Gỗ chảy về nhà quan, lũ chảy về nhà dân

Thứ Bảy, 11 Tháng Mười Một 201710:00 SA(Xem: 8545)
Gỗ chảy về nhà quan, lũ chảy về nhà dân

Đinh Lực

lu-lut-e1510114671271
ĐBND - Chưa khi nào, mà trong 2 năm trở lại đây những trận lũ lịch sử lại diễn ra nhiều và liên tục đến như thế. Chuyện con nước lũ không phải là câu chuyện của riêng một tỉnh thành nào nữa, mà những trận lũ đã trải dài dọc khắp các miền Bắc – Trung – Nam. Những cơn lũ từ đâu mà dữ dội và hung tợn đến như thế? Liệu có phải từ những bạt ngàn cánh rừng kia đã bị phá hủy?

Lũ chảy về nhà dân

Cứ hết trận lũ lịch sử này rồi đến trận lũ lịch sử khác, chẳng khác gì cái cảnh vận động viên thể dục thể thao phá vỡ kỷ lục. Chưa năm nào, cái từ “trận lũ lịch sử” lại được lặp đi lặp lại nhiều trên cả nước đến vậy.

Ngày hôm nay lũ ở Yên Bái, mai đã thấy người dân Nghệ An sống trong cảnh lũ, ngày kia đã thấy Hội An ngập dưới 1 mét nước… Số người chết, người mất tích vì lũ cũng từ đấy mà tăng dần theo ngày, theo tháng. Số tài sản bị mất đi thì cũng không thể đếm được, hàng ngàn chuyến xe tình nguyện cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chứ không thể giúp người dân khắc phục hết những cơn lũ.

Tại sao mà những cơn lũ ngày hôm nay trở nên hung bạo, khốc liệt và “lạnh tanh” với con người như thế? Tại sao nếu trước đây, lũ từ thượng nguồn chảy về hạ lưu phải mất tới hàng chục giờ, còn ngày nay con số đó chỉ mất khoảng vài giờ? Nhưng nguy hiểm hơn là người sống ngay bên bờ sông, con suối của rừng thì giây phút sinh tử chỉ tính bằng phút.

Có phải vì chính con người đã “lạnh tanh” với rừng trước? Chính những cuộc phá rừng, khai thác gỗ, làm thủy điện là nguyên nhân chính của con người đã vô tình “xây cao tốc” cho đường đi của nước lũ.

Chúng ta không thể đổ lỗi cho thiên tai được, tất nhiên là thời gian gần đây mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Mưa lớn thì sẽ xảy ra lũ, nhưng chắc chắn mức độ sẽ giảm nếu còn những cánh rừng nguyên sinh giúp giữ nước, giữ đất làm chậm tốc độ nước chảy xuống hạ du.

Tất cả những đứa trẻ sinh ra và lớn lên đều được dạy rằng: Việt Nam là một nước có rừng vàng, biển bạc. Rừng chính là vàng, là nguồi tài nguyên, sản vật quý giá đối với cuộc sống của con người, nên rừng cũng là tài sản để sinh ra lòng tham cho một số kẻ.

Rồi từ đó để lại sau lưng và cái giá của lòng tham đó chính là sinh mệnh con người. Chỉ tính từ giữa tháng 6 tới nay, ảnh hưởng của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất làm 148 người chết và mất tích, con số thiệt hại lên tới 3.000 tỷ đồng. Riêng trận lũ lịch sử ở khu vực Tây Bắc tháng 10 vừa qua đã làm 73 người chết (vụ sạt lở đất tại tỉnh Hòa Bình đã chôn vùi 18 người), 30 người mất tích, 33 người bị thương.

Các cụ xưa có câu: “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, sự chiêm nghiệm và bài học của người xưa quả là chính xác. Nhưng chỉ có trách một điều là, những kẻ “ăn của rừng” đã làm liên lụy đến những người dân vô tội.

Còn Nguyễn Trãi thì nói: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật”, họa phúc của hôm nay đâu phải là nguyên nhân của ngày một, ngày hai. Họa của “thiên nhiên nổi giận” là lòng tham của con người đã dồn nén vào cánh rừng, vào những hồn thiêng của gỗ rừng bị chặt phá bao năm qua.

Có thể chúng ta không hề biết rằng, sự sụp đổ của Angkor và đế chế của người Maya đều là do biến đổi khí hậu, đều liên quan đến chặt phá rừng. Đó là bài học của người xưa, là bài học về xương máu, về sự tồn vong của cả một dân tộc vào ngày mai, chứ không phải là của một nhóm sinh mệnh con người ngày hôm nay.

Gỗ rừng chảy về nhà quan

Trải dài khắp đất nước hình chữ S này có tới hơn 2.360 con sông lớn nhỏ, có tới ¾ diện tích là đồi núi. Là một điều kiện tự nhiên rất tốt để phát triển ngành nông nghiệp, nhưng thử hình dung mà xem chúng ta đã và đang đối sử với thiên nhiên như thế nào?

Các con sông là mạch máu của thiên nhiên thì bị đào bới, hút cát, chặn dòng sông xây thủy điện… đây là những nguồn lợi khổng lồ, tới mức có cả hệ thống chính quyền muốn ăn chia khoản lợi nhuận này.

Chẳng hạn như những kẻ tham gia vào vụ cát tặc ở Bắc Ninh đều có liên quan đến quan chức của tỉnh, đến mức mà to như ông chủ tịch tỉnh cũng phải cầu cứu Chính phủ vì “không chống nổi” lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ tỉnh.

Còn những cánh rừng của Tây Bắc, Đông Bắc, khu vực miền Trung – Tây Nguyên… vốn là tấm da của thiên nhiên, là sự bao bọc của tự nhiên đối với con người. Nhưng từ khi nào mà những cánh rừng đó bị khai thác, chặt phá đến mức quặn đau và khô cháy?

Có trách, nên trách lòng người – trách lòng tham vô đáy của những con người, những vị cán bộ, kiểm lâm. Cái “khát máu rừng” đến mức Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị – ông Khổng Trung, đã cần tới hơn 80m3 gỗ để làm biệt phủ. Trong đó hầu hết là các loại gỗ quý, hiếm như: lim, gõ, chua, trường…

Cái tên gọi “phủ ông Quang” có lẽ không phải là điều xa lạ đối với người dân huyện Ea Súp (Đắk Lắk). Giữa một huyện thuộc vùng xâu, vùng xa của tình, dân cư thì thưa thớt, đói nghèo, mà lại xuất hiện một căn biệt phủ toàn là gỗ của ông Trần Ngọc Quang – nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Là một lực lượng kiểm lâm, chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên rừng. Vậy mà lãnh đạo kiểm lâm huyện An Lão (Bình Định) vô tư nói “không biết” với 43ha rừng tự nhiên bị tàn phá tan hoang. Sự vô cảm của con người, hay chính xác hơn là sự thờ ơ của đội ngũ quản lý.

Hơn hết, hậu quả của nạn phá rừng với những trận lũ lịch sử khiến cơ ngơi của người dân bỗng chốc mà tiêu tan. Còn với những biệt phủ của quan chức chuyên “khát máu rừng” thì lại chẳng hề gì. Chẳng hạn như tại Yên Bái vừa qua phải chịu 2 trận lũ lịch sử vào tháng 8 và tháng 10 vừa qua, ấy vậy mà biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý – nguyên Giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái lại chẳng hề gì.

Hay rừng nguyên sinh ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), là món lợi khổng lồ cho giới quan chức của thành phố. Lợi ích nhóm đã ăn sâu, bán rễ còn chặt hơn cả những cây gỗ lâu năm, chúng tìm mọi cách để hợp thức hóa những dự án trái luật ở Sơn Trà để có thể thu về lợi nhuận cho riêng mình.

Tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Với quyết tâm đóng cửa rừng ở 60 tỉnh trên cả nước (trừ 3 tỉnh không có rừng), bao gồm cả TP HCM và Hà Nội.

Có thể nói, đây là cơ sở để phát triển lên những chiến lược thực tế và hiệu quả hơn nữa, nhằm bảo vệ và mở rộng diện tích rừng. Đặc biệt, chúng ta hoàn toàn có thể bảo vệ được diện tích rừng đã mất và từ đó giảm được tình trạng lũ lụt kéo dài do ảnh hưởng của khí hậu, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn