Lê Huyền Ái Mỹ - Chuyện “lợi ích mười năm” !

Thứ Tư, 29 Tháng Ba 20236:00 SA(Xem: 1132)
Lê Huyền Ái Mỹ - Chuyện “lợi ích mười năm” !

05 

Sợ cái nắng oi bức nhiệt đới nên người Pháp khi vừa đặt chân đến Sài Gòn, trong những phác thảo đầu tiên về một lõi đô thị họ đã cho trồng cây rất dày, cứ 5 mét trồng 1 cây, dọc theo vệ đường. Me, xoài, sao, bàng, rồi cả phượng.

Một thời gian, thấy phượng tán lá thưa, không đủ che mát nên thay phượng bằng me, rễ cây bàng ăn vô cả vỉa hè, trái rụng làm dơ đường nên cũng bị hạ. Nhưng họ không hạ một lúc mà mỗi năm thay một phần sáu số cây trên mỗi con đường; họ trồng thay thế bằng nhiều loại cây, như trên đường Catinat - Đồng Khởi ngày nay chẳng hạn, tạo bóng mát quanh năm.

Và, tất nhiên hơn trăm năm trước, đụng vô mỗi cái cây người ta cũng cãi nhau ghê lắm. Biên bản của các phiên họp Hội đồng thành phố Sài Gòn ghi lại không sót, mà trong cơn dùng dằng, phe “chặt cây” thường thua cuộc.

Đại khái theo kiểu “cuối cùng, không rõ có phải vì thấy dân chúng có óc “mê tín” hoặc “gắn bó” với cây cối hay không mà Hội đồng thành phố tỏ ra ngần ngại và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chứ không đồng ý cho chặt bớt cây ngay” - (theo biên bản phiên họp ngày 08-03-1912 của Hội đồng thành phố Sài Gòn, Trần Hữu Quang - Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu - NXB Tổng hợp TP.HCM).

Nhưng, rốt cùng thì vẫn phải hạ, do mật độ dày nên có đề xuất là nâng 5 thành cứ 10 mét trồng 1 cây và nhất là với loại cây phát triển có tính “gây hại”. Thay vì cái lợi trước mắt lẫn lâu dài cho thành phố.

Hơn trăm năm sau, cây không có để hạ đã đành, thì nay phát kiến lắp mái che chống nắng. Vẫn biết là “hy sinh” cho công trình hạ tầng giao thông, ở đường Lê Lợi là trạm metro nhưng ở nhiều công viên, đường hành lang sông cây vẫn bị bứng trụi.

Khi đã hoàn công, sao không tính cách để “trả lại” màu xanh, bóng mát và môi trường sống thiên nhiên cho phố. Đâu ai, đâu thể buộc trả một lần, tìm cách mà trả góp, trả dần… Cũng không chỉ là việc của chính quyền, nó còn là trách nhiệm tự thân của mỗi công dân - xanh thành phố. Mỗi nhà ươm, trồng một cây xanh, treo một giỏ cây, tạo một bồn cây, như thể “bù đắp” cho chừng ấy cục nóng - máy lạnh mình xả vào môi trường, thiên nhiên. Tôi chỉ đơn giản nghĩ thế, mỗi khi trồng cây.

Hiện giờ, nhiều tuyến đường đã sạch sẽ mạng nhện, rất thoáng đãng. Nhưng nhẵn trụi cây xanh. Cây già thì đã hạ, cây bé cũng không ươm. Cả ký ức lẫn chút trông chờ một ngày không xa, cạn dần, khô khốc.

Tôi sẽ không trích dẫn ra đây nữa những cam kết có trong “nghị quyết” về mật độ cây xanh, chuẩn không gian công cộng, công viên trên mỗi đầu người (công dân thành phố). Bởi quan trọng là việc chính quyền thành phố có bắt tay làm hay không, mà cụ thể là trồng cây gây… bóng mát trên mỗi địa bàn cơ sở; tìm cách mà trả lại thảm xanh cho những nơi đã từng bị “mượn” khi vào đợt chỉnh trang, nâng cấp…

Khi “lợi ích mười năm” còn không chịu thấy thì đòi hỏi gì “lợi ích trăm năm”.

Khi “trồng cây” là ta cũng đang “trồng người” đó thôi!

LÊ HUYỀN ÁI MỸ 27.03.2023

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn