Ngày người tù binh trở về

Thứ Năm, 07 Tháng Mười Hai 20174:15 SA(Xem: 6780)
Ngày người tù binh trở về


trần hoài thư

Minh trở lại cùng Huế. Minh đứng ở bờ Hữu Ngạn, gọi Huế, gọi dòng sông, gọi những con sáo nội thành in cánh đen trên những nhành phượng vĩ. Dòng sông vẫn hiền lành, nước vẫn xanh lơ, chảy về Kim Long, qua cầu Bạch Hổ, chảy ngược về Vĩ Dạ, khuất dưới những bờ tre xanh. Huế ơi. Giọt nước mưa mùa đông, hay là giọt nước mắt. Minh về, nhìn ly bóng mình xao động trên mặt nước. Bên kia bờ là Đông Ba, là thành phố, là vỉa hè Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, là dấu chân chập chùng một thời tuổi trẻ. Mới đó, bây giờ đã mười bốn năm. Bao nhiêu điều mà anh đã thêu dệt về một quê nhà, trước khi cầm tờ giấy phóng thích, giờ đây trở thành tan vỡ. Hình như Huế đã không còn là của anh nữa. Huế đã thay đổi quá nhanh. Huế hấp tấp, hối hả, tranh dành như đám xe xích lô hay xe đạp thồ đang đón khách đi. Huế ảm đạm, câm nín như cả bầu trời xám, và những người cúi đầu xuống lầm lũi. Huế với những ngôi nhà mới cất như những dinh thự tương phản cùng nỗi nghèo nàn cơ cực.

Anh đã ôm cái bị hành trang, bước đi. Đây là con đường Lê Lợi cũ, sẽ qua chiếc cầu ga, qua trường Bình Minh, qua đại học luật khoa, qua trường Quốc Học, Đồng Khánh…Không, đâu còn cái tên Đồng Khánh nữa. Mà là Trưng Trắc. Trời ơi, mười bốn năm. Nhắm mắt lại, nhớ gì, anh thử nhìn xem bên trong ngôi trường cũ. Cổng trường được quét vôi lại, những dãy lầu vẫn màu ngói đỏ, vươn lên trong bốn bờ tường sạm rêu.  Tự nhiên anh nhớ đến giáo sư Thịnh. Thầy Thịnh. Thầy không biết là hơi thở của thầy có lần do tôi định đoạt. Thầy không hiểu thầy còn sống sót cho đến ngày hôm nay là từ một tích tắc khơi động của lương tâm, và của tình thầy trò. Để cuối cùng, thầy có cơ hội trở thành một kẻ chiến thắng cao ngạo như bây giờ.

Mười bốn năm. Thời gian quá lâu cho một cấp bậc đại úy. Tại sao anh lại không nằm trong huyệt đất nào lấp vùi như những người xấu số khác. Anh đã chấp nhận mà. Anh  chẳng muốn làm anh hùng, cũng chẳng muốn làm một tên tuẫn đạo. Nhưng anh muốn đứng thẳng. Một khi con người đã chấp nhận một định phần oan nghiệt, hắn không còn gì để còn bận tâm lo lắng nữa. Sợ ư. Bất quá là đem hắn ra pháp trường. Anh không vượt ngục, không phạm nội qui. Anh chỉ có một tội là không-nhận-tội mà phe thắng trận đã gán cho anh. Thế thôi. Và cứ thế, từ đêm này qua đêm khác, dưới bóng cây đèn bão, cả tổ làm kiểm điểm, phê bình. Phải ăn năn hối cải để mau về đoàn tụ với gia đình. Ăn năn. Anh làm gì để mà ăn năn. Ngay cả một người như ông Thịnh, nổi tiếng trong biến cố năm Mậu Thân mà anh còn tha mạng, thì làm sao anh lại hối cải được. Anh em tù chịu thua. Cán bộ hằn hộc, dọa nạt, răng nghiến kèn kẹt. Anh vẫn còn ngoan cố. Tội của anh, trời không dung, đất không tha. Anh trả lời, cán bộ bắt tôi khai những điều tôi không làm, làm sao tôi lại khai được. Chúng tôi chưa bao giờ bắt một con gà, con heo, chưa bao giờ hãm hiếp, mổ mật, mổ tim cách mạng… Ra trận, nếu chúng tôi không bắn cách mạng thì cách mạng bắn chúng tôi…Đó là luật chiến tranh…Anh đã nói như vậy, trong khi các anh em tù cùng tổ nhìn anh, như thể nói qua ánh mắt. Minh, mày dại mày biết không? Không những mày làm mày khổ mà cả anh em phải khổ vì mày. Mày dại. Ai cũng cùng chung một bản án treo sẵn, đâu phải riêng mày. Dù là lính văn phòng hay là lính đánh giặc…Dù là y sĩ tiền tuyến hay là y sĩ hậu cứ… Tất cả cặp mắt nhìn chăm chăm vào anh để chờ anh nhận tội. Nhưng lần nào cũng thế, những giờ kiểm điểm dài dằng dặc, với quản giáo ngồi chồm hỗm phía trên, và đám tù viên ngồi đến độ muốn còng xương sống ở phía dưới, thì anh lại phủ nhận tội trạng đã gán  cho anh. Quản giáo lại một phen lạnh lùng, tiếp tục nói: Anh Minh vẫn còn chưa thấm nhuần chính sách của cách mạng, chứng tỏ anh vẫn chưa học tập tốt. Anh cần được sự giúp đỡ của anh em. Và hắn nhường lại lời cho tổ trưởng. Cả tổ lại tiếp tục chờ đợi anh “ăn năn hối cải”.

Cuối cùng cai tù cũng phải nản, quản giáo cũng phải chịu thua. Cuối cùng, cửa trại cũng phải mở. Sau mười bốn năm. Cái giá quá đắt. À, cuối cùng, các ông tha tôi. Vâng, nếu các ông tha, thì tôi ra. Thì tôi trở lại nhà. Lòng anh bây giờ đã quá nguội lạnh. Mười bốn năm đủ để dạy một con người học được bài học.

Anh trình diện phường công an, xin được về quê ngoại tại ngoại ô Huế. Nhưng gã công an, dường như đã được báo cáo về con người của anh, nên dứt khoát:

– Trong lý lịch, anh khai có vợ con. Anh phải về ở với vợ con, để làm tròn trách nhiệm làm chồng làm cha…

– Nhưng vợ tôi đã bỏ tôi từ lâu?

– Đó là chuyện của gia đình anh. Chúng tôi phải làm đúng theo qui định.

Anh biết là anh sắp bước chân vào một nhà tù mới nữa. Họ sẽ bắt anh chứng kiến sự thật của một người thua cuộc. Họ sẽ làm anh phải cuồng trí. Nhà của anh. Nhưng bây giờ đã không còn là nhà của anh nữa. Vợ của anh nhưng cũng không còn là vợ của anh nữa. Con đĩ. Anh về để nhìn nó. Trời ơi… Làm sao anh có thể ngờ một ngày anh phải đối diện với một con đĩ, một con vợ lăng loàn, mà bất lực như thế này.

Mưa xứ Huế. Mưa ơi, mưa nhòa cả mặt mũi, tóc tai của anh. Mưa giăng đầy sông. Mưa khóc hay lòng anh khóc.

oOo

May mà anh còn có đứa con gái của anh. Nhờ nó mà anh có thể cắn răng nuốt khối căm hờn tủi nhục. Ngày anh vào tù,  nó mới biết bò và ngày anh ra tù, nó mười lăm tuổi. Nó đã ôm anh mà khóc, thương cảm cha, oán thù mẹ. Nó rưng rưng nước mắt nhìn chỗ trú ngụ của cha nó ngoài hè. Nó đau đớn nhìn cha nó ngồi lầm lì, đốt từ điếu thuốc này sang điếu thuốc khác. Nó thầm thì cùng cha: “Mong ba can đảm mà sống. Thế nào ba con mình cũng thoát khỏi nơi này…Con nghe tin về chương trình  HO ”

Phải. Tin tức về chương trình HO đã làm xôn xao những người cựu tù không ít. Phường xã đã ra thông cáo. Càng ở tù lâu càng được Mỹ bốc đi sớm. Có thật vậy không? Anh vẫn còn nghi ngờ. Anh muốn tự mình quyết định ly đời mình. Đã bị lừa gạt một lần, anh không thể bị lừa gạt thêm một lần nữa.

oOo

Một ngày con anh mang tin về một chuyến vượt biên. Một người bạn cũ vì cảm thương hoàn cảnh anh nên cho cha con anh hai chỗ trong tàu. Hai cha con  cùng nhau ra vườn. Con anh huyên thuyên như chim sáo. Lần đầu tiên, anh thấy nó vui.  Mắt nó long lanh, và đôi má hồng vì phải đạp xe một khoảng đường xa. Nó hỏi anh về Mỹ, về tuyết, về những chiếc áo đỏ thắm có nơ dài xuống chân. Nó lại cầm tay anh: “Kể từ hôm ni, ba con mình nhớ cầu nguyện Trời Phật cho mọi sự bình yên nghe ba “. “Vâng. Ba nghe lời con. Ba tin Trời Phật không bao giờ bỏ cha con mình đâu.”

oOo

Chuyến đi không ngờ lại êm xuôi ngoài điều dự tính. Người chủ tàu đã biết đút lót các trạm công an dọc tuyến ra cửa. Chiếc ghe dài 15 thước đâm mũi ra khơi, như một chiếc lá côi cút. Nhưng tiếng máy không thể át nổi tiếng đập của từng con tim. Cầu cho biển lặn sóng êm. Cầu cho chuyến đi không gặp những tàu tuần duyên CS. Cầu cho máy tàu, chân vịt, xăng dầu, mọi sự đều êm thắm. Đằng sau, phía quê nhà, mặt trời hừng đỏ. Càng lúc dấu hiệu của đất liền càng khuất dần. Trời vẫn còn bốc đầy sương. Minh ngồi bên con gái. Nó lạnh run. Bàn tay nó nắm chặc bàn tay anh. Anh cũng siết chặc tay con như chuyền lại sức mạnh vào tấm thân yếu đuối. Tàu cứ chạy. Máy cứ nổ rì rầm. Lâu lắm. Hình như cả một ngày. Rồi một tiếng nói trên boong vọng xuống lòng khoang: “Đến hải phận quốc tế rồi bà con ơi”.  Cả lòng khoang tự dưng bật òa lên những tiếng la gào cuồng nhiệt. “Tự do rồi bà con ơi. Tự do rồi.”

Anh nắm lấy tay con, nói khẽ: “Mình cùng cảm tạ Trời Phật đi con. Mình thoát địa ngục rồi. Ra hải phận quốc tế, không ai có quyền bắt mình đâu.”

oOo

Đến ngày thứ hai, những trận gió khác thường thổi đến. Chỉ trong thoảng chốc cả một bầu trời về chiều trở nên đen kịt. Rồi những tia chớp cứ tiếp tục loé sáng kèm sau đó là những tràng sấm ì ầm nổi dậy. Ánh chớp như mở màn cho một trò chơi trên biển. Từ Đông sang Tây. Từ Nam qua Bắc. Rồi mưa ào xuống. Rồi gió vần vũ. Rồi cả một mặt biển xôn xao chuyển động. Sóng đẩy ghe lên cao. Thân ghe chạm sóng cựa mình đau răng rắc. Tiếng la thất thanh dưới khoang. Nước tràn vào ghe! Con gái anh bưng mặt, mếu máo: “Có sao không ba. Con sợ quá, ba ơi…”.

Anh bỏ con, nhập vào những người thanh niên tát nước. Trong khi đó, nước cứ ào vào, không biết từ đâu. Từ trên boong đổ vào hay từ những đường nức do những cơn sóng bổ vào thành ghe quá mạnh. Một cặp vợ chồng trẻ đã dành hai thùng can ôm vào lòng. Cả gia đình chủ tàu quỳ trên boong cầu nguyện. Những bộ quần áo được đem ra thấm dầu đốt tiếp. Tấm vải trắng được viết bằng chử sơn đỏ S.O.S được căng lên bị cuốn thốc bởi những cơn gió mạnh. Vài con tàu sắt khổng lồ thấy hiện từ xa nhưng càng lúc càng mất dần. Chiếc ghe lại chồm lên và hụt xuống giữa lòng biển tối như một con vật điên khùng say rượu. Chỉ nghe tiếng kinh cầu, và tiếng răng rắc mỗi lần trận sóng bổ mạnh vào thân ghe. Tiếng kinh lại bị át bởi tiếng sóng cuồng nộ. Trong sự tuyệt vọng ấy, chỉ có mỗi một mình anh là đứng thẳng. Như ngày nào anh đứng thẳng trên chiến trường. Cổ họng anh khan, anh gào, thét, thúc dục đám thanh niên. Và họ tát cuồng điên.

Và cũng nhờ vậy, chiếc ghe mới bình yên sau nửa giờ vật lộn cùng cơn bão biển.

oOo

Đến ngày thứ ba, tàu bị hải tặc tấn công. Những tên hải tặc trơ tấm lưng nhầy nhụa mồ hôi bóng lưởng. Chúng nhảy rầm rập trên boong. Chúng vung những lưỡi dao, mã tấu. Chúng tru gào. Chúng lỏa lồ man rợ. Chúng cầm những trái lựu đạn như sẳn sàng rút chốt. Và cả con thuyền nín thinh thất đảm nhìn chúng hả hê ăn thịt uống máu…Thanh niên bó tay. Người lớn cúi đầu nhẫn nhục… Và một tên đã nhào tới đứa con gái của Minh. Minh kéo con về phía sau. Và anh đứng chắn ngang cản đường lũ quỉ. Rõ ràng có một tiếng gọi bắt một người cha phải vùng dậy hành động để bảo vệ con mình. Anh thét như nổ tung cả phổi. Anh nhào tới, bất ngờ, dùng hai bàn tay chụp lấy cổ họng thằng cướp. Thằng cướp bị ngã nhào, nằm gục xuống, và mắt trợn trừng. Rồi anh chụp lấy cái chai xì dầu, đập bể đít, dí vào mặt nó. Nhưng một đứa khác đã đâm trúng anh, trúng ngay chỗ huyệt. Anh gục ngay xuống khoang tàu.

Anh gục ngay trước mắt đứa con gái của anh. Anh gục ngay trước những người bất lực vì sợ hãi.

Đại uý Minh đã chết ngay trên bờ đất của sự sống.

Amen.

http://www.art2all.net/tho/tranhoaithu/ngaynguoitubinhtrove.html

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn