Đọc báo Nhân Dân ở Việt Nam

Thứ Tư, 04 Tháng Tư 20189:00 CH(Xem: 7859)
Đọc báo Nhân Dân ở Việt Nam

Ai đã từng sống ở Việt Nam đều biết tờ nhật báo Nhân Dân (cơ quan chủ quản là Trung ương đảng cộng sản Việt Nam) chưa bao giờ có mặt trên các sạp báo, nên thường dân Việt Nam chẳng mấy ai biết trên thế gian này có tồn tại một tờ báo có tên là Nhân Dân.

doc-bao-nhan-dan-o-viet-nam

Ngay cả cơ quan công an cũng không có báo Nhân Dân. Hàng tuần, báo ngành của Bộ Công an theo đường văn thư chuyển xuống phòng Tham mưu tổng hợp (gọi tắt là Văn phòng), ở đây họ chia nhỏ ra, cuốn thành từng cuốn, ghi tên từng đơn vị lên cuốn báo, người của các đơn vị qua đó nhận, gởi thư từ thì cứ thấy cuốn nào ghi tên đơn vị mình thì lấy đem về.

Tôi bắt đầu biết được báo Nhân Dân là thời gian tôi làm việc ở Sở Du lịch – Thương mại tỉnh Bạc Liêu. Số là kinh phí mua báo của các cơ quan trực thuộc tỉnh cuối năm thì Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ duyệt cho ngân sách tiền mua báo cho năm mới. Công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh gởi tới Sở ghi rõ ràng sẽ duyệt cho Sở này, Sở này mỗi tháng từng này tiền mua báo, trong đó bắt buộc phải mua một tờ báo của đảng cộng sản phát hành (ghi rõ luôn là Nhân Dân hoặc của tỉnh), số tiền còn lại muốn đặt mua báo nào trong nước tùy ý. Giám đốc Sở lúc đó giao cho tôi “tàn quyền” quyết định mua báo gì.

Tôi mới “họp” mấy đồng sự thường xuyên sáng nào cũng ngồi uống nước trà đọc báo trong cơ quan lại hỏi ý kiến. Ai cũng nói làm sao tìm cách mua cho được nhiều tờ báo khác mà đọc, chớ đọc báo đảng chán lắm, toàn ba cái nghị quyết chớ có gì mà đọc. Tôi bàn với họ thế này: “Tờ Nhân Dân nó ra mỗi ngày, in giấy khổ lớn nên mắc còn hơn tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ nữa. Báo Bạc Liêu cũng là báo đảng của tỉnh, mỗi tuần ra 3 kỳ, mỗi kỳ có chút xíu, bán giá một ngàn đồng, giá tiền tờ báo rẻ mà không phải mua mỗi ngày, tính ra một tháng trả tiền báo Bạc Liêu ít lắm, như vậy mới dư tiền mua báo khác”. Mọi người giơ tay nhất trí đặt tờ Bạc Liêu, coi như giải quyết xong “nhiệm vụ đọc báo đảng”. Bàn qua, bàn lại, cuối cùng đồng ý mua thêm báo Thanh Niên, báo Pháp Luật TPHCM, báo Phụ Nữ TPHCM. Xong, viết đề nghị đưa lên Giám đốc ký, ổng đọc qua một lượt, hỏi tại sao không đặt báo Nhân Dân, tôi giải thích lý do thì ổng ký cái rụp luôn.

Thời gian tôi ở Sài Gòn, bọn an ninh thành phố Hồ Chí Minh chúng bày đủ trò sách nhiễu, đàn áp, tôi biết sớm hay muộn gì chúng nó cũng “hốt” tôi, nên tôi tìm đọc các quy định luật pháp về tạm giữ, tạm giam, thi hành án trước. Vì vậy, tôi mới biết quy định báo Nhân Dân cấp free cho tù nhân đọc, trại giam phải có trách nhiệm mở đài phát thanh cho tù nhân nghe tin tức sáng chiều mỗi ngày, mỗi lần một tiếng đồng hồ.

Nghiên cứu trước luật về ở tù không bao giờ thừa. Đó là lý do tại sao tôi ở trong tù lúc nào không vui thì “chửi giải trí” đám cai tù mà chúng nó không làm gì được mình, còn người khác hả họng ra nói vài câu đã bị nhốt xà lim kỷ luật. Ngày thường để ý quan sát những điều bọn cai tù làm trái quy định pháp luật trong tù, cứ nhè ngay cái mụt nhọt đó mà khui ra chửi ầm lên thì bọn chúng phải năn nỉ tôi “hạ hỏa”, đáp ứng đòi hỏi của tôi, để tôi la làng hoài tù thường phạm biết quy định, lại bắt chước đòi hỏi y như tôi thì chúng lấy mo bó mặt lẫn bó mỏ.

Trở lại chuyện báo Nhân Dân trong tù, quy định là vậy, nhưng trại giam nó không bao giờ phát xuống cho tù nhân đọc. Mà có phát cũng chẳng ai thèm đọc, bởi trình độ tù thường phạm (nhiều nhất là án ma túy) chỉ ở hàng “đá cá lăn dưa”, “không quan tâm chính trị”, cán bộ đảng viên còn chán không đọc nổi báo Nhân Dân thì tù nhân làm sao đọc nổi, nên chẳng có tù nhân nào đòi hỏi đọc báo Nhân Dân trong tù cả. Chỉ có mỗi một mình tôi đi qua sáu trại giam từ Nam ra Bắc, thì điều đầu tiên khi mới đến trại là đòi ngày mai phải đưa báo Nhân Dân cho tôi.

Mấy đứa bạn tù không đọc báo Nhân Dân, nhưng thấy tôi lên phòng Tự quản lấy báo là tụi nó đều nhắn nhủ (nếu thân mật với tôi): “Chị lấy báo cho em với”. Tôi hỏi: “Mày không đọc báo thì lấy làm gì?”. Đứa thì nói: “Tờ báo đó khổ rộng, để trải ra dọn cơm ăn”, đứa khác lại nói: “Để em phơi cá khô”, đứa khác nữa lại nói: “Em đốt nướng khô mực”… Nói chung là bọn nó có hàng đống lý do để “xin” báo Nhân Dân, nhưng không phải để đọc, còn tôi thấy nhu cầu nào “chính đáng” thì tôi đều “giải quyết” hết. Thời gian sau này, muốn gia nhập vào WTO, cộng sản Việt Nam phải mất hơn mười năm để sửa phần lớn luật Việt Nam cho phù hợp luật quốc tế thì mới được bọn “tư bản giãy chết” chấp nhận là thành viên WTO, dĩ nhiên luật về giam người không ngoại lệ. Các trại thi hành án đều cho phép người nhà tù nhân gởi giấy vệ sinh cuộn vô cho tù nhân, nếu gia đình nào không gởi giấy mà tù nhân có tiền được căn-tin trại giam bán giấy vệ sinh. Nếu không thì dám có đứa trả lời: “Để chùi đít” lắm à.

Trước khi tôi bị bắt vô tù cộng sản, tôi có viết bài “ ‘Bí kíp’ đọc báo ‘lề phải’ ” đăng trên tờ Người Việt (Nam Cali) ngày 24/06/2011, đoạn mở đầu như sau:

Nếu đang ngồi trước computer nối mạng Internet, bạn sẽ có điều kiện xác định sự thật (của vụ việc đăng trên báo “lề phải”) rất dễ dàng bằng cách tra cứu, đối chiếu với nhiều nguồn tin, với những tờ báo, website trong và ngoài nước có bề dày uy tín chuyên đăng tải thông tin trung thực rõ nguồn gốc.

Sống trong một xã hội mà báo chí không phải là cơ quan truyền thông cung cấp những thông tin trung thực, khách quan đa chiều cho người đọc, mà đơn giản báo chí chỉ là một thứ công cụ tuyên truyền mị dân, “định hướng dư luận” theo hướng ca ngợi “chính nghĩa sáng ngời” của đảng cầm quyền, ca ngợi nhà cầm quyền và bưng bít thông tin khi thông tin đó có thể có lợi cho nhân dân, nhưng không đem lại lợi ích cho nhà nước; thì việc tìm hiểu sự thật khi đọc báo cũng là một công việc hết sức khó khăn.

Nó đòi hỏi người đọc phải có kinh nghiệm và tầm nhìn xa để nhìn thấu đàng sau từng con chữ trên tờ báo nhằm nắm bắt được sự thật khách quan, để lật tẩy được trò mập mờ chữ nghĩa của các tay bút nô có thẻ nhà báo.

Nhưng nếu bạn chỉ có duy nhất trong tay tờ báo in “lề phải” thì bạn làm cách nào để biết được sự thật từ cái “công cụ tuyên truyền” này?

Sau đây là một số “bí kíp” giúp cho bạn đọc báo (và thấy, hiểu) báo “lề phải” như sau:…” và liệt kê ra hàng loạt cách “nhận dạng sự thật” trên báo chí ở Việt Nam.

Trong tù, tôi đọc báo Nhân Dân cũng theo nguyên tắc đó. Tôi biết Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chọn tôi là một trong số mười người được vinh danh “Phụ nữ can đảm thế giới” nhờ báo Nhân Dân đăng bài chửi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ “ngu xuẩn, mù quáng trao giải cho Tạ Phong Tần là một kẻ phạm tội đang thi hành án trong tù”. Tôi đọc bài báo Nhân Dân chửi bà Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn (Tiểu bang Cali), chửi ông Nguyễn Đình Thắng (Giám đốc BPSOS) thì biết hai người này chống cộng sản và đã làm nhiều việc khiến cộng sản tức hộc máu mồm, nhất định tôi phải nói lời cám ơn họ nếu có cơ hội. Tôi thấy báo Nhân Dân đăng bài khen Nguyễn Phương Hùng, Nguyễn Ngọc Lập thì tôi biết cộng đồng tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại chửi hai tên cựu VNCH phản thùng này hơn người Việt chửi chó. Tôi thấy báo Nhân Dân thường xuyên đăng bài của Hồ Ngọc Thắng (không ghi địa chỉ rõ ràng, chỉ ghi viết từ Cộng Hòa Liên Bang Đức) thì tôi hiểu tên này tuy đang ở Đức nhưng làm việc cho cộng sản. Tôi thấy báo Nhân Dân đưa tin về giàn khoan Hải Dương 981 thì tôi biết ở ngoài dân Việt đang biểu tình chống Trung cộng rần rần, v.v…

Nói túm lại là, báo Nhân Dân của “đảng ta” cũng có “lợi” cho tù nhân phải không quý vị?

TPT

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn