Sau các kỳ họp bất thường liệu có “loạn 12 sứ quân”?

Thứ Sáu, 13 Tháng Giêng 20236:00 SA(Xem: 1502)
Sau các kỳ họp bất thường liệu có “loạn 12 sứ quân”?
rfa.org

Sau các kỳ họp bất thường liệu có “loạn 12 sứ quân”?

Bình luận của Mai Diện

Màn cuối của vở hài kịch “miễn nhiệm” 2 ông Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam kết thúc khi kỳ họp bất thường của Quốc hội được tuyên bố bế mạc hôm 9/1/2023. Tuy nhiên, các màn đấu đá nội bộ khởi động từ giữa năm ngoái liệu có khả năng sẽ dẫn đến “loạn 12 sứ quân”?

_________________

Được miễn nhiệm hay phải từ chức?

Hai câu hỏi then chốt nhất liên quan đến việc “tống cựu, nghênh tân” đối với hai Phó TT cũ và hai Phó TT mới, cho đến hôm nay, vẫn chưa được xác định. Trả lời câu hỏi của báo chí về việc ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam có phải từ chức hay không, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường “vòng vo”: Các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam được Quốc hội miễn nhiệm, không phải từ chức. Chiều 9/1, ông Bùi Văn Cường tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội XV. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho hay tại kỳ họp bất thường cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu với ông Phạm Bình Minh, Lê Minh Chuẩn và miễn nhiệm chức danh Phó TT đối với ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, phê chuẩn chức danh Phó TT với các ông Trần Lưu Quang, Trần Hồng Hà. "Các quy trình được tuân thủ theo đúng quy định pháp luật", ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay. Liên quan đến lý do miễn nhiệm ông Minh và ông Đam, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Quốc hội thực hiện miễn nhiệm hai ông Phó TT là "trên cơ sở nguyện vọng cá nhân" (1)

Cũng tại buổi họp báo trên, phóng viên đặt câu hỏi về việc Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Như vậy, kiện toàn chức danh Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường sẽ được tính toán như thế nào? Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, công tác cán bộ được thực hiện rất thận trọng, có tính toán lựa chọn sắp xếp. “Trước mắt, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đồng thời giữ chức Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho tới khi có quyết định mới, nhân sự thay thế”, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết. Trong chiều 9/1, sau khi công bố quyết định bổ nhiệm hai Phó Thủ tướng mới, chính quyền đồng thời tri ân hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. “Đồng chí Phạm Bình Minh và đồng chí Vũ Đức Đam là những người được đào tạo bài bản, có chuyên môn sâu, bề dày kinh nghiệm công tác trên nhiều lĩnh vực, địa bàn công tác với nhiều vị trí khác nhau và có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thủ tướng Chính nhấn mạnh. 

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, trong những năm qua, ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam với năng lực chuyên môn sâu, tư duy mạch lạc, luôn tâm huyết, trách nhiệm cao, bám sát thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam “đã có đóng góp quan trọng vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ”. Những cống hiến, đóng góp đó đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; được tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý. Thay mặt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và tập thể Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và trân trọng cảm ơn những cống hiến và đóng góp của hai ông Minh và Đam trong suốt thời gian qua (2). Vừa ép cho hai thành viên “sạch nước cản nhất” trong nội các bay chức, rồi ngay lập tức quay lại tôn vinh công lao đóng góp của hai ông, không biết chúng ta nên xếp màn “miễn nhiệm” ấy vào loại bi kịch hay hài kịch?

phambinhminhvuducdam.gif
Ông Vũ Đức Đam (trái) và Phạm Bình Minh. Hình: Reuters/RFA edit

“Loạn 12 sứ quân” – Vì đâu nên nỗi?

Tương tự, cũng không biết nên cười hay nên khóc trước các cuộc sát phạt mà ai cũng thấy, từ Việt Á đến bay “giải cứu”, hàng chục quan chức phải vào lò, ấy vậy mà tại “Hội nghị Tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023”, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn vẫn khẳng định: “Xây dựng và phát triển ngành ngoại giao đã đạt nhiều tiến bộ. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh quyết liệt… Ngành ngoại giao luôn đặc biệt coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ trong ngành; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường kiểm tra, giám sát” (3). Sau Ngoại giao tiếp đến Giao thông. Tuần trước, ông Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an Việt Nam vừa hào hứng kể với báo giới việc công an phát giác giám đốc một Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) ở TP. HCM mù chữ... Khoan bàn đến chuyện không thể đọc, viết mà làm Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm là đúng hay sai, chỉ nêu một thắc mắc: Nhũng nhiễu trong hoạt động đăng kiểm đã xuất hiện cách nay khoảng hai thập niên và dân chúng chưa bao giờ ngưng than thở, nhưng vì sao gần đây Công an Việt Nam mới thấy?

Nếu đặt chuyện giám đốc TTĐK mù chữ bên cạnh chuyện lực lượng thực thi pháp luật trên toàn quốc vừa khiếm thính, vừa khiếm thị trong hơn 20 năm để tệ nạn nhũng nhiễu trong hoạt động đăng kiểm càng ngày càng nghiêm trọng thì chuyện nào đáng ngại hơn? Chưa kể chuyện công an – lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật tại Việt Nam đột nhiên thấy... rõ, nghe... rõ và muốn... làm rõ các vấn nạn trong hoạt động đăng kiểm có liên quan gì đến sáng kiến đòi chẻ Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) làm đôi (4)? Rõ ràng, Bộ Công an vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Sau khi các ĐBQH khóa 14 mãn nhiệm, cho dù tất cả các giới từng khẳng định, giao việc kiểm soát hoạt động cấp Giấy phép lái xe và đăng kiểm cho công an là vô lý và... “không giống ai” nhưng chính phủ nhiệm kỳ mới vẫn hỗ trợ Bộ Công an đem Dự luật sửa Luật GTĐB ra trình các ĐBQH khóa 15 thêm một lần nữa. Lần này cũng thế, ngay cả các cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) cũng bất đồng... Trong khi Ban Nội chính của BCH TƯ đảng nhất trí với Bộ Công an rằng nên “tách các nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB ra khỏi Luật GTĐB" thì Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng cho rằng “không nên làm như thế vì không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bao trùm mục tiêu và phạm vi của luật”... (5)

Thật ra, “loạn các sứ quân” bắt đầu từ khi cuộc “đại chiến trên thượng tầng” đi đến hồi hỗn loạn. Một “mật lệnh” được phát ngầm từ các trùm sỏ trong ngành Công an xuống toàn ngành: “Thịt!!!”. Chỉ từ một “mật lệnh” duy nhất ấy, toàn dân, từ những đại gia có máu mặt đến chị buôn đồng nát, từ các nhân vật cốt cán trong xã hội dân sự đến bà buôn ve chai, đều có nguy cơ bị lùa “vào chuồng” cho Công an “tăng gia sản xuất”. Mật lệnh “Thịt!!!” phát ra khi “đại chiến trên thượng tầng” không còn là cuộc chiến phe phái, mà đã chuyển sang hồi hỗn loạn, kim thiết chùy tung tóe từ tất cả các bên, không còn phân biệt cánh tả, cánh hữu, phe ta, phe nó. Sau quãng thời gian buộc phải xanh mồm cùng rau dưa; nay được lệnh trên, “Thịt! Triệt để thịt!” để bữa cơm của anh em lại có thịt. Công an Giao thông tỏa ra các nẻo đường, trấn lột từ 200 nghìn đồng của mấy bà buôn ve chai lỡ bước sa chân lên vỉa hè lúc đường tắc. Công an Kinh tế thịt chục tỷ từ anh dạy lái xe đến chú thanh tra giao thông, đăng kiểm, thịt trăm tỷ từ mấy nhà buôn chợ đầu mối, thịt nghìn tỷ, chục nghìn tỷ từ các đại gia có máu mặt… Nhà nhà, người người đều trong thảm cảnh treo chờ “thịt” khi thằng há miệng, đứa nhe nanh, máu mỡ bấy no nê chưa chán. Tình cảnh hỗn loạn ấy, vì đâu nên nỗi? (6)

Tất cả bắt nguồn tự sự lãnh đạo độc đoán là sản phẩm của chế độ chính trị tập trung quyền lực cao. Hai năm vận hành mô hình Đảng lãnh đạo Nhà nước được khẳng định tại Đại hội XIII năm 2021 cho thấy điều trên. Sự cần thiết được biện minh trong điều kiện “không bình thường” của năm đầu tiên chống đại dịch COVID-2019, nhưng sau đó chuỗi các hành động “quyết liệt chưa từng có” xuất phát từ sự lãnh đạo độc đoán và do thiếu các thể chế kiểm soát quyền lực hiệu quả đang gây nguy cơ tiềm ẩn bất ổn thể chế cần được cảnh báo. Có hai lý do chủ yếu dẫn đến kết luận này. Một là, mặc dù kinh tế Việt Nam phục hồi tốt sau đại dịch, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 đạt 8,02%, nhưng từ quý tư đã có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Hai là, việc điều hành mô hình Đảng – Nhà nước đang “cuốn” cả hệ thống chính trị vào mọi lĩnh vực, trong tập trung theo đuổi tăng trưởng kinh tế nhanh và tập trung quyền lực để chống tham nhũng được đẩy lên cao trong khi việc xây dựng cơ chế phòng ngừa đã không được chú trọng đúng mức. “Chiếc lồng thể chế” kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản quan chức, được khởi động từ giữa nhiệm kỳ XII, nhưng vẫn đang là “món nợ xấu” cho cải cách.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn