HẬU CỨ THIÊN THẦN MŨ NÂU – Lê Thy

Chủ Nhật, 06 Tháng Giêng 20196:58 CH(Xem: 8642)
HẬU CỨ THIÊN THẦN MŨ NÂU – Lê Thy
Lê Thy
Huy hieu BDQ.
huy hieu td21, ld1bdq

Trên ba mươi chiếc GMC xen kẽ Jeep chở đầy lính, súng đạn Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân, từ cố đô Huế đã trở về tới phía bắc Đà Nẵng, một thành phố dễ thương với con sông Hàn thơ mộng của miền Trung.

Vừa đến Hòa Khánh, đoàn xe tách rời Quốc lộ 1, quẹo trái theo con đường đất đỏ gồ ghề mà quen thuộc, vào hậu cứ bên bờ biển Nam Ô. Trước khi tới cổng các tài xế giảm bớt ga để xuyên qua khu gia binh Liên đoàn 1 Biệt Động Quân Phú Lộc, nơi một rừng người, đa số phụ nữ, trẻ em, như ong vỡ tổ ùn ùn đổ xô ra hai bên lề muốn bít cả lối đi. Rồi từng chiếc chạy rất chậm chen giữa đám đông cơ hồ như cơn sóng dội âm ba vang động, hàng ngàn tiếng reo, cùng những cánh tay đưa lên vẫy gọi tên chồng tên con, đang trở về bằng xương bằng thịt. Trên đoàn xe nhà binh bám đầy bụi, từng khuôn mặt vốn dĩ lầm lì còn vương mùi khói đạn, sướng gió cũng rạng rỡ cười tươi, giơ cao khẩu súng chào đáp những người thương của mình.

Họ là ai? Là những anh hùng không tên không tuổi, đã âm thầm ra đi, có kẻ chẳng bao giờ trở lại, từ đầu xuân năm trước khi những cánh mai vàng vừa hé nụ, để lao vào cơn bão lửa chiến trường Trị Thiên cùng đất nước thăng trầm.

Hôm nay thiên hạ vui ghê, có pháo nổ đì đùng! Tiếng pháo vô tình nhắc nhở tôi ngày này 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời, khiến lòng trai chinh chiến chợt thấy nao nao.

Ngày trở về, như bao lần trước, con xóm này rộn rã. Hình ảnh ấy tôi đã quen thuộc, hình ảnh mà bề ngoài trông rất sống động mỗi khi đoàn quân trở về, nhưng trong lòng những người vợ lại khác thường, luôn trăn trở lo sợ cho chồng, đời lính, rày đây mai đó, kiếp sống phiêu linh.

Tinh quan dan VNCH, mot cu gia  moi cac chien si biet dong quan uong tra .jpg
“Khu Gia Binh Liên Đoàn I Biệt Động Quân” là một doanh trại lớn, tọa lạc tại xã Phú Lộc bên bờ biển Nam Ô, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, phía bắc thành phố Đà Nẵng 15 cây số. Tôi không rõ trại này thiết lập từ hồi nào, chỉ biết nơi từng xuất phát các chuyến đi oai phong, bất khuất của đoàn hùng binh Thiên Thần Mũ Nâu diệt giặc khắp Vùng I Chiến Thuật. Địa danh Phú Lộc cũng được ghi vào quân sử, vì tên đặt cho căn cứ hỏa lực tiền phương của Bộ Chỉ Huy Liên đoàn 1 Biệt Động Quân tại Động A Hai, Tà Bạt, biên giới Lào Việt, trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào 1971.

Rồi chiếc GMC chở tốp lính sau cùng vừa lọt vào bên trong hậu cứ, hai cánh cửa cổng bằng sắt vội khép lại, và không đợi lính kịp xuống xe, các loa phóng thanh trên nóc trại đã phát ra một giọng khô khan, dồn dập:

– Tập họp! Lệnh tập họp gấp!… Nhắc lại, các Đại đội 1, 2, 3, 4 và Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn, theo thứ tự trái sang phải, tập họp trước sân cờ!

Mặc dầu ở cương vị đại đội trưởng, thừa biết lệnh lạc quân đội rất bất thường, và vì nhu cầu đòi hỏi khẩn cấp từ mặt trận Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, tôi vẫn thấy nóng mặt, thương anh em lính vô cùng. Sau năm mười phút lê thê lếch thếch, ồn ào, các đơn vị lẫn Bộ Chỉ Huy đã nghiêm chỉnh đội hình và im phăng phắc không một tiếng động, dưới bầu trời u ám, lún phún mưa phùn gió bấc miền Trung.

Thiếu tá Quách Thưởng, Tiểu đoàn trưởng, dáng người nhoû con mà to gan, đầu đội chiếc mũ đã bạc màu huyết đọng lệch qua một bên và mặc bộ chiến phục hoa rừng còn lấm đầy bụi, nhưng lại rực lên hình ảnh uy nghi một người hùng. Ông đứng thẳng nhìn xuống các hàng quân đang lặng câm, như các pho tượng gỗ, rồi dõng dạc tuy âm thanh không ngân xa giọng ông cũng đủ lấn át cả tiếng sóng gầm sau trại:

– Tôi thông báo cùng toàn thể Tiểu đoàn, lệnh hành quân chưa chấm dứt. Tất cả nghe rõ không?
– R…õ!

Sau tiếng đáp vang dội, mọi người vẫn tư thế cũ. Thiếu tá Thưởng cố giữ khuôn mặt khắc khổ của mình đanh lại để thị uy, nhưng vị sĩ quan tài hoa, gương mẫu ấy không thể nào che giấu được những nét xúc động chân tình đối với thuộc cấp đã quá gian truân. Ông ráng hét lên:

– Chúng ta về đây chỉ nghỉ tạm một đêm. Sáng mai 5 giờ, Tiểu đoàn phải tiếp tục di chuyển. Từ giờ phút này lệnh cấm quân trăm phần trăm, ai xuất trại không có giấy phép, sự vụ lệnh, sẽ bị nghiêm phạt. Sau khi tan hàng, các đại đội nhận bổ sung quân số, đạn dược và lương thực bảy ngày. Bây giờ, mời bốn đại đội trưởng lên phòng họp nhận lệnh mới. Thi hành!

Dứt lời, ông chào tổng quát rồi quay vào văn phòng BCH Tiểu đoàn. Bốn vị đại đội trưởng gồm tôi, Trung úy Trần Thy Vân, Đại đội 1, Dương Xuân, Đại đội 2, Trần Quang Giảng, Đại đội 3, và Đại úy Đỗ văn Nai, Đại đội 4, đều lặng lẽ theo sau Thiếu tá Quách Thưởng.

Ngoài sân các sĩ quan đại đội phó cùng thường vụ hô gióng hàng inh ỏi với tiếng khua động của vũ khí thành một thứ âm thanh hỗn tạp, như giận dữ, một buổi chiều mùa đông sắp tàn.

Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân trước ở Pleiku, hậu cứ đặt tại Biển Hồ, lập được nhiều chiến công khắp vùng rừng núi cao nguyên. Năm 1966, đơn vị chuyển về Đà Nẵng, hoán đổi Tiểu đoàn 11 Biệt Động Quân phạm kỷ luật vì đã yểm trợ các cuộc biểu tình liên tục của Phật giáo chống lại các thành phần lãnh đạo chính phủ quân nhân Sài Gòn. Cho dù mục tiêu tranh đấu chánh đáng nhưng quá rối ren như các tín đồ đem bàn thờ Phật xuống đường cản trở lưu thông, tạo cơ hội để Cộng Sản giật dây quấy nhiễu, khiến chiến trường miền Trung càng trở nên sôi động, ác liệt đến ngày nay.

Mặc dù đã trải qua những tháng năm quê hương đổ lửa, bể dâu đổi dời, lớp chết lớp bị thương không thể nào kể xiết, đơn vị vẫn hùng mạnh, lần lượt dưới sự chỉ huy của các tiểu đoàn trưởng tài danh: Trung tá Võ Vàng và đương nhiệm Thiếu tá Quách Thưởng. Các đại đội trưởng cũng rất nổi bật: Nguyễn văn Khá, Hồ văn Phúc, Trần Quang Giảng, Trần Thy Vân, Đỗ văn Nai, Quách Ẩn và Dương Xuân… là những tên tuổi quen thuộc của dân chúng năm tỉnh địa đầu giới tuyến.

Tiểu đoàn 21, thuộc Liên đoàn 1 Biệt Động Quân, đã được tặng thưởng biểu chương màu Tam Hợp, hạng Bảo Quốc, của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với một huy chương của Tổng Thống Hoa Kỳ, thời Richard M. Nixon -The Presidential Unit Citation- Quyết Định số 23 ban hành ngày 16-4-1969. Là một đơn vị mũ nâu, sắc áo hoa rừng, lừng lẫy, với chiến thuật tấn công như vũ bão, thần tốc, đã gây bao kinh hồn bạt vía cho keû thù qua khắp các chiến trường vang danh Pleime, Đức Cơ, Tết Mậu Thân, Quảng Trị, Hạ Lào đều long trời lở đất. Họ xuống đông đông tĩnh, rồi mai đây lên đoài đoài sẽ yên.

Nguồn: http://forum4.aimoo.com/aitubinhdien/QU-N-L-C-VNCH/Trung-T-V-v-ng-Xin-1-l-n-nh-c-n-t-n-anh-1-236622.html

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn