Thành trì cao ngất

Thứ Hai, 09 Tháng Giêng 20236:00 SA(Xem: 1839)
Thành trì cao ngất

rfa.org

Thành trì cao ngất

Bình luận của Trương Mộc Lan

“TIP”

Ngày 02/01/2023, cái từ tiếng Anh ngắn gọn dễ hiểu ở trên được một nhân viên xuất nhập cảnh Việt Nam viết rất to rõ vào mặt sau vé máy bay của một du khách Singapore, khi người này làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Nội Bài.  

Anh ta vẫn đang cầm hộ chiếu của tôi và cứ yêu cầu điều đó. Tôi hỏi để làm gì nhưng anh ta cứ chỉ vào những gì anh ta viết”-du khách nói trên viết trên face book cá nhân.

Nghệ thuật thư pháp của nhân viên xuất nhập cảnh

Du khách này nói vì sợ sẽ bị giữ lại nếu không đưa tiền nên anh đã đưa 500.000 đồng, nhưng đã chụp hình nhân viên nọ cùng với mặt sau vé máy bay ghi rõ chữ TIP. Sau đó anh  viết tường tận câu chuyện trên Facebook, để ở chế độ công khai và tag đủ Bộ ngoại giao của nước mình, Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội và Lãnh sự quán Singapore tại TP HCM.

https://www.facebook.com/kugan.pillai.5

Chỉ sau bốn ngày, đã có 20 ngàn lượt bày tỏ cảm xúc và 11 ngàn lượt chia sẻ status trên của Kugan Pillai (tên vị du khách). Chiều 05/01, nhân viên xuất nhập cảnh nêu trong status đã bị đình chỉ công tác, theo lời đại diện Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) trả lời với báo chí. 

Kết quả cuối cùng ra sao chưa biết, nhưng ba ngày để có quyết định xử lý ban đầu như vậy xem như chấp nhận được. Mặc dù tôi rất muốn thòng một câu rằng chắc cũng tạm đình chỉ ít lâu cho dư luận nguội bớt rồi thì anh ảnh lại chuyển về một vị trí nào đó tiếp tục thực hiện nghệ thuật viết chữ đẹp mà thôi, chứ dễ gì bỏ tiền tỷ chạy chọt được cái chỗ lắm lộc thế mà chỉ một cú khiếu nại của thằng tây ất ơ nào đấy đã hất đổ chén yến của người ta ngay được. “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, không xếp đặt cho ấm êm trong ngoài, ảnh nổi quạu, ảnh tố ra cả một đường dây cùng những mánh khóe… thư pháp kiểu đó thì toi cả lũ!

Cơ mà thôi! Sự thật ấy ai là người Việt Nam chả biết rõ quá.

Nhưng nhìn phản ứng của anh du khách Singapore, ngó lại những trường hợp tương tự mà chính người Việt mình gặp phải, gặp hoài, gặp đi gặp lại, gặp với cường độ cao gấp bội hơn nữa… tôi chạnh lòng. 

tiphaiquan.jpeg
Hình chụp status trên Facebook của hành khách người Singapore có tên Kugan Pillai. Facebook Kugan Pillai

“Sức mạnh đôi tay” của nhân viên sứ quán

Mới cách đây độ hai tuần, một người cho biết đang sống ở Đức kể chuyện anh ta và vợ đi đăng ký kết hôn ở đại sứ quán Việt Nam tại Đức. Lệ phí cho tất cả giấy tờ thủ tục là 65 euro. Nhân viên sứ quán tự ý dịch thêm vài giấy tờ mà người kia không yêu cầu, đòi 300 euro. Vợ chồng người này không đồng ý. Ngay trước mặt họ, nhân viên sứ quán kia xé luôn tờ đăng ký kết hôn (vừa in ra, chờ  ký, xác nhận, đóng dấu…). 

Câu chuyện được kể trên group Facebook Tôi và sứ quán, một nhóm chuyên để kiều bào Việt Nam phản ánh, hỏi đáp với nhau những gì họ gặp khi có việc đến sứ quán. Người kể chuyện dùng nick ảo, cho biết sau đó họ đã chọn cách đóng tiền nhiều hơn quy định để cho xong việc, và nhân viên kia đã in ra một tờ đăng ký kết hôn mới. Họ đã kịp ghi âm, chụp ảnh toàn bộ chứng cứ nhưng chưa muốn dùng đến, và post lên hỏi mọi người trong diễn đàn nên làm gì tiếp theo.

Rất nhiều ý kiến trong diễn đàn đề nghị khổ chủ nhất định không nên dung dưỡng cách đòi tiền trắng trợ và thô bạo của nhân viên được đề cập, đồng thời gửi thẳng chứng cứ cho Đại sứ quán Việt Nam, Bộ Ngoại giao, báo chí trong nước… để lôi vụ việc ra ánh sáng, tạo thêm tác động chấm dứt những hành vi bắt chẹt tương tự của các nhân viên sứ quán khác ở khắp các nước. Vụ việc rần rần trên mạng, lôi kéo sự quan tâm của rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài.

Một admin của group trực tiếp nhắn câu chuyện này đến đại sứ Việt Nam tại Đức-ông Vũ Quang Minh. Ông Minh phản hồi, cho biết đã nhận được thông tin, sứ quán đang kiểm tra lại vụ việc, nhân viên vòi tiền trong sự việc đã bị “kiểm điểm nghiêm khắc và giải trình trước lãnh đạo sứ quán”. Tuy nhiên, do hai người liên quan trong câu chuyện không bộc lộ danh tính và phương thức liên lạc nên vụ việc chỉ dừng lại ở đó, vì không có chứng cứ. 

Sau đó, người post câu chuyện nêu trên đã được đại diện sứ quán Việt Nam liên lạc riêng. Đại sứ Vũ Quang Minh kể thêm: hôm đó vợ của nhân viên nọ bị bệnh nguy cấp nhưng không bệnh viện nào ở Đức nhận chữa, đó cũng có thể là một lý do khiến ông ta cáu gắt và có những hành vi không thể chấp nhận được như đã kể. Ông Minh cũng cho biết công khai rằng nếu nhân viên sứ quán cố tình cung cấp các dịch vụ không được yêu cầu và thu phí (cao hơn quy định) thì khổ chủ sẽ được hoàn trả phí.

Nhiều kiều bào cho rằng lý do vợ bệnh nguy cấp … hoàn toàn không chính đáng. Nhân viên ấy nên xin nghỉ phép để toàn tâm toàn ý lo cho vợ, như vậy công tư đều trọn vẹn. Ngoài ra, rất khó giải thích việc tâm tư đang rối bời nhưng vẫn rất tỉnh táo đòi tiền của khách hàng gấp ba bốn lần quy định; và khi không đòi được thì xé luôn giấy đăng ký kết hôn của họ. 

Nhưng bước tiếp theo mới là thú vị. Sau khi sự việc được giải quyết riêng, khổ chủ đã xóa status, có nghĩa là xóa toàn bộ câu chuyện đầy bức bối anh ta đã kể trước đó, cùng toàn bộ hàng trăm bình luận tâm huyết giải thích, giúp đỡ và yêu cầu công khai sự việc của các thành viên diễn đàn Tôi và sứ quán. 

Một trong những lý do họ nêu ra là “không có trách nhiệm phải hợp tác với bên thứ ba” cũng như “ tính chất nghiêm trọng của một số thành phần mang tính kích động (…) lôi kéo chính trị”. 

Thực ra, câu chuyện nhân viên sứ quán xé giấy đăng ký kết hôn nói trên chỉ là một trong hàng ngàn ví dụ về sự lạm quyền, nhũng nhiễu vòi tiền, cư xử thiếu văn hóa… của nhân viên sứ quán Việt Nam khắp các nước, được chính người trong cuộc kể lại. Nó cũng giống việc nhân viên xuất nhập cảnh công khai đòi tiền tip của du khách đã nêu ở đầu bài, đều diễn ra rất thường xuyên. Điều đáng ngẫm nghĩ là trong khi anh du khách Singapore kia không ngần ngại báo thẳng cho Bộ Ngoại giao của nước mình thì không ít người Việt chọn cách phản ứng giống như người đàn ông bị xé giấy kết hôn. Nghĩa là ẩn danh để giữ kín thông tin cá nhân, quyết không cung cấp bằng chứng cho cơ quan có trách nhiệm. Nhưng khi được ngỏ ý “đền bù” trong thầm lặng thì cảm tạ trời đất, gật lấy gật để chọn ngay. Nói trắng ra, họ chỉ muốn gây ồn ào để được cộng đồng quan tâm cộng hưởng và tạo ra áp lực khiến vụ việc của riêng mình được giải quyết. Hết xôi rồi việc, phủi tay với cộng đồng. Còn mục đích bền vững, sâu xa hơn như tố cáo sai phạm (sai phạm có hệ thống) để nó phải được chấn chỉnh, thay đổi từ gốc, không được lặp lại… thì họ ... xin miễn!

Cho dù biện bạch bao nhiêu lý do thì nguyên nhân sâu nhất vẫn là sợ bị trù dập với chính mình và với người thân mình còn ở Việt Nam.

Thành trì của nỗi sợ

Càng ngày tôi càng thấy nhiều biểu hiện của nỗi sợ trong những người Việt Nam chúng ta. Tố cáo sai phạm của công chức thì chúng ta sợ chính quyền hoạnh họe nhũng nhiễu, thấy trộm cướp không dám la lên vì sợ giang hồ trả thù, thấy đồng nghiệp gian dối không dám nhắc nhở vì sợ ném đá giấu tay, thấy sếp phạm pháp không dám tố cáo vì sợ đuổi việc, thấy hàng xóm ném rác ra đường thì im lặng đóng cửa vì sợ họ chuyển sang ném rác vào nhà mình… Chúng ta sợ nhiều thứ và quen với nỗi sợ đến nỗi thấy một người không biết sợ những điều đó thì ngạc nhiên, thán phục, đồng thời cũng… lo sợ cho họ vô cùng.

Nỗi sợ xây lên một thành trì cao ngất, dần dần nhốt chúng ta vào thứ quan niệm sống hèn đớn và tồi tàn: chỉ biết được việc cho chính mình, nhắm mắt bịt tai trước những thứ chướng tai gai mắt trong xã hội, không biết/không nghe/không thấy bất cứ điều gì nếu không trực tiếp liên quan đến mình. Ai làm ngược lại thường bị chế giễu là bao đồng, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

Có những bà mẹ hết sức khuyên con hãy sống như thế. Thế mới là khôn!

Nhưng… khó trách người dân, vì thực tế xã hội Việt Nam chứng minh điều đó. Người dân có thể làm gì hơn là bo bo bảo vệ chính mình khi chính quyền không đủ sức bảo vệ họ? Đặc biệt, khi chính quyền chính là cái máy xay hung hãn nghiền nát tiền bạc, công sức và ý chí của người dân, thông qua tham nhũng, trục lợi, nhóm lợi ích… năm sau cao hơn năm trước? 

Đấu tranh rồi nếu bị “trâu đánh” thì “tránh đâu”? Thôi, hèn nhưng an toàn còn hơn anh hùng mà vắn số. 

MACKENO

Từ cách đây vài chục năm, xã hội Việt Nam đã đặt hẳn một tên gọi riêng cho lối sống này: MACKENO. Nghĩa là mặc kệ nó! Sang đến thời hiện đại, nó thô tháp hơn nhưng vạch thêm được một mặt trái có thật: Có tiền (thì) có quyền!

Nhưng ai mới là đích danh thủ phạm trong việc biến những người dân Việt Nam thành kẻ ích kỷ, biển lận, gian tham, mang theo gene ích kỷ truyền sang đời con, đời cháu?  

Đó là hàng chục năm giả dối, miệng hô hào “cán bộ là công bộc của dân” nhưng bất cứ giấy tờ thủ tục nào đụng đến Nhà nước cũng phải bắt đầu bằng chữ XIN. Là những phương thức vận hành xã hội méo mó suy đồi được người dân tổng kết: “chạy chức, chạy quyền”, “nhất thân, nhì thế, tam ngân, tứ chế”, khiến người dân luôn sợ hãi, khúm núm, quỵ lụy, hạ mình khi đến công sở, thậm chí ngay cả đến nơi được mệnh danh “nhà thương”. Là những “củi, lò” tưởng như quyết liệt chống tham nhũng nhưng với người hiểu biết thì không giá trị thực chất, vì nguyên nhân cốt tủy của tham nhũng là độc đảng và toàn trị vẫn chẳng hề được vạch trần.
Anh du khách Singapore ở đầu bài cũng như hầu hết kiều bào trong diễn đàn Tôi và sứ quán sống ở các nước phát triển, đã quen với một nền pháp luật nói và làm. Đã học được cách tôn trọng bản thân khi bản thân không phải quỵ lụy “XIN” nhà nước thì mới được “CHO” thực hiện các quyền hiến định của mình. Đã học được sự sòng phẳng của việc trả phí dịch vụ theo quy định thì phải được hoàn tất thủ tục hành chính theo quy định. Sống ở các nước phát triển càng lâu, họ càng khó thể hiểu được vì sao phải giấu tên tuổi khi thuật lại hành động sai rành rành của nhân viên sứ quán; vì sao nhìn thấy nhân viên xé nát tờ giấy đăng ký kết hôn của chính mình khi không vòi được tiền mà không nổi điên lên gặp ngay sếp của họ ngay lúc đó để tố cáo, đã thế một lúc sau lại chấp nhận trả thêm tiền ngoài quy định.
Vì thành trì trong lòng họ được xây bằng những viên gạch của một lòng tin lý trí vào luật pháp và chính quyền, chứ không phải bằng nỗi sợ hãi hoặc u mê.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn