Khi Tướng Cướp Ra Tù

Thứ Sáu, 13 Tháng Tư 20185:54 SA(Xem: 7959)
Khi Tướng Cướp Ra Tù

Trung tướng Phan Văn Vĩnh sau khi ra tù
Bá Tân

H3-6
Đồ họa về Phan Văn Vĩnh của trang Zing

Khi tôi viết bài này, nguyên trung tướng Phan văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, mới chỉ là bị can, bị bắt giam 4 tháng theo quyết định của cơ quan điều tra thuộc công an tỉnh Phú Thọ.

Chắc chắn sẽ bị truy tố, lúc đó cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phải tự xưng và được gọi là bị cáo. Không ai ngờ người đứng đầu lực lượng cảnh sát Việt Nam lại trở thành bị cáo. Mọi chuyện đều có thể xảy ra và mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó.

Nhân viên điều tra công an tỉnh Phú Thọ (dĩ nhiên có sự hỗ trợ đặc biệt của Bộ Công an) có ngợp hay không khi họ đối diện lấy lời khai của nguyên thủ trưởng cao nhất lực lượng cảnh sát?

Dù có những tình tiết giảm nhẹ nhưng cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chắc chắn sẽ bị tù giam, ít nhất cũng trên 10 năm.

Rồi sẽ được giảm án, đối tượng như ông Vĩnh không những được ưu ái trong trại giam mà còn dễ dàng được giảm án (thông qua các đợt đặc xá).

Rồi sẽ đến ngày ông Vĩnh ra tù. Nếu được giảm án (tin chắc sẽ được) lúc ra tù, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chỉ mới trên, dưới 70.

Đến lúc ra tù, nguyên trung tướng bị cáo Phan Văn Vĩnh sẽ thế nào? Dĩ nhiên lúc đó ông trở lại tư cách công dân, là một công dân như những người dân bình thường.

Lúc ra tù, bạn bè thân hữu đối xử với ông như thế nào? Những chiến hữu không ngại vào sinh ra tử trong những lần phá án, đến lúc đó, khi ông ra tù, họ không quản ngại thị phi, họ vẫn đến với ông cùng chia sẻ chuyện đời, chuyện người… Họ là những người không cầu lợi, cầu danh khi ông ngồi ở đỉnh cao chót vót của ngành cảnh sát.

Với họ, sau khi ông ra tù, họ không thay lòng đổi dạ và nhận ra đến lúc đó dễ gặp ông hơn, dễ nói chuyện với nhau hơn. Hóa ra, trong xã hội nhiễu nhương này, chức tước nhiều khi trở thành vực sâu ngăn cách người với người.

Những kẻ chạy chức, những lũ bán chức là chủ nhân tạo ra cái vực sâu ngăn cách ấy. Sự đời trớ trêu nhưng công bằng, cái vực sâu thăm thẵm ấy luôn mấp mé bàn chân họ và đối thủ của họ luôn sẵn sàng đẩy họ xuống vực.

Sau khi cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát ra tù, các “đồng chí” của ông sẽ đối xử với ông như thế nào? Chưa đến lúc nhưng điều này là chắc chắn, bọn họ sẽ ngoảnh mặt quay đi. Họ quay ngoắt, coi như chưa bao giờ biết ông.

Họ đã một thời được hưởng lộc, hưởng danh nhờ cái chức của ông. Đến lúc ông ra tù, quyền công dân được pháp luật thừa nhận, bọn họ vẫn coi ông như là kẻ tội phạm. Loại người ấy suốt đời chỉ lo chổng mông thờ thịnh, tìm người thịnh để cung phụng là bản tính mua-bán theo kiểu chợ giời. Thói đời sặc mùi tiền bạc gặp xã hội đảo điên, khác nào thằng nghiện rơi vào kho thuốc phiện.

Sau khi ra tù, ông sẽ về quê-thành Nam, nơi mà ông đầy ắp kỉ niệm. Đến lúc đó, nguyên trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát sẽ được giới giang hồ thành Nam đối xử như thế nào.

Không phải tất cả nhưng sẽ có một bộ phận không nhỏ trong giới giang hồ Thành Nam vẫn kiêng nể “đại ca” Phan Văn Vĩnh. Sau khi ông ra tù, với “chứng chi” ấy, giới giang hồ Thành Nam coi ông như cùng băng đảng, cùng thuyền với họ.

Ân, oán của giới giang hồ kinh khủng lắm. Oán không quên. Ân phải trả. Không phải nói suông, mà là hành động và hành động, kể cả máu chảy đầu rơi vẫn ra tay.

Cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát còn nhiều ân, oán với giới giang hồ Thành Nam. Ông triệt hạ bọn cầm đầu dám đổi mạng với cảnh sát, ông tha cho nhiều kẻ, ông chỉ xua đuổi khỏi thành Nam chứ không diệt đường sống của họ. Ông ra tay với giang hồ như là một đại ca, biết điều sẽ sống, không biết điều là tự nhảy vào vực dầu đang sôi.

Ân, oán của giới giang hồ thành Nam với cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát vẫn chưa trả hết. Họ sẽ tiếp tục thanh toán với ông. Rất có thể, sau khi ra tù, ông sẽ được giới giang hồ thành Nam trả ân hơn là đòi oán. Bên cạnh cái họa có cái phúc là vậy.

Biết rõ mười mươi vụ đánh bạc ngàn tỷ nhưng không báo với thượng cấp. Phan Văn Vĩnh bị tù nhiều năm vì trọng tội ấy. Biết nhưng tại sao không nói với cấp trên.

Phải chăng ông bị mua với giá khủng (cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền). Hay là sự đời cho ông bài học; hy sinh đời bố (ông) để củng cố đời con (cháu).  Điều này chỉ có trời biết, đất biết và ông biết mà thôi. Mọi người đều có quyền lựa chọn lẽ sống, cách làm giàu. Biết đâu đó là sự đánh đổi đầy toan tính của cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.

Biết thuộc cấp sai phạm nghiêm trọng (chủ mưu vụ đánh bạc ngàn tỷ) nhưng tại sao không báo với thượng cấp?

Phải chăng, sau nhiều đêm trằn trọc, ông tặc lưỡi làm ngơ. Chỉ cần ông làm ngơ, thuộc cấp có điều kiện trở thành triệu phú, thậm chí ngoi lên tỷ phú. Nghề và chức giúp ông soi tận tim đen cách làm giàu của giới quan chức. Không cần tiền vốn, chẳng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, chỉ dựa vào chức quyền, thế là một bộ phận quan chức trở nên siêu giàu. Xưng hô mỹ miều với nhau nhưng thực chất là trấn lột, cấp trên (dựa vào chức quyền) trấn lột cấp dưới, làm tiền kiểu ấy bọn giang hồ phải gọi bằng… cụ!

Nói cả ngày cũng không hết dẫn chứng. Kể ra tý tẹo này thôi, một bề trên của ông Vĩnh (tại Bộ Công an) ăn của Dương Chí Dũng nửa triệu đôla sau khi bỏ ra “chi phí” mách nước cho kẻ đại tham nhũng chạy trốn.

Giang hồ khoác áo quan chức khủng khiếp hơn nhiều so với giang hồ xã hội đen. Cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chơi với cả hai, giống như điệp vụ hai mang. Phan Văn Vĩnh bay trên đôi cánh ấy và chính đôi cánh ấy đưa ông ta xuống mộ. Đó là bài học phản diện dành cho những kẻ đang (hoặc có ý định) lập thân, lập nghiệp theo kiểu Phan Văn Vĩnh.

Ai cũng phải chết, cát bụi là điểm đến cuối cùng của mọi người. Không ít người, sau khi chết chẳng để lại dấu ấn nào trên cõi trần. Với cựu trung tướng Phan Văn vĩnh, một thời khét tiếng của lực lượng cảnh sát, sau khi chết sẽ còn đọng lại nhiều điều với người tử tế cũng như giới giang hồ.

Và điều này, như là cầm đèn chạy trước ô tô, nói ra để chia sẻ cùng ông: Đến lúc ông chết, giới giang hồ thành Nam (nhất là lứa cùng thế hệ với ông) sẽ đến tiễn biệt một “đại ca” về nơi không có giang hồ, không có đại ca. Vâng, nơi ông (và mọi người) yên nghỉ là chốn thật sự bình yên, thật sự bình đẳng, tuyệt nhiên không có giang hồ, không có quan chức.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn