Cháu nội cụ Trịnh Văn Bô: Còn nhiều khoản vay khác bị…. bỏ quên ( " Điển tích" Bưng Bô xuất phát từ chuyện này? )

Thứ Năm, 09 Tháng Mười Một 20173:30 SA(Xem: 6990)
Cháu nội cụ Trịnh Văn Bô: Còn nhiều khoản vay khác bị…. bỏ quên ( " Điển tích" Bưng Bô xuất phát từ chuyện này? )
——————  
Đọc thêm: https://kimdunghn.wordpress.com/2017/07/27/nhan-chuyen-tra-no-dan-trong-khang-chien/

Tác giả Quốc Phong viết bài này còn chưa được đầy đủ và chính xác. 5.147 lạng vàng mà tác giả đề cập đến mới chỉ là những khoản gia đình Ông bà tôi ủng hộ cách mạng trong khoảng thời gian đấu tranh giành độc lập năm 1945 gồm 117 lạng trong tuần lễ vàng (đúng như tác giả viết), số 5.030 lạng còn lại là các khoản ủng hộ khác bằng vàng và bằng tiền quy ra vàng (khoảng hơn 2 triệu đồng Đông Dương) khi ngân khố quốc gia trống rỗng, để chi trả lương cho cán bộ Uỷ ban Hành chính kháng chiến Tp Hà Nội, để chi chuẩn bị lễ khai trương độc lập mùng 2/9, chi cho Bác cả Nguyễn Lương Bằng lo việc tài chính ở chiến khu, chi đãi tiệc phái viên quân sự của Mỹ (thiếu tá Patti của Mỹ dẫn đầu đội quân nhỏ đến Hà Nội ngày 22/8/1945 để giám sát cuộc giải giáp quân đội Nhật), chi đãi tiệc và cho Tiêu Văn, Lư Hán để thương thảo đề nghị họ rút đạo quân chấy rận Quốc Dân Đảng về nước….

 

Còn nhiều khoản khác thì các phóng viên báo chí chưa biết, và bị các nhà sử học cách mạng “bỏ quên” …Ở đây tôi có thể công bố thêm 01 khoản nữa (trong nhiều khoản bị bỏ quên) …là khoản cho Ủy ban kháng chiến Khu XI vay 450.000 đồng Đông Dương ngày 29/12/1946 (tương đương khoảng 600.000 dolla Mỹ hoặc 1250 lượng vàng ở thời điểm đó) – tức là ngay sau khi lệnh Toàn quốc kháng chiến được ban hành 10 ngày để mua lương thực, nhu yếu phẩm, quân trang cho Trung đoàn thủ đô và dân quân tự vệ thành Hà Nội ở lại lập phòng tuyến cố thủ Hà Nội – QUYẾT TỬ CHO TỔ QUỐC QUYẾT SINH. Để cho Ban lãnh đạo của Chính phủ cách mạng, các ban ngành đoàn thể, lực lượng chủ lực và nhân dân thủ đô có đủ thời gian di tản lên chiến khu nhằm bảo toàn lực lượng trước sự tiến công tái chiếm TP Hà Nội của quân đội thực dân Pháp. Khoản cho vay nợ này cho đến nay gia đình chúng tôi yêu cầu trả mãi mà vẫn chưa đòi được!!!. 

Dân tộc ta vẫn có câu thành ngữ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, lại có câu nói “Uống nước nhớ nguồn” , “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” – Vậy mà trong trường hợp này…có vẻ như Đảng và Chính phủ đã quên đi những ơn nghĩa của thủa hàn vi, khó khăn trứng nước. Cũng khá lâu rồi, vào những dịp lễ Độc lập, không thấy đại diện của Đảng và Chính phủ ghé thăm bà tôi, mặc dù năm nay cụ vẫn còn tại thế (Cụ đã 104 tuổi rồi). Nên hiểu điều đó như thế nào đây???

———————————-

TB: Thêm một số thông tin tư liệu để những bạn nào không rõ về những ngày năm đó đọc thêm chút cảm hứng: (Trích hồi ký của ông Nguyễn Văn Trân):

QUYẾT TỬ CHO TỔ QUỐC QUYẾT SINH)

[“Tháng 6-1946 Ủy ban Bảo vệ Thành phố Hà Nội được thành lập, Bác Hồ trực tiếp chỉ định tôi kiêm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Thành phố Hà Nội có nhiệm vụ chính: Chuẩn bị cho chiến tranh, điều động nhân tài vật lực ra ngoài Hà Nội để đưa lên chiến khu khi chiến tranh xảy ra.

Ngày 19-10-1946, TƯ quyết định thành lập 12 chiến khu. Riêng Hà Nội là Chiến khu XI. Tình hình lúc này rất cấp bách, tôi được TƯ quyết định làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Khu XI kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Lúc đó có bốn việc cấp bách phải làm ngay.

Thứ nhất: Tổ chức huấn luyện quân sự cho lực lượng tự vệ thành, tự vệ đường phố và tự vệ ngoại thành. Lúc này lực lượng tự vệ đóng vai trò rất quan trọng, như sau này trong 60 ngày đêm cùng với bộ đội giam chân địch ta đã rõ. Thanh niên lúc đó hăng hái lắm, luyện tập bắn súng, sử dụng vũ khí và cả võ thuật suốt ngày đêm.

Thứ hai: Khó nhất là tổ chức cán bộ phụ trách, huấn luyện quân sự cho lực lượng tự vệ và trang bị vũ khí cho họ.

Thứ ba: Lên kế hoạch bảo vệ cán bộ Đảng, chính quyền; lập danh sách những trí thức, nhân sĩ, tổ chức đưa họ lên chiến khu trước.

Thứ tư: Gấp rút chuẩn bị từ máy móc, thiết bị, thuốc men, nhu yếu phẩm và tổ chức cho nhân dân đi tản cư, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”.

Đầu tháng 12-1946, cả Hà Nội đã chuẩn bị cho kháng chiến. Ngày 18-12, Pháp gửi tối hậu thư yêu cầu ta phải giao nộp vũ khí và đòi quyền kiểm soát toàn thành phố. Tối hậu thư thứ 2 chúng hẹn sau 24 giờ nếu ta không thực hiện chúng sẽ hành động.

Ta khẳng định phải đánh đến cùng và lên kế hoạch tác chiến toàn thành phố. Trước Hà Nội có 17 tiểu khu, ta chia thành các Liên khu I, II và III và 5 khu ngoại thành. Liên khu I gồm các khu phố thuộc quận Hoàn Kiếm, Liên khu II cơ bản gồm các khu phố thuộc quận Hai Bà Trưng, Liên khu III là các khu phố thuộc hai quận Đống Đa và Ba Đình hiện nay. 5 khu ngoại thành gồm 118 thôn, được chia thành các khu: Lãng Bạc, Đại La, Đống Đa, Đề Thám, Mê Linh. Ta có 5 tiểu đoàn và một vạn tự vệ dàn thế trận “trong đánh, ngoài vây” sẵn sàng chặn đánh, giam chân địch.

Lúc này, ta và địch ở thế cài răng lược. Địch đã chiếm được những vị trí quan trọng: Phủ Toàn quyền, Trường Chu Văn An, Nhà thương Đồn Thủy, các sân bay Bạch Mai, Gia Lâm … và đan xen từng góc phố. Mỗi Liên khu có một Chủ tịch Ủy ban kháng chiến, nắm tình hình chiến đấu và chỉ đạo trực tiếp, liên lạc bằng cả điện thoại và đội giao thông vận động. Riêng Liên khu I liên lạc bằng vô tuyến điện và liên lạc viên. Ta huy động cả nam, phụ, lão, ấu tham gia kháng chiến, tổ chức thành những đội cứu thương, đội tuyên truyền và thành lập cả một tiểu ban chuyên phá hoại. Lực lượng này chuyên chặt những cây to ngả ra đường, đánh mìn cho cột điện đổ ra đường, đắp ụ cát chặn giữa đường và khuân giường tủ bàn ghế vứt ra phố chặn bước tiến của địch và xây dựng chiến lũy. Người già và trẻ em đã được đưa đi tản cư trước cả tuần lễ.

Trước đó, địch gây hấn ở nhiều nơi và đã có những xung đột lẻ tẻ. Đến ngày 19-12, hầu hết các đơn vị, các trận địa đều nhận được lệnh: 20 giờ tối 19-12, khi cắt điện thành phố là hiệu lệnh nổ súng tấn công. Duy chỉ có một đơn vị phía bên kia cầu Long Biên không nhận được lệnh nên nổ súng sau.

Bốn pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh và Thổ Khối là những trận địa phòng không của Pháp bố trí từ trước để chống máy bay Đồng minh bỏ bom. Pháo ở 4 trận địa này là pháo phòng không, không phải pháo mặt đất. Ta vận dụng, ngả nòng bắn vào những vị trí địch đóng đông quân để uy hiếp. Pháo đài Láng có nhiệm vụ bắn vào khu vực trong Thành. Pháo đài Xuân Tảo bắn vào Trường Bưởi (Chu Văn An). Pháo đài Xuân Canh bắn vào Khu vực Liên khu I, Pháo đài Thổ Khối bắn vào sân bay Gia Lâm.

Trong phố, ta đục tường các nhà thông nhau tạo thành đường vận động tác chiến riêng. Địch vẫn đi ngoài phố, ta bắn tỉa từ các ô cửa sổ ra. Trước giờ nổ súng, Ủy ban Hành chính kháng chiến và Thành ủy Hà Nội đã rút ra Đại lý Hoàn Long ở Ngã Tư Sở và đóng ở nhà Hoàng Trọng Phu thuộc ấp Thái Hà. Mấy hôm sau di chuyển lên đê Thanh Quang, rồi sang Gio Lộ, Bương Cấn, dịch dần lên chiến khu. Thành ủy phải di chuyển vị trí liên tục vì sợ lộ, địch mang bom đến oanh tạc.

Hà Nội mở đầu cuộc kháng chiến vào tối 19-12-1946. Sau khi bị giáng đòn bất ngờ đầu tiên, thực dân Pháp tiến hành phản kích ồ ạt, tung quân ứng cứu các vị trí đang bị quân và dân Hà Nội tiến công, rồi chiếm giữ những đầu mối giao thông huyết mạch, tiến đánh các cơ quan quan trọng của chính quyền cách mạng: Bắc Bộ phủ, trụ sở Uỷ ban Hành chính Hà Nội; Sở Chỉ huy tự vệ Hà Nội,… Tối 20-12-1946, thực dân Pháp chiếm được dinh Bắc Bộ phủ. Tuy nhiên, kế hoạch làm chủ thành phố trong vòng 24 giờ của chúng bị phá sản.

Chính quyền cách mạng rút khỏi Hà Nội, Pháp thiết lập chính quyền thực dân kiểm soát thành phố. Trước dã tâm của thực dân Pháp muốn cướp nước ta một lần nữa, Đảng và Chính phủ buộc phải phát động toàn quốc kháng chiến.”]

Bố tôi kể: Những ngày cuối tháng 12/1946 súng đạn nổ khắp nơi, ông nội (ông Trịnh Văn Bô) thì bận tham gia chỉ đạo cuộc chiến đấu cố thủ thành phố Hà Nội cùng với Ủy ban Hành chính kháng chiến, ở nhà chỉ có bố và bà (bà Hoàng thị Minh Hồ), cụ bà (cụ Ngọc mẫu thân của ông Trịnh Văn Bô khi đó đã ngoài 70 tuổi) và vài người giúp việc (hãng buôn Phúc Lợi) phải luồn qua từng dãy phố thoát ra khỏi nội thành về hướng cầu Long Biên. Khi đó bố mới 13 tuổi, trên vai đeo cái ba lô tiền nặng trĩu chứa hơn 4 vạn rưởi tiền Đông Đương….bố tôi tặc lưỡi….may mà hồn thiêng sông núi phù hộ, ngày đó tên bay đạn lạc, đêm tối mịt mờ, vai thì vác một khối tài sản khổng lồ…nếu chẳng may trúng đạn hoặc bị quân Pháp bắt…không biết thì sẽ ra sao…? Những ngày đó đêm đêm nhìn về Hà Nội ngập chìm trong máu lửa mà lòng nhói đau.
https://kimdunghn.wordpress.com/2017/07/29/chau-noi-cu-trinh-van-bo-con-nhieu-khoan-vay-khac-bi-bo-quen/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn