Hiệp sĩ đường phố: Đừng bắt mặc đồng phục, vào lực lượng

Thứ Bảy, 19 Tháng Năm 20182:30 SA(Xem: 6159)
Hiệp sĩ đường phố: Đừng bắt mặc đồng phục, vào lực lượng

FB Tâm Chánh

Hiệp sĩ đường phố không phải là một danh hiệu hay một tổ chức chính thức. Đó là cách những Lục Vân Tiên thời nay nộ khí bất bằng ra tay trượng nghĩa. Bằng nghĩa khí, họ đuổi cướp, bắt trộm, trừ bạo, giúp kẻ cô thế.

Những hành động dũng cảm hào hiệp của họ mang tính chất cá nhân, có tính cách phi thường, không phải là loại việc chuyên nghiệp, có qui trình, qui phạm. Càng không thể có tính tổ chức, phân công, phân nhiệm.

Hãy để họ làm đúng lẽ phi thường đó. Mọi sự tổ chức hay nỗ lực chính qui hoá đều là phá hỏng đặc điểm nhân cách của họ.

Có thể chính những “hiệp sĩ đường phố” cùng liên kết dưới một hình thức tự nguyện nào đó để phòng chống tội phạm, hay làm những việc có tính chất trinh sát, trinh thám. Ngành công an đứng ra giúp đỡ họ bằng cách xiển dương công tích của họ, hướng dẫn họ về kỹ thuật, về các biện pháp an toàn… gắn kết các hành động cá nhân của họ trong các mục tiêu bảo vệ cộng đồng, phòng chống bạo lực…

Không thể có, mà cũng không nên có một kiểu lực lượng và sắc phục Lục Vân Tiên làm đầu sai cho công an. Cũng không nên coi các hành động phi thường của họ như một biện pháp thường xuyên, chính yếu, ngăn chặn tội phạm.

Hãy để những người trượng nghĩa làm việc trượng nghĩa của họ. Số phận của họ là số phận của những người anh hùng, của những tính cách xuất chúng.

Chính phẩm chất cao quí của người cha anh hùng đã truyền lại khí phách ấy cho con trai khi đứa bé một lòng muốn lớn lên noi gương cha bắt cướp.

Trong nỗi đau mất mát những người anh hùng, có lẽ chúng ta còn có nỗi tức giận khi bắt gặp hình ảnh công an thờ ơ với trách nhiệm và lương tâm của mình.

Nhưng sự giận dữ của dư luận xã hội đừng thể hiện theo cách khoác thêm lên sự hy sinh của người anh hùng thân phận công bộc.

Hiệp sĩ, họ là những con người tự do. Tượng đài của họ là nhân cách của chính họ, cái nhân cách làm nên truyền thống mã thượng của vùng đất Nam Bộ.

Danh thơm trường tồn mà họ để lại cũng chính là chữ đạo nghĩa thấm vào máu truyền lại mai sau.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn