Vì kênh livestream 'Nói thực bằng TV', hai vợ chồng bị tù

Thứ Năm, 30 Tháng Ba 20233:56 CH(Xem: 1613)
Vì kênh livestream 'Nói thực bằng TV', hai vợ chồng bị tù

Ông Nguyễn Thái Hưng và vợ, Vũ Kim Hoàng

Nguồn hình ảnh, Vu Kim Hoang

Chụp lại hình ảnh,

Ông Nguyễn Thái Hưng và vợ, Vũ Kim Hoàng

Toà án Nhân dân tỉnh Đồng Nai vừa tuyên sáu năm tù đối với vợ chồng ông Nguyễn Thái Hưng, chủ kênh YouTube 'Nói bằng thực TV' với tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước..." theo Điều 331, Bộ luật Hình sự.

Như vậy, tòa phúc thẩm hôm 29/2 đã giữ nguyên bản án sơ thẩm tuyên vào tháng 11 năm ngoái. Ông Nguyễn Thái Hưng bị bốn năm tù và vợ ông bà Vũ Kim Hoàng bị hai năm sáu tháng tù.

"Tôi đang chờ chính quyền gọi thi hành án. Chắc sẽ sớm thôi." bà Kim Hoàng nói với chúng tôi từ Đồng Nai.

Cả hai vợ chồng ông Hưng bị bắt ngày 5/1/2022 ngay khi ông Hưng đang livestream trên kênh YouTube 'Nói bằng thực TV" có 40,000 người theo dõi về vấn đề xe chính chủ. Bà Hoàng được tại ngoại sau bốn tháng tạm giam.

Video sự việc được ghi lại cho thấy ông Hưng đang livesteam thì có tiếng kính vỡ loảng xoảng, tiếng la lối, sau đó có tiếng quát lớn 'Đứng yên', và bóng áo cam ập vào.

Dự án 88 (The Project 88), một tổ chức phi chính phủ ủng hộ tự do ngôn luận tại Việt Nam, thuật lại sự việc này trên website rằng hai con ông Hưng bị một số người mặc đồng phục ngành điện màu cam đưa ra trước nhà để thẩm vấn - và rằng điều này hoàn toàn 'trái pháp luật'.

Cho tới lúc bị bắt đi, gia đình ông Hưng không hề nhận được lệnh khám nhà, theo lời bà Hoàng và Dự án 88.

'Chỉ muốn đất nước tốt đẹp hơn'

Trong chia sẻ với BBC, bà Hoàng cho biết bà làm thợ may đã 30 năm, còn ông Hưng trước đó là thợ sửa chữa điện tử.

Ông Nguyễn Thái Hưng và vợ, bà Vũ Kim Hoàng trong phiên phúc thẩm ngày 29/3/2023 tại Đồng Nai

Nguồn hình ảnh, Báo Đồng Nai

Chụp lại hình ảnh,

Ông Nguyễn Thái Hưng và vợ, bà Vũ Kim Hoàng trong phiên phúc thẩm ngày 29/3/2023 tại Đồng Nai

Là một gia đình công giáo, ngoài giờ làm, ông Hưng có niềm vui livestream thảo luận về các sự kiện thời sự trong nước. Trong khi bà Hoàng nói bà không tham gia cùng chồng mà chỉ lo việc làm may, chăm sóc con và cha mẹ già.

Tòa án kết tội bà với lý do bà đóng vai trò người giúp sức chồng bằng cách cho mượn tài khoản ngân hàng, máy tính xách tay và cung cấp chỗ ở.

Về kết quả phiên phúc thẩm, bà Hoàng nói dù đã đoán trước, nhưng bà vẫn thấy buồn.

"Có những yếu tố có thể xem xét giảm nhẹ như tôi đang nuôi bố mẹ già đau yếu và hai con nhỏ, bản thân tôi cũng đang điều trị bệnh, thân nhân tốt, là gia đình có công… Nhưng họ cũng không hề xem xét…"

"Họ không báo trước, chưa từng có giấy triệu tập hay nhắc nhở chúng tôi đã làm sai cái gì. Bỗng nhiên một ngày họ ập tới bắt cả hai vợ chồng,"

Sự việc này khiến gia đình bà Hoàng bị rơi vào thế 'cô lập'. Tiệm may của bà trước đa phần khách là giáo viên, nay không ai tới trừ những khách ở xa 'dũng cảm' lắm - bà Hoàng kể lại.

Con lớn của bà vừa ra trường, nhưng không xin được việc vì lý lịch gia đình 'có vấn đề'. Con bé đang học lớp 12, nhưng gia đình đang tính chuyện cho nghỉ tạm một năm vì những biến cố vừa xảy ra, bà nói thêm.

"Trước đây có những chuyện ngoài xã hội khi xảy ra tôi thường chỉ biết hỏi chồng là tại sao lại như vậy? Tại sao người ta có thể làm như thế… Nhưng sau bốn tháng bị tạm giam - một trải nghiệm mà tôi không thể nào quên - cùng những điều tôi chứng kiến ngày ngày trong xã hội - khiến tôi càng hiểu thấm thía những việc chồng tôi đã làm. Anh ấy, cũng như tôi, chỉ muốn xã hội tốt đẹp lên."

Đây cũng là những điều ông Hưng nói tại tòa hôm 29/3:

"Xin Hội đồng xét xử xem xét cho tôi và người dân Việt Nam được mở rộng các quyền tự do như các nước khác, cho xã hội Việt Nam được tốt đẹp hơn," theo tường thuật của LS Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho ông Hưng, trên Facebook cá nhân.

'Nói xấu đảng, nhà nước'?

Nhưng chính quyền Việt Nam có cái nhìn khác. Tòa cho rằng ông Hưng 'nói xấu đảng và nhà nước', và 'xuyên tạc' về một số sự kiện xảy ra gần đây, theo báo Đồng Nai.

Báo Công an Nhân dân thì cho hay từ năm 2000 đến nay, kênh 'Nói bằng thực TV' của ông Hưng đã đăng 700 video, thu hút 12 triệu lượt xem, 'xúc phạm danh dự, uy tín của các đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước'…

Trong khi đó, Dự án 88 mô tả các hoạt động của ông Hưng là 'chống tham nhũng', 'dân chủ', 'nhân quyền', 'chủ quyền' và 'sự tàn bạo của cảnh sát'.

Dự án 88 cho hay ngoài kênh YouTube 'Nói bằng thực TV', ông Hưng còn có Facebook cá nhân "nơi ông lên tiếng về cuộc sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam".

Bài đăng mới nhất trên Facebook của ông Hưng là vào tháng 7/2021, về cái chết của quân nhân trẻ Trần Đức Đô - một sự kiện từng gây xôn xao dư luận Việt Nam.

Một vài video livestream khác của ông Hưng còn lan truyền trên mạng xã hội, cho thấy ông Hưng đang nói về vụ xung đột đất đai ở Đồng Tâm năm 2020, rằng cảnh sát 'đang đêm xông vào nhà, giết chết một ông cụ trên giường ngủ',

Sự 'mơ hồ' của điều 331

Ông Hưng và bà Hoàng là trường hợp mới nhất bị đưa ra xử theo quy định tại điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) của Việt Nam.

Đã có nhiều ý kiến từ luật sư Việt Nam đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ điều 331 vì những bất cập của điều khoản này.

Luật sư Ngô Anh Tuấn từng nói với BBC năm 2020, khi nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị khởi tố cũng theo điều 331 rằng 'những yếu tố cấu thành tội này rất mơ hồ'.

"Cụ thể hai nội dung chính đều mơ hồ, không chứng minh được. Thứ nhất, về "Lợi dụng quyền tự do dân chủ", thì phải xem là ta đã dân chủ đến mức độ nào rồi, và việc lợi dụng quyền này cụ thể là như thế nào."

"Thứ hai là về hậu quả "xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước", thì quyền và lợi ích hợp pháp đó là gì?"

"Với các tội phạm liên quan đến kinh tế thì còn đo đếm được qua mức thiệt hại từ hành vi mà bị can, bị cáo gây ra, Còn những trường hợp như thế này người ta gần như không đo đếm được mà chỉ đưa ra nhận định chủ yếu dựa trên cảm quan cá nhân."

"Do đó, đa số những người bị bắt với cáo buộc vi phạm điều 331 và một số điều khác liên quan đến an ninh quốc gia, thực tế chỉ do việc họ 'gõ bàn phím', chứ không có hành vi nào thực sự gây nguy hại cho an ninh quốc gia như cáo buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền."

Năm ngoái, bảy tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và 79 trí thức đồng soạn thảo một kiến nghị yêu cầu bãi bỏ ba điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó có điều 331.

Tổ chức phóng viên không biên giới xếp Việt Nam ở vị trí 174 trên tổng số 180 nước không có tự do báo chí.

Hiện có khoảng 163 nhà hoạt động, bất đồng chính kiến đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ. Nhiều người chịu án tù dài từ 10 - 20 năm, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn