Trong phần hai “trụ cột” hệ tư tưởng Mác – Lê-nin được khái quát nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò của nó đối với sự cai trị của Đảng Cộng sản. Phần ba này tập trung trình bày một nội dung “nhạy cảm” thuộc lĩnh vực tư tưởng – an ninh chế độ, làm rõ không chỉ tầm quan trọng dẫn dắt chiến lược, chính sách và hành động như nền tảng lý luận và thực tế của Đảng mà còn, vì vậy, phải bảo vệ nó “từ sớm, từ xa.” Hơn thế, nội dung này góp thêm cách luận giải những sự kiện, nhất là về chính trị, hay suy đoán về triển vọng chế độ trong giai đoạn thoái trào.
An ninh chế độ là một bộ phận cấu thành an ninh quốc gia. An ninh quốc gia là “một khuôn khổ mô tả cách một quốc gia cung cấp an ninh cho nhà nước và công dân của mình. Chính sách an ninh quốc gia là một mô tả chính thức về sự hiểu biết của một quốc gia về các nguyên tắc chỉ đạo, giá trị, lợi ích, mục tiêu, môi trường chiến lược, các mối đe dọa, rủi ro và thách thức nhằm bảo vệ và thúc đẩy an ninh quốc gia. Thông thường, chính sách an ninh quốc gia dựa trên hiến pháp, tài liệu thành lập và luật pháp của một quốc gia. Chính sách làm rõ hành vi và trách nhiệm của các tổ chức nhà nước trong việc cung cấp an ninh và duy trì pháp quyền.”[1] Ở Việt Nam Luật an ninh quốc gia được ban hành năm 2004, trong đó tập trung nghiêng về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia khi trong Chương IV có ghi “việc thống nhất quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về an ninh quốc gia.”[2] Tuy nhiên, nó đang thay đổi ‘khó lường’ để đối phó với chuyển đổi thị trường, cải cách thể chế và chống tham nhũng khó khăn, trong đó thay vì một chính sách nhấn mạnh mục đích đã dần được ‘nâng cấp’ thành công cụ chủ yếu mang tính chuyên chế.
An ninh chế độ là một chính sách “nhạy cảm” mang tính nội bộ đảng, nhưng “bất ngờ” khi được “tiết lộ” bởi một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền. Dự án 88 (Project 88) đã công bố Chỉ thị 24-CT/TW (viết tắt CT24) của Bộ Chính Trị Đảng CSVN, do bà Trương Thị Mai, cựu Thường trực Ban Bí Thư ký, ban hành ngày 13/7/2023 về "Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng" trong một Báo cáo có tựa đề "Vietnam’s leaders declare war on human rights as a matter of official policy"[3] (Lãnh đạo Việt Nam tuyên chiến với nhân quyền như chính sách chính thức), trong đó có nội dung cho rằng Việt Nam đã vi phạm luật quốc tế và vi phạm Hiến pháp Việt Nam khi viện dẫn "an ninh quốc gia" để biện minh cho việc cấm người dân hội họp, lập nhóm, biểu tình, cấm xuất nhập cảnh, ngăn chặn tài trợ quốc tế cho các dự án của các tổ chức xã hội dân sự.
Khẳng định quyền kiểm soát toàn diện và nghiêm ngặt lĩnh vực tư tưởng. Việc ban hành Chỉ thị 24 nêu trên là một trong những động thái cụ thể hoá, tăng cường chiến lược an ninh chế độ, bộ phận cấu thành của hệ thống an ninh quốc gia, với trụ cột là an ninh tư tưởng, an ninh ý thức hệ. Trụ cột này đề cập đến môi trường trong đó hệ tư tưởng thống trị của nhà nước được bảo vệ tương đối an toàn và không có các mối đe dọa bên trong và bên ngoài cũng như khả năng đảm bảo tình trạng an ninh liên tục. Đảng xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của an ninh quốc gia nói chung[4] trước các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống. Trong khi quan điểm truyền thống về an ninh, chủ đề là quốc gia-nhà nước, tập trung vào an ninh chính trị và quân sự, như đã nêu ở trên về Luật An ninh Quốc gia 2004, an ninh phi truyền thống, thường chú trọng vào các mối đe dọa an ninh do "các tác nhân phi nhà nước" gây ra, chẳng hạn như các tổ chức liên quốc gia, các phe nhóm trong nội bộ ở trung ương và địa phương, xã hội dân sự hoặc cá nhân có ảnh hưởng. Ngoài ra, từ quan điểm của xã hội, an ninh tư tưởng chủ yếu liên quan đến an ninh ý thức hệ của Đảng CS. Nó liên quan đến cả hai lĩnh vực chính trị và văn hoá và, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, nó dễ bị tác động bởi các nền văn hóa và tư tưởng đối nghịch trong và ngoài nước. Bởi vậy, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần thiết phải xác định mục tiêu và giá trị cơ bản của an ninh ý thức hệ là duy trì tính hợp pháp chính trị và các đặc điểm và sự độc lập của văn hóa quốc gia.