảnh chụp nhưng được vẽ rất khéo, mô tả chỗ nào là rừng rậm, sông rạch, bờ đê hay ruộng đồng ao vũng v.v… sau khi nghiên cứu kỹ vị thế bãi đáp trên bản đồ, tôi hỏi viên Th/tá bộ binh về cái hướng tiến quân, lục soát của quân ta ? Ông cho biết là hướng Bắc. Vậy là O.K rồi, tôi bàn với các trưởng phi cơ bay hợp đoàn chở quân là nên bay dọc theo bờ nam con sông Tiền, khi nào ngang với LZ thì bẻ góc 90 độ băng qua con sông vào đáp ngay, lift đầu cho 'full suppress' (bắn tự do vì chưa có quân bạn ở dưới) đường ra sẽ là ‘180 độ  out’. Dù không nói ra, tôi tin các bạn tôi có‎ cùng ‎ý nghĩ giống như đề nghị của tôi. Để giảm bớt không khí căng thẳng, một ông trưởng phi cơ nói đùa “Tôi không biết lội nghen anh Quân”, tôi cũng đùa lại “Đợi anh uống đầy một bụng nước, tôi mới tới vớt anh lên”. Quay sang anh Phát, tôi bảo “Gunship 3 theo chúng tôi, nhớ đánh hết rockets trước khi Slicks vào đáp nghen”. Quay qua Ẩn, tôi nói “Hợp đoàn các anh đến sau chúng tôi chừng 7, 8 phút, chúng tôi cần dọn kỹ LZ trước khi các anh vào đáp” rồi tôi hỏi Th/t Đặng là : “Tôi ‘plan’ (phác họa) như vậy, Th/t thấy có gì không vừa ‎ý? ” và Sếp của tôi gật đầu đồng ‎ý. Ông Đặng thường bay C&C cho phi đội chúng tôi, cả hai bên làm việc rất tâm đầu ‎ý ‎hiệp, ông biết anh em chúng tôi có khá kinh nghiệm bay hành quân bởi do tất cả rất chịu khó bay và có ‎tinh thần trách nhiệm cao, ít có cụ nào kiếm chuyện tránh né hay lặn vọt. Thế là mạnh ai trở về tàu nấy, đồng ‎ý với nhau làm sớm nghỉ sớm, tất cả 9 chiếc quay máy sửa soạn cất cánh vào vùng. Tàu C&C cất cánh trước, tôi dẫn 2 chiếc võ trang theo sau, ba chiếc bay đội hình tác chiến. Trong khi đó hợp đoàn Slicks bang ra phi đạo cho lính leo lên, mỗi tàu 12 người nghĩa là chở được một nửa đại đội ngay chuyến đầu.
          Đến vùng, tôi biết ngay đâu là bãi đáp, tuy nhiên chúng tôi tiếp tục bay hàng một làm vòng tròn giữ cao độ 1,500 bộ phía sau tàu C&C ở 2,000 bộ, để quan sát kỹ LZ và rồi tàu C&C bay vào bãi đáp, ném khói màu xuống, đợi khói bốc lên, ông Đặng nói :
          --- Diều Hâu có thấy ‘red smoke’ (khói đỏ) không? LZ là ở đó.
         --- Đáp nhận Ác Điểu 55. Diều Hâu 2 và 3 theo tôi, chúng ta bắt đầu vào đánh. Target đầu là con rạch phía tây bãi đáp, chúng ta đánh từ chỗ ngã ba sông, đánh dọc theo con rạch kéo dài lên phía bắc.
          Tôi biết Phát đánh rocket còn yếu vì còn đang thời gian huấn luyện bay võ trang, chưa đánh chính xác lắm, vì vậy tôi bay ngay trên đỉnh con rạch, cao độ chừng 500 đến 700 feet, thì thế nào rockets của Phát cũng phải nổ ở hai hàng cây ở hai bên con rạch. Tôi nhắc Phát mỗi ‘pass’ nên đánh từ 3 đến 4 quả, nghĩa là sau 3 hoặc 4 ‘pass’ phải hết 2 bó rockets (14 quả loại 70 ly). Pass thứ hai, tôi chọn những lùm cây dọc theo con đê phía bắc bãi đáp và ‘pass’ sau cùng cũng sẽ là những lùm cây ở phía đông. Có nghĩa là 3 hướng bắc-đông-tây, chúng tôi đã dọn dẹp kỹ, còn hướng nam tương đối trống trải sẽ rãi đạn Minigun là được rồi. Bây giờ tôi đã thấy hợp đoàn Slicks còn cách LZ chừng 2 miles, tôi bảo Gun 3 lên cao 1,500 bộ bay phía sau tàu C&C, còn tôi và Gun 2 bắt đầu xuống thấp bay rà sát mặt ruộng, đoạn tôi bay vào chỗ tàu C&C thả khói đỏ khi nãy, bảo anh cơ phi thả một trái khói để hợp đoàn Slicks biết mà quẹo phải vô đáp. Giờ thì hợp đoàn đã quẹo phải, tức là vào ‘final’(cận tiến) và tàu nào cũng cho tác xạ M 60 vào phía bắc cũng như hai bên bãi đáp, Gun 1 và Gun 2 bay ra rước họ vào, tôi bảo Gun 2 bảo vệ bên sườn phải của hợp đoàn, còn tôi sẽ bảo vệ bên sườn trái tức là phía tây của bãi đáp. Hợp đoàn bắt đầu giảm dần cao độ và tốc độ để touch down (chạm đất), hai chiếc Guns bay lướt qua họ và bay xa hơn bãi đáp chừng 50 thước, Gun 2 quẹo phải rồi sẽ bay hình quả trám theo chiều kim đồng hồ che chở bên sườn phải của hợp đoàn, trong khi đó bên sườn trái tôi cũng làm như thế, cũng bay quá bãi đáp rồi quẹo trái để bay hình quả trám theo chiều ngược kim đồng hồ thì tàu tôi bị ‘ground fired’(bị bắn), viên phi công phó bị thương. Than ôi, đang lúc cơm sôi mà lửa tắt nghĩa là ‎trong khi hợp đoàn đang ‘touch down’ thì dù tàu tôi có người trúng đạn vẫn không thể rời vùng ngay được, tôi làm một vòng quả trám nữa để bảo vệ hợp đoàn, đưa họ ra an toàn rồi chừng đó tôi báo cáo với C&C, xin rời vùng. Tôi gọi chiếc Gun 3 theo tôi về đáp hồ nước ngọt, còn Gun 2 ‎thử hỏi ông Đặng muốn sao? Lên cao và ở đây với ông, hay theo hợp đoàn về Đồng Tâm đáp chờ tôi. Tôi cũng nói cho tất cả hợp đoàn biết là : “Sau khi đáp hồ nước ngọt, tôi nhờ T/u Phát chăm sóc T/u Đắc.Hồ đưa đi Quân y viện cấp cứu, tôi mượn copil của chiếc Gun 3 lên bay với tôi tiếp tục hành quân”. Th/tá Đặng rối rít hỏi tôi về  “Anh Đắc bị thương có nặng lắm không ?”, tôi trả lời : “Tôi không thấy trầm trọng lắm, để xem xét kỹ, tôi sẽ gọi lại”. Đắc bị đạn ở dưới cổ, phía sau ót, đường kính của vết thương nhỏ cở đường kính cây bút chì, máu không ra nhiều. Tôi bảo Đắc thử vận động hai tay, rồi hai chân, thử hít vào thật sâu rồi thở ra thật mạnh, khi làm như vậy Đắc có cảm thấy đau ở đâu không? Đắc thử đếm ngược từ 20,19,18…được không? Tôi nghe giọng nói của Đắc cũng bình thường không ngọng nghịu hoặc đớt đát gì cả nên tôi an tâm. Tôi và 3 anh trên tàu đều nghĩ tầm đạn đã đi quá xa trước khi trúng vào Đắc vì cả 4 đứa trên tàu không nghe tiếng súng nổ, chỉ nghe một tiếng ‘rẹt’ từ phía tay phải bắn qua và sau đó Đắc báo là bị thương. Thằng ‘vịt con’ nầy chắc chắn nấp ở con rạch chạy hướng nam-bắc, cái chỗ mà tôi dẫn Gun 2 và Gun 3 đánh đầu tiên. Bây giờ tôi mới gọi lại ông Đặng, báo cáo rõ cho ổng biết tình trạng của Đắc và cũng báo luôn hợp đoàn biết : “Hãy chờ tôi chừng 5 đến 10 phút vì tôi có vài việc phải làm như : giao Đắc cho Phát săn sóc, tắt máy kiểm soát lại tàu v.v…nếu tất cả đều o.k, chúng tôi trở qua Đồng Tâm tiếp tục thả toán thứ hai, cũng là toán chót”. Chỗ nầy chắc có bạn hỏi : Tại sao không để Gun 2 dẫn Gun 3 thì không gián đoạn hành quân khoảng 5, 10 phút như vậy ? Xin thưa , lúc nầy trưởng phi cơ bay Gun 2 còn mới, chưa hề bay lead hành quân lần nào, qu‎‎ý vị ạ.
          Khi thấy tôi tới, 5 chiếc slicks liền quay máy cất cánh. Tôi bay trước đến LZ để gặp Gun 2 của tôi đang bị ông Đặng giữ lại, bay orbit 1500 bộ quanh LZ như ông. Qu‎ý‎ vị cũng biết vùng nầy có rất nhiều phòng không, hai chiếc bay có nhau sẽ ‘ấm lòng chiến sĩ’ hơn. Bổng tôi nghe “Tàu số 2 bị bắn, tôi phải đáp khẩn cấp”. Chúa tôi ơi, chuyện gì nữa đây, tôi quẹo gắt trở lại thì thấy chiếc số 2 đang đáp nhanh xuống cái đồn phía dưới bụng rồi có một chiếc nữa đang đeo sát chiếc số 2, rồi tôi nghe “Coi chừng ground fired”, thì ra là tiếng của Ẩn (bay chiếc Lead), tôi còn cách họ cũng khoảng 3 miles. Khi đến đó, tôi cho bắn tối đa chung quanh cái đồn rồi bay xoắn ốc xuống thắp, súng trái vẫn tiếp tục tác xạ những điểm nghi ngờ ở gần đó như bụi rậm, cây rơm, chòi vịt, giàn bầu, xuồng ghe v.v.., cái tôi sợ nhất là vc phóng B-40 vào hai chiếc đang đậu ở dưới. Nhìn lên thì thấy 3 chiếc Slicks bay không ra cái đội hình gì cả, tôi phải nhắc họ: “Một là bay V3, hai là bay ‘trail’ (hàng một), tạm thời số 3 làm ‘lead’ dẫn 2 chiếc kia bay về Đồng Tâm”. Dưới đất, chiếc số 2 tắt máy, tôi thấy T/u Hóa.P bước xuống chỉ huy đám lính đang làm gì đó. Bây giờ thì tàu C&C và chiếc Gun 2 tới. Gun 2 hỏi tôi “Diều Hâu 1 có muốn 2 xuống thấp với 1 không?” Tôi trả lời “Diều Hâu 2 giữ cao độ 1000 bộ, bay vòng nhỏ chung quanh cái đồn nầy và cho minigun bắn xa xa một chút, phải để ‎ý chúng nó có thể pháo 61 hoặc 82 ly vào chỗ hai Slicks ở dưới”. Còn ông Đặng thì hỏi han Ẩn rất nhiều, nào là : “Có ai bị thương không? Sao mà ở dưới lâu thế?”. Tôi nghe Ẩn trả lời : “Trưởng phi cơ chiếc số 2 bị thương rất nặng, rất khó mang anh ra bởi vì cái tấm ‘armor blade’ móp méo khó đẩy về phía sau. Anh cơ phi lại bị skid (Cặp càn chịu đựng thân phi cơ) đè lên bàn chân, đang nhờ mấy ông bộ binh đào đất chung quanh để rút chân anh ra”. Nhờ Ẩn nói tôi mới biết thêm, chớ thấy bên dưới thì tôi thấy rất rõ nhưng không nghe được tiếng nói thì giống như là xem ciné phim câm, chỉ đoán mò mà thôi. Tôi vẫn tiếp tục bay thật thấp quanh đồn, thỉnh thoảng thì cho tác xạ hù dọa cầm chừng, rồi tôi thấy một ông bộ binh bị thương đang đứng tựa lưng vào phía sau cánh cửa lớn của khoang hành khách, cánh cửa nầy luôn luôn được mở ra, đẩy hết về phía sau trong lúc bay hành quân, rồi vòng kế tiếp tôi quan sát kỹ ông nầy, thì ra ông bị vật gì phải thật sắc bén lắm mới thẻo đứt một mảng da thịt ở bụng, ruột bung ra, ổng cứ lấy hai tay tự ấn ruột vào, trông rất thương tâm. Ông Đặng bảo Ẩn : “Hãy để mấy ông lính ở lại đồn nầy, mình chỉ chở phi hành đoàn chiếc số 2 về đáp hồ nước ngọt cấp cứu”. Tôi cũng lên tiếng : “ Tôi thấy có một ông bộ binh bị thương rất nặng, đổ ruột ra ngoài, Hồng Mã Lead hãy chở ông luôn, làm phước nhé ”. Cuối cùng thì T/u Viễn cũng được khiên ra và chuyển qua chiếc Lead, anh cơ phi bị thương ở chân cũng được quân bạn cổng lên tàu cùng một lúc với ông bộ binh bị thương đổ ruột, sau cùng T/u Hóa và anh xạ thủ phi hành cùng bước lên tàu. Ẩn gọi tôi cho biết là Ẩn cất cánh, tôi bám sát bên Ẩn đến lúc cả hai có được cao độ an toàn. Bây giờ Ẩn mới báo cho mọi người biết là : “T/u Viễn ra đi rồi”. Chao ôi, tôi có nghe lầm không ? Tôi cảm thấy như là có cái đau buốc trong lòng, thật nghẹn ngào, hai mắt cay xè. Tôi giao cần lái cho T/u Công, bảo anh bay theo chiếc Lead. Rồi tôi lại nghe ông Đặng ra lệnh : “ Diều Hâu 1, 2 cũng theo chiếc Lead về đáp ở hồ nước ngọt ” như vậy là đúng ‎ý của tôi vì tôi rất muốn nhìn thấy mặt T/u Viễn lần cuối. Lúc nầy mọi vô tuyến thật im lặng, hình như mọi người đang cầu nguyện cho Viễn, duy chỉ có máy FM là còn ồn ào bởi vì quân bạn đang điều quân để chiếm mục tiêu. Tôi chỉ vặn volume nhỏ lại chứ không tắt, vì cần phải theo dõi họ, cũng may họ chưa chạm địch nên họ chưa kêu réo chúng tôi. Thế rồi 4 chiếc nối đuôi đáp xuống hồ nước ngọt. Sau khi tắt máy, tôi bước nhanh đến tàu Ẩn thì nhìn thấy thi thể Viễn nằm sóng sượt trên sàn tàu, Viễn bị cắt đứt nguyên cánh tay phải đến tận bả vai, xương lòi ra và máu động thành vũng lớn nơi vết thương, mặt anh tái xanh vì mất quá nhiều máu, mắt nhắm nghiền và môi mím chặc, trông anh thật đau đớn trước lúc ra đi. Tôi không cầm được nước mắt cứ để nó tự tuôn rơi, cổ họng như cứng nghẹn. Nhìn lại sau lưng thì thấy anh Đường, cơ khí phi hành bị thương ở chân và ông bộ binh bị thương ở bụng đã được lên chiếc Jeep cải biên thành chiếc xe Ambulance chở ngay đến quân y viện, làm tôi sực nhớ, thử nhìn về chiếc Gun 3 đang đậu phía trước chiếc tàu Lead, xem Đắc và Phát đã trở lại đây chưa ? chắc là chưa. Bây giờ tất cả các phi hành đoàn của chiếc C&C, Gun 1, 2, 3, chiếc Lead tụ tập quanh đây cũng có cả Th/t bay back seater (có lẽ ông là Tham mưu trưởng Hành quân của Tiểu khu Định Tường) chúng tôi im lặng, vẻ mặt ai cũng đăm chiêu buồn bã, không nói với nhau nhiều, thỉnh thoảng chúng tôi hỏi thăm T/u Hóa, mọi người đều tấm tắc khen anh rất bình tỉnh để đáp an toàn xuống đồn Nghĩa quân. Ông Đặng đã nhờ Th/t bộ binh giúp đở phương tiện là đưa thi thể T/u Viễn vào nhà xác để tắm rửa sạch sẽ, sửa thế nằm ngay ngắn và xin gởi vào phòng đông đá trong thời gian chúng tôi còn hành quân. Thật ra không phải di chuyển thân xác anh đi đâu xa vì ban tống táng, tẩn liệm của phòng Năm Tiểu khu nằm ngay trong khu hồ nước ngọt.

          Dường như bên phía bộ binh, Th/t Tham mưu trưởng đã trình lên với Tiểu khu trưởng là đã có một sự tổn thất quá lớn bên phía KQ nên lệnh hành quân được hủy bỏ, có nghĩa không đổ thêm quân nữa nhưng chúng tôi phải bốc về cái toán quân đã thả xuống LZ. Ông Đặng ra lệnh tất cả chúng tôi trở qua phi trường Đồng Tâm, chỉ trừ Gun 3 vì chưa có hoa tiêu. T/u Hóa, anh Tùng (xạ thủ chiếc Slick ngộ nạn) xin ở lại đây. Tôi về tàu mình quay máy, nhưng luôn nghĩ về trường hợp tử thương kỳ quái của T/u Viễn cũng như cái kiểu bị thương lạ lùng của ông bộ binh, bổng đầu tôi chợt lóe ra một nghi vấn : rất có thể chiếc tàu Viễn không phải trúng đạn phòng không, mà có thể có ông bộ binh nào đó nghịch ngợm đã làm nổ lựu đạn trên khoang tàu ? Tôi nghi là lựu nổ ngay kẹt cửa phía bên phải, khi đó Viễn ngồi nghỉ đang lúc T/u Hóa bay, tay phải Viễn gác lên trên tấm bửng chống đạn (armor blade) nên mới bị miễng cắt đứt cánh tay, chớ toàn thân còn lại thì không thấy có vết thương nào nữa cả. Còn chuyện lạ nữa là ngoài Viễn và ông bộ binh ra thì chẳng ai hề hấn gì. Có thể đây là trái lựu đạn nhỏ mà mấy ổng ‘chơi banh đũa’ lúc ở phi trường, chớ loại M26 thì khủng khiếp lắm. Tôi hứa với lòng là phải quan sát kỹ lại cánh cửa phía bên anh Viễn, nhất là phía ngoài coi có phải là trúng đạn phòng không khi tôi có dịp bảo vệ hai chiếc Slicks đáp xuống đồn để bốc 2 toán quân đã bỏ lại ở đó. Gần đáp Đồng Tâm, tôi gọi C&C cho biết là 2 tàu Guns cần ‘rearmed’ (trang bị thêm rockets và đạn 7.62 ly cho 2 súng Gatling guns). Thế là hai chiếc Guns 1 , 2 đáp rồi tắt máy ngay mấy cái kho chứa đạn và rockets, tôi nhờ thêm vài anh cơ phi và xạ thủ bay Slicks gần đó đến phụ giúp chúng tôi ‘Loaded’ cho lẹ. Và rồi chuyện ‘rearmed’ cũng xong, hai chiếc Guns quay máy và cả hợp đoàn cũng quay máy theo. Tàu C&C cất cánh trước, hai chiếc Guns của tôi theo sau, sau cùng là 4 chiếc Slicks bay hợp đoàn đội hình ‘Diamond’ (hình thoi), lượng nhiên liệu mỗi tàu còn khoảng nửa bình, như vậy là rất tốt cho 4 Slicks phải cõng 60 ông bộ binh từ LZ đem về Đồng Tâm. Đường tới PZ [ Giờ thì không thể gọi là LZ được nữa mà phải gọi PZ có nghĩa là bãi bốc quân (Picking up Zone) ] cũng còn xa nên tôi bàn hai anh xạ thủ ‘ruột’ của tôi, đó là Tr/s nhất: N.Vũ Kính và Tr/s Diệp (Trưởng toán xạ thủ) ‎ý tôi muốn hai cụ lát nữa đây hãy tác xạ theo kiểu gục gặc nòng súng, chớ đừng bắn theo lối quét ngang, tôi muốn targets phải hứng đạn dày đặc hơn, hai cụ nầy rất đồng ‎ý cái khoảng nầy. Tôi cũng nhắc chiếc Lead “Nhớ cho hợp đoàn vào ‘Trail’ (hàng một) lúc ở ‘Final’, sau khi bốc quân hợp đoàn làm hai lần quẹo trái đi ra ”. Bây giờ PZ cách tôi chừng khoảng 2 miles, tôi gọi quân bạn, xin họ thả một quả khói màu đánh dấu bãi bốc và hỏi kỹ “tất cả ‘con cái’ (toán quân) của bạn chỉ ở tại khói màu thôi phải không?” Họ đốt trái khói màu xanh lá cây và cho biết là con cái của họ chỉ ở gần quanh trái khói. Tôi và số hai xuống sát mặt đất, đầu tiên là bay tới toán quân phía dưới, thấy rõ là họ đang đứng chia làm 4 nhóm sẵn sàng để đợi Slicks xuống bốc về, như vậy là quá tốt. Tôi bảo họ cứ tiếp tục đốt khói màu để tránh ngộ nhận trong lúc hai Diều Hầu ra tay “bào láng” cái vùng nầy. Nầy ‘vịt con’, tụi con hãy xem Diều Hâu trả thù, bọn ‘qua’ mà ‘quánh’ không đẹp là không phải Diều Hâu nữa. Tôi và Gun 2 sắp bay vòng tròn phía ngoài quân bạn, nếu lấy chỗ đứng quân bạn là tâm điểm thì vòng tròn thứ nhất có bán kính là 200 mét, chúng tôi đánh rockets theo lối cận chiến nghĩa là cho rocket nổ cách mình chừng 3,4 chục mét thôi, vì vậy phải bay low level (bay sát mặt đất) và chỉ phóng rocket lúc đang quẹo, tôi và San đã phải luyện tập lối đánh nầy rất nhiều lần nên mới chơi chiêu nầy được. Cái thế đánh rocket nầy được mấy ông bạn xạ thủ Gunsip đặt tên là thế đánh ‘cẩu tè’ vì lúc đánh cũng là lúc quẹo, tất nhiên tàu phải nghiêng nghiêng, hình dạng giống như chú cẩu đang tè, còn hai ông phía sau đánh theo lối ‘lúc lắc cọng lạp xưởng’ (đàn ông sau khi tiểu xong). Vòng thứ hai chúng tôi nong cái vòng tròn rộng ra , bán kính bây giờ là 250 mét cũng tiếp tục lối đánh đó và đánh thật nhiều con rạch chạy hướng nam-bắc mà chúng tôi tin rằng bọn ‘chuột’ nấp nơi đó bắn sẻ chúng tôi, vòng thứ ba nong thêm 50 mét nữa thì đã thấy hợp đoàn Skicks đang ở ‘cross-wind’ (gió ngang), tôi bảo Slicks vào đáp ngay trái khói mà quân bạn đã đốt đó. Chúng tôi tiếp tục đánh một vòng nữa rồi ra rước Slicks vào, cũng như lần trước Gun 1 bảo vệ bên sườn trái của hợp đoàn đang bay hàng một, Gun 2 bảo vệ bên sườn phải. Thế là 4 Slicks bốc hết quân và ra được an toàn, mỗi Slick phải cõng đến 15 ông bộ binh đem về đáp lại Đồng Tâm. Bây giờ Gun 1 và Gun 2 cũng rời vùng rồi bay tà tà đến cái đồn mà tàu của T/u Viễn nằm dưới đó, chúng tôi chỉ bay vòng vòng thôi để chờ 2 Slicks tới bốc quân. Tôi gọi chiếc Lead, chỉ muốn dặn dò là “ Khi đến bốc quân thì chiếc số hai nên bay xa chiếc Lead một chút vì bên dưới chỉ có mỗi một chỗ đáp mà thôi, phải đợi chiếc Lead lên, thì chiếc số hai mới xuống được ”. Khoảng 10 phút sau thì tôi đã thấy dạng hai chiếc Slicks tới, tôi gọi Ẩn và Hồng : “ Lead hãy làm ‘overhead approach’ (cúp ga, xuống lối xoắn ốc). Khi nào chiếc ‘Lead’ lên xong thì chiếc  ‘Trail’ cũng phải làm như thế, Ok?”. Xong tôi gọi Gun 2 “ Diều Hâu 2 cứ ở trên cao như lần trước, hãy quan sát kỹ coi chừng bị chúng pháo ” và tôi bắt đầu xuống thấp bay chung quanh cái đồn bảo vệ mặt dưới. Tôi cũng không quên là phải quan sát cánh cửa bên phía Viễn. Nhưng hởi ơi, cánh cửa ấy đã được T/u Hóa giật ‘Jettison cable’(chốt bản lề) cho rớt ra và thảy nó xuống dưới gầm tàu để trống chỗ, mang T/u Viễn ra cho dễ. Bây giờ chỉ còn một cách là có dịp hỏi lại Hóa như : Hóa thấy phía ngoài cánh cửa ra sao? có dấu vết gì là bị phòng không bắn lên không? Hay là tên lính say nào quờ quạng làm nổ lựu đạn trên tàu? Rất có thể thủ phạm là cái ông bị thương đổ ruột ra đó? v.v… Cuối cùng thì Ẩn và Hồng đã lần lượt làm ‘overhead landing’ mang tất cả quân bạn về lại phi trường Đồng Tâm.
          Bây giờ thì công tác hành quân hôm nay của chúng tôi coi như hoàn tất. Cả 5 chiếc tàu lần lượt vô đổ xăng (C&C, 2 Gunships, 2 Slicks) còn 2 Slicks tắt máy nằm chờ, chắc là đã đổ xăng đầy rồi. Trong lúc đổ xăng thì Ẩn ra hiệu cho hai chiếc kia quay máy. Ông Đặng bảo : “Tất cả hãy bay qua hồ nước ngọt để anh em chúng ta chào T/u Viễn lần cuối. Sau đó, tôi sẽ mang xác anh về KQ Tử Sĩ Đường”. Gun1 và 2 cất cánh theo C&C bay qua hồ nước ngọt, hợp đoàn 4 chiếc Slicks cũng theo sau. Đáp xuống xong, tôi đã thấy Đắc, Phát và Đường, tôi liền đến hỏi thăm họ. Đắc cho biết bác sĩ đã khám thật kỹ vòng quanh cổ, không thấy có đầu đạn nào nằm trong đó cả nên sát trùng vết thương, băng lại, yêu cầu ngưng bay 2 tuần, sau đó tái khám tại bệnh xá đơn vị và ông cho một mớ thuốc uống nào là chống nhiễm trùng, nào là thuốc đau nhức v.v... Tôi nghe vậy cũng mừng cho anh, rồi tôi rũ anh lát nữa lên tàu tôi về nhà vì nón bay, áo giáp, dây đeo súng của Đắc còn trên tàu tôi. Quay sang hỏi thăm Đường “Bác sĩ đã khám chưa mà ra sớm vậy ông?”. Đường mới thú nhận: “Khi vào đó, mới biết là còn phải chờ rất lâu mới tới phiên mình. Mình nghĩ là chỉ bị bong gân nhẹ thôi, anh. Kế đến, Đường thấy hai anh Đắc, Phát đi ngang qua, Đường mừng quá theo hai anh ấy về đây”. Nghe ổng nói như vậy, tôi chịu thua ổng luôn. Hiện tại Đường đã tháo giày ra, đi chân không vì vậy tôi mới thấy bàn chân sưng vù của ổng, thấy thương ổng quá. Cũng may cho Đường, hôm nay mang đôi ‘botte’ mới toanh do bố vợ là Tiểu đoàn trưởng bộ binh tặng, nên cũng che chở bàn chân của ổng phần nào, vả lại đất vùng đó là loại đất phù sa xốp mềm, dễ lún. Tôi quên nói, chỗ hai ông Hóa và Ẩn đáp là những luống đất trồng khóm (thơm) của mấy ông lính Nghĩa quân trong đồn, khóm đã ra trái lớn bằng nắm tay rồi, thế mà hai ông nầy “quậy nát” đám khóm của người ta. Ông Đặng thấy Đắc và Đường đứng đây, ông tới hỏi thăm. Đắc kể với ông cũng giống như đã nói với tôi, tôi thấy ông Đặng có vẻ mừng cho Đắc, xong rồi quay qua hỏi thăm Đường, nghe Đường kể, ông rày liền : “ Không giởn mặt như vậy được, nếu bị infected (nhiễm trùng) bác sĩ cưa chân anh đấy. Lên tàu tôi, tôi đưa anh về khám ở Tổng Y Viện Cộng Hòa”. Đến đây thì ban lo hậu sự của TK Định Tường đưa xác anh Viễn tới, thi thể anh được đặt trong ‘Zip Bag’ màu cam nằm trên ‘băng ka’, rồi họ cáng thi thể đưa vào khoang tàu của tàu của ông Đặng, hai ghế vải ‘back seaters’ đã được tháo ra trước đó, họ nhấc anh lên để họ lấy lại cái băng ka của họ và đặt anh nằm xuống sàn tàu. Tất cả anh em bay hôm nay đứng vây quanh đây, tất cả đều im lặng như cầu nguyện cho anh và rồi từng người đến chào anh lần cuối. Sau đó ông Đặng hỏi : “Trong anh em, có ai biết nhà anh Viễn ở SG không?”, có một vài anh biết, nhưng không nhớ số nhà, nhưng cho biết nhà Viễn ở ngoài đường lớn rất dễ tìm, chỉ cần đến khu phố đó, hỏi thăm sẽ ra ngay. Ông Đặng ghi xuống giấy tất cả chi tiết đó để nhờ nhân viên phục vụ ở Tử Sĩ Đường thông báo với gia đình anh Viễn. Đến đây Ông Đặng quay máy cất cánh về Tân Sơn Nhất…Bọn chúng tôi uể oải trở lại tàu mình. 
          Trông tôi thật là chán chường, nhưng phải quay máy vì cái trigger (bộ phận mở máy) nằm trên ‘collective pitch’(cần điều khiển lên xuống) bên ghế phải, chớ bên phía copil không có. Tôi tăng tour lên đủ 6,400 rpm rồi giao controls cho T/u Công muốn làm gì đó thì làm. Tâm trạng tôi bấy giờ thật là chán nản, ê chề, tay phải luồn qua túi áo bay bên cánh tay trái, mở fermeture moi gói Capstan đầu lọc ra hút rồi kéo visor kiến râm xuống che mắt, đầu óc cứ nghĩ ngợi mong lung nhất là cảm thấy thật đau buồn vì đây là lần đầu tiên phi đội tôi gặp chuyện xui xẻo lớn như thế. Tôi nhận phi độ II từ khi T/u Chu rời PĐ 225 để đến PĐ khác nhận một chức vụ cao hơn. Tôi rất hãnh diện vì đây là một phi đội giỏi, tất cà anh em bay rất khá, nếu bay lead thì không ai qua được: Luông và Ẩn, còn bay ‘Wing-man’ (hợp đoàn) thì đã có những : Hồng.N, Thành.H, Quân.L, Mến.N v.v...họ bay formation dính như sam vậy. Hôm nay, tôi mất Viễn. Tôi luôn hình dung về anh, thân thể to lớn khỏe mạnh, tóc tai luôn húi cao kiểu quân trường, có thể anh cao trên 1mét 80 mà lại mập mạp nên trông anh giống như ông cố vấn Mỹ, anh có nước da trắng trẻo của người Hoa, ít nói có lẽ vì anh nói tiếng Việt không thông thạo lắm nhưng bù lại anh rất vui vẻ, tươi cười bất cứ ai đến bắt chuyện với anh. Theo tôi biết thì phi đoàn chúng tôi có gần một chục anh người Việt gốc Hoa, gọi tắc là người Hoa giống như anh nầy và ngộ cái nữa là phần lớn các anh ấy lại ở trong phi đội tôi. Tôi cũng nhờ tôi mê đọc truyện tàu cũng như lịch sử Việt cận đại nên mới hiểu người nhiều về người Hoa, càng hiểu tôi càng quí mến các vị nầy. Họ là hậu duệ, là chắc chít  của những danh sĩ hay danh tướng lẫy lừng như : Trịnh Hoài Đức, Mạc Thiên Tứ, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Châu văn Tiếp, Trương Minh Giảng, Tống Phước Hiệp, Phan Xích Long v.v…và tổ tiên của họ là những Thượng tướng ái quốc, những anh hùng của Minh triều, đó là : Trần Thượng Xuyên (Còn có cái tên nữa là Trịnh Thắng Tài, là ông nội của Trịnh Hoài Đức), Dương Ngạn Địch và Mạc Cửu. Ba vị tướng nầy rất bất mãn, thù ghét triều đại nhà Thanh, cho rằng người Mãn Châu vốn dĩ là dân Tiên Ti, là rợ Kim nên không đáng cho họ thần phục, họ hô hào chiến dịch “Phù Minh, diệt Thanh” nhưng cơ mưu bại lộ nên họ đem toàn bộ gia quyến cùng dân xóm làng xuống tàu xuôi về phương nam, làm di dân đi tìm đất sống mới. May mắn thay cho 3 nhóm di dân nầy gặp được đấng minh quân đất Việt bấy giờ là chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) là người nhân từ, đức độ cũng như người dân Việt giàu lòng bác ái, hảo tâm sẵn sàng dang rộng đôi tay cứu giúp họ, cho họ được an cư những nơi : Cù lao Phố-Đồng Nai cho nhóm Trần Thượng Xuyên, Mỹ Tho cho nhóm Dương Ngạn Địch và Hà Tiên cho nhóm Mạc Cửu. Khi viết đến đây tôi lại liên tưởng đến cái “Luật Nhân Quả” của Thích Ca Mâu Ni vì thế xin bạn đọc cho phép tôi lái xe leo lên lề một tí. Đúng ba trăm năm về trước vị chúa nước Nam và tiền nhân của chúng ta đã gieo hạt ‘Nhân’ thật tốt đẹp là cứu giúp người di cư tị nạn, nên khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền nam 1975, có hơn hai trăm nghìn dân quân bỏ nước ra đi thì cũng được chánh phủ và nhân dân các quốc gia như: Hoa Kỳ, Anh quốc, Pháp, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi v.v… ra tay cưu mang, giúp đở chúng ta, như thể là hạt giống năm xưa đã thành cây đơm hoa kết trái rồi chăng? Đây là một trong những lập luận vững chắc nhất để biện minh cho “Luật Nhân Quả” đúng vậy không? Thưa bạn đọc. Thôi tôi trở lại trang k‎ý‎ sự :
          Tôi mãi mê nghĩ ngợi mong lung, tỉnh người ra thì đã về tới phi trường Sóc Trăng. T/u Công bay sau đuôi 4 Slicks và dẫn 2 chiếc Gun 2 và Gun 3 đáp xuống phi trường, xong hắn đem tàu tới P.O.L để ‘refuel’(đổ đầy xăng), sau đó đem tàu vô ụ tắt máy. Ba mươi anh em vác áo giáp, xách nón bay lếch thếch đi vào phòng hành quân, nơi đây có hơn mười anh em chờ đón chúng tôi để biết thêm về tai nạn ngày hôm nay. Tôi chỉ trả lời một cách nhát gừng nếu ai hỏi mình. Tôi nhắc Công ghi giờ bay vào sổ phi vụ lệnh, còn tôi trở về phòng mình. Bây giờ khoảng 17:30, tôi nghĩ mình nên đi tắm rửa, thay quần áo civil xem thấy có khỏe người ra không ? Xong rồi, cho dù bụng chưa đói nhưng chân vẫn bước về hướng Câu Lạc Bộ Sĩ Quan để gặp bạn bè tán gẫu cho đở buồn. Thôi thì ăn ít, ăn nhiều gì ở đó cho xong, chớ lỡ sót ruột vào giữa đêm thì làm sao làm sao ngủ được đây. Ăn xong tôi cùng vài bạn bách bộ về khu ‘hangar’ 1, bên hông phòng hành quân của PĐ. Trước hangar là bãi đậu của các tàu bay bị bệnh, chờ được kéo vô trong sửa chữa, khu bãi đậu nầy rất rộng lớn, được tráng xi măng dày , sạch sẽ thoáng mát, vì mặt trước là phi đạo, phía bên kia phi đạo là hàng rào an ninh phi trường, bên ngoài là lộ xe đi Bạc Liêu và bên kia con lộ là đồng ruộng bao la. Chiều chiều gió đồng dạt dào thổi tạt vào đây làm cho con người cảm thấy khoan khoái dễ chịu, vì vậy nếu không ra phố Sóc Trăng chơi, chúng tôi thường tụ tập nơi đây, tán dóc hoặc xem các bạn chơi ‘volley’ ở sân cỏ bên cạnh đó. Tôi gặp Đắc cũng có mặt với vài người bạn, trông Đắc có vẻ không vui, tôi hỏi thăm : “Đắc khỏe không?”. Đắc phàn nàn là hơi bị chóng mặt, cảm thấy mặt phía bên phải dường như nặng nề và đầu đổ nhiều mồ hôi, chảy xuống trán, Đắc đã lau ướt cả chiếc khăn mouchoir. Trong nhóm tôi có một anh khá hiểu biết, anh nói : “Đắc mới bị thương mà có những triệu chứng như vầy là không tốt. Hay là chúng ta đưa anh đến bệnh xá căn cứ xem sao”. Thế là ba bốn bạn 'hộ tống' Đắc xuống bệnh xá, cách đây chừng 50m thôi. Chúng tôi gặp anh quân nhân y tá trực, chúng tôi cho anh biết l‎ý do anh em chúng tôi đến đây. Anh y tá đi tìm ngay Bác sĩ Th/tá Y sĩ trưởng bệnh xá cho chúng tôi. Xin nhớ cho bây giờ đã hơn 19:00 giờ nghĩa là ngoài giờ làm việc hành chánh. Đợi chừng 15 phút thì bác sĩ T. đến, Đắc trình bày hết sự việc như bị thương thế nào, đã được QYV Mỹ Tho chữa trị ra sao v.v..và bây giờ thấy bị chóng mặt, ra nhiều mồ hôi ở đầu v.v..Bác sĩ T. khám Đắc tại bàn làm việc, chứ không đưa vô phòng khám và chúng tôi cũng được ở đây với Đắc. Việc đầu tiên ông tháo băng ở vết thương của Đắc, xem xét xong, ông thay băng khác cho anh. Ông cũng ấn tay vào chung quanh cổ, hỏi Đắc có đau không. Đắc trả lời “thưa không”. Ông nghĩ là nên chụp “X ray” phía trước mặt của Đắc, ông gọi y tá trực đi kiếm ông chuyên viên chụp quang tuyến vào đây. Khoảng 10 phút sau ông chuyên viên nầy tới và đưa Đắc tới phòng quang tuyến chụp hình X ray như b/s yêu cầu. Chụp xong Đắc trở ra với chúng tôi. Trong lúc chờ đợi hình chụp, b/s T. vui vẻ hỏi thăm và nói chuyện với chúng tôi, ông có vẻ mến chúng tôi  vì chúng tôi rất thường cho ông quá giang tàu về SG thăm gia đình. Hình chụp đã khô, ông chuyên viên đem trình cho b/s T. và nói “ không tốt rồi ông thầy ơi”. B/s T. treo hình lên khung đèn, ông nhìn kỹ đã thấy đầu đạn ở soan mũi rồi chỉ cho anh em chúng tôi xem. Đắc rớt nước mắt, mặt tái xanh vì mất tinh thần. B/s an ủi “Cũng may trên đường đi, đầu đạn ác ôn kia không phá vở dây thần kinh nào nên anh không bị tê liệt hoặc câm điếc mù, có lẽ viên đạn đã đi hết tầm nên mới chịu nằm yên nơi đó”. Quay qua chúng tôi, ông nói “Tốt nhất là các anh đưa bạn về Tổng Y Viện C.H càng sớm càng tốt, chứ ở đây ngay cả bên Trương Bá Hân (QYV/ SócTrăng) cũng không giúp gì cho anh ấy được”. Nói xong, b/s T. viết giấy giới thiệu nhập viện trao cho Đắc và luôn cả hình chụp X Ray. Chúng tôi cám ơn bác sĩ, xong rồi vài bạn đưa Đắc về phòng soạn quần áo và những thứ cần dùng đem theo vì anh chắc phải ở nhà thương khá lâu. Còn vài anh khác đến tìm Tr/tá phi đoàn trưởng để tường trình sự việc cấp bách như vậy, nhưng không gặp ông. Chúng tôi nhớ lại cái ông số 3 của PĐ là Đ/úy Chừng, Sĩ quan Hành quân chắc còn đang chơi billard ở Câu Lạc Bộ, chúng tôi đến đó liền, may mắn gặp ông ta và nói cho ông ta biết cái chuyện của Đắc đi tái khám ở bệnh xá ra sao v.v…Đ/úy Chừng có vẻ hốt hoảng nói : “ Các anh nói Sĩ quan trực gọi liền qua Hành quân chiến cuộc xin gắp một chiếc tàu và số phi vụ, tôi sẽ đưa Đắc về TYV/CH ngay bây giờ.” Rất hoan nghênh niên trưởng …
          Chúng tôi tiễn Đắc đến tận tàu bay, chúc Đắc thật nhiều may mắn. Tôi trở về phòng mình nằm vật ra giường, đầu óc cứ nghĩ ngợi mong lung, tâm tư như đang gặm nhấm một nỗi buồn da diết. Nhìn đồng hồ để bàn thì đã thấy 23:30 rồi, mình cần phải ngủ mới được vì ngày mai còn bay yểm trợ cho Hồng Điểu ( Phi đội tản thương ), phi vụ nầy cũng trần ai, khoai củ chớ chẳng chơi, nhất là nếu phải vô kinh Lai Hiếu ở vùng Phụng Hiệp thì luôn luôn có màn đấu súng với mấy ông du kích già việt cộng. Tôi nhắm mắt rồi tưởng tượng mình đang chăn một bầy cừu vĩ đại tại một miền thảo nguyên nào đó, mình thử đếm chúng có bao nhiêu con tất cả, tôi đếm đây : một con cừu, hai con cừu, ba con cừu ….đã đếm tới con cừu thứ 819 rồi, mà vẫn chưa ngủ. Tôi chợt nhớ mấy cụ lốc cốc tử, mấy thầy xốc mu rùa họ thường bấm lóng tay để tính ra ngày nào là ngày hoàng đạo, tức là ngày lành tháng tốt, mọi việc rơi vào ngày nầy thì luôn được suôn sẻ, hạnh thông v.v... Ngược lại nếu rơi vào ngày hắc đạo thì ôi thôi vô cùng xấu, đen như đồ nhà khó, như mõm chó mực. Nếu thật vậy thì chắc ngày hôm nay phi đội mình  “gặp ngày hắc đạo” ...

          Diều Hâu Nguyên Quân ( HNPD )
Chú thích._Đây là chuyện thật người thật, vì vậy những nhân vật trong truyện bởi do sự tế nhị phải đổi tên khác. Duy các anh nay đã mất, tôi mới dám viết tên thật của các anh : Đ/u Ngô Vĩnh Viễn, Đ/u Thành (Hà), Tr/u Phát, Tr/u Công, Th/S Nguyễn Vũ Kính hầu để vinh danh các anh đã bỏ một quãng đời trai trẻ trong cuộc chiến giành chánh nghĩa của chúng ta. Và NQ cũng chân thành cám ơn quý bạn đọc...

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn