Những câu chuyện tháng Tư: Chút hồi ức về những ngày bệnh xá 1975

Thứ Sáu, 19 Tháng Tư 20195:59 CH(Xem: 4820)
Những câu chuyện tháng Tư: Chút hồi ức về những ngày bệnh xá 1975

Những ngày giữa tháng 6.1975 ấy, nhiều chàng trai xách túi ra đi, lòng xuân phơi phới. Lịch sử sang trang rồi, làm người thua cuộc, sau một tháng “học tập”, ta có về làm phu bốc vác cũng cam lòng. Thế nhưng sau một tháng, có muốn làm phu bốc vác cũng chẳng được.

30 ngày huy hoàng cơm nhà hàng Á Đông bưng, nước nhà hàng Đồng Khánh rót, sớm lụi tàn, nhường chỗ cho những bữa cơm chỉ việc gỡ bỏ các hạt bông cỏ ra cũng tốn hàng tiếng đồng hồ. Từ những bữa ăn đóng tiền hơn 400 đồng/ngày tụt xuống những bữa cơm trại vài chục đồng là cả một sự tuột dốc thê thảm. Cơ thể không kịp thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt nên bắt đầu làm reo, biểu hiện đầu tiên là bệnh ngứa vì thiếu vitamin. Ngứa ở đâu không ngứa, lại ngay chỗ cần phải che kín nhất trong cơ thể mà ngứa. Báo hại các chàng trai cứ phải thường xuyên “diện bích”, mặt nhìn vào tường vôi như tìm kiếm một giai nhân vô hình nào đó, còn hai bàn tay thì cứ khua loạn xạ.

Nhưng phổ biến nhất lại là bệnh phù thũng (beri-beri), 10 người thì hết 8-9 người vướng bệnh. Triệu chứng dễ thấy nhất của bệnh này là hai má phình ra như người mập, nhưng nặng chình chịch, dùng ngón tay cái ấn vào cổ chân, thịt da lõm xuống và cứ lõm xuống hoài như thế. Thời đó, các phương tiện truyền thông bên ngoài thường xuyên dùng 4 từ “phồn vinh giả tạo” để nói về xã hội miền Nam trước 1975, có lẽ để trấn an những bộ đội và người dân miền Bắc choáng ngợp trước vẻ bề thế của đô thị Sài Gòn. Và 4 từ này đã sớm được ứng dụng đầy sáng tạo trong cuộc sống ở trại Long Thành, dành riêng cho những người cứ tưởng mình lên ký, nhưng thật ra cơ thể chứa quá nhiều nước. Sáng sáng, những chàng trai trên dưới ba mươi ngồi bật dậy, ấn ngón tay vào cổ chân, chờ mãi nhúm thịt vẫn không chịu phồng lên, đành nhẹ nhàng thốt ra một lời than vãn “tụi bây ơi, tao bị phồn vinh giả tạo rồi!” Thật, không có một sự ứng dụng chữ nghĩa nào tuyệt vời đến thế!

Những ngày ấy, món thực phẩm mà nhiều anh em gửi tiền nhờ căng-tin mua hộ là …cám. Cám mang về trộn với đường cát, rưới vào chút nước cho dẽ dặt rồi ép thành bánh mà ăn, vừa ngon, vừa đối phó với căn bệnh “phồn vinh giả tạo” bất trị.

Thiếu thốn quá, con người dễ để lộ chân tướng của mình nhất. Từ sau tháng thứ hai, đã có người nhìn thấy một ông thượng nghị sĩ, chủ một hãng dược lớn, lò mò đi xuống bếp trại, bảo với người bạn đang làm cấp dưỡng ở đó bẻ trộm cho một miếng… cơm cháy. Ngày quốc khánh 2.9 năm ấy được ăn thịt lần đầu sau một thời gian dài vắng thịt, nhưng cũng đồng thời là cực hình cho những bạn nào lỡ trúng phải phiên trực ngày đó. Phần ăn được lãnh về cho cả tổ 10 người vừa bày ra thì người lãnh phần chia thịt bỗng quíu tay trước hàng chục “con mắt hình viên đạn” chăm chú nhìn vào chén thịt. 10 người nhưng đếm đi đếm lại chỉ có 8 cục thịt to cỡ ngón chân cái. Anh vội lựa ra những miếng thịt to hơn cả rồi cắt bớt để có thêm hai phần thịt nữa cho đủ 10 người. Lính quýnh thế nào làm cho một miếng thịt văng xuống nền xi măng trơn láng. Con người đáng thương đó không dám nhìn ai, vội vã lượm miếng thịt lên, kê gần miệng thổi phù phù rồi bỏ vào một chiếc ca nhựa để sẵn, ai trúng người đó chịu.

Bệnh kiết lỵ không nhiều như phù thũng, nhưng mức độ nguy hiểm lại cao hơn rất nhiều. Các hố xí lộ thiên được đào sát hàng rào, nhưng chỉ cách chỗ ở độ 50 mét là cự ly mà gián và ruồi nhặng dễ dàng mò tới. Bữa nọ, anh N., Thiếu tá quyền Chánh sở Nội dịch Phủ Tổng thống cầm đưa cho tôi một ca cơm trắng, anh nói đang đau bụng, không ăn cơm được, nhờ tôi “ăn giùm”. Bạn có lòng, mình lại khó từ chối một thức ăn đang bắt đầu trở thành xa xỉ phẩm, tôi đỡ lấy ca cơm trắng. Chiều hôm đó, ăn được gần nửa ca cơm, bỗng nghe mùi gián nồng nặc. Song đã muộn rồi, cơm đã nuốt vào không thể trục ra, đành phó thác cho… số mạng.

Buổi sáng hôm đó, bệnh kiết lỵ bộc phát trong tôi như một hậu quả được báo trước. Mỗi ngày tôi thực hiện trung bình 20 chuyến khứ hồi từ nhà ra đến hố xí sát cạnh hàng rào rồi quay lại nhà, rồi lại trở ra. Thuốc thì cứ Tétracycline mà nốc vào, nhưng chẳng thấy kết quả đâu. Những chuyến khứ hồi như thế kéo đến hết ngày thứ 7 thì cơ thể không còn sức chịu đựng nổi nữa, tôi nhờ người bạn dìu xuống bệnh xá xin nằm lại. Và cuộc sống của tôi ở bệnh xá đã bắt đầu như thế.

Gọi là bệnh xá nhưng đây chỉ là một ngôi nhà nhỏ không có một tiện nghi tối thiểu nào, kể cả toilet. Bệnh nhân mới như tôi phải học tập kinh nghiệm của người đi trước, nhờ người bạn mua giúp ở căng-tin một cái bô nhựa, xúc cho một ít tro để dành đổ vào bô mỗi khi thực hiện xong nhu cầu. Bệnh xá rất ít vách ngăn, điều buồn cười nhất là hình ảnh ông Phụ tá Tỉnh trưởng Bình Dương ngày nào, mỗi khi bụng quặn đau, cứ thoải mái tụt quần xuống ngồi vào bô, như hệt một đứa trẻ mới lên ba, ngay trước mũi hàng chục bệnh nhân đến khám bệnh, xin thuốc. Từ đó mới nghiệm ra rằng khi con người ta đi đến nỗi đau cùng cực về thể xác lẫn tinh thần thì mọi thứ khác đều vô nghĩa.

Bệnh xá có 2 cán bộ y tế gồm một y sĩ, một y tá, nhưng tù phạm cứ gọi là bác sĩ tuốt. May mà có hai bác sĩ tù thực thụ được đưa xuống bệnh xá để chẩn trị cho anh em. Một bác sĩ tên T., một người tên H., bác sĩ thuộc Viện Pasteur, Sài Gòn, họ đóng góp phần chính trong việc điều hành bệnh xá.

Số bệnh nhân nằm thường trực ở bệnh xá Long Thành vào tháng 9 năm ấy chưa đến 10 người, “niên trưởng” là cụ Nguyễn Văn Tho, Thượng nghị sĩ, Trưởng khối Dân tộc Thượng Nghị viện. Chúng tôi sống với nhau đầm ấm, chan hòa trong tinh thần “đồng bệnh tương lân”, nhất là vào ban đêm, khi tất cả đã vào nhà, trả lại cho bệnh xá cái lạnh lùng đến buốt cả xương, đau cả óc. Lúc ấy, giữa bệnh xá chúng tôi nằm với dãy nhà 6 chỉ cách nhau một con đường đất nhỏ. Ban đêm cả nhà 6 trên dưới 300 người đang tập hát bài “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”… “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận…”.

Họ 300 người hành quân thì chúng tôi, một lũ bệnh phạm chưa đến 10 người nằm im đó, lắng hồn về những kỷ niệm xa vời. Tất nhiên chúng tôi cũng có sinh hoạt riêng, tự biên tự diễn, đặc biệt là những buổi “ăn hàm thụ” tuyệt vời! Cứ mỗi đêm, một người được phân công kể lại cho mọi người nghe một món ăn yêu thích, cách làm, cách thưởng thức. Tôi thì thích nhất cái món bò nướng ngói cụ Nguyễn Văn Tho làm, sao mà nó thơm ngon đến thế! Chỉ nghe thôi mà nước bọt cứ tuôn ra ào ạt trong mồm. Khi bữa ăn hàm thụ đã no nê, không khí đã lắng xuống, thì tiếng tập hát ở nhà 6 lại vang lên: “đêm nay trên đường hành quân… ra mặt trận”… Đến một lúc, tiếng hát không còn nữa, ý chừng họ đã chuẩn bị đi ngủ, chúng tôi rọ rạy trong cái ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn chong trong phòng, rồi những câu chuyện kể cất lên, đủ cho mọi người nghe, mỗi người một cảnh đời riêng, cái buồn nào cũng có thể làm cho nước mắt ứa ra, ướt đầm cả gối. Đó là nguyên nhân ra đời của hai câu thơ:

Nỗi người thương cảm khôn nguôi,
Nỗi mình âu cũng đầy vơi giọt buồn …

***

Ở bệnh xá Long Thành lúc đó có một nữ lao công nhà ở gần trại, nghe đâu là vợ của một du kích xã đã tử trận. Bà được thu nhận làm lao công bệnh xá có lẽ cũng nhờ cái chết của người chồng. Bà có cái già trước tuổi của một phụ nữ miền quê chơn chất, thường lãnh phần phát thuốc cho lũ bệnh chúng tôi, và hầu như lần nào bà cũng phát nhiều hơn chỉ định của bác sĩ, nhất là món vitamin. Chúng tôi giúp bà bằng một cách lương thiện khác, trên tinh thần có qua có lại. Cứ mỗi buổi trưa, chúng tôi ráng lết xuống căng tin, xếp hàng rồng rắn chờ mua những gói thuốc lá Đà Lạt, Vàm Cỏ, Hoa Mai… Mua xong, tất cả thuốc lá tập trung lại cho người phụ nữ nghèo và tốt bụng đó, bà mang về bán ra ngoài với cái giá thị trường chênh lệch rất lớn so với giá mua theo cơ chế quốc doanh. Thỉnh thoảng đi làm buổi sáng, bà mua cho tôi gói xôi trộn nhiều đường, đó là món quà tình nghĩa của vợ người tử sĩ du kích với một tên tù ngã ngựa.

Năm 1975 đó lạnh hơn những năm trước rất nhiều, nhất là những tháng cuối năm, có lúc nhiệt độ Sài Gòn xuống đến 16o C. Lúc tôi nằm ở bệnh xá, trời mới vào tháng 9, nhưng những cơn mưa nhỏ theo gió thốc vào bệnh xá, ngấm vào cơ thể người bệnh đã tụt gần hết calci, cái lạnh buốt đến tận xương, tận tủy. Có những buổi sáng ngồi tựa lưng vào vách, qua khung cửa sổ, nhìn ra một khoảng trống bát ngát bên ngoài làng cô nhi Long Thành khi xưa, nghe đâu trước tháng 4.1975 là doanh trại cũ của Lữ đoàn Mãng Xà vương của Thái Lan. Những hạt mưa bay lơ lửng giữa bầu trời còn vương chút nắng, mọi hi vọng trở về tắt ngấm, cái lạnh càng lạnh hơn và nỗi buồn mênh mông như vạt đất mênh mông trước mặt. Đó là lúc mà thơ cất lên tiếng nói của mình:

MƯA BỆNH XÁ

Nằm đây ngửa mặt lên trần,
Lòng tương tư áng phù vân cuối trời,
Bên ngoài từng hạt mưa rơi,
Từng cơn gió lạnh buốt rời thịt xương.

Nằm đây mà nhớ cố hương,
Đêm đêm làm bạn chiếu giường vô tri,
Xót thân phận chẳng ra gì,
Ba mươi mốt tuổi hoài đi nửa đời ….

Nỗi người thương cảm khôn nguôi,
Nỗi mình âu cũng đầy vơi giọt buồn!

Long Thành 16.9.1975

Lê Nguyễn
18.4.2019

Đăng lại từ Facebook Lê Nguyễn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn