Giang hồ Sài Gòn

Thứ Hai, 21 Tháng Năm 20181:30 SA(Xem: 6835)
Giang hồ Sài Gòn

Câu chuyện có thật này bắt đầu ở một buổi chiều đẹp trời bên bờ kè Trường Sa thơ mộng, ánh hoàng hôn xuyên qua kẽ lá chiếu thẳng vô con dao trên bàn trong quán nước bà Liên, 50 tuổi. Khiến cho một tên trong hai băng giang hồ gần 40 tên đang đánh nhau loạn xà ngầu bằng mã tấu, dao, súng mà thiếu “tay” nên phải chạy xộc vào quán túm lấy con dao của bà chạy ra tiếp tục cuộc “vui”.

giang-ho-sai-gon5
Hỗn chiến giữa Sài Gòn – hình từ danviet.vn

Sau 20 phút “hỗn chiến”, nhiều người bị thương, hai nhóm tự đưa “đồng đội” vào bệnh viện. Vài người bị bỏ lại trong số các “thương binh” kia vì thương tích họ có được không phải do góp phần đâm chém mà có. Người thì do nhiều chuyện bu lại “coi cho kỹ” rồi bị “dính miểng”, có kẻ hiếu kỳ rút điện thoại ra quay phim, chụp hình bị một tên “giang hồ” phi cho một “đao” cảnh cáo, và một cụ già xui xẻo đang uống cà phê chiều ngắm trời đất thấy cảnh tượng trên kinh hoảng quá ngã trúng bậc tam cấp chấn thương, máu me bê bết. Họ được dân tình, người thân và công an đưa vào bệnh viện. Còn bà Liên (người chủ quán “được” mượn con dao) tuy rất sợ hãi nhưng vẫn bình an vì bà né xa hết mức, có thể cùng với thùng tiền, trong khi những người tận đâu đâu đang lũ lượt kéo vào quán bà xem “live” trận hỗn chiến.

giang-ho-sai-gon4
Và công an TP.HCM vào cuộc – Hình từ soha

Chuyện cũng chẳng có gì lạ, Saigon đất chật người đông, thành phần nào cũng có. Thiếu dao thì “mượn” là lẽ dĩ nhiên. Nhưng nếu đơn giản như vậy thì tôi sẽ không “kể lể” ra đây, làm mất thời gian của cả thế giới. Chuyện “ngộ” là, bà Liên không những không bị thương mà còn không bị mất con dao. Vì cái tên “thanh niên” lao vào quán bà chụp con dao chạy ra “chém loạn xạ” xong, trước khi “tẩu thoát” vẫn không quên chạy vô trả con dao lại cho bà. Có cám ơn hay không thì chưa nghe bà kể, nhưng hành động đáng khen này đã khiến bà “mém xỉu”. Không biết vì mừng khi giang hồ ngày càng văn minh hay vì sợ thành kẻ “đồng phạm”, cung cấp “hung khí gây án” cho bọn giang hồ kia, sợ tên nào đó bị chém bằng dao của bà quay lại trả thù? Cũng có thể bà sợ tên mượn dao hôm nào buồn buồn lại đến mượn dao tiếp vì dao của bà xài “ngon” quá, hắn “chém loạn xạ” mà không có thương tích gì trong khi “đồng đội” và những người chẳng liên can phải đưa nhau đi cấp cứu. Đọc xong bài báo, coi xong hình ảnh được công an trích xuất từ camera, tôi thắc mắc mãi những câu hỏi đó. Thầm nhủ sẽ phải ra quán bà Liên hỏi rõ ngọn ngành về những thắc mắc trên. Vì quán của bà cũng gần nhà tôi, cuộc “hỗn chiến” trên tôi cũng đã được nghe nhiều người nhắc đến.

giang-ho-sai-gon3
Vẫn là dường phố Sài Gòn ở địa chỉ quận 3 thành phố HCM – Từ kenh14

Ngoài “tâm sinh lý” bà Liên sau vụ mượn dao thì tôi còn một vài thắc mắc ở bài báo này. Đó là cách của người viết đặt “tít” cùng nội dung bên trong. Bài thứ nhất tôi đọc ở Kenh14 có tựa là “Hai nhóm thanh niên hỗn chiến kinh hoàng ở Sài Gòn, nhiều người trọng thương”, bài thứ hai ở Soha: “Hàng chục đối tượng hỗn chiến giữa Sài Gòn, nhiều người trọng thương” và cũng ở Soha: “Công an TP HCM vào cuộc vụ hơn 30 thanh niên hỗn chiến bằng mã tấu” tiếp theo là loạt bài báo “Xác định nguyên nhân vụ hỗn chiến kinh hoàng trên đường phố Sài Gòn” ở Kenh14 và nhiều trang nữa, “tít” tương tự như vậy. Tuy tựa khác nhưng nội dung thì giống nhau, tuy không dài dòng và “tình cảm” như tôi kể ở trên nhưng có đầy đủ địa chỉ cụ thể và đều bắt đầu bằng câu:”Thông tin ban đầu, khoảng 17h cùng ngày, nhiều người dân ở con hẻm đường Trường Sa, đoạn dưới chân cầu Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3, TP.HCM nhìn thấy 2 nhóm thanh niên (khoảng 40 người) điều khiển xe máy cầm hung khí rượt đuổi nhau. Hai nhóm đuổi chém nhau trên con hẻm chừng 20 phút khiến nhiều người bị thương. Sau đó, cả 2 nhóm nhanh chóng rời khỏi hiện trường…” Tiếp theo là lời kể của nhân chứng, hình ảnh từ camera…

giang-ho-sai-gon2
Vài ví dụ khác… Hình từ báo VN

Ngộ ghê ha, Giang hồ Saigon, hỗn chiến “giữa Saigon” nhưng địa chỉ là Quận 3 thành phố Hồ Chí Minh, công an cũng là công an thành phố Hồ Chí Minh! Chẳng hiểu từ bao giờ mà đa số nhà báo VN đương thời cứ cái gì (họ cho là) đẹp thì đặt ngay chữ thành phố Hồ Chí Mình trên “tít”, ví dụ như thành phố Hồ Chí Minh mới khai trương cái cao ốc A cao nhì Châu Á, cái tập đoàn danh tiếng B vừa đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh, cảnh sát giao thông thành phố Hồ Chí Minh nói không với tham nhũng, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đi dân tiếc ở dân thương, phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh thanh lịch đảm đang, thanh niên thành phố Hồ Chí Minh đạo đức sáng ngời, thành phố Hồ Chí Minh-thành phố nghĩa tình, địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trong sạch vững mạnh… Nhưng hễ cái gì có “dấu hiệu” xấu thì họ gán ngay vào hai chữ Saigon, ví dụ như bí thơ thành ủy Saigon vào tù, tòa nhà trăm năm ở Saigon bị đập, nữ quái Saigon cầm đầu đường dây mại dâm, khu ổ chuột đầy tệ nạn ở Saigon, công an giao thông Saigon lạm quyền, đất Saigon-bon chen lừa lọc… Tôi trộm nghĩ, nếu một nhà báo có “trách nhiệm” ở thời đại này, giữa trưa có dịp ra đường, khi về phải ngồi vào bàn viết ngay bản tin sốt dẻo: “Trưa nay đường sá thành phố Hồ Chí Minh bỗng thông thoáng ít xe hẳn, không còn cảnh kẹt cứng, ồn ào như những buổi chiều ở… Saigon!” Giống như câu chuyện trên được kể thông qua các bài báo bằng giọng đầy “chính nghĩa”: “Công an TP.HCM vào cuộc vụ hơn 30 tên giang hồ hỗn chiến đẫm máu giữa Sài Gòn!…” Tôi mang những từ khóa “công an TPHCM, công an Sài Gòn, giang hồ TPHCM, giang hồ Sài Gòn” đi một vòng Google, quả tình, theo báo chí VN thì chỉ có ở Saigon tồn tại giang hồ. Giang hồ TPHCM rất ít, hầu như không có trong vòng những năm gần đây! Và chỉ có ở TPHCM mới có công an, Saigon toàn du đãng, lừa đảo, vô lại… kể cả chuyện nước ngập, nhà sập, cống vỡ, người giết người, chó cắn nhau cũng toàn ở Saigon, TP HCM chỉ có công an và thịnh vượng… Thật là vi diệu!

giang-ho-sai-gon1
Một vụ án khác, giang hồ Sài Gòn xông vào trụ sở công an TPHCM đánh người – Zingnews

Có lẽ vì thế mà người ta cố gắng xóa bỏ hầu hết những cái đẹp của Saigon, từng hàng cây cổ thụ rợp bóng từ các con đường mang tên những nhà cách mạng Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng… và cả những hàng cây rợp bóng đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ ngay trung tâm thành phố cũng bị mang đi đâu mất biệt để lại cái nắng đổ lửa tràn xuống từng lỗ chân lông trống hoác bên lề đường. Cái nóng ở trên đổ xuống hòa quyện cùng sức nóng của nhựa đường bao quanh kín mít như muốn thui đen thị dân, tôi luyện khả năng chịu đựng để ai ai cũng xứng tầm cách mạng chăng? Rồi những nhát dao từng nhát giáng xuống các di tích cổ của Saigon: Tượng Trần Nguyên Hãn, Thương Xá Tax, Sở Ba Son, bùng binh Quách Thị Trang, tháp đồng hồ Orient Nguyễn Huệ… nhiều lắm, kể hoài nhắc hoài hông hết, nhìn đâu cũng thấy mất mát, sắp tới đây, thị dân được “tử tế” báo trước hai địa điểm mới trong cuộc “thanh trừng” là Dinh Thượng Thơ, nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm… Những tiếng thét đau đớn hét lên lác đác, không còn mạnh mẽ như trước nữa mặc dầu số lượng người ôm nỗi đau này tôi tin là nhiều hơn xưa gấp bội. Vì đa số người biết yêu vẻ đẹp xưa cũ, lịch sử của Saigon là từ nhiều nơi đổ tới, và con số đó chưa bao giờ dừng lại. Sự hụt hẫng, phẫn nộ, buồn đau của người Saigon ngày càng héo mòn đi như những sợi tóc trên đầu người đàn bà bị rụng lâu năm, mỗi ngày chua xót nâng niu. Vài sợi rồi vài sợi rồi vài sợi. Đổi dầu gội, đổi cách gội, đổi kiểu chải, đổi dầu dưỡng, lao ra tiệm tháng một lần rồi tuần một lần rồi ngày một lần rồi buông xuôi, mệt mỏi… Từ những giọt nước mắt rưng rưng, rồi bùng nổ đau đớn kiệt quệ dần dà chỉ còn một hơi thở ngắn ngán ngẩm. Cầm lọn tóc rụng quăng vào thùng rác, quay lưng đi…. Không phải người đàn bà hết yêu mái tóc mình hay người Saigon không yêu Saigon nữa, mà họ đã quá đau lòng. Cũng giống như chuyện “giang hồ Sài Gòn” và “công an TPHCM”, “ngập lụt Sài Gòn” và “khang trang TPHCM” vậy… Người ta đã nói, nói rất nhiều, nói đến mệt mỏi và thấy nước không thể đổ thấm vào lá môn, nên nó cứ tồn tại và người ta cứ bực dọc rồi… thôi! Mệt thì nghỉ chứ sao? Vì dẫu có nói thế nào, sau bao nhiêu ý kiến, bao nhiêu phản đối, bao nhiêu bút mực thì tất cả những gì của Saigon cũng sẽ bị đập dẹp, tẩy sạch để nhường những công trình ngàn tỷ của TP.HCM mọc lên (trong khoảng vài ngàn năm nữa vì công trình nào cũng xây giữa chừng rồi thiếu vốn, chậm vốn, đội vốn như công trình Metro Bến Thành – Suối Tiên,  Bến Thành – Tham Lương đã băm nát toàn bộ Saigon, nhất là khu trung tâm và tiếp tục ngổn ngang vì đội vốn mỗi công trình hơn 30,000 tỷ đồng). Nhiều người bạn tôi nói chơi:

– Tao ước trước khi chết có thể dẫn cháu cố đi trên ổ gà của… Metro Bến Thành, tao sẽ dùng hết sức lực cuối cùng mà giậm cho hả lòng rồi chết cũng được!

giang-ho-sai-gon
TPHCM toàn cao ốc – google

Đó là tôi chưa nói đến những người có nhà, có nơi làm việc, kinh doanh, tu đạo, học hành nằm trong diện “quy hoạch” vì các mục tiêu “cao cả” trên. Bao nhiêu người di tản đến nay vẫn chưa có tiền bồi thường, chưa có chỗ ở đàng hoàng, bao nhiêu gia đình kinh doanh dẹp tiệm… Để có được mảnh đất nhỏ, căn nhà vài mét vuông không phải dễ, nhiều nhà lao động cật lực từ đời này sang đời khác cũng không thể có. Nhưng chỉ cần một nồi canh nhỏ có chút rau “quy hoạch”, một miếng thịt có tên “thu hồi”, vài cọng hành “vừa đấm vừa xoa” để trung hòa mùi vị và màu sắc trên các tờ báo vốn xưa nay có tiếng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” là xong. Buồn buồn, thêm một tí gia vị đặc biệt mang tên “đất công” nữa là tuyệt. Mọi người thành “dân oan’ một cách nhẹ nhàng và hợp pháp sau khi nhập viện vì trúng thực. Cứ việc chọn chỗ mà nằm, nằm hai ba người mỗi giường hoặc nằm chồng lên nhau tùy ý. Hết đau rồi tự đi về, kiếm chỗ nằm ngay ngắn để mà… chờ tiếp! Buồn buồn thì “giải trí” bằng cách tự thiêu, khỏa thân, kiện tụng, làm đơn “xin lại”… “hên” thì sẽ được lên báo nằm chờ, xui thì thôi, cũng ngay ngắn nằm chờ như những người trên báo…

Đâu phải ai cũng “may mắn” như bà Liên được tên giang hồ Saigon cư ngụ tại TP.HCM tử tế mang dao lại trả!

DU

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn