Lỡ Chuyến Đò Ngang

Thứ Sáu, 15 Tháng Ba 201911:02 SA(Xem: 7136)
Lỡ Chuyến Đò Ngang

"Trách con đò ngang không đợi chờ.
Sớm chiều ngại chi gió mưa.
Bến sông ngày xưa ta hẹn hò.
Hỡi người vì tôi đón đưa.

Đã qua mùa thi tôi trở về.
Mới hay người xưa quên lời thề.
Để lại mình tôi nơi đây.
Người về bên kia sông ..."

Tôi xin mượn lời bài hát với tiếng hát tha thiết của Vân Khánh này để mở đầu cho bài viết.

o 0 o

Sau Tết Mậu Thân 1968, lệnh tổng động viên được ban hành, biết bao nhiêu những thanh niên ưu tú của miền Nam phải xếp bỏ bút nghiên lên đường nhập ngũ! Mẹ tôi bảo anh tôi, đi SVSQ Võ Bị cho gần nhà, nhưng anh tôi không thích con đường binh nghiệp, đã trình diện trường Bộ Binh Thủ Đức.

Khách du lịch thưa thớt, buôn bán tại thị xã Dalat cũng vì thế mà chậm đi! Thời gian này mẹ tôi trúng thầu được câu lạc bộ của trường ĐHCTCT, một quân trường mới thành lập tại thị xã không lâu lắm.

Em đông, mẹ tôi tần tảo bán buôn từ nhỏ tôi cũng phải phụ mẹ làm việc, giúp đỡ cha mẹ. Câu lạc bộ không thể là nguồn thu nhập chính của gia đình. Vì thế bà giao cho tôi trông coi, mẹ tôi ở thị xã nhiều hơn trong câu lạc bộ.

Mới độ 8:30 tối, câu lạc bộ vắng tanh, nhưng vẫn chưa đến giờ đóng cửa, tôi ngồi làm việc dưới ánh đèn vàng, cập nhật ticket bán ra, đóng dấu ticket mới, kiểm lại những gì cần mua thêm, sáng mai gởi theo xe mang thực phẩm vào câu lạc bộ mỗi buổi sáng, để ngày hôm sau mẹ tôi mua bổ túc thêm.

Một anh SVSQ bước vào, áo jacket kéo cao cổ, chứng tỏ ngoài trời lạnh lắm! Tôi nhận ra anh, nhưng không tiếp xúc với anh thường. Người SV bước đến hỏi mua 1 gói thuốc lá, tôi nói:

- Người bán thuốc lá, chị ấy về nhà rồi, nhưng có gởi chìa khóa ở đây, anh hút pallmall đỏ phải không?

Khi tôi cúi xuống tìm chùm chìa khóa, nhưng vẫn hỏi anh:

- Buổi sáng tôi thấy anh mới mua 1 gói, chẳng lẽ anh hút hết mỗi ngày một gói sao?

Tôi không nghe thấy anh trả lời, khi tôi tìm được chùm chìa khóa, ngẩng lên nhìn anh, tôi thấy anh thật buồn! Khi tôi trở lại với gói thuốc trên tay. Anh hỏi mua một ly cafe.

thinh -Người làm họ đi ngủ hết rồi thưa anh, tôi có thể pha cho anh một ly cafe phin, nhưng cho tôi xin hỏi:

- Anh đi gác sau khi uống cafe xong, hay anh đi về phòng?

-Tôi gác xong rồi, bây giờ tôi về phòng.

-Thế thì tôi pha cafe cho anh, nhưng tôi chỉ cho một chút cafe thôi, cho nhiều sữa, anh chiụ không ? Anh uống cafe đặc quá làm sao ngủ được để mai còn đi học.

Anh gật đầu.

Khi tôi trở lại với tách sữa nóng với chút cafe và một bình trà, tôi hỏi anh:

- Anh có mất ngủ khi uống trà không? Nếu có, tôi sẽ pha trà lipton cho anh? Còn tôi uống trà từ thủa nhỏ nên không bị mất ngủ vì trà ...

Cô cho tôi ly trà, thêm tí nước sôi, tôi tò mò nhìn điếu thuốc cháy đỏ trên môi anh và hỏi:

-Mọi người đi phép về thăm gia đình, khi lên lại trường, họ đều vui vẻ, tại sao anh buồn thế, có phải có chuyện gì xảy đến với gia đình anh không?

Anh gẩy tàn thuốc xuống đất, đột nhiên anh trả lời:

-Tôi vừa chia tay với cô bạn gái của tôi hôm đi phép về vừa qua ...

Tôi không dè anh bộc lộ tình cảm riêng như thế, tôi hỏi anh:

- Anh có làm gì cho cô ấy buồn hay không?

Tôi từ Quang Trung chuyển lên Dalat, cô ấy và bố mẹ tôi có đến QT thăm, cô hứa chờ tôi ra trường... tôi không có dịp gặp cô ta lần nào nữa! Tôi không hiểu lý do nào, sau 7 tháng, cô viết thư cho tôi bảo: “chấm dứt, đường ai nấy đi!” Khi tôi về phép hỏi cho ra lý do... Được tin cô sắp lấy chồng ...

Nghe đến đây tự nhiên tôi nói ngay, mà chẳng suy nghĩ gì .

- Tôi tưởng có chuyện gì khác, như thế việc gì anh phải buồn, hai gia đình không ngăn cản hôn nhân của hai người, cô ấy tự ý bỏ lời ước hẹn mà sang sông, hẳn có lý do… chắc cô ta ngại một điều gì đó hoặc tìm được một người có điều kiện hơn anh... anh còn nhiều chuyện trong tương lai phải giải quyết... anh còn trách nhiệm với gia đình bố mẹ, với bản thân, với quốc gia.

Tôi thấy người SVSQ này nhìn tôi, tôi nhỏ nhẹ nhắc anh, đến giờ tôi phải đóng cửa.

Từ ngày đó, cứ hai ba tối anh ra câu lạc bộ, lúc mua gói thuốc, lúc uống ly cafe v.v… thường thì sau 8 giờ tối. Tôi ngạc nhiên tự hỏi? Tại sao một cô gái nhỏ tuổi như tôi, lại lắng nghe câu chuyên tình của một thanh niên chứ ! Không hiểu sao tôi vẫn cứ lắng nghe... Có lẽ có người lắng nghe cũng làm anh bớt buồn. Đôi khi anh kể câu chuyện vui khi anh ra bãi tập quân sự, nhưng phần nhiều tôi nghe toàn kỷ niệm giữa hai người... Tôi thì hay mở cho anh nghe những bản nhạc mới, tôi vừa thâu được ngoài thị xã.

Một buổi tối, anh ra với môt SVSQ khác, thấy tôi đang đan một chiếc tất cho trẻ sơ sinh. Đó là cách kiếm tiền thêm của tôi để mua sắm thêm những gì mà con gái cần.

Anh bảo:

- Này cô mình, khi tôi ra trường kiếm một ít vốn, về đây hùm với cô mở cơ sở làm búp bê nhé.

-Vâng, Tôi thấy anh tủm tỉm cười, người SVSQ kia cười to, tôi nhìn hai anh với đôi mắt ngạc nhiên, có lẽ nhận ra tôi không hiểu cho nên các anh thôi cười.

Ngày ra trường sắp tới, SVSQ thong thả hơn, các anh ra câu lạc bộ đông hơn, tuổi trẻ và niềm hy vọng của họ tràn đầy. Tôi cảm nhân được như thế.

Cũng như mọi lần, tôi pha cafe cho anh (người SVSQ trẻ). Anh nhìn tôi chăm chú rồi bảo:

Tôi có chuyện muốn nói với cô mình, chuyện rất quan trọng. Tôi chờ đợi anh nói:

- Độ một tháng nữa tôi ra trường, tôi muốn hỏi cưới cô làm vợ. Nếu cô bằng lòng, tôi sẽ thưa chuyện với cha mẹ tôi ?

Ngạc nhiên tôi nhìn anh:

- Không phải chuyện đùa, anh nói thật đấy chứ, tôi không muốn nghe chuyện đùa như vậy đâu...

Anh trả lời:

- Không, tôi nói thật.

Tôi nhìn kỹ anh, nghiêm trang và thẳng thắn, chân thành... nếu vậy anh cho tôi hỏi:

- Gia đình anh không biết tôi, nhỡ như ông bà cụ không bằng lòng thì anh nghĩ sao?

- Tôi lấy vợ cho tôi không phải cho gia đình, tôi sẽ thuyết phục cha mẹ và không có gì ngăn cản tôi được.

- Nếu như anh quyết tâm như vậy, tôi bằng lòng lấy anh.

Anh hỏi lại tôi:

- Nếu như gia đình cô không bằng lòng thì sao?

- Tôi đã hứa thì không thay đôi, tôi cũng cố thuyết phục cha mẹ tôi, không có gì cản tôi được.

- Vậy là cô hứa...

- Vâng xin tôi hứa.

Buổi sáng anh sắp rời Dalat, chúng tôi hẹn nhau tại cafe Tùng để đi thăm một người anh quen, Trung Tá Quí, ông dạy tại trường Chỉ Huy Tham Mưu, khi tôi đến thì anh đã ngồi ở đó với một người bạn.

- Giới thiệu với em, bạn anh khóa 25 Võ Bị.

Chúng tôi chào nhau, tôi nhận ra anh này nhìn tôi hơi kỹ, hôm đó tôi mặc môt cái áo dài mầu nâu có thêu những chùm hoa mimosa mầu vàng óng, lúc tuổi trẻ tôi thích mầu hoa này. Cho tới bây giờ tôi vẫn thích loại hoa này.

Ngày tiển anh ra phi trường Cam Ly, lúc chia tay tôi bảo anh:

Em không ràng buộc anh vào lời hừa, nếu anh thay đổi ý kiến thì không phải viết thư cho em, còn vẫn giữ ý định đó thì hãy viết thư cho em khi anh về đến Saigon.

Không lâu, tôi đang ngồi tại câu lạc bộ, có một anh SVSQ khóa 3 đang trực cổng Anh Đào vào báo cho tôi biết, có một SVSQ Võ Bị cần gặp, tôi bước ra và nhận ra anh SXSQ khóa 25, tôi mời anh vào.

Anh hỏi tôi:

- Có nhận được thư của Thịnh, bạn tôi không?

- Tôi chưa nhận được, có chuyện gì cơ?

- Không, Thịnh nhờ tôi đến đây chăm sóc cho cô.

Một cơn giận chợt bùng lên, tôi bảo anh:

- Nhờ anh nhắn với anh ấy, tôi tự chăm sóc cho tôi được không cần ai và bây giờ anh đã nhắn xong, anh còn điều gì nói với tôi nữa không?

Tôi nhìn vẻ mặt của anh SVSQ này, lòng chợt ân hận, tôi không có cách nào tự kềm chế mình khi cơn giân bùng lên. Cách này hay cách khác vẫn không phải cá tính của một cô gái dịu dàng, ôn nhu.

Dịu giọng tôi hỏi anh, trưa rồi anh có muốn ăn chút gì không hay uống cafe? Có lẽ sự hòa hoãn của tôi làm cho anh cảm thấy dễ chịu hơn, anh nói,

- Thú thật với cô, tôi sắp đi phép muốn đến mượn cô ít tiền, khi đi phép lên tôi trả.

Tôi nhìn anh và cười:

- Tại sao anh không nói thẳng với tôi điều này từ khi anh mới tới có lẽ tốt hơn. Anh cần bao nhiêu?

- Tôi cần $2500

- Được tôi cho anh mượn.

Sau đó tôi tiễn anh ra cửa.

Tháng sau tôi nhận thơ của của anh Thịnh báo tin: cha mẹ anh đã bằng lòng, anh yêu cầu tôi gởi cho anh giấy khai sinh để làm thủ tục xin phép kết hôn.

Không lâu, tôi báo cho anh biết, tôi vừa hoàn tất thủ tục điền tra của Quân Cảnh Tư Pháp Dalat. Và anh hỏi tôi tại sao không có lời nào báo cho anh biết gia đình em có bằng lòng hay không để anh định ngày đưa cha mẹ lên?

Lúc này tôi phải thú thật với anh, cha tôi đã chọn một nơi chốn cho tôi, vì thế tôi chưa biết làm thế nào để phản đối quyết định này và cho gia đình biết quan hệ và lời giao ước giữa tôi và anh.

Từ nơi chiến trường sôi bỏng, anh gởi thư về cho cha tôi xin phép cưới (đã hợn 45 năm tôi vẫn giữ được bức thư này), đọc thư xong ông gấp thư trả cho tôi và hỏi:

- Gia đình anh ta quê quán ở đâu?

- Thưa con không biết. Ngày 19-6 anh ấy có hẹn gặp con ở Saigon, con có đến đấy nhưng anh không có về thăm gia đình. Vì không thấy anh ấy cho nên con chỉ đứng ngoài mà không vào! Hình như gia đình cũng nghèo. Anh ấy học trường ĐHCTCT đang đóng quân ở Kiên Giang, cấp thiếu úy.

- Như thế là con đã tự quyết định phải không? Giầu nghèo không phải là vấn đề con cần quan tâm. Nghèo hay giầu chưa ai biết trước được! Do số phận của con. Họ là người có tài có đức là được và con đường con chọn còn nhiều khó khăn đấy. Bảo gia đình anh ấy lên đây.

Khi nghe cha tôi đã quyết định, Mẹ tôi không bằng lòng bà bảo:

- Mình chưa biết họ, họ cũng không biết mình, con gái mình lại còn nhỏ quá, tánh tình thật là bướng bỉnh, rồi có làm dâu nổi không!! Ai lấy con gái nhà này, hai con mắt nó chắc bị thong manh. - Bà không phải lo, vả lại bà cũng không cản nổi con con gái bà đâu.

Tâm trạng cũa người phạm tội, tôi quay lại nhìn cha với tấm lòng cám ơn và xin lỗi bởi tôi cả gan đưa cho anh khai sanh để làm thủ tục xin phép kết hôn mà chưa được cha cho phép! Chợt nhận ra nụ cười trong mắt ông.

Tôi viết thư trả lời cho anh biết quyết định của cha tôi, cũng không quên câu nói của mẹ tôi, có lẽ bà nhận xét đúng với tôi không một ai hoàn hảo cả, tôi cũng không muốn anh nhìn tôi dưới khía cạnh tốt nhất, trong thư tôi viết cho anh đề nghị anh nên suy nghĩ lại. Anh trả lời tôi: “Anh không thay đổi ý định vã lại giấy phép kết hôn đã được Bộ Tổng Tham Mưu chấp thuận”.

Một ngày không xa, gia đình anh lên Dalat và ngày cưới của chúng tôi được ấn định 26-3-1972.

Cuối năm 1971 hoa anh đào bắt đầu nở những nụ đầu tiên, tôi phải thường xuyên về Saigon cất hàng lên Dalat cho mẹ tôi bỏ mối và tôi nhận được lá thư của anh từ chiến trường. Em bằng lòng làm vợ một người lính chiến nhưng chắc chắn em chưa bao giờ hiểu được đời sống của người lính tác chiến gian khổ như thế nào... em nên xuống đây mục kích để khi cưới xong không bao giờ nói lời ân hận về quyết định của mình.

Bây giờ anh không còn ở Trung Đoàn 16 Sư Đoàn 9 Bộ Binh nữa. Anh đổi về chi khu Kiên Lương, chức vụ chưa được định. Nếu em quyết định đi, em theo lời chỉ dẫn của anh như sau:

Em đến tỉnh Kiên Giang rồi đến nhà Nguyễn Đắc Tấn... khu gia binh Tiểu Khu Kiên Giang nhờ Tấn nhắn giúp, anh sẽ về ngay đón em.

Một ngày tôi về Saigon cất hàng, không có hàng. Như vậy tôi có 3 ngày rảnh rỗi, sáng hôm sau tôi ra bến xe Kiên Giang đi chuyến xe đầu tiên. Tôi đến KG lúc 11 giờ sáng và vội vàng đến ngay nhà anh Tấn... Tấn đã đưa vợ con về Tu Bông thăm gia đình, chẳng lẽ đến đây lại đi về, tôi hỏi thăm gia đình ông chuẩn úy bên cạnh nhà anh Tấn.

Thưa anh, làm ơn chỉ giúp tôi KBC này ở đâu, tôi có chuyện cần muốn đến chi khu này, ở Kiên Giang tôi không quen ai. Anh chuẩn úy trả lời:

- Có hai cách, một là cô đi ngay đến tòa hành chánh tỉnh vào phòng tiếp vận, đưa tên tuổi người cô muốn gặp nếu có chuyến tiếp tế cho xin đi nhờ đoàn xe công voa. Khi cô hỏi thăm không có chuyến tiếp vận, cô phải đi ngay ra bến đò trước 2 giờ chiều, thuê vỏ dọt giá hơi cao hoặc gọi xe honda ôm mà đi giá khoảng $200, sau 2 giờ chiều không còn phương tiên nào đến đó nữa. Cô phải đến khách sạn mướn phòng, sáng ngày mai có chuyến đò chạy lúc 7 giờ sáng đến Kiên Lương 2:30 chiều.

Tôi cám ơn anh chuẩn úy, vôi vàng đi ngay.

Tôi đến tòa hành chánh tỉnh, xin gặp đại úy trưởng phòng tiếp vận, đưa KBC và tên người tôi muốn gặp tại chi khu Kiên Lương .... Xin quá giang xe.

Tôi cũng nói với ông đại úy, tôi từ Dalat xuống.

Đại úy rất vui vẻ, ông bảo: “Ai chứ ông thiếu úy này thì tôi biết, cô chờ đây tôi gởi xe, tí nữa có xe tiếp tế cho chi khu Hà Tiên”.

Đoàn xe dừng tại chợ Tròn, khu cư xá của nhà máy xi măng Hà Tiên, họ cho tôi biết đoàn xe không đi nữa phải chờ sáng mai và đây cũng là địa phân của chi khu KL.

Tôi nhìn quanh ngoài dãy nhà xây của khu cư xá không có một quán hàng nào cả, lưa thưa vài túp nhà lá bên đường, tôi cũng chẳng biết chi khu ở đâu.

Bước lại gần tốp xe Honda ôm chờ khách ở khu cư xá, tôi hỏi họ:

- Ở đây có khách sạn hay nhà trọ không? Chi khu KL ở đâu? Làm ơn chỉ giúp tôi.

Mấy ông chạy xe ôm trả lời:

- Ở quận này không có nhà trọ hay khách sạn phải lên Hà Tiên mới có.

- Nếu không gặp người quen, các ông có thể chở tôi đến Hà Tiên không. Và từ đây đến Chi Khu bao xa?

- Đi bộ khoảng 30 phút, chúng tôi có thể chở cô đến Chi Khu, nhưng không thể chở đi Hà tiên, phải chờ đến mai lính mở đường mới đi được.

- Tôi hiểu,

Không còn cách nào. Khi ra đi, tôi chỉ nghĩ: “ Chắc đơn vị của anh ấy cũng đóng quân ở quanh tỉnh, nhờ anh Tấn nhắn anh ấy về rồi đi ăm cơm chung cho vui, thăm đơn vị của anh v.v... sáng mai mình lại về Saigon. Tôi không lường được quá nhiều phức tạp khó khăn”.

Xe Honda ôm dừng lại trước bến đò Kiên Lương, một vài chiếc đò neo trên sông. Bến xe ôm cũng ở đây. Tôi đang đứng trên bến đợi. Những con đò ven sông vào một ngày của mùa xuân thật tươi đẹp và dịu dàng ...

Tôi nhìn thấy tấm bảng Chợ Kiên Lương, có lẽ chợ cũng chỉ họp buổi sáng, một vài tiện tạp hóa ở bên đường. Người lái xe ôm giải thích:

- Cô xuống đây, đi bộ chừng 10 phút là đến chi khu, xe không được phép dừng trước cửa chi khu, lính họ bắn.

Một ngày sắp qua, những tia nắng chậm chậm vương! Tôi chậm trãi bước trên con lộ duy nhất của quận này, hơi nóng vẫn còn bốc lên từ con lộ nhỏ. Hai bên đường những mái nhà lá nghèo nàn, vài đứa trẻ con chơi phía trước sân.

Chi Khu Kiên Lương với bảng mầu vàng sơn chữ đỏ, kẽm gai kéo hai vòng, tôi bước tới hỏi người lính gác cổng. Họ lắc đầu! Bồn chồn, tôi muốn khóc! Những tia nắng bắt đầu nhạt, không biết làm thế nào để cho 2 người lính Miên này hiểu ý tôi.

thinh2 Chợt thấy một đại úy từ trong bước ra sân, ông ta cũng đen không kém hai ngươi lính gác cổng, mừng quá tôi gọi:

- Đại Úy... Đại Úy cho tôi hỏi thăm.

Ông ta bước tới, tôi hỏi:

- Thưa ông tôi muốn tìm Thiếu Úy Thịnh ở Đại Đội trinh sát Trung Đoàn 16 mới đổi về Chi Khu. Ông không hỏi tôi là ai, quay vào hướng về phía phòng gần đó gọi lớn ... Thịnh ơi, có vợ tìm này.

Tôi thấy anh bước ra từ một căn phòng gần đó, quân phục tề chỉnh, anh quay lại nói điều gì đó với người lính, người lính này quay vào phòng, còn anh bước vội ra cửa. Nhìn anh tôi không nói được câu gì! và cũng chưa bao giờ trong cuộc đời mừng đến như vậy.

Anh đưa tôi vào một căn phòng mái tôn, bước vào tôi thấy có bốn cái ghế bố nhà binh, một cái bàn vài cái ghế, ngoài ra không có một vật gì khác! Anh bảo tôi:

- Em để tạm túi xách trên bàn rồi đi tắm, sau đó chúng ta đi ăn cơm, tối rồi.

Phòng tắm mượn vách giữa hai dẫy nhà tôn phía sau được đóng kín, phía trước có cửa bằng gỗ thùng đạn, không có mái. Dưới là nhưng tấm PSB (miếng sắt có lỗ thủng tròn dùng để lót sân bay dã chiến, máy bay Mỹ hạ cánh tạm), hai thùng phi đựng nước. Anh lấy khăn và một cái thau cho tôi. Khi tắm xong, tôi bước vào phòng thấy anh ngồi trên một cái ghế bố! Anh bảo tôi

- Đây là chổ ngủ của anh, tối nay em ngủ đây, mấy cái ghế bố kia là chỗ ngủ của những sỹ quan độc thân khác. Tôi nhìn sơ qua, trên vách có treo một khẩu súng M16 cái nón sắt, dưới gầm có một cái thùng gỗ chắc đựng quần áo, một đôi dép nhật, một tấm mền nhà binh, ngoài ra không còn có vật gì khác.

Chúng tôi đi bộ ra lại chỗ bến đò vào một quán cơm duy nhất tại quận này. Anh gọi 2 đĩa cơm và hai ly nước ngọt. Khi ăn xong, tôi thấy anh nói nhỏ với ông chủ quán, dưới con mắt của tôi (anh ghi sổ). Chúng tôi trở về chi khu, hàng kẽm gai kéo thêm một lớp nữa. Khi chúng tôi về phòng, vẫn chưa có ai, anh hỏi tôi:

- Bao giờ em định về?

- Sáng mai em về chuyến đò sớm, em còn công việc của em và hàng hóa cần phải lấy để đem về Dalat, vã lại em không dự trù đi lâu, không mang nhiều quần áo để thay đổi. Em không nghĩ anh đóng quân xa đến như thế này! Em ra bến xe lúc 4 giờ sáng, đi chuyến xe sớm nhất đến Rạch Giá, tuyến đường này em chưa đi bao giờ xe cộ đông em sợ lộn chuyến xe cho nên khi xe đò qua bắc, em không có xuống. Đến Rạch Giá em đến ngay nhà anh Tấn định chờ anh về đi ăn trưa thăm đơn vị của anh, xem đời sống của anh như thế nào... Em không dự trù anh Tấn đi phép. Đĩa cơm duy nhất từ sáng đến giờ em mới vừa ăn với anh! Với những lo sợ không gặp anh, không có nhà trọ vì thế em cũng không thấy đói và khát cứ tiếp tục đi. Gặp anh em rất mừng nhưng bây giờ thì em mệt lắm.

Anh giăng mùng sẵn cho tôi và bảo:

- Thôi em ngủ đi, hôm nay anh trực trung tâm hành quân nhưng anh sẽ ghé về, nếu các đồn không có đụng giặc, anh được nghỉ lưng một chút.

- Quận này bất an như vậy hay sao?

- Ừ, Việt cộng và mình lẩn lộn, anh mới từ ĐĐ trinh sát chuyển về đây khoảng 7 tuần để phụ cho đại úy Phúc (Ông Chi Khu Trưởng, một sỹ quan tiếp vận, mới đổi về làm quận trưởng chi khu này cùng khóa với ông trung đoàn trưởng cũ của anh; vì ở quận Kiên Lương không có sỹ quan hành quân (tất cả đều là mới ra trường chưa từng cầm quân bao giờ). Chức vụ của anh bây giờ là sỹ quan Hành Quân kiêm phụ tá chi khu trưởng.

Chúng tôi đang trò chuyện, một chuẩn úy vào phòng gọi anh.

- Đồn Vàn Rầy, căn cứ hỏa lực Vàn Rầy bị đánh nặng! Thiếu úy lên gấp.

Anh hấp tấp bước ra.

Lát sau tôi nghe “đại đội gì chỉ còn 45 quân? ” Tiếng một sỹ quan “thưa đại úy còn phải rải lính ra mấy chốt và các điểm đã được ấn định để bảo vệ chi khu”.

- Các anh lên đường ngay.

Tôi nghe tiếng anh hỏi: “Mở đường chưa?” Có tiếng trả lời “Rồi”.

Anh quay về phòng, đi giầy, cầm nón sắt và súng, chỉ kịp bảo tôi:

- Anh phải đi giải tỏa áp lực cho đồn Vàn Rầy.

Tôi lo lắng không ngủ được! Lắng nghe tiếng súng từ xa vọng về, đến hơn 12 giờ đêm mệt quá tôi ngủ thiếp đi.

- Dậy đi em (vì mệt quá tôi đã ngủ muộn). Rửa mặt sửa soạn đi em chúng ta đi ăn sáng, rồi anh gởi xe mở đường cho em về Rạch Giá. Nếu sớm thì em có thể về Saigon, trễ quá em ở lại RG mai hãy về.

Nhìn nét mặt mệt mỏi của anh, quần áo anh còn mùi thuốc súng, nên tôi hỏi:

- Hôm qua mấy giờ anh mới về?

- Anh và thiếu úy Thanh, đại đội trưởng ĐĐ địa phương quân phòng thủ nhà máy, chia nhau đi hai đường gần sáng mới giải tỏa xong.

Chúng tôi đến tiệm ăn, anh gọi hai tô hủ tiếu, hai ly café. (chỉ nói nhỏ, không khác hôm qua)

Tôi nhớ lời cha tôi: “con đường con đã chọn còn rất nhiều khó khăn, giầu nghèo có phận và phước đức của mỗi con người”, ngoài bông mai anh đeo trên cổ áo, không có gì! Theo như anh, tối nào cũng có đụng giặc. Không đồn này thì đồn khác. Vì đây là quận biên giới.

Người lính, từ Quan đến Quân họ đối diện với chết và sống từng ngày; lương của họ cũng không có bao nhiêu !!

Bây giờ thì tôi hiểu và thông cảm với cô bạn gái cũ của anh. Cô không dám đặt cuộc đời cô cho số phận rủi may.

Thiếu úy Kỳ và người tài xế lái xe, lần đầu tiên tôi được quá giang xe thiết giáp, tiếng anh nói với anh Kỳ: “Nếu còn sớm, mày đưa vợ tao đến bến xe Rạch Giá, nếu trễ quá thì đưa đến Khách Sạn Nghệ Đô sáng cô ấy về lại Saigon.” Dặn dò xong, họ bắt tay nhau.

o 0 o

Mùa xuân năm 1971, tôi đi xuống biển tìm thăm anh, một người sỹ quan trẻ xuất thân từ trường ĐHCTCT giữa lúc chiến trường đang sôi động. Thì mùa thu 1979 tôi lên núi rừng miền bắc, tìm thăm anh, tôi đi thăm một người tù không có án, không biết bao giờ được về. Từ sau ngày 30-4-1975 anh đi trình diện! Bốn năm nay, tôi không được gặp anh, chỉ vài gói quà tôi được phép gởi cho anh bằng bưu điện.

Gia đình tôi di cư năm 1954, khi đó tôi còn quá nhỏ không có ấn tượng gì về thành phố Hà Nội mặc dù đó là quê hương của tôi.

Tôi mong Hà Nội, để nghe gió sông Hồng thổi.
Giọt sương mai trên cành đào phai ...

Khi nghe chồng tôi chuyển về Nam Hà bà cụ (mẹ của anh Thịnh) đã nhờ chú ba, chú ruột của anh đi thăm giúp. Nhưng trại họ không cho gặp! Vì thế tôi quyết định ra bắc.

Tôi đến ga Hà Nội vào một ngày của mùa thu, cơn mưa nhè nhẹ đủ cho ai cần di chuyển cũng phải ngại ngần.

Bất chấp cơn mưa, tôi bước xuống tầu, gọi xe đến nhà người cậu ở khu tập thể của nhân viên đường sắt, phố Khâm Thiên, Hà Nội.

Đưa cho câu mợ quà của mẹ tôi gởi.

- Sao cháu không nhắn cho cậu biết, cậu ra ga đón cháu?

-Cháu xin được giấy phép, sốt ruột quá mua vé tầu được là đi ngay.

- Hôm ông ba đi thăm chồng cháu, không gặp! ông có ghé đây chơi, Cậu có bảo:

- Cháu gái tôi sẽ ra đây, ai chứ con bé này đã quyết định chỉ vài ngày là ra đến đây... cháu chưa báo cho tôi biết chắc ngày giờ, nhưng cũng không lâu đâu, bác chờ cháu ra rồi đi một thể. Ngày mai cậu và cháu đến nhà ông xem ông Ba quyết định ra sao.

Chợ Đồng Xuân, giống chợ Phú Nhuận, nhưng buôn bán thưa thớt hơn vì tất cả mặt hàng do chính phủ quản lý, thủa ấy Hà Nội vẫn còn trong chế độ bao cấp. Vài bọc kem đánh răng Thống Nhất giống như bột mì, vài cục xà phòng đá ... ... Những bà cụ già răng đen chít khăn mò quạ ...

Ngồi sau chợ bán những thúng bánh cuốn, bánh đúc, lạc (đậu Phọng), vài miếng đậu hủ chiên, món ăn dân giả miền bắc thủa xa xưa ... Một vài người nhà quê ra bán những con gà, một vài bọc gạo nếp ... đàn ông hay thanh niên đều đội nón cối, đi dép râu. - Nón Cối Dép Râu, Đâu Đâu Cũng Có !!!

Cậu đưa chúng tôi theo ngỏ tắt ra sân ga. Cậu buộc sau xe cái giỏ nhốt con gà và gạo nếp. Chú Ba chở hộ tôi hai giỏ quà mà tôi nấu và gói sẵn từ Sài gòn. Cậu đến toa chở hành lý quay lại nói với chú Ba: “Mình không phải tháo hành lý, từ đây đến ga Phủ Lý không xa, khi đến ga, bác và cháu lấy xe xuống đi cho tiện.” Tôi cũng mua vé tầu cho bác và cháu. Cậu đưa cho tôi hai cái nón lá với nước và nói “Đem nón lá mà đội, nắng lắm đấy, mấy ngày cháu đi tầu hỏa ra đây không quen khí hâu, khéo lại ốm. Hôm qua cậu đã nhờ các bác bên cơ khí của ngành đường sắt xem lại xe đạp, cháu cứ yên tâm dùng xe của cậu.”

Tôi và chú Ba mang theo thực phẩm buộc phía sau hai xe đạp. Con đường núi nhỏ hẹp thưa thớt dân cư. Nắng như đổ lửa!! Tôi thấy chú ba lăn bánh xe đạp trong vũng nước bùn, chú giải thích: “nếu vỏ xe đạp bị bể nơi đây không có chỗ vá.” thỉnh thoảng có vũng nước sạch chú lai nhúng ướt cái nón lá để đội cho đở nhức đầu. Tôi cũng làm theo chú.

Bên tay phải gần cổng trại có một cái lò vôi, phía trái có hồ nước, tôi và chú dựng xe đạp. Tôi trình giấy phép thăm nuôi, lúc đó gần 5giờ 30 chiều, người công an thu giấy phép, rồi ông ta bảo: “Ngày mai mới được gặp”.

Qui định của trại chỉ cho phép các anh cải tạo nhân thức ăn chín, tôi lại mua ở chợ Đồng Xuân một con gà còn sống nhốt trong một cái giỏ và một ít gạo nếp. Đêm đó chẳng ai ngủ cả, những người đi thăm tù đều ngồi ở nhà khách tạm nói chuyện, hút thuốc. Nhóm đàn bà ngồi chung với nhau, đôi khi tựa vào nhau ngủ gà, ngủ gật, còn tôi suốt đêm hôm đó đi lượm củi làm gà nấu xôi!!! Miễn là con gà không kêu... là được.

Sáng hôm sau độ 10 giờ sáng, tôi được phép gặp anh. Thấy anh trong tấm áo rách, cái nón bạc mầu cầm trên tay, bước đi xiêu vẹo khiến tim tôi gần như muốn vỡ tan!

Tôi không nói được câu nào với anh chỉ lặng yên chăm chú nhìn anh... Mơ hồ nghe chú Ba nói chuyện, anh quay ra hỏi tôi ở nhà có chuyện gì không em?

Có anh à, những chuyện mà mình không thể cơ cầu mà được! Bởi tôi không dám nói… cha tôi và cha anh đều đã chết.

Nửa tiếng qua mau! hết giờ thăm nuôi tôi chỉ kịp dặn anh: “Em nấu xôi và gà cho anh vì không có củi, gà và xôi em nấu không chin. Anh vào trại làm thế nào nấu lại mà ăn!”

Chúng tôi chia tay ra về mới hay “còn bao điều chưa kịp nói”.

Về đến Hà Nội, tôi hầu như không dậy được. Mợ tôi bà đi nấu cháo, còn cậu thì bảo “tội ngiệp cháu tôi”. Sau năm 1954, vì cậu đi lính cho Pháp, chính sách của họ ai từng đi lính cho pháp, chính quyền chi định cư trú, mang vợ con lên mạn ngược; cậu phải trốn lên Cao Bằng đổi tên tình nguyện làm phu đường sắt, lúc đó cậu chưa có vợ. Suốt thời gian dài cực khổ, cậu nghĩ cũng chẳng còn hy vọng gì !! Nhưng từ từ rồi cũng phải thay đổi. Cháu cứ cầu xin cho chồng cháu, ơn trời gia hộ cho. Vững tin nghe cháu, cháu còn hai đứa trẻ con phải lo.

Tạ ơn trời, 10 năm sau anh được về từ trại Xuân Lộc, với tấm thân gầy mòn, những cơn sốt rét thường xuyên. Những năm tháng đi tìm việc làm không nơi nào mướn, mẹ già hiu hắt trăm tuổi... con thơ... Tôi hiểu lòng anh xót xa!

Một ngày anh bảo tôi: “anh đi làm mành trúc”. Thời gian đó những ai đã từng đi làm cho những tổ hợp đều hiểu: Công việc của các tổ hợp lương không nhiều và họ trả lương không đều đặn. Tuy nhiên anh cần phải có việc làm. Dù ít hay nhiều, thế rồi những buổi sáng tôi nấu thêm cơm anh bỏ vào lon guigo mang theo.

Hôm đó là ngày 24 tết năm 1986. Tôi đang may quần áo cho khách, anh dắt xe đạp ra cửa và nói rằng: - Hôm nay tổ hợp phát lương, anh đi lảnh lương đưa cho em.

Độ 3 giờ chiều, tôi thấy anh về mồ hôi nhễ nhại vì nắng đưa cho tôi $20 đồng anh kể: - Anh lảnh lương xong, trên đường về khát nước anh dựng xe đạp dưới cột đèn gần chợ bà chiểu mua một ly nước mía, một gói thuốc Mai (thuốc đen); chẳng may chiếc xe đạp đổ vào cái tủ thuốc lá gần đấy, chủ xe thuốc lá bắt đền. Anh cắt kiếng hết $60 đồng, chỉ còn $20 đồng thôi. Nhìn những giọt mồ hôi còn đọng trên mặt, nắng đã làm cho da anh đem sạm. Người vốn nhỏ nhắn lại càng gầy gò thêm… lúc còn là SVSQ có bao giờ anh hút thuốc lá Mai.

Lòng tôi thật xót xa! Nghĩ thầm: “Nếu trời đất đừng nổi cơn gió bụi, người anh hùng đâu đến nỗi gian truân !!”, tôi nhỏ nhẹ bảo:

- Đền rồi thì thôi, anh đi tắm rửa rồi ăn cơm. Em đã mua đủ thức ăn, nếu có tiền em định may cho hai con quần áo mới nhưng không có cũng không sao. Còn $20 anh giữ lấy mà uống nước.

30 Tết năm đó, chúng tôi đón giao thừa không bánh chưng, không dưa hành kẹo bánh ...

Sau buổi cơm chiều, anh ôm đứa bé nhất vào lòng kể chuyện cổ tích (con khủng long). Tôi đi pha ấm trà, đứa con trai lớn bỗng nói:

- Bố ơi, bố đi vắng lâu ngày mẹ chẳng bao giờ mua pháo. Năm nay bố về rồi, nhà mình mua pháo đốt đi bố.

Anh nhìn tôi dò hỏi. Tôi nói với anh:

- Em không còn tiền nếu anh còn lại $20 đồng, hảy chở con ra chợ Ông Tạ mua pháo đi.

Anh nhìn tôi với vẻ lo lắng!

- Không sao, đầu năm đi làm em lãnh lương. Vả lại giao quần áo cho khách hàng cũng có tiền, nhà thì dư gạo củi.

Anh mua pháo hết số tiền còn lại, năm đó chúng tôi đón xuân với tiếng cười của trẻ thơ.

Sau năm đó, anh tìm được việc, tiện đầu viết bi. Chủ là những người tầu ở chợ Lớn, cuộc sống của chúng tôi khá hơn. Những lúc anh đi làm về ,kể cho tôi nghe. Anh gặp Lê bá Hay bơm quẹt ga. Hoan, Lương, An.... tụi anh chia nhau ly café, điếu thuốc...

Một ngày tôi đang làm khuy áo chợt thấy bóng người lầm lũi bước vào cổng, khi người đó bước vào nhà, tôi nhận ra anh Diệp Văn Nhung. Anh Nhung giật mình khi nhận ra tôi:

- Em đấy à? Thằng Thăng nó hại anh rồi!

Nói xong câu đó, anh quay lưng bước thật nhanh. Tôi chay theo gọi... anh Nhung anh Nhung, trời nắng lắm, anh vào nhà đã, nhưng anh không quay lại. Khi anh Thịnh về, tôi kể cho anh nghe… anh bảo:

- Nhung bị đụng xe, hình như đi lúc đi bán kem trên Thủ Đức, đầu bị vỡ miếng xương. Tìm anh Nhung đi. Xem chúng mình có giúp được gì không?

Anh em nhiều người nghèo như mình!! Biết bao giờ mới khá đây? Anh sẽ đi tìm Nhung.

Rồi những tháng năm chạy ngược xuôi lo giấy xuất cảnh... tôi viết thư báo cho cậu tôi biết chúng tôi sắp rời Việt Nam vào tháng 3 năm 1993.

Từ Mỹ tôi nhận được thư của cậu với nội dung như sau:

“Cậu muốn vào tiễn cháu lên đường, ví chẳng biết bao giờ cậu cháu ta gặp lại. Nhìn lại con dấu bưu điện quá trễ, cháu đã lên đường.” Tôi viết thư cho cậu “cháu sẽ về lại Hà Nội thăm cậu.”

Đã bao nhiêu mùa lá đổ, cậu tôi không còn nữa nhưng tôi vẫn chưa về Hà Nội thăm cậu uống một ly nước trà với cậu... xem những giọt sương mai trên những nụ hoa trước hiên nhà vào buổi sáng của mùa thu Hà Nội.

Con đường chúng tôi đã đi qua cũng như các anh đã đi qua, tuy có khác bởi định mệnh riêng của mỗi người gần 45 năm trôi qua bao vất vả .. bao khó khăn. Bao nhiêu thăng trầm...

Bể khổ mênh mông, sóng rợp trời
Khách trần, chèo một chiếc thuyền chơi
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió.
Ngẫm lại cũng cùng bể khổ thôi ...
Đã đến lúc đặt gánh nặng của một kiếp người xuống và thong thả rong chơi.

Khi câu hát, lúc cuộc cờ.
Khi xem hoa nở, lúc chờ trăng lên.
Trăm năm tựa như cơn gió thoảng qua.
Cuộc đời tựa như giấc mộng mà thôi.

Lê Phương Thanh - Phạm Đức Thịnh NT2
Colorado tháng 8-2015

thinh3

DECO

Web Page updated: 11/10/2016 - WEB NT2

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn