Làm thế nào hàn gắn quan hệ đối ngoại?

Thứ Bảy, 21 Tháng Tư 20186:15 SA(Xem: 10252)
Làm thế nào hàn gắn quan hệ đối ngoại?
Hiện nay quan hệ đối ngoại của nước CHXHCN Việt Nam đang ở vào thời xấu, căng thẳng với một số nước. Điều này ai cũng biết. Nhưng vì nhiều lẽ người ta cứ im lặng, hy vọng thời gian sẽ tự nó hàn gắn, có lợi cho các bên. Ta cần họ, họ cũng cần ta, lo gì!
ong-thanh-171-6969-1516161427
Trịnh Xuân Thanh tại tòa ở Việt Nam.
Theo tôi, Ban chấp hành TƯ, Quốc hội nên thảo luận thật kỹ vấn đề này, không nên để chậm trễ.
Ai cũng biết, quan hệ giữa nước CHXHCN Việt Nam với CHLB Đức trở nên căng thẳng, xấu đi rõ rệt từ tháng 7/2018 sau cuộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh giữa thủ đô Berlin. Chính quyền và công luận Đức cho đây là hành động bạo lực phạm luật pháp quốc tế của thời chiến tranh lạnh đối với một nước có chủ quyền vững chắc, đã có một loạt trừng phạt nghiêm khắc, hứa hẹn sẽ có thêm những đòn cảnh cáo mới nếu Nhà nước Việt Nam không nhận lỗi, tỏ lời xin lỗi và cam kết sẽ không tái phạm.
Ai cũng biết CHLB Đức là một cường quốc vững mạnh toàn diện ở châu Âu, họ nói là làm, rõ ràng minh bạch.
Những ngày sắp tới tình hình sẽ căng thẳng thêm rất nhiều. Theo tin tức của tờ báo mạng, Thời Báo, ngày 24/4 tới Tòa án Thượng thẩm Berlin sẽ bắt đầu mở phiên tòa công khai xét xử nghi phạm mật vụ Nguyễn Hải Long về tội « làm gián điệp tước đoạt tự do của người khác ». Phiên tòa đã thu được 3 xe ô tô lớn nhỏ với nhiều vật chứng tang chứng nghi phạm đã dùng để thực hiện cuộc bắt cóc với sự tiếp tay của nhiều nhân viên quan chức sứ quán. Phiên tòa sẽ mở tiếp các ngày 25/4, 7/5, 8/5, 15/5, 17/5 cho đến tận tháng 8 mới tạm ngả ngũ. Nghĩa là các cuộc hỏi cung, điều tra, đối chiếu, tranh tụng giữa Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát, các luật sư, các nhân chứng và đương sự sẽ diễn ra đầy đủ đến cùng, theo đúng luật, có sức thuyết phục cao, không qua loa đại khái như vụ xử 6 chiến sĩ bất đồng chính kiến trong nước, chỉ trong một buổi mà kết án hơn 60 năm tù, một phiên tòa phát xít phi pháp kiểu cưỡng bức bỏ túi!
Cũng theo tin ngày 6/4 của Thời Báo, Tòa án CHLB Đức đang truy nã Đào Quốc Oai vốn là công dân Việt sang CHLB Đức làm ăn có liên quan đến vụ án này bằng hành động chuyển từ 10 đến 20 triệu Euro từ trong nước để chi phí cho cuộc bắt cóc lớn này. Oai hiện đang bỏ trốn về Hải Phòng, đã bị triệu tập ra hầu Tòa.
Nghiêm trọng hơn nữa, mạng Thoi Bao-De trích dẫn báo Đức cho biết Tổng Công tố Viên CHLB Đức đứng đầu ngành Tư pháp, Peter Frank, đã ký lệnh điều tra đối với Trung tướng an ninh Đường Minh Hưng thuộc bộ Công An Việt Nam về hành động đã sang tận Berlin để chỉ huy cuộc bắt cóc vi phạm trắng trợn công pháp quốc tế này.
Đầu tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp vội Đại sứ CHLB Đức ở Hà Nội hòng xoa dịu tình hình trên đây, nhưng chỉ là công cốc vì ở CHLB Đức, hành pháp không có quyền chi phối ngành tư pháp luôn độc lập với hành pháp.
Chỉ có một cung cách duy nhất có thể tháo gỡ gọn gàng nhanh chóng sự cố ngoại giao nghiêm trọng này. Đó là Nhà Nước CHXHCN Việt Nam hãy tỏ ra là một Nhà Nước trưởng thành tôn trọng Luật pháp quốc tế. Khi đã lầm lỡ phạm pháp trong quan hệ quốc tế thì hãy ngay thật dũng cảm nhận lỗi lầm, thật lòng xin lỗi, hứa hẹn thi hành kỷ luật nghiêm các quan chức liên quan, cam kết sẽ không tái phạm. Không ai khinh bị chê cười người vấp ngã đứng thẳng dậy nhận lỗi lầm và cúi đầu xin lỗi Nhà Nước CHLB Đức, xin lỗi toàn dân Đức và Liên Âu về sự kiện vụng dại thiếu khôn ngoan này.
Đây là lối ứng xử văn minh cao thượng nâng cao uy tín niềm tin của bạn bè. Và cũng là con đường tuyệt diệu mở ra triển vọng Bản Hiệp định thương mại VN- Bắc Âu và bản Hiệp định CP TPP buôn bán giữa 12 nước xuyên Thái Bình Dương sẽ được các nước xét duyệt nhanh chóng và sớm đi vào thực hiện với những món lợi không nhỏ cho Việt Nam .
Khôn ngoan, thông minh, sáng tạo trong quan hệ quốc tế, tạo thời cơ mới, biến gay gắt căng thẳng thành thắng lợi và thành công là chuyện trong tầm tay.
Hay là cứ lú lẫn, sai lầm này tiếp theo sai lầm khác, thả lỏng, buông trôi mọi chuyện để cho nhân dân phải gánh chịu mọi tai ương thảm họa khôn lường?
Bùi Tín
(Blog VOA)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn