Về hòa giải, hòa hợp và những “cái bóng” của dân tộc - Nguyễn Hoàng Linh

Thứ Ba, 13 Tháng Năm 20253:00 SA(Xem: 1714)
Về hòa giải, hòa hợp và những “cái bóng” của dân tộc - Nguyễn Hoàng Linh

Vũ Hoàng Linh

10-5-2025

50 năm kết thúc cuộc chiến dài và khốc liệt nhất trong nửa sau thế kỷ 20 của loài người và cũng là cuộc chiến gây nhiều đau thương mất mát nhất cho dân tộc Việt Nam trong cả chiều dài lịch sử của dân tộc này. Những thắng lợi thực sự huy hoàng nhưng những mất mát cũng thật khủng khiếp.

Ngày 30/4 năm nay quả thật là một ngày rất vui cho đa số người Việt Nam, mà hầu hết đều sinh ra và lớn lên sau chiến tranh. Mình thấy điều đó qua những chia sẻ đầy tự hào của bạn bè trên Facebook, qua những hình ảnh đầy tự hào về một Sài Gòn, một thành phố Hồ Chí Minh trẻ trung, tràn đầy sự tự tin vào nội lực của họ, vào sự phát triển của tương lai, rực rỡ dưới những làn pháo hoa thật sự rất đẹp. Đó là một niềm vui lớn, là cảm giác biết ơn những người đã hy sinh để chúng ta có hoà bình, và biết ơn hoà bình để chúng ta có thể xây dựng tương lai.

“Qua hết rồi những năm thương đau,
Sau bao nhiêu năm, nay mới gặp nhau,
Vui sao nước mắt lại trào”

Dù vậy, mình vẫn mong là dịp này chúng ta sẽ được nghe tới những diễn ngôn (narrative) đa dạng hơn, của các chứng nhân cuộc chiến, từ cả bên thắng và bên thua, những niềm vui và những giọt nước mắt, hạnh phúc và đau thương…đi cùng với sự kết thúc cuộc chiến tranh tàn khốc và vĩ đại này. Các chứng nhân của cuộc chiến đó đang ngày càng ít đi, và rồi lịch sử liệu có trở thành một câu chuyện, một cách kể chuyện đã được vạch ra từ trước, do bên thắng cuộc kể lại?

Tại sao chiến tranh Việt Nam lại tạo ra một cái gọi là hội chứng chiến tranh Việt Nam trong lòng nước Mỹ? Đó là vì người Mỹ coi đó là một vết thương chiến tranh, và bằng cách nói về nó, đối xử với nó như những di chứng, những sang chấn, những vết thương lòng, họ mới có thể thực sự hiểu và vượt qua nó.

Mình nghĩ là ở Việt Nam, cái di chứng chiến tranh đó nó còn nặng nề và kinh khủng hơn ở Mỹ gấp nhiều lần. Nhưng hầu như là các vết thương ấy chỉ được vá víu lại và người ta cố gắng tránh nhắc đến nó. Không có chỗ cho người thua trận kể về những nỗi đau của họ. Và với cả người thắng, các diễn ngôn được phổ biến cũng có tính đồng dạng – người ta ít khi nghe thấy những thương đau, hay những mâu thuẫn nội bộ, những cảm xúc đa chiều…

Những điều đó thực sự sẽ ngăn cản sự thấu hiểu và lòng thấu cảm của người nghe, và sẽ khiến cho một sự hoà hợp và hoà giải dân tộc thực sự, tha thứ cho người và tha thứ cho mình, là những thứ không thể nào đến được. Thậm chí nó còn có thể tạo ra hố ngăn cách lớn hơn nữa (hãy nghe ngôn từ lớp trẻ bây giờ sử dụng để nói về “phía bên kia”, bạn có thể thấy sự hoà hợp-hoà giải ngày càng xa vời hơn bao giờ hết).

Chúng ta cần những câu chuyện kể chân thực, những người kể mà không e dè, không ngại phán xét hay sợ hậu quả, những người nghe không vội vàng phán xét, mà lắng nghe để hiểu, để chạm… Và một ngôn ngữ giao tiếp phi bạo lực trong quá trình đó.

Có vẻ như, sau bài phát biểu gần đây của TBT Tô Lâm nhấn mạnh sự hòa giải – hòa hợp và cùng xây dựng một Việt Nam hùng cường thì càng có nhiều cuộc tranh luận trên mạng về hòa giải – hòa hợp. Gần đây nhất, BBC có tổ chức một loạt bài về vấn đề này, từ một nghiên cứu độc lập với 100 người Việt Nam của TS. Nguyễn Phương Mai (ĐH Amsterdam, Hà Lan). Đáng tiếc là BBC tiếng Việt (và cả tiếng Anh) vẫn bị chặn ở Việt Nam nên bạn đọc muốn đọc loạt bài này sẽ phải vượt tường lửa. Có lẽ một trong những việc Việt Nam nên làm trong quá trình hòa giải này là mở tường lửa này, để người Việt Nam có thể dễ dàng truy cập trang tin chính thức của chính phủ Anh quốc, một đối tác chiến lược của Việt Nam.

Nếu bàn về chủ đề này thì có lẽ sẽ không có hồi kết với những tranh cãi bất tận dễ trở thành sự thóa mạ lẫn nhau. Do vậy, mình mong những người tham gia comment nên kiềm chế và tránh quy kết đối phương.

Ở đây, mình xin đi vào vài ý. Mình sẽ nói chủ yếu về hòa giải, vì nếu không có hòa giải thì không thể có hòa hợp.

Thứ nhất, là hòa giải- hòa hợp có cần không? Trừ một số rất ít, còn mình thấy đa số mọi người đều đồng ý hòa giải và hòa hợp là cần thiết và góp phần tạo nên sức mạnh dân tộc. Sự khác biệt chủ yếu là ở những câu sau: hòa giải-hòa hợp với ai, dựa trên điều kiện gì…

Thứ hai, hòa giải-hòa hợp với ai. Rõ ràng khi nói hòa giải-hòa hợp, chúng ta nói tới sự hòa giải giữa những người VN với nhau. Vì với các cựu thù ngày xưa thì quá trình đó đã được cởi mở từ lâu rồi.

Nhưng ở đây, các ý kiến bắt đầu khác biệt, mà thường là nhiều người bên thắng cuộc sẽ chỉ chấp nhận hòa giải, hòa hợp nếu bên thua cuộc nhận họ là phe xấu, tay sai cho đế quốc và phải bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi…Ngược lại, bên thua cuộc sẽ chỉ chấp nhận hòa giải nếu bên thắng cuộc thừa nhận về việc đã đối xử tệ với họ (bên thua cuộc) trong quá khứ, cũng như tỏ ra thiện chí trong việc công nhận phần nào tính hợp lệ và hợp pháp của chính quyền VNCH, hay thừa nhận quyền lên tiếng của họ.

Nhưng đến đây thì vấn đề sẽ trở nên không thể giải quyết được, vì nó được coi là đụng tới danh dự của các bên và tới ý nghĩa của cuộc chiến. Tức là bên thắng cuộc không thể thừa nhận điều đó vì nó sẽ đi ngược lại tất cả các sách giáo khoa cũng như giáo dục chính trị, lịch sử, tuyên truyền…trong 80 năm qua.

Thứ ba, và câu hỏi này quan trọng hơn, có thể hòa giải-hòa hợp nếu chúng ta không nhất quyết rằng cuộc chiến tranh đó chỉ có một tính chất không. Cách hiểu phổ quát của bên thắng cuộc là đây là chiến tranh giải phóng dân tộc, chống Mỹ cứu nước và bên thua cuộc là “bè lũ tay sai ngoại bang”. Còn cách hiểu của bên thua cuộc thì cuộc chiến có hai tính chất: nội chiến giữa hai phe cộng sản và chống cộng sản cùng ở Việt Nam và chiến tranh ủy nhiệm giữa hai phe cộng sản và chống cộng sản trên quy mô toàn cầu.

Và đến đây thì vấn đề hoàn toàn bế tắc, không thể giải quyết. Bên thắng cuộc không thể bắt tay với “bọn tay sai ngoại bang” còn bên thua cuộc không thể chấp nhận việc những mất mát và cả danh dự của mình đều không được thừa nhận.

Một điều đáng ngạc nhiên là ở các quốc gia khác trên thế giới, quá trình hòa giải dân tộc không đến nỗi khó khăn như thế. Ví dụ ở những nước như Rwanda hay Campuchia, nơi diễn ra nạn diệt chủng giữa sắc tộc này hay sắc tộc kia hay giữa các giai cấp, các lực lượng chính trị thì quá trình hòa giải đều khá êm thấm. Hay ở Nam Phi sau giai đoạn apartheid cũng vậy, hoặc ở các nước Nam Mỹ sau giai đoạn độc tài quân sự… Thường ở các nước này, sau giai đoạn xung đột đẫm máu, người ta sẽ thành lập các Hội đồng hay Ủy ban Hòa giải dân tộc với sự tham gia của nhiều bên, nhiều tiếng nói, nơi không chỉ nạn nhân mà cả thủ phạm cũng có cơ hội phát biểu…

Vai trò của những vị lãnh tụ chính trị hay tôn giáo cũng rất quan trọng trong tiến trình này (như ở Nam Phi). Cũng có những án xử với những tên tội phạm ghê tởm nhất (chỉ với một số rất ít), nhưng mọi người đều hiểu đó là hình phạt của công lý và đó là một thứ công lý toàn dân chứ không phải sự trả thù hay thứ công lý của kẻ thắng. Và chỉ vài năm sau, hầu như không ai nhắc đến những thảm kịch từng đã xảy ra giữa họ. Còn ở Việt Nam, 50 năm và chúng ta sẽ cứ tiếp tục đếm…

Ở Việt Nam, sự vướng víu trong quá trình hòa giải là ở chỗ, mặc dù đây là cuộc chiến có số người chết của hai phe mỗi bên lên tới cả triệu người (chưa kể cả triệu dân thường), nhưng diễn ngôn phổ biến vẫn là kháng Mỹ cứu nước (dù số người Mỹ chết chỉ hơn 5 vạn). Mình hoàn toàn không phản đối diễn ngôn này khi số lượng người Mỹ có mặt tham chiến ở VN có lúc lên tới 50 vạn người (mặc dù sự có mặt của họ là do lời mời của chính quyền VNCH). Nhưng bên cạnh diễn ngôn đó thì tại sao lại không thể tồn tại các diễn ngôn khác như nội chiến hay chiến tranh ủy nhiệm? Tại sao chúng ta cứ nhất quyết chỉ có một diễn ngôn, một cách kể chuyện cho một cuộc chiến tranh quá phức tạp và nhiều sắc thái, nơi có sự tham gia của quân đội hay cố vấn quân sự từ ít nhất 10 quốc gia?

Với việc chấp nhận có nhiều diễn ngôn cung tồn tại, chúng ta sẽ cởi mở hơn và chấp nhận việc có nhiều “sự thật” khác nhau, nhiều thứ “lịch sử”. Và đó mới thực sự là cơ hội để có thể mở lòng hơn, để có thể thực sự nói và thực sự lắng nghe, chia sẻ ý kiến và cảm xúc mà không sợ hãi hay hằn học. Và điều đó là cần thiết, với người đã chết và cả người còn sống. Bởi lẽ một dân tộc mà chia rẽ là một dân tộc yếu. Trong quá khứ, chúng ta đã phải trả giá quá đắt cho sự chia rẽ này rồi- bởi lý do nào mà chúng ta lại có một cuộc chiến 20 năm nếu như ko thực sự là có một sự chia rẽ rất lớn trong lòng dân tộc?

Và hòa giải ở đây không chỉ là việc chính quyền hòa giải với người “Cali”, hay những Việt kiều đang sống ở nước ngoài và con cháu họ; giữa “bò đỏ” với “bò vàng”; mà còn là giữa những phần tâm thức còn bị phân mảnh của tâm thức dân tộc Việt Nam dù những người VN đang sống ở đâu. Chừng nào tâm thức đó còn chia cắt thì hội chứng “chiến tranh chống Mỹ” sẽ còn mưng mủ, mà bao nhiêu diễn văn hay màn trình diễn hoành tráng cũng không thể nào giúp các vết thương đó lành được.

Tất nhiên bạn có thể nói: Hiện giờ có thực sự cần hoà hợp, hoà giải không? Việt Nam đang lớn mạnh, phát triển, hoà bình, làm bạn với tất cả các nước… Nếu chỉ nhìn vào kinh tế hay sự thực dụng thì có lẽ cũng không cần thực. Việt Nam chưa giàu nhưng cũng không ở vị thế phải quá cần những dòng kiều hối của người xa xứ như chừng 20 năm trước… Nhưng nên nhìn xa hơn lý do kinh tế. Đó trước hết là việc nhìn vào chính lòng mình, trung thực với lòng mình, và chạm vào những cảm xúc đang bị chôn vùi bên trong, bị những thứ như tư tưởng, ý thức, lòng tự hào, sự tự ái…cố gắng che đậy.

Trong tâm lý học phân tích của Carl Gustav Jung, cái bóng là phần không được chấp nhận, bị chối bỏ hoặc bị đè nén trong vô thức cá nhân — những khía cạnh mà bản ngã (ego) không muốn nhận là một phần của mình. Một dân tộc, cộng đồng hay nền văn hóa cũng có thể mang trong mình “cái bóng tập thể” (collective shadow) — tức là những khía cạnh lịch sử, ký ức, hoặc hành vi mà cộng đồng đó không muốn nhìn nhận, che giấu, hoặc phủ nhận vì lý do đạo đức, chính trị hoặc tự hào dân tộc.

Mình nghĩ giống như với mỗi cá nhân, các dân tộc cũng phải dám đối diện với những “cái bóng”(shadow) của mình thì mới có thể thực sự là một dân tộc lớn và trưởng thành. Nếu không thì lại như lời của Tản Đà từ một thế kỷ trước: “nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Và những bi kịch trong tương lai vì chiến tranh – dù thắng hay thua – vẫn luôn luôn là thứ bi kịch khủng khiếp nhất- hoàn toàn có thể sẽ lặp lại.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Giao Kèo
Web tham khảo