Màu Nâu Trong Ký Ức - Ngọc Dạ Lý Hương​

Thứ Tư, 13 Tháng Ba 20195:44 CH(Xem: 6408)
Màu Nâu Trong Ký Ức - Ngọc Dạ Lý Hương​

huy hieu biet dong quan

Ngọc Dạ Lý Hương​

Đầu năm 1960 tôi đang phụ trách thanh tra thuộc Bộ chỉ huy Trung đoàn 135 Địa phương đóng ngay Tỉnh lỵ Long Xuyên bỗng nhiên được lệnh giải tán cả Trung đoàn. Các Tiểu đoàn trực thuộc được lệnh tuyển dụng các Quân nhân xuất sắc để thành lập các đại đội BĐQ. Một số Sĩ quan thuộc Bộ chỉ huy Trung đoàn được chuyển sang thành lập Bộ chỉ huy Biệt Động, Quân Khu 5, tức là Vùng 4 Chiến thuật sau này, đóng phía Nam thị xã Cần Thơ. Đại úy Nguyễn Khắc Trường làm Tham mưu trưởng và Thiếu tá Trần Văn Cường giữ chức vụ Chỉ huy trưởng.

Lúc mới đầu vì công việc ít nên tôi kiêm nhiệm Trưởng ban 1, Sĩ quan An ninh và Trưởng ban Huấn luyện. Nơi huấn luyện các đại đội tân lập ở Trung tâm Cái Vồn, phía bắc sông Hậu.

Thời gian thành lập đầu tiên của Binh chủng, Thiếu tá Phan Trọng Chinh là Chỉ huy trưởng Biệt Động Quân (Trung ương). Sau một thời gian ông bàn giao cho Đại tá Lam Sơn trước kia là Tư lệnh Sư đoàn Khinh chiến 16 mà tôi đã phục vụ từ ngày thành lập cho đến khi giải tán, trú đóng ở Đông Hà và Quảng Trị. Vài tháng sau, Thiếu tá Trần Văn Cường bàn giao lại cho Trung tá Đoàn Văn Quảng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Hành quân Quân Khu 5. Lúc này tổng số Đại đội Biệt Động Quân tại Quân Khu 5 lên tới 55 đại đội. Đa số các Đại đội này thành lập từ các Quân khu khác được chuyển về Quân khu 5 để hoạt động. Quân số mỗi đại đội trên 100 và có bốn hay năm Sĩ quan một Đại đội. Tinh thần các Quân nhân rất hăng hái và mang vẻ hãnh diện vì được là thành phần của một Binh chủng mới, danh hiệu mang tính cách thiện chiến.

http://www.gstatic.com/hostedimg/59bc36b9ed0b339b_landing

Mỗi một tỉnh Tiểu Khu được sử dụng vài Đại đội để đối phó tình hình an ninh mỗi ngày một xấu. Việt cộng đang dần dần đẩy mạnh chiến tranh du kích, khủng bố từ cấp nhỏ đến cấp Đại đội và đôi khi tới cấp Tiểu đoàn, không những tại vùng rừng núi vắng vẻ, thôn xã xa xôi mà có khá nhiều trận đánh rất gần Quận lỵ và Tỉnh lỵ.

Tôi nghĩ rằng việc thành lập các Đại đội Biệt Động Quân rất kịp thời để ngăn chận sự hoạt động của địch ở Quân khu 5, làm cho đối phương e dè, tránh né khi gặp các đơn vị Biệt Động Quân. Các đại đội Mũ Nâu thực sự góp phần hữu hiệu trong việc bảo đảm an ninh trên khu vực phụ trách.

Tại các Quân khu khác, tình hình an ninh tương đối yên ổn hơn nên mỗi Quân khu khác chỉ có vài Đại đội hay trên mười Đại đội, chứ không có nhiều như Quân khu 5; lúc này vị Tư lệnh là Đại tá Trần Thiện Khiêm.

Tôi biết khá rõ lý lịch, sở trường, sở đoản của những vị Đại đội trưởng đầu tiên bởi gặp nhau luôn luôn, nhất là những dịp họ về Đại đội Hành chánh Tiếp vận lãnh lương cho Đại đội hàng tháng, đóng gần Bộ chỉ huy. Tất nhiên trong những buổi họp mặt tình cờ đều có rượu, ăn chơi xả láng, xì phé… và nhờ những buổi gặp gỡ ấy mà tôi biết được cung cách hoạt động của các đại đội BĐQ tại các Tiểu khu ra sao. Tôi cũng được biết thêm về những đơn vị của địch. Tôi thường yêu cầu họ cung cấp cho tôi những sách báo, hồi ký, nhật ký… Kim Tây, Dương Kim Văn, Hoàng Kim Thành, Phạm Văn Phúc, Đoàn Thi, Sơn Thương, Lê Hưng Phú, Lê Phú Đào, Nguyễn Thành Nguyên, Lê Tấn Paul, Nguyễn Văn Toàn… qua đã có nhiều chiến công đáng ca ngợi, giúp chính quyền ổn định an ninh, trật tự mà phong thái của họ toát ra vẻ hào hoa của một Quân nhân rất tự tin giữa thời binh lửa tràn lan.

Đội Mũ Nâu mới thoạt đầu mọi người cứ tưởng chúng tôi là Nhẩy Dù, phải giải thích đồng bào mới hiểu. Sau này được cấp phát Quân phục ngụy trang rằn ri, có huy hiệu riêng, được vũ trang tương đối tối tân trước các Sư đoàn Bộ binh và là thành phần tăng phái của các Vùng Chiến Thuật, trở nên lực lượng Tổng Trừ Bị của Quân Lực, dần dần phát triển lên cấp Tiểu đoàn và Liên đoàn, phải đảm nhận các chiến trường gay go ác liệt, mũi nhọn và chữa cháy chẳng khác gì Nhẩy Dù và Thủy Quân Lục Chiến.

Chúng tôi tôi được hưởng trợ cấp đặc biệt mỗi tháng ba trăm, thực ra chỉ đủ một bữa nhậu xoàng nhưng cũng đủ sự hãnh diện khi được làm chiến sĩ Cọp Đen. Gót chân của những người lính Biệt Động giẫm nát chiến trường từ Năm Căn, Cà Mau cho tới vùng giới tuyến. Thậm chí còn tung hoành trên lãnh thổ Kampuchia vào đầu thập niên 70.

Sau này đã thành lập gần xong ba Sư đoàn Biệt Động Quân thì xảy ra Tháng Tư Đen.

Trong thời gian phục vụ tại Binh chủng, tôi làm việc ở văn phòng, rồi các Trung tâm Huấn luyện Trung Hòa và Dục Mỹ, Đại đội trưởng và Tiểu đoàn trưởng cho đến cuối năm 67 mới rời Binh chủng từ Pleiku về Sư đoàn 25 BB ở Đức Hòa, tiếp tục làm Tiểu đoàn trưởng nên biết được một số vấn đề của các đơn vị trong tiến trình trưởng thành cũng như các khó khăn của Biệt Động Quân.

Biệt Động Quân tiếng Mỹ là Ranger chính là những đơn vị hoạt động đặc biệt trong những nhiệm vụ đặc biệt. Trước đây, người Pháp thành lập những đại đội mũ đen Commando có nhiệm vụ tiến sâu bí mật vào vùng địch kiểm soát để ám sát, bắt cóc, phá hoại, tiêu diệt các đơn vị nhỏ của địch.

Sự ra đời của các Đại đội Biệt Động Quân và hoạt động ở Quân khu 5 tỏ ra hữu hiệu. Hối tiếc rằng các Đại đội trưởng không ý thức được hình thái chiến tranh du kích ở khắp nơi và trên nhiều phương diện. Họ thường chủ quan khinh địch, hoạt động có tính cách hù dọa, trình diễn, hành quân lùng địch ào ạt rồi thu gọn lại vào ban đêm, chẳng khác gì với các Đại đội của các Sư đoàn Bộ binh. Mặc dù các đơn vị được huấn luyện cá nhân và đơn vị, đồng thời một số Sĩ quan được thụ huấn bên Mã Lai song cũng chẳng áp dụng các chiến thuật đã được giảng dạy và thực tập.

Chẳng hạn chiến thuật phục kích và đột kích là hai chiến thuật chính yếu. Nhưng không hoạt động tình báo và đơn vị sử dụng cũng không cung cấp tin tức chính xác nên hoạt động không có kết quả, rơi vào thế bị động hay thụ động.

Khi thành lập tới cấp Tiểu đoàn rồi Liên đoàn càng thêm xa lạ với các chiến thuật nòng cốt của Binh chủng. Ngay như các Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến và Nhẩy Dù cũng rơi vào tình trạng này, không phát huy được tính năng đặc biệt của Binh chủng. Các Tiểu đoàn có thể bị xé lẻ ra trú đóng hoặc thi hành những nhiệm vụ không phù hợp như mở đường, giữ an ninh trục lộ, hộ tống, lập tuyến ngăn chặn… Rồi trong lúc di chuyển thường co cụm, bất động khi không có lệnh, tấn công trực diện với phương thức cổ điển dựa vào hỏa lực, nói chung không chủ động.

http://www.gstatic.com/hostedimg/3b547aa86e683dbd_landing

Thời gian có các toán cố vấn Mỹ đi theo tiểu đoàn, họ đã giúp rất nhiều trong việc xin máy bay tản thương và xin yểm trợ hỏa lực của máy bay khu trục. Nhưng cái nhìn của các vị cố vấn này ít khi đúng đắn trên thực tế chiến trường nên nhiều khi gây ngộ nhận, bất hòa. Phải nói họ rất can đảm, tận tình, chu đáo và cũng rất nguyên tắc.

Tất nhiên khi thành lập Sư đoàn Biệt Động Quân, chúng ta có các mũi lao đáng kể, các nắm đấm hùng hậu, song hoạt động đặc chủng là đâu ? Danh hiệu Biệt động có còn ý nghĩa trên thực tế và trên lý thuyết không ? Hay là do tình hình đối phó cần tập trung lực lượng chống lại địch đã tổ chức các cấp Lữ đoàn, Sư đoàn và Quân đoàn ?

Những Quân nhân Biệt động rất mệt mỏi vì thiếu nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Nhất là chán nản khi không có tin tức địch chính xác, rõ ràng nên đi không lại về không.

Khi đơn vị Biệt Động Quân nhận lệnh biệt phái cho Chi khu, Tiểu khu, Khu chiến thuật, Sư đoàn và Quân đoàn, các giới chức chỉ huy được tăng phái bèn lập tức sử dụng vào những nơi nguy hiểm, quan trọng nhất. Sau các trận đánh hoặc sau một tháng, hai tháng vẫn bắt hành quân tìm địch hoặc sử dụng đơn vị vào việc an ninh lãnh thổ, không còn dành thì giờ để đơn vị nghỉ ngơi, bổ sung, kiểm điểm rút kinh nghiệm, huấn luyện cấp tốc tùy theo nhiệm vụ và địa thế mới, và xa vợ con quá lâu nên mấy bà cố gắng đi tìm chồng ngay trên mặt trận còn vương vất khói súng.

Binh sĩ hành quân mang khá nặng, hầu như đi suốt ngày. Tối đến lại đào hầm hố, nấu ăn, làm tiền đồn, phục kích… cứ thế mà kéo dài làm sao hăng say, có khí thế như lúc đầu được !

Theo tôi, muốn chiến đấu cho hữu hiệu thì quân số tác chiến mỗi Đại đội phải từ 100 Quân nhân trở lên, trong đó có ít nhất 4 Sĩ quan. Như vậy, mỗi Trung đội có khoảng từ 25 tới 30 Quân nhân mới tạm đủ khả năng nhận nhiệm vụ có tên và không tên, nhất là khi hoạt động riêng rẽ. Nếu quân số chiến đấu ít hơn, các trung đội trưởng rất khó điều động, phân chia. Do đó các Quân nhân thêm nhọc mệt, căng thẳng. Đấy là tôi chưa kể các thành phần đào binh, vô kỷ luật, binh sĩ được huấn luyện sơ sài, ưa nhậu nhẹt, tinh thần thể lực sút kém… gây ảnh hưởng xấu.

Sau này, Biệt Động Quân được bành trướng do sự cải tuyển từ các lực lượng dân sự chiến đấu của Mỹ nên khả năng tác chiến cần đặt dấu hỏi đối với đơn vị luôn luôn lưu động và cần lanh lẹ, khôn ngoan khi giáp mặt đối phương.

Về sau người ta gọi các đơn vị trú đóng ở vùng biên giới, cạnh khu vực kiểm soát của địch là Biệt Động Quân Biên Phòng.

Mấy năm ở Binh chủng Mũ Nâu, tôi đã có những thành công và thất bại. Tôi đã có nhiều đồng ngũ ngã xuống vĩnh viễn hay mang thương tật suốt đời. Nhưng cũng có nhiều anh của lớp Đại đội trưởng đầu tiên thăng tiến giữ chức vụ cao cấp không ngờ. Họ đã vào sinh ra tử. Họ đã tỏ ra có tài năng, bản lĩnh. Họ đã có những may mắn, thuận lợi. Có những trường hợp lên cấp rất mau, nhiều người tưởng là phe cánh đưa lên. Sự thực đều do chiến công hiển hách của họ, rất xứng đáng thăng cấp hoặc nhận những Huân chương, Huy chương cao quý.

Các vị Chỉ huy trưởng Biệt Động Quân (Trung ương) mà tôi được biết như Phan Trọng Chinh, Lam Sơn, Tôn Thất Xứng, Phan Xuân Nhuận, Trần Văn Liễu và Trần Văn Hai, mỗi vị điều có phong cách chỉ huy riêng, đáng mến, đáng phục.

Chỉ tiếc các vị Chỉ huy trưởng này cũng như các vị Chỉ huy trưởng Biệt Động Quân tại các Quân Khu thường chỉ theo dõi, ghi nhận hoạt động của các “đứa con” của mình chứ ít khi can thiệp hay đề nghị để các vị Tư lệnh Sư đoàn, Quân đoàn lưu ý, thay đổi việc sử dụng, phối trí. Vì các vị Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù hay Thủy Quân Lục Chiến trực tiếp chỉ huy đơn vị nên tiếng nói có trọng lượng hơn. Thậm chí các vị Tư lệnh Quân đoàn tự ý thay đổi các Tiểu đoàn trưởng hay Liên đoàn trưởng rồi BCH Quân chủng hay Phòng Tổng Quản Trị Bộ TTM hợp thức hóa sau. Vì thế nhiều lúc các Liên đoàn, Tiểu đoàn bị o ép, thiệt thòi cũng chỉ biết cắn răng thi hành. Mà cũng chỉ than thở chứ biết khiếu nại cùng ai ?

Có lẽ chiến công cuối cùng hào hùng nhất của Biệt Động Quân là ba Liên đoàn đã phá vỡ, lướt càn các ổ phục kích, ngăn chận của Sư đoàn 10 và các đơn vị thuộc Tỉnh đội Phú Yên ven tỉnh lộ 7 từ Cheo Reo tới Tuy Hòa. Nhờ sự can đảm, quyết tâm của người lính Mũ Nâu nên cứu sống được một số đơn vị và đồng bào trong cơn hỗn loạn, dù bị thiệt hại nặng nề.

Gần bốn mươi năm qua, tôi vẫn còn nhớ rõ những ngày mới thành lập Binh chủng, nhớ lại từng khuôn mặt các Đại đội trưởng thuộc lớp “tiền bối”, các Sĩ quan Tham mưu của Bộ chỉ huy, các Sĩ quan đã cùng chung Đại đội, Tiểu đoàn hay huấn luyện với tôi… cùng với biết bao địa danh, vị trí kề cận hiểm nguy cả đêm lẫn ngày.

Nhưng trên hết, dù trong giấc ngủ, tôi vẫn thấy thấp thoáng hiện lên những chiếc mũ màu nâu ngời sắc, vượt qua tiềm thức, tỏa lên rực rỡ và trong tim tôi thỉnh thoảng vang lên những tiếng hô sắc bén : “Biệt Động Quân Sát”, lòng tôi bồi hồi và cảm xúc dâng lên, dâng lên mãi.

Những Chiến sĩ Biệt Động Quân trẻ nhất trước năm 1975 nay đã trên sáu mươi tuổi, còn nói gì đến thế hệ chúng ta. Nhưng tất cả đều vẫn mang tinh thần Biệt Động Quân, vẫn hằng nung nấu ba tiêu lệnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vẫn cảm thấy trăn trở, u uất khi bổn phận chưa tròn. Và chúng ta vẫn thầm hẹn Một Ngày Về khi đất nước được Tự do, Hạnh phúc thực sự, không còn bọn Cộng sản độc tài.

Ngọc Dạ Lý Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn