Việt Nam và tham vọng 'có Facebook' nội địa

Thứ Ba, 21 Tháng Mười Một 201710:00 SA(Xem: 7547)
  • Tác giả :
Việt Nam và tham vọng 'có Facebook' nội địa
bbc.com
Facebook Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Facebook

Một bộ trưởng tại Việt Nam gợi ý nước này về lâu dài cần có các mạng xã hội riêng của mình, 'tương đương với Facebook', theo trang Một Thế Giới hôm 18/04.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 18/04, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng về dài hạn, Việt Nam cần có các mạng xã hội tương đương với mạng của Facebook, Google để cạnh tranh.

Cuộc chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn tập trung vào các "mặt trái" của mạng xã hội nói chung.

Một đại biểu Quốc hội, ông Trần Công Thuật cho rằng thời đại mạng xã hội bùng nổ, mặt trái là nhiều thông tin lừa đảo, bôi nhọ lãnh tụ, đồi trụy đang bùng nổ.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận rằng công nghệ thông tin, tin tức "liên tục đặt ra những thách thức khi số lượng người dùng mạng xã hội của Việt Nam thuộc top cao nhất thế giới."

Ông tin rằng "Việt Nam không cần hạn chế mà chủ động dùng mạng xã hội để phục vụ cho người dân và sự phát triển của xã hội".

Weibo của Trung Quốc lên thị trường chứng khoán công nghệ cao NASDAQ ở Hoa Kỳ Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Weibo của Trung Quốc lên thị trường chứng khoán công nghệ cao NASDAQ ở Hoa Kỳ

Theo Bộ trưởng, những thông tin tiêu cực mà hệ thống chính trị tại Việt Nam coi là "chống phá Đảng Cộng sản, Nhà nước", chủ yếu xuất phát từ các trạng mạng nước ngoài.

Ông cho hay chính quyền Việt Nam đã "phát hiện hơn 2.200 video clip có nội dung xấu, độc, chủ yếu bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước", trên YouTube, trang tải video do tập đoàn Google làm chủ.

"Sau khi 'đấu tranh' với các doanh nghiệp này, Google đã gỡ bỏ gần 2.000 clip xuống," ông Tuấn nói tại Quốc Hội.

Mở hay cấm?

Theo số liệu năm 2016 của Nielsen, hãng nghiên cứu thị trường và cung cấp thông tin số toàn cầu, người sử dụng Internet ở Việt Nam lên mạng trung bình 25 giờ một tuần.

Đây là con số trung bình cao hơn so với các nước Đông Nam Á khác như Indonesia, Thái Lan.

Hơn một phần ba dân số Việt Nam dùng mạng xã hội.

Và đến năm 2020, số người dùng mạng xã hội sẽ lên tới 46.7 triệu người. 38.3% người lớn dùng điện thoại thông minh hàng tháng, và đây là lý do cho sự phát triển nhanh chóng của các mạng xã hội, theo nguồn tin của eMarketer.

Nhưng giới vận động cho tự do mạng nói chính quyền Việt Nam vẫn tìm cách "kiểm duyệt" những trang có nội dung chính trị, thời sự đăng tin tức không kiểm soát được.

Theo tổ chức Freedom House, cả Facebook và Instagram bị chặn một đôi lần ở Việt Nam vào tháng 5/2016 khi có các cuộc biểu tình phản đối ô nhiễm môi trường do tập đoàn Đài Loan, Formosa gây ra ở vùng biển Miền Trung.

Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định họ bảo đảm quyền tự do thông tin và không có chuyện ngăn chặn các trang mạng.

Bản quyền hình ảnh AFP
Image caption Hồi 2010, Việt Nam đưa ra trang go.vn nhằm thu hút người dùng mạng xã hội

Tại châu Á, hiện mới chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản thành công trong việc tạo dựng các mạng xã hội riêng của mình và lan tỏa được ra cả giới sử dụng bên ngoài quốc gia của họ.

Sau thành công của Weibo, đến mạng WeChat của tập đoàn Tencent, Trung Quốc nay bành trướng sang khắp châu Á, châu Phi và châu Âu.

Cùng lúc, các mạng xuất phát từ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chiếm vị trí cao trên toàn cầu, kể cả ở những nước châu Á ngăn chặn họ như Trung Quốc.

Người dùng Facebook tại Trung Quốc có thể vào mạng xã hội này nhờ dùng công nghệ vượt tường lửa.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn không phải là người đầu tiên đề ra ý tưởng có trang mạng xã hội nội địa đủ sức cuốn hút người dùng tiếng Việt.

Hồi 2010, khi ông Lê Doãn Hợp còn làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đưa ra trang go.vn nhằm thu hút người dùng mạng xã hội nhưng đến nay không được như ý.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn