Thể xác và sự im lặng

Thứ Năm, 26 Tháng Tư 20182:30 SA(Xem: 6342)
Thể xác và sự im lặng
B Lâm Tuấn Minh

Tôi hơi rùng mình khi đọc những nội dung được gửi gắm bằng Confession của một trong những trường đào tạo về Luật nổi tiếng nhất hiện nay – Ulaw Confessions. Nội dung kể về người được cho là giám đốc của Thư viện pháp luật – thuộc công ty cổ phần LawSoft – ông BÙI TƯỜNG VŨ (BTV).

Hơn ai hết, chính tôi và các đồng nghiệp hiểu rằng, người làm nghề Luật nên là người hiểu và tuân thủ luật nhất. Nói đúng hơn, nếu chính bản thân không thể làm gương cho người khác thì tư cách nào để đi ra mà tư vấn, giảng dạy, bảo vệ cho người khác.

Thân thể của phụ nữ luôn cần được tôn trọng – hiểu ở mức độ cơ bản nhất. Tìm cách ép buộc để thỏa mãn bằng lời nói, bằng sự đụng chạm, sờ mó, mò mẫm, cấu véo, cắn xé…một cơ thể phụ nữ dù là góc độ thể xác hay bằng ngôn từ thô tục đều ghê tởm như nhau. Dĩ nhiên, tôi không nói đến vấn đề tình yêu đôi lứa ở đây.

Tôi đọc lướt qua một số thông tin khảo sát, 87% phụ nữ Việt Nam bị quấy rối tình dục. Đau đớn thay. Nó có nghĩa là, cứ đâu đó trong 10 người phụ nữ quanh chúng ta, sẽ có 08 người bị xâm phạm, quấy rối tình dục.Họ có thể bị gạ tình lấy điểm, được đề nghị đổi Báo cáo thực tập lấy thân xác, bị sàm sỡ để sếp vui lòng.v.v.

Tất nhiên, số liệu chỉ là tham khảo, nhưng cũng tất nhiên, đâu phải ai cũng nói ra.

Mà – “HỌ” hoàn toàn có thể là chị gái, là em gái, là học trò, thậm chí là con gái của tôi sau này.

🔇CHÚNG TA IM LẶNG

1. Sự im lặng của những người không liên quan – ôi hơi đâu lo chuyện bao đồng, thân ai người ấy giữ?

2. Sự lặng im từ phản ứng xã hội – ôi chuyện này có gì đâu, còn phải lo chính trị, tù kinh tế, biết rồi khổ lắm nói mãi? Luật Việt Nam ấy à, mấy cái này còn lâu mới làm gì được.

3. Sự lặng im từ chính người trong cuộc. Đồng lương, cả nể hay sợ hãi?

Tôi hiểu những khó khăn của những người trẻ lắm, nghề này không dễ để tồn tại, đồng tiền kiếm được chật vật mồ hôi, quan hệ thì cũng kính trên – nhường dưới.

NHƯNG ĐÁNH ĐỔI TỰ TRỌNG, DANH DỰ, THỂ XÁC ĐỂ LẤY ĐỒNG BẠC, LẤY SỰ AN TOÀN CHO GHẾ NGỒI THÌ CỨ THẲNG THẮN RA – LÀ ĐÁNH MẤT MÌNH!

Thay vì làm việc hết mình, hết sức cho đời ở cái tuổi đẹp nhất thì lại dành một phần hoặc toàn bộ thanh xuân con gái để sợ hãi, im lặng và đánh đổi bằng thân thể mình? Gồng mình lên tươi cười để mặc những ngón tay thô bạo sục sạo trong cơ thể cha mẹ trao cho, ngày tháng ấy sẽ về đâu?

Tự hỏi nếu một người làm nghề luật im lặng đối với cả những điều trái luật, những điều xấu xa nhất trước mắt (với cả bản thân?) thì lấy tư cách và ý chí nào để hành nghề?

Chúng ta có thể viết rất nhiều về mơ ước cải cách thế giới này, về mô hình và kế hoạch kinh doanh tỷ đô trong dịch vụ pháp lý nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không thể – hoặc không dám- tự lên tiếng bảo vệ mình và những người mình yêu thương.

Những cái like, comment, bài share vẫn đâu đấy sự mập mờ, vòng quanh. Những bài viết tương tự vẫn lâu lâu trồi lên rồi lại thụt xuống từ bao nhiêu năm tới giờ. Và không có gì xảy ra, mọi thứ cứ chìm nghỉm một cách lạ thường.

Tôi tự hỏi điều gì đã cản trở chúng ta được nói ra, được chỉ thẳng, chí ít rằng:

“Ông – Anh đang xâm phạm, quấy rối tình dục tôi đấy!”
“Ông – Anh sẽ phải trả giá nếu dám làm gì tôi!”

Hay chính sự im lặng, hờ hững của chúng ta đang bao che cho những điều ghê tởm đó?

***

Điều đáng sợ không phải là nội dung của hành vi ghê tởm được mô tả, điều đáng sợ là hành vi ấy được diễn ra TỰ NHIÊN – NGANG NHIÊN – THẢN NHIÊN. Ba cái “Nhiên” ấy làm tôi thảng thốt.

Có phải khi cái ác diễn ra đều đặn, được dễ dàng TIẾP NHẬN – CHẤP NHẬN – THỪA NHẬN thì nó sẽ trở thành điều bình thường, điều có 3 “Nhiên” trong xã hội này?

Rồi mẹ mình, em mình, chị mình, bạn mình, con mình và thậm chí là bản thân mình sẽ thế nào nếu một ngày trở thành nạn nhân? Tại sao mọi người trong cuộc vẫn “ngoan ngoãn im lặng và tử tế đến đáng ngạc nhiên”, thậm chí mang ra cười cợt, đùa giỡn trước những câu chuyện đáng ghê tởm như vậy?

Đau lòng và sửng sốt.

🔇IM LẶNG LÀ BẮT TAY VỚI TỘI ÁC

Tôi không dám mạnh miệng nói rằng những thông tin này là tuyệt đối chính xác. Tính chất nghề nghiệp buộc tôi phải cực kỳ cân nhắc khi đưa những hình ảnh và thông tin này lên – sẽ mang tính minh họa cho vấn đề tôi sẽ đề cập. Nếu ai đó có thông tin xác thực khác, xin hãy nói cho tôi biết để điều chỉnh.

Nhưng nếu những điều này là sự thật thì im lặng chính là bắt tay với tội ác. Chúng ta có quyền im lặng, nhưng không phải cho trường hợp này. Còn hàng triệu sự quấy rối ngoài kia mà? Tại sao phải im lặng cho qua?

Sợ cái gì mà không nói?

Chủ đề này đã quá cũ, chỉ có nạn nhân mỗi ngày là mới.

Hãy nói ra những điều cần nói, kể cả comment nói rằng: TÔI CŨNG LÀ NẠN NHÂN! – ME TOO

Chia sẻ những điều này đến mọi người và chung tay để phụ nữ thật sự có được sự tôn trọng mà vốn dĩ họ phải có từ rất lâu rồi.

Sài Gòn, 24.01.2018.

P/S: Tôi cũng không có ý định trù dập thương hiệu Việt, đạp đổ chén cơm của nhiều người. Việc xảy ra những vấn đề này không phải do 1 cá nhân mà là tổng hòa của tất cả các bên trong câu chuyện.

Thực tế nghiệt ngã có thể đưa ra câu đối đáp rằng: Ai chịu được thì làm, ai không chịu thì bỏ, không ai ép mình cả. Nhưng thấy sai thì tôi lên tiếng như một sự cố gắng bé nhỏ nhất vì xã hội.

Vậy nên tôi viết ra những dòng này.

——-

Vì tính chất nhạy cảm, tôi cũng không tìm được quá nhiều thông tin, nhưng các phản hồi về tính xác thực có thể tham khảo tại link và các comment liên quan cũng như những bạn nhân viên đã/đang làm việc.

Vấn đề bằng chứng của 1 vụ việc cụ thể cũng không phải cái tôi hướng tới, vì nó chỉ đang là cái ngọn của 1 cái cây trong 1 cái rừng sẽ sớm mục ruỗng cần chặt bỏ mà thôi.

– https://www.facebook.com/UlawConfessions/posts/1661155020598157

– https://www.facebook.com/UlawConfessions/posts/1474985205881807

– https://www.facebook.com/UlawConfessions/posts/1477991525581175

– Câu chuyện của cựu SV Kinh tế Luật – K07502 – Khóa 2008: http://s4.zetaboards.com/K07502/topic/8321655/1/

– Thông tin hiếm hoi về Mr. BTV: https://www.anphabe.com/profile/v.bi.tng | https://baomoi.com/da-trang-cung-nen-chuyen/c/3055146.epi

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn