Phần một trình bày khái quát về các yếu tố bên ngoài tác động đến chính sách và hành động, thực tế thăng trầm của chế độ đảng toàn trị, nhấn mạnh về những đặc trưng nổi bật cho sự kết thúc của thời kỳ hoàng kim. Trong phần hai này các yếu tố bên trong là một câu chuyện dài liên quan đến bản chất của chế độ, năng lực ứng phó trước thách thức kinh tế thị trường trong thời kỳ Đổi mới. Chuẩn bị cho chủ trương này cũng như trong những năm đầu thực hiện các chính sách câu hỏi quan trọng nhất là liệu Đảng CS có thể lãnh đạo kinh tế thị trường
Đổi mới, nhìn tổng quát, là một chương trình cải cách toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội được thực hiện tại Việt Nam từ cuối thập niên 1980. Xoá bỏ chế độ kế hoạch hoá tập trung nền kinh tế quan liêu bao cấp được phát động. Tuy không thể hình dung và tin tưởng chắc chắn triển vọng kết quả của Đổi mới sẽ thế nào, sau liệu pháp “giá lương tiền” vào năm 1985 không thành công, giới lãnh đạo đã học cách “dò đá qua sông” chuyển đổi sang kinh tế thị trường từ Trung Quốc vận dụng cho Việt Nam. Nới dần từng bước tự do trong lĩnh vực kinh tế, sản xuất (từ nông nghiệp sang công nghiệp), thương mại, dịch vụ và, sau đó là thu hút đầu tư nước ngoài… Một nền kinh tế hỗn hợp nhiều thành phần được hình thành, các công cụ thị trường, các chỉ tiêu đo lường như tổng sản phẩm quốc nội GDP, lạm phát CPI, chuẩn mực kế toán, tài chính… được áp dụng nhiều hơn… Tất cả dẫn đến kết quả vượt sự mong đợi.
Không thể phủ nhận động lực thị trường mạnh mẽ đã làm thay đổi tất cả. Hơn thế, thị trường, thực chất là kinh tế tư bản chủ nghĩa, không chỉ cứu chế độ sụp đổ mà còn đảm bảo cho tính chính danh của nó trong suốt quá trình gần 40 năm tồn tại tính từ sau Đổi mới. Trên nhiều diễn đàn các nhà quan sát, nghiên cứu phương Tây cho rằng nền kinh tế mang nhiều yếu tố chủ nghĩa tư bản hơn là chủ nghĩa xã hội. Theo tính chất và những đặc điểm như nêu trong phần một, họ đã định danh kiểu nền kinh tế này là “tư bản nhà nước” hay “nhà nước tư bản thân hữu.”[1] Tuy nhiên, giới lãnh đạo Đảng không cho là như vậy. Họ xác định đó là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và, rằng Việt Nam đang ở thời kỳ “làn sóng thứ ba” của chủ nghĩa xã hội. Mới đây thôi, ông Thủ tướng Chính phủ đã ‘tự tin’ chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thuỵ Sĩ năm 2024. Đó là năm bài học ‘lớn’[2]: “Một là, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Hai là, coi nhân dân là người làm nên lịch sử. Ba là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Năm là, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN. Cho rằng bí quyết thành công của Việt Nam là “luôn kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.”
Đây là sự ‘hiểu sai’ về kinh tế thị trường, khuyếch trương về ưu thế chế độ, Đảng ngộ nhận về năng lực lãnh đạo kinh tế thị trường. Sự “ngộ nhận” này xuất phát từ bản chất chế độ Đảng CS toàn trị: quyền lực tuyệt đối và hệ tư tưởng Mác – Lênin.
Kiểu chế độ này ra đời và từng trỗi dậy mang tính lịch sử từ những năm đầu thế kỷ 20 dưới hình thức chế độ phát xít và chế độ cộng sản trong nhiều quốc gia, và hầu hết sụp đổ vào những năm 1990. Tuy nhiên chế độ này ở Trung Quốc và Việt Nam đã vẫn tồn tại, biến đổi và đạt đỉnh cao và, hiện nay là giai đoạn thoái trào. Đó là một hệ thống chính trị được đặc trưng bởi sự kiểm soát tập trung đối với tất cả các khía cạnh của xã hội, bao gồm đời sống chính trị, xã hội, văn hoá và kinh tế. Nó toàn quyền kiểm soát tất cả các khía cạnh của cuộc sống công cộng và riêng tư, và có rất ít hoặc không có giới hạn nào đối với quyền lực đảng - nhà nước.
Đặc điểm trung tâm của chủ nghĩa toàn trị là ý tưởng về sự kiểm soát hoàn toàn. Nó “mạnh” vì dựa vào hai trụ cột chủ yếu sau. Một là, quyền lực tuyệt đối và, hai là, hệ tư tưởng biện minh. Ở đây, về quyền lực trong lĩnh vực chính trị.[3] Đó là quyền lực là sự sản sinh của một hiệu ứng xã hội quyết định năng lực, hành động, niềm tin hoặc hành vi của các tác nhân. Quyền lực không chỉ đề cập đến việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực (ép buộc) của một tác nhân chống lại một tác nhân khác, mà còn có thể được thực hiện, chẳng hạn, thông qua các tổ chức, cá nhân khác.
Một bộ máy cai trị được thiết lập để đảm bảo duy trì quyền lực tuyệt đối. Bộ máy toàn trị dựa trên khái niệm danh pháp – nomenklatura[4]. Nó có đặc quyền, đặc lợi, dễ dàng và kịp thời sản sinh hoặc giải thể các tổ chức với các chức năng phục vụ chế độ. Dưới chế độ toàn trị quân đội, công an là một bộ phận thực thuộc đảng có chức năng chuyên chế. Để chống tham nhũng hệ thống ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng từ trung ương đến cấp tỉnh được thành lập. Có thể nêu vô số những dẫn chứng như vậy. Trong phần sau chiến lược an ninh chế độ được mổ xẻ cụ thể hơn.
Một trụ cột quan trọng khác của chế độ toàn trị là hệ tư tưởng. Trước hết, như một khoa học, đây là một hệ thống các ý tưởng, cả lý thuyết và thực tế, mong muốn vừa giải thích thế giới vừa thay đổi nó. Nghĩa là, hệ tư tưởng nhằm mục đích phục vụ mọi người, thậm chí cứu họ, bằng cách loại bỏ định kiến trong tâm trí của họ và chuẩn bị cho họ chủ quyền của lý trí.
Về nguyên lý, hệ tư tưởng theo nghĩa hẹp được xác định bởi năm đặc điểm sau. Một là, nó chứa một lý thuyết giải thích về một loại ít nhiều toàn diện về trải nghiệm của con người và thế giới bên ngoài; Hai là, nó đặt ra một chương trình về tổ chức xã hội và chính trị; Ba là, việc thực hiện chương trình này kéo theo một cuộc đấu tranh; Bốn là, nó tìm cách không chỉ thuyết phục mà còn tuyển dụng những tín đồ trung thành, đòi hỏi những gì đôi khi được gọi là cam kết; Và, năm là, nó đề cập đến một công chúng rộng rãi nhưng có thể có xu hướng trao một số đặc biệt vai trò của lãnh đạo đối với trí thức.
Hệ tư tưởng Mác – Lê-nin của chế độ Đảng CS toàn trị được hình thành mang tính lịch sử phục vụ cho phong trào cộng sản, thịnh hành trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, nhưng nó gây tranh cãi trong xây dựng nhà nước hay chế độ toàn trị, nhất là sau khi mô hình Liên Xô sụp đổ. Hệ tư tưởng Mác – Lê-nin trong mô hình Trung Quốc đã biến đổi bởi tư tưởng thực dụng để biện minh cho chế độ. Những khái niệm mơ hồ như “thị trường không phải là chủ nghĩa tư bản”, “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc”… thường nhấn mạnh kiểu tuyên truyền lấy mục đích thay thế phương tiện. Sự nguỵ biện và bá quyền văn hoá của A. Gramscy[5] chiếm đoạt tâm trí của dân chúng, tạo ra kiểu ý thức hệ phục tùng, trung thành chế độ và lãnh tụ, có thể để lại hậu quả tiêu cực lâu dài.
Cuối cùng, sự sùng bái cá nhân xung quanh nhà lãnh đạo là một biểu hiện của quyền lực tuyệt đối. Sùng bái cá nhân chỉ việc tôn sùng một người nào đó nhờ các phương tiện truyền thông hay các tuyên truyền khác để tạo ra một hình ảnh anh hùng, lý tưởng, đôi khi đến mức thần thánh. Dưới chế độ toàn trị chiến lược để thần thánh hoá lãnh tụ[6], đặc biệt là thế hệ khai sinh ra chế độ, thường được thực hiện dưới các hình thức khác nhau, đỉnh cao là xây dựng hình tượng hay “hạt nhân” kèm theo với tư tưởng của họ.
Liệu có tư tưởng Tập Cận Bình vẫn là điều gây tranh cãi. Tuy nhiên, ông ấy đã tạo ra ngoại lệ phá bỏ giới hạn quyền lực để cai trị suốt đời trong chế độ Đảng CS toàn trị, một mô hình mà Việt Nam không thể buông bỏ, đối nghịch với chế độ dân chủ. Thể chế dân chủ là sản phẩm của sự phát triển hàng trăm năm của chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường dựa trên các quyền con người cơ bản và tự do cá nhân và chế độ phân quyền, đối trọng chính trị. Quyết tâm thay đổi trật tự thế giới, ông Tập dẫn dắt Trung Quốc trỗi dậy hung hăng đối đầu, trong đó có chiến lược an ninh chế độ là trụ cột.