Công nhân "5 không" và Bánh vẽ chủ nghĩa xã hội

Chủ Nhật, 19 Tháng Mười Một 20178:00 CH(Xem: 14381)
Công nhân "5 không" và Bánh vẽ chủ nghĩa xã hội

Công nhân "5 không"

Giang Nam - Được đánh giá là lực lượng lao động quan trọng nhưng nữ công nhân nhiều nơi đang trong tình trạng "5 không": không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao". Nhiều chuyên gia về lao động cho rằng hiện trạng công nhân (CN) sáng vào nhà máy, tối về nhà, làm việc như rô-bốt đã đặt ra nhiều hệ lụy xã hội đáng báo động như vấn đề bảo đảm thể lực, ảnh hưởng đến giống nòi và cả năng suất lao động.
Công nhân 5 không - Ảnh 1.
Cuộc sống đơn điệu, nhàm chán
Ghé thăm một dãy trọ 20 phòng trong một con hẻm trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp - TP HCM), chúng tôi hết sức bất ngờ khi biết toàn bộ 48 bạn nữ đang trọ ở đây đều là CN chưa lập gia đình, hiện làm việc cho một công ty da giày gần đó dù nhiều người đã quá tuổi "băm".

Chị Nguyễn Thị Phấn (33 tuổi) kể đã ở đây được hơn 10 năm và hiện tại chị vẫn đơn chiếc. Nhà ở miền Trung, chị trước đây năm nào cũng về thăm nhà một lần vào dịp Tết nhưng vài năm gần đây chị ít về vì cứ về là bị áp lực chuyện chồng con. "Công việc cứ cuốn mình từ 7 giờ đến 20 giờ, từ thứ hai đến thứ bảy, có khi làm luôn cả chủ nhật. Đáng ra chỉ làm tới 5 giờ rưỡi chiều thôi nhưng em độc thân, cũng chẳng có ai hẹn hò, với lại cũng muốn kiếm thêm tiền nên em tăng ca suốt. Đi làm về tới phòng trọ thì cũng đã muộn, tắm rửa xong là đi ngủ để lấy lại sức. Ngày nghỉ em cũng chủ yếu dọn dẹp phòng trọ rồi ngủ thôi. Quay qua quay lại đã có gần chục năm làm ở đây rồi, đôi lúc cũng muốn hẹn hò yêu đương nhưng chưa có điều kiện. Giờ lớn tuổi rồi, chắc không còn cơ hội nữa" - chị Phấn tâm tư.

Chúng tôi thử hỏi 12 nữ CN trong khu trọ này vì sao chưa lập gia đình thì đều nhận được câu trả lời rằng không có thời gian tìm hiểu, hẹn hò và sợ không đủ tiền cho cuộc sống riêng. Nói về việc giải trí, đa số chị em ở đây nói chỉ có Zalo và Facebook thôi nhưng cũng ít xài vì nhiều người bị lừa này nọ nên cũng sợ. Lên Facebook chủ yếu lên xem mấy clip hài hay đọc báo. Thực tế cho thấy nhiều công ty gần như không có các thiết chế văn hóa dành cho CN giải trí sau giờ làm việc bởi mặt bằng thuê mướn được tận dụng tối đa cho sản xuất. Một số công ty cố gắng thiết kế sân chơi cho CN nhưng hình thức sinh hoạt đơn điệu, không hấp dẫn...

Mong có nhiều sân chơi

Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), thu nhập từ lương cơ bản và lương làm thêm giờ của người lao động đạt bình quân 4,72 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, họ phải chi tiêu trung bình 4,52 triệu đồng/tháng cho nhu cầu tối thiểu. Chỉ có 16% số NLĐ được hỏi cho biết có dư dật, tích lũy, trên 51% vừa đủ trang trải cuộc sống, trên 20% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ, 12% không thể đủ sống. Thực tế này lí giải tại sao CN muốn làm tăng ca để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống chứ không nghĩ đến các hoạt động giải trí.

Trong cuộc đối thoại với CN gần đây được tổ chức tại Công ty CP Tae Kwang Vina (tỉnh Đồng Nai), nhiều nữ CN đã trình bày những khó khăn mà họ đang gặp phải với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nữ CN Võ Thị Mỹ Tiên chia sẻ với Thủ tướng rằng cường độ làm việc cao, sau giờ làm việc ở công ty, CN mong có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, giải trí hoặc học thêm để nâng cao trình độ. Thế nhưng thực tế có rất ít những địa điểm vui chơi giải trí lành mạnh, được tổ chức bài bản dành riêng cho CN. Thời gian giải trí đa phần là ở phòng trọ xem tivi và lên mạng xã hội, họa hoằn lắm thì vào quán cà-phê, karaoke... nên điều kiện để giao tiếp, kết bạn là rất hạn chế. Công đoàn có cố gắng tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí dành cho CN nhưng 1 hoặc 2 tháng mới tổ chức một lần, không đáp ứng đủ nhu cầu giải trí cho mọi người. "Cháu mong Thủ tướng xem xét, đề ra những chính sách để một phần nào đó giúp cho CN chúng cháu có nhiều hơn những địa điểm vui chơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, kết bạn" - Mỹ Tiên bày tỏ.

Thạc sĩ tâm lí Đào Lê Hòa An nói: "Cần có nhiều thiết chế văn hóa. Mạng xã hội gần như là kênh giải trí duy nhất của nữ CN bởi họ có rất ít thời gian, đây là "sợi dây" kết nối họ với "nửa kia" của mình. Tuy nhiên, đây là mối quan hệ ảo trên không gian mạng nên nữ CN đôi khi trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo tình, tiền mà chúng ta thường thấy. Vì thế, ngoài nỗ lực của Chính phủ và tổ chức công đoàn nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh cho CN thì bản thân nữ CN cũng nên tự trang bị các kĩ năng sống cần thiết để tránh những rủi ro có thể gặp phải".

G.N


Nguồn: http://nld.com.vn/cong-doan/cong-nhan-5-khong-20171112205840737.htm
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn