Trái tim có răng của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thứ Hai, 10 Tháng Tư 202311:41 SA(Xem: 1596)
Trái tim có răng của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
rfa.org

Trái tim có răng của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bình luận của Nguyễn Hồng

Ngày 25/1/2020, trong cao điểm dịch bệnh COVID trên thế giới, báo chí Việt Nam đồng loạt đăng tin về các chuyến bay giải cứu:

-“Với quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, tinh thần “bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, trong bối cảnh dịch bệnh gây ra sự phong tỏa tại hàng loạt quốc gia, công tác bảo hộ công dân tại các cơ quan đại diện vẫn được ưu tiên hàng đầu, trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất, nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đảm bảo sức khỏe cho bà con, đưa những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trở về quê hương”.

-“Chỉ ba ngày sau khi ca bệnh COVID-19 đầu tiên trên thế giới được phát hiện, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức chủ động triển khai công tác bảo hộ công dân tại các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bộ ngoại giao là đơn vị đầu sóng ngọn gió thực hiện nhiệm vụ này nên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng coi công tác này không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là “mệnh lệnh đến từ trái tim”.

“Không ai có tiền mà bị bỏ lại phía sau”

Vâng, y học thế giới sẽ phải dựng ngược mắt lên để ghi vào y văn thế giới ca vô tiền khoáng hậu này. Bởi vì thực tế đã chứng minh trái tim của Thứ trưởng Bộ ngoại giao Tô Anh Dũng không chỉ có răng, mà răng của ông còn dữ tợn hơn răng cá mập. Sức nhai nuốt của nó thật kinh thế hãi tục: chỉ trong vài tháng “giải cứu” người dân Việt Nam bị kẹt lại ở các quốc gia đang bùng dịch, trái tim ông Dũng đã nhai nát 21,5 tỷ đồng. Nếu quy ra gạo ST 25 trung bình khoảng 35.000 đ/kg thì trái tim thiên đường này ngốn hết 614 ngàn tấn. Nếu chứa đầy trên các container loại 20 feet, sức chứa 25 tấn thì được một đoàn 2.500 container.

Là tim đấy! Nên vẫn còn may cho dân Việt Nam quá. Chứ nếu ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát đi mệnh lệnh từ cái dạ dày thì cái hang Sơn Đoòng chỉ có vừa khóc vừa chắp tay nhường.

Đại án Chuyến bay giải cứu cứ như Hoa Sơn luận võ, chốc lát đã quy tụ được toàn tinh anh trong các ngành và cơ quan to thuộc loại nhất nước: Trợ lý Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ. Bộ Ngoại giao có hai thứ trưởng, Cục Lãnh sự có Cục trưởng, Cục phó, Chánh văn phòng, Phó phòng bảo hộ công dân. Công an có nguyên thiếu tướng, Phó giám đốc Công an Hà Nội, Trưởng phòng điều tra Cục an ninh, Bộ Công an. Cục Hàng không có Phó phòng vận tải hàng không, cán bộ Cục quản lý xuất nhập cảnh. Bộ Y tế có thư ký thứ trưởng. Bộ Giao thông Vận tải, Ban Đối ngoại trung ương có các chuyên viên. Chính quyền có Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và TP Hà Nội. Các cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Lãnh sự Việt Nam tại Nhật Bản, Malaysia, Nga, Angola…

Với sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng như một, các cách làm sáng tạo, tiên phong, được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, các đồng chí nói trên đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ bảo… quản túi tiền của các công dân Việt Nam đang sống xa tổ quốc, với quyết tâm “Không ai có tiền mà bị bỏ lại phía sau”.

toanhdungbocongan.jpeg
Từ trái qua: Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, ông Phạm Trung Kiên - thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Vũ Anh Tuấn - cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an. Hình: Bộ Công An

Vụ làm ăn để đời

Năm 2021, khi những chuyến bay giải cứu đầu tiên được thực hiện, dân Việt Nam đang có con đi du học, đi chơi hoặc đi làm ăn, công tác bị kẹt lại nước ngoài run bần bật. Hàng ngày báo chí nội địa đưa những hình ảnh bệnh nhân nằm xếp lớp, thi thể phải bỏ trong container giữ lạnh la liệt ngay bên bệnh viện vì không kịp thiêu. Ai cũng rởn óc. Cho nên mặc dù tiền vé khoảng gấp đôi ngày thường nhưng không dễ gì mua, thì họ vẫn sẵn lòng bỏ ra, miễn được về Việt Nam sớm để giữ mạng và tiết kiệm chi phí lưu trú,

Thời điểm đó, khi bị chất vấn về lý do tiền vé quá cao, các hãng bay “khẳng định chuyến bay giải cứu là đặc thù, phát sinh nhiều chi phí và những quy định khắt khe về phòng chống dịch nên giá vé bị đội lên rất nhiều”. Chẳng hạn toàn bộ chiều đi là máy bay trống nên giá vé chiều về phải bù cho hai chuyến. Hay sau khi tham gia chuyến bay giải cứu thì toàn bộ phi hành đoàn phải ngừng việc tối thiểu 14 ngày để cách ly, toàn bộ chi phí do hãng chi trả. Máy bay phải ngừng hoạt động 2-3 ngày để bảo dưỡng, thay màng lọc khử khuẩn và khử trùng toàn bộ trước khi bay trở lại…v.v

Các lý do nghe đều rất có lý, rất dễ được chấp nhận. Thậm chí những người Việt Nam đầu tiên được về trên các chuyến bay giải cứu hay các chuyến bay combo (công dân tự trả toàn bộ chi phí) còn nức nở xúc động và vô cùng biết ơn các cơ quan ban ngành đã “ngạo nghễ” bay thẳng vào tâm dịch để cứu đồng bào về nhà.

Nhưng sự thật là “hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay combo nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 nhóm đơn vị triển khai, số còn lại cho mượn pháp nhân hoặc đứng ra xin cấp phép rồi nhượng quyền tổ chức. Khi các doanh nghiệp được cấp phép, một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thỏa thuận, yêu cầu chia lợi nhuận theo từng chuyến bay hoặc chi tiền theo số công dân được về nước, thu tiền của công dân vượt quy định. Ở trong nước, các cá nhân tại Bộ Ngoại giao không chỉ nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp để chấp thuận cấp phép mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp chưa chi tiền, từ đó tạo ra "thị trường" mua bán giấy cấp phép chuyến bay và sang nhượng quyền được tổ chức chuyến bay.

Các cá nhân tại Vụ Quan hệ quốc tế (Văn phòng Chính phủ) và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã lợi dụng vị trí làm việc để đề xuất thẳng lên lãnh đạo Chính phủ duyệt chủ trương cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp thân quen, bỏ qua quy trình giám sát, thẩm định.

Để có tiền "bôi trơn", các doanh nghiệp đã nâng giá vé máy bay và chi phí phát sinh.” (theo báo cáo điều tra của cơ quan công an).

-Từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị cáo buộc nhận hối lộ 37 lần, tổng cộng 21,5 tỷ đồng.

-Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan bị cáo buộc nhận hối lộ 33 lần, tổng cộng hơn 25 tỷ đồng.

-Thiếu tướng, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội bị cáo buộc nhận hơn 61 tỷ đồng để chạy án giúp hai doanh nghiệp không bị xử lý hình sự trong vụ án.

-Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận hai tỷ để ký chấp thuận cho cách ly trên địa bàn.

-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận năm tỷ với hành vi tương tự.

-Ăn dữ nhất là thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị cáo buộc nhận hối lộ 251 lần, tổng cộng 42,6 tỷ đồng chỉ từ tháng 9/2021 đến đầu năm 2022. Trong đó có 20 lần nhận hối lộ ngay tại trụ sở Bộ Y tế.

-Cục phó Cục quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) nhận gần tám tỷ. Phó phòng tham mưu nhận hơn 27 tỷ. Một cán bộ nhận hơn chín tỷ.

Tổng cộng có 21 cán bộ của năm bộ, hai địa phương đã nhận hơn 180 tỷ đồng của các doanh nghiệp để bán giấy phép, bán chỗ trên các chuyến bay giải cứu hoặc combo. Ngoài ra còn có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra trong quân đội nên cơ quan điều tra đã tách hành vi, chuyển hồ sơ để Bộ Quốc phòng xử lý theo thẩm quyền.

2020-08-08T033058Z_2077706943_RC2F9I9HY171_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-ASIA.JPG
Công dân Việt Nam chờ lên máy bay ở sân bay Changi, Singapore về nước hôm 7/8/2020. Reuters

Đạo lý sáng ngời

Khi Thứ trưởng Dũng ăn hối lộ theo mệnh lệnh từ trái tim, thì một thứ trưởng cũng của Bộ Ngoại giao, đồng thời là cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Vũ Hồng Nam, cũng có tấm lòng bát ngát. Năm 2020, khi các chuyến bay giải cứu bắt đầu diễn ra, Đại sứ Nam bày tỏ với báo chí: “Công việc của các cán bộ sứ quán trong thời gian qua vô cùng bề bộn và căng thẳng. Cán bộ trực bảo hộ công dân trực điện thoại 24 giờ các ngày trong tuần. Nhưng mỗi cuộc nói chuyện, mỗi email trả lời cho công dân có ý nghĩa quý giá, giúp cho những người Việt Nam xa nhà yên tâm hơn”.

Đến đầu năm 2023, Công an cáo buộc Đại sứ Nam nhận hối lộ 1,84 tỷ đồng trong thời gian vô cùng bề bộn và căng thẳng đó.

Dân Việt ở nước ngoài nghiến răng vì sứ quán đã lâu, nhưng đại án lần này như dàn đèn pha cực mạnh, lòi tói lắm gương mặt đen ngòm. Sứ quán Việt ở Malaysia có pha ăn trên đầu của 1.891 người Việt mãn hạn tù với giá vé cao gấp chín lần ngày thường. Phí làm hộ chiếu mới thì gấp ba lần mức quy định. Gần 2.000 công dân này là người lao động nhập cư, nhập cư trái phép, lao động trái phép và ngư dân Việt. Họ là khách quen của nhiều trại tù trên khắp Malaysia nhưng do hoàn cảnh đặc biệt, họ không có cơ hội nói lên các vấn đề của mình và sứ quán là cứu tinh gần như duy nhất của họ.

Tại Nga, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam vòi phải được đút tiền mới đưa các học sinh, sinh viên Việt Nam vào danh sách trên các chuyến bay về nước.
Năm 2020 khi đang bùng dịch, cũng trên báo chí, vị này cho biết bộ phận này và các cơ quan liên quan của Nga “đã rất kịp thời hỗ trợ cho lưu học sinh Việt Nam”.

Nên chăng tổ chức một “chuyến bay giải thoát”

Những người viết lịch sử Việt Nam hiện đại sẽ có rất nhiều điều thú vị để nghiên cứu. Những đại án thời kỳ này không còn là hiện tượng tham nhũng cá nhân mà đã là tham nhũng tập thể. Nó được tổ chức bài bản và chặt chẽ, số lượng người thuộc các ngành và cơ quan liên quan rất rộng lớn, hành vi thuần thục và công khai, phân chia lớp lang làm ăn đâu ra đấy như một công cuộc kinh doanh thật sự. Chúng ra mặt nhũng nhiễu để vòi tiền, và khi vòi được thì có thể nhận tiền ở khắp nơi, trong công sở, trên xe đậu ngay trước cửa cơ quan,  tại quán cà phê, nhà hàng, nhà riêng, và đặc biệt lặp đi lặp lại hàng trăm lần với vài chục người đưa hối lộ. Với số lần nhận tiền và số người đưa hối lộ đông đảo đến vậy, khả năng bại lộ là rất lớn, thế nhưng chúng thực hiện tội phạm rất mặc nhiên và gần như chẳng thèm che giấu.

Tính chất của đại án này đã không còn là sự lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Nó chính là sự công khai khinh rẻ pháp luật đến tận cùng.

Nó cũng chứng minh cho người dân thấy một số vị quan chức luôn tự xưng là công bộc của dân có thể trơ trẽn đến mức độ nào.

Nghiên cứu về tâm lý học tội phạm phân tích sự khác nhau giữa người bình thường và kẻ phạm tội có đoạn: “Khi nhận ra hậu quả từ những gì mình làm, chúng ta sẽ hối hận về những tổn hại đã gây ra. Ngược lại, tội phạm rất cương quyết. Khi theo đuổi một mục tiêu, chúng không để ý đến các tác động chung quanh từ hành vi của bản thân. Chúng coi người khác như những con tốt có thể thao túng. Chúng có thể sử dụng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích.

Khi so sánh về những người lương thiện và tội phạm, cả hai đều có thể mong muốn sự giàu có, nhưng chỉ có một người làm việc kiên trì và trung thực để đạt được nó. Tội phạm tin rằng anh ta có quyền giàu có bằng mọi cách, không quan tâm đến việc ai bị tổn thương và sau đó anh ta muốn có được nhiều hơn nữa. Tội phạm thường nói đạo lý trước những công việc nặng nhọc, sự liêm chính và trách nhiệm, nhưng hành động lại chứng tỏ ngược lại.”

Cho dù có vào tù thì với trình độ hiểu biết của các vị tham nhũng này, họ sẽ ngoan như cún, chấp hành cun cút các quy định trong trại để hưởng nhiều lần giảm án. Tiền thì tẩu tán khắp nơi rồi, thu hồi lại thế nào được. Thôi xem như đổi nơi cư trú, vào tù vận động nhiều, ăn uống lành mạnh, lại khỏi hết các bệnh thừa mỡ, tiểu đường, vài năm sau ra tù lại làm người tử tế.

Nên để giải quyết cho triệt để lại đỡ tốn tiền nuôi tù, xin hiến cụ Tổng giải pháp như cư dân mạng Việt Nam bình luận: nên chăng tổ chức một chuyến bay giải thoát cho dân tộc Việt Nam khỏi tập đoàn tham nhũng hùng hậu này? Chất hết lên, bay ra biển và thả … tự do từ máy bay xuống!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn