KIỀU NỮ QUÂN NHÂN

Thứ Hai, 25 Tháng Ba 20195:11 CH(Xem: 10800)
KIỀU NỮ QUÂN NHÂN

Ưu Du

Nu quan nhan QLVNCH huan luyen tac xa xung coi 60 ly tai quan truong..jpg

Đoàn đóng tại Thị Xã Quảng Ngãi, rồi phân phối đi quanh mấy vùng lân cận như Sa Huỳnh, Mộ Đức, Tân Thạnh. Tư Nghĩa. Lao xá Phú Châu thuộc liên khu V thời xưa, về hướng Tây Quận Nghĩa Hành, cuối cùng đóng ở Sông Trà Khúc. Không lên Minh Long. Các cô có bạn ở chốn giang đầu, tha hồ nhớ nhung và bâng khuâng.
Buổi tối, tất cả vào ngủ trong Tiểu Khu cho an toàn. Giăng mùng xong, Trúc, Hoài, vừa chui vào giường bố chiếc, đứa nằm xuôi, đứa nằm ngược cho đở chật, thì điện cúp. Hội Trường rộng lớn. Tứ bề không có cửa, phủ bạt thay tường. Nóc nhà lợp tăn. Những đêm di hành, ăn bờ ngủ bụi luôn. May mắn lắm, mới có chỗ ngã lưng, tốt thế nầy, thật qúy hiếm. Hội Trường chứa khoảng năm trăm người, về tạm dừng chân qua đêm.
Hoài từ nhỏ ngủ riêng quen rồi, nay nằm như vậy, mất ngủ luôn. Mai Hồng, Thu Hương, Lan Anh, chiếm cái bàn rộng, dùng làm giường ngủ thoải mái. Ba cô ấy giận hờn, xoi tì xoi tướng nhau, một cách thân ái, như các Chấp Chính Quan ở thời kỳ La Mã, hay triều đình vua Tự Đức vậy.
Đang nhắm mắt mơ màng dĩ tưởng về dĩ vãng, bỗng có ai nhẹ nâng tấm bạt lên. Hoài ngỡ là bạn tìm chỗ ngủ, nên nói:
– Hết chỗ rồi, bạn ơi!
Một lúc khá lâu, bàn tay kia nhẹ nhàng rờ lên hai đầu gối nàng thò ra quá nửa ghế bố. Tưởng con chó Xệ cuả anh Thái, nó thích ngoạm mùng mền như mọi khi. Nàng lấy tay hất ra, liền bị bàn tay khô cứng, xần chai, chộp lấy cùng tiếng thở hổn hển, phì phò gần bên. Nghe rất dễ sợ. Hoài vùng mạnh tay ra, hét thất thanh: – Trời ơi! Ai làm cái gì đây?
Cùng với tiếng kêu to, bóng đen giở tấm bạt, vụt chạy biến vào đêm tối mất dạng. Cả phòng nhốn nháo vì tiếng la hét đột ngột, điện vụt sáng. Sau phút kinh ngạc, tiếng ồn ào lẫn trong tiếng cười nói đồng loạt nổi lên. Mấy cô gái sợ quá dồn nhau ngồi chung trên bàn Thu Hương đã chiếm, không dám hó hé.
Mặt Hoài, Trúc tái xanh như nhuộm chàm, khiến các anh chị cùng Ban không nhịn được cười. Quả thật, họ sợ kinh khủng! Ấn tượng về bàn tay lạnh ngắt kia vẫn còn nguyên. Trước khi ngủ các anh nói chuyện ma, chuyện quỷ. Bây giờ bị một vố mất hồn mất vía, Hoài sợ điếng người! Sao lại cười nhỉ! Không thể cười đâu.
Sáng sớm, Đoàn Quân Tiếp Vụ lên Minh Long. Trúc, Hoài, gửi theo xe cho Đan, Trọng, gói trà. Cà phê Chồn. Đường cát. Hai cây thuốc lá Ruby Queen. Bịch khô Nai. Kèm theo mấy lời thăm hỏi, viết chung gửi đến hai người anh, ở chốn giang đầu, trong tờ thư xinh xinh.
Thứ bảy Trúc, Hoài, đi làm xa, chiều về nghe anh Lân nói: Có một thanh niên mặc thường phục đến tìm. Ban đầu Trúc nghĩ người đó là Chiêu, bạn trai thân thiết của Trúc, nhưng anh ấy có ra đây, thì phải mặc quân phục chứ.
Còn Trọng? Chắc không thể. Vùng đó giao tranh dữ dội. Làm gì có người binh thư nhàn nhã về dạo phố phường? Trúc chợt nhớ lạ lùng bài ca: Biệt Kinh Kỳ của nhạc sĩ Lê Dinh, mà Đan, Trọng, người chiến sĩ gió sương can trường muôn dặm quan hà, có mái tóc sớm bạc màu nắng mưa. Họ đi giữa hai lằn đạn, trong suốt tháng năm qua, trên vùng Mộ Đức, Sa Huỳnh, Cộng Hòa, Nghĩa Phú, v.v… Đã có lần Trọng hát cho nàng nghe.
Phải không hở Trọng? Hẳn anh không muốn làm chàng trai phong trần, vai đeo cung tên, ngồi trên mình con tuấn mã, ruỗi dong ngàn dặm, tìm hương cố nhân. Anh cũng không thích làm Quan Vân Trường râu dài, tính tình cương trực, cưỡi con xích thố, xử dụng cây thanh long đao. Anh càng không là chàng Kim Trọng tình si, hào hoa phong nhã, say đắm nhan sắc Thúy Kiều. Anh không bắt chước Đan, lội qua sông đi tìm “cô gái” ở bên kia bờ.
Mà, anh là Lê Tín Trọng, ở ngàn chốn sơn khê, cuối núi đầu ghềnh, xa tít tắp. Tay anh luôn cầm súng dài, báng súng carbine M2, lưng đầy đạn, lựu đạn, mặt nạ chống hơi ngạt, có mắt kính lồi bằng nhựa đục. Thì việc anh bắt chước Đan, lội nước lớn đi tìm người em nhỏ bên tê sông, vượt biên thùy xa xôi về đây tìm gặp Trúc, là điều ở trong mơ. Nghĩ mà thêm trĩu nặng góc hồn.

Lúc trời dịu mát, năm cô gái rủ nhau đi “pát phố”, dạo cảnh đồng quê. Cô nào cô nấy, mặt hoa da phấn. Môi thắm má hồng. Áo quần xum xoe. Xức nước hoa thơm ngát, đi bên lề lòng phố thoang thoảng mùi thơm. Các cô như năm con công, giữa đám gà vịt bát nháo.
Người dân quê lam lũ một nắng hai sương, cần cù cày sâu cuốc bẫm với đồng áng ruộng vườn. Chưa khố rách áo ôm là điều đại phước. Có đâu nhởn nhơ tung tăng trên đường với quần là áo lụa. Họ chống cuốc đứng nhìn. Cô thôn nữ mộc mạc áo lận quần xăn bạc phếch màu gian khổ, ngẩn ngơ kéo vành nón lá sờn rách che nghiêng. Hai hình ảnh đó đối lập nhau, không phù hợp với thực tế chút nào. Chẳng thích ứng với vùng trời nơi chiến tranh diễn ra, cách đó vài mươi cây số. Sao mà lố bịch quá! Các cô vội vàng trở về phố chính. Ở đó, dẫu sao còn thấp thoáng khuôn mặt thị thành.
Quảng Thành mất dần dần nét mộc mạc hồn nhiên ngày trước. Các quán ăn, Snack bar, phòng khiêu vũ đèn mờ, nhạc kích động mọc lên như nấm. Người Mỹ đưa Cố Vấn đến trên quê hương nghèo nàn, mang theo bầu sinh khí sôi nổi, ồn ào sống động, hội hè đình đám, phức tạp ở các bar náo nhiệt tưng bừng.
Không hiểu người ta đi đâu mà chen lấn chuyển động như kiến trên mặt nhựa nóng ran. Trên phố xuất hiện những lính Mỹ trắng, Mỹ đen, đi lố nhố nghênh ngang trong lòng đại lộ. Tuy vậy họ khá sợ Quân Cảnh Mỹ. Họ chấp hành luật pháp nghiêm minh. Ít khi thấy bạo động ở thời điểm nầy.
Cha mẹ sanh thành, nưng niu con từ tấm bé không tiếc công, mà tiếc chi tên cúng cơm, cha mẹ đặt cho quá khó nghe, quê mùa, khó chịu mỗi khi có người gọi. Thật mắc cỡ muốn độn thổ. Nên các cô làm cuộc cách mạng gia phong, cãi lời bố tổ. Thôi thì tự đặt cho mình, những cái tên thật kêu, thật đẹp, thật mê ly, đầy hoa mỹ, êm ái ngọt ngào, như mật rót vào tai. Gọi lên ngày đêm nghe bàng hoàng, thương nhớ đời ca sĩ … đến rụng rời.
Các bạn thả bước trên phố, ngắm cửa tiệm chưng bày mỹ phẩm, giày mũ, áo quần. Chợt có tiếng gọi:
– Hương Hoài! Tuyết Thanh Trúc! Mai Hồng!
Mai Hồng reo lên:
– Aí chà chà. Anh Đan, anh Đan kìa!
Hoài nhận ra anh, thoáng mắt giao nhanh reo vui bằng mắt. Thấy Hoài nhìn, khuôn mặt xạm nắng gió phong sương khuya chiều, nhuốm vẻ ưu tư của anh, dịu hẳn đi trong nụ cười ấm nồng. Nàng nhìn anh đăm đăm, cảm thấy lòng thích thích, thương thương sợi tóc ương ngạnh, bỏ mái lòa xoà trên trán không đội chiếc nón sắt như mấy lần trước. Thương viền mi cong vút chơm chớp mắt nhìn trìu mến, nụ cười rộng mở. Thương từng khóa sol in rải rác trên áo sơ mi màu vàng nhạt. Cà vạt nâu lủng lẳng kẹp cài. Quần tây mầu biển đậm, và đôi giày da thời trang đen bóng.
Biết nói thế nào cho trung thực nhỉ! Lần đầu tiên, Hoài thấy Đan mặc thường phục; Dễ thương ư? Hoài không chối cãi điều đó, tuy nhiên anh mất đi một nửa, dáng dấp hùng tráng của chàng trai đượm phong trần. Điều đó đúng thôi.
Nếu các anh ra trận, mà mặc áo sơ mi ca rô hoa hòe, quần nhung dạ hội. Có cầm súng cối súng trường, lưng nịt đầy đạn, mang giày nhung, đầu đội “nón bành nhung” chăng nữa. Vẫn yếu xìu… Còn đánh đấm gì cơ chứ. Hoài thấy phục người đầu tiên, đã sáng tạo ra loại Quân Phục cho Quân Nhân mặc. Sao mà hợp tình, hợp lý thế không biết!
Đan đến bên các cô, cười thân ái. Hỏi:
– Các em có bận đi đâu không hở?
Tuyết Ngọc, hay tên Ngọc Thanh Trúc (Trúc đặt đủ thứ biệt hiệu mà) nhanh miệng đáp:
– Không anh. Tụi em đi tà tà.
– Vậy thì tốt. Các em vào ăn tô bún, uống ly nước nhe.
Họ quay gót theo Đan vào tiệm. Bữa ăn dẫu tình cờ nhưng đầy đủ các món. Khung cảnh ấm cúng thanh lịch. Nhạc chọn lọc mở nhè nhẹ êm êm, với bình hoa Lys cắm trên bàn phủ khăn trắng, thì còn gì bằng. Có các anh: Thọ, Văn, Quân, Bảy, Hộ, Tí, Hà, Đan.

_ * _

Ưu Du

Nguồn: http://www.canhthep.com/modules.php?op=modload&name=Forum&file=view&site=kq&bn=kq_chuyendoilinh&key=1167332231&first=1800&last=1859

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn