Hôm cuối tháng 8/2024, Thành ủy Hà Nội ban hành một chỉ thị rất cảm động lòng người. Nội dung của nó là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
“Tình hình mới” ở đây được giải thích là tuy trong nhiều năm qua các cấp đã tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện bằng nhiều giải pháp cấp bách vân vân… nhưng vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế. Thành thử ra phải tiếp tục tăng cường lãnh đạo của Đảng.
Nhưng, theo quy định của pháp luật, Chính phủ từ lâu đã có hẳn bộ máy quản lý an toàn thực phẩm vô cùng dày đặc theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang, từ trung ương đến tận cấp huyện/thị.
Rất … rảnh
Cụ thể, tại Trung ương có ba bộ quản lý là Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bộ máy này triển khai tương tự xuống đến các địa phương. Riêng tại TP HCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh thì còn thí điểm tổ chức riêng một Ban quản lý an toàn thực phẩm trực thuộc UBND TP/tỉnh.
Túm lại, đã có hẳn một bộ máy đông đảo nhân lực, tài lực, quyền lực để lo kiểm soát an toàn thực phẩm.
Họ có trách nhiệm về tất cả các công việc mà chỉ thị nói trên đề cập. Gồm tuyên truyền, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trong lĩnh vực .v.
Nếu bộ máy quá tải hoặc gặp khó khăn trong công việc thì trách nhiệm giải quyết cao nhất chính là Chính phủ. Chính phủ có thể thành lập thêm đơn vị, thêm người, thêm tiền, thêm quyền để bộ máy này hoạt động hiệu quả.
Nếu họ tắc trách, vi phạm, tham ô… đã có luật pháp xử lý.
Nhấn mạnh lần nữa, đó là một bộ máy đồ sộ.
Vậy cớ gì phải có thêm một bộ máy thứ hai đồ sộ không kém là Đảng, để chỉ làm cái việc “lãnh đạo, chỉ đạo, đốc thúc” bộ máy đồ sộ thứ nhất làm việc?
Mà lãnh đạo bằng cách nào? Là khi phát hiện một vụ thực phẩm bẩn thì báo cáo với tổ chức Đảng cấp trên, rồi chờ các vị bên ấy nghiên cứu, cân nhắc, họp bàn quyết định cách thức xử lý, sau tất cả mới ra nghị quyết chỉ đạo (bộ máy thứ nhất) thực hiện?
Hay là ngày ngày chắp tay theo các viên chức trong lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra cơ sở, vừa đi vừa hô hào: “Chủ động, chủ động hơn nữa. Sáng tạo, sáng tạo hơn nữa”?
Nói chung, bên ấy thật có nhiều thời gian.
Nhưng cái chỉ thị của Hà Nội kể trên chỉ là đơn cử. Thực tế, bất cứ lĩnh vực nào của Nhà nước, bên ấy cũng có chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo được. Có tăng cường lãnh đạo đối với phát triển nhà ở, với an toàn vệ sinh lao động, với tư tưởng, với chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, về xây dựng gia đình, về văn hóa, về nghệ thuật, về thể thao… Không khác gì ông con râu dài tới rốn, đã từ lâu lên hàng nội ngoại nhưng vẫn có một bà mẹ già luôn kè kè xách cái roi mây đi theo để uốn nắn nhắc nhở, cầm tay chỉ việc.
Đạo lý tham nhũng thời kỳ mới
Cách Hà Nội khá nhiều km, lại ngay ở mảnh đất được mang một cái tên anh hùng trong thời kháng chiến-đất Đồng khởi Bến Tre, vừa rồi có một vụ tham nhũng chấn động dư luận.
Nhưng đọc xong hết tất cả thì thấy không chấn động nữa, chỉ là vụ việc hết sức bình thường.
Đó là vụ ông nguyên Bí thư tỉnh ủy Bến Tre bị phát giác ăn hối lộ một cách ổn định, bền vững, năm sau cao hơn năm trước.
Theo báo chí Việt Nam, từ năm 2018, khi ông Thọ còn là Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Viettinbank, công ty Xuyên Việt Oil đã liên tiếp hối lộ cho Lê Đức Thọ rất nhiều tiền, nhiều đồng hồ Patek Philippe, xe hơi Mercedes Ben Luxury, bộ gậy đánh golf trị giá 1,1 tỷ đồng… để được các ưu đãi trong vay vốn hay phân bổ dự án có vốn Nhà nước.
Ở một vụ làm ăn khác, vào năm 2021, khi giấy phép kinh doanh xăng dầu hết hạn nhưng không đủ điều kiện để được cấp lại, Xuyên Việt Oil thông qua Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhờ cấp trên của An “giúp đỡ”.
Theo cáo trạng, Thứ trưởng Bộ Công thương là Đỗ Thắng Hải giới thiệu cho Xuyên Việt Oil gặp Hoàng Anh Tuấn, Vụ phó Vụ thị trường trong nước và chỉ đạo Vụ này “giúp đỡ” doanh nghiệp. Tuấn báo cáo lại việc này cho Vụ trưởng Trần Duy Đông, hai người thống nhất “làm việc” theo chỉ đạo của Thứ trưởng.
Có vài điều kiện chưa thỏa, các vị lãnh đạo nói trên lại mách nước giúp Xuyên Việt Oil bổ sung nhanh chóng.
Rất nhanh Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép kinh doanh. Sau đó họ nhiều lần mang tiền đến tận phòng làm việc để cảm ơn Đông, Tuấn, Hải.
Quá trình “giúp đỡ” này trơn tru đến nỗi gây ảo giác dường như mọi việc phải vận hành như thế mới là chuẩn.
Nó nhắc người ta nhớ lại vụ Trương Mỹ Lan nhét tiền mặt vào thùng xốp chở đi hối lộ cán bộ ngân hàng.
Đó chính là cú vả vào giữa mặt nhân dân. Lãnh đạo của những đơn vị quan trọng, then chốt nhất của hệ thống ngân hàng, chính những người được giao trách nhiệm phát hiện vi phạm và xử lý nó để bảo đảm sự tin cậy của người gửi tiền vào ngân hàng, hóa ra lòi mặt chuột, đều là bọn thông đồng ăn cắp trơ trẽn trắng trợn.
Những cái tên xướng lên nghe mà lạnh người: Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước; Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước; Nguyễn Thị Phụng, Bùi Tuấn Khoa (cùng cựu Phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) Vương Đỗ Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Thanh tra) và 13 bị cáo khác, nguyên là cán bộ NHNN, là thành viên Thanh tra, giám sát… tại ngân hàng SCB. Bọn chúng đã cùng nhau làm việc thật nhiệt tình để bưng bít, che giấu việc gia đình Trương Mỹ Lan cướp sạch tiền của doanh nghiệp và người dân gửi vào SCB trong nhiều năm.
Hay vụ nâng khống giá que test COVID-19, có Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế, Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ khoa học và công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, Nguyễn Văn Trịnh, cựu trợ lý Phó thủ tướng…
Chân mình thì lấm bê bê
Sinh thời, cụ Tổng Tịch Nguyễn Phú Trọng liên tục khẩn thiết kêu gọi trách nhiệm làm gương của đảng viên, cán bộ lãnh đạo. Nhưng mặc cho nhiều năm đốt lò rừng rực, trong tất cả các vụ tham nhũng quy mô khủng khiếp có sự cấu kết chặt giữa rất nhiều ngành, nhiều cấp bậc, nhiều người cho đến những vụ ăn vặt thông thường nhất, chẳng có cái gì gọi là nêu gương hay trách nhiệm người đứng đầu cả. Ngược lại, chính những cán bộ lãnh đạo cao cấp nhất lại là trung tâm tổ chức, điều phối vụ hối lộ.
Đã qua lâu lắm rồi cái thời cán bộ, đảng viên lãnh đạo còn có tự trọng, còn xem hối lộ là phạm tội, là vấy bùn, là ăn bẩn, là phản bội lại lời thề khi họ vung nắm tay xin vào Đảng, là hành vi đáng xấu hổ. Từ rất lâu rồi, họ xem tham nhũng mới chính là đạo lý, là trách nhiệm, là nghĩa vụ với bản thân và gia đình. Nếu bị bắt đi tù thì cũng chỉ như một chuyến nghỉ dưỡng.
Lời khai của Trần Văn Dự - cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) Bộ Công an - khi bị xét xử về tội ăn hối lộ trong vụ Chuyến bay giải cứu có thể được xem là bản tóm tắt quan điểm tham nhũng hiện nay.
Trước toà, Dự nói:"Tôi số đen, không may thì thôi trả lại cho Nhà nước cũng được, không sao cả".
Dự cũng nhắc lại lời nói với vợ: ""Em chuẩn bị ba tỷ và anh sẽ đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi sẽ về".
Bao nhiêu công lao phát động tinh thần, triển khai học tập nghị quyết, nêu cao tấm gương đạo đức cách mạng… khi soi vào những quý lãnh đạo kiểu Dự, Trịnh, Long, Nhàn… đều đã biến thành trò cười sạch.
Thế nhưng mà… lạ chưa? Như đã nói ở đầu bài, dường như bên bển có nhiều thời giờ lắm cơ mà. Mà tinh tường lắm, nghìn mắt nghìn tay đấy chứ, cái gì cũng đòi chỉ đạo cả!
Cơ mà nhiều tay như vậy, giá bên bển cứ tập trung lo rửa sạch mắt mũi chân tay của mình, đừng đam mê tăng cường chỉ đạo thì chắc không có chuyện sờ đâu là thấy ổ ghẻ đó, như Chuyến bay giải cứu, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm, KIT test COVID, nhóm tướng lĩnh Cảnh sát biển… bế vào tù hàng ngàn tinh hoa của Đảng, trụ cột của đất nước, như đã diễn ra.
Chân mình còn lấm bê bê thì đi rê chân người làm chi.
Có phải không? Quý dzị thấy em nói đúng không quý dzị?
_____________
Tham khảo:
https://tayho.hanoi.gov.vn/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-cap-uy-dang-voi-an-toan-thuc-pham-085906.html
https://tienphong.vn/nhin-lai-nhung-dai-an-nam-2023-post1599934.tpo
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do