Một nền giáo dục khổ sai

Thứ Tư, 11 Tháng Bảy 20182:00 CH(Xem: 7571)
Một nền giáo dục khổ sai

Đó là khái niệm không thể sai với những gì đang diễn ra được nêu bởi nhà báo Nguyễn Quốc Việt của báo Tuổi Trẻ: “Tôi có người bạn cũng đang đau đớn với chuyện học hành của con mình. Cháu đang học lớp 11 công lập với thực trạng sáng học, chiều học, tối học, và không thể nào rời khỏi bàn học trước 11 giờ đêm“.

mot-nen-giao-duc-kho-sai

Bạn tôi họp phụ huynh, hết sức bức xúc. Giáo viên chủ nhiệm trả lời nhẹ nhàng mà cay đắng: “Anh thông cảm, cháu không ráng học như vậy thì không theo kịp các bạn đâu“. Bạn tôi nói lại: “Vậy đây là trường học hay là nơi hành hạ các cháu?“. Cả phòng họp sững sờ. Giáo viên lảng qua chuyện khác. Một tuần sau, anh phải cho con chuyển trường, nhưng rồi tình trạng lại y như cũ. Anh tuyệt vọng đến mức đang định bán nhà cửa để cho con đi du học nước ngoài, thoát khỏi “trường học khổ sai” như anh nghĩ!

Nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện như anh cho con ra nước ngoài. Còn hàng triệu học sinh và hàng triệu phụ huynh khác vẫn đang phải điên cuồng vật vã trong môi trường giáo dục khủng khiếp này.

Nhiều đêm nhìn con mò mẫm học tới nửa đêm về sáng mà thương con đến ứa nước mắt! Tôi đâu mong con mình mai này thành nhà bác học toán, hay giáo sư hóa. Tôi chỉ muốn tuổi thơ con được bình thường, được vui chơi, học hành, và mai sau lấy Nhân Nghĩa làm người tử tế bước vào đường đời.

Nhưng điều đó hình như không hề có trong nền giáo dục của những con số và con số, thành tích và thành tích này!

Một nền giáo dục khổ sai!.

Trở lại câu chuyện một học sinh lớp 10 trường Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự tử vì không chịu nỗi áp lực học tập, ông Lê Trọng Tín (hiệu trưởng) cho biết trên thực tế việc học tập và kỷ luật của trường có nghiêm hơn so với một số trường khác, nhưng việc nghiêm này xuất phát từ nhiều phía trong đó có mong muốn của phụ huynh, muốn con có nề nếp và kết quả học tập tốt trong hoàn cảnh thi cử hiện nay. Còn phía nhà trường để đạt được điều này thì khối lượng kiến thức cũng phải nhiều hơn.

Theo ông Tín, hiện nay các em tuổi còn nhỏ, có thể chưa hiểu được ba mẹ và nhà trường lo cho mình, mà nghĩ rằng việc này nặng nề thành ra áp lực. Còn đại bộ phận học sinh từ trước đến nay đều sớm thích nghi với môi trường đào tạo nghiêm khắc tại trường thậm chí còn thấy thoải mái.

Chúng tôi cũng thừa nhận nhà trường không kịp thời động viên học sinh. Học sinh đã cố gắng nhưng trường chưa phối hợp kịp thời với phụ huynh và trách nhiệm này thuộc về nhà trường khi chưa chăm sóc tới nơi từng em một“, ông Tín nói.

Ông Tín cho biết sau vụ việc này, trường sẽ sâu sát đến tâm sinh lý học sinh, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em.

Một cựu học sinh trường Nguyễn Khuyến nhớ lại: “Từng là học sinh của trường này từ năm lớp 6 đến năm lớp 10 chịu không nổi nên đành ra ngoài học bán công!!! Tuy trường này có rất nhiều điểm tốt dành riêng cho các bạn bất trị… nhưng quả là áp lực rất lớn từ quản nhiệm… giám thị… chủ nhiệm lớp… Chỉ cần điểm thấp là về nội trú ăn roi ngay…

Mà mình đã từng thấy rất nhiều học sinh phải gọi là sức chịu đựng trâu bò mà còn chảy nước mắt thì đừng nói tới những học sinh bình thường sẽ như thế nào khi lỡ bị điểm thấp và ăn roi! Cái kinh khủng nhất ở đây là nếu bạn học giỏi trong top của trường thì bạn làm cái gì cũng được cho là đúng (ví dụ 2 học sinh đánh nhau là chuyện nghiêm cấm trong trường… Nhưng khi xử thì sẽ xử thiên vị hẳn cho người có điểm cao hơn người còn lại, hoặc còn hỏi ngược lại người điểm thấp rằng “em phải làm gì người ta thì người ta mới đánh em chứ?”). Bởi vậy áp lực rất kinh khủng…

Mình còn nhớ như in những đêm chủ nhật vừa từ nhà vào trường là phải bù đầu lên lớp học thâu đêm để sáng thứ 2 kiểm tra định kỳ những môn chính yếu! Và tất nhiên là những đêm đó tất cả các dãy lớp đều sáng đèn…!

Ngày được đi ra khỏi trường… cảm giác nó khó tả lắm… kiểu như “đã được đầu thai rồi đó”!

Chúng ta đừng hòng mong một mạng người cho dù là học sinh chết trước mắt họ có thể làm trường Nguyễn Khuyến thay đổi. Tỷ lệ đậu đại học 100% là thương hiệu nuôi cơm cho từng người trong ngôi trường này.

Con số 100% này cũng là “lực hấp dẫn” để phụ huynh an tâm gửi con em mình vào học. Phụ huynh Nguyễn Dung nêu: “Cha mẹ gửi con vào đấy yên tâm lắm, thích lắm, tự hào lắm. Hàng tháng chỉ lo đóng tiền và nhận kết quả điểm số của con. Đâu biết chúng bị giam trong trường.

Chật chội, ăn, học, dò bài… không biết gì ngoài xã hội. Thành một sản phẩm giáo dục méo mó lệch lạc.” 

Một em học sinh lớp 10 trong độ tuổi tràn đầy sức sống với thật nhiều ước mơ và có thể đã có những rung động đầu đời với những cô gái cùng lứa tuổi phải bị dồn nén, thương tổn kinh khủng lắm mới chọn con đường tiêu cực nhất là tự tử.

Điều gì đã làm cho em phải chọn cái chết trong lúc nhựa sống đang căng tràn nhất? Có vẻ như đây là áp lực học tập từ một ngôi trường cụ thể với chế độ giáo dục hà khắc và kỳ vọng quá lớn từ một gia đình? Nhưng nhìn rộng hơn đây là hiện tượng biến giáo dục thành khoa cử, biến trường học thành trung tâm luyện thi.

Một nền giáo dục mà không có cả nền tảng là triết lý giáo dục đã khiến cho giáo dục trường học quay cuồng trong triền miên các cuộc cải cách mà hầu hết các cuộc cải cách đó là… cải cách thi.

Nào cải cách thi tốt nghiệp, cải cách thi đại học, cải cách thi vào lớp 6, cải cách thi vào lớp 10.

Thi cử đã trở thành hoạt động trung tâm của giáo dục và trường học thực chất đã biến thành trung tâm luyện thi. Dạy thêm ngoài giờ, dạy phụ đạo, dạy thêm, dạy bồi dưỡng… cũng là để phục vụ thi.

Ai cũng thấy điều đó, nhất là những nạn nhân trực tiếp là học sinh, phụ huynh, người có liên quan là thầy cô… nhưng đừng hòng nền giáo dục của chúng ta thay đổi.

Cũng như đừng hòng chính chúng ta thay đổi.

Sẽ tiếp tục có chuyện tìm mọi cách gửi con vào trường 100%, một thứ tư duy kỳ lạ, ma quái như nghiện ma túy cho dù cánh cửa đại học đang rất mở rộng.

Sẽ tiếp tục ép con phải đi lên bằng con đường khoa bảng cho dù có nhiều con đường lập thân.

Truyền thông hay nói về những người thành công nhờ học các trường danh tiếng như là một thứ nguyên tắc. Truyền thông cố tình bỏ qua những người đi lên thành đạt và có cuộc sống viên mãn bằng những cách rất bình thường. Tuyệt đối hóa điểm số trường học hay sự thành công trong học hành là sự điên rồ mang tính xã hội.

Rốt cuộc chúng ta theo đuổi điều gì, chúng ta có thật sự hài lòng với chính mình không nếu chính bản thân chúng ta cũng đi lên bằng con đường khoa cử? Tôi e rằng không, khi mà tuổi ăn tuổi chơi phải vùi đầu vào những học kỳ khổ sai? Thiên đường tuổi trẻ không quay trở lại bao giờ! Tại sao chúng ta ép con em mình đi lại trên con đường đó?

Nền giáo dục khoa cử coi trọng điểm số hơn những nền tảng văn hóa, nhân cách đã sản sinh ra lớp tri thức như thế nào khi mà những thần đồng đất Việt như Phan Sào Nam trở thành ông chủ sòng bài lớn nhất thế giới, hay những cử nhân, tiến sĩ trở thành những viên chức tham nhũng vặt trong bộ máy công quyền mà ai cũng thấy.

Phải thay đổi ngay từ mỗi chúng ta, điều đó không dễ.

Phải thay đổi cơ bản về giáo dục quốc gia, điều đó càng quá khó!

Theo facebook Nhà báo Hoàng Linh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn