TẢN MẠN: TÂM TÌNH TÁC GIẢ TẬP HỒI KÝ NGƯỜI NHÀ QUÊ ẤP BÀ BÀI - CHÂU ĐỐC

Thứ Tư, 12 Tháng Mười Hai 201812:54 SA(Xem: 4904)
TẢN MẠN: TÂM TÌNH TÁC GIẢ TẬP HỒI KÝ NGƯỜI NHÀ QUÊ ẤP BÀ BÀI - CHÂU ĐỐC

TẢN MẠNTÂM TÌNH TÁC GIẢ TẬP HỒI KÝ: -NGƯỜI NHÀ QUÊ ẤP BÀ BÀI - CHÂU ĐỐC

                                                    ANH PHƯƠNG Trần Văn Ngà

 

Tôi được sanh ra dưới một vì sao nhà quê trải qua bốn đời tại vùng đất Bà Bài, từ ông bà Cố, ông bà Nội, Ba Má tôi và anh chị em tôi.

Tập Hồi Ký này được ghi lại " trên từng cây số" (tên một tác phẩm điện ảnh của Liên Xô - sau năm 1975) - có một hành trình xuyên suốt từ thời bé nhỏ ở Ấp Bà Bài, tản cư ra tỉnh lỵ, trưởng thành ở Châu Đốc, trôi giạt lên Thủ Đô Sài Gòn, phục vụ trong Quân Đội nhiều năm ở Miền Tây và Cần Thơ rồi trở lại Sài Gòn. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đi tù cải tạo cộng sản từ Nam ra Bắc và trở về Nam, được thả ra. Tôi trở về sống tại Sài Gòn lần thứ ba thêm tám năm nữa. Từ năm 1993, tôi, bà xã, hai đứa con gái nhỏ nhứt Bảo Ngọc - Quỳnh Ngọc được lên máy bay đi sang Mỹ theo diện cựu tù nhân chánh trị (HO.16), định cư  tại Thủ Phủ của tiểu bang vàng California - Sacramento, từ ngày 7 tháng 4 năm 1993 cho tới nay - năm 2018. Thủ Phủ Sacramento tiểu bang California của Hoa Kỳ là quê hương thứ hai của tôi. Tôi đã chọn gởi thân xác này tại Sacramento, đã có mua đất chôn cất tại quê hương thứ hai này, dành cho một ngày nào đó, tôi không còn trên thế gian này nữa, đã về với cát bụi và về lại quê xưa Ấp Bà Bài.


 Nội dung tập Hồi Ký, tôi xoáy sâu vào cuộc đời của tôi biết bao thăng trầm nổi trôi từ Ấp Bà Bà - quê hương yêu quý đến tỉnh lỵ Châu Đốc, dạy tiểu học - lên Sài Gòn tiếp tục học lại, đi dạy trung học - thi hành lệnh tổng động viên, vào Quân Đội. Tốt nghiệp Khóa 13 Sĩ Quan của Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức ngày 28.12.1962. Được về phục vụ ở miền Tây từ đầu năm 1963  Trung Đoàn 33 thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh, hành quân qua nhiều tỉnh: Long Xuyên - Châu Đốc - Rạch Giá (Kiên Giang) - Cần Thơ (Phong Dinh) - Sóc Trăng (Ba Xuyên) - Cà Mau (An Xuyên)..
.636801797300519208zz11(Hình chụp, tôi được gắn lon Thiếu Tá - 1.1.1973)  Sau hơn một năm ở Trung Đoàn 33 BB, tôi được thuyên chuyển về phục vụ trong ngành truyền thông báo chí Quân Đội của Quân Đoàn IV tại Tây Đô Cần Thơ, từ năm 1964 cho đến năm 1970. Sau sáu năm ở Cần Thơ, tôi xin về phục vụ ở trung ương Sài Gòn vì bà xã du học Mỹ trở về, không còn phục vụ ở Cần Thơ, được bổ nhiệm phục vụ ở đơn vị mới - Cục Xã Hội (Sài Gòn), trực thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị. Tôi phục vụ tại Khối Thông Tin và Giao Tế Dân Sự, một bộ phận trong Ban Tham Mưu của Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị - ở số 2 Ter Đại Lộ Thống Nhất (tên cũ là Norodom Boulevard) - ngang rạp Thống Nhất (chuyên tổ chức xố số Kiến Thiết Quốc Gia), từ năm 1970. Đến năm 1974 tôi được bổ nhiệm chức vụ mới là Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến Biệt Khu Thủ Đô cho đến ngày rả ngũ - 30.4.1975. Từ ngày đau thương ấy, tôi bị đi tù cộng sản từ Nam ra Bắc và trở về Nam tính chung gần 10 năm - từ giữa năm 1975 đến đầu năm 1985 được thả ra, sinh sống cùng gia đình tại Sài Gòn thêm tám năm nữa.

Chúng tôi có bốn con, hai con gái nhỏ nhứt được đi theo sang Mỹ diện HO, để lại Việt Nam hai đứa con lớn trên 21 tuổi đã lập gia đình, sau này gần chín năm mới bảo lãnh gia đình hai con lớn, thay vì 4 đứa, bây giờ tăng lên gấp đôi - tám người, sang định cư ở Mỹ, cũng ở  tại Sacramento.

 

Mưu sinh qua nhiều nghề nghiệp lao động tay chân và kế tiếp, cái nghề dính chặt với đời tôi từ trong Quân Đội - Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 là "đánh giặc miệng" và viết lách  - phát thanh và báo chí. Được sang Mỹ, tôi cũng yêu thích nghề nghiệp cũ cho nên lúc ban đầu ở Mỹ, với công việc cũng có liên quan đến ngành truyền thông báo chí, là đi bỏ báo Mỹ sáng sớm và đại diện cho tuần báo Sài Gòn Nhỏ kiếm tiền sống cho đến ngày tự lực làm chủ báo, xuất bản báo. Thêm nghề viết báo viết văn, phụ trách chương trình phát thanh tiếng Việt đầu tiên ở Sacramento, cách đây trên 20 năm, kéo dài cho đến ngày nay và cho đến ngày không còn gõ phiếm viết trên computer được nữa.

 Đất Bà Bài bên bờ Kinh Vĩnh Tế, gần biên giới Miên Việt, cách Thị Xã Châu Đốc khoảng 10 cây số đường chim bay, một vùng đất lành chim đậu của những di dân từ miền Trung - tỉnh Qưảng Nam - về đây lập nghiệp, từ sau khi con Kinh Vĩnh Tế được khánh thành và đưa vào sử dụng. Vùng đất Bà Bài có một lịch sử trên dưới 190 năm. Nơi đây có thể nói là vùng đất màu mỡ, phì nhiêu nhứt nhì của cả tỉnh Châu Đốc. Bà Bài, một năm với 6 tháng khô ráo và 6 tháng mùa nước lên (nước nổi) lêu bêu, cả một vùng đất rộng bao la bạt ngàn chìm trong biển nước. Trong đồng ruộng nước ngập từ 3 đến 4 mét, các nền nhà, nước ngập ít nhứt cũng 2 mét. Đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đải, cá tôm nhiều vô số kể, chỗ nào có nước là có cá, chim cò cũng nhiều - Bà Bài không có thế đất cao không ngập nước để trồng cây ăn trái nên thiếu các loại trái cây quanh năm. Đất ruộng chỉ trồng lúa một vụ mùa một năm, sử dụng lúa sạ, còn gọi là lúa nổi (tiếng Pháp gọi là le riz flottant), lúa lớn lên sống bập bềnh theo mực nước lên xuống. Khi nước cạn khô vào tháng mười âm lịch cũng là thời vụ thu hoạch lúa, cho nên dân chúng ở ấp Bà Bài sống rất phong lưu, thư thả. Lam lủ đồng áng thì ít mà thời gian đánh bắt cá, chim cò, đâm bắt chuột  hay nghỉ ngơi, giải trí thì nhiều, tha hồ mà đờn ca xướng hát, đá gà, đá cá lia thia hay cờ bạc, nhậu nhẹt kể như gần quanh năm, trừ vài tháng cày bừa sạ lúa và cắt gặt lúa mệt nhọc. Người dân ở đây, không bao giờ biết lo sợ thiếu thực phẩm nuôi sống con người. Dù có năm, người dân quê hứng chịu thiên tai hạn hán, bị thất mùa hay nước ngập tràn trắng xóa, đồng ruộng thành biển cả gần như giết sạch lúa. Nhưng mà Trời Đất vô cùng công bằng, đoái thương hết mực, bù đắp cho người dân ấp Bà Bài cá tôm tràn đầy tha hồ mà ăn cùng với rau xanh, sống trôi nổi theo thủy triều, thay cơm hay là ăn cá thật nhiều độn với khoai bắp cũng sống vui sống khỏe. Từ những ưu đải hay trải qua những cơn thịnh nộ của trời đất, người dân lương thiện hiền lành của xứ Bà Bài vẫn luôn sống tự tại, an lành không lo nghĩ nhiều về cái ăn vì đã có Trời Đất luôn hỗ trợ. Bắt được cá tôm nhiều dùng không hết, đem ra chợ bán, hoặc đổi chác bột, gạo, trái cây với những xã ấp ở vùng đất cao,- Bảy Núi - cách xa chưa tới mười cây số.  Từ những ưu đãi của thiên nhiên đã hình thành một nhận thức cởi mở cho mỗi người tại đây, không màng danh lợi, vật chất của thế gian, hun đúc thêm đức tánh - nhân chi sơ tánh bản thiện - bản ngã con người luôn hướng thiện. Tác giả vô cùng may mắn và hạnh phúc được sanh ra ở vùng đất lành chim đậu Bà Bài - dù ngày nay không còn ai định cư sanh sống lưu niên nữa. Tôi được hấp thụ và nuôi dưỡng những đức tánh ôn nhu, lương thiện, đạo đức tại quê hương Bà Bài, tồn tại cho tới ngày nay trong suy nghĩ, cuộc sống, tạo cho mình luôn ung dung vui sống và giúp người qua những công việc từ thiện thiết thực. Vì vậy, thay vì đem công sức của cải cúng chùa, nhà thờ, hy vọng giúp cho bản thân có một mảnh đất tốt vĩnh cửu trên cõi Niết Bàn hay Thiên Đàng?. Thật ra việc lo xa đó cũng tốt, nhưng, quá xa xôi, thiếu thực tế, nếu có lòng cả hai việc đời việc đạo, vừa  lo giúp thế nhân vừa lo cho hậu vận phúc đức ở các nơi tu hành chánh đạo đều đáng trân quý.

Qua tập Hồi Ký này kể một chuyện có thật của một con người nhà quê thứ thiệt khi chưa lột xác thành thị dân ở những nơi phồn hoa đô hội. Tác giả "thành thật khai báo" cuộc đời mình từ nhỏ, thiếu thời đến trưởng thành và cũng không tránh khỏi những thiếu sót sai lầm hay có lỗi với gia đình hay với bất cứ ai khác, sẽ khai hết...cũng là một hình thức "xưng tội" của đạo Công Giáo. Tuy nhiên, tác giả trút hết nỗi niềm sâu kín và tâm tư tình cảm của mình đối với tha nhân để không còn vướng bận "gánh nặng" của thế gian để ngày ra đi về với cát bụi được thanh thảng, nhẹ nhàng, an vui, không vướng mắc...

Qua tập Hồi Ký này như là một gia phả nhà họ Trần của chúng tôi ở ấp Bà Bài và với bao thăng trầm, biến thiên của thời cuộc của đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi người, trong đó có cá nhân tôi và thế hệ anh em chúng tôi là thế hệ cuối cùng của dòng Trần ở Ấp Bà Bài

636801798045983135ZZZAAA 

(H: 4 anh chị em dòng họ Trần cuối cùng Ấp Bà Bài - Hình năm 2010 tại sân chùa Bồng Lai, cạnh cầu bắt ngang kinh Vĩnh Tế - Từ trái, anh thứ bảy - chị thứ chín, cả 2 qua đời gần dây - em gái út 80 tuổi và tôi 83 tuổi)

Năm 1957, tôi tự chọn con đường dấn thân vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm lớn, bỏ nghề dạy học tiểu học được ông Trưởng Ty Tiểu Học Huỳnh Sanh luôn quý mến nâng đở, được ưu đải đi học khóa Thanh Huấn đầu tiên của Bộ Giáo Dục, năm 1955 tại Nha Trang suốt mấy tháng bãi trường năm đó. Lúc bấy giờ, ông Ngô Đình Diệm còn là Thủ Tướng Chánh Phủ. Khóa học này nhằm đào tạo huấn luyện viên thể dục thể thao và thanh niên học đường. Các tỉnh (Ty Tiểu Học), các trường trung học lớn tuyển chọn những giáo chức có năng khiếu về thể thao thể dục hay đang phụ trách các công tác của trường học về ngành thể dục thể thao. Khóa học đào tạo các huấn luyện viên thể dục thể thao thay thế các huấn luyện viên ngành này do Bộ Thanh Niên - hay Tổng Nha Thanh Niên gởi đến, đang thiếu trầm trọng. Đồng thời đưa môn sinh hoạt học đường vào nề nếp với tổ chức như ngành hướng đạo đang hoạt động ở ngoài học đường. Nghĩa là có giờ dạy chánh thức trong học trình của mỗi lớp, ngoại trừ tập thể dục là ở ngoài trời, sân trường. Hình như khóa huấn luyện viên Thanh Huấn chỉ huấn luyện được vài khóa rồi thôi. Chính ngày Lễ Kết Khóa (bế mạc), Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đến chủ tọa, phái đoàn chánh phủ và ngoại giao đoàn hiện diện tham dự rất đông. Như vậy, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm có quan niệm "trồng người" có giáo dục đạo đức và thân thể tráng kiện, khỏe mạnh toàn diện từ học đường, từ những năm học tiểu học cho đến trung - đại học. Tôi được dạy nhiều chục lớp cả một trường Nam Tỉnh Lỵ Châu Đốc và thường dạy thể dục kiểu mẫu trong các khóa Sư Phạm trong một tháng hè, lớp tu nghiệp (gọi là conférence pédagogique) cho các giáo chức đang dạy học ở các xã ấp xa xôi quy tụ về tỉnh, cho nên hầu như giáo chức tiểu học đều có cảm tình hay quen biết, tôi được bạn đồng nghiệp cũng như học sinh mến thương.

Nhưng, tôi vẫn quyết chí lên Sài Gòn tiếp tục học lại làm lại cuộc đời mới vươn lên, đành bỏ lại sau lưng những thứ được ngành giáo dục tỉnh ưu đải mà nhiều giáo viên khác mơ ước. Sự ra đi đột ngột khỏi ngành giáo dục tỉnh Châu Đốc sau trại hè học sinh toàn quốc Vũng Tàu năm 1957, làm cho gia đình tôi chới với vì tôi là cột trụ làm ra tiền nuôi mẹ già và đứa em gái út. Nếu tôi suy nghĩ đắn đo hơn thiệt trước mắt, chắc chắn, tôi không bao giờ dám tách ly gia đình và ty Tiểu Học Châu Đốc để "sang ngang" vì mộng ước của tôi là phải đi học tiếp, có bằng này bằng nọ sẽ vượt qua được nghiệp vụ giáo viên tiểu học. Thế là tôi ra đi về một phương trời mới...

May mắn đầu tiên khi lên ở Sài Gòn học tiếp, được hai người bạn quý là Nguyễn Hữu Nhạc (đồng hương Châu Đốc), sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm và anh cũng là một võ sư với thập bát ban võ nghệ, về làm Tổng Giám Thị trường Trung Học Pétrus Trương Vĩnh Ký một thời gian ngắn. Kế tiếp, anh Nhạc được giữ chức vụ Phó Tổng Giám Đốc Thanh Niên rất lâu cho tới năm 1975 - hiện anh đang ở Canada, (tôi chưa gặp lại). Vị ân nhân thứ hai - chị Nguyễn Thị Hường ở Cầu Bông, đường qua tỉnh Gia Định (gia đình chị cũng sang Mỹ, con gái chị có điện thoại hỏi thăm tôi được 2 lần và cả chục năm nay, tôi không liên lạc được với gia đình ân nhân này thêm lần nào nữa). Hai người bạn quý này cùng cở tuổi tôi, tìm cho tôi được hai chỗ kèm dạy học sinh ỏ tại nhà, có đủ tiền trang trải học phí, chỗ ở, cơm nước...636801798708010350zz22

(H:Tại bến đậu ghe xuồng hàng chục chiếc - có cầu dài gần 10 mét trước nhà tôi năm 1947 - nay đất bồi làm cho chiều rộng con kinh mất trên dưới 20 mét - tôi về thăm quê hương lần đầu tiên năm 2010)

Nhưng mà cuộc đời luôn có nhiều thử thách với muôn nẽo chông gai, khổ cực khó khăn bao quanh, mọi nhu cầu ăn ở, đóng học phí, tôi phảí lo toan, tự túc xoay sở mà gia đình không có thể giúp cho bất cứ điều gì nữa. Có nhiều lúc phải khất nợ trả tiền ăn và đành ăn bánh mì không cả tháng (may là tôi ở khu đối diện với trường Aurore - đường Phan Đình Phùng, có một lò bánh mì ngon luôn nóng nên ăn không hoặc ăn với đường cũng bắt và hấp dẫn). Khi tìm được chỗ dạy mới ở xa như Thủ Đức - Dĩ An - Biên Hòa - Lái Thiêu... có đủ tiền trả nợ cũ và tiếp tục ăn cơm tháng, cạnh chỗ ở. May mắn, được ở chỗ rộng rãi, đàng hoàng, tương đối có tiện nghi, được người bạn cùng quê Châu Đốc cho ở miễn phí, không phụ thêm tiền chi phí cho căn nhà mướn đó (Bạn Nguyễn Sanh Tiền con trai út của ông chín Tô Ma ở khu Bến Đá Núi Sam, Châu Đốc, Tiền tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, từng làm Phó Tỉnh Trưởng Vĩnh Long - Hiện định cư tỵ nạn ở Thủ Đô Hòa Lan mà tôi có đến thăm viếng được 3 lần và có ở nhà anh vài ngày, tha hồ mà tâm sự, kể chuyện đời xưa...).

May mắn tiếp, khi có mảnh bằng Tú Tài, được thụ dụng làm giáo sư chánh thức dạy trung học - một trường học lớn nhứt của người Hoa ở Sài Gòn Chợ Lớn, có trên 5 ngàn học sinh trung tiểu học. Sau nhiều năm đi dạy học có đồng lương hậu hỉ (và lương tháng 13 hàng năm mà trường Việt Nam không có) của Trường Trung Tiểu Học Phước Kiến (sau đổi tên thành Phước Đức - 266 đại lộ Khổng Tử - Chợ Lớn).

Tưởng đâu sẽ được dạy học lâu dài, bổng nhiên đất bằng sóng dậy, có lệnh tổng động viên, tôi phải vào Quân Đội năm 1962, lúc bấy giờ, tôi đúng 27 tuổi. Thế là một lần nữa, tôi bỏ lại sau lưng tất cả những gì mà mình tạo dựng được, bao kỷ niệm êm đềm tốt đẹp của nghề "gõ đầu trẻ" - dạy học. Đặc biệt, bỏ lại người yêu gốc Hoa mà chúng tôi luôn quý trọng nhau, hẹn ước sống mãi bên nhau. Theo yêu cầu của người yêu, khuyên tôi đi học ngôn ngữ Trung Hoa (vì ông bố nói với con gái rượu là "ló" không biết tiếng Tàu thì "ngộ" không bao giờ gã "nị") - tại trường Sinh Ngữ, trong khuôn viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Khi vào Quân Đội, đi xa Sài Gòn, mọi chuyện tương lai đều thay đổi vì không duyên nợ nên không thành nghĩa vợ chồng. Tôi không biết tại sao, lúc bấy giờ tôi rất khỏe mạnh (sung sức) mà cô bạn gái người Hoa đến thăm tôi tại đơn vị ở Long Xuyên (xin lỗi mỡ đưa đến miệng mèo mà mèo nhắm mắt làm ngơ mới là lạ!!?). Cũng như tại Long Xuyên, có đến  hai cô giáo sư trường Thoại Ngọc Hầu cũng có nhiều cảm tình, có mai mối giới thiệu và tôi cũng có đến nhà ăn cơm nữa và từ quen đến thân. Thế mà cũng trớt quớt, không cấm sào mọc rể ở Long Xuyên. Đây cũng chuyện khó tin mà có thật, Đặc biệt cô xẩm, người yêu lại con một của một bà vợ từ bên Tàu, thuộc loại đại gia, có nhà lầu 4 tầng ở đường Ngô Nhân Tịnh Chợ Lớn, chuyên nhập cảng vải lụa bán khắp miền Nam, cả gia đình đều quý mến khi tôi chịu đi học tiếng Hoa. Chuyện vợ chồng là chuyện số và mệnh, tôi hoàn toàn tin tưởng như vậy. Còn nhiều cô con gái khác với tuổi còn nhỏ 16, 17 tuổi, cũng thường lân la tỏ tình mà tôi vẫn "tha", không xâm phạm tiết trinh của họ vì chưa cưới, tôi sợ mang tội thất đức mà nhiều người bạn, nghe tôi thuật lại ở trong tù, nói tôi là thằng ngu - đúng, ngu thật, mà tôi giữ được tình thân tốt đẹp cho tới ngày nay khi gặp lại.

 

Từ mốc thời gian nhập ngũ, tôi dấn thân vào con đường gió bụi - chiến tranh - với bao chết chốc đang rình rập. Mỗi con người đều có số, tôi có số may được phục vụ Quân Đội tại những đơn vị có chữ thọ lớn, ít cực xác như tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV ở Cần Thơ. Khi được thuyên chuyển về Thủ Đô Sài Gòn phục vụ tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị và Biệt Khu Thủ Đô, có thời giờ làm thêm việc ngoài về truyền thông báo chí được tăng thêm thu nhập. Trong khi đó các bạn cùng khóa, nói chung là các chiến binh ở các đơn vị trực tiếp chiến đấu tại các mặt trận vô cùng nguy hiểm khó khăn, ở xa gia đình, tiền lương của lính là tính liền, một cảnh hai quê luôn gặp nhiều thiếu thốn khó khăn.

Tới đây, cuộc đời lưu lạc của tác giả chưa dừng bước giang hồ tại Sài Gòn để sống an vui hạnh phúc với gia đình với cuộc đời bình thường của một quân nhân - công dân trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa pháp trị, dân chủ tự do.

 

Than ôi! cuộc đời không phải như tờ giấy trẳng phẳng lặng luôn làm vừa lòng vừa ý mình muốn viết gì thì viết. Tai họa do cơ trời hay ngoại bang xếp đặt ập đến quá đột ngột - ngày 30 tháng 4  năm 1975, vợ chồng (cùng cấp bậc Thiếu tá) đều bị lùa vào trại tù cộng sản. Tôi được nhà nước của kẻ thắng cuộc - công sản Bắc Việt - cho đi tù ở miền Nam,  kế tiếp đi "du học" xa từ Sơn La - Yên Bái - Vĩnh Phú ở miền Bắc và trở về Nam "học" tiếp ở Rừng Lá - Hàm Tân (Z30D). Nếu tính năm là 10 năm (1975-1985), nhưng chưa đủ tròn 10 năm.

 

Tập Hồi Ký của một người nhà quê  sẽ diễn đạt hết tập tục, thói quen của đời sống quê mùa mà tác giả được sanh ra và lớn lên suốt 12 năm thơ ấu ở Bà Bài. Kế tiếp, tôi tường thuật trung thực, diễn tả kiếp sống rày đây mai đó trong nước, "du học cải tạo" ở xứ xã hội chủ nghĩa cộng sản Hà Nội và đặc biệt đời sống tự do, thoải mái ở Hoa Kỳ.

Gia đình chúng tôi ở Bà Bài, xa trụ sở xã nên không có làm khai sanh. Đến 14 tuổi, tôi  có Thế Vì Khai Sanh, ghi là sanh ngày 10 tháng 01 năm 1935 tại ấp Bà Bài, xã Vĩnh Nguơn thuộc quận Châu Phú - tỉnh Châu Đốc. Thế Vì Khai Sanh làm theo tuổi ta đổi sang thành tuổi dương lịch nên hoàn toàn không đúng.

Khi lớn lên, không còn ở nhà quê mà lại đi học, muốn có Thế Vì Khai Sanh phải đến Tòa Án tỉnh xin mẫu đơn (bằng chữ Pháp) điền đầy đủ lý lịch cá nhân và phải có 2 hay 3 người chứng nữa nạp vào Tòa Án, chờ có trát Tòa hẹn ngày ra trước Tòa khai trình sự thật lý do ở nhà quê xa xôi, không biết cách đi khai sanh ở xã hay vì chiến tranh hay thất lạc khai sanh... Nay xin làm khai sanh lại. Thế Vì Khai Sanh của tôi được làm trước khi tôi dự thi bằng Tiểu Học vì nhà trường bắt buộc phải có khai sanh mới được dự thi. Những nhân chứng khai trình đại khái như vậy, hình như ông Chánh Lục Sự hay "Quan Tòa" chấp thuận là mọi người khai đúng sự thật, có tôi đứng cùng với các nhân chứng trong buổi làm Thế Vì Khai Sanh tại Tòa Án tỉnh Châu Đốc.  .

Thế hệ tôi và trước nữa, cả tỉnh lỵ đều biết nếu có ai thi đậu bằng Diplôme tức là bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp sau này, tên tiếng Pháp là Diplôme d'Étude Primaire Supérieure Indochinoise (viết tắt là DEPSI) - Văn Bằng Cao Đẳng Tiểu Học Đông Dương. Còn đậu Tú Tài I - Tú Tài II hay Cử Nhân, Kỹ sư, Bác sĩ... kể như toàn tỉnh đều nghe biết, mọi người đều ca tụng, khen ngợi, hâm mộ. Các đại điền chủ, đại gia cở bự hay quan quyền cao cấp có con gái rượu, các tiểu thư khuê các, đẹp ít đẹp nhiều gì cũng đều bắn tiếng mời gọi gia đình các chàng thanh niên đổ đạt này đến coi mắt con gái nhà mình và còn chào hàng, có của hồi môn đồ sộ vài chục, trăm mẫu đất là chuyện nhỏ. Có thể có nhà cao cửa rộng, vàng ô vàng khối, kim cương hột xoàn cả hộp bự tha hồ mà sống cuộc đời vương giả ăn trên ngồi trước chung quanh dân quê bần hàn khốn khó.

Thời xưa, ông bà mình trọng vọng người có học thức, khuyến khích con cháu phải học nhứt là giới trung lưu hay nghèo khó, nếu may mắn có con cháu thông minh học giỏi chắc chắn sẽ đổi ngôi thứ trong xã hội, chân còn dính phèn, chân đất bổng trở nên giàu có hãnh diện với đời vì có con học giỏi, có bằng cấp cao.

Gần đây, trước năm 1975, nếu một thanh niên con nhà nghèo mà có bằng Tú Tài sẽ được theo học trường Sĩ Quan Thủ Đức hay Đà Lạt, tình nguyện hay bị động viên, cũng sẽ được đổi đời khi vào Quân Đội ở cấp chỉ huy sĩ quan, có nhiều cơ hội thăng tiến, phất lên. Còn thanh niên chỉ có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp dù con đại gia, khi bị động viên vào Quân Đội chỉ đeo được "cánh gà" (Trung sĩ), nếu không bằng cấp gì hết thì đành làm lính "đơ dèm cùi bắp". Từ hàng hạ sĩ quan và binh sĩ muốn vươn lên trở thành sĩ quan phải trải qua nhiều năm tháng với muôn vàng khó khăn. Vì vậy, chuyện thi đậu có bằng cấp vô cùng quan trọng đối với nam giới. Trước mắt, thời chiến, bị động viên vào Quân Đội được vào trường sĩ quan, hạ sĩ quan hay binh sĩ và tiền lương, sự làm việc hoàn toàn cách biệt. Thời bình, có bằng cấp càng cao càng dễ thay đổi cuộc đời nghèo khổ, bổng chốc nhảy lên giai cấp giàu có, quyền thế...

Tiếc thay, Ấp Bà Bài của tôi lại không có trường học, từ nhỏ 5 - 6 tuổi, không học được chữ quốc ngữ để tiến thân khi lớn lên. Những đứa trẻ thuộc gia đình tương đối có ăn có để, cha mẹ cho con học chữ nho, như cá nhân tôi do ông Nội tôi dạy hay ông Hương Sư của Xã gần nhà hay Bác Ba trụ trì chùa Bồng Lai dạy.

Lúc bấy giờ, học chữ Nho thường căn cứ vào sách Tam Tự Kinh và Tam Thiên Tự, nhứt là cuốn Tam Thiên Tự, ông Thầy gõ nhịp đọc Thiên là trời - địa là đất - tử mất - tồn còn...các học trò đọc theo mà chẳng biết chữ thiên chữ địa viết làm sao. Đọc thiệu, đọc nghĩa trước có vần âm điệu, có ca có kệ cho đã đời rồi mới được tập viết chữ. Theo nguyên tắc, viết chữ Nho (chữ Hán - chữ Tàu), với thứ tự viết trước sau, phải viết từ trái sang phải và từ trên xuống dưới...học chữ Nho quá rắc rối mà lại khó nhớ. Sau này, tôi có dịp học chữ Tàu, họ có nhiều cách dạy tân tiến hơn mấy cụ đồ nhà mình thuở xa xưa, chia chữ theo nét, theo bộ nên mình mới tra tự điển được. Còn học theo xưa, học thuộc lòng, thuộc mặt chữ, cách viết cũng học cẩn thận nên mất nhiều thời gian và ít sử dụng rất mau quên và tra tự điển càng khó hơn nữa.

Ba tôi còn nhờ một đôi vợ chồng trí thức, từ Cao Lãnh, bồng bế trốn chạy bằng ghe vì chánh quyền ở tỉnh Sa Đéc tìm bắt ông chồng vì có hoạt động "quốc sự" (chánh trị). Bà vợ làm cô giáo kềm cập dạy 3 chị em chúng tôi - bà chị thứ 9, tôi (thứ 10) và cô em gái thứ 11. Ba tôi trả công bằng các thức ăn - cá tôm hay thịt heo, thịt bò khi có giết thịt,  kể cả gạo và theo tôi biết, Ba tôi rất rộng rãi còn biếu thêm tiền (tôi không rõ là bao nhiêu). Nhờ vậy mà tôi biết đọc biết viết Việt Ngữ, học toán cộng trừ nhơn chia rất nhanh cũng như biết đọc chữ Pháp nữa. Bà giáo thứ 9 tôi gọi là Cô Chín, dạy chúng tôi giữa năm 1945 và như trọn năm 1946. Riêng tôi còn phải tiếp học chữ Nho mà tôi nhũ thầm học cho vui lòng ông Nội tôi, chớ đâu có ích lợi gì khi xin việc làm.

Sau Tết Mậu Thân 1968 khá lâu, tôi có dịp đi công tác, từ Cần Thơ lên Sài Gòn bằng xe Jeep, tôi có tìm biết  địa chỉ trước, nên có ghé qua Trung Lương thăm Cô Giáo đã giúp khai sáng tôi về chữ quốc ngữ. Tôi thưa với Cô Chín, nếu không có cơ duyên Cô về Ấp Bà Bài "tá túc" trốn mật thám Pháp bắt chồng cô thì "con"  chắc chắn thất học và làm sao "ngày nay" con vào Quân Đội được trở thành sĩ quan. Năm đó, Cô Chín cũng trên 60 tuổi, chồng Cô qua đời trước đó khá lâu, Cô không con, trông già nhiều trước tuổi, đang được một người cháu chồng chăm sóc nuôi dưỡng tại một hảng sản xuất nước mắm khá đồ sộ ở Trung Lương - Mỹ Tho (Định Tường). Cô Chín ôm tôi khóc và tôi cũng khóc theo Cô vì mới đó mà thoắt một cái đến hơn 20 năm thầy trò mới có cơ duyên gặp lại nhau sau những biến thiên trôi nổi của thời cuộc chiến tranh. Trong đời tôi chỉ gặp lại cô giáo đầu đời chỉ có một lần gần cuối năm 1968 đó mà thôi.
636801799221757167zz33

 (H: Kinh Vĩnh Tế mùa nước lũ - nước lên hay còn gọi là mùa nước nổi)

Người xưa thường nói, bán tự chi sư, nhứt tự chi sư, dù học nửa chữ hay một chữ cũng phải tôn vinh là thầy của mình. Bây giơ, nếu Cô Chín còn sống đã trên trăm tuổi, Cô Giáo của tôi hiện đang tươi vui ở trên Non Bồng Nước Nhược chờ có cuộc trùng phùng với đứa học trò ở nhà quê Bà Bài năm xưa, nay cũng đang vào tuổi hoàng hôn rồi.

Học chữ Nho, một kỷ niệm nhớ đời của tôi, sáng thức dậy, chưa xúc miệng (hoặc súc miệng qua loa đại khái bằng nước lạnh - làm gì biết đánh răng, không có bàn chải, không có kem đánh răng. Sau này có bàn chải, đánh răng với muối bọt, không có kem đánh răng - miệng cũng thơm phứt chớ bộ!).

Quê Bà Bài của tôi, cả xóm hàng trăm nóc gia ở hai bên bờ kinh Vĩnh Tế, duy nhứt chỉ có ông già tôi mua sắm được một máy hát hiệu Pathé với hình con gà trống "Gaulois" của xứ ""Đại Pháp". Khi mở máy hát, cả mấy chục người láng giềng đến thưởng thức dưới ánh đèn măng - sông (manchon). Dĩa hát lớn tổ chảng, nặng chịch, mỗi dĩa cân chắc cũng cả trăm "cà ram" - kim hát chỉ mua một lần nguyên hộp, sử dụng quanh năm vì kim cùng, lụt thì phải mài trên đá mài dao. Tôi có nhiệm vụ quây dây thiều cho máy chạy, để dĩa hát vào máy, còn vụ mài kim có bao nhiêu người tình nguyện làm. Quý bà con lớn tuổi, sợ tôi, cho máy hát hoạt động, mõi mệt hay chây lười nghỉ bất tử, chốc chốc cho tôi ăn bánh, ăn chè, ăn cháo cá, cháo gà, uống nước trà nóng, thay đổi mỗi ngày...Nghĩa là cưng chìu tôi tới bến như là "lo lót", sợ tôi làm eo làm xách "hát" không hết tuồng cải lương, nhiều tuồng có đến hàng chục dĩa như tuồng San Hậu. Sau này còn có tuồng Hoa Rơi Cửa Phật (tức là Chuyện Tình Lan và Điệp) và nhiều tuồng hát khác hay là những dĩa ca 20 câu vọng cổ (Văng vẳng tiếng chuông chùa - Tình yêu trong mộng tưởng - Tôn Tẩn giã điên...)  của Tám Thưa, Năm Nghĩa, Út Trà Ôn, Cô Ba Bên Tre, Cô Năm Cần Thơ...mà bà con dân quê mê thích.

Cả một bầu trời kỷ niệm ở nhà quê Bà Bài hiện lên trong ký ức cũng như chùm khế ngọt làm tôi miên man nghĩ ngợi, nuối tiếc khôn nguôi những ngày tháng thanh bình êm ả đó tại ấp Bà Bài thân yêu của tôi hồi năm xửa năm xưa, trước năm 1947.

Dù còn nhỏ, tôi cũng thường theo gia đình lên "trại ruộng" ở nhiều tháng trên đất Miên, có người gọi trại ruộng là đồn điền. Không hiểu tại sao, người Pháp cũng có trại ruộng như Ba tôi mà đất làm ruộng còn ít hơn, cách nhau chừng 2 cây số, nằm bên tay phải Kinh Cả Hàng, phía gần tỉnh lỵ Tà Keo được dân Việt Nam mình gọi là đồn điền của thằng Tây. Như ở Cần Thơ có đồn điền Cờ Đỏ cũng chuyên làm ruộng lúa, không nhứt thiết là trồng cao su, cà phê, trà... mới được gọi là đồn điền. Nhưng, trại ruộng của Ba tôi không bao giờ có ai gọi là đồn điền. Cũng đúng thôi, thực ra, trại ruộng của Ba tôi không ở cố định, khi bắt đầư xây dựng trại cũng là lúc nước giựt khô đất, lúa sạ chín nằm rạp trên đất, cũng là thời vụ bắt đầu cắt gặt lúa. Trại ruộng được xây lên với hàng chục căn nhà lá nhỏ liền kề nhau để cho nhân công ở và là nơi tạm trú của thợ gặt - cắt lúa từ các xã xa về đây cắt thuê theo vụ mùa và được trả công bằng lúa, không phải bằng tiền như sau này. Khi đất khô cứng, chủ ruộng cũng dọn sân, bãi sạch sẽ gọi là sân đạp lúa (hay đập lúa bằng cây, nếu lúa ít), lúa nhiều, dùng bò chừng 3 đến 7 con (tùy bãi lúa lớn hay nhỏ), quàng dây vào cổ bò thành hàng ngang, có người dùng roi chi huy cho đàn bò đi vòng quanh bãi lúa dặm đạp cho hột tách ra. Thời đó làm gì có máy gặt, máy suốt lúa ra khỏi cọng lúa, gọi là cọng rơm khi lấy hết hạt lúa ra. Hết mùa gặt lúa đến mùa cày bừa trước mùa mưa, thường vào giữa tháng tư âm lịch, sạ lúa xong xuôi và lúa mọc lên đầy đủ, chỗ đất nào chưa có lúa mọc thì phải sạ "dậm" cũng là thời gian chuẩn bị dở trại trở về ấp Bà Bài đợi mùa thu hoạch lúa năm tới.

Còn nhà để nhân viên làm việc ở và có vựa lúa đàng hoàng, người chủ Pháp xây cất rất bề thế to cao, nhà sàn tránh nước ngập, có ít nhân viên ở lại trông nom lúa trong mùa nước nổi. Còn ruộng lúa của Ba tôi có đến mấy ngàn mẫu mà không có ai trông nom gì cả, phú thác cho trời đất. Sở dĩ Ba tôi làm đến trên 3 ngàn mẫu vì còn làm tá điền cho Thầy Năm Khải - thông phán tòa án Châu Đốc suýt soát gần 2 ngàn mẫu được ăn chia sòng phẳng. Vùng đất này là vùng lúa sạ mà đất lại mềm, phì nhiêu, màu mỡ. Nhiều vùng đất thấp có độ ẩm cao chỉ bừa sạch cỏ là sạ lúa được mà không phải cày trước. Có vùng đất cao, khô, cứng, bừa xong mới cày và còn bừa lại cho nhuyển đất mới sạ lúa. Hơn nữa, trước khi cày bừa lo cho vụ mùa kế tiếp, mùa hè nóng bức, cỏ và thân rạ lúa khô, người chủ ruộng "đốt đồng" vừa có tro làm phân bón cho lúa vừa diệt được cỏ dại.

Gia đình Thầy Năm Khải, năm 1945, từ tỉnh lỵ Châu Đốc tản cư về ở ấp Bà Bài, ở vùng đất cao gần chùa Bồng Lai. Vài tháng sau Thầy và vài người bạn cũng từ tỉnh lỵ tản cư như Thầy bị Việt Minh ở đâu xa đến bắt dẫn đi mất tích, kể như chết mất xác. Khi tỉnh Châu Đốc có lệnh hồi cư, gia đình Thầy Năm Khải trở về nhà cũ (gần Bồ Đề Đạo Tràng), căn phố đầu tiên, ngang "ba" Nam Hiệp, nổi tiếng ở Thị xã Châu Đốc. Trước năm 1975, căn phố đó thuộc gia đình Trần Ngọc (tiệm cầm đồ) và hiện nay (2018), căn phố đó do cháu ngoại của ông Trần Ngọc (con trai của giáo viên quá cố Trần Thị Thu Ba và cựu Hiệu Trường trường Trung Học Đệ Nhị Cấp Thủ Khoa Nghĩa Nguyễn Thanh Quang - mở tiệm thuốc Tây - pharmacy).

Trước năm 1945, ba nước Đông Dương Việt Miên Lào, mọi người có quyền sinh cư lập nghiệp bất cứ ở đâu cũng được. Từ bờ Kinh Vĩnh Tế - Ấp Bài đi thẳng đến Kinh Cả Hàng, nghĩa là vượt qua biên giới Miên Việt rất xa chừng hơn 10 cây số vì từ bờ kinh Vĩnh Tế đến đất Miên trên dưới 1 cây số rưởi. Ba tôi cất một dãy nhà lá hơn chục căn, gọi lạ trại ruộng, khi cày bừa, sạ lúa xong, mưa nhiều, lúa non lên tươi tốt cũng là thời điểm, dở trại ruộng, cái gì còn dùng được và nhứt là cá khô, nước mắm cùng lu khạp đều đưa xuống ghe xuồng đi đường thủy, đánh một vòng mới đến đầu Kinh Vĩnh Tế - thuộc tỉnh lỵ Châu Đốc. Từ đây đi đến Bà Bài khoảng 10 cây số nữa, cộng chung lộ trình này hơn 30 cây số mới về tới nhà. Còn đi đường bộ, bằng xe bò, chỉ khoảng 10 cây số, lùa theo một bầy bò cả trăm con về luôn, năm nào cũng làm y chang như vậy.

Vùng đồng ruộng này dù có đồn điền ruộng của Pháp, trại ruộng của Ba tôi (Thầy Năm Khải & Ba tôi), chỉ mới sử dụng đất hoang trên 5 ngàn mẫu, hàng trăm ngàn mẫu chưa khai thác còn hoang dã, nên nơi đây có vô số cá tôm, rùa, rắn, lươn sống "lưu linh lưu địa" sống dài lâu, không ai đụng đến... Đúng với câu chim trời cá nước, chim cò bay lượn dập dìu quanh năm. Ở đây, cá tôm rất to lại nhiều vô số kể, đầy kinh rạch, đầy đồng, chỗ nào có nước là có cá nhiều hơn ở ấp Bà Bài gấp năm bảy lần, dù Bà Bài nổi tiếng là vùng đất có tôm cá nhiều vào hàng nhứt nhì của tỉnh Châu Đốc, so với vùng kinh Cả Hàng này, thua xa lơ xa lắc.

 

Tôi nghĩ ở Thiên Đàng hay Niết Bàn có an cư lạc nghiệp như cái Ấp Bà Bài của chúng tôi hay không?. Nhà ở không cần đóng cửa, trâu bò không có chuồng đàng hoàng chỉ cắm cọc chung quanh và căn dây để cho bò hay trâu ngủ ban đêm vì nơi này có nhiều đóng rơm un khói xua đuổi muỗi cũng như có thêm rơm, cỏ và nước uống để cho trâu bò ăn mà chúng không cần đi đâu cả. Tất cả nhà ở đều không có cửa ngõ hay cửa trong nhà. Tôi nhớ chỉ có một tiệm bán hàng xén và nhà ông Chín chuyên hốt thuốc Bắc gần nhà tôi là có cửa đàng hoàng và cũng không có cửa ngõ vì không có hàng rào chung quanh. Ấp Bà Bài không bao giờ có trộm cấp, dù không giàu, nhưng, nhà nào cũng đủ ăn, cá tôm có sẵn dưới kinh rạch, bắt bao nhiêu cũng có hay mắm, khô đều có dự phòng khi trời mưa gió liên miên không đi được ra khỏi nhà. Còn lúa gạo, tự xây giả có trong bồ dự trử đủ ăn chờ mùa gặt lúa tới, không làm chủ ruộng chỉ làm công hay đi mót lúa cũng thừa lúa để ăn mà còn dư để bán nữa. Lúa sạ, thợ gặt thường cắt sót nhiều, vì lúa nằm chìm dưới nước hay bùn sình...mót lúa được nhiều lắm, hàng năm có cả trăm người từ các làng xã khác rất xa hàng mấy chục cây số cũng bơi chèo ghe, xuồng đến ấp Bà Bài và lên trại ruộng của Ba tôi để đi mót lúa hay gặt thuê được trả công bằng lúa, chỉ làm chưa tới 2 tháng mà có lúa để dành ăn cho gia đình cả năm không hết.  

Ấp Bà Bài có thể nói là vùng đất Thiên Đàng vì thức ăn quá dồi dào dư dả, cuộc sống an lành không biết bon chen, tranh giành trong cuộc đời bình thường và an ninh như tuyệt đối.

 

Từ năm 1946, khi quân Pháp trở lại Đông Dương và phong trào Việt Minh nổi lên chống Pháp, quê Bà Bài mới dậy sóng vì quân Pháp hay ruồng bố vùng này, tìm bắt thanh niên trai tráng.  Phong trào Việt Minh toàn miền Tây đã có sự thù nghịch với tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo càng ngày càng trầm trọng sau thời điểm Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ bị Việt Minh ám hại, năm 1947.

Ấp Bà Bài cũng cùng chung số phận, dù quê tôi kể như bà con gần hoặc xa vì cùng "một bọc" của Bà Bài khai sanh ra vùng đất lành chim đậu này. Tuy nhiên, việc lấy chồng, vợ ở láng ấp khác cũng có người tôn giáo này, tôn giáo khác hay theo Việt Minh mới sanh ra lắm chuyện giết nhau...giữa Việt Minh và Hòa Hảo.

Đây mới là phần mào đầu của tạp Hồi Ký này, xuất phát từ thời trẻ nít đến năm 1947, tôi được 12 tuổi cũng là thời điểm có sự đột biến thay đổi to lớn cá nhân tôi và gia đình tôi phải tản cư ra tỉnh lỵ Châu Đốc tránh cảnh nồi da xáo thịt người Việt cùng xã ấp lại giết nhau vô cùng dã man, tàn bạo. Những cách giết người rất đơn giản mà rất man rợ như trói thúc ké cho "mò tôm", chôn sống, xử tử bằng cách đâm chém, không bắn vì sợ tốn đạn...

Ấp Bà Bài chỉ có người theo hẳn Việt Minh mới bám trụ ở lại. Còn những ai theo tín ngưỡng đạo Phật Giáo Hòa Hảo hay các tín ngưỡng khác, tản cư đến những xã kể như hoàn toàn cùng tín ngưỡng và chống Việt Minh triệt để. Gia đình chúng tôi chỉ có thờ Ông Bà, khi tản cư ra tỉnh lỵ Châu Đốc, không có nhà nên đều ở trên ghe, neo đậu ở vùng trũng sâu, cạnh con kinh đào, sau nhà Bà Ba Thân và bà là Cô vợ của ông Đốc Thân (Thái Văn Thân, trùng tên với cô vợ - ở chung một nhà), bên kia kinh đào là khu đất cúng (nghĩa địa). Khu vực này gần một "đồn" -  cơ quan quân sự của đạo Cao Đài, rất an ninh. Sau đó, khi đạo Cao Đài xin được đất lập khu châu vi đạo để bảo tồn sinh mạng tín đồ Cao Đài và những ai từ nhiều xã tản cư trốn chạy giặc - chiến tranh, cũng được vào ở Châu Vi đạo Cao Đài, như đại gia đình chúng tôi và cũng từ đó Ba Má tôi nhập môn theo đạo Cao Đài.

Châu vi đạo Cao Đài, năm 1947, tổ chức giống hệt như Ấp Chiến Lựợc dưới thời nền Đệ Nhất Cộng Hòa (1956 - 1963), có tổ an ninh canh phòng ngày đêm và đặc biệt lại có một ông "kiểm soát" chuyên trách đi bắt, phạt quỳ hương, những ai ở trong Châu Vi Đạo mà ăn mặn những ngày sóc vọng (đặc biệt ngày 14, Rằm và ngày 30, Mồng Một... âm lịch)
.636801799762690934zzz44

(H: Kinh Vĩnh Tế - đấu kinh  ở Thị xã Châu Đốc)

Châu vi đạo Cao Đài, tỉnh lỵ Châu Đốc, ở khu đất trống dùng làm sân banh, sau này giải tỏa, không còn châu vi đạo nữa, nơi đây cất lên trường trung học Bán Công Nguyễn Hữu Cảnh và một phần trường công lập Thủ Khoa Nghĩa mới xây cất, từ năm 1954. Niên học trước, tôi còn học, tên gọi là Collège de Chau Doc, mượn nhiều lớp học của trường Nam Tiểu Học Tỉnh Lỵ Châu Đốc dạy trung học. Khi có trường trung học công lập mới, hình như từ niên học 1955 - 1956, tên trường Trung học công lập Collège de ChauDoc có tên mới là Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa, Hiệu Trưởng đầu tiên là giáo sư Tài (gốc người Bắc, dạy lý hóa, từ trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho thuyên chuyên về Châu Đốc). Trước đây, từ ngày thành lập Trường Trung Học Công Lập "Collège de Chaudoc" niên học 1949 - 1950 đầu tiên có 2 lớp, Hiệu Trưởng, Thầy Thái Văn Thân, từ tiểu học sang. Năm kế tiếp, thêm 2 lớp nữa, thành 4 lớp, cũng dạy theo chương trình Pháp, tôi theo học, hình như Hiệu Trưởng là Thầy Châu Văn Đồng. Đến niên học thứ ba của Trường Collège de Chaudoc - sau này là trường Thủ Khoa Nghĩa, bắt đầu chuyển sang dạy chương trình Việt Ngữ giống như học sinh đang học ở miền Bắc và miền Trung, Thầy Phạm Ngọc Đa làm Hiệu Trưởng (bút hiệu là Bạch Liên có nhiều tác phẩm  đã xuất bản về tâm linh) và Thầy còn giữ chức Hội Trưởng Thông Thiên Học Việt Nam, kế nhiệm bà Nguyễn Thị Hai.

Đến năm 1954, phong trào di cư từ Bắc vào Nam rầm rộ và chương trình học bằng Việt Ngữ được phổ cập sâu rộng từ trung tiểu học cho đến các trường Đại Học. Năm thi cuối cùng của chương trình Diplôme - thi trung học bằng tiếng Pháp là niên học 1954 - 1955.

Khi vào Quân Đội tôi được phục vụ ở Miền Tây, thuyên chuyển trở lại Sài Gòn cho đến ngày 30.4.1975, chính thể Việt Nam Cộng Hòa bị xoá sổ, miền Nam Việt Nam đổi chủ cũng như  người dân bị đổi đời...Tôi bị vào tù cải tạo ở miền Nam: Thành Ông Năm ở Hóc Môn - Suối Máu ở Biên Ha và bị lưu đày ra Bắc từ năm 1976 ở Sơn La, Yên Bái, Vĩnh Phú, đến năm 1982 được chuyển trại về Hàm Tân - Rừng Lá và được ra khỏi nhà tù nhỏ đầu năm 1985. Về đến nhà đúng vào đêm của những ngày có bán Chợ Tết ở khu chợ Nancy. Ra tù nhỏ của Z30 D Hàm Tân về sống với gia đình, cũng ngôi nhà cũ 1A/2 đường Hưng Phú, dốc cầu Chữ Y, nhánh lò heo Chánh Hưng. Nay, được chút tự do vào ở nhà tù lớn của cả nước, bị quản chế thêm 3 năm nữa, không được đi ra khỏi phường cũng như thành phố Sài Gòn và sau đó được phục hồi quyền công dân, làm "phó thường dân" của người thua cuộc, được xếp hạng chót, hạng thứ mười mấy nên con cái làm sao mà vào đại học dễ dàng.

Từ năm 1985 đến năm 1993 cùng với bà xã tão tần buôn bán quần áo mới ở chợ trời và sau được bán trong chợ An Đông mới với biết bao khó khăn vất vả qua các cuộc tranh đấu, xuống đường cùng với tập thể bạn hàng chợ cũ An Đông chống đối sự chèn ép của nhà thầu của nhà cầm quyền Quận 5, tôi suýt bị bắt ở tù trở lại, may có quới nhân chỉ bảo cách thoát thân trong đường tơ kẽ tóc.

Tám năm sau, 1993, tôi cùng vợ và con nhỏ dưới 21 tuổi, độc thân được đi sang Mỹ diện HO - HO 16 - cựu tù nhân chánh trị, đến được đất nước Hoa Kỳ - thiên đường tự do dân chủ, làm lại cuộc đổi đời mới. Chúng tôi ra đi sang Mỹ chỉ có 4 người, còn 2 đứa con lớn có gia đình phải ở lại không được đi theo cha mẹ diện HO như 2 em. Chuyện 2 con lớn ở lại là câu chuyện nhớ đời. Những người cựu tù nhân chánh trị chế độ cũ, đã trải qua thủ tục đầu tiên rồi còn phải có đủ giấy tờ, thông hành (passeport), đặc biệt là giấy hiến nhà cho Nhà Nước để được đi ra ngoại quốc. Nếu là sĩ quan cấp tá QLVNCH trở lên đang định cư tại các quận ở Sài Gòn phải có cái giấy chứng nhận hiến nhà mắc dịch này mới được lên máy bay, thoát khỏi thiên đường mù cộng sản. Luật rừng này đặc biệt áp dụng ở Sài Gòn nhằm vơ vét hết tài sản một lần nữa của người thua cuộc và mỗi địa phương có luật rừng riêng.

Tôi lên Sở nhà đất của thành phố Sài Gòn nạp đơn xin cấp giấy chứng nhận đã làm đúng thủ tục hiến nhà và xin cho các con lưu cư tiếp tục ở lại nhà cũ với bà ngoại của các cháu, có tên trong Hộ Khẩu, kể cả dâu và rể. Chúng bác đơn bảo phải về làm đơn lại, 2 đơn riêng biệt, một đơn hiến nhà vô điều kiện cho Nhà Nước, một đơn xin cho các con và bà ngoại các cháu tiếp tục được ở lại căn nhà cũ, gọi là được lưu cư. Về nhà, tôi hì hục làm đơn lại và cũng phái đính kèm theo bản sao tờ hộ khẩu có tên 5 người đầy đủ đã ở đó từ trước...Cán bộ sở nhà đất, lật qua lật lại hồ sơ, nói là còn thiếu biên lai đóng tiền thuế thổ trạch. Như vậy, đơn chưa hợp lệ, phải về đóng tiền thuế thổ trạch mới được chấp thuận cấp giấy chứng nhận hiến nhà thành kẻ vô sản "trần truồng" mới được lên máy may đi Mỹ. Lúc nộp đơn, sau Tết Nguyên Đán - tháng 2 dương lịch mà gia đình tôi được đi sang Mỹ đầu tháng tư (1993). Tôi nói liền, nhà tôi đã hiến tặng cho Nhà Nước thì làm gì phải cần đóng thuế thổ trạch?. Hơn nữa, chuyện đóng thuế ở Việt Nam suốt cả năm đóng thuế lúc nào cũng được (không phải như ở Mỹ, có thời hạn cho những trường hợp đóng thuế thông thường cho tới tháng tư). Tên cán bộ phụ trách ác ôn nói một cách thách thức và thô bỉ. Nếu ông không đóng thuế thổ trạch thì ông khỏi đi Mỹ, ông hãy mang hồ sơ này về đi...Con Việt cộng cái nói xong, kéo ghế cái rột đứng dậy, bỏ đi, thật là mất dạy. Chuyện này, tôi nhớ mãi. Khi xuống gặp Diêm Vương, tôi thưa trình liền để Diêm Vương biết chuyện thế gian dưới chế độ toàn trị của cộng sản Việt Nam để Ngài "xử lý" hết đám cán bộ VC xuống tới đó.

Đến đây, gia đình chúng tôi lại có thêm cuộc chia ly nữa và còn hy vọng bảo lãnh được các con kể cả dâu rể sang Mỹ sum họp khi chúng tôi nhập được quốc tịch Hoa Kỳ. Các con tôi ở tại nhà cha mẹ ra đi để lại, vẫn phải đóng tiền thuê hàng tháng vài trăm ngàn tiền Hồ. Mãi hơn chín năm, sau khi chúng tôi có quốc tịch Mỹ, hai đứa con lớn cùng với 2 cháu nội và 2 cháu ngoại, công chung tám người được sang Mỹ theo diện cha mẹ bảo lãnh. Thế là đại gia đình chúng tôi được trùng phùng, sum họp và may mắn đều cư ngụ ở Thủ Phủ Sacramento cho đến tận bây giờ - năm 2018 với một đại gia đình 19 người (10 người lớn & 9 cháu nội ngoại), thường tụ hội về nhà chúng tôi vào một ngày cuối tuần cùng vui hưởng một bữa ăn "đoàn tụ thân thương" thành một truyền thống gia đình.

 

Bao giờ trở lại, Bà Bài cũ?

Hẹn kiếp mai sau, nguyện Đất Trời.!

ANH PHƯƠNG Trần Văn Ngà (HNPD)

 

(Tập Hồi Ký này khá dầy, sẽ xuất bản năm tới - 2019).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn