Khốn nạn vô cùng tận!

Thứ Năm, 10 Tháng Năm 20185:19 SA(Xem: 6397)
Khốn nạn vô cùng tận!

Ông bà xưa nói cấm có sai “cướp đêm là GIẶC, cướp ngày là QUAN”. Thời nay quan chức bắt tay doanh nghiệp thu hồi đất đai của người dân với giá vô cùng rẻ mạt và bán với giá gấp rất nhiều lần để trục lợi, chia chác thì đó khác nào cướp. Một dạng cướp hợp pháp, công khai. Khi dân phản đối thì dùng vũ lực đàn áp, khiếu kiện thì không giải quyết. Một mét vuông đất bán cả trăm triệu đồng nhưng chỉ đền bù vài trăm ngàn đồng. Có lẽ, nếu những thông tin này không phải từ báo chính thống (báo người tiêu dùng) thì tôi không tin đây là sự thật. Đúng là kinh tởm và khốn nạn vô cùng tận:

Ví như cô Nhung có mảnh đất thổ cư diện tích 600 m2 chỉ được bồi thường 200 ngàn đồng/m2, như vậy tổng mức bồi thường chỉ là 120 triệu đồng, con số này quá nhỏ. Trong khi đó với 16 nhân khẩu trong gia đình, cô Nhung dường như bất lực trong việc tái định cư ổn định cuộc sống.

Chỉ tay về khu vực đất trước kia của mình, cô Nhung nói: “Chỗ đó là nhà cô, giờ đã là biệt thự, họ bán cho người ta 200 triệu đồng/m2 tại sao họ lại đền bù cho gia đình cô chỉ 200 ngàn đồng?”.

Một hộ khác là cô Nguyễn Thị Hường, cô cho biết gia đình mình cũng có 200 m2 đất thổ cư bị thu hồi với giá bồi thường là 200 triệu đồng, tuy vậy, cô vẫn tiếp tục đòi quyền lợi vì cho rằng không thỏa đáng.

Đọc mà thấy uất nghẹn thay, tự hỏi sao chúng có thể cướp một cách trắng trợn đến thế. Chẳng lẽ một chút lương tri của con người chúng cũng không có. Mà thôi, đã là cướp thì nói gì đến lương tâm, đạo đức.

Không ai khác, chính Lê Thanh Hải – nguyên bí thư TP.HCM là người phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm đất đai ở Thủ Thiêm nói riêng và cả TP.HCM nói chung. Ông ta đã một tay che trời, bất chấp luật pháp, đạo lý tiếp tay cho các công ty nhà nước bán rẻ đất công, chống lưng cho các doanh nghiệp tư nhân trục lợi, đền bù giá đất thấp, bán giá cao đẩy hàng ngàn hộ dân vào cảnh khốn cùng. Đó là tội ác như ông ta đã từng phát biểu “những kẻ tham nhũng tiền của nhà nước và nhân dân thì đây đúng là một tội ác”.

Nếu ai đã đọc loạt bài phóng sự điều tra “Đự án “tỷ đô” của Dona.Coop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn” của nhóm phóng viên báo Pháp luật thì hẳn không khỏi thở dài, bởi thủ đoạn cướp đất quá ghê tởm:

Năm 2008, UBND Đồng Nai ra các quyết định phê duyệt phương án thu hồi đất 2.532 hộ dân, trong đó 1.130 hộ bị giải tỏa trắng. Dù đây không phải là dự án công ích, dân vẫn bị áp giá với mức có khi chỉ 35 ngàn đồng/m2. Tính theo thời giá, mỗi m2 đất ăn được hai đĩa cơm sườn…

Trong clip người dân xã Long Hưng ghi lại, người ta thấy cảnh những người nông dân không có ý định chống đối, chỉ biết kêu gào van xin. Vợ ông Hoa quỳ sụp xuống đất, chắp hai tay trước ngực lạy lục. Lực lượng cưỡng chế chia thành nhiều mũi. Mũi đứng trước cổng vô cảm bắc loa đọc thông báo trong tiếng phản đối của dân, tiếng khóc thét kinh sợ của trẻ con. Mũi khác “đột kích” vào nhà, mở màn bằng làn khói bao trùm cả một góc vườn, không rõ là lựu đạn khói hay hóa chất gì? Tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng quát nạt, tiếng người bị quật xuống đất, tiếng trẻ ré lên rồi lịm đi. Máy xúc tiến vào giơ gầu quật liên tiếp. Mồ hôi công sức chắt chiu bao đời tan nát. (trích số ra ngày 2/4/2018)

Trong vụ án oan nghiệt này, còn có những nông dân đi tù nhưng mãi mãi không về vì bị cho rằng “thắt cổ tự vẫn trong trại giam”; có những người bị bắt oan chín tháng rồi thả, không một lời xin lỗi, không một xu đền bù… (trích số ra ngày 10/4/2018)

Tự hỏi những lúc như thế, Đảng, nhà nước, báo chí, các tổ chức đoàn thể ở đâu ? Sao không lên tiếng bảo vệ quyền lợi của dân?

Lúc nào cũng ra rả là nhà nước của dân, do dân, vì dân, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, làm cái gì thì cũng xuất phát từ quyền lợi của người dân… Nhưng đến khi đụng chạm đến quyền lợi, lợi ích thì đẩy dân ra rìa, ngay cả trên mãnh đất của họ. Biến người dân lương thiện thành dân oan đi khiếu kiện hết năm này qua năm khác. Đã có không ít người mất mạng, tán gia bại sản, gia đình ly tán chỉ vì đi kiện tụng đòi đất, đòi công lý. Và cứ mỗi năm, dân oan lại thêm nhiều hơn. Chưa hết, nhiều trường hợp dân oan còn bị bắt, bị đánh đập, tù đày. Oan chồng oan, tiếng oán thán thấu tận trờ xanh.

Nghĩ lại, có thời nào như thời nay, khắp từ bắc đến nam, các tập đoàn, doanh nghiệp được chống lưng hoặc sân sau của quan chức thi nhau chia chác, mua rẻ đất công, cướp bóc đất đai của dân một cách trắng trợn như thế ? Khi đền bù cho dân chỉ vài trăm nghìn đồng một mét vuông, nhưng sau đó phân lô bán nền với giá vài chục thậm chí cả trăm triệu một mét vuông. Với số tiền đền bù ít ỏi, người dân không đủ mua một lô đất của chính mình để ở. Vậy là họ bị đuổi ra ra khỏi mãnh đất của ông cha để lại một cách “đúng quy trình”.

Vì đâu nên nỗi? Mọi căn nguyên của những bất công, kiếu kiện về đất đai là do luật đất đai. Chừng nào còn nguyên tắc “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, thì chừng ấy khó ngăn chặn những kẻ tham lam rình rập đất đai của người dân thấp cổ bé họng. Và không chỉ dân đen, ai cũng có thể là nạn nhân của những chính sách đó, kể cả những kẻ được hưởng lợi hôm nay.

Thanh Hồ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn