Dương Thượng Trúc – Tháng Tư, còn mãi niềm đau!

Thứ Tư, 24 Tháng Tư 20199:00 CH(Xem: 9355)
Dương Thượng Trúc – Tháng Tư, còn mãi niềm đau!
Dương Thượng Trúc
Viết theo lời kể của người bạn cùng khóa, sau 30 năm mới gặp lại: Trung úy Đỗ Văn Thọ, Phân Chi Khu Trưởng Long Khê- Rạch Kiến -Long An.Trên Quốc Lộ 4 xuôi về miền Tây, thì Long An là Tỉnh Lỵ đầu tiên, có địa giới tiếp giáp Thủ Đô Saigon. Nơi đây nổi tiếng với Gạo Thơm Chợ Đào, mía Thủ Thừa, thơm Bến Lức, dưa hấu Long Trì và một món đặc biệt mà tất cả các đệ tử Lưu Linh mới nghe tới, đã thèm đến nhiểu nước miếng: Rượu Đế Gò Đen. Rượu Gò Đen được cất nấu theo bí quyết gia truyền, đã lừng danh trên khắp bốn vùng chiến thuật. Rượu sản xuất nơi đây có những đặc điểm mà rượu nơi khác không có:

Khi rót ra ly, một lúc sau vẫn còn sủi bọt. Chất rượu trong vắt như nước lọc. Hương vị nồng nàn, khiến các bợm nhậu đặt cho cái tên nghe rất thiết tha và cũng đậm đà tính chất của người dân miền Nam là: Nước Mắt Quê Hương. Đưa ly rượu Gò Đen lên mũi, tưởng chừng như mùi lúa nếp đang trổ đòng đòng phảng phất đâu đây. Nhấp vào một hớp, chất men lan tỏa nhẹ nhàng trong miệng, không cay nồng, nhưng khiến người uống ấm dần lên từng lúc. Ban đầu là ở chót lưỡi, rồi cuống họng và một lát sau cả cái bao tử cũng được sưởi ấm bởi giọt nước cất tinh tuyền từ những hạt nếp thơm, chắt chiu nơi vùng đất nghèo nàn kham khổ này.

Một điều đặc biệt nữa khiến rượu Gò Đen được ưa chuộng là dù có say cỡ nào, ngay cả khi “cho chó ăn chè” lúc tỉnh dậy, bảo đảm không bị nhức đầu. Nhưng hãy coi chừng, nếu mua phải “rượu dổm”, không phải rượu đế Gò Đen mà là “Gò Đỏ” thì sự bảo đảm sẽ không có hiệu lực.

3803859884_445d8c83d3_z

Một đơn vị BB tại Nhiệm Hành, 24 tháng 3 năm 75

Về phương diện Quân Sự thì nơi đây được gọi là Tiểu Khu Long An. Bộ Chỉ Huy đặt tại Thị Xã Tân An, chỉ cách Saigon chưa đầy năm mươi ký lô mét về hướng Tây Nam, trên Quốc Lộ 4 -Con đường huyết mạch nối liền giữa Miền Tây và Thủ Đô.

Với vị trí là cửa ngõ, cung cấp phần lớn lương thực, thực phẩm cho Saigon, nên khi giai đoạn chiến sự gia tăng khốc liệt ở khắp nơi, thì tình hình tại đây vẫn tương đối lắng dịu vì được bảo vệ một cách nghiêm nhặt bởi các đơn vị thiện chiến thuộc Sư Đoàn 25, và Sư Đoàn 9 Bộ Binh, cùng các thành phần cơ hữu của Tỉnh.

Sang đến tháng Tư năm 1975, khi mà Quân Đoàn I và Quân Đoàn II đã bị bỏ ngỏ, những đơn vị từ Miền Trung di tản vào, được tái trang bị để phối hợp phòng thủ với các lực lượng diện địa, thì cũng là lúc mà tình hình tại đây bắt đầu trở nên căng thẳng.
Cuối tháng Tư năm 1975, Trung Úy Đỗ văn Thọ, tốt nghiệp khóa 9/68 Trường Bộ Binh Thủ Đức, một người lính đã gắn bó với vùng đất này khá lâu, kể từ khi ra trường vào giữa năm 1969, đang đảm nhiệm chức vụ phó xã trưởng an ninh, kiêm phân chi khu trưởng tại Xã Long Khê, Huyện Rạch Kiến, Thuộc Tiểu Khu Long An.

Hai mươi ký lô mét là khoảng cách từ nơi đóng quân về đến trung tâm Saigon.Với một chiếc xe Honda, chạy thẳng ra ngã ba Gò Đen, quẹo phải, rồi bon bon trên con đường tráng nhựa êm đềm – Đoạn đường này chưa bị bàn tay phá hoại của những người mang danh Giải Phóng đắp mô – thì chỉ ba mươi phút sau, anh đã có thể cùng người yêu bé bỏng dung dăng dung dẻ khắp nơi trên hè phố Lê Lợi, Nguyễn Huệ, hoặc ngồi nhâm nhi ly cà phê như một triết gia tại quán Cái Chùa (La Pagode) trên đường Tự Do.

Đoạn đường thật ngắn ngủi, và trơn tru nhưng không phải lúc nào cũng có cơ hội để vượt qua. Nên mỗi năm anh chỉ thực hiện niềm vui tuổi thanh xuân ấy được một lần vào những ngày phép thường niên nhỏ nhoi, kỳ dư là chôn chặt cuộc đời nơi làng quê hẻo lánh này. Bỏ mặc cho những cô nữ sinh áo trắng buồn bã héo sầu, sắp biến thành tượng đá vọng phu giữa Saigon phồn hoa đô hội. Đời lính là thế đó:

Kiếp chinh nhân gió sương là bạn.
Thân nam nhi khắp chốn là nhà

Vì coi đây là nhà nên với anh, những người dân Long Khê này rất quen thuộc, có khi còn quen thuộc hơn cả những người thân trong gia đình. Anh phải biết tường tận về họ và thân cận với họ để bảo vệ bản thân mình và bảo vệ đơn vị. Một cuộc chiến khốc liệt và phức tạp như thế này nếu không khéo thì uổng tử như chơi. Ta ở ngoài sáng, kẻ thù ở trong tối. Chúng hiện diện khắp nơi, có thể là bác nông phu hiền lành chăm chỉ, sáng sáng ra đồng với con trâu cái cày. Buổi tối trở thành một tên du kích dã man sẵn sàng cắt cổ các viên chức xã ấp thờ ơ.

Cũng có thể là cô gái má lúm đồng tiền, cười tươi như hoa nở, mỗi khi chúng ta ghé đến quán cà phê của cô.Nhưng đêm về, sẽ là một sát thủ lạnh lùng, thẳng tay ném quả lựu đạn vào đám đông dân lành vô tội, đang xúm xít lại coi một bộ phim hài hước nào đó, do các cơ quan thông tin trình chiếu giữa chợ.

Và còn nhiều, nhiều lắm những hình thức chiến tranh bất quy ước thì làm sao kể cho hết được, huống chi là tránh né, phòng ngừa.
Cho nên anh phải biết rõ hoàn cảnh từng gia đình trong xã, anh sẵn sàng an ủi vỗ về họ khi có những bất trắc, khó khăn trong cuộc sống. Ngay cả khi Ban Hai Chi Khu cho biết gia đình ấy có thân nhân đi tập kết, hoặc theo du kích. Anh vẫn mong sẽ:

Lấy trí nhân mà thay cường bạo.
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn.

Kết quả, đã nhiều phen anh đưa đơn vị thoát khỏi những cơn nguy hiểm bội phần.

Thế nhưng bây giờ thì khác. Đất nước đang đến hồi nghiêng ngửa. Cả hai Quân Đoàn phải triệt thoái, cả một vùng đất chiến lược rộng lớn đã lọt vào tay kẻ thù. Từng ngày từng giờ, như tầm ăn dâu, chúng càng lúc càng dồn người dân miền Nam vào chân tường.
Vị Nguyên Thủ Quốc Gia, Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Lực đã xuôi tay, trút trách nhiệm lên vai người khác. Và kìa, những đơn vị vừa triệt thoái về đây, đã mang theo cả sự giao động tinh thần, gieo rắc nỗi âu lo cho đám anh em binh sĩ dưới quyền.

Anh phải làm gì với hoàn cảnh nghiệt ngã hiện tại? Có nên theo một số quân nhân khác rời bỏ hàng ngũ để tìm lấy sự an thân trong lúc này chăng?

Nhìn những thuộc cấp vẫn cặm cụi, chăm chỉ tu sửa công sự phòng thủ, có mặt đầy đủ trong các phiên gác hàng đêm. Anh biết rằng trách nhiệm còn trĩu nặng trên vai mình và cảm thấy hổ thẹn với những ý nghĩ mới thoáng qua.

Gần sáu năm trước đây, giữa Vũ Đình Trường trong một đêm âm u trầm mặc, dưới ánh lửa bập bùng, tiếng gió lùa xao xác qua kẽ lá như có sự chứng giám của những anh linh tử sĩ. Trước hồn thiêng sông núi, anh đã hô vang lời thề: Tổ Quốc – Danh Dự -Trách Nhiệm.
Lời thề ấy vẫn còn lồng lộng trong tâm tư anh như một thôi thúc, một hiệu lệnh cho những người trai Cư An Tư Nguy, đã giữ chân anh ở lại đến giây phút cuối cùng của cuộc chiến.

Và chính anh là người đi treo chung quanh trụ sở phân chi khu Long Khê khẩu hiệu:
Đào ngũ trước địch quân là phản quốc: Tử Hình.

Hôm ấy, chiều tối ngày 21 tháng Tư năm 1975, Phúc, vị Thiếu úy Đại Đội Trưởng đẹp trai trẻ tuồi, mang phù hiệu Tam Sơn Nhị Hà của Sư Đoàn 22 Bộ Binh, dẫn một đại đội đến tăng cường cho Phân Chi Khu Long Khê để phòng thủ trụ sở xã.

Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn của Phúc nằm bên kia cầu Long Khê là phần địa giới thuộc Huyện Bến Lức. Sở dĩ có chuyện này xảy ra là vì đã hai hôm nay, các xã phía Nam của Chi Khu Rạch Kiến đã bị địch quân tấn công bởi một lực lượng không nhỏ.
Phúc bước vào văn phòng Phân Chi Khu với một bầu đoàn thê tử rườm rà. Hai máy PRC.25 kêu sè sè, hai cận vệ đứng tạt hai bên cửa, súng M.16 cầm tay trong tư thế tác chiến, khiến Thọ thầm ngưỡng phục phong cách của một Đại Đội Trưởng Chủ Lực Quân. Móc bao thuốc Ruby Quân Tiếp Vụ, Thọ chìa ra mời Phúc:

– Làm một điếu cho ấm lòng đã, Thiếu úy!

Phúc cười cười từ chối:

– Cám ơn Trung Úy, tôi chỉ thích “Chiếc áo phong sương tặng ấm nàng” thôi!

Nói rồi Phúc móc ra bao Capstan còn đầy, mời ngược lại Thọ. Anh cũng từ chối khéo:

– Cám ơn Thiếu úy, tôi chỉ quen với những gì quân đội cung cấp thôi! Chủ lực quân các ông lúc nào cũng xài sang cả. Từ đạn dược, súng ống đến các món hàng tiêu dùng khác…
– Trung úy nói thế làm đàn em ngại…
– Không!Tôi nói thật đấy. Anh em địa phương quân, nghĩa quân chúng tôi nhiều khi phải tự tìm cách trao đổi mới có đủ lựu đạn, hay mìn claymore dùng trong việc phòng thủ đó…
– Nếu vậy, một lát nữa tôi sẽ chuyển cho Trung úy hai thùng lựu đạn M.67 và một thùng mìn Claymore…

Mắt Thọ sáng rỡ như bắt được vàng:

– Thế thì cám ơn Thiếu úy nhiều lắm.

Hít một hơi thuốc dài, nhả những cuộn khói hình chữ O bay lững lơ trong không khí, Thọ chỉ vào tấm bản đồ hành quân, trao đổi với Phúc:

– Nơi đây là Long Khê, nếu theo trục lộ này đi về hướng đông khoảng hai ba cây số thì gặp Ngã Tư Xoài Đôi. Còn như đi ngược về hướng tây khoảng sáu bảy cây số, thì ra ngã ba Gò Đen. Chúng ta đang ở ngay tại vị trí này, chắc Thiếu úy nhận ra chứ?
– Dạ, tôi nhận ra, Trung úy.
– Phía Nam con lộ, xéo về hướng cầu Long Khê là đồn nghĩa quân do một trung đội đảm trách.
– Thế bây giờ Trung úy muốn bố trí đại đội tôi như thế nào?
– Mấy hôm nay áp lực của địch quân đang dồn nặng lên các xã Phía Nam như Long Sơn, Tân Trạch.
– Tôi có nghe về điều đó…
– Bên Chi Khu tiên đoán bọn chúng từ hướng Tân Trụ đang dọn đường tiến ra quốc lộ 4 để làm gián đoạn trục lộ giao thông chính của chúng ta.

Phúc gật gù:

– Thế nên, nếu có đụng độ với chúng ta thì họ cũng chỉ lướt nhanh qua mà thôi, phải không ạ?
– Thiếu úy có nhận xét rất nhạy bén, nhưng cũng chẳng biết mưu đồ của chúng ra sao!
– Cám ơn Trung Úy.
– Bây giờ tôi nhờ Thiếu úy đưa đại đội đi về hướng ngã tư Xoài Đôi nhưng chỉ cách vị trí này độ vài trăm thước thôi, và bố trí hướng Nam của trục lộ. Như thế chúng ta sẽ tạo thành một hình tam giác đễ hỗ trợ cho nhau. Nhớ là đưa các trung đội tiền đồn ra xa một chút để dễ kiểm soát.
– Tôi sẽ cho hai trung đội đi kích bên ngoài và chỉ giữ lại một trung đội với bộ chỉ huy của tôi mà thôi.
– Như vậy tốt lắm.
– Tóm lại, tôi sẽ chịu trách nhiệm mặt hướng nam của trục lộ? – Đúng vậy. Nhớ cho tôi biết vị trí của Thiếu úy cũng như các tiền đồn để tôi chấm pháo binh yểm trợ.
– Tuân lệnh.

Phúc đứng dậy trong tư thế nghiêm chỉnh, chào anh và nói:

– Trung úy cho người nhận những món quà tôi gởi tặng nhé.
– Gì chứ chuyện ấy tôi nhớ rõ lắm. À! Mà Thiếu Úy cũng đừng quên lấy đặc lệnh truyền tin đấy nhé.

Thọ vừa nói vừa cười và chào đáp lễ vị sĩ quan trẻ tuổi, nhưng cũng rất dầy dạn kinh nghiệm chiến trường. Anh bước ra ngoài tiễn chân Phúc. Khi đơn vị tăng phái đã khuất dạng về hướng ngã tư Xoài Đôi, Thọ vội vàng ra lệnh cho các anh em binh sĩ phân chia thêm lựu đạn ra các công sự phòng thủ, và gài thêm một mớ mìn chống biển người mặt sau lưng của văn phòng xã cũng như ngay mặt trước của hầm truyền tin.

Trung úy Mới, vị sĩ quan phụ tá của Thọ cười cười nói:

– Hôm nay mình gặp may, tự nhiên có thêm được bao nhiêu đồ chơi, hả Thọ!
– Ừ! Mình gặp may thật, hình như Phúc cũng ở Thủ Đức ra…
– Đúng vậy, hôm qua tao tình cờ gặp ở quán cà phê, hắn nói ra trường mới hơn ba năm.
– Tuổi trẻ Việt Nam thật quá nhiều nghiệt ngã. Nhìn thấy Phúc, tao lại nghĩ đến thằng Thủy, bạn cùng khóa với tụi mình, cũng đang lưu lạc ở một chốn rừng sâu núi thẳm nào đó mà xót xa trong lòng.
– Biết làm sao bây giờ, đất nước chiến tranh mà…
– Ừ đất nước chiến tranh, nỗi đau này chẳng phải chỉ những ngưòi tuổi trẻ chúng ta gánh chịu mà là cả dân tộc đang bị đọa đầy. Nhưng thôi nhắc chuyện này làm chi thêm buồn. Mày đã lo phân chia canh gác xong chưa?
– Hoàn tất cả rồi, yên tâm.
– Nhớ cho kéo hết Concertina bao chung quanh mặt trước thật dầy vào nhé.Và chăm sóc cẫn thận mấy thằng em bất khiển dụng của Phúc đã gởi gấm chúng ta đó!
– OK! Xong ngay!

Trung úy Mới lững thững rời trụ sở, Thọ thẫn thờ đứng nhìn theo thằng bạn cùng khóa khuất dần trong màn đêm đang lặng lờ buông xuống. Vầng trăng thượng tuần thường rất tỏ vào các tháng đầu mùa Hè. Thế mà hôm nay, chẳng hiểu những đám mây đen từ đâu kéo đến che khuất chị Hằng, khiến không gian mang một nét buồn u ám.

– Trung úy à! Trung úy nghỉ ngơi sơm sớm đi! Rủi tối có chuyện gì còn dậy điều động.

Tiếng Xuân, người âm thoại viên vang lên lôi Thọ trở về với thực tại. Anh nói nhỏ:

– Xuân pha cho anh ly cà phê.
– Trời đất! Giờ này ông uống cà phê rồi làm sao mà ngủ.
– Anh thấy không buồn ngủ. Mà linh cảm cho biết dường như sẽ có chuyện trong đêm nay.
– Cái gì thì cái ông cũng nên nằm nghỉ lưng một chút, cho khỏe chứ. – Đi pha cà phê cho anh đi. Đứng đó lải nhải hoài.

Xuân miễn cưỡng đứng dậy làm theo lệnh.

Thọ đưa mắt quan sát một vòng toàn thể khuôn viên khu vực phòng thủ. Đây là khoảnh đất hình chữ nhật. Dài độ non năm mươi thước, sâu hơn hai mươi thước. Cạnh dài nằm song song với mặt lộ, được bao bọc bởi nhiều lớp kẽm gai và concertina, cùng lưới chống B40 do anh em đi lượm lặt được từ các đồn bót khác, hay của các đon vị chủ lực sau khi dời đi, bỏ lại.
Mỗi góc đều có một lô cốt gác, do lực lượng nghĩa quân hoặc nhân dân tự vệ đảm trách. Còn mặt sau tiếp giáp với một cánh đồng dừa nước, nên được bố trí phòng thủ bằng mìn bẫy rất nghiêm nhặt.

Nơi anh đứng là văn phòng Phân Chi Khu, nằm bìa hướng tây, cách xa con rạch Long Khê độ non một trăm thước. Kế bên là văn phòng xã, nhưng cũng được ngăn cách bằng một giao thông hào và những lô cốt canh gác. Tiếp đến là Văn phòng Hội Đồng Xã, rồi đến văn phòng phát triển Xây Dựng Nông Thôn.

Tất cả đều đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của anh khi hữu sự. Mấy đêm nay, hình như anh em đều có vẻ căng thẳng với việc trực gác. Trong bóng đêm nhờ nhờ anh thấy những người lính ngồi im bất động như pho tưọng trong chòi canh. Anh thương cảm cho họ. Đa số là dân địa phương. Họ sống đời sống rất thanh bạch. Chẳng hoài vọng cao sang, chẳng ước mơ quyền quý, chỉ mong muốn một ngày nào đó, quê hương không còn tiếng súng, họ trở về cùng con trâu, cái cày, sống đạm bạc bên mái tranh với ruộng lúa nương dâu.
Anh thương cảm cho họ, và cảm thương cho chính thân phận mình. Bao ước vọng thanh xuân đem chôn chặt vào mảnh đất xa lạ này, ngày đêm phải đối diện với chuyện chết chóc, tử sinh. Bữa ăn không trọn vẹn, giấc ngủ cũng chập chờn. Ai? Ai đã gây ra những xót xa, đau đớn này???

Thọ chậm chạp bước về hướng hầm Truyền Tin, nơi đặt bộ chỉ huy của anh. Hầm nằm ngay phía trước mặt văn phòng, nhưng sát hàng rào phòng thủ, ngăn cách với mặt đường lộ bằng một cái giao thông hào khá sâu. Hầm vuông vức mỗi bề khoảng hai thước, làm nửa chìm nửa nổi, để các lỗ châu mai chỉ cao hơn mặt đất độ năm tấc cho dễ quan sát và tác xạ. Trên nắp hầm là những lớp bao cát chồng chất lên nhau, hầu chống pháo kích. Bên trong hầm đã căng sẵn hai cái võng, một cho anh và một cho Xuân. Còn Trung úy Mới thì nằm ở căn hầm sát bên văn phòng hành chánh xã với một liên lạc viên.

Anh đưa tay nhìn đồng hồ dạ quang, đã chín giờ rồi. Thông lệ, mỗi đầu giờ mở máy một lần để liên lạc với chi khu và các đơn vị thuộc quyền. Nhưng từ mấy hôm nay lệnh Chi Khu phải trực máy 24/24. Buổi chiều này, nhìn hai cái máy PRC 25 sáng loáng trên lưng những người lính Sư Đoàn 22 anh thấy thèm thuồng làm sao. Ở đây ngay đến Pin chạy máy cũng phải tiết kiệm chứ nói gì đến máy móc.

Xuân dò dẫm bưng ca cà phê xuống hầm. Mùi thơm ngào ngạt làm anh cảm thấy tỉnh táo hơn. Che tay mồi một điếu thuốc, Thọ nói:

– Xuân liên lạc với Thiếu úy Phúc lấy vị trí của ổng và các tiền đồn, để anh chấm tọa độ Pháo Binh.

Ngoài trời hoàn toàn yên lặng, yên lặng đến rợn người, không một âm thanh nào ngoại trừ tiếng kêu quang quác của loài chim ăn đêm, rời rạc và kinh rợn như tiếng quỷ gọi hồn. Cái yên lặng báo trước một trận cuồng phong vô cùng dữ dội.

Cũng may, còn có tiếng máy truyền tin kêu sè sè tạo nên sức sống trong căn hầm tĩnh lặng. Vài phút sau, dưới ánh đèn pin nhỏ li ti, anh đã hoàn tất công việc cần phải làm. Thọ ngả lưng lên cái võng, mông lung suy nghĩ. Không biết vì lý do gì đêm nay anh cảm thấy trong lòng dậy lên những nỗi băn khoăn chẳng thể nào giải thích được. Nói là hồi hộp hay lo sợ thì không đúng, anh đã lăn lộn ở vùng đất này năm sáu năm trời rồi còn gì. Nguy hiểm nào mà chẳng trải qua, gian khổ nào mà chưa hứng chịu.

Ngay từ những ngày đầu tiên về nhận đơn vị ở Chi khu Rạch Kiến này: Đại Đội 603 Biệt Lập, anh đã xông xáo như một người dầy dạn, vào ra mũi tên lằn đạn một cách dửng dưng, khìến các bậc đàn anh thâm niên cũng phải nể phục. Nhớ lại những ngày chuẩn bị ra trường cách nay gần sáu năm. Anh mong mỏi được về phục vụ dưới màu áo hoa rừng của binh chủng Mũ Nâu.Thế mà chẳng hiểu tại sao, ước muốn tình nguyện của anh lại bị gạt sang một bên. Anh thật sự rất buồn, vì có hai thằng bạn thân cùng khoá, thì một thằng đi Nhảy Dù, thằng kia về Biệt Động. Còn anh lủi thủi nhận đơn vị Địa Phương Quân. Từ nỗi buồn ấy, anh nguyện với lòng dù là một người lính Địa Phương Quân, nhưng anh sẽ chiến đấu và chỉ huy bằng tinh thần của một người Sĩ Quan Biệt Động.

Những thành tích đơn vị anh đạt được, những chiến lợi phẩm các anh tịch thu về, đã khiến đại đội được tưởng thưởng nhiều huy chương và bằng khen. Điều nay chẳng những mọi người trong Chi Khu đều biết, mà Hường, cô gái ngồi kết xinh xắn ở câu lạc bộ cũng rất chú tâm.

Trai anh hùng gái thuyền quyên.
Gặp nhau là chuyện thiên duyên sắp bày.

Hậu cứ của Đại Đội 603 nằm sát bên Chi Khu, nên ngoài những lúc hành quân hay trực đơn vị. Còn lại bao nhiêu thì giờ anh dành cho câu lạc bộ.Thụt Bi da, chơi cờ tướng, đánh dô mi nô hay chỉ là chống cằm ngồi suy nghĩ vu vơ, thì những hành vi của anh cũng chẳng qua mắt được Hường. Với sự nhạy cảm thiên phú mà thượng đế chỉ tặng riêng cho người phụ nữ, cô đoán được tình cảm của người Sĩ Quan trẻ tuổi ấy dành cho cô. Những ánh mắt giao nhau, những nụ cười đồng cảm là mối dây đưa hai người tuổi trẻ đến với nhau. Anh còn độc thân, cô vừa xong trung học, nay theo đỡ đần mẹ trong việc kinh doanh.Và cũng để an ủi mẹ những khi buồn nhớ về người cha anh dũng của cô đã tử trận trên chính mảnh đất này, không bao lâu trước đây. Cô xinh xắn ngọt ngào. Anh oai dũng gan dạ.

Nhưng thật ra, Thọ chỉ gan dạ trên chiến trường, còn ở tình trường, anh như một cậu học sinh thơ ngây và nhút nhát. Thế nên tình trong như đã, mà anh nào dám thổ lộ. Cho đến một lần nọ, khi anh bị thương, do mảnh đạn pháo kích sướt qua cánh tay trái.Thì cơ hội bày tỏ nỗi lòng mới đến, lúc Hường vào Bệnh Viện của tỉnh thăm viếng anh. Cử chỉ dịu dàng, ánh mắt thiết tha chứa đầy sự lo lắng khi nghe tin anh bị thương đã làm hồn anh ngất ngây. Thọ như chết chìm trong sóng mắt ấy.
Và… anh cũng lịm dần đi trong hạnh phúc mong manh để quên bớt những căng thẳng của đang chờ đợi ngoài kia.

Ầm…
Tiếng đạn pháo kích nổ chát chúa gần một bên, lôi Thọ ra khỏi giấc ngủ chập chờn. Anh vùng ngồi dậy, cái poncho-light tuột xuống đất. Thọ nhìn đồng hồ đeo tay: 2 giờ 45 sáng. Như thế anh đã chợp mắt được vài tiếng đồng hồ. Tiếng súng cá nhân và các loại súng máy cũng đang nổ dồn dập ở hướng đồn nghĩa quân và vị trí đóng quân của Phúc Tiếng nổ đầu tiên là quả đạn điều chỉnh. Và bây giờ thì chúng bắt đầu bắn tập trung. Xuân cũng choàng dậy, đưa ống liên hợp sang cho Thọ. Anh gọi Phúc trước:

– Phi Mã! Phi Mã đây Lệ Khánh gọi trả lời.
– Phi Mã tôi nghe đây Tango!

Tiếng Phúc vang lên, rất bình tĩnh.

– Ở chỗ Phi Mã ra sao rồi?Giao tranh trong thành phố tháng 4-75
– Bọn chúng đang muốn nhổ tụi tôi, nhưng dễ dầu gì. Tango cho tôi mấy ngọn nến là OK rồi.
– Tôi nhận 5/5. Anh gọi đồn Nghĩa Quân gần cầu Long Khê, cũng đang bị tấn công. Thọ quay sang tần số của Chi Khu:
– Rạch Giá Kinh Kỳ, đây Lệ Khánh gọi trả lời.

Anh nghe tiếng vị Đại úy trưởng ban 3 nói trong hơi thở dồn dập:

– Lệ Khánh! Lệ Khánh đây Bắc Bình 3, tôi nghe anh!
– Bắc Bình 3 thắp cho tôi xin một ít đèn cầy. Tất cả các thằng em của tôi đều bị chuột cắn.
– Còn chỗ anh ra sao rồi?
– Tụi nó đang cho ăn phở, xin Bắc Bình 3 cho gà cồ mình gáy đi, tụi nó làm dữ quá.
– Tôi đã gọi rồi, yên tâm lo cho con cái. OK?
– Nhận 5/5.

Anh vừa trao lại cái ống liên hợp lạc cho Xuân thì cũng đã nghe tiếng départ của hai khẩu 105 ly ở hướng Chi Khu Rạch Kiến, sau đó là bên Bến Lức. Nhưng sao tiếng súng của mình lẻ loi, lạc loài quá so với những tiếng nổ long trời lở đất vẫn đang giáng xuống mảnh đất nhỏ nhoi này. Sau tiếng nổ của trái đạn điều chỉnh, là những tràng đạn liên tục nổ, ban đầu còn từ từ, sau đó là dồn dập như một cơn địa chấn.

Một cơn địa chấn mà con người đem đến cho nhau bằng sức công phá của hỏa tiễn 122 ly, súng cối 82 ly, B40, B41, Bê ta, và nhiều loại súng cộng đồng khác, được sản xuất từ các nơi, đem về đây với mục đích hủy diệt những kẻ chung một màu da, một ngôn ngữ nhưng khác họ về lý tưởng mà thôi. Tiếng đổ vỡ của những vật chất xung quanh hòa với tiếng mảnh đạn rơi rào rào trên nắp hầm không ngớt. Không khí nồng nặc mùi thuốc súng. Khói và cát bụi lùa xuống căn hầm chật chội, khiến hai thày trò Thọ ho sặc sụa. Lồng ngực anh như nổ tung ra dưới sức ép của những trái đạn nổ quá gần hầm phòng thủ. Chưa bao giờ anh phải chịu đựng một áp lực nặng nề căng thẳng đến như thế này. Rồi bỗng nhiên, tất cả các tiếng nổ đều im bặt. Không gian im lìm.Một không gian chết!
Thọ nhìn đồng hồ đeo tay: 3 giờ 15 sáng. Ba mươi phút nằm dưới trận mưa pháo, anh tưởng rằng nó dài đến hàng thế kỷ. Bọn chúng đang có mưu đồ gì đây?

Tiếng súng cá nhân và các loại súng máy vẫn nổ rào rào như bắp rang ở hướng Phúc đóng quân. Đây có thể là cấp số của cả một Tiểu Đoàn. Anh bốc máy lên gọi Phúc. – Phi Mã! Phi Mã đây Lệ Khánh gọi, trả lời!

Hoàn toàn im lặng vô tuyến. Anh xót xa vô cùng, không hiểu chuyện gì đã xảy ra với đơn vị của Phúc. Tiếng súng cá nhân cũng bắt đầu nổ ngay trước mặt đường Dưới ánh sáng chập chờn của vài trái hỏa châu, anh nhìn thấy những bóng đen nhấp nhô trên lộ. Và những quả B40, B41 tới tấp bắn về hướng anh như những ngôi sao băng. Rồi những trái mìn chiếu sáng bật lên. Những quả mìn chống biển người phát nổ. Những bóng đen loạng choạng. Những tiếng chửi thề tục tằn vang lên trong đêm vắng, hòa trong tiếng súng của đơn vị phòng thủ tạo thành một chuỗi âm thanh hỗn độn, nháp nhúa. Những âm thanh của thần chết. Với hai khẩu M.16, thày trò anh đã miệt mài nhả đạn từ hai lỗ châu mai khác nhau vào những cái bia sống đang lớ ngớ đi trên mặt lộ kia.

Tiếng súng Carbin M.2 cũng nổ ran từ các công sự phía bên Văn Phòng, khiến bọn chúng gục ngã như những cây chuối bị chặt ngang. Có những tên bị anh bắn hạ ngay lúc chúng đã đến gần cổng vào Xã. Cuộc giao tranh kéo dài không lâu. Bất ngờ thay, tiếng súng lại đột nhiên im bặt Và tất cả những bóng đen ấy đều đã biến mất dạng dưới mé ruộng bên kia đường.
Anh biết chúng đang chăm sóc cho những tên vừa bị bọn anh hạ gục, và chuẩn bị cho một trận chiến mới. Anh khều Xuân, hai thày trò thủ hai khẩu M.16 cùng dò dẫm leo lên từng bậc thang của miệng hầm.

Bên ngoài, bầu trời vẫn âm u như đang mùa đông. Mây xám vẫn giăng kín khắp nơi. Chị Hằng dù chưa đi ngủ, nhưng cũng chẳng thể nào ló mặt nhìn xuống trần gian để cảm thương cho một dân tộc đầy những đắng cay nghiệt ngã. Thọ và Xuân lần mò dưới giao thông hào rảo hết một vòng các công sự phòng thủ. Có tiếng rên la của một vài binh sĩ bị thương. Anh phụ giúp băng bó cho họ và cùng Xuân mau chân trở lại hầm chỉ huy, khi nghe tiếng hỏa tiễn 122 ly bắt đầu départ từ hướng Tân Trụ.

Lại một trận mưa pháo đổ dồn lên khuôn viên nhỏ bé của Văn Phòng Xã Long Khê. Những tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên không ngừng nghỉ, trái này tiếp nối trái nọ. Có lúc hai ba trái nổ cùng một thời điểm, khiến Thọ tưởng chừng cả mảnh đất này đã bị chôn vùi xuống dưới lớp bụi cát mịt mù kia. Và rồi…Ầm…

Thọ cảm thấy mắt mình tối sầm lại, khi ánh sáng chói lòa của quả đạn nổ ngay sát miệng lỗ châu mai phía trước, chỗ Thọ đang đứng. Sức nóng tạt vào như thiêu đốt mọi vật trong căn hầm nhỏ bé. Tiếng nổ và sức nóng ấy đã đưa anh vào hôn mê…

– Trung úy! Trung úy tỉnh dậy…

Tiếng gọi của Xuân vang lên sát bên lỗ tai, khiến Thọ từ từ mở mắt ra. Anh ngỡ mình đang mơ, ú ớ:

– Chuyện gì vậy Xuân?
– Trung úy đừng làm em sợ! Từ hồi gà gáy đến giờ tụi nó pháo kích mình hai đợt rồi. Hồi nãy, một trái hỏa tiễn nổ ngay lỗ châu mai, làm sụp mất một góc hầm, sức ép khiến Trung úy bất tỉnh. Bây giờ hình như tụi nó muốn xung phong nên em ráng lay Trung úy dậy…

Tiếng súng cá nhân vẫn nổ râm ran khắp nơi trên mặt đất như xác định lời nói của Xuân. Nhưng tại sao chỉ là âm thanh của súng địch? Còn bên ta đâu hết rồi?

Lào xào những giọng nói mang âm hưởng miềm Bắc vang lên ngay bên ngoài hàng rào phòng thủ:

– Mẹ kiếp! Chúng nó trốn đâu hết sạch rồi!

Tiếng Xuân lại thì thào:

– Cách đây không lâu, Trung úy Mới gọi qua nói là ổng phải Zulu vì áp lực của địch mạnh quá… Em chưa kịp báo là Trung úy bị thương…
– Tình hình thế này thì mình phải tìm cách đào thoát thôi. Ai ra được thì mừng cho người ấy. Em thấy mặt sau thế nào?
– Hồi nãy, lúc tụi nó ngưng pháo. Em có đi ra thăm giao thông hào. Anh em lớp bị thương, lớp rút lui hết rồi. In như có nội tuyến á! Em thấy tụi nó hổng xung phong mặt sau. Làm sao nó biết nơi đó có nhiều mìn bẫy, mà tránh né há ông thày!
– Như thế mình sẽ thoát ra bằng mặt sau. Nhưng, Xuân nè!
– Dạ!
– Tại sao lúc nãy em không đi với bọn họ?
– Trời ơi! Trung úy còn mê man bất tỉnh nằm đây, em làm sao bỏ đi cho được.
– Anh cám ơn em nhiều lắm nghe Xuân.
– Huynh đệ Chi binh mà! Thày trò mình có gì mà ơn với nghĩa. Đâu Trung úy ngồi dậy coi thử có đi được hông? Nếu hổng được thì ráng leo lên trên rồi em cõng.

Thọ cầm tay Xuân, tỏ lòng tri ân. Bàn tay khô nháp sần sùi, nhưng lại là của một con người có tấm lòng trung thành tuyệt đối. Anh lồm cồm ngồi dậy, dựa lưng vào vách hầm. Lúc đó mới biết nãy giờ mình đã nằm hôn mê dưới đất. Nhưng mình phải trả đũa bọn chúng trước khi ra đi. Em bấm máy cho anh nói chuyện với Chi Khu đi Xuân.

Nghe tiếng Thọ, vị sĩ quan ban 3 rất mừng rỡ:

– Nghe Tango bị ngất xỉu tôi lo quá!
– Bây giờ thì OK rồi thẩm quyền. Nhưng con cái tôi đã zulu cả rồi!
– Tình hình cụ thể như thế nào?
– Bọn chúng đang phá hàng rào phía trước. Nhờ thẩm quyền cho gà cồ gáy giùm tôi.
– Nhưng gáy ở đâu mới được chứ?
– Ngay tại vị trí của tôi.
– Cái gì?

Tiếng viên Sĩ Quan ban 3 thảng thốt kêu lên trong máy.

– Đâu có để tụi nó vô đây môt cách dễ dàng vậy.
– Nhưng…
– Thẩm quyền nghe tôi trình bầy đã: Bây giờ là 4 giờ 15 phút, ông cho gà cồ gáy giáp vòng xung quanh tôi, nhất là mặt hướng Nam, bằng loại đạn chạm nổ và cả đạn nổ chụp ở cao độ 20 mét. Đến đúng 4 giờ 30 thì ngưng hẳn mọi thứ tại đây, nhưng tiếp tục chuyển qua tác xạ trên các vị trí khuấy rối.
Khi ấy, nếu chúng tôi còn sống sót thì sẽ thoát thân bằng đường sau. 4 giờ 50 phút thì toàn bộ nơi này sẽ thành vùng oanh kích tự do. Thẩm quyền nhận rõ trả lời?
– Tango phải chờ tôi trình với Đại Bàng đã chứ!
– Nhận 5/5 và bắt đầu từ bây giờ, tôi sẽ im lặng vô tuyến.

Chỉ vài phút sau, anh nghe tiếng 105 ly départ từ hướng Chi Khu và rồi bên Bến Lức cũng nhập cuộc. Những quả đạn rơi thật khéo, ngay trên mặt đường lộ, trước văn phòng xã, thậm chí có quả rơi ngay trên cây cầu nhỏ bắc qua giao thông hào đi vào cơ quan hành chánh. Tiếng đạn nổ đinh tai nhức óc lại đổ dồn xuống chung quanh khu vực Thọ đang ngồi. Cũng một tiếng nổ của những loại vũ khí giết người. Nhưng sao lần này anh nghe nó ấm áp lạ thường. Tiếng nổ của trái đạn105 ly thật quen thuộc, nó đem sức sống đến cho đơn vị, khi đang bị vây khốn bởi địch quân. Nó làm cho mọi người hưng phấn, tăng thêm lòng can đảm trong chiến đấu, vì biết rằng mình không bị lẻ loi cô độc.

Từ lúc còn ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, Thọ đã được huấn luyện cách điều chỉnh pháo binh khi không có Sĩ Quan đề lô theo cùng.
Và anh cũng hiểu rất rõ, mức an toàn tối thiểu là 50 mét. Nhưng từ trung tâm mặt lộ vào đến chỗ hầm phòng thủ của anh chỉ khoảng 30 mét. Anh hoàn toàn nằm dưới sức công phá của những viên đạn vô tình. Dẫu thế, những tiếng nổ ấy không gây cho anh một chút cảm giác âu lo, sợ sệt nào. Anh còn thấy lòng mình thơi thới, hân hoan như đã làm xong trọng trách mà Tổ Quốc đã giao phó. Nếu một quả đạn lạc loài nào đó, bởi thiếu thuốc bồi hay do sự thay đổi của sức gió mà rơi trên nắp hầm trú ẩn, vùi chôn thân xác anh dưới đống hoang tàn đổ nát này, thì cũng sẽ anh dũng như khi lãnh một viên đạn của kẻ thù ngoài mặt trận.

Bất cứ sự hy sinh nào cho Tổ Quốc, vì dân tộc đều đáng được tôn vinh. Nghĩ đến đó, anh lại liên tưởng về những khuôn mặt khổ đau của người thân khi hay tin anh đã đền nợ nước. Từng hình ảnh lần lượt chạy qua trong tâm trí như những thước phim chiếu chậm.
Này mẹ, này cha, này em, này chị, bạn bè thân quen, người yêu bé bỏng. Ai ai cũng mang một nỗi buồn vương vất, nhìn anh mà chẳng nói lên lời. Ôi! Anh ra đi đã để lại nhiều thương tiếc đến thế ư? Sao chẳng bầy tỏ sự mến yêu ngay lúc anh còn đang hít thở khí trời, để anh thấy được cuộc đời đẹp đẽ biết bao???

– Trung úy! Trung úy coi lại đồng hồ đi, 4 giờ 28 phút rồi kìa!

Tiếng Xuân vang lên lôi Thọ ra khỏi nỗi chết chưa thành. Anh trả lời như kẻ mộng du:

– Ừ nhỉ, anh em mình lên đưòng. Mau lên…

Thọ vừa nói dứt câu thì những tiếng nổ ngoài kia cũng im bặt. Với sự giúp đỡ của Xuân. Hai thày trò lum khum bò lên miệng hầm, mang theo hai khẩu M.16 chỉ còn mấy viên đạn cuối cùng. Đầu óc Thọ choáng váng như vừa qua một cơn sốt nặng, người anh ê ẩm, nhưng vẫn cố gắng bám sát theo Xuân. Không để cho người lính đáng thương ấy phải cõng anh. Lần mò theo giao thông hào đi về hướng mặt sau của Văn Phòng, bỏ lại phía trước tiếng chửi thề tục tằn của đám cán binh thô lỗ, cùng tiếng rên xiết của những nạn nhân trong đợt pháo T.O.T vừa rồi.

Mặt sau văn phòng xã tiếp giáp với một con lạch nhỏ dẫn ra rạch Long Khê, bên kia là cánh rừng dừa nước. Thế nhưng chúng lại không chọn lựa tấn công mà chỉ muốn vào bằng mặt trước. Đơn giản là vì với địa hình như thế, thì phía sau sẽ là một nơi thiên la địa võng, tràn đầy cạm bẫy chết người. Tin tức này hẳn cũng từ những tay nội tuyến đưa ra. Và cũng chính nhờ thế mà anh mới có cơ hội đào thoát hôm nay. Trong lúc chỉ huy thực hiện bãi mìn phía sau xã, Thọ đã chừa lại một sinh lộ cho trường hợp khốn cùng như thế này.

Thời gian lặng lẽ trôi, khi hai thày trò Thọ vượt qua được lớp hàng rào cuối cùng thì cũng là lúc tiếng départ của những khẩu105 ly bắt đầu vang lên. Hai thày trò vội nhào xuống con lạch tránh đạn. Khi những trái đạn đầu tiên chạm nổ trên mục tiêu, Thọ mới thấy các cấp chỉ huy của anh ở Chi Khu thật là những người thông minh, tài gỉỏi. Đạn vẫn tiếp tục được rót xuống phía Nam con lộ chứ chưa vào ngay nơi văn phòng xã. Điều này khiến cho địch quân chùn chân trên bước đường truy kích Thọ, nhưng vẫn giữ được khoảng cách an toàn cho anh. Ánh sáng nhờ nhờ của một ngày mới giúp thày trò Thọ dễ dàng di chuyển cặp theo con lạch để ra cầu Long Khê. Bây giờ là lúc nước ròng, sình lầy như đặc quánh dưới chân hai thày trò, mà tiếng nổ thì mỗi lúc một gần.

Bằng tất cả ý chí sinh tồn còn lại trong trí óc, anh đã lê những bước chân nặng nề trong sự hiểm nguy tột cùng. Bây giờ, anh mới thấy cảm thông cho những người lính Biệt Động khi phải hành quân qua các vùng Rừng Núi Sình Lầy. Vượt qua được con rạch Long Khê, với anh quả là một kỳ tích. Nhưng một nỗi âu lo khác lại ập đến. Làm sao để tránh ngộ nhận của đơn vị bạn đây? Thế là hai thày trò tiếp tục ngâm mình dưới nước, chờ đến khi trời sáng hẳn.

Lúc vầng dương vừa ló dạng trên những bụi tre ở hướng Ngã Tư Xoài Đôi, thì Thọ cũng nghe được tiếng lao xao của anh em binh sĩ Sư Đoàn 22 Bộ Binh nằm tiền đồn, bàn tán với nhau về trận chiến đêm qua.
Thọ gọi với lên từ mé rạch:

– Các anh ơi! Tụi tui là lính Địa Phương Quân ở bên kia chạy qua đây, anh em đừng ngộ nhận nhe!
– Bao nhiêu người tất cả?

Có tiếng hỏi lại, chắc từ một cấp chỉ huy.

– Hai người thôi hà!

Có tiếng bước chân chạy dồn dập, có lẽ họ trở lại hầm hố cá nhân để ngừa trường hợp bất trắc.

– Các anh giơ hai tay lên thật cao xem! Chúng tôi thấy các anh rồi! Bây giờ từ từ leo lên bờ vẫn trong tư thế ấy, nếu các anh lộn xộn chúng tôi sẽ nổ súng.

Nửa tiếng đồng hồ sau, thày trò Thọ được đưa về đến Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn. Cách ngã ba Gò Đen khoảng hai cây số, Tiểu Khu đã cho đặt một trạm tiếp đón anh em từ các đồn Nghĩa Quân đào thoát được trong trận đánh đêm qua. Đồng bào trong Chợ Rạch Kiến di tản những ngày trước, cũng hiện diện nơi đây khá đông để nghe tin tức của thân nhân họ.

Trong những khuôn mặt đầy nước mắt và niềm vui ấy, Thọ nhận ngay ra ánh mắt hốt hoảng đầy âu lo của Hường.
Dù trải qua thăng trầm thế nào, thì cô vẫn có một sự khác biệt hẳn với những người dân lam lũ ở đây. Bất chấp tất cả mọi ràng buộc đạo đức dưới cái nhìn của mọi người, Hường nhào đến ôm chầm lấy Thọ trong nước mắt nghẹn ngào:

– Anh… anh có sao hông dậy?

Thọ âu yếm xoa nhè nhẹ trên lưng cô như một vỗ về an ủi:

– Anh vẫn còn nguyên vẹn trở về đây, Hường ơi!
– Trời ơi! Vai anh sao vầy nè?
– Sao là sao hở em?
– Máu! Anh bị thương hả?

Lúc ấy, Thọ mới nhận ra cái cảm giác đau đớn nơi bả vai bên trái, mỗi khi cử động.

– Có lẽ do miểng đạn của trái 122 ly gây ra. Thế mà anh chẳng hề hay biết.

Xe cấp cứu được gởi xuống để chuyển anh về Bịnh Viện Tỉnh. Sau khi xem xét vết thương, các Bác Sĩ quyết định mổ để lấy mảnh đạn pháo ra. Nhưng không phải ngay bây giờ mà là một tuần lễ nữa, vì lịch trình đã dầy đặc, hơn nữa trường hợp của Thọ không có gì nguy hiểm. Một tuần lễ tù túng trong bệnh viện, theo dõi tin tức chiến sự khắp nơi, anh thấy lòng như lửa đốt.

Từng nơi, từng nơi lần lượt rơi vào tay giặc. Miền Trung thân yêu, rồi đến Long Khánh, Xuân Lộc. Thế mà anh vẫn phải nằm đây, như một kẻ vô tích sự, trong khi những cấp chỉ huy, những bạn bè, những binh sĩ dưới quyền vẫn còn đang miệt mài ôm súng, chiến đấu giữ gìn từng tấc đất quê hương.

Theo lịch trình thì sáng 30 tháng Tư năm 1975 là ngày anh vào phòng phẩu thuật. Nhưng mọi chuyện phải ngưng lại, để nghe lời tuyên bố đầu hàng của vị Tổng Thống tân nhậm.

Thế là hết! Tất cả mọi sự hy sinh của người dân miền Nam trong bao nhiêu năm qua đều trở thành những tội lỗi trước kẻ chiến thắng. Anh xót xa cho thân mình, xót xa cho bè bạn và cho cả dân tộc. Những Mới, những Hải, những Phúc, những Thủy và còn bao nhiêu người nữa, đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho giãi đất thân yêu này.
Thế mà hôm nay…

Anh lặng lẽ rời khỏi Bệnh Viện theo lời khuyên của Hồng:

– Anh về Saigon ngay đi, ở lại đây tụi du kích sẽ trả thù anh đó!

Thọ và Hường chia tay tại bến xe nhao nhác những con người đang ngẩn ngơ vì thời cuộc. Léo nhéo trên loa phóng thanh là giọng hát của bọn trở cờ, theo đóm ăn tàn qua nhạc phẩm “Nối vòng tay lớn”. Thọ lầm lũi đếm bước như một kẻ tử tội đang đi ra pháp trường. Anh rời khỏi mảnh đất đã gắn bó cả một đời binh nghiệp mà không nói lên được một lời từ giã. Chỉ mang theo trong lòng một vết thương đang mưng mủ và một mảnh đạn của kẻ thù trên vai.

Vết thương ngoài da thịt sẽ có ngày lành lặn. Nhưng nỗi đau trong lòng từ cái Tháng Tư này, sẽ mãi mãi dằn vặt tinh thần anh. Bởi vì, với hồn thiêng sông núi, anh đã không giữ trọn lời tuyên thệ đêm nao, dưới ánh lửa bập bùng nơi Vũ Đình Trường:
Tổ Quốc- Danh Dự -Trách Nhiệm.

Thủy Gia Trang, Ngày 28-2-2011
Viết cho Quê Hương 36 năm tăm tối

Dương Thượng Trúc

Nguồn: https://hoiquanphidung.com/showthread.php?14135-Th%C3%A1ng-T%C6%B0-c%C3%B2n-m%C3%A3i-ni%E1%BB%81m-%C4%91au!

Ý kiến bạn đọc
Thứ Bảy, 04 Tháng Năm 20192:18 CH
Khách
Den thang 4/75 cap chi huy chien truong VNCH va quan VNCH len tinh than, ngay ca Nghia quan va Dia Phuong Quan cung giu vung phong tuyen tu Long Khanh den Long An. Tiec rang quoc hoi My tan ac thieu dao duc, giet chet VNCH bang cach ngung vien tro VNCH hoan toan tu thang 6/75. Mot vai tuong nhu tuong Ky, Hoang Co Minh, LM Dao, muon ve vung 4 tiep tuc khang chien. Hinh nhu tuong Ky co hoi phia My co chiu tiep vien tro cho VNCH chien dau o Vung 4 sau thang 6/75 thi phia My cho biet khong co ngan sach va khong co hy vong xin vien tro. Vi vay ong Ky ngay cuoi cung bay ra ham doi voi tuong Truong. Neu My chiu giup cac to chuc khang chien VNCH nhu Hoa Hao, dac khu Hai Yen cua cha Ng Lac Hoa, va ca thanh phan con lai cua quan VNCH, chi can 100 trieu moi nam la VNCH co the tiep tuc chien dau den khi khoi cong san Nga sap do nam 1992, hoac den khi TC danh Bac Viet nam 1979. Nam 1975 My vi phai vien tro 4 ty USD cho Do Thai nen ho phai giet chet VNCH de giup Do Thai. VNCH chi can 100 trieu sau thang 6/75 la co the ton tai vi Hoa Hao va Dac Khu Hai Yen voi tan quan VNCH gia nhap se khong bao gio dau hang. That la xui xeo cho mien Nam VN bi cai dam ngheo doi lac hau cai tri. Theo Do Son va tuong Pham Duy Tat, My da am sat VNCH.
Thứ Bảy, 27 Tháng Tư 20191:04 CH
Khách
Nguoi Duc, nguoi Nhat rat may man khi ho bai tran dau hang quan My. Ke chien thang van minh tan tien va giau co nen dan Nhat dan Duc song sung suong. Chi tru cap chi huy cao cap phai ra toa, quan doi Duc Nhat khong phai vao tu. Mien Nam xui xeo dau hang VC. Ke chien thang man ro, doi khat, thieu an, sot ret, ghe? bo doi day nguoi thi ke chien bai va tu binh vao dia nguc. Trong luc TT Duong Van Minh ca tug CS la nguoi anh em phia ben kia, Trinh CS keu goi noi vong tay lon, nguoi binh dan VN biet ro cong san tan ac nen khuyen cac si quan tranh ne du kich tra thu. Mot quoc gia ma nguoi binh dan co kien thuc ve CS hon tong thong va tri thuc dai hoc thi khong som thi muon quoc gia do cung di vao dia nguc. Nhung nguoi co trach nhiem dua DVM vao chanh tri nam 1963 va 1975 la nhung ke tiep tay tan sat hang trieu nguoi mien Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn