Nắm tro cốt nhục

Thứ Năm, 08 Tháng Tám 20197:03 CH(Xem: 7903)
Nắm tro cốt nhục

Nắm tro cốt nhục

Cỏ Biển

Tiếng loa thông báo phi cơ đang hạ độ cao chuẩn bị tiếp đất yêu cầu hành khách cài lại dây an toàn cho tôi biết mình sắp sửa gặp lại những người thân trong gia đình. Không còn niềm vui háo hức rộn ràng như nhiều lần trước, cõi lòng tôi giờ trĩu nặng đau buồn, nước mắt cứ mấp mé bờ mi ! Mấy tiếng đồng hồ chờ đợi ở phi trường Đài Bắc tôi đã được các em gửi live stream buổi lễ cúng một trăm ngày của đứa em trai Út đang diễn ra trong chùa, nơi đặt tro cốt của nó. Lần về này là lần đầu tiên kể từ đây và mãi mãi tôi không còn thấy hình dáng của nó, không còn thấy cảnh nó lăng xăng mang vác hành lý của tôi ra xe, mở cửa căn nhà dành riêng cho những người thân trong gia đình mỗi lần về thăm quê hương trú ngụ.

oOo

– Dậy, dậy đi con, dậy đi với má.

Không giống bà chị, tôi là người ngủ rất sẽ thức nên má lay tôi dậy, lồm cồm ngồi lên vừa dụi mắt tôi vừa hỏi :

– Đi đâu vậy má ?
– Đi sanh em…

Câu nói ngắn ngủn kèm theo cái nhăn mặt của má, tôi nghĩ chắc là má đang đau. Nhảy phóc xuống giường thấy má đã cầm sẵn giỏ đồ đã chuẩn bị nhiều ngày trước, má nói với tôi :

– Xách theo cái đèn nữa

Cái đèn là cái hộp hình chữ nhật treo tòn teng trên cái móc nhỏ trong có cái đèn dầu đang leo lét cháy, giống hệt cái đèn mấy bà bán chè thưng, đậu đen bột khoai ban đêm hay móc một bên đầu gánh. Từ nhà ra đến đường cái là một quãng ngắn nhưng má đi rất chậm, tôi hai tay một bên xách đèn một tay níu áo má, hai mẹ con dìu nhau đi lên dốc cầu. Khu vực nhà tôi ở dù chỉ cách một con sông nhưng người ta lại cho rằng nơi đây là khu ngoại ô khác với bên kia sông là thành phố.

Trong giờ giới nghiêm khuya như vậy, dốc cầu vẫn có một người lính cảnh sát đứng gác, ông ta hỏi má, chắc là hỏi cho có vì ông thấy má tôi với cái bụng lùm lùm giờ này mà đi ra ngoài đường chỉ có đi sanh thôi.

– Chị đi nhà bảo sanh nào, gần không ?
– Dạ nhà sanh tư của một bà mụ nằm bên kia dốc cầu thôi, gần đường Trần Hưng Đạo
– Chị đi nổi không ?
– Dạ được

Má tôi đáp.

Hai má con chầm chậm đi lên cầu, đường vắng ngắt không một bóng người. Dọc trên cầu đèn đường sáng choang, cái đèn dầu tôi cầm ở tay chỉ là hình thức theo thông báo đi trong giờ giới nghiêm phải cầm đèn. Giữa thập niên sáu mươi xã hôi vẫn còn rất thanh bình yên ổn, ai cũng tuân thủ pháp luật đàng hoàng.

Trong khi má vào phòng sanh tôi ngồi bên ngoài lơ mơ ngủ gục nên không biết lâu hay mau. Nhà bảo sanh là một gian nhà hai căn nằm giữa dãy phố, trong nhà có chia nhiều phòng nhỏ, tôi nghe loáng thoáng trong lúc mơ màng tiếng bà mụ nói : “Ráng lên, cố gắng lên…” sau đó là tiếng thở mạnh dường như của má tôi rồi có tiếng khóc oe óe nhỏ xíu. Một lát sau người phụ nữ đứng tuổi đi ra chắc là bà mụ vì tay bà ôm một cái bọc nhỏ nói với tôi :

– Má con sinh non nên em trai con ra đời bị thiếu tháng

Report this ad

Bà bồng đứa nhỏ vào một gian phòng, tôi đi theo thấy bà đặt em vào cái nôi bé xíu. Nôi không lớn nhưng em tôi lại quá nhỏ phải nhìn kỹ bên trong cái bọc vải bà mới đặt xuống mới thấy có một sinh vật đang ngọ ngoạy trong đó. Ngồi cạnh cái nôi tôi chăm chú nhìn, thoạt đầu trông em nhỏ như con mèo, cái nôi bị khuất góc ánh sáng nên nhìn em lại giống con khỉ con hơn bởi làn da nhăn nheo đen đen, tái tái. Bỗng em cựa quậy đảo ánh mắt đen nhánh nhìn quanh, tôi lại thấy em giống một con búp bê xấu xí với bàn tay đang quơ quơ vào khoảng không, tôi bèn đặt ngón tay út của mình vào lòng bàn tay đứa bé, tự nhiên nó nắm chặc ngón tay tôi lại có lẽ theo phản xạ tình cờ. Ngồi không biết bao lâu mới thấy má tôi được người đàn bà khi nãy dìu vào phòng. Mệt nhọc nằm xuống má nói :

– Em sanh thiếu tháng nên chỉ có hai ký tư, thôi con về đi trông chừng mấy em ở nhà. Con nhắc ba qua ngoại nhờ cậu Năm sang ở nhà mình coi chừng giùm tụi con khi ba đi làm.

Tôi bước ra cửa nhà bảo sanh mới biết trời đã sáng từ lâu lắm, đi bộ về tôi đoán chắc ba tôi đã về nhà sau ca trực đêm rồi. Ông không nghĩ là má tôi sẽ sanh sớm như vậy vì những lần sanh trước được ước đoán chính xác ba đều có mặt ở nhà để đưa má đi sanh. Năm nay tôi mới mười ba tuổi, đứa em này là đứa em thứ tư của tôi, nó nhỏ hơn tôi mười ba năm chào đời.

Hôm sau ba chở tôi vào thăm má, nghe má nói với ba Thằng nhỏ yếu quá một ngày tím mấy lần vì lạnh, bà mụ phải đặt hai chai nuớc nóng cạnh mỗi bên để ủ cho nó ấm. Bà mụ nói chưa đến ngày sanh nhưng nước ối đã vỡ không thể chờ lâu nó sẽ ngộp thở. Sau này tôi mới biết những bé sanh thiếu tháng như em phải được đặt nằm trong lồng kính ấm áp nhưng là vì nhà bảo sanh tư không lớn lắm nên thiếu y cụ đặc biệt. Có phải ngay từ lúc lọt lòng em đã chịu thiệt thòi không gặp may mắn trong đời?

Khởi đầu là bà chị lớn cho đến em này ba má tôi đã có bảy đứa con. Từ xưa theo truyền thống ông bà trời sanh voi ắt sanh cỏ, con là lộc trời cho nên cho dù đã sáu đứa con có thêm đứa con thứ bảy ba má tôi vẫn tin em là lộc trời cho nên đặt tên em là Tấn Lộc.

Bảy đứa con nhưng với ba má em lại là đứa đầu tiên vào bệnh viện nhi đồng. Em được sáu tháng tuổi lần đầu tiên tôi trông thấy một đứa bé làm kinh, lúc ấy mặt em trắng bệch, người cứng đờ ưỡn chân duỗi ra, má la lên hàng xóm chạy vào đầy nhà người mang chanh, kẻ mang dấm, gừng và ba tôi nhanh chóng nổ máy xe mang em vào bệnh viện. Buổi chiều hôm sau ba nói với tôi :

– Con vô nhà thương trông chừng em giúp má đêm nay.

Ba tôi là công chức cấp thấp, lương bổng chỉ đủ sống nên không mướn người giúp việc, hầu hết các gia đình quân nhân, công chức khi người đàn ông đi làm bà vợ ở nhà quán xuyến việc nội trợ, nhà nào có con gái lớn bà mẹ đỡ cực nhọc một chút, vì vậy không có má ở nhà là bà chị tôi có bổn phận chăm sóc mấy đứa em, lẽ đương nhiên tôi là đứa phải vô bệnh viện phụ với má. Nhìn má tôi rất mệt mỏi bởi hôm qua bà đã thức suốt đêm chăm em đang sốt cao, má nói với tôi : Con ngồi trông chừng em hễ thấy em có gì khác thì kêu má dậy, con thấy em khô môi thì đút cho em vài giọt nước.

Em nằm trên giường, mặt trắng bệch nhỏ nhoi, xanh xao. Trên mỏ ác cắm cây kim tiêm có sợi dây nối chai nước biển treo lủng lẳng phía trên. Má dặn coi chừng em quơ tay làm sút kim, y tá phải đâm lại em sẽ bị đau lần nữa tội nghiệp em, vì vậy tôi cẩn thận ngồi một bên căng mắt chăm chú nhìn, quan sát chai nước biển đang nhỏ từng giọt một chuyền vào cơ thể em. Bỗng em nhóp nhép vành môi đỏ hồng với cặp mắt đen lay láy đang mở to nhìn tôi, khuôn mặt khôi ngô khác hẳn hình dạng con khỉ con tôi trông thấy lúc chào đời. Đút cho em từng giọt nước bằng cái muỗng nhỏ xíu khi thấy em chép miệng đòi nước. Tôi không biết mình ngồi như thế bao lâu với em vì không có ý niệm thời gian bởi thấy trong tôi tình thương tràn trề, dường như có một sợi dây cột chặc không cần nói ra ai cũng hiểu đó là tình cốt nhục. Ngày hôm sau má nói với ba rằng tôi đã thức suốt đêm không ngủ để canh chừng em trong nhà thương, chỉ là hành vi không ý thức cũng là cơ hội khiến tôi chăm chút em nhiều hơn những em kế tiếp.

Report this ad

Giống như tất cả những đứa trẻ khác trên trái đất sống hạnh phúc bên cạnh cha mẹ, chị em tôi lớn lên như cây cỏ theo quy luật tự nhiên không hề thắc mắc. Đứa lớn trông chừng đứa nhỏ giúp cha mẹ sau giờ học, hạnh phúc gia đình tôi đơn giản như câu nói của ba tôi “Thấy bầy con đủ mặt xúm xít trong các bữa ăn là ba vui vẻ, mãn nguyện rồi.”

Những tưởng cuộc sống êm đềm trôi theo dòng đời, nào ngờ chỉ trong tích tắc chiến tranh kéo về làm tan tác tổ ấm trú ẩn của gia đình vào năm Mậu thân, lửa đỏ úp chụp thiêu hủy mọi thứ khiến chỉ còn hai bàn tay trắng bắt buộc ba má tôi phải làm lại từ đầu. Thằng em mới ba tuổi cũng phải chịu chung kiếp nạn. Buổi trưa đi học về hôm nào tôi cũng thấy nó đứng bên cánh cổng sắt ngăn đôi ngôi trường thành hai khu vực. Một dãy lớp hai tầng lầu chính phủ dành riêng cho các gia đình chiến nạn tạm ngụ. Cái sân cỏ thật to nằm bên cạnh dãy lớp thứ hai người ta thường thấy ở đó có bầy trẻ nít con nhà giàu vì đa số đi học bằng xe hơi đưa rước. Những đứa trẻ trạc tuổi em được cô giáo hướng dẫn xúm xít chơi đùa, học hành theo chương trình giáo dục tân tiến của nước ngoài. Em đứng bên này cánh cổng nhìn sang thiên đường bên kia, nghiêng đầu vui ké theo chúng với đôi mắt trong veo đơn giản và nụ cười hồn nhiên của trẻ con. Tôi chưa lớn hẳn nhưng vẫn nhận ra tâm hồn mình đau đáu nỗi buồn khi thấy một lần nữa em lại sống thiệt thòi hơn, nhưng đành thôi vì đâu ai chọn được cửa khi sinh ra.

Có phải tôi với em có duyên với nhau nên khi bắt đầu xin cho em vào lớp một ba lại bận đi làm, má lo buôn bán thêm giúp ba nuôi bầy con nên tôi phải thay mặt ba cầm lá đơn ông ký sẵn mang đi nộp vào trường Sư Phạm Thực Hành. Ngôi trường này nổi tiếng của nhà nước nên số lượng người xin cho con em mình rất đông, nghe nói hơn năm trăm lá đơn nộp vào, trường chỉ nhận năm mươi chỗ. Bất kể người giàu có hay thế lực, trường tổ chức thu nhận học sinh theo thể thức bắt thăm kín nhưng công khai đọc tên trước mắt mọi người. Chính tay tôi ghi tên em và bỏ vào chiếc thùng bằng kính trong suốt. Nhà trường bóc thăm và công bố tên học sinh được nhận. Rất may mắn em được gọi và ghi tên vào danh sách. Là lớp học kiểu mẫu nên một lớp chỉ có hai mươi lăm em nhưng lại có đến hai giáo viên đứng lớp, bởi vậy người ta đua nhau xin cho con em mình vào.

Năm tháng trôi qua, em yên ổn học hành cho đến ngày mất nước. Khi ấy tôi đã kết hôn và rời gia đình trước đó một năm. Năm sau tôi về lại nhà cha mẹ khi không được tin tức gì kể từ ngày chồng tôi bị tập trung cải tạo. Một hôm ba nói với tôi bà Hiệu trưởng trường em học gửi gấy mời ba vào gặp mặt bà. Ba tôi không nói lý do nhưng khi sau khi về nhà ông rất bực tức bởi sau tháng tư bảy mươi lăm hầu như hiệu trưởng và giáo viên hầu hết là người mới từ ngoài Bắc vào. Ông giận dữ nói với tôi :

– Ba không hiểu tại sao bà ta mời ba vào, chuyện thằng Lộc nó học hành thế nào bà ấy không đề cập hay mắng vốn. Mục đích chính là bà ta có cơ hội ngồi “dạy dỗ” ba cả tiếng đồng hồ về chính trị ! Nào là trồng cây rồi trồng người, nào là Đảng và nhà nước quan tâm thế nào với thế hệ trẻ… theo lời Bác dạy, thật là lắm lời. Bà ta lên lớp khiến bực mình quá giống như ba là học trò của bả !!! Làm như tất cả cha mẹ có con cái sống trong miền Nam đều không biết cách giáo dục con cái mình.

Tôi lại nghĩ : “Chắc bà ta xem lý lịch thấy em là con ‘ngụy’ nên có ác cảm phân biệt, muốn nhân dịp này giảng chính trị với ba tôi.”

Năm đó em tôi học dở dang hình như là lớp tám, sau ngày đó nó nghỉ học luôn. Ngày xưa ba tôi rất chú trọng việc học của chị em tôi, còn bây giờ mấy đứa lớn đứa nào muốn đi học tiếp thì học còn không thì ông chẳng ép nữa, một phần trường của mấy đứa em tôi học bị chính quyền Cộng sản giải thể ngay khi họ vừa vào đến, điển hình như Quốc gia nghĩa tử, Văn hóa quân đội, Trung Thu; những học sinh của các trường này phải xin được tiếp tục học các trường khác, nhưng muốn vào học phải có giấy chứng nhận là con, em gia đình cách mạng hay cán bộ, nếu không có thì bị xem như một cách đuổi khéo con cái đám tàn dư của Mỹ Ngụy, vì vậy chúng bỗng ngẫu nhiên bị thất học. Ai đó mỉa mai “Cha mẹ có nợ máu thì giờ con phải chịu chứ sao !”

Report this ad

Cũng giống như những gia đình đông con sau năm bảy lăm, chạy cho đủ ăn mới là quan trọng. Phương tiện kiếm ăn của cả nhà hiện tại là chiếc xe vận tải má mua trước ngày mất nước hai năm, lúc đó má tôi cho mướn chở hàng hóa thuê, bây giờ ba tôi tự mình cầm lái có đứa em mới nghỉ học và anh trai lớn của nó theo phụ giúp, má đi theo nấu cơm cho ba cha con. Nguồn thu nhập chính là lương tài xế và đứa em lớn làm phụ xế được nhà nước trả lương theo chế độ của công nhân viên bởi chiếc xe đã bị bắt buộc vào công tư hợp doanh và rồi quốc doanh. Xã hội tất cả đều do nhà nước quản lý, tên má tôi là nghiệp chủ chỉ là hình thức cho biết chiếc xe còn là tài sản của bà. Mỗi ba tháng má tôi được trả một số tiền tượng trưng bằng vài chục ký gạo tiêu chuẩn, đến khi nhà nước tuyên bố quốc doanh sẽ là tài sản nhà nước và không còn đồng xu nào kể cả chục ký gạo được mua giá cung cấp. Bây giờ tôi mới hiểu nghĩa thực của hai chữ “cộng sản” tức là cộng hết tài sản của tư nhân giao về cho nhà nước. Mọi người hiểu theo cách đơn giản hai chữ “nhà nước” tức là các ông đảng viên đảng cộng sản được chỉ định làm giám đốc, phó giám đốc quản lý tất cả. Họ gom hết thu nhập từ những chiếc xe tải giống như của nhà tôi để thành lập xí nghiệp quốc doanh. Đây là ưu ái của chế độ đối với những cá nhân có tài sản nhỏ bé tự lao động, được gọi là tư sản dân tộc nên tránh được sự bắt bớ, tù đày. Trái lại đối với những tư sản, mại bản có nhà máy công ty lớn thuê mướn nhiều người giúp việc là bóc lột sức lao động của người khác nên đương nhiên bị triệt tiêu ngay qua hình thức đánh tư sản.

Thằng em Út chưa đầy mười bốn tuổi theo xe ba tôi phụ với anh làm công việc vặt vãnh, thay vỏ xe khi nổ lốp, khuân vác đỡ đần chuyện nặng nhọc cho Ba. Má kể nhỏ với tôi thằng Lộc coi vậy mà nó thương ba con lắm, ổng nằm ngủ nó hay kéo mền đắp cho ổng, ăn cơm nó lựa miếng ngon cho ổng vì nó thấy ba con cực nhọc nhiều kể từ sau giải phóng.

Hành trình của xe bây giờ phải đi theo lệnh điều động của nhà nước, mấy năm đầu chuyên chở từ miền Nam ra Bắc các máy móc, thực phẩm, lúa gạo “tất tần tật” những gì trong này có mà ngoài ấy thì không, kể cả mắm ruốc là thực phẫm hạ bạc nhất. Và thế là họ đi thành đoàn xe như đàn kiến tha mồi về tổ. Hết các thứ lại đến chở dân dọn nhà đi kinh tế mới, đôi khi chở những người tù cải tạo chuyển trại. Ở miền Nam vựa lúa Bạc Liêu nông dân chỉ ngấm ngầm bất mãn, nhưng ở các cánh đồng chạy dài theo biên giới Miên như vùng An giang, Châu Đốc đoàn xe bị nhiều áp lực bởi cặp mắt căm thù của những nông dân người Việt gốc Miên ở đây họ vốn có sẵn ác cảm với người Việt. Tất cả lúa gạo làm ra toàn bộ gom vào các hợp tác xã nông nghiệp giao cho nhà nước chở đi. Có lần trước súng ống của cán bộ áp tải họ đứng chụm lại nhìn từng bao lúa chờ mang lên xe, bỗng có con chuột xấu số chạy ra chẳng may bị họ bắt được bèn dồn hết hận thù thể hiện qua hành động, bằng cách chẳng những đập đầu con chuột mà còn dùng chân chà nó nát bét xương thịt trước mắt cán bộ cộng sản áp tải. Vì tất cả ruộng đất vào hợp tác xã, làm nhiều hay ít đều được trả công giống nhau nên nông dân không ai bỏ sức làm cỏ lúa nên gạo thóc để ăn đầy bông cỏ và sạn sỏi. Ai cũng biết muốn nấu cơm phải lựa chọn chúng cả giờ mới ăn được. Thiết nghĩ câu “Sỏi đá cũng thành cơm” chỉ có khi mọi người học được phép hô biến của phù thủy để biến sỏi thành cơm gạo.

Rời đồng bằng phía Nam lang thang khắp “miền đông kiên cường” tận cùng rừng sâu để chở những chuyến sậy về cung cấp cho nhà máy giấy, mỗi lượt đi về đều phải ngang qua những khu kinh tế mới èo uột nghèo nàn. Ở đây người dân chỉ còn biết khai phá rừng thành mảnh đất trống bằng tay chân trước khi trồng xuống cây khoai mì,loại thu hoạch ngắn hạn ngõ hầu nhanh chóng sống lây lất qua ngày. Dọc theo con đường đất đỏ đầu khu kinh tế mới Đồng Xoài chạy vào tận phía trong Minh Hưng, Bù gia Mập, Phước Bình, Bù gia Phúc hay phía quốc lộ mười ba của một thời Bình Long anh dũng, An Lộc oai hùng đều có những khu kinh tế mới. Nơi này dân trong vùng bó những cây củi từ vạt rừng đã khai hoang thành từng bó nhỏ hai ba gang tay để bán cho những chiếc xe tải chạy ngang về thành phố kiếm vài đồng, bởi cái gọi là kinh tế mới chỉ là vùng đất hoang vu bốn bề là rừng và lau sậy. Ấy vậy cũng không thể bán buôn bởi dọc theo con đường độc đạo là các trạm kiểm soát, có những tên cán bộ gọi theo cách nói của dân địa phương là bọn “mặt xanh nanh đỏ“ đầy máu lạnh. Tất cả mọi thứ từ con người cho đến nông sản trong vùng đều bị tra xét tịch thu không cho lọt ra khỏi khu vực, hình thức của ngăn sông cấm chợ. Thế nhưng có hàng đoàn chuyến xe be chở đầy gỗ quý khai thác tận rừng sâu được dễ dàng cho qua bởi đã chung chi đầy đủ từ thượng tầng xuống hạ cám. Tại các trạm kiểm lâm đầy các bó củi bị tịch thu chất thành núi bởi họ không thu được lợi từ đây. Những tên cán bộ kiểm soát thể hiện cung cách rừng nào cọp nấy còn hơn một ông vua. Trong khi ba tôi phân bua xe chỉ chở thêm chục bó củi kiếm cơm cho con, tên cán bộ thể hiện quyền uy một cách gia trưởng, quát tháo bắt ba tôi vào trạm gỡ xuống chiếc kính trắng của ông mới được nói chuyện với họ. Thằng em út tức quá cự cãi :

Report this ad

– Ba tôi già rồi biểu gỡ kiếng xuống làm sao ổng thấy đường

Nghe vậy tên này nhào đến bạt tai thằng em tôi thị uy. Ba tôi sợ xảy ra chuyện không hay nên nạt đùa thằng em đuổi nó đi trong khi má tôi ôm đứa em lớn của tôi sợ nó bênh em không kiềm chế được. Trong khi tên đánh em tôi vênh váo đi vào trạm, bên ngoài tên khác xua cho xe ba tôi đi vì chuyện xảy ra có nhiều đồng nghiệp trong đoàn xe chứng kiến vây quanh. Tội nghiệp em tôi do bênh vực cha nên bị chúng đánh dằn mặt, chúng chỉ có ỷ thế hiếp đáp dân lành. Nhiều lần tôi đi thăm chồng trên núi Bà Rá, Phước Long phải đi bằng con đường đất đỏ độc đạo ngang qua Đồng Xoài, lượt về ngồi chung xe cùng một số cô gái trẻ làm phu cạo mủ nông trường Bình Long, các cô than thở,

– Tui về thăm nhà mang có một ký tiêu, nửa ký cà phê cũng bị xét bắt, tịch thu. Mình là phu cạo mủ cũng là công nhân viên chứ đâu phải dân buôn chuyến đâu.

Một cô khác lên giọng :

– Tại mày mang ít quá nó không có ăn, chứ mày mang nhiều là đi qua hết đó con.

Cô khác với khuôn mặt vóc dáng xanh xao phân bua với tay lơ xe :

– Đời phu cạo mủ khốn khổ lắm anh ơi ! Nhưng vẫn đỡ hơn là về thành phố bị đuổi đi kinh tế mới. Mấy anh giúp đỡ giấu dùm, tụi em mang ơn.

Tên lơ xe nham nhở :

– Mang ơn thì phải trả ơn, tình cảm là chính..

Tiếng cười rộ lên đáp lại của các cô gái trên xe trả treo :

– Nhưng tiền lại là mười

Chưa bao giờ người ta đối đáp nhanh chóng và đầy ngụ ý trong các bài học chính trị của cán bộ khi lên lớp :

– Trước bảy lăm chính sách Mỹ Ngụy chuyên bóc lột nhân dân…
– Nói đúng đó bây giờ chế độ ta không “bóc lột” nhưng lại “bóc lủm”, nó nhanh hơn không cần chờ “lột” chậm chạp, thấy là “lủm” liền mới đạt “chỉ tiêu” trên đề ra.

oOo

Rồi em tôi cũng lây lất lớn được mười tám tuổi. Năm trước nó chứng kiến anh trai lớn hơn bị kêu đi khám nghĩa vụ quân sự, chúng tôi cứ hoãn binh bằng cách nói với địa phương rằng em đi công tác theo xe chưa về. Nhà tôi cho em này trốn ở một nơi khác đợi cho qua đợt kêu khám mới trở về vì không đi khám sức khỏe là không có tên trong danh sách trúng tuyển. Có người nói “Làm như người ta thích đi lắm, bày đặt trúng tuyển, bộ đi thi hay sao mà trúng với trật.”

Trốn được hai năm, cuối cùng ba tôi cũng nhờ người quen vận động cho em tôi ở lại thành phố với lý do biết lái xe vì trẻ tuổi như nó trong xã hội hiện tại biết lái xe là thứ “quý hiếm”.

Report this ad

Thằng em Út mười tám tuổi cuối cùng cũng không thoát mấy chữ bị đi “Nghĩa vụ quân sự”. Dù không được học hành đến nơi đến chốn nhưng nó cũng biết bực mình khi thấy hết hội phụ lão gặp ba má tôi “vận động”, nhóm này vừa ra là nhóm chi hội phụ nữ vào gặp mấy đứa con gái trong nhà, chưa kể đến đám đoàn viên thanh niên kéo đến vận động đám em nhỏ của tôi. Họ quấy rối liên tục, lải nhải những học thuyết chính trị được nhồi nhét trong đầu. Đứa em này biết rõ ba tôi rất bực mình khi bị người khác “giảng dạy” cách để trở thành công dân xã hội chủ nghĩa, nó nói :

– Con thấy lần trước Anh Sáu không đi nên họ kéo đến nhà mình rần rần từ sáng đến tối, thôi thì để con đi cho rồi, khỏi ai làm phiền nhà mình.

Lần này thì má tôi gom tiền đút lót để em tôi không bị chuyển qua chiến trường Kampuchea, họ hứa hẹn nhưng rốt cuộc đến ngày ra quân em tôi vẫn bị lùa qua bên ấy. Dù rằng báo chí đăng tin bọn Pol pot đã bỏ chạy ba năm rồi nhưng hễ nghe đến chiến trường bên đó ai cũng biết lành ít, dữ nhiều.

Tôi trở về nhà cũ trước kia sau khi chồng tôi được ra trại, nhưng mỗi ngày đi làm về vẫn phải ghé qua nhà ba má tôi thăm nom, lần này nghe nhỏ em gái út cho biết :

– Anh Lộc nhắn về đang nằm trong nhà thương của doanh trại quân đội.

Đọc tờ giấy nó ghi tôi hốt hoảng, ba má tôi lại theo xe không có ở nhà. Ngay giờ tan tầm hôm sau tôi lò mò đi tìm em, chỉ có tin duy nhất cho biết có một quân y viện dành cho bộ đội bên K nằm đâu đó trên đường Trần quốc Toản. Tôi đạp xe đi tìm các doanh trại quanh vùng gần đó hỏi thăm, cuối cùng được chỉ đúng nhờ chữ K, là chiến trường Kampuchea.

Tôi tìm gặp em sau khi được chỉ dẫn bởi trạm gác, quân y viện vắng ngắt rất ít người, tôi cứ tưởng mình sẽ thấy những chiếc áo trắng thông thường, nhưng không có. Một cô gái có lẽ là điều dưỡng nhưng mặc đồ bộ đội khi nghe tôi nói tên em và hỏi em tôi bị thương ra sao, cô ta nói :

– À, không chỉ là mổ thoái vị bẹn.

Tôi không học y nên chẳng biết bệnh này là bệnh gì. Cô dẫn tôi theo một dãy hành lang đến phòng em tôi nằm. Sau khi đặt mâm cơm cho bệnh nhân cô ta đi ra. Trông thấy em, tôi thở phào bởi không thấy nó băng bó giống như có thương tích, chưa kịp nói tiếng nào bỗng có một ông cũng mặc đồ bộ đội chắc là bác sĩ đi qua đứng ở cửa hỏi em tôi hôm nay thế nào, ông trấn an hết thuốc tê sẽ đau một chút vài ngày là khỏi thôi.

Phòng rộng nhiều giường nhưng chỉ có hai bệnh nhân, em còn đau nên đi lại chầm chậm, tôi bưng chén cơm dành cho bệnh nhân kêu trời :

– Em mổ mà cho ăn khô khan như vầy làm sao nuốt nổi ! Để chị đi ra mua cho em ly sữa.
– Thôi, chị ơi em không cần đâu. Đàn ông con trai mà uống sữa nổi gì.

Nó vừa nói vừa cười với anh bạn nằm chung phòng.

Tôi buột miệng nói theo thói quen chứ chính tôi không biết mua sữa ở đâu bởi phụ nữ mới sinh, muốn mua sữa cho con phải có giấy khám mất hay tắc tia sữa qua nhiều thủ thuật nặn, bóp, vò của mấy bà bác sĩ nhà nước chứng nhận mới được mua cung cấp cho em bé mỗi tháng hai hộp sữa bò.

Report this ad

Nhìn thấy nó vẫn khỏe mạnh, không xanh xao như những bệnh nhân bị thương, mất máu tôi thấy bớt lo.

Em bình phục sau đó và ở lại nhà vài hôm trước khi về lại bên K, nhỏ em kể lại cho tôi nghe :

– Chị biết không hôm anh Lộc ra đi, khi ảnh mang ba lô vừa bước ra khỏi cửa chưa kịp quay đầu từ giã gia đình thì ba chạy ra ôm ảnh khóc òa lên, ba khóc dữ lắm làm tụi em hết hồn luôn.

Tôi không có mặt lúc đó nhưng tôi hiểu vì trong mấy chục năm sống chung một nhà chị em tôi chưa bao giờ chứng kiến ông rơi nước mắt, ngay cả một nét buồn trên mặt ông cũng không thấy. Vậy mà bây giờ ba tôi ôm em khóc đủ biết cõi lòng ông đau đớn biết chừng nào khi biết con đi vào nơi có thể nó sẽ không còn trở về gặp lại người thân, chắc là ông khóc vì cám cảnh mình làm cha mà đành bó tay bất lực.

Thời hạn nghĩa vụ quân sự quy định ba năm nhưng đâu ai xác định được nó là chính xác. Hai năm trước một bà bạn quen má tôi khi cả hai cùng nhau góp tiền chạy cho con mình không bị đưa qua chiến trường K. Hai đứa cùng đi một lượt giờ đây bà lại nhận được tin con tử trận. Những tưởng hòa bình đất nước không còn chiến tranh, vậy mà giờ con mình lại bỏ mạng ở xứ người còn đau xót nào hơn.

Má tôi nhìn tình cảnh gia đình người bạn trong bụng đang rầu rĩ lo lắng cho con mình, như có phép lạ bỗng em tôi may mắn được cho về thăm nhà. Đi cùng là mấy người bạn cùng đơn vị cũng được về phép như nó. Tôi nói với má gọi nó và các bạn lên nhà tôi làm bữa tiệc đãi chúng. Tất cả chỉ còn một năm là hết hạn được trở về nhà, ai cũng cầu mong cho chúng được an toàn.

Tối hôm đó em ở lại nhà tôi, hai chị em có dịp trò chuyện với nhau, nó tâm sự :

– Chị biết không bộ đội em đóng quân rải rác trong các nhà dân thành từng nhóm. Căn nhà em đóng quân, gia đình chủ nhà có một đứa con bị sốt rét nặng lắm, ngày nào nó cũng lên cơn, em thấy tội nghiệp quá nên lấy thuốc trị sốt rét được cấp phát mang cho nó uống bởi bên đó dân làm sao có thuốc men trị bệnh, nó cắt được cơn sốt gia đình họ mừng lắm.

Bữa kia em định ra khỏi nhà mới đi qua cổng ông già chủ nhà kêu giật ngược em lại và ra dấu đừng đi đường đó, ông chỉ em đi đường này nè. Vậy là em biết đường đó tối qua tụi Pol Pot có về gài mìn.

Em tôi ngây thơ hồn nhiên không nghĩ rằng nhờ lòng nhân hậu, thương đồng loại của em cho dù họ không cùng chủng tộc điều này đã cứu mình thoát chết. Nhớ lại ngày trước, đọc tin chiến sự cấp chỉ huy cộng sản hay xua quân dùng chiến thuật biển người hy sinh những binh sĩ dưới quyền. Nắm tâm lý thanh niên với bầu nhiệt huyết sục sôi dễ bị tác động, dẫn dắt bởi hào quang trước mắt, lời ca tụng viễn ảnh là một anh hùng, biến họ giống như những con thiêu thân thấy ánh đèn là lao vào không hề sợ hãi đắn đo.

Tôi khuyên em :

– Em ơi, em đừng vì lời ca tụng, tâng bốc dại dột xung phong. Họ đứng đằng sau hô hào xua người khác chạy lên trước, đánh thắng họ được thưởng, thất bại là mình bỏ mạng. Khi ra trận, em để ý nhìn cấp chỉ huy chạy đâu em chạy theo đó, họ lên mình tiến lên, họ rút chạy mình cũng rút theo, đừng ngu dại ở lại làm bia đỡ đạn. Em phải biết cách bảo toàn tính mạng của mình. Thân thể là do cha mẹ sinh ra, hãy mở mắt nghĩ về cha mẹ đã nuôi mình khôn lớn để hiểu điều gì đáng để hy sinh.

Report this ad

Em trả lời tôi với thái độ ngây thơ, thành thực :

– Vậy hả chị.

Hơn một năm sau em được xuất ngũ trở về, tôi buồn rầu nhận ra em bây giờ không còn là một thanh niên trong trắng ngây thơ tuy rằng chưa bị nhuộm đỏ giống như một số thanh niên khác mở miệng là nhắc đến “Bác và Đảng”. Đầu óc em cứ nghĩ là khi em về sẽ có những đãi ngộ xứng đáng, được ưu tiên đủ thứ. Em đi đến đâu cũng sẽ được chào đón vì là một chiến sỉ đã hoàn thành nghĩa vụ từ một chiến trường gai góc giống như em là một hạt giống quý báu rất cần thiết cho xã hội, em đang được ca tụng ví như một anh hùng vĩ đại.

Tôi không còn điều gì để khuyên nhủ vì sẽ dập tắt những hy vọng không tưởng đã gieo vào đầu óc em, chắc gì bây giờ em nghe lời khuyên của tôi, đành để thực tế sẽ cho em bài học cụ thể nhất. Một thời gian dài em hăm hở vác đơn gõ cửa nhiều nơi xin việc, tất cả họ điều từ chối.Em đâu biết xã hội của chế độ có quy luật ngầm bất thành văn, muốn đạt mục đích phải theo nấc thang : “Nhất thân, nhì thế, tam tiền, tứ chế”. Nôm na giải thích rõ : “Nhất thân thiết, quen biết. Nhì là thế lực từ cấp trên đưa xuống. Tam là phải đút lót tiền bạc. Thứ tư mới giải quyết người của chế độ đãi ngộ”.Nhưng hầu như ba thành phần kể trên đã điền vào đầy đủ đâu còn chỗ trống để cho thành phần thứ tư chen vô ! Bài học đầu tiên cho em thấy đã mài mòn hy vọng từ những gì em được tuyên truyền khi xuất ngũ.

– Chị ơi, em trở lại đi học để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông.

Những cống hiến của em được đền đáp đúng như lời nhắn nhủ. Nhờ là bộ đội xuất ngũ em được thu nhận vào lớp học cấp tốc dành cho cán bộ, bộ đội phục viên. Chỉ cần học một năm em sẽ qua được ba lớp 10, 11, 12.

Không biết thầy dạy và trò học hành ra sao trong thời gian một năm, vì em kể trong lớp toàn là trình độ giống nhau. Do em thiếu nửa điểm nên việc em ghi danh vào khóa đầu tiên của trường Luật thành phố bất thành. Tôi không biết xui xẻo cho em tôi hay là may mắn cho xã hội. Nhưng bên cạnh nó cũng có rất nhiều cán bộ học chung lớp biết ngoại giao rộng nên đạt được bằng cấp tối thiểu này để từ đây làm bàn đạp vươn lên cao trong sự nghiệp tương lai.

Nhiều năm dài, qua những trắc trở trong nghề nghiệp, em không trụ được lâu, chỗ vài năm, nơi bảy tám năm, sáu bảy năm ! Bởi em hiền lành không muốn tranh giành với ai cả. Công việc cuối cho đến ngày em thở hơi cuối cùng là trông coi cửa hàng cho đứa em gái Út cùng người chị lớn thứ năm gần nhà.

Mỗi năm bay về thăm gia đình tôi hay đi bộ băng qua con hẻm nhỏ vào cửa tiệm ngồi chơi ăn uống với các em cho đến ngày trở lại. Năm trước kỷ niệm thượng thọ của má chúng tôi em còn khỏe mạnh, năm sau tôi về dự đám cưới đứa cháu con người thứ sáu trong gia đình. Vợ chồng em dẫn hai đứa con sinh đôi ba tuổi một trai, một gái đến dự. Không ngờ chưa được nửa năm em đổ bệnh, qua Sky tôi rầy rà bắt em đi khám, mọi người khuyên nhưng không hiểu sao em đều từ chối, em nói một câu “Vào bệnh viện làm gì, vô đó chỉ có chết!”. Sau này tôi mới biết em bị ám ảnh bởi bạn bè em bất cứ người nào vào bệnh viện cũng không qua khỏi ! Em nói chưa muốn chết nên không vào, lúc nào cũng muốn ở bên cạnh hai con thơ.

Ai cũng nói gần ngày qua đời em tôi buồn lắm, bệnh tật đau đớn nhưng vẫn cố giấu không muốn làm phiền bất cứ ai, một mình chịu đựng. Những ngày cuối nằm trong phòng hồi sức cách ly với bên ngoài, nhìn qua khung cửa kính em ứa nước mắt khóc khi nhìn thấy người nhà. Vào bệnh viện chưa đầy tháng em bỏ mọi người ở lại để ra đi.

Report this ad

Nghe hung tin tôi đổ gục, trái tim thắt lại, nghẹn ngào thở nấc. Em tôi khi mất ánh mắt nhìn thê thảm, nuối tiếc, nhìn mọi người mấp máy đôi môi không thốt ra lời.Nhiều khi chị em tôi trách trời trong khi những đứa côn đồ hung hãn không bắt chúng chết, lại bắt em tôi trong khi nó sống rất hiền lành, tử tế. Vợ dại con thơ, nghĩ đến nó là tôi không cầm được nước mắt. Ngày đêm mấy chị em vào facebook than khóc với nhau, thương cho em mình, thương anh mình, bởi em sống không làm mếch lòng hay nặng lời với anh chị em. Nhà có việc cực nhọc, nặng nề hay dơ bẩn em không bao giờ ngần ngại chối từ. Thói thường người ta khi còn sống ít ai để ý tầm quan trọng của họ, mất đi rồi người ở lại mới biết thương nhiều nghĩ và nhớ những điều tốt đẹp của kẻ ra đi đã làm. Nhỏ em gái làm việc mỗi ngày với nó khóc kể :

– Mỗi lần em lên lầu hay qua bên nhà lấy hàng mang bán cho khách, em vừa làm vừa khóc nhớ nó vì đây là công việc của nó. Bây giờ giao hàng phải thuê người đi ship. Chị ơi em nhớ mãi ánh mắt buồn bã của nó nhìn em trước phút lâm chung. Tội nghiệp thằng em hiền lành, khờ khạo của chúng mình.

Tôi cũng vô facebook gạt nước mắt :

– Chị về qua tiệm chơi là thấy nó ngồi trước bàn xem computer hoặc ngồi trên yên xe dựng trước cửa nhà đối diện hút thuốc. Có khi nó qua bên nhà, lên tầng gác lửng lấy hàng mang về tiệm bán. Mỗi lần lên xuống cầu thang chị nhìn thấy dãy kệ sắt là nhớ hình bóng nó lúi húi tìm hàng hóa trong các hộp đặt trên kệ.

Nhắc đến là tôi thấy buồn, mất nó cửa tiệm cực hơn vì không thể cho người ngoài vào nhà bên kia lấy đồ, dù là nhân viên được thuê bán hàng cho tiệm.

Ở nhà lại càng buồn nhớ nó hơn bởi chiều nào hai đứa con nhỏ đều ra cửa ngóng cha đi làm về đã thành thói quen. Mỗi ngày em đều mang quà về cho hai con, khi thì hộp sữa chua, lúc là gói bánh, cây kẹo bông gòn. Hai đứa nhỏ chờ hoài không thấy ba buồn bã đi vô, nhác thấy bóng dáng người đàn ông đi ngang cửa vội chạy ra mừng rỡ gọi “Ba, Ba”, nhìn không phải ba mình lại tiu nghỉu quay vào. Làm sao không đứt hết ruột gan đây ? !.

Dù rằng trong thời gian em nằm bệnh tôi đã cố gắng đọc các bộ Kinh, Phổ Môn, Kinh Dược Sư cầu nguyện cho em tôi vượt qua căn bệnh hiễm nghèo nhưng đều vô ích. Giờ chỉ còn biết tụng bốn mươi chín bộ Kinh Địa Tạng mỗi đêm trong bốn mươi chín ngày cầu cho em siêu sanh tịnh độ lần cuối giã từ vạn kiếp nan tao ngộ.

oOo

 Buổi tối đứa cháu ngoại lớn học lớp 11 bên này đang chuẩn bị cho bài học lớp Việt ngữ ngày mai hỏi tôi :

– Bà ngoại chữ “Cốt nhục” là gì vậy bà ngoại ? Cô giáo cho con mấy chữ bắt phải giải nghĩa.

Cháu tôi sinh ra lớn lên ở xứ người nên gia đình bắt buộc chúng học thêm tiếng Việt từ khi còn bé. Thỉnh thoảng cháu hay nhờ tôi giảng giải những chữ không hiểu trong bài đọc. Cháu đang học lớp sáu tiếng Việt, tôi nghĩ thầm có khi người lớn hiểu nhưng không phải ai cũng giải thích được nghĩa cho người khác hiểu :

– Bà ngoại giải thích đơn giản theo nghĩa cho con dễ hiểu : “Cốt là xương, nhục là thịt. Cốt nhục là xương và thịt. Con do cha mẹ sinh ra, em con cũng vậy, nên cả hai được tạo thành từ một xương thịt giống nhau của cha mẹ. Ông bà ngoại sinh ra mẹ con, trong máu thịt của mẹ con có máu thịt của ông bà ngoại nên con cũng là cốt nhục của ông bà ngoại.Nói chung nếu ai có dính líu một chút xương thịt với nhau đều được gọi là cốt nhục của nhau. Chữ cốt nhục dùng để chỉ mối liên quan của những người cùng gia đình. Thường thì người cùng cha mẹ sinh ra sẽ có sự thương yêu, quan tâm và hy sinh cho nhau nhiều hơn và khác hơn đối với người không có cùng cha mẹ. Nếu có thương tổn cho một người tất cả những người còn lại đều thấy đau đớn cõi lòng nhiều hơn đối với người khác. Những cảm xúc này gọi là tình cốt nhục.

Thông thường con người có hai sự kiện quan trọng đó là khi chào đời và lúc lâm chung. Em tôi chào đời nó và tôi là người đầu tiên trông thấy và nắm tay nhau. Nhưng khi nó rời bỏ thế gian tôi không có mặt để nhìn nó lần cuối. Ngày tôi trở về nó chỉ còn hiện hữu bằng chiếc tiểu sành, dán hình khắc tên đặt trong ngôi chùa gần nhà. Mỗi khi đi ngang qua lòng tôi như muối xát, em mình nằm trong kia chỉ còn lại một nắm tro tàn cốt nhục. Duyên nợ hạnh ngộ hai chị em giờ đây đã chấm dứt mãi mãi. Má rầy tôi cứ khóc thương hoài làm sao em siêu thoát. Tôi biết thế nhưng không làm sao nén lòng được. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Miệng lẩm nhẩm câu chú : “Yết đế. Yết đế. Ba la Yết đế. Ba la Tăng Yết đế. Bồ Đề Tát bà ha …” Tôi cố gắng cho tâm tư mình lắng xuống đau buồn để vượt qua bờ bên kia trong cõi tử sanh của ta bà. Nhưng không phải cứ muốn là được. Khó làm sao!!!

Cỏ Biển
Tháng Bảy 2019

Nguồn: http://www.bienkhoi.com/so-83/nam-tro-cot-nhuc.htm

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn