Nghiêm túc tuân theo lời dạy của thủ tướng, coi túi tiền của kiều bào là của mình

Thứ Sáu, 23 Tháng Mười Hai 202210:00 SA(Xem: 1676)
Nghiêm túc tuân theo lời dạy của thủ tướng, coi túi tiền của kiều bào là của mình
rfa.org

Nghiêm túc tuân theo lời dạy của thủ tướng, coi túi tiền của kiều bào là của mình

Bài bình luận của Nguyễn Văn Mai

Nghiêm túc tuân theo lời dạy của thủ tướng, coi túi tiền của kiều bào là của mình

Vào tối 21/12/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nguyên đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản ông Vũ Hồng Nam; khai trừ khỏi Đảng ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản), Lý Tiến Hùng, nguyên nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga; Nguyễn Lê Ngọc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; Vũ Ngọc Minh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola. Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Trần Việt Thái, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia. Cảnh cáo ông Nguyễn Hoàng Linh, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.

Sang ngày 22/12, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam tiến hành khởi tố, bắt giam ông Vũ Hồng Nam, tiến hành khám nhà và nơi ở của ông này.

***

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trong chuyến công du sang châu Âu mới đây: “Các đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao phải coi bà con như người nhà mình, giải quyết công việc cho bà con như công việc của người nhà mình”.

Cơ mà thủ tướng không nói rõ “mình” và “người nhà” có hòa thuận với nhau hay không. Cho nên sau câu nói mát dịu cả lòng này, rõ khổ-khắp mặt cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước trên thế giới đều bị “người nhà” chửi lồng lên. Nhất là trong thời điểm tết nguyên đán đã đến sau lưng như hiện tại, khiến cõi lòng của người Việt xa xứ thổn hết cả thức lên vì nhớ cha nhớ mẹ, nhớ cái hương vị tết quê hương, hoặc có công việc, hợp đồng ký kết thì.. bị ăn hành cách mấy nhiều người cũng ráng chịu đựng mà về.

Về thì về nhưng chửi vẫn phải chửi.

Tiếng tút dài hơn Vạn Lý Trường Thành

Dưới đây xin trích nguyên văn một số bình luận trên trang face book Thông tin Chính phủ, ngay dưới post trích lời căn dặn của thủ tướng:

-Chắc dư chữ “bà” rồi quý page.

-Đâu có ai trấn lột họ hàng mình đâu nhỉ?

-Coi kiều bào như người nhà và thu hồi vốn là hại việc khó làm cùng một lúc.

-Dạ. Lên Đại sứ quán như đi về nhà. Toàn gặp người thân. Ông nội với Bà nội không à.

-Việc nhà thì cứ để đó, rảnh thì làm, mệt thì nghỉ, hôm nay không làm thì mai làm.

- Nghĩ tới sứ quán để thấy "Khốn nạn thế mình còn vượt qua được cơ mà"!

-Người nhà hay còn gọi là “bố đời”, “mẹ thiên hạ”.

-Đại sứ quán ở Washington DC có đọc được tin này nhớ làm giùm cái hộ chiếu đã nộp được 4 tuần không thấy hồi âm, viết email không ai thèm trả lời, vậy mà trả tiền cho dịch vụ làm thì 5 ngày đã có, làm ơn làm ơn bớt moi tiền của dân giùm.

-Gọi phone có người trả lời kiểu “Tui không cần cho ai biết thông tin gì hết, làm gì nhau!”

-Dạ, em xin kiến nghị chính phủ sửa cái điện thoại cho đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản ạ. Nó bị hư mấy năm nay rồi. Kiều bào Việt Nam ở Nhật cố gắng gọi nhưng không có ai bắt máy cả. Mong nhà nước giúp đỡ để anh chị trong sứ quán sửa chữa đường dây để chúng em có thể gọi điện thoại với ạ. Cảm ơn Đảng và chính phủ ạ

-Tiếng tút dài hơn Vạn lý trường thành.

- Nói không biết ngượng là gì!

- Thôi cháu xin thủ tướng nhắn với sứ quán không gây thêm khó khăn khổ đau cho đồng bào thì cháu cũng đội ơn thủ tướng rồi.

- Điện 100 cuộc không nghe máy. Chờ sứ quán đến nơi chắc là chết cả rồi.

- Do thủ tướng chưa bao giờ phải làm thủ tục trên sứ quán nên không hiểu thực tế, có thể thông cảm được.

- Thủ tướng "trùm mền hô xung phong"!

- Trong từ "kiều bào" có từ bào, nên thấy kiều bào là phải bào (bào: moi tiền-người viết).

- Cán bộ là cha là mẹ. Mà cán bộ đại sứ quán thì là cụ tổ chứ không phải là hạng người thường nữa.

- Bác phát biểu hay, cảm động. Nhưng các anh chị làm thì lại khiến kiều bào cảm lạnh.

- Coi túi tiền của bà con kiều bào là… của mình.

-Thôi thôi. Visa hết hạn. Đến đại sứ quán London làm lại cái hộ chiếu mà chúng nó không làm, con… nó bảo là để em đưa anh số dịch vụ để anh làm cho nhanh. Ơ ơ. Cái gì đang diễn ra vậy các chú các bác lãnh đạo ơi huhu!

-Chính phủ muốn biết các đại sứ quán làm việc với kiều bào như thế nào thì để kiều bào được phép quay phim khi đến làm việc. Nhất là đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc.

-Như chuyến bay giải cứu đó hả?

- Vâng, đại sứ quán Việt Nam tại Hàn còn xem hơn con nữa ấy chứ, mà là con ghẻ ấy. Nhờ thông tin chính phủ bứng giúp các ông trời con ở chỗ ấy để dân đỡ khổ, không biết giấy làm hộ chiếu làm bằng vàng ròng hay sao chứ bên Việt Nam làm có 200 ngàn VND mà sang đây lên trực tiếp thì bị hoạnh họe, đi mấy ngày vẫn không làm được, đến khi phải nhờ cò thì mới nhanh thì hết hơn 6 sip ~~12 triệu VND.

-Không một ai bị bỏ lại (kèm hình chuyển động con vịt Donald đang xòe tập đô la ra đếm).

-Một năm không biết nghỉ bao nhiêu ngày. Nghỉ lịch của nước sở tại xong rồi còn nghỉ theo lịch Việt Nam. Tiền thu làm thủ tục thì không cố định, thích sao thu vậy không khác gì đánh số lô tô. Đến người Nhật cũng còn kêu chứ đừng là kiều bào.

 -Đồng bào = bào từng đồng

-Đúng là coi như người nhà mà, chửi người ta như con vậy đó.

 --Sẽ là như thế, nếu thò tiền ra... Các bạn không tin, hãy đến đại sứ quán Việt Nam tại Berlin.

 -Cho tôi cười cái chính phủ ơi. Tôi chỉ mong nó làm đúng chức trách nhiệm vụ, đúng luật đúng quy định... mà còn không được. Đây chính phủ muốn nó đối với tôi như người nhà kiểu này thì chết mịa tôi rồi. Người nhà gặp nhau lúc dịp tết nó lại đòi "thăm hỏi, biếu xén" nữa thì tôi lấy đâu ra chính phủ ơi!

-Làm sao có thể tag Đại sứ quán (Việt Nam tại) Singapore vậy?

-Thôi, chẳng dám nhận người nhà sứ quán đâu, tổn thọ tổn đức lắm.

-Vậy mà lúc mắc kẹt covid thi thịt không thương tiếc

-Đi đến Đại sứ quán mà phải nài nỉ, rồi kiềm chế cả nhịp thở, điều chỉnh từng khoé nhăn trên mặt để không làm phật ý các “ngài” làm trong Đại sứ quán Việt tại Hàn Quốc. Nó ám ảnh đến mức hôm sau đi, nhưng lo lắng mất ăn mất ngủ từ hôm trước 

- Đại sứ quán tại Hàn Quốc thì ối dồi ôi!

-Ôi nếu được như vậy bà con kiều bào chắc phải quỳ tạ lễ 3 ngày

viet kieu va tham que 2005 reuters.jpeg 

Việt kiều về thăm quê năm 2005

Ảnh Reuters

Các anh cứ coi kiều bào như người nước ngoài là mừng nhất đấy ạ!

 Cận Tết, Thủ tướng tranh thủ đi úy lạo kiều bào mà nhỡ đọc được những lời này thì buồn đến đứt… khúc ruột thừa ngàn dặm ra mất.

Trên face book có một trang tên Tôi và sứ quán. Nghe cái tên như Lan và Điệp nào ngờ đọc vô thấy toàn bất mãn của kiều bào.

Gọi vào số điện thoại trên trang web sứ quán hay lãnh sự thì hầu hết chỉ nghe tiếng tút tút. “Tiếng tút dài như Vạn lý trường thành”. Khi (may quá), có người nghe máy thì mỗi người hướng dẫn một kiểu. Chị tôi ở Mỹ, gọi điện bốn lần đến Lãnh sự quán tại San Francisco gặp 3 người hướng dẫn, mỗi người hướng dẫn một kiểu. Chưa kể hướng dẫn khác với thủ tục ghi trên trang web.

Kính thưa thủ tướng, dưới đây là một số ví dụ của nồi cháo hành sứ quán:

-Bắt người làm giấy tờ đến trực tiếp trong khi quy định trên web là có thể gửi giấy tờ qua bưu điện hoặc online.

-Tiền thu trực tiếp luôn cao hơn quy định, nếu không hỏi lại tiền thừa hoặc ráo riết đòi sẽ bị lờ đi.

-Quát mắng, trịch thượng với người làm giấy tờ.

-Thu phí không hẹn ngày giờ trả giấy tờ, không xuất biên lai nhận tiền.

-Chỉ báo hồ sơ chưa đúng quy định, nhưng thiếu gì, cần bổ sung gì thì không nói.

-Tự ý làm thêm các dịch vụ mà khách hàng không cần và không yêu cầu, rồi thu phí.

Dẫn chứng thì nhiều vô số trên group Tôi và sứ quán, thủ tướng cứ bảo trợ lý đọc rồi chụp lại mà xem:

“Ngày 12-11-2022 mình có gửi hồ sơ xin cấp Giấy trích lục ghi chú kết hôn, Giấy đủ điều kiện kết hôn (trên website của Đại sứ quán ghi rõ nếu đã đăng ký kết hôn tại cơ quan hành chính của Nhật và chưa làm thủ tục này thì phải nộp hồ sơ làm), Miễn thị thực cho chồng và con. Kèm 15.000¥ lệ phí qua hình thức gửi Genkinkakitome. Ngày 19-12-2022 nhận được kết quả:

- 2 miễn thị thực được dán vào 2 hộ chiếu.

- Trích lục ghi chú kết hôn bản gốc

- Bản dịch trích lục kết hôn ghi đúng tên 2 vợ chồng nhưng bản photo đính kèm lại là tên 2 người khác (đã đóng dấu liên đỏ). Vì vậy bản dịch hoàn toàn không hợp lệ và không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, trong phiếu đề nghị và thông tin liên hệ mình KHÔNG yêu cầu cấp bản dịch. Vì vậy Đại sứ quán đã cố tình dịch và thu phí.

- Hồ sơ xin cấp giấy đủ điều kiện kết hôn được hoàn trả lại (Đại sứ quán ghi chú không cấp giấy tờ này)

- 2.000¥ tiền thừa

Tổng cộng 13.000 ¥ ~ 94$ cho trích lục ghi chú kết hôn, bản dịch không hợp lệ (KHÔNG yêu cầu) và 2 miễn thị thực.

 Mình đã viết mail phản ánh tình trạng thiếu chuyên nghiệp trong việc xử lý giấy tờ và đòi lại tiền phí dịch thuật”.

 “Mình cũng gặp tình trạng tương tự, bị thu 16.500 ¥ cho 2 bản chính kèm 2 bản photo đính kèm 2 bản dịch”.

 “Mình gửi hồ sơ đã 5 tuần, cũng gửi tin nhắn và email hỏi về tình trạng hồ sơ, như trên điện thoại báo là ”sẽ phản hồi trong 24h” mà sao đến giờ 5 tin nhắn và 4 email mà sao chưa thấy hồi âm. Lãnh sự quán ở Washington D.C”

“Sau khi nghiên cứu kỹ thì em cũng đã gửi hồ sơ làm lại hộ chiếu gần hết hạn, hồ sơ gửi đi ngày 1/12/2022. Một tuần sau đó kiểm tra tracking thấy bì thư đang về nhà, nghĩ bụng wow Lãnh sự quán DC làm việc nhanh thiệt. Mở phong bì thì thiệt là kinh dị anh chị ạ, hồ sơ em bị gửi trả không kèm theo bất cứ giấy tờ ghi vì lý do gì hết. Em mở email xem có nhận gì không thì cũng không có luôn. Hôm nay em gọi vào số 202-716-8666 thì “ được “ hướng dẫn bằng 1 giọng nam vừa nói chuyện vừa nhai nhồm nhoàm là “Lên website kiếm số điện thoại có 4 số cuối là 0737 gọi để hỏi về mail ở bộ phận mail chứ tôi không có hồ sơ ở đây”. Em nói anh cho luôn số điện thoại luôn đi, ảnh trả lời “Không, cứ lên trang web là có số điện thoại trên đó”. Em nói ủa mail đã nhận được, mở hồ sơ của em ra và bỏ hồ sơ vô lại phong bì gửi trả thì hỏi gì ở bộ phận mail? “Ừ thì cứ gọi người ta hướng dẫn cho”. Khi em hỏi tên thì anh trả lời: “Nguyên”. Rồi thì em lên trang web, xong gọi vô số 202-861-0737 thì qua hệ thống tự động em được nghe (xin liên lạc với) “Bộ phận giải quyết hồ sơ số điện thoại 202-716-8666”. Chính là số em gọi cách đó chưa được 5 phút. Em mong anh/chị góp ý , hướng dẫn em để đối phó với nạn sách nhiễu công dân như này. Em đoán chắc là vì em gửi phí đúng $70 nên bị hành! Thêm cái khúc sau nữa là em gọi lại số 202-716-8666 khoảng 20 lần nhưng không đổ chuông mà đi thẳng vô hộp thư thoại luôn mà hộp thư thì đầy không nhận thêm tin nhắn nữa.

 “Có mỗi cái tiền bưu điện thì Đại sứ quán Việt Nam làm hẳn văn bản yêu cầu đóng gấp đôi giá bưu điện. Đúng giá mà thu, trả tiền trước là chống tham nhũng mà các bác cứ đi ngược với thế giới tiến bộ đòi đưa tiền mặt để Đại sứ quán thuê vận chuyển thư dến bưu điện hằng ngày. Có mỗi cái quy định miễn nộp giấy tờ chứng minh khi cấp lại giấy miễn thị thực có từ 2015 mà các bác hành lên hành xuống tốn bao tiền điện thoại để đòi cái luật bảo miễn”.

 “Chồng em nộp hồ sơ làm giấy miễn thị thực tại Sydney mà nhân viên họ không cho giấy hẹn, chỉ nói khi nào xong thì họ sẽ gọi thì có đúng luật không ạ?”

 “Ngày nào em cũng gọi, mà điện thoại thì đi thẳng vô voicemail, còn email thì không thấy trả lời lại. Đế nghị cấp lại hộ chiếu sắp hết hạn bị gửi trả không kèm lý do giải thích. Đại sứ quán Việt Nam tại Washington. Em nên làm gì tiếp đây? Chẳng lẽ email mỗi ngày song song với gọi điện? Em gọi chắc cũng trăm cuộc tuần nay rồi. Lúc email em có nên gửi file ghi âm cuộc gọi tuần trước không?”

“Hôm trước có nhân viên “ hướng dẫn” mình gọi số trên Web để liên lạc bộ phận “mail” sau khi mình nói hồ sơ trả về mà không kèm lý do đó bạn. Sau đó thì không còn liên lạc được nữa luôn nè”.

“Họ muốn hành dân thôi. Chứ đã được cấp miễn thị thực rồi, giờ chỉ xin cấp lại thì sao phải hành người ta lên tận nơi nộp, những người ở xa cả ngàn km, sống ở những nơi âm 20, âm 30 độ mà bắt người ta phải đi máy bay, ô tô lên nộp trực tiếp thì có phải là quá đáng lắm không!”

Thưa thủ tướng cho hỏi Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco tại sao thu 160 $ tiền lệ phí xin giấy phép/sổ nhập cảnh cho người có quốc tịch Mỹ về Việt Nam mà trong khi đó bảng giá trang web nhà nước ghi 10$. Nếu tự làm hồ sơ thì bác bỏ không duyệt?”

 “Chỉ cần minh bạch trong khoản thu các thủ tục thôi. Dịch có cái bằng lái xe ở Nhật lên trang chủ đại sứ quán không có thông tin lệ phí. Ai đời lệ phí nộp theo truyền miệng, Tokyo thì 7.500 yên còn Osaka thì 6.500 yên”.

 -Ai tag hộ đại sứ quán Việt Nam tại Úc, New Zealand với! Bọn này gọi hiếm khi bắt máy, toàn bảo gọi số cá nhân. Thủ tục thì báo giá cao hơn quy định, khuyên người dân nhét tiền phong bì gửi post”

 -Chuyển tới Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc giùm tôi nhé chính phủ. Lấy phí của dân rẻ tí đi. Chính phủ Hàn Quốc họ làm hộ chiếu mới 10 năm có 50 ngàn won = 900.000 VND.

Đại sứ quán Việt Nam làm hộ chúng tôi phí gấp 10 lần. Sợ hỏng hộ chiếu nên không bóc ra xem bên trong có gì đặc biệt hơn nước người ta không mà đắt giá quá ạ”.

 “Mong một ngày chúng ta không phải đấu tranh vì sự lạm quyền của các Đại sứ quán Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.

 …

Vân vân

Đều có tên, có tuổi, có bằng chứng cả. Thủ tướng có muốn đọc thêm thì cứ nhắn cho em một tiếng.

dien dan nguoi viet co tam anh huong tại paris 30 31 3 2019 rfa.jpeg
Những người tham gia Diễn đàn Người Việt tại Paris hồi tháng 3/2019

Ảnh RFA

Chiến đấu với “người nhà”

Khổ tâm quá thủ tướng ơi, ai đời người nhà với nhau mà các người nhà xa xứ cứ phải dùng từ “chiến đấu” để tả quá trình làm việc với nhân viên các sứ quán mãi thôi.

Tiếp tục trích:

“Em đã viết thư hỏi Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy hỏi về việc xin cấp lại giấy miễn thị thực qua bưu điện, nhưng họ nói phải lên làm trực tiếp. Em đã viết mail lại nói là trên trang web của Cục lãnh sự ghi rõ là được phép gửi qua bưu điện. Em sẽ chờ xem họ trả lời như thế nào để tiếp tục chiến đấu”.

“Lần trước em cũng bị làm khó, bắt lên nhận lại passport chứ không chịu gửi qua bưu điện về cho em, dù lúc nhận hồ sơ là nhận qua bưu điện. Sau đó email mãi mới chịu mà đòi giấy cam kết đủ kiểu. Em ủng hộ chị chiến đấu để họ không kiếm cách hành những đồng hương ở xa nữa”

“Lúc đó mình rất rất là bận rộn. Mình chiến đấu khoảng 3 tuần lễ gì đó. Mình cũng đăng bài lên đây cùng với bằng chứng này nọ, rồi mọi người cũng nói mình kiện lên nữa mà mình đâu có đủ thời gian, đến lúc mình nhận lại hồ sơ mình mail tiếp thì nhận lại sự thách đố đó đó. Mình cũng ghim trong lòng đợi đi Việt Nam về mình chiến đấu tiếp mà cuối cùng công việc lại cuốn trôi mình nên mình thôi để đó vì chỉ có lần này mình đi 3 tuần nên cũng bày đặt làm Miễn thịthực chứ mỗi năm mình đều đi Việt Nam nhưng chỉ đi đúng 2 tuần thôi. Vì vậy mình nghĩ nếu sau này mình đi hơn 2 tuần thì mình cũng sẽ làm e-visum chứ không cho bọn họ hành hạ & ăn thêm một đồng nào nữa”.

***

Đến đây em định nhắc lại vài con số và câu chuyện-ai cũng biết rồi ấy mà, chuyện năm ngoái trong mùa dịch các bác ngoại giao giải cứu kiều bào ấy. Cơ mà nghĩ lại thì hóa ra không phải ai cũng biết rồi, vì con số các bác nhân đạo bị bắt cứ vài ngày lại thấy tăng, nhỡ lơ đi ít lâu là thành người tối cổ ngay. Trích báo Thông tấn xã Việt Nam hôm 4/12 đã có 32 bị can bị bắt. “Chuyến bay giải cứu” vốn nhân đạo và hào hùng là thế, giờ gắn chết với cái danh Đại án.

Đại án Chuyến bay giải cứu, nghe mỉa mai và bất nhẫn làm sao!

Đã vậy, Bộ Công an còn nhấn mạnh họ đang mở rộng điều tra vụ án, nghĩa là tương lai gần sẽ còn có thêm củi trong chuyến bay giải cứu được vào lò.
Em tóm tắt cho thủ tướng đọc tí.

-Số bộ và cơ quan ngang bộ liên quan:  7 bộ. Gồm Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ban đối ngoại Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và đào tạo.

-Chức vụ cao nhất: Trợ lý phó thủ tướng thường trực Chính phủ, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Phó Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Phó trưởng phòng vận tải hàng không, Cục hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải.

Và tin nóng rừng rực thì vào tối 21/12/2022 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nguyên đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản ông Vũ Hồng Nam; khai trừ khỏi Đảng ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản), Lý Tiến Hùng, nguyên nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga; Nguyễn Lê Ngọc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; Vũ Ngọc Minh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola. Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Trần Việt Thái, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia. Cảnh cáo ông Nguyễn Hoàng Linh, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia...

Được tin này, chúng em vừa mừng vừa lo thủ tướng ạ. Mừng là vì những cái mặt thấy ghét đã được vào lò, trả giá cho sự hoạnh họe nhũng lạm, buôn bán làm giàu trên mồ hôi nước mắt, thân xác đồng bào mình. Chửa biết là có trả giá công bằng hay không nhưng như thế chúng em cũng được hả dạ vài phần.

Còn lo, là lo thế này. Cái ghế sứ quán không phải ai cũng ngồi vào được. Người ta đồn không con ông cháu cha, chạy ngược chạy xuôi, tiền bạc đấm mõm ních bụng thì chẳng bao giờ được điểm danh đi sứ. Đi sứ là đi làm kinh tế, ở tây tiền dễ kiếm, tiền của kiều bào càng dễ kiếm hơn. Cho nên vài cái ghế trống người đợt này chỉ càng làm dậy men phấn khởi của cả một đội quân đang xếp hàng chờ đi sứ. Họ có thể bịt mũi lặn sâu một hơi lúc đang đốt củi thế này, nhưng lò nào đốt được mãi. Đến lúc ấy họ ăn bù, ăn gấp, ăn bạo liệt hơn để bù những tháng ngày nín thở qua truông này thì kiều bào biết sống làm sao hở bác thủ ơi là bác thủ ơi!

Nguyễn Văn Mai

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn