Thói quen chen ngang của người Việt

Thứ Hai, 13 Tháng Mười Một 20176:00 CH(Xem: 10020)
Thói quen chen ngang của người Việt

Có nhiều hành vi đã trở nên quá quen thuộc trong đời sống của người Việt nhưng lại rất lạ lẫm trong mắt của du khách khi họ đến Việt Nam. Một trong những hành vi ấy chính là thói quen chen ngang.

Chen ngang
Hành khách căng thẳng chờ lấy hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Một đối tác người Singapore đã hỏi tôi, vì sao ở Việt Nam có nhiều đối tượng được ưu tiên và không cần phải xếp hàng. Anh kể rằng khi làm thủ tục ở sân bay Việt Nam thường thấy có nhiều đối tượng khác nhau được nhân viên an ninh đặc cách cho đi qua cửa ‘ưu tiên dành cho đội bay’ mà không cần phải xếp hàng như mọi người, dù những người này, theo anh nhìn nhận thì không phải là ‘đội bay’. Ngoài ra, anh còn kể rằng khi làm thủ tục giấy tờ cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhân viên người Việt cho biết nếu trả thêm “chi phí hành chính” (không có hóa đơn) thì hồ sơ sẽ được ưu tiên giải quyết nhanh và không phải xếp hàng.

Tôi cảm thấy giật mình trước câu hỏi của đối tác vì từ trước đến giờ, tôi cũng xem những việc như thế là bình thường trong xã hội, mà khi cần thiết thì chính tôi cũng làm vậy. Ví như khi có người nhà đau ốm cần đi bệnh viện, ngay lập tức tôi sẽ điểm lại các mối quan hệ của mình, xem có ai là y bác sĩ làm việc ở bệnh viện, hoặc có ai ‘gửi gắm’ để không phải xếp hàng và được ưu tiên. Hoặc mỗi khi cần làm lại giấy tờ như CMND, hộ chiếu, giấy phép lái xe v.v., thay vì phải bỏ ra nửa ngày để xếp hàng, tôi sẽ tìm ‘dịch vụ’ làm nhanh để tiết kiệm thời gian.

Thực tế là người nào càng có nhiều mối quan hệ thì càng ít phải xếp hàng. Tất nhiên đó là quan hệ với những người có vị trí và quyền lực, chứ không phải với đám bạn nhậu xuề xòa. Còn nếu không có quan hệ, thì chỉ cần sẵn lòng bỏ ra một chút tiền là có thể tiết kiệm được thời gian. Như vậy quan hệ (với người có chức, có quyền) hoặc tiền đều có thể thay thế được cho việc phải xếp hàng. Ở Việt Nam, những người được đánh giá là năng động và tháo vát thường là những người có khả năng làm nhanh các loại thủ tục ‘hành chính’ từ công chứng giấy tờ, xin học kể từ cấp mẫu giáo, tới làm sổ đỏ, vay vốn ngân hàng, giấy phép kinh doanh, hay đơn giản là chuyển bệnh nhân lên ca mổ sớm hơn… Tất cả đều có thể ‘thu xếp’ và không cần xếp hàng như những người khác. Tất nhiên vẫn có đám đông còn lại, là những người không có ‘quan hệ’, không biết cách ‘chen’, không có tiền để chi trả ‘chi phí hành chính’, hoặc đơn giản là họ không muốn làm thế, thì họ vẫn xếp hàng, vẫn đợi đến lượt của mình…

Có thể nói, chen ngang từ lúc nào đã trở nên phổ biến ở tất cả mọi nơi mà lẽ ra cần phải xếp hàng, từ trường học cho tới bệnh viện, từ các công sở giải quyết thủ tục hành chính cho đến những nơi công cộng ngoài xã hội… Chúng ta đã quá quen thuộc với việc vào giờ cao điểm luôn có những chiếc ô tô hay xe máy cố len lỏi, chen ngang lên phía trước thay vì đợi đi theo lượt, thậm chí cố vượt cả đèn đỏ hay leo lề. Chen ngang đã trở thành hành vi quen thuộc với rất nhiều người Việt Nam.

Điều không bình thường là khi thấy một ai đó chen ngang, mọi người trong xã hội hôm nay đều cho đó là bình thường!

Nghe nói ở nước Nga trước đây (thời Liên Xô cũ), họ tạo ra một hệ thống cửa hàng chuyên phục vụ cho các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Liên Xô, ở đó có đầy đủ các mặt hàng và đặc biệt là không phải xếp hàng. Tất nhiên, những người dân Nga bình thường còn lại thì vẫn phải xếp hàng thôi, bởi vì vào thời bao cấp thì gần như mặt hàng nào cũng hiếm, cũng thiếu.

Nói đến văn hóa xếp hàng, một ví dụ gần chúng ta là Singapore. Ai đã từng đến đây thì đều thấy hình ảnh phổ biến nhất là đi đâu cũng thấy người ta xếp hàng. Họ xếp hàng để đợi taxi, xếp hàng để mua cà phê và bữa sáng, xếp hàng để lên xe buýt, lên tàu điện MRT và kể cả khi đến nhà hàng sang trọng thì bạn vẫn cần xếp hàng ở bên ngoài, đợi nhân viên phục vụ dẫn vào bàn. Có nhận xét rằng “đặc sản” của Singapore là xếp hàng. Ở quốc đảo này, dù bạn có quen ai hay có bao nhiêu tiền thì bạn vẫn cần xếp hàng đợi đến lượt mình, không ngoại lệ.

Đi xa hơn về địa lý một chút, tại nước Nhật, sau thảm họa động đất xảy ra vào tháng 11/2016 ở tỉnh Kumamoto, trên đảo Kyushu, miền nam Nhật Bản, hàng trăm ngàn người dân phải sống cảnh đói rét trong nhiều ngày. Tuy nhiên, khi có xe hàng cứu trợ tới thì từng người dù già hay trẻ đều lần lượt xếp hàng trong trật tự, đợi đến lượt của mình, không có cảnh xô bồ tranh giật.

Hành vi chen ngang có thể mang tới cái lợi tiết kiệm thời gian cho một cá nhân hay một nhóm nhỏ những người có quan hệ hoặc có tiền, nhưng nó để lại một hậu quả lớn và lâu dài cho xã hội. Nó phản ánh một tình trạng bất bình đẳng, thiếu kỷ cương, thiếu văn minh và vô trật tự, tạo nên một hình ảnh rất phản cảm trong con mắt của bạn bè quốc tế mỗi khi họ đến Việt Nam. Điều đáng bận tâm hơn chính là với thế hệ trẻ, khi thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ và người lớn chen ngang ở mọi nơi và trong mọi việc, các cháu sẽ học theo và sẽ tìm cách để chen ngang trong việc học tập và các kỳ thi của mình. Sau này, khi bước vào môi trường làm việc, tất yếu sẽ tìm cách chen ngang để được thăng tiến và tìm ‘đường tắt’ để thành công… Điều đó thật là nguy hại cho tương lai của cá nhân đã đành, mà còn nguy hại cho tương lai của cả dân tộc!

Vậy nguyên nhân sâu xa của hành vi chen ngang là từ đâu? Tại sao chen ngang lại ít hoặc không xảy ra ở những quốc gia như Nhật Bản hay Singapore? Có hai nguyên nhân chính dẫn đến thói quen không tốt này.

Nguyên nhân thứ nhất là do người ta đã mất niềm tin vào sự công bằng ở chế độ xã hội, nơi có quá nhiều sự phân biệt đối xử, nơi mà những đặc quyền đặc lợi dành riêng cho một nhóm đối tượng có tiền, có quyền, có quan hệ, nơi mà hệ thống vận hành xã hội thiếu sự minh bạch và công khai, tạo kẽ hở cho sự nhũng nhiễu… Rất nhiều người sống trong xã hội này luôn cảm thấy bất an, nghi ngờ, từ đó vô thức hình thành phản ứng tự vệ theo kiểu ‘người không vì mình trời tru đất diệt’.

Nguyên nhân thứ hai là ý thức tự giác, lòng tự trọng của con người không được nuôi dưỡng một cách nghiêm túc từ khi còn nhỏ trong môi trường giáo dục nhà trường và gia đình, khiến nhiều người khi lớn lên không có một chuẩn mực đạo đức rõ ràng để chiếu xét. Từ đó hình thành quan niệm “coi việc chiếm tiện nghi của người ta là “thông minh”, coi gian xảo là có “năng lực lớn”… mọi giá trị dường như đều đảo lộn.

Như vậy, cách để giải quyết tâm lý thích chen ngang này nằm ở việc giáo dục hành vi và cách ứng xử trong xã hội mà mỗi người tham gia với tư cách là một thành viên. Một đứa trẻ được giáo dục từ nhỏ về việc cần có lòng tự trọng, biết suy nghĩ, quan tâm tới lợi ích của người khác trước, sẽ tôn trọng các quy tắc xếp hàng thay vì chen lấn để có được lợi riêng.

Đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn, một xã hội cần được vận hành một cách công bằng và minh bạch. Làm sao cho tại cửa khẩu, trên bàn thủ tục, đằng sau cánh cửa bác sĩ hay thậm chí tại cơ quan thanh tra, kiểm toán… không có lót tay, mỗi người đều có ý thức hoàn thành phận sự của mình. Một hệ thống lấy cải tiến và thanh liêm làm giá trị sẽ không làm nảy sinh tâm lý “lối tắt”, mà thường đi đôi với nó là sự thiếu trách nhiệm và tư lợi, tham nhũng và cửa quyền – những điều tất yếu sẽ khiến hệ thống trở nên suy đồi, khiến con người dần bị đánh mất nhân cách mà không tự nhận biết.

Hoàng Minh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn