Câu chuyện của dân Thủ Thiêm: Có chuyện tầy trời như thế cơ à? - Phạm Đoan Trang

Thứ Bảy, 12 Tháng Năm 20185:51 CH(Xem: 7450)
Câu chuyện của dân Thủ Thiêm: Có chuyện tầy trời như thế cơ à? - Phạm Đoan Trang

Phạm Đoan Trang

Xem báo chí tường thuật về cuộc gặp giữa dân Thủ Thiêm với lãnh đạo (ngôn ngữ tuyên giáo là "cuộc tiếp xúc giữa cử tri Thủ Thiêm và đại biểu quốc hội"), cứ thấy như thể bà Nguyễn Thị Quyết Tâm và các cán bộ khác đang vỡ oà ra trong sự ngỡ ngàng, kinh ngạc và xót xa vì đến bây giờ mới được nghe câu chuyện của dân Thủ Thiêm: Có chuyện tầy trời như thế cơ à? Tội bà con quá. Xót quá. Đau quá. Rát quá.

Chứ không phải là vụ Thủ Thiêm đã tồn tại đến hơn 20 năm nay ở ngay giữa Thành phố mang tên Người à? Không phải là hàng nghìn người dân đã bị cưỡng chế, mất nhà mất đất, vật vờ kêu oan bao năm nay, nhiều công trình tôn giáo đã bị phá tan hoang, san bằng à?

Sự ngỡ ngàng, xót xa của các quan nghị thật giống vẻ ngạc nhiên của nhiều đồng chí cán bộ tuyên giáo, an ninh và dư luận viên khi nghe tin TS. Trần Đăng Tuấn - gương mặt sáng giá trong các ứng viên ĐBQH độc lập - bị "trượt", không qua được vòng hiệp thương thứ ba (do Mặt trận Tổ quốc tổ chức kín) để ứng cử. "Ồ, ông Tuấn không được vào à? Tiếc quá nhỉ". "Tiếc thật đấy, nhưng thôi đành, tại dân người ta không chọn. Để kỳ sau phấn đấu vậy".

Hay là giống chuyện Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho đến sáng 30/7/2017 vẫn thản nhiên nói với báo chí rằng "chưa có thông tin gì" về việc Trịnh Xuân Thanh đã về Việt Nam, trong khi Bộ Công an đã thực hiện vụ bắt cóc Thanh từ cả tuần trước đó, mọi sự đâu vào đấy cả.

Nó cũng giống hệt thái độ của Nguyễn Phú Trọng khi đắc cử Tổng bí thư (tháng 1/2016): "Tôi cũng không ngờ được Đại hội tín nhiệm giới thiệu, được Ban Chấp hành trung ương bầu làm Tổng bí thư gần như 100% tuyệt đối. Tôi chân thành cảm ơn đồng bào đã có những nhắn gửi, giao trách nhiệm cho chúng tôi. Tôi bất ngờ, xúc động và có lo lắng…".

Sân khấu chính trị nhà sản đầy những kịch sĩ hạng bét như vậy đấy, từ trên xuống dưới.

Sự kiện Thủ Thiêm như vụ vỡ đập cuồn cuộn tuôn ra lượng thông tin khổng lồ. Dĩ nhiên chẳng phải tự nhiên hình ảnh những người dân hiền lành vác các tấm băngrôn “lên án bọn cướp đất” “ngang nhiên” xuất hiện công khai trên các trang báo nhà nước, mà cách đây không lâu họ còn bị thờ ơ, bị cố tình lãng quên và thậm chí bị quy chụp là do “phản động” giật dây “chống đối chính quyền”. Chính quyền nào? Chẳng xa lạ gì cả. Đó là những gương mặt cực kỳ quen thuộc, những “anh Hai”, “anh Tư” từng có mặt trên trang nhất như những “quan bề trên” “hết lòng vì dân”.

Với giới làm báo Sài Gòn, chuyện về Lê Thanh Hải đã là đề tài quen thuộc bên bàn nhậu từ cách đây cả chục năm hơn. Nhưng chẳng ai dám viết. Làm sao dám viết! Lê Thanh Hải lúc đó là ông vua không ngai của đất Sài Gòn mà quyền lực chỉ thua “đồng chí” “Ba X”. Cánh nhà báo chỉ có thể kể nhau nghe những “giai thoại” về Lê Thanh Hải, lẫn thế giới ngầm mà Lê Thanh Hải đóng vai như một ông trùm, một “Năm Cam” của “chính quyền thứ hai” trong bóng tối điều khiển các “thương vụ” béo bở mà “ăn đất” bằng “kỹ thuật” quy hoạch là đứng hàng đầu. Có vô số chuyện “nghe thôi, đừng kể tùm lum” của cánh nhà báo về đồng chí Hai Nhựt-Lê Thanh Hải, khó có thể biết đích xác giả hay thật (dù người kể thường cam đoan là thật), chẳng hạn việc “đồng chí Hai Nhựt” tiêm tế bào gốc vào mặt nên khuôn mặt “đồng chí” ấy luôn “tươi trẻ” (?).

Bất luận có tiêm tế bào gốc hay không, Hai Nhựt vẫn là một “bố già” của thế giới ngầm điều khiển một chính quyền ngầm với những hoạt động kinh khủng còn hơn cả thế giới tội phạm giang hồ. Cuộc càn quét nhắm vào đối tượng “chính quyền giang hồ” đang đổ bộ vào Sài Gòn rồi sẽ cho thấy nhiều điều mà “nhân dân thành phố” sẽ tiếp tục bất ngờ. Có bao nhiêu “bố già” ở đất nước này? Có bao nhiêu oan khuất đằng sau những “dự án quy hoạch” trên đất nước này, từ Bắc xuống Nam? Có bao nhiêu “đại gia” đang móc ngoặc với chính quyền các địa phương để tàn phá đất nước này? Có bao nhiêu chính quyền địa phương “bảo kê” cho những kẻ đang nắm trong tay các “dự án phát triển đô thị” để “ăn không chừa thứ gì” của nhân dân?

Nguyên nhân nào và làm thế nào mà chính quyền các địa phương trở thành những băng nhóm tội phạm là câu hỏi của mọi câu hỏi để giải quyết tận gốc vấn đề. “Cái gốc” ở đây rõ đến mức chẳng cần phải nêu ra. Vấn đề là người ta có dám triệt đến cùng cái gốc ấy không.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn