Phạm Xuân Cần - “Lộ” rồi có “hối” không?

Thứ Sáu, 20 Tháng Giêng 202310:00 SA(Xem: 2176)
Phạm Xuân Cần - “Lộ” rồi có “hối” không?

do_06 

Trước những trường hợp cán bộ cao cấp tham nhũng, bị xử lý hình sự hoặc buộc phải “nêu gương từ chức”, “xin nghỉ vì nguyện vọng cá nhân”, hoặc nghỉ “vì lý do sức khỏe”…, dân chúng thường có mấy câu hỏi:

- Họ nhiều tiền như rứa rồi, ăn thêm để làm gì?

- Họ có biết ăn như thế là nguy hiểm, là có nguy cơ bị lộ, bị xử lý không?

- Bây giờ “lộ” rồi, họ có “hối” không? Có xấu hổ không?

Bằng trải nghiệm và quan sát chính trường của mình, tôi xin trao đổi như sau:

 1/ Họ có nhiều tiền rồi, ăn thêm làm gì? Xin thưa, nhu cầu con người ta, kể cả tiền bạc và nhất là tiền bạc hầu như không có giới hạn. Người ta hay nói rằng cái ta có là bên trong hình tròn, cái ta muốn có là bên ngoài hình tròn. Cái đã có càng lớn thì cái mong muốn càng lớn hơn. Khi ta chỉ có cái xe đạp, ta chỉ mơ cái xe máy. Nhưng khi đã có siêu xe, thì nhu cầu sẽ là cả bộ sưu tập siêu xe, là du thuyền chục triệu, trăm triệu đô, là biệt thự, biệt phủ, bất động sản ở những nơi đắt đỏ nhất thế giới…

Vậy thì, đừng hỏi, tại sao họ có hàng chục triệu đô rồi, mà vẫn cứ cố ăn thêm cho được hàng trăm triệu, hàng tỉ đô. Mà, làm lãnh đạo, khi đã ở một cấp bậc nhất định, vị trí nhất định, thì làm giàu cho mình là dễ nhất. Đương nhiên, khi đó khó nhất là từ chối những món lợi mà người ta cứ “dí” tận mồm. Cán bộ mình thì hầu như ai cũng thích việc dễ, còn khó thì thôi.

 2/ Họ có biết ăn như thế là nguy hiểm, là có nguy cơ bị lộ, bị xử lý không? Đương nhiên là họ biết, biết rõ, biết cụ thể hơn ai hết. Nhưng, khi ở một vị trí nào đó, họ sẽ có suy nghĩ là không ai dám làm gì mình nữa.

Ví dụ, ở cấp tỉnh, có  người coi “thường vụ là bộ chính trị ở tỉnh”. Vì vậy khi bị một tờ báo địa phương “điểm danh”, có vị đã “sửng cồ”. Ở trung ương, báo chí chỉ mới dám đụng đến trung ủy thôi, sao địa phương lại dám đụng đến bộ chính trị? Vậy nên, khi đã mang tâm lý đó, họ hầu như không sợ gì nữa. Thực tế khi đụng sự thì bao nhiêu năm nay, hầu như “Bao Công” nào cũng thua “bao che” cả. Thế nên, họ càng dễ tác oai, tác quái.

3/ Họ có xấu hổ không? Xin nói luôn cho vuông là họ chẳng xấu hổ gì đâu. Đơn giản vì, bên ngoài dân chúng có lên án, chửi rủa, nhưng bên trong nội bộ, hầu như rất ít người căm thù tham nhũng. Nhiều cuộc kiểm điểm quan tham mà như hội thảo kỷ niệm danh nhân. Ai cũng rào trước, đón sau, ca ngợi thành tích tràng giang đại hải, riêng về khuyết điểm thì chỉ có một chút “tuy nhiên” bé tí ti. Những người hăng hái đấu tranh chống tham nhũng thì đã bị chụp cho cái mũ “gây mất đoàn kết nội bộ”. Tội này còn to gấp mấy lần tham nhũng, vì “đụng đến con ngươi” mà.

Hơn nữa, quan trọng hơn, công tác đấu tranh chống tham nhũng luôn được rất nhiều người tỏ ra “thạo tin” phiên dịch thành “đấu đá nội bộ”. Cho nên, làm gì có tham nhũng, đó chẳng qua là “thanh toán lẫn nhau” trong nội bộ mà thôi. Bản thân kẻ tham nhũng và gia đình thân nhân cũng vin theo lý lẽ đó mà “tự an ủi”, mà “thanh minh, thanh nga”: Ôi dào, ai chả thế, chẳng qua mình không thuộc phe phái, nên bị “tai nạn” mà thôi. Vậy nên, họ có xấu hổ không? Nếu có chắc cũng…vừa vừa thôi. Bù lại, tài sản, tiền bạc tiêu mấy đời cho hết!

Cho nên, cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ tiếp tục đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, trận sau thắng to hơn trận trước!

PHẠM XUÂN CẦN 18.01.2023

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn